Chứng khoán việt nam 2023

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập đến nhiều khó khăn, thách thức với nền kinh tế những tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Tại Hội nghị giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế [ngày 12/9], Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhưng tăng trưởng kinh tế khả năng sẽ khó khăn hơn trong quý IV và năm 2023. 

Xu hướng chung của nhiều tổ chức quốc tế là nâng dự báo tăng trưởng năm 2022, hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam.

Bộ trưởng cũng lưu ý tăng trưởng kinh tế trong quý III mặc dù dự báo đạt cao, nhưng trên nền tăng trưởng quý III năm 2021 rất thấp [âm 6,17% so với cùng kỳ].  

 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại hội nghị. [Ảnh: VGP].

Đề cập đến những thách thức sắp tới, Bộ trưởng cho biết hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất cao; tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số địa phương nhất là trung tâm công nghiệp của đất nước và ngành, lĩnh vực như dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ, du lịch,...

Trong khi đó, giá cả hàng hóa thế giới, giá xăng dầu tuy có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng khó dự báo; giá dầu tăng cao trong khi là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất và tiêu dùng; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng…, tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước.

Những yếu tố này chưa thể giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn, trong khi xuất hiện những yếu tố mới, nhất là tình trạng hạn hán tại Trung Quốc, EU có thể ảnh hưởng lớn đến nguồn cung lương thực, vật tư công nghiệp đầu vào trên thế giới, khu vực trong ngắn hạn.

Để kiềm chế lạm phát gia tăng, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất, qua đó làm tăng giá trị đồng USD và làm giảm giá trị đồng tiền của các quốc gia khác, làm ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại toàn cầu; làm dịch chuyển dòng vốn đầu tư ngắn hạn, có xu hướng rút về và thu hẹp đầu tư; nhu cầu đồng USD lên cao, tác động rất lớn đến điều hành ổn định tỷ giá và mức dự trữ ngoại tệ của nước ta...

Theo Bộ trưởng, lĩnh vực FDI cũng gặp nhiều khó khăn, FDI đăng ký cấp mới 8 tháng chỉ bằng 56,1% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỉ giá,… trong trung và dài hạn. Chất lượng FDI chậm được cải thiện, thiếu các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho khu vực trong nước.

Với xuất khẩu, khu vực này đối mặt với thách thức không nhỏ, thị trường bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái, làm gia tăng áp lực lên nguồn thu ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế.

Một thách thức nữa là điểm nghẽn đầu tư công khi tỷ lệ giải ngân tương tự mọi năm, chưa có chuyển biến đáng kể; một số chính sách, giải pháp chậm triển khai, phần nào làm giảm hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, phục hồi nền kinh tế.

Về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, lĩnh vực này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ chậm hoàn thiện, ảnh hưởng đến phát triển các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp, gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng. Thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm, hình thành mặt bằng giá mới, gia tăng áp lực đối với Nhà nước, nhà đầu tư khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và cả người dân về khả năng chi trả, nhất là với các hộ gia đình trẻ, thu nhập thấp.

Bộ trưởng Dũng cũng chỉ ra một số khó khăn nữa liên quan dịch COVID-19, nguy cơ dịch chồng dịch. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang ở nhóm các quốc gia có thu nhập ở mức trung bình thấp, thách thức lớn đặt ra là phải duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, sớm vượt qua nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Dù các thách thức và rủi ro hầu hết sẽ trở nên rõ ràng hơn vào năm 2023 hoặc 2024, giới chuyên gia vẫn kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ có thể phản ánh trước tương lai và tạo đáy sớm hơn. Kịch bản tốt nhất là chỉ số VN-Index có thể sẽ sideway cho đến khi các rủi ro và bất ổn lớn được giải quyết.

VN-Index khả năng sẽ sideway, mục tiêu được điều chỉnh giảm

Trong 6 tháng cuối năm 2022, Chứng khoán SSI nhận định các yếu tố rủi ro đến từ bên ngoài vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước, bao gồm diễn biến lạm phát tại Mỹ, tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương trên thế giới, cũng như khả năng suy thoái tại một số nền kinh tế lớn khác. Các rủi ro này có thể làm tăng trưởng xuất khẩu giảm, từ đó gây áp lực lên tiền Đồng trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu đi do lạm phát gia tăng.

