Đánh giá điều kiện thi công năm 2024

Hiện nay, việc đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng là một trong những ưu tiên hàng đầu khi chủ đầu tư thực hiện thi công dự án xây dựng bởi ngành xây dựng có nguy cơ cao về tai nạn lao động do tính chất công việc đòi hỏi sử dụng máy móc, thiết bị nặng, làm việc ở độ cao và tiếp xúc với các vật liệu nguy hiểm. Việc không tuân thủ quy trình an toàn, thiếu trang thiết bị bảo hộ và không đảm bảo kỹ thuật an toàn khiến nguy cơ tai nạn tăng cao. Vì vậy, pháp luật Việt Nam xây dựng các quy định điều chỉnh về vấn đề an toàn trong thi công xây dựng để hạn chế tối thiểu tai nạn lao động xảy ra trên thực tế.

I. Thực trạng về an toàn trong thi công xây dựng hiện nay

Như đã đề cập, ngành xây dựng vẫn tồn tại nhiều rủi ro liên quan đến an toàn lao động như sự sụp đổ của công trình, tai nạn lao động, dầu mỏ và các nguồn gốc nhiễm độc khác và hiện nay một số công trình xây dựng vẫn chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của an toàn lao động và không đảm bảo các quy định an toàn cần thiết. Việc quy định một cơ chế chặt chẽ về đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng là cần thiết để đảm bảo môi trường làm việc an toàn và giảm thiểu tai nạn lao động trong ngành này.

II. Tìm hiểu về an toàn trong thi công xây dựng

1. Công trình xây dựng là gì?

Theo định nghĩa tại Khoản 10 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 1 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 thì Công trình xây dựng là sản phẩm được xây dựng theo thiết kế, tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước.

2. An toàn trong thi công xây dựng là gì?

Căn cứ theo khoản 20 Điều 2 Nghị định 06/2021/NĐ-CP thì An toàn trong thi công xây dựng công trình là đưa ra giải pháp để phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong môi trường xây dựng nhằm đảm bảo không gây thương tật, tử vong, không làm suy giảm sức khỏe đối với con người, ngăn ngừa sự cố gây mất an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng công trình.

III. Quy định của pháp luật về an toàn trong thi công xây dựng

1. Trình tự thực hiện đánh giá an toàn công trình

Căn cứ theo Điều 36 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định về trình tự thực hiện đánh giá an toàn công trình sẽ được tiến hành theo các bước sau:

- Lập và phê duyệt đề cương đánh giá an toàn.

- Tổ chức thực hiện đánh giá an toàn công trình.

- Lập báo cáo kết quả đánh giá an toàn.

- Gửi báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và cho ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình.

2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá an toàn công trình

Theo quy định tại Điều 38 Nghị định 06/2021/NĐ-CP trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá an toàn công trình được phân bổ cụ thể cho từng đối tượng như sau:

