Đánh giá tính bền vững của du lịch

Chúng ta cần một nền du lịch bền vững – một nền du lịch tốt cho đất nước lúc này và còn bền vững dài lâu mai sau. Vậy phát triển du lịch bền vững là gì? Tại sao lại cần phát triển du lịch bền vững? Việt Nam đang gặp những khó khăn gì trong việc tiếp cận mô hình phát triển du lịch bền vững? Và đâu là giải pháp cho những khó khăn này?

Du lịch bền vững là gì?

Du lịch bền vững trong tiếng Anh được gọi là Sustainable Tourism. Khái niệm du lịch bền vững được nhắc đến lần đầu tiên năm 1992, tại Hội nghị về môi trường và phát triển của Liên hợp quốc tại Rio de Janeiro.

Tổ chức Du lịch Thế giới [UNWTO] đã đưa ra định nghĩa: “Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai.

Hình thức du lịch này nhằm thoả mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người trong khi đó vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hoá, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống con người.”

Như vậy, Du lịch bền vững là du lịch giảm thiểu các chi phí và nâng cao tối đa các lợi ích của du lịch cho môi trường tự nhiên và cộng đồng địa phương và có thể được thực hiện lâu dài nhưng không ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi mà nó phụ thuộc vào.

du-lich-ben-vung

Du lịch bền vững

Du lịch bền vững khác với du lịch đại chúng như thế nào?

Du lịch đại chúng không được lập kế hoạch cẩn thận cho việc nâng cao công tác bảo tồn hoặc giáo dục, không mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Và kết quả là có thể phá hủy hoặc là thay đổi không thể nhận ra được các nguồn lợi và văn hóa mà chúng phụ thuộc

Ngược lại, đây thì được lập kế hoạch một cách cẩn thận từ lúc bắt đầu để mang lại những lợi ích cho cộng đồng địa phương, tôn trọng văn hóa, bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, giáo dục du khách và cả cộng đồng địa phương.

Nó có thể tạo ra một lợi tức tương tự như du lịch đại chúng, nhưng có nhiều lợi ích được nằm lại với cộng đồng địa phương và các nguồn lợi tự nhiên, các giá trị văn hóa của vùng được bảo vệ.

Các yếu tố của loại hình du lịch này?

Theo Khoản 14, Điều 3 của Luật Du lịch 2017, Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế – văn hóa xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.

Du lịch bền vững có ba hợp phần chính, đôi khi được ví như “ba chân”: Môi trường – Văn hóa xã hội – Kinh tế

1. Thân thiện với môi trường

Du lịch bền vững có tác động thấp đến môi trường tự nhiên và khu bảo tồn biển. Nó giảm thiểu các tác động đến môi trường [động vật, các sinh cảnh sống, nguồn lợi sống, sử dụng năng lượng và ô nhiễm…] và cố gắng có lợi cho môi trường.

2. Gần gũi về xã hội và văn hóa

Du lịch bền vững không gây hại đến các cấu trúc xã hội và văn hóa của cộng đồng nơi mà chúng được thực hiện. Thay vào đó thì nó lại tôn trọng văn hóa và truyền thống địa phương. 

Khuyến khích các bên liên quan [các cá nhân, cộng đồng, nhà điều hành chương trình du lịch và quản lí chính quyền] trong tất cả các giai đoạn của việc lập kế hoạch, phát triển và giám sát, giáo dục các bên liên quan về vai trò của họ.

3. Phát triển kinh tế địa phương

Du lịch bền vững đóng góp về mặt kinh tế cho cộng đồng và tạo ra những thu nhập công bằng và ổn định cho cộng đồng địa phương cũng như càng nhiều bên liên quan khác càng tốt. 

