5781 âm là gì

Lục Chủng Thành Tựu bao gồm: Văn thành tựu [tôi nghe: người nghe và thuật lại, chỉ cho Ngài A-nan]; Tín thành tựu [như thế này]; Thời thành tựu [một thuở nọ: chỉ cho thời gian nói ra bài kinh đó]; Chủ thành tựu [Phật : chỉ cho người chủ tọa nói bài kinh đó]; Xứ thành tựu [chỉ nơi chốn nói kinh]; Chúng thành tựu [chỉ cho đại chúng có mặt lúc đó để nghe kinh]. Lúc đó một bài kinh thường bắt đầu bằng câu “Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại ... dữ …. Vị tỳ kheo” nghĩa là “Tôi nghe như vậy, một thời Phật tại …. Giữa chúng Tỳ-kheo ….. vị”. Một thời gian dài người ta đều lấy Lục Chủng Thành Tựu là chứng tín để xác định đó là lời Phật dạy. Thế nhưng về sau có rất nhiều bài kinh mới xuất hiện do người đời sau thêm vào, thậm chí có những điều được những tôn giáo khác nói ra nhưng lại mang danh là do Phật nói hướng con người đến chỗ tà kiến, hiểu sai lệch về giáo pháp và khiến người thực hành theo phải lầm đường lạc bước. Dần dần Lục Chủng Thành Tựu không còn chính xác trong việc phân định kinh Phật nữa nên cần phải có một yếu tố khác để phân định.

Yếu tố đó chính là Tam Pháp Ấn, đó chính là ba điều ấn chứng: Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Nếu như bản kinh nào khế hợp với ba yếu tố này, hay khiến cho con người thấy rõ được ba yếu tố này thì đó là kinh điển của đạo Phật. Ngược lại nếu không hướng đến ba yếu tố này thì dù có câu “Như thị ngã văn …” hay “Phật thuyết ….” Cũng không phải là kinh điển của đạo Phật. Đặc biệt cũng có một số bài kinh không phải do Phật thuyết mà do người đời sau nói ra nhưng khế hợp với Tam Pháp Ấn nên cũng được xếp vào kinh điển của đạo Phật. Có thể kể đến như Lục Tổ Đàn Kinh [Pháp Bảo Đàn Kinh] của Lục Tổ Huệ Năng; Bát Đại Nhân Giác của Đại sư An Thế Cao; Lương Hoàng Sám của Đại sư Chí Công; Mi-tiên Vấn Đáp…. Qua đó ta cũng thấy được phần nào tầm quan trọng của Tam Pháp Ấn.

      Ngày xưa vào thời phong kiến, khi muốn đưa ra mệnh lệnh gì thì nhà vua viết ra một chiếu chỉ và đóng con dấu vào. Chiếu chỉ đó có thể thay thế cho lời nói của nhà vua, còn con dấu là thay thế cho chữ ký. Khi muốn nghe đọc chiếu chỉ đó thì phải quỳ xuống tiếp đón rất trân trọng, và xem chiếu chỉ đó thay cho sự có mặt của nhà vua. Trong đạo Phật cũng như vậy, Phật được gọi là Pháp Vương [Vua Pháp], những lời Phật nói ra là Pháp Bảo, Tam Pháp Ấn chính là con dấu. Hiện nay đức phật đã không còn, chỉ còn giáo pháp của Ngài tồn tại trên thế gian; vậy nên bài kinh nào khế hợp với Tam Pháp Ấn thì được xem là Pháp Bảo - một trong ba ngôi quý báu của đạo Phật. Nhờ có Tam Pháp Ấn mà người đời sau khi nghiên cứu kinh điển không bị lầm đường lạc lối, rơi vào những kinh điển của ngoại đạo tà giáo.

  1. Vô thường:

Pháp Ấn đầu tiên chính là Vô Thường. Vô nghĩa là không, Thường nghĩa là thường còn, tồn tại mãi mãi. Vô Thường nghĩa là không có gì thường tồn, bất biến tồn tại mãi mãi mà tất cả các pháp đều luôn luôn thay đổi, biến hoại. Vô thường có thể được hiểu trên ba lĩnh vực.