  • Trách nhiệm của chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình:
  • Tổ chức thực hiện việc đánh giá an toàn công trình theo đúng quy trình. Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình được quyền tự thực hiện nếu đủ điều kiện năng lực hoặc thuê tổ chức kiểm định có đủ điều kiện năng lực thực hiện đánh giá an toàn công trình;
  • Bàn giao hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác đánh giá an toàn công trình cho tổ chức kiểm định làm cơ sở để lập đề cương đánh giá an toàn công trình, bao gồm: hồ sơ bảo trì công trình, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, bản vẽ hoàn công, lý lịch thiết bị lắp đặt vào công trình và các hồ sơ, tài liệu cần thiết khác phục vụ công tác đánh giá an toàn công trình. Trường hợp không có hồ sơ hoặc hồ sơ của công trình không đủ thông tin phục vụ công tác đánh giá an toàn, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm thuê tổ chức có đủ điều kiện năng lực thực hiện khảo sát và lập hồ sơ hiện trạng công trình để phục vụ công tác đánh giá an toàn;
  • Tổ chức thẩm tra và phê duyệt đề cương đánh giá an toàn công trình;
  • Tổ chức giám sát việc thực hiện công tác đánh giá an toàn công trình;
  • Xem xét và xác nhận kết quả đánh giá an toàn công trình;
  • Gửi 01 bản báo cáo kết quả đánh giá an toàn công trình đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Lưu trữ hồ sơ đánh giá an toàn vào hồ sơ phục vụ công tác bảo trì công trình xây dựng.
  • Trách nhiệm của tổ chức đánh giá an toàn công trình:
  • Lập đề cương đánh giá an toàn công trình phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và các quy định của hợp đồng xây dựng, trình chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình phê duyệt;
  • Thực hiện đánh giá an toàn công trình theo đề cương được phê duyệt;
  • Lập báo cáo kết quả đánh giá an toàn và trình chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình theo quy định;
  • Chịu trách nhiệm về chất lượng công tác đánh giá an toàn do mình thực hiện. Việc xác nhận báo cáo kết quả đánh giá an toàn của chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình không thay thế và không làm giảm trách nhiệm về công tác đánh giá an toàn do tổ chức kiểm định thực hiện.
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
  • Rà soát các công trình xây dựng thuộc đối tượng phải đánh giá an toàn công trình trên địa bàn; quy định lộ trình và yêu cầu chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình tổ chức thực hiện việc đánh giá an toàn công trình đối với các công trình theo quy định tại Nghị định này;
  • Đối với các công trình chưa xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đánh giá an toàn công trình đối với các công trình theo quy định tại Nghị định này.

3. Thẩm quyền tiếp nhận và cho ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình

Thẩm quyền tiếp nhận và cho ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình theo khoản 4 Điều 39 Nghị định 06/2021/NĐ-CP như sau:

  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các công trình xây dựng nằm trên địa bàn tỉnh;
  • Bộ xây dựng quản lý công trình xây dựng chuyên ngành đối với công trình chuyên ngành nằm trên địa bàn 02 tỉnh trở lên theo thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 52 Nghị định này;
  • Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với công trình phục vụ quốc phòng, an ninh.

4. Xử lý đối với công trình có dấu hiệu nguy hiểm

Theo Điều 40 Nghị định 06/2021/NĐ-CP khi phát hiện hạng mục công trình, công trình có dấu hiệu nguy hiểm không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng thì việc xử lý được phân chia trách nhiệm cho từng đối tượng như sau:

  • Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm:
  • Kiểm tra lại hiện trạng công trình;
  • Tổ chức kiểm định chất lượng công trình [nếu cần thiết];
  • Quyết định thực hiện các biện pháp khẩn cấp như hạn chế sử dụng công trình, ngừng sử dụng công trình, khoanh vùng nguy hiểm, di chuyển người và tài sản để bảo đảm an toàn nếu công trình có nguy cơ sập đổ;
  • Báo cáo ngay với chính quyền địa phương nơi gần nhất;
  • Sửa chữa những hư hỏng có nguy cơ làm ảnh hưởng đến an toàn sử dụng, an toàn vận hành của công trình hoặc phá dỡ công trình khi cần thiết.
  • Chính quyền địa phương có trách nhiệm:
  • Tổ chức kiểm tra, thông báo, yêu cầu và hướng dẫn chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình tổ chức khảo sát, kiểm định chất lượng, đánh giá mức độ nguy hiểm, thực hiện sửa chữa hoặc phá dỡ bộ phận công trình hoặc công trình [nếu cần thiết];
  • Yêu cầu chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình thực hiện các biện pháp khẩn cấp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này và thời gian thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình không chủ động thực hiện để đảm bảo an toàn;
  • Trường hợp hạng mục công trình, công trình xây dựng có dấu hiệu nguy hiểm có thể dẫn tới nguy cơ sập đổ thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình thực hiện ngay các biện pháp an toàn, bao gồm hạn chế sử dụng công trình, ngừng sử dụng công trình, di chuyển người và tài sản để bảo đảm an toàn [nếu cần thiết];
  • Xử lý trách nhiệm của chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình theo quy định của pháp luật khi không thực hiện theo các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
  • Đối với chung cư cũ, chung cư có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình thực hiện các quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật về nhà ở.

