Báo cáo công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

  • 970 ngày trước
  • đăng bởi Admin

Khái quát chung về Di sản và công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản

Quần thể danh thắng Tràng An nằm ở cực Nam của đồng bằng Châu thổ sông Hồng,  có diện tích 12.252 ha, chiếm hầu hết khối đá vôi Tràng An với tuổi địa chất trên 250 triệu năm và trải rộng trên địa bàn 20 xã, phường thuộc 05 huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình, bao gồm 3 khu bảo tồn: Cố đô Hoa Lư, khu Danh thắng Tràng An -Tam Cốc - Bích Động và Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư.

Tại kỳ họp thứ 38, Ủy ban Di sản Thế giới đã ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới theo ba tiêu chí nổi bật toàn cầu, bao gồm:

Tiêu chí  [v] “ là thí dụ nổi bật về truyền thống cư trú và sử dụng đất của loài người, đại diện cho sự tương tác của con người với môi trường ”;

Tiêu chí [vii] “ chứa đựng các hiện tượng siêu nhiên hoặc các khu vực có vẻ đẹp tự nhiên và giá trị thẩm mỹ đặc biệt ” và;

Tiêu chí [viii] “ là thí dụ nổi bật đại diện cho các giai đoạn lịch sử chính của trái đất, bao gồm các bằng chứng về sự sống, các quá trình địa chất quan trọng đang diễn ra trong quá trình tiến hoá của cảnh quan hoặc các đặc điểm địa mạo hay thuỷ văn nổi bật ”.

Quần thể danh thắng Tràng An được ghi danh vào Danh sách Di sản Thế giới đã khẳng định chủ trương bảo tồn các giá trị văn hóa và cảnh quan tự nhiên gắn với phát triển du lịch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh là hoàn toàn đúng đắn, khẳng định công sức gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản của các thế hệ người dân Ninh Bình, sự giúp đỡ và quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành ở Trung ương, các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Để khẳng định những cam kết, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị và chuyển giao Di sản cho các thế hệ tương lai theo đúng tinh thần Công ước Di sản Thế giới, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương trong khu Di sản làm tốt công tác quản lý, bảo tồn gắn với phát huy giá trị Di sản. Các nghị quyết, quy định, kế hoạch về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị  Di sản đã được các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả cao, đồng thời các cơ quan chức năng đã chủ động, tham mưu, đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn Di sản gắn với phát triển du lịch bền vững. Đến nay, qua hơn năm thứ 5 Quần thể danh thắng Tràng An được ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản đã thu được các kết quả tích cực: Các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản được tôn trọng và gìn giữ; sự phối hợp giữa các sở, ngành, chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn di sản trong bảo tồn Di sản gắn với phát triển du lịch bền vững ngày một chặt chẽ; nhận thức trong cộng đồng về vai trò và tầm quan trọng của Di sản đã được nâng lên rõ rệt; chất lượng nguồn nhân lực trong quản lý Di sản đáp ứng được các yêu cầu quản lý; hệ thống núi đá, rừng đặc dụng, hệ sinh thái, các di tích khảo cổ học, di tích lịch sử văn hóa được bảo vệ tốt; an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, hạ tầng du lịch được đảm bảo và duy trì; văn hóa, văn minh du lịch đã được nâng cao, công tác phục vụ, đón tiếp khách đã cơ bản đi vào chuyên nghiệp; công tác quảng bá xúc tiến du lịch luôn được chú trọng, các khu, điểm du lịch trong khu Di sản đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân thúc đẩy phát triển du lịch trong toàn tỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh từ nền kinh tế "Nâu" sang nền kinh tế "Xanh", tạo nền tảng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Các giải pháp chính đã thực hiện   

Để có được kết quả này, trong nhiều năm qua, Tỉnh Ninh Bình luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, đồng hành của các cơ quan Trung ương, các bộ, ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, làm giàu các giá trị của Di sản, nhận diện các nhân tố tác động tiêu cực đến Di sản trước những tác động của thiên nhiên và con người, thực hiện diễn giải Di sản, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò và tầm quan trọng của Di sản, gắn bảo tồn với phát triển, kết quả này trong công tác quản lý, bảo tồn di sản của Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã được ghi nhận trên các giải pháp sau:

Giải pháp về chỉ đạo, điều hành

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị Quyết chuyên đề số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, trong đó xác định: Di sản là nguồn tài nguyên quý giá đối với phát triển du lịch Ninh Bình, có vai trò là hạt nhân, thúc đẩy nhiều nghành, lĩnh vực phát triển; Các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản phải được tôn trọng, giữ gìn, bảo tồn và phát huy với các tiêu chuẩn cao nhất; Bảo vệ và phát huy hiệu quả, bền vững các giá trị Di sản là trách nhiệm của các cấp, các nghành, đơn vị, doanh nghiệp và của nhân dân trong tỉnh; Phát triển du lịch trong khu Di sản phải phù hợp với Quy hoạch chung, Kế hoạch quản lý Di sản và Quy hoạch phát triển kinh tế -  xã hội của tỉnh, gắn với quốc phòng, an ninh, đảm bảo nguyên tắc bền vững, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; Đa dạng hóa các loại hình du lịch gắn với Di sản theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; Nâng cao giá trị văn hóa trong các sản phẩm dịch vụ -  du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động du lịch và bảo tồn Di sản; Tăng cường quản lý Nhà nước về Di sản và du lịch, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển du lịch với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân trong vùng Di sản. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 09/3/2017 thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương.

Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 1503-QĐ/TU ngày 14/10/2014 về việc thành lập Ban chỉ đạo bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng Ban chỉ đạo để chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng Quy hoạch tổng thể, Kế hoạch quản lý, thực hiện các dự án nghiên cứu, trùng tu, bảo tồn, tôn tạo các giá trị của Di sản, đảm bảo theo các yêu cầu, khuyến nghị của UNESCO và các quy định của luật pháp Việt Nam.

Giải pháp về quy hoạch, kế hoạch.

Tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với Viện Quy hoạch Đô thị và Phát triển Nông thôn – Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan xây dựng Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An, được Thủ tướng Chính phủ ban hành kềm theo Quyết định số 230/QĐ-Ttg ngày 04/02/2016. Đây là cơ sở để chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý kiến trúc, quy hoạch, xây dựng của tỉnh Ninh Bình, xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch và quản lý đầu tư xây dựng, cấp phép xây dựng mới, cải tạo chỉnh trang các công trình kiến trúc, thiết kế cảnh quan trong Quần thể danh thắng Tràng An và làm căn cứ để xác lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, các quy hoạch chuyên ngành.

UBND tỉnh Ninh Bình Ban hành Quyết định 1261/QĐ-UBND ngày 16/11/2015 về việc phê duyệt Kế hoạch quản lý Quần thể danh thắng Tràng An giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030. Trên cơ sở các quy định và yêu cầu của Hướng dẫn thực hiện Công ước và pháp luật liên quan của Việt Nam, Kế hoạch xác định một cách toàn diện những vấn đề về tầm nhìn, nguyên tắc định hướng cơ bản của việc bảo vệ, quản lý, các mục tiêu cùng các hoạt động liên quan đến việc bảo vệ, sử dụng bền vững, giữ gìn và phát huy giá trị khu di sản, đặc biệt là giải quyết tốt vấn đề về quản lý du lịch và khảo cổ học. Kế hoạch đã chỉ ra khoảng 40 nhân tố ảnh hưởng tới khu di sản cần có các biện pháp can thiệp và xử lý. Kế hoạch này là nền tảng, cơ sở pháp lý và khoa học quan trọng giúp cho các cơ quan quản lý tỉnh Ninh Bình và các bên liên quan đưa ra các chính sách và kế hoạch hành động cụ thể, đồng thời cải thiện và tinh chỉnh cách thức quản lý của mình để quản lý, bảo vệ khu di sản được tốt hơn, chuẩn xác hơn trong những năm tới, đồng thời khẳng định cam kết, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam trong việc bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo, giới thiệu, phát huy giá trị và chuyển giao Di sản cho các thế hệ tương lai theo đúng tinh thần Công ước Di sản Thế giới.