Nó mang lợi ích cho người chủ, cho nhân viên và cả người xung quanh. Nó không bắt đầu một cách đơn giản để sau đó sụp đổ nhanh do các hoạt động kinh doanh nghèo nàn. Một đơn vị kinh doanh du lịch mà hội đủ ba tiêu chí trên thì “sẽ kinh doanh tốt nhờ làm tốt”. 

Điều này có nghĩa là kinh doanh du lịch có thể tăng cường việc bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, đánh giá cao giá trị văn hóa, mang lợi tức đến cho cộng đồng và cũng có thể sẽ thu lợi tức.

Tại sao lại cần phát triển du lịch bền vững?

Du lịch là một trong những ngành công nghiệp tạo nhiều lợi nhuận nhất cho đất nước. Du lịch có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta đạt các Mục Tiêu Phát triển Thiên niên kỷ [Millennium Development Goals] mà Liên Hơp Quốc đã đề ra từ năm 2000, đặc biệt là các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới tính, bền vững môi trường và liên doanh quốc tế để phát triển.

Chính vì vậy mà du lịch bền vững [sustainable tourism] là một phần quan trọng của phát triển bền vững [sustainable development] của Liên Hợp Quốc và của Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam [Chương trình Nghị sự 21 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư]. Phát triển du lịch bền vững là một chủ đề được thảo luận rất nhiều ở các hội nghị và diễn đàn lớn nhỏ trên toàn thế giới. Theo đó, có 3 lý do chính để chúng ta cần phải phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Thứ nhất

Phát triển du lịch bền vững giúp bảo vệ môi trường sống. Vì bảo vệ môi trường sống không chỉ đơn giản là bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm sống trong môi trường đó, mà nhờ có việc bảo vệ môi trường sống mà con người được hưởng lợi từ đó: Không bị nhiễm độc nguồn nước, không khí và đất. Đảm bảo sự hài hòa về môi trường sinh sống cho các loài động thực vật trong vùng cũng là giúp cho môi trường sống của con người được đảm bảo.

Thứ hai

Phát triển du lịch bền vững còn giúp phát triển kinh tế, ví dụ, từ việc khai thác các đặc sản văn hóa của vùng, người dân trong vùng có thể nâng cao đời sống nhờ khách du lịch đến thăm quan, sử dụng những dịch vụ du lịch  và sản phẩm đặc trưng của vùng miền, của vùng. Phát triển du lịch bền vững cũng giúp người làm du lịch, cơ quan địa phương, chính quyền và người tổ chức du lịch được hưởng lợi, và người dân địa phương có công ăn việc làm.

Thứ ba

Phát triển du lịch bền vững còn đảm bảo các vấn đề về xã hội, như việc giảm bớt các tệ nạn xã hội bằng việc cung cấp công ăn việc làm cho người dân trong vùng. Ở một cái nhìn sâu và xa hơn, du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách có ý thức và khoa học, đảm bào cho các nguồn tài nguyên này sinh sôi và phát triển để thế hệ sau, thế hệ tương lai có thể được tiếp nối và tận dụng.

Với ba lí do được đề cập đến ở bên trên, ta có thể thấy rõ vai trò và tầm quan trọng của phát triển du lịch bền vững trong chính sách phát triển bền vững ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Phát triển loại hình du lịch này để có thể đạt được 3 yếu tố đó đòi hỏi rất nhiều công sức và sự làm việc nghiêm chỉnh trong lúc thực hiện.

Kết luận

Quá trình phát triển du lịch mà đảm bảo giải quyết được các vấn đề nêu trên sẽ được đánh giá là bền vững. Tuy nhiên sự phát triển đó chỉ mang tính tương đối bởi vì trong xã hội luôn luôn có sự thay đổi và phát triển thì sự bền vững của yếu tố này có thể sẽ là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự bền vững của những yếu tố khác. Không một xã hội nào, một nền kinh tế nào có thể đạt được sự bền vững tuyệt đối. Mọi hoạt động, mọi biện pháp của con người chỉ nhằm mục đích đảm bảo khả năng khai thác lâu dài các nguồn tài nguyên tự nhiên.

Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tổng quan du lịch, ThS. Ngô Thị Diệu An, 2014, NXB Đà Nẵng; Đỗ Hồng Thuận [ĐH Sư Phạm TP HCM]

1. Nhận thức về phát triển du lịch bền vững

Trên thế giới, lý thuyết về phát triển bền vững xuất hiện vào khoảng giữa những năm 80 và chính thức được đưa ra tại Hội nghị của Ủy ban Thế giới về Phát triển và Môi trường [WCED] năm 1987, theo đó “Phát triển bền vững được hiểu là hoạt động phát triển kinh tế nhằm đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ mai sau”.

Trong lĩnh vực du lịch, ngay từ đầu thập niên 1990 các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo về sự phát triển du lịch với mục đích đơn thuần kinh tế sẽ có những tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, đến các giá trị văn hoá truyền thống cộng đồng địa phương. Hậu quả của các tác động này sẽ lại ảnh hưởng đến chính sự phát triển lâu dài của ngành du lịch. Chính vì vậy đã xuất hiện yêu cầu nghiên cứu về “Phát triển du lịch bền vững” [DLBV] nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đảm bảo sự phát triển lâu dài. Trong quá trình thống nhất về nhận thức, khái niệm về phát triển DLBV vẫn còn có sự chưa thống nhất, đặc biệt giữa những người coi phát triển DLBV cần đảm bảo nguyên tắc chính là bảo tồn tài nguyên môi trường và văn hoá với những người xem nguyên tắc hàng đầu của phát triển DLBV là sự tăng trưởng về kinh tế do du lịch đem lại.

Dưới góc độ về kinh tế mà sự quan tâm chủ yếu đối với phát triển du lịch là lợi nhuận thì “Du lịch bền vững là quá  trình hoạt động du lịch mà ở đó có thể duy trì được sự phát triển trong một thời gian, giai đoạn không xác định”. Tuy nhiên, quan niệm này chịu rất nhiều sự chỉ trích, phê phán của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà nghiên cứu về tài nguyên và môi trường.

Đa số cho rằng “Du lịch bền vững là hoạt động khai thác môi trường tự nhiên và văn hoá nhằm thoả mãn các nhu cầu đa dạng của khách du lịch, có quan tâm đến các lợi ích kinh tế dài hạn, đồng thời tiếp tục duy trì các khoản đóng góp cho công tác bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương”.

Dựa trên các nguyên tắc của phát triển bền vững và phân tích những quan điểm còn chưa thống nhất, Tổ chức Du lịch Thế giới - UNWTO đã đưa ra khái niệm về DLBV tại Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc tại Rio de Janeiro năm 1992, theo đó “Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai. Du lịch bền vững sẽ có kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thoả mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người trong khi đó vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hoá, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống của con người”.

Như vậy có thể coi du lịch bền vững là một nhánh của phát triển bền vững. Hoạt động phát triển du lịch bền vững là hoạt động phát triển ở một lãnh thổ cụ thể sao cho nội dung, hình thức, và quy mô là thích hợp và bền vững theo thời gian, không làm suy thoái môi trường, không làm ảnh hưởng đến khả năng hỗ trợ các hoạt động phát triển khác. Ngược lại tính bền vững của hoạt động phát triển du lịch được xây dựng trên nền tảng sự thành công trong phát triển của các ngành khác, sự phát triển bền vững chung của khu vực.

Theo quan điểm về phát triển bền vững, phát triển DLBV cần được phát triển sao cho bản chất, quy mô và phương thức phát triển phù hợp, hạn chế được những tác động tiêu cực làm tổn hại tới môi trường tự nhiên và văn hoá và góp phần tích cực cho phát triển cộng đồng, nỗ lực xóa đói giảm nghèo và thu hẹp khoảng giàu nghèo trong xã hội. Theo quan điểm phát triển nói trên, trước hết việc phát triển DLBV phải tập trung vào giải quyết một số vấn đề sau:

- Cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương.

