Chức năng Nhiệm vụ của Khoa Ngoại ngữ đại học Cần Thơ

I. Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế

            Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế (ĐHNN, ĐHH) được thành lập ngày 13/07/2004 theo Quyết định số 126/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở sát nhập các khoa, bộ môn ngoại ngữ của các trường thành viên khác trong Đại học Huế.

            Trường được Đại học Huế đầu tư xây dựng trên đất quy hoạch làng Đại học Huế ở khu vực Trường Bia, phường An Cựu, thành phố Huế, bao gồm 1 nhà Hiệu bộ 3 tầng, 3 giảng đường 5 tầng và 1 khu nhà học chuyên ngành 4 tầng trên tổng số diện tích đất của Trường là 37.000 m2.

            Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là 1 trong 10 Trung tâm Ngoại ngữ khu vực có đủ năng lực để triển khai đào tạo bồi dưỡng năng lực ngôn ngữ và năng lực sư phạm tiếng Anh cho giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Trung học nghề, Đại học chuyên ngành theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 (nay là Đề án NNQG 2025). Trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đủ năng lực triển khai các hoạt động khảo thí ngoại ngữ kể từ năm 2011.

            Trong tháng 10 năm 2017, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế đã hoàn tất đợt Đánh giá ngoài và sau đó đã được Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục đại học thông qua và cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo Quyết định số 142/QĐ-KĐCL ngày 30/3/2018.

            Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế là một trong những đơn vị được Bộ giao nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ chấm thi nói, viết và cán bộ ra đề thi theo các định dạng đề thi đánh giá năng lực (ĐGNL) tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ (KNLNN) 6 bậc dùng cho Việt Nam theo Công văn số 2141/BGDĐT-QLCL ngày 25/05/2018 của Bộ GD&ĐT.

            Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế là một trong 4 đơn vị trên cả nước đủ điều kiện triển khai thi ĐGNL ngoại ngữ theo KNLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam theo Công văn số 5544/BGDĐT-QLCL ngày 06/12/2018 của Bộ Giáo dục & Đào tạo về việc tổ chức thi ĐGNL ngoại ngữ theo KNLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam.

            Trường có nhiệm vụ đào tạo cán bộ có trình độ đại học, sau đại học về các lĩnh vực ngôn ngữ và văn hóa. Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Huế cho phép đào tạo 11 ngành Đại học, 4 chuyên ngành Cao học và 01 chuyên ngành Nghiên cứu sinh. Số lượng tuyển sinh chính quy hàng năm của trường ổn định, luôn đạt hoặc vượt chỉ tiêu đề ra. Ngoài đào tạo đại học chuyên ngữ, trường còn nhận nhiệm vụ đào tạo ngoại ngữ không chuyên cho tất cả sinh viên Đại học Huế.

            Trường tổ chức bồi dưỡng, cấp các chứng chỉ, chứng nhận về năng lực ngoại ngữ và văn hoá nước ngoài; chứng chỉ phương pháp giảng dạy ngoại ngữ và phương pháp phiên-biên dịch cho các sinh viên đại học, học viên cao học; các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dành cho Việt Nam tương đương với các cấp độ bậc A1-C2 theo khung tham chiếu Châu Âu về ngôn ngữ; chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ chấm thi Nói, Viết và cán bộ ra đề thi tiếng Anh theo các định dạng đề thi theo KNLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam,v.v.

            Trường đào tạo, nghiên cứu khoa học, cung cấp các dịch vụ xã hội thuộc lĩnh vực ngôn ngữ và văn hóa (dịch vụ biên-phiên dịch cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, cả nước và một số nước trong khu vực, v.v.), là cầu nối để văn hóa và du lịch Việt Nam được quảng bá ra thế giới và thế giới đến với Việt Nam.