Từ thực tiễn quản lý Di sản trong thời gian qua, để đảm bảo thống nhất các lĩnh vực trong quản lý, bảo tồn Di sản và xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền cụ thể cho các sở, ngành, UBND các cấp, trên cơ sở các quy định đã được ban hành, UBND tỉnh Ninh Bình đã Ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 về việc ban hành quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Các nghị quyết, quy định đã tạo nền tảng công cụ quản lý, đảm bảo một cơ chế tư vấn hợp lý giữa các cơ quan quản lý để đảm bảo một cách tiếp cận cân bằng giữa phát triển du lịch với quản lý di sản và bảo tồn thiên nhiên

Giải pháp về quản lý Di sản và khai thác du lịch có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân

Hình thức này được thực hiện trên nền tảng 4 chủ thể: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân, với các phương châm cơ bản: Biến di sản thành tài sản; biến văn hóa thành hàng hóa; biến tài nguyên thành tài chính; biến nguồn lực thành động lực; biến đổi môi trường thành thị trường; biến giá trị thành giá cả. Sau hơn năm năm Quần thể danh thắng được ghi danh là Di sản Thế giới, giải pháp này thực sự đã phát huy được hiệu quả và tính ưu việt trong khai thác du lịch gắn với bảo tồn Di sản, thể hiện ở các mặt sau:

- Huy động được các nguồn lực của nhiều thành phần kinh tế trong đầu tư hạ tầng du lịch, hạ tầng dân sinh, các doanh nghiệp chủ động triển khai các dự án nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn phát triển du lịch với bảo tồn Di sản;

- Huy động được nguồn lao động nhàn rỗi, dôi dư trong cộng đồng dân cư trong khu Di sản tham gia vào các hoạt động du lịch, góp phần nâng cao thu nhập vật chất và tinh thần cho người dân;

- Cộng đồng dân cư được tham gia vào việc hoạch định các cơ chế, chính sách, tham gia quản lý Di sản, hưởng lợi từ di sản, hình thành sự cân bằng giữa bảo tồn và đảm bảo sinh kế người dân, tiến tới xây dựng cộng đồng trở thành “Trung tâm” trong công tác bảo vệ Di sản.

Giải pháp về tổ chức và đào tạo nguồn nhân lực

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với quan điểm du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Ngày 29/3/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 506/QĐ-UBND về việc chuyển quyền quản lý Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An về Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, đồng thời UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 23/2017/QĐ-UBND ngày 14/8/2017 về việc bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Sở Du lịch Ninh Bình. Do đó, bộ máy, tổ chức quản lý của Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã đảm bảo tinh gọn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và gìn giữ Di sản, thực hiện đầy đủ các chức năng nhiệm vụ của tổ chức được giao quản lý, sử dụng Di sản thế giới theo Quy định tại Điều 15, Điều 16 của Nghị định số 109/NĐ-CP ngày 21/9/2017 của Chính phủ về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quản lý Di sản là một trong những ưu tiên của các sở, ngành của tỉnh. Các sở, ngành của tỉnh đã luôn tạo điều kiện hỗ trợ cho các cán bộ được tự học, tự tham gia các khóa đào tạo chuyên ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, quản lý các di tích khảo cổ, quản lý môi trường và cảnh quan và các hoạt động du lịch. Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn được thông qua việc cử cán bộ tham dự các hội nghi, hội thảo chuyên đề trong nước và quốc tế. Đáng chú ý là công tác đào tạo tại chỗ thông qua dự án nghiên cứu cách thích ứng của người tiền sử đối với những biến đổi về khí hậu, cảnh quan và môi trường tại khu Di sản. Từ năm 2015 đến nay, 08 thành viên của Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã được đào tạo tại chỗ với các nhà khảo cổ học Việt Nam và quốc tế về khảo sát thực địa đánh giá tiềm năng các di tích khảo cổ học, kỹ thuật khai quật, nhận biết hiện vật khai quật và tổ chức điều tra, khai quật trên thực địa. Do đó chất lượng nguồn nhân lực đã từng bước được nâng lên, đáp ứng được các yêu cầu quản lý, bảo tồn và nghiên cứu khoa học trong khu Di sản.