Thứ nhất là thân vô thường. Thân con người từ lúc sinh ra, lớn lên rồi già đi luôn luôn biến đổi. Vẫn là một con người đó nhưng lúc mới sinh hình dáng thân thể khác với lúc mười tuổi, hai mươi tuổi, ba mươi tuổi. Cũng là con người đó nhưng lúc mở mắt chào đời, cất tiếng khóc đầu tiên khác hoàn toàn với lúc trút hơi thở cuối cùng. Cũng là con người đó khi khỏe mạnh thì đi đứng khoan thai, sức mạnh cường tráng, khác với khi bệnh thì bước đi không vững, cơ thể mỏi mệt, rã rời. Chúng ta nhận định về thân Vô Thường không phải diễn ra trong thời gian đời người dài một trăm năm mà là vô thường diễn ra trong từng giây từng phút. Trong cơ thể ta mỗi giây có biết bao nhiêu tế bào chết đi và bị thay thế bởi những tế bào khác mới sinh ra. Quán sát được sâu sắc như thế mới thấy được tính vô thường của thân người.

Thứ hai là tâm vô thường, tâm con người thay đổi liên tục, giây phút trước còn vui, giây sau đã buồn. Hôm nay an lạc hạnh phúc nhưng ngày mai gặp điều không như ý thì lại rơi vào cảnh buồn rầu đau khổ. Chư Tổ sư đã dùng “Tâm viên ý mã” để chỉ cho cái thay đổi liên tục trong tâm ý con người. Tâm giống như những con khỉ đu dây chuyền cành, chuyền từ cành này qua cành kia một cách nhanh chóng không thể bắt được, tâm cũng giống như đàn ngựa hoang không người nài giữ khiến nó chạy đi khắp nơi.

Thứ ba là hoàn cảnh vô thường, nghĩa là môi trường sống xung quanh ta thay đổi liên tục. Nên có câu “Bể biển nương dâu” khi thì biển tiến lên làm ngập hết những bãi cát, khi biển rút xuống để lộ ra những bãi triều rồi biến thành nơi con người trồng dâu nuôi tằm. Môi trường bên ngoài thay đổi cũng tác động mạnh mẽ đến con người, khi thì ở trong nhà cao cửa rộng, lúc thất thế thì bán sạch cửa nhà mà ra đường xin ăn. Lúc thì lên xe xuống ngựa, đi đâu cũng có người đưa kẻ đón, lại có lúc đi về một mình không ai thèm đoái hoài. Lúc thì được người tuyên dương ca ngợi, khi lại bị kẻ mắng người chê. Nên đã có câu nói vui:

“Còn thời cưỡi ngựa bắn cung,

hết thời cưỡi khỉ lấy dây thun bắn ruồi”.

Câu nói tuy nhẹ nhàng vui tươi nhưng cũng đã khái quát được tính vô thường của cuộc đời.

  1. Khổ:

Chính vì không quán xét và thấy rõ được tính vô thường của thân, tâm và hoàn cảnh nên con người mới rơi vào khổ cảnh. Khổ có nghĩa là cay đắng, khổ đau, bức bách, khó chịu,…. Nếu nói về khổ thì thế gian có rất nhiều cảnh khổ nhưng tựu chung lại và thường được nhắc nhiều nhất là có tám thứ khổ. Thứ nhất là sinh khổ, một đứa trẻ vừa mới sinh ra thì nó liền khóc, vì sao nó lại khóc? Vì nó cảm nhận được sự khổ đau đầu đời nên mới khóc. Quả thật vậy khi sinh thì cả mẹ và con cùng khổ, lúc chưa sinh thì người mẹ phải mang nặng tám tháng, mọi sinh hoạt đều khó khăn, đứa con thì bị bao bọc trong một bức màng u tối; khi mẹ ăn đồ nóng lạnh thì đứa con đều bị ảnh hưởng. Lúc sinh ra thì nỗi đau của người mẹ như đứt ruột, đứt gan, đứa con lúc ra khỏi thân người mẹ cũng phải chịu khổ không kém. Đó chính là đau khổ khi sinh.