- Đưa lại cho du khách những chuyến du lịch có chất lượng và có trách nhiệm.

- Đảm bảo duy trì chất lượng của môi trường [tự nhiên và văn hóa] vì lợi ích không chỉ của cộng đồng địa phương mà cả du khách.

Như vậy có thể thấy ở phạm vi toàn cầu, phần lớn các khái niệm về phát triển DLBV đều đề cập đến một trong những mục tiêu trọng tâm là đem lại lợi ích cho cộng đồng với vai trò là một chủ thể có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoạt động du lịch.

Ở Việt Nam, khái niệm về phát triển bền vững cũng đã đ ược tiếp cận từ thập niên 1980 và luôn được xem là ưu tiên trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Chỉ thị số 36/CT của Bộ Chính trị BCHTW Đảng ngày 25/6/1998 đã xác định mục tiêu và các quan điểm cơ bản cho phát triển bền vững dựa chủ yếu vào hoạt động bảo vệ môi trường. Đồng thời, trong “Báo cáo chính trị” tại Đại hội Đảng VIII [1996] cũng đã chính thức đề cập đến khía cạnh bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hợp lý tài nguyên như một cấu thành không thể tách rời của phát triển bền vững.

Nghị quyết Đại hội lần thứ IX  Đảng CSVN đã xác định chiến lược phát triển của nước ta trong khoảng 20 năm tới là : “Phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường” và  “…Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, coi đây là một nội dung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển kinh tế xã hội”.

Để hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc, ngày 10/05/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 622/QĐ-TTg ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”. Mục tiêu của kế hoạch nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững.

Trên cơ sở tổng quan những nghiên cứu về phát triển bền vững trên thế giới vàtrong nước, những vấn đề về lý luận và thực tiễn về phát triển DLBV ở Việt Nam lần đầu tiên đã được nghiên cứu một cách có hệ thống trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước “Cơ sở khoa học và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam” [2000-2002]. Một trong những kết quả quan trọng là lần đầu tiên khái niệm về phát triển DLBV đã được đưa ra, theo đó “Phát triển du lịch bền vững là hoạt động khai thác có quản lý các giá trị tự nhiên và nhân văn nhằm thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của khách du lịch, có quan tâm đến các lợi ích kinh tế dài hạn trong khi vẫn đảm bảo sự đóng góp cho bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên, duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa để phát triển hoạt động du lịch trong tương lai; cho công tác bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương”[Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, 2002]

Khái niệm này đã được luật hóa trong Luật Du lịch 2017, theo đó“Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”.

Việc đáp ứng các nhu cầu về phát triển kinh tế - xã hội trong khái niệm về phát triển DLBV tại Luật Du lịch 2017 được hiểu là sự phát triển ổn định lâu dài của du lịch, tạo ra nguồn thu đáng kể, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng của kinh tế - xã hội, đem lại lợi ích cho cộng đồng, đặc biệt người dân địa phương. Nếu mức sống của người dân địa phương được cải thiện từ du lịch thì họ sẽ hạn chế tác động và bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch, bảo vệ các giá trị văn hóa truyển thống cho phát triển du lịch. Phát triển DLBV sẽ góp phần tích cực cho xóa đói giảm nghèo, đem lại cơ hội nâng cao mức sống cho người dân địa phương và tăng trưởng kinh tế ở những vùng còn khó khăn song có tiềm năng du lịch.

Phát triển DLBV đòi hỏi có sự nỗ lực chung và đồng bộ của toàn xã hội để hướng tới việc đạt được ba mục tiêu cơ bản của phát triển bền vững gồm:

- Đảm bảo sự phát triển bền vững về mặt kinh tế: Thu nhập phải lớn hơn chi phí, đạt được sự tăng trưởng cao, ổn định trong thời gian dài. Tối ưu hoá đóng góp của ngành du lịch vào thu nhập quốc dân và góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.