Lưu ý: Mọi công dân đều có quyền thông báo cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các cơ quan thông tin đại chúng biết khi phát hiện hạng mục công trình, công trình xảy ra sự cố hoặc có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng để xử lý kịp thời. Cá nhân, tổ chức trên khi tiếp nhận thông tin sự cố hoặc có dấu hiệu nguy hiểm có trách nhiệm áp dụng các biện pháp an toàn. Trường hợp không xử lý kịp thời, gây thiệt hại về người và tài sản thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

IV. Giải đáp một số câu hỏi liên quan đến an toàn trong thi công xây dựng

1. Quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình gồm những nội dung gì?

Căn cứ Luật xây dựng năm 2014 và Nghị định 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng. Nội dung quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình bao gồm:

– Lập và thực hiện các biện pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn;

– Huấn luyện, tuyên truyền về an toàn lao động;

– Trang cấp dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động;

– Công tác phòng, chống cháy, nổ;

– Phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động;

– Ứng phó sự cố gây mất an toàn lao động, xử lý tình trạng khẩn cấp;

– Kiểm tra công tác an toàn lao động của cơ quan chuyên môn về xây dựng.

– Và đặc biệt là quản lý đối với máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, sử dụng trong thi công xây dựng.

2. Các biện pháp an toàn trên công trường xây dựng hiện nay

Môi trường xây dựng luôn tiềm ẩn những rủi ro, người lao động hay người sử dụng lao động cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để bảo vệ sức khỏe và tài sản của mình. Các biện pháp an toàn trên công trường xây dựng hiện nay mà các nhà thầu có thể tham khảo:

  • Kiểm định độ an toàn của các thiết bị máy móc định kỳ;
  • Trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động;
  • Tuân thủ đúng khoảng cách an toàn, quy định về an toàn trong xây dựng;
  • Vệ sinh an toàn nơi làm việc;
  • Tổ chức huấn luyện an toàn lao động trong xây dựng.

3. Chi phí để thực hiện an toàn trong thi công xây dựng gồm những chi phí gì?

Theo đó, Thông tư 10/2021/TT-BXD quy định chi tiết một số nội dung về quản lý an toàn lao động, chất lượng thi công xây dựng công trình nêu rõ 03 loại chi phí của công trình xây dựng, trong đó chi phí để thực hiện an toàn trong thi công xây dựng bao gồm:

  • Chi phí về Chi phí lập và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn;
  • Chi phí tuyên truyền, huấn luyện cho công nhân về an toàn trong xây dựng
  • Chi phí về cung cấp trang bị dụng cụ, phương tiện bảo hộ lao động
  • Chi phí cho công tác phòng chống cháy nổ
  • Chi phí phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động; chi phí tổ chức đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn lao động
  • Chi phí thực hiện khảo sát, lập hồ sơ hiện trạng công trình [nếu có]
  • Chi phí để xử lý những tình trạng mất an toàn trong trường hợp khẩn cấp
  • Chi phí cho việc kiểm soát, kiểm tra công tác an toàn xây dựng từ những người có chuyên môn cao

V. Vấn đề liên quan đến an toàn trong thi công xây dựng có cần luật sư tư vấn không? Liên hệ như thế nào?

Trên đây là nội dung tư vấn về quy định an toàn trong thi công xây dựng tại Việt Nam, mặc dù đã có những cải thiện về an toàn trong thi công xây dựng, nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết để đảm bảo môi trường làm việc an toàn và giảm thiểu tai nạn lao động trong ngành này. Để nhận được hỗ trợ tốt nhất các thủ tục liên quan đến an toàn trong thi công xây dựng, quý khách hàng vui lòng liên hệ NPLaw để được tư vấn kịp thời và hiệu quả.

Chủ Đề