Tương tự như sinh thì khi lão, bệnh và tử cũng đem đến cho con người những đau khổ tương tự. Khi thân con người bắt đầu già đi thì mắt bắt đầu mờ, tai bắt đầu lãng, tóc thì bạc, răng thì rụng, tay chân lúc này bủn rủn đi lại khó khăn. Từ già bắt đầu dẫn đến bệnh, khi bệnh thì cơ thể đau đớn, tinh thần hoảng hốt, ăn không ngon miệng, ngủ không yên giấc, trong lòng lúc nào cũng bồn chồn lo lắng. Có người bệnh nặng nằm liệt một chỗ, không người chăm sóc, tiêu tiểu tại chỗ, lúc đó cuộc sống như là cực hình, muốn cái chết đến như một sự giải thoát mà cũng không được. Thế nhưng cuối cùng thì cái chết cũng sẽ đến, lúc chết là lúc đau khổ nhất. Trong kinh thường hay diễn tả cái đau khổ của con người lúc chết cũng giống nỗi đau của con rùa bị lột mai, con rùa bị lột mai đau đớn như thế nào thì con người lúc chết cũng đau đớn y như vậy. Có người được trải qua cả bốn giai đoạn của đời người thì được xem là hạnh phúc, nhưng cũng có người mới sinh chưa già bệnh mà đã chết, có người mới bệnh chưa già cũng chết. Có người gặp tai nạn nước trôi, lửa cháy, tai nạn giao thông, tai nạn lao động chết bất ngờ, chết trong cảnh mờ mờ mịt mịt, không biết mình đã chết thì càng khổ hơn. Đó là những nỗi khổ về già, bệnh và chết.

Tiếp nữa là “Ái biệt ly” và “Oán tắng hội” khổ, có nghĩa là người thương mà phải chia lìa, người oán ghét mà lúc nào cũng phải gặp gọi là khổ. Ví dụ như những cặp đôi yêu nhau mà lại thấy người mình yêu đi với người khác thì vô cùng khổ. Hoặc trong gia đình những người thân thương như cha mẹ, vợ chồng, con cái một ngày nào không còn ở với mình nữa, mình không còn được gặp mặt nữa thì cũng rất khổ. Ngược lại những người có oán thù với nhau mà phải ở chung nhà với nhau, mỗi ngày đi ra đi vào đều phải thấy mặt nhau, hễ mỗi lần thấy mặt là lại phát sanh việc cãi vã, gây gổ cũng thật là khổ. Cái khổ thứ bảy là “Cầu bất đắc” khổ, nghĩa là những mong cầu, ước muốn của mình không được đáp ứng. Mình muốn có của cải vật chất nhưng không ai cho, mình muốn đạt được địa vị chức quyền cũng không ai ủng hộ. Cuối cùng là “Ngũ ấm xí thạnh khổ”, năm ấm này là những yếu tố hình thành nên sắc thân và tinh thần của con người. Sắc ấm thuộc về vật chất chính là thân thể con người. Thọ, tưởng, hành, thức thuộc về tinh thần cấu tạo nên bộ máy tâm thức của chúng ta. Ví như sắc thân này muốn gì không cần biết đúng sai thì ta liền cung cấp cho nó, hay ý nghĩ trong tâm thức ta khởi lên điều gì không cần biết phải hay trái thì ta liền đáp ứng ngay có nghĩa là chúng ta đã bị năm uẩn sai sử, khiến phải phục vụ cho nó, như vậy chắc chắn sẽ đưa ta đến chỗ khổ đau, đọa lạc. Trên đây là tổng quan về tám thứ khổ của cuộc đời.