II. Bộ phận chuyên trách thực hiện chức năng đánh giá năng lực ngoại ngữ

            Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế có Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục là bộ phận chuyên trách thực hiện chức năng đánh giá năng lực ngoại ngữ, bên cạnh nhiệm vụ tham mưu cho Hiệu trưởng về công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục, xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động về khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục.

            Đối với hoạt động đánh giá NLNN, Phòng chịu trách nhiệm tham mưu, xây dựng kế hoạch và thực hiện tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cho các đối tượng thí sinh có nguyện vọng được đánh giá NLNN.

            Đội ngũ lãnh đạo phòng có năng lực quản lý và năng lực chuyên môn tốt, đáp ứng các yêu cầu trong Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 29/09/2017, có tinh thần trách nhiệm, có khả năng triển khai các hoạt động đánh giá NLNN của trường.

            Đội ngũ chuyên viên của Phòng KT&ĐBCLGD là những người có năng lực, có kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, có khả năng thực hiện tốt các hoạt động đánh giá NLNN của Trường, có phẩm chất đạo đức tốt phù hợp yêu cầu công việc.

III.  Đội ngũ cán bộ chấm thi và ra đề thi đánh giá năng lực ngoại ngữ

            Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế có đầy đủ đội ngũ cán bộ ra đề thi và cán bộ chấm thi Nói, Viết đã hoàn thành và được cấp chứng chỉ sau khoá bồi dưỡng về cán bộ ra đề thi và cán bộ chấm thi Nói, Viết theo các định dạng đề thi theo Khung NLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam. Tất cả các cán bộ ra đề thi và cán bộ chấm thi đều đáp ứng yêu cầu theo Quyết định số 2912/QĐ-BGDĐT ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Ban hành Chương trình bồi dưỡng Cán bộ ra đề thi theo các định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và Quyết định số 2913/QĐ-BGDĐT ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Ban hành Chương trình bồi dưỡng Cán bộ chấm thi nói và viết theo các định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

IV. Cơ sở vật chất tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ

            Sau gần 15 năm tích cực xây dựng và phát triển, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế đã đầu tư và xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất khang trang phục vụ tốt nhu cầu giảng dạy, học tập cũng như đủ khả năng tổ chức các đợt thi đánh giá năng lực ngoại ngữ trên giấy và trên máy tính với quy mô lớn.

            Hiện tại, trường có 3 giảng đường với 76 phòng học có tổng diện tích là 13.408 m2 được trang bị đầy đủ bàn ghế, bảng, máy tính có kết nối internet, máy chiếu, máy CD, camera, trong đó có 15 phòng học lớn với sức chứa từ 60 – 100 người cho mỗi phòng. Trường còn có hệ thống 10 phòng Lab phục vụ công tác khảo thí trên máy tính với đầy đủ các thiết bị máy tính, máy chiếu, máy điều hòa, hệ thống âm thanh, camera giám sát, tai nghe và mic có dây. Tổng số máy tính của 10 phòng Lab này là hơn 450 máy có cấu hình cao. Ngoài ra, hệ thống máy chủ được đầu tư mới bao gồm 05 máy chủ rack-mounted sử dụng công nghệ lưu trữ dữ liệu DAS (Direct attached storage) là cơ chế lưu trữ với thiết bị gắn trực tiếp vào máy chủ. Đây được coi là công nghệ lưu trữ truyền thống được nhiều doanh nghiệp sử dụng. Với cơ chế DAS, mỗi máy chủ sẽ có một hệ thống lưu trữ và phần mềm quản lý lưu trữ riêng biệt, hệ thống máy chủ cũng được trang bị thiết bị cân bằng tải và thiết bị tường lửa (Firewall) để đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu. Với hệ thống này, trường có thể tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ trên máy tính cùng một lúc cho hơn 400 thí sinh. Nhằm đảm bảo tính an toàn và nghiêm túc, trường đã trang bị các máy dò kim loại cầm tay dùng để kiểm tra, rà soát kim loại nhằm đưa vào sử dụng trong các kỳ thi đánh giá NLNN do trường tổ chức.