Giải pháp về bảo vệ cảnh quan, môi trường và hạn chế các tác động đến các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản.

Thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc ban hành quy chế quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản, các sở, ngành, chính quyền các địa phương trong khu Di sản và Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An giao thường xuyên tuần tra, giám sát, kịp thời phát hiện xử lý và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo tồn khu Di sản. Do đó, cảnh quan môi trường khu Di sản luôn được đảm bảo và duy trì; hệ thống các hang động, núi đá, rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt, các hành động chặt cây làm củi, săn bắn động vật hoang dã, khai thác đá cảnh hoặc làm vật liệu xây dựng đã hoàn toàn được chấm dứt; các yếu tố gây ô nhiễm môi trường như nước thải, rác thải…xuất phát các hoạt động du lịch và đời sống dân sinh được xử lý cơ bản triệt để, hệ sinh thái được bảo vệ đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, số lượng các loài chim, cò, khỉ…đã tăng lên đáng kể, góp phần quan trọng xây dựng hình ảnh của một môi trường thiên nhiên của khu Di sản tràn đầy sức sống.

Đến nay, tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo Sở Du lịch hoàn thành một phần dự án nghiên cứu đánh giá môi trường tổng thể liên quan đến sức tải khách du lịch, xác định hạn mức tối đa khách du lịch và đưa ra các dự báo, nhận diện các nhân tố tiêu cực đến Di sản, đề ra các giải pháp hạn chế tối đa các tác động môi trường và tác động di sản từ các hoạt động du lịch, đồng thời tăng cường việc đôn đốc, hướng dẫn các khu điểm du lịch hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường và các điều kiện cần thiết khác, chủ động theo dõi tình trạng môi trường, phối hợp huy động các nguồn lực nhằm ứng phó, khắc phục ô nhiễm môi trường do sự cố môi trường gây ra, đảm bảo quản lý môi trường một cách hiệu quả nhất.

Đối với các dự án phát triển tại vùng đệm, trước khi triển khai, các sở, ngành thường xuyên tham vấn các chuyên gia, các nhà khoa học, đánh giá sự phù hợp của dự án theo các quy định về quản lý Di sản như: Quyết định 230/QĐ-TTg ngày 04/2/2016 về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình, Kế hoạch quản lý Di sản, các yêu cầu, khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới, công bố công khai dự án tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo đúng các quy định tại Nghị định 166/2018/NĐ-CP ngày 35/12/2018 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Giải pháp phổ biến kiến thức pháp luật và nâng cao nhận thức cộng đồng :

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng và lợi ích mà Di sản Thế giới mang lại, trong những năm qua nhiều hoạt động tuyên truyền đã được các sở, ngành, chính quyền các địa phương liên quan thực hiện bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú như tuyên truyền miệng, được thông qua các hội nghị phổ biến kiến thức pháp luật, các hội thảo, các buổi giao ban, họp thôn, tổ dân phố, thông qua các chi hội, đoàn thể…, lồng ghép với tuyên truyền trực quan: Kẻ vẽ, chăng treo băng zôn, pa nô, áp phích, khẩu hiệu, bảng cổng trào điện tử, màn hình led...tại các khu vực trung tâm, khu tập trung đông dân cư và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những hoạt động này đã thu được nhiều kết quả đáng mừng, khơi dậy tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc, cộng đồng đã ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ giữ gìn di sản

Bài học kinh nghiệm

- Bám sát sự chỉ đạo của Đảng và sự điều hành của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, triển khai nghiêm túc và đồng bộ các quy định về quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản từ trung ương đến địa phương;

- Xuất phát từ thực tế quản lý của địa phương, chủ động tham mưu ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quy chế, đề án, kế hoạch, các văn bản quản lý Di sản gắn với phát triển du lịch, tạo sự cân bằng giữa bảo tồn Di sản và khai thác du lịch;

- Tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế trong việc điều chỉnh, lập và triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo di tích, đầu tư hạ tầng du lịch, nghiên cứu khoa học và xúc tiến, quảng bá Di sản.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý Di sản ngày càng chuyên nghiệp, chủ động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm quản lý Di sản trong và ngoài nước.