Ngoài ra còn có Tam Khổ bao gồm khổ khổ, hành khổ và hoại khổ. Khổ khổ nghĩa là những sự đau khổ, khó khăn, đau đớn chồng chất lên nhau. Ví như có thân người này là khổ mà lại phát sinh thêm những tướng trạng tâm lý chi phối đời sống con người và khiến con người bất an như buồn, vui, giận, mừng, thương, ghét,… là chồng thêm một nỗi khổ. Hành khổ nghĩa là những sự vô thường, biến chuyển của các pháp mà sanh khổ não như sự biến chuyển của sắc thân con người từ trẻ đến già hay sự biến chuyển trong tâm con người từ vui đến buồn. Hoại khổ là những việc hài lòng thuận ý, những việc vui thú mà phải mất đi, hủy hoại đi cũng sinh ra khổ như việc mất mát của cải tài sản vật chất, mất địa vị và đau đớn nhất là lúc mạng sống chấm dứt. Đó là ba thứ khổ.

  1. Vô ngã:

Từ vô thường con người ta mới thấy được cuộc đời này là khổ và từ khổ chúng ta cũng chợt nhận ra vạn sự vạn vật trên thế gian là vô ngã, không có thật tướng nhất định. Mọi sự, mọi vật đều do nhân duyên mà có hợp có tán. Khi đủ duyên thì hình thành, khi hết duyên thì tan rã như thân con người ban đầu thì mượn duyên tinh cha, huyết mẹ rồi mượn những yếu tố thuộc tứ đại mà hình thành. Da thịt là mượn từ địa đại, máu là mượn từ thủy đại, hơi ấm là hỏa đại, không khí lưu chuyển là phong đại. Nếu tứ đại đều hòa thì cơ thể khỏe mạnh; ngược lại tứ đại không hòa thì thân còn người liền phát sinh ra bệnh tật. Đến một ngày đẹp trời tứ đại tan rã, da thịt trả lại cho đất, máu trả về cho nước,…. Thì thân xác con người cũng tan rã theo.

Theo tư tưởng của Bát Nhã Tâm Kinh thì con người được cấu thành bởi hợp thể ngũ uẩn, nhưng chính ngũ uẩn cũng không có thật tướng nhất định “Ngũ uẩn giai không”. Từ đó thấy rõ tính vô ngã trong con người. Con người đã là vô ngã thì những sở hữu trực thuộc con người hay cả thế giới sơn hà đại địa tồn tại thông qua nhận thức của con người được gọi là ngã sở cũng là vô ngã luôn. Thế nhưng con người vì không thấy được tính vô ngã và vô ngã sở này nên thường có tâm lý bám chấp cho rằng đây là tôi, đây là những sở hữu của tôi từ đó mà phát sinh ra đau khổ. Ví dụ như nếu nói thân này là của tôi. Nếu thân này là của mình thì mình làm chủ và mình phải hoàn toàn điều khiển được nó, nhưng chúng ta có làm chủ được nó không? Chúng ta quy định cho nó “Cái thân kia! Mi phải trẻ mãi không được già, mi phải khoẻ hoài không được bệnh và mi phải sống hoài không được chết” Nhưng nó có nghe lời mình không, già nó vẫn già, bệnh nó vẫn bệnh, chết nó vẫn chết như vậy mình đâu phải là người làm chủ. Từ thân người mà suy ra vạn sự vạn vật cũng như vậy, qua đó để nhận chân cho rõ nhân loại vạn hữu thảy đều là vô ngã.

Trong kinh Bát Đại Nhân Giác có đoạn “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã” đã khái quát được tính chất của Tam Pháp Ấn. Đây là giáo lý rất quan trọng trong đạo Phật. Nếu người tu hành nhận rõ được ba điều này, thấy được thật tướng đời sống là vô thường, khổ, vô ngã từ đó không còn bám víu vào những giá trị tạm bợ trên cuộc đời nên hướng mình thẳng tiến trên đạo lộ giải thoát giác ngộ, thoát ra khỏi lục đạo sanh tử luân hồi.

Chủ Đề