- Đảm bảo sự phát triển bền vững về xã hội: Thu hút cộng đồng tham gia vào các HĐDL. Tạo nhiều việc làm nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương. Đa dạng hoá, nâng cao chất lượng SPDL, đáp ứng nhu cầu cao của du khách.

- Đảm bảo sự phát triển bền vững về tài nguyên và môi trường: Sử dụng bảo vệ, nâng cao chất lượng nguồn tài nguyên và môi trường theo hướng tiết kiệm, bền vững, đảm bảo sự tái tạo và phục hồi của tài nguyên. Thu hút cộng đồng và du khách vào các hoạt động bảo tồn, tôn tạo tài nguyên.

Để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu cơ bản trên, phát triển DLBV cần tuân thủ các nguyên tắc cụ thể sau: [i] Khai thác, sử dụng nguồn lực một cách bền vững; [ii] Giảm sự tiêu thụ quá mức tài nguyên và giảm thiểu chất thải; [iii] Duy trì tính đa dạng về thiên nhiên, xã hội và đa dạng văn hoá; [iv] PTDL phải đặt trong quy hoạch phát triển tổng thể KTXH; [v] PTDL phải hỗ trợ KTXH địa phương phát triển; [vi] Lôi kéo sự tham gia của cộng đồng địa phương; [vii] Lấy ý kiến quần chúng và các đối tượng có liên quan; [viii] Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực; [ix] Tiếp thị du lịch một cách có trách nhiệm; [x] Coi trọng công tác nghiên cứu.

2. Nhận biết và đánh giá mức độ phát triển du lịch bền vững của điểm đến

Trong nghiên cứu về phát triển DLBV của một điểm đến, việc nhận biết trạng thái của hoạt động phát triển du lịch là rất quan trọng bởi đấy là căn cứ để đưa ra các hành động nhằm điều chỉnh hoạt động phát triển đi đúng hướng của phát triển bền vững.

Cho đến nay đã có nhiều nghiên cứu theo hướng này và cho ra những kết quả không hoàn toàn giống nhau về những “dấu hiệu” cho biết về trạng thái bền vững của hoạt động phát triển du lịch. Điều này được luận giải bởi các nghiên cứu  có thể đững từ các góc độ khác nhau để nhìn nhận về trạng thái bền vững của hoạt động du lịch. Cho dù còn có sự chưa thống nhất hoàn toàn, tuy nhiên kết quả nghiên cứu của Machado, A. về “Du lịch và Phát triển bền vững” đã đưa ra được những “dấu hiệu” [tiêu chí] cần quan tâm xem xét để nhận biết trạng thái phát triển DLBV của điểm đến [Bảng 1]

Bảng 1:  Một số dấu hiệu nhận biết trạng thái du lịch bền vững tại điểm đến

TT

Du lịch kém bền vững

Du lịch bền vững

1

Phát triển nhanh [nóng]

Phát triển hài hòa

2

Phát triển không kiểm soát [tự phát]

Phát triển có kiểm soát [theo quy hoạch]