V. Thành tựu trong hoạt động khảo thí của trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế

            Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế đã có nhiều thành tựu trong hoạt động khảo thí tiếng Anh về công tác tổ chức thi Đánh giá năng lực ngoại ngữ, về xây dựng định dạng đề thi, biên soạn tài liệu hướng dẫn về kiểm tra đánh giá cũng như tổ chức và phối hợp tổ chức các đợt tập huấn bồi dưỡng về khảo thí.

            Về công tác tổ chức thi ĐGNLNN, kể từ năm 2012, Trường đã tổ chức thi ĐGNLNN tại trường và ngoại tỉnh cho các đối tượng thí sinh khác nhau, bao gồm khảo sát đầu vào và đánh giá sau bồi dưỡng cho đối tượng giáo viên tiếng Anh theo chương trình mục tiêu của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia; đánh giá NLNN cho các đối tượng là sinh viên chuyên ngữ, học viên cao học, nghiên cứu sinh và các đối tượng có nhu cầu được đánh giá NLNN phục vụ các mục đích khác.

            Kể từ sau khi có công văn 3330/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 7/7/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện tổ chức, quản lý công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh phổ thông, trong đó có yêu cầu đơn vị bồi dưỡng độc lập với đơn vị đánh giá đầu ra để đảm bảo tính khách quan và chất lượng bồi dưỡng, Trường đã được các đơn vị bồi dưỡng như Đại học Cần Thơ, Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng, và Đại học Vinh tin tưởng yêu cầu tổ chức đánh giá đầu ra sau khi các đơn vị này thực hiện bồi dưỡng nâng bậc cho giáo viên tiếng Anh tại các địa phương.

            Trên cơ sở các nhiệm vụ được Đề án NNQG 2020 phân giao, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế đã xây dựng định dạng tiếng Anh bậc 1 (A1), bậc 2 (A2) và bậc 3 (B1) dành cho học sinh tiểu học, THCS và THPT theo khung NLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam và các định dạng này đã được thẩm định và được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vào tháng 5 năm 2016. Trường cũng đã xây dựng các chương trình tập huấn, bồi dưỡng về khảo thí như Chương trình bồi dưỡng về kiểm tra đánh giá cho giáo viên tiếng Anh phổ thông (tháng 12/2014), Chương trình tập huấn về kiểm tra đánh giá cho giảng viên tiếng Anh cốt cán (tháng 1/2015). Năm 2015, Trường đã xây dựng tài liệu hướng dẫn kiểm tra đánh giá môn Tiếng Anh cho giáo viên tiểu học theo Thông tư 30. Sau khi có Thông tư 22, vào năm 2017, cán bộ của trường cũng đã được giao nhiệm vụ, phối hợp với Vụ Giáo dục Tiểu học để điều chỉnh và hoàn thiện bộ tài liệu hướng dẫn này, có bổ sung thêm hướng dẫn về đánh giá theo chuẩn đầu ra. Các chương trình, tài liệu này đã được thẩm định và đánh giá tốt.

            Về công tác tổ chức tập huấn và bồi dưỡng về khảo thí, Trường đã có khoá tập huấn về định dạng đề thi tiếng Anh bậc 1 (A1), bậc 2 (A2) và bậc 3 (B1) cho giáo viên tiếng Anh phổ thông các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong tháng 8 năm 2017. Cũng như các trường đại học khác trên toàn quốc, Trường đã áp dụng các chương trình bồi dưỡng, tập huấn về kiểm tra, đánh giá do Trường xây dựng để bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên phổ thông và giảng viên cốt cán trong năm 2015, 2017, 2018. Đặc biệt, Trường đã nhiều lần phối hợp với tổ chức Khảo thí Cito International của Hà Lan để tổ chức các chương trình bồi dưỡng về xác trị đề thi tiếng Anh, ở cấp độ cơ bản và cấp độ nâng cao trong các năm 2014, 2016 và 2017.