Cách xử lý khi ngâm sấu bị nổi váng

Nước sấu ngâm đường là món giải nhiệt mùa hè nóng nực quen thuộc và các bà nội trợ cần nắm những bí quyết ngâm sấu giòn ngon, không bị nổi váng.

Sấu là một trong những thứ quả đặc trưng không thể thiếu của mùa hè. Ảnh: Hải Ngọc

Nguyên liệu

Sấu: 1kg [Chỉ nên chọn những quả sấu già vừa phải, tránh những quả dập, nát hay bị thối].

Đường: 1kg [Có thể chọn đường vàng hay đường trắng tùy thích].

Gừng: 2 - 3 củ.

Lọ đựng bằng thủy tinh hoặc bằng nhựa [Rửa sạch và phơi khô bình trước].

Sơ chế sấu

Sau khi mua sấu về, bạn đem sửa sạch rồi dùng dao cạo vỏ sấu. Bạn nhớ là khi cạo vỏ đến đâu thì cho ngay vào chậu nước muối loãng để sấu không bị thâm vỏ.

Sau khi cạo xong rửa sạch, dùng dao nhỏ khía quanh quả sấu theo hình xoắn ốc, làm như vậy sẽ giúp món sấu ngâm đường nhanh được ăn hơn. Chú ý làm thật khéo léo để phần vỏ không bị đứt ra khỏi hạt.

Hoặc cũng có thể khía theo hình múi cam, cách này sẽ nhanh hơn. Khi khía xong quả sấu nào, cho ngay vào nước muối loãng để sấu không bị thâm. Sau đó, mang sấu đi xả với nước lạnh cho sạch.

Ngâm sấu cần bí quyết để sấu không bị nổi váng. Ảnh: Hải Ngọc

Khi áp dụng cách ngâm sấu giòn và ngon này thì cần làm thêm một bước nữa đó là đun sôi một nồi nước và chần qua sấu cho tới khi quả sấu ngả màu vàng thì tắt bếp. Sau đó, đổ sấu ra rá cho nguội và khô hết nước. Việc chần qua sấu sẽ giúp món sấu ngâm đường của bạn giòn hơn và không bị nổi váng.

Cách ngâm sấu ngon và giòn

Có 2 cách ngâm sấu ngon và giòn, không bị váng. Các mẹ hoàn toàn có thể áp dụng một trong hai cách này mà vẫn đảm bảo được rằng hũ sấu ngâm đường của bạn sẽ giòn ngon đúng vị.

Cách 1:

Cho 1 lớp sấu vào bình, sau đó đổ 1 lớp đường lên, cứ như thế cho đến khi hết sấu và đường là xong. Để bình ở nơi khô ráo và đậy kín khoảng 1 ngày cho đường tan hết và ngấm vào sấu. Khi đó, còn một lượng nhỏ đường chưa tan sẽ chìm xuống dưới đáy.

Chắt hết nước sấu ra một chiếc nồi, thêm một ít muối và đun sôi lên, thả thêm một ít gừng đập dập vào cho thơm. Đun sôi nước sấu khoảng 3 phút thì tắt bếp và đợi cho nước nguội rồi đổ trở lại bình ngâm cùng với sấu.

Cách 2:

Có thể nấu sôi nước đường trước khi cho sấu vào ngâm. Với cách làm này thì đảm bảo là món sấu ngâm đường sẽ không bao giờ bị đóng váng. Khi nước đường sôi, thả gừng đã đập dập vào cho thơm sau đó tắt bếp. Chờ cho nước nguội hoàn toàn thì bắt đầu đổ sấu vào ngâm.

Sấu là loại quả được nhiều người thích vào mùa hè. Khi trời nắng như đổ lửa, có ly nước sấu đá mát rượi, chua chua để thưởng thức quả thật không có gì bằng. Ngoài việc uống ở các cửa hàng giải khát thì hiện nay mọi người cũng tranh thủ ngâm sấu tại nhà để thưởng thức.

Mới đây, một cư dân mạng chia sẻ hình ảnh về sản phẩm sấu sau khi ngâm. Bà nội trợ này cho hay, cả chiều làm bình sấu ngâm cho cả nhà thưởng thức, không ngờ mấy hôm sau mở ra xem thì thành nông nỗi này. Hình ảnh chụp cho thấy bình sấu đã bị mọc lông khá đáng sợ, dường như các quả sấu đã bị mốc. Chắc chắn với tình  trạng này thì bà nội trợ sẽ phải đổ cả bình sấu mất nhiều tâm huyết để làm.

Các chị em có kinh nghiệm ngâm sấu đã nhận biết nguyên nhân của tình trạng này. Vấn đề xuất phát từ việc bà nội trợ này không cho nhiều đường vào trong bình ngâm. 

"Khi ngâm sấu, không  nên tiếc đường mà phải cho thật nhiều đường vào kèm ít gừng. Khi nước ngấm hết đường thì phải cho thêm đường. Nếu tiết kiệm đường dễ bị mốc. Khi ngâm phải để sấu khô róc hết nước mới không bị váng mốc", một cư dân mạng chia sẻ.

Có người chia sẻ kinh nghiệm: "Sấu ngâm một ngày xong phải chắt nước ra đun sôi lên, để nguội rồi lại cho quả vào ngâm tiếp, làm như thế ko bị mốc, nổi váng".

"Sấu cạo sạch trần qua nước sôi để nguội xuống còn 40-50 độ, đổ ra rổ cho thật ráo. Vệ sinh sạch lọ phơi khô. Cứ 1kg đường - 1kg sấu, lần lượt từng lớp cho đến hết cuối cùng là đổ 1kg đường bên trên nhé. Hôm sau lấy đũa đảo từ dưới lên trên và mỗi ngày 1 lần lắc nhẹ bình sấu để quả bên trên được ngấm đường", một người có kinh nghiệm khác chia sẻ để tránh bị mốc.

Ngoài bị mốc meo như thế này, tình trạng mà các bà nội trợ ngâm sấu thường gặp nữa là bên trong bình ngâm nổi váng. Nổi váng hay dân gian còn gọi là sủi bọt lên khi ngâm. Đó là lớp váng màu trắng nổi lên phía trên, nó bọt bọt giống như bị lên men. Đó là phần lên men của một số vi khuẩn, nấm do khi ngâm không đúng tỉ lệ tạo cơ hội cho nó hoạt động. Sau khi sấu thật sự đã ráo nước thì xóc sơ qua với đường. tỷ lệ là 1:1 tức là 1kg sấu: 1 kg đường. Đây là tỉ lệ hợp lý, bạn có thể xê dịch đôi chút, nếu ngâm quá ngọt quá nhiều đường thì sấu dễ bục và nổi váng.

Sau khi ngâm 3-4 tiếng, đường ran thì thì vớt sấu ra rồi giữ nước đường. Tiếp tục đun nước đường đun sôi cho thêm chút lát gừng vào và để thật nguội. Nước đường phải nguội thì khi ngâm mới không bị hư.

Chủ Đề