- Xây dựng cộng đồng dân cư sinh sống trong khu Di sản là trung tâm trong công tác bảo tồn Di sản, biến họ thành “tai, mắt” trong công tác quản lý Di sản để Di sản phải “sống” cùng với sinh kế của cộng đồng địa phương,

- Đồng hành cùng doanh nghiệp, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, để họ không chỉ là doanh nghiệp “khai thác” mà còn là doanh nghiệp “bảo tồn”, thực hiện bảo tồn để phát triển.

Các giải pháp trong thời gian tới

Trong thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý Di sản và tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định có liên quan đến quản lý, bảo vệ di sản theo yêu cầu và khuyến nghị của UNESCO, đặc biệt là những chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Ninh Bình về bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch, cần tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:

1. Kịp thời điều chỉnh, bổ sung những văn bản pháp lý cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Di sản gắn với đời sống và sinh kế của cộng đồng. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong vùng di sản đến chính quyền các cấp và người dân địa phương để họ hiểu đúng các chính sách đã ban hành, hiểu rõ về vai trò và tầm quan trọng của Di sản và cùng tham gia quản lý, bảo vệ Di sản trước những tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp đến Di sản.

2. Định kỳ đánh giá tác động môi trường trong quần thể khu di sản, đặc biệt là các dự án đầu tư phát triển du lịch tại các khu, điểm du lịch quan trọng. Nghiên cứu các giải pháp cụ thể để điều tiết lượng khách tham quan và quy hoạch phát triển dịch vụ du lịch phù hợp với khả năng chịu tải của tài nguyên và môi trường di sản để giảm thiểu tối đa những tác hại từ các hoạt động du lịch đến di sản.

3. Phát huy vai trò của cộng đồng địa phương và doanh nghiệp trong việc giữ gìn và phát huy bền vững các giá trị di sản, lấy cộng đồng địa phương làm trung tâm của di sản, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng phát triển sinh kế đa ngành nghề dựa vào việc khai thác các giá trị tự nhiên và văn hóa bản địa trong vùng di sản. Triển khai xây dựng cơ chế đặc thù để người dân có thể tham gia vào các hoạt động phát triển du lịch như: hỗ trợ cho vay vốn với lãi xuất ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, kĩ năng, nghiệp vụ du lịch và một số loại hình doanh dịch vụ du lịch khác phù hợp với địa phương.

4. Huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước - doanh nghiệp và cộng đồng địa phương, đặc biệt là lợi ích giữa các bên khi cùng chung tay tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản. 

5. Tăng cường trao đổi, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế về nghiên cứu khoa học làm sáng tỏ những giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa, địa chất địa mạo, khảo cổ học, đa dạng sinh học… dưới nhiều hình thức đa dạng. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ cho công tác quản lý di sản. Từ đó nâng cao năng lực quản lý cho các cán bộ chuyên môn phụ trách ở các cấp.

Quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An được tỉnh Ninh Bình xác định là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của toàn thể nhân dân trong tỉnh [Nghị Quyết 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh Ninh Bình]. Trên cơ sở thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An, Kế hoạch quản lý Di sản, kinh nghiệm quản lý Di sản, các giải pháp và hành động cụ thể đã được cụ thể hóa trong các nghị quyết, quy định của Tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình có trách nhiệm và cam kết mạnh mẽ trong công tác quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy các giá trị của Di sản, bảo đảm tính toàn vẹn, các Giá trị nổi bật toàn cầu để trao truyền cho các thế hệ mai sau theo đúng tinh thần của Công ước Di sản Thế giới./.

Phạm Sinh Khánh

Video liên quan

Chủ Đề