3

Quy mô không phù hợp

Quy mô phù hợp

4

Thực hiện mục tiêu ngắn hạn

Kiên định với mục tiêu dài hạn

5

Chú trọng đến số lượng khách

Ưu tiên chất lượng khách, kiểm soát

6

Tìm kiếm sự tối đa lợi ích kinh tế

Ưu tiên sự cân bằng trong lợi ích kinh tế

7

Kiểm soát từ xa

Địa phương kiểm soát

8

Không lập kế hoạch, phát triển tùy tiện

Quy hoạch trước, triển khai sau

9

Kế hoạch theo dự án

Kế hoạch theo quan điểm

10

Phương pháp tiếp cận theo lĩnh vực

Phương pháp tiếp cận chính luận

11

Chỉ phát triển du lịch điểm đến

Quan tâm tới liên kết vùng

12

Phát triển theo mùa du lịch

Phát triển quanh năm

13

Chú trọng đầu tư từ bên ngoài

Ưu tiên đầu tư địa phương

14

Lao động du lịch bên ngoài

Ưu tiên lao động DL người địa phương

15

Kiến trúc theo thị hiếu của khách du lịch

Kiến trúc bản địa

16

Xúc tiến quảng bá điểm đến như nhau

Xúc tiến quảng bá theo thị trường

17

Sử dụng TN nước, năng lượng lãng phí

Sử dụng hợp lý TN nước, năng lượng

18

Không tái sinh chất thải từ du lịch

Tăng cường tái sinh chất thải từ du lịch

19

Không chú ý tới lãng phí trong du lịch

Giảm thiểu lãng phí

20

Thực phẩm nhập khẩu cho du lịch

Thực phẩm sản xuất tại địa phương

21

Tiền bất hợp pháp, không khai báo rõ ràng

Tiền hợp pháp

22

Nguồn nhân lực DL chất lượng kém

Nguồn nhân lực DL có chất lượng

23

Khách du lịch: ưu tiên số lượng

Số lượng phù hợp, ưu tiên chất lượng

24

Không có thông tin cụ thể

Có thông tin cần thiết bất kỳ lúc nào

25

Không học tiếng địa phương

Học tiếng địa phương

26

Không ý tứ và kỹ lưỡng

Thông cảm và lịch thiệp

27

Tìm kiếm du lịch tình dục

Không tham gia vào du lịch tình dục

28

Khách DL không trở lại tham quan

Trở lại tham quan

                                                                                   Nguồn: Machado, A.

Không dừng lại nghiên cứu “nhận biết” trạng thái phát triển du lịch, các nghiên cứu gần đây đã tiến hành ở trình độ cao hơn, theo đó mục tiêu đặt ra là đánh giá mức độ phát triển DLBV tại điểm đến. Các nghiên cứu này được thực hiện dựa trên các nguyên tắc cơ bản của DLBV và tổng kết thực tiễn để đưa ra hệ thống tiêu chí với các chỉ số [biến quan sát] cụ thể để đánh giá mức độ bền vững của hoạt động phát triển du lịch thông qua mô hình toán [Bảng 2]

Bảng 2: Hệ thống tiêu chí và chỉ số đánh giá mức độ phát triển DLBV

Mức độ PTBV

Tiêu chí đánh giá

Chỉ số đánh giá

Từ góc độ         kinh tế

Khách du lịch

Tốc độ tăng lượng khách có lưu trú

Tốc độ tăng mức chi tiêu trung bình

Tốc độ tăng số ngày lưu trú trung bình

Tỷ lệ khách du lịch quay trở lại

Tỷ lệ hài lòng của du khách du lịch

Thu nhập du lịch và tỷ trọng du lịch trong cơ cấu kinh tế

Tốc độ tăng thu nhập du lịch

Tốc độ tăng tỷ trọng DL trong cơ cấu kinh tế địa phương

Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch

Tỷ lệ chính xác của thông tin quảng bá so với thực tế

Tỷ lệ hài lòng của du khách với thông tin du lịch

Tỷ lệ hiện diện trong các sự kiện truyền thông du lịch

Nguồn nhân lực du lịch

Tỷ lệ lực lượng lao động du lịch qua đào tạo

Tỷ lệ lao động du lịch đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế

Tỷ lệ lao động du lịch tham gia vào các khóa đào tạo hàng năm về nâng cao trình độ tại địa phương