Trong khi số liệu kinh tế vĩ mô nửa cuối năm 2022 được kỳ vọng vẫn cho thấy sự kết hợp hài hòa giữa tỉ lệ lạm phát trong tầm kiểm soát và mức tăng trưởng GDP cao, trên mức nền thấp của năm 2021, thì diễn biến vĩ mô năm 2023 có thể gặp nhiều khó khăn hơn. Trong nửa đầu năm 2023, nhiều khả năng chỉ số CPI sẽ bật tăng cao vượt mức mục tiêu 4%, trong khi đó tăng trưởng kinh tế sẽ bắt đầu chậm dần lại. 

Bên cạnh áp lực lạm phát, SSI kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ thận trọng hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, đưa lãi suất VND ở mức hợp lý so với lãi suất USD.

Mặc dù các thách thức và rủi ro hầu hết sẽ trở nên rõ ràng hơn vào năm 2023 hoặc 2024, Chứng khoán SSI vẫn kỳ vọng thị trường sẽ có thể phản ánh trước tương lai và tạo đáy sớm hơn do các đợt điều chỉnh gần đây đã phản ánh được một phần những thách thức và rủi ro này. Kịch bản tốt nhất là chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động theo xu hướng sideway cho đến khi các rủi ro và bất ổn lớn được giải quyết.

Tóm tắt dự báo kinh tế vĩ mô Việt Nam của Chứng khoán SSI.

Đội ngũ phân tích Chứng khoán Bản Việt [VCSC] dự báo mức tăng trưởng EPS của VN-Index có thể lần lượt là 29%, 16% và 16% cho các năm 2022, 2023 và 2024.

VCSC điều chỉnh giảm mục tiêu của chỉ số VN-Index đến giữa 2023 là 1.700 điểm, dẫn tới dự phóng cuối năm 2022 là 1.450 điểm, so với 1.700 điểm trước đó. VCSC cũng điều chỉnh giảm mục tiêu chỉ số chính vào cuối năm 2023 từ 1.900 điểm xuống 1.800 điểm.

"Mục tiêu chỉ số năm 2022 và 2023 tương ứng P/E trượt lần lượt là 13 lần và 13,9 lần. P/E dự phóng 12 tháng tương ứng là 11,2 lần và 12 lần. Do đó, dự báo lợi nhuận năm 2022 sẽ cần phải giảm 17%. Dự báo lợi nhuận năm 2023 và 2024 cũng sẽ giảm tương ứng 20% và 14% để đưa P/E dự phóng 12 tháng ở mức mục tiêu lên mức trung bình kể từ cuối năm 2013 là 13,9 lần", VCSC phân tích.

  Chỉ số VN-Index, P/E trượt và dự phóng 12 tháng của Chứng khoán Bản Việt.

Dòng tiền phân hoá theo từng nhóm ngành, nên xuống tiền vào đâu?

Cũng trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán SSI có quan điểm tích cực trong ngắn hạn đối với ngành ngân hàng. Rủi ro từ nợ tái cấu trúc do COVID-19 có thể không đáng lo ngại tại các ngân hàng lớn. Dự báo tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2022 của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu ở mức 38 - 39%. Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn của ngành ngân hàng liên quan đến thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở nên rõ ràng hơn vào năm 2023. 

Chuyên gia nhận định: "Theo ước tính của chúng tôi, một phần tư tổng số trái phiếu bất động sản đã phát hành sẽ đáo hạn vào năm 2022, trong khi 65% sẽ đến hạn vào năm 2023 và 2024. Rủi ro này sẽ thể hiện rõ hơn vào chất lượng tài sản của các ngân hàng từ năm 2023".

Các ngành đang có sự phân hóa khá rõ nét với mức tăng trưởng lợi nhuận đạt đỉnh ở các thời điểm khác nhau. Một số ngành được dự báo triển vọng lợi nhuận không khả quan trong 1-2 quý tới. Trên thực tế giá cổ phiếu những ngành này đã bắt đầu điều chỉnh từ khi tăng trưởng lợi nhuận đạt đỉnh. Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận ở một số ngành khác có thể vẫn chưa đạt mức đỉnh. SSI khuyến nghị giảm tỉ trọng đối với những ngành mà tăng trưởng lợi nhuận đã đạt đỉnh trong quý II hoặc quý III năm 2022.

SSI tin rằng năm 2023 sẽ là một năm tăng trưởng dựa vào hoạt động đầu tư. Các gói kích thích kinh tế có thể sẽ giải ngân mạnh hơn trong nửa cuối năm 2022, nhưng có thể phần lớn các gói kích thích này sẽ được giải ngân vào năm 2023. Mặt khác, FDI vẫn là động lực quan trọng đối với tăng trưởng của Việt Nam. Cả hai yếu tố này sẽ là chủ điểm đầu tư của Việt Nam trong dài hạn.

Chủ Đề