Từ góc độ xã hội

Phát triển các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ

Tốc độ phát triển các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển

Tốc độ phát triển các cơ sở kinh doanh lưu trú

Tốc độ phát triển các cơ sở kinh doanh lữ hành

Tốc độ phát triển các cơ sở kinh doanh ăn uống

Sự hài lòng của cộng đồng địa phương đối với HĐDL

Tỷ lệ cộng đồng địa phương có tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến và giám sát thực hiện các dự án đầu tư, PTDL tại địa phương [số người được khảo sát]

Tỷ lệ người dân hài lòng đối với hoạt động du lịch [số người được khảo sát]

Tạo việc làm cho người dân địa phương

Tỷ lệ lao động trong ngành du lịch là người dân địa phương trên tổng số lao động

Tốc độ tăng trưởng lao động du lịch tại địa phương

Đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, an toàn xã hội

Các rủi ro về sức khỏe [bệnh tật, tai nạn] đối với du khách

Tỷ lệ số vụ trộm cắp, cướp giật liên quan đến khách du lịch trên địa bàn

Tỷ lệ tăng số người ăn xin, bán hàng rong đeo bám, giành giật khách du lịch bị xử lý

Từ góc độ tài nguyên môi trường

Khai thác tài nguyên du lịch

Tỷ lệ các điểm tài nguyên du lịch được đầu tư tôn tạo và bảo tồn

Có quy hoạch/kế hoạch và lộ trình khai thác phù hợp với

Nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường

Tỷ lệ đóng góp từ thu nhập du lịch cho công tác bảo tồn, phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường

Quản lý và hạn chế các áp lực lên môi trường tại các khu, điểm du lịch

Tỷ lệ các khu, điểm du lịch có bản quy định nội quy bảo vệ môi trường

Tỷ lệ các khu, điểm du lịch có hoạt động thu gom rác thải hàng ngày

Tỷ lệ các khu, điểm du lịch được quản lý theo giới hạn sức chứa khách du lịch

Tỷ lệ các khu, điểm du lịch có thùng đựng rác đạt chuẩn

Tỷ lệ các cơ sở lưu trú có hệ thống thu gom và xử lý chất thải đạt chuẩn

Tỷ lệ các cơ sở lưu trú sử dụng năng lượng thay thế

                                   Nguồn: Phạm Trung Lương, Nguyễn Thanh Tưởng

Căn cứ hệ thống tiêu chí và các chỉ số đánh giá mức độ phát triển DLBV, các mẫu phiếu điều tra xã hội học đã được phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của từng điểm đến. Kết quả điều tra xã hội học sẽ là các số liệu sơ cấp đầu vào của mô hình toán có sử dụng công cụ phần mềm SPSS. Để phù hợp thang linker thông dụng, mức độ đánh giá phát triển du lịch cũng được chia thành 5 cấp độ từ “Rất bền vững”  đến “Không bền vững”.

Như vậy có thể thấy lý luận về phát triển du lịch bền vững đã có những bước tiến từ nghiên cứu mang tính định tính vào những năm 2000 thì này đã dần tiệm cận nghiên cứu mang tính định lượng với việc sử dụng các mô hình toán và công cụ hiện đại hơn. Cùng với đó nhận thức và hiểu biết về phát triển DLBV của điểm đến cũng đã có những thay đổi tích cực.

3. Những cơ hội và thách thức đối với mục tiêu phát triển du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Khi đề cập đến cơ hội và thách thức đối với bất kỳ sự phát triển nào thì vấn đề cần quan tâm chính là tác động của bối cảnh đến sự phát triển đó.

Vậy bối cảnh phát triển mới của du lịch Lạng Sơn là gì? và bối cảnh đó tác động thế nào đến phát triển du lịch Lạng Sơn trong giai đoạn phát triển mới?

Phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn trong giai đoạn 2021-2030 sẽ phải đối mặt với những cơ hội và thách thức đan xen trong bối cảnh phát triển mới

Thứ nhất, đó là Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng quan trọng để phát triển đất nước. Ngoài ý nghĩa khẳng định vai trò của ngành du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nói chung và của các địa phương có tiềm năng du lịch như Lạng Sơn, thì Nghị quyết 08 khẳng định chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với phát triển du lịch trong giai đoạn phát triển tới. Điều đó cũng đồng nghĩa với cơ hội để du lịch phát triển bởi kèm theo quan điểm, chủ trương này sẽ là các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển.

Tuy nhiên Nghị quyết 08 cũng là thách thức rất lớn đối với du lịch Lạng Sơn khi mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra là “Đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Căn cứ thực trạng phát triển của địa phương thì có thể nói mục tiêu chung này đối với Lạng Sơn là không khả thi.

Thứ hai, sự phát triển mang tính “bước ngoặt” của xã hội loài người luôn gắn liền với những đột phá mang tính “Cách mạng” của khoa học công nghệ gắn với sự phát triển các ngành công nghiệp phục vụ trực tiếp cho nhu cầu cuộc sống xã hội. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 [CM 4.0] diễn ra mạnh mẽ trên ba lĩnh vực chính gồm: kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý đã làm thay đổi cơ bản về phương thức sản xuất của con người, sản xuất được điều khiển và hỗ trợ quyết định từ không gian số. CM 4.0 trong du lịch đã làm cho hoạt động du lịch trở nên thông minh hơn, làm thay đổi các phương thức hoạt động truyền thống đã trở nên trì trệ và làm cho tương tác giữa thị trường khách du lịch [cầu du lịch] với các điểm đến du lịch [cung du lịch] trở nên sống động và gần hơn để tạo nên hiệu quả cao hơn trong kinh doanh du lịch.  Điều này đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa trong bối cảnh du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tác động của CM 4.0 đến phát triển du lịch vừa tạo ra cơ hội, đồng thơi cũng tạo ra thách thức không nhỏ đối với phát triển du lịch. Điều này đặt ra yêu cầu phải cơ cấu lại ngành du lịch để thích hợp với những tác động này.

Nhiệm vụ này đối với sự phát triển du lịch Lạng Sơn trong giai đoạn tới cũng không phải là ngoại lệ để đảm bảo du lịch Lạng Sơn tận dụng được những cơ hội, đồng thời hạn chế được những tác động mang tính thách thức đối với du lịch của CM 4.0 khi năng lực thích ứng [hạ tầng công nghệ, đội ngũ và tổ chức] của du lịch Lạng Sơn còn rất hạn chế.

Thứ ba, Ở Việt Nam, tác động của BĐKH đã hiện diện trong mọi mặt của cuộc sống xã hội, trong đó có hoạt động phát triển du lịch. Những biến đổi bất thường, không theo quy luật của các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày một gia tăng. BĐKH trực tiếp ảnh hưởng đến tài nguyên du lịch, đặc biệt là các giá trị tự nhiên ở vùng núi cao như Mẫu Sơn và qua đó ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Là một địa phương có địa hình đồi núi, phát triển du lịch ở Lạng Sơn không phải là ngoại lệ. Hiện tượng mưa mù kèm theo băng giá, gió mạnh, ảnh hưởng ngày càng mạnh của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, sự thay đổi quy luật mùa, .v.v đã tác động không nhỏ đến hoạt động phát triển du lịch ở vùng Trung du miền núi Bắc Bộ trong đó có Lạng Sơn. Điều này đòi hỏi cần có những thay đổi cơ cấu du lịch phù hợp để thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối mục tiêu phát triển du lịch bền vững của Lạng Sơn trong gia đoạn phát triển tới.

Thứ tư, sự bất ổn về chính trị, khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh .. ở khu vực và quốc tế; việc Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương [CPTPP], Hiệp định Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á Âu [VN-EAEU FTA],.. sẽ làm cho dòng khách đến khu vực và Việt Nam cũng như Lạng Sơn sẽ có những thay đổi với những cơ hội và thách thức đan xen khi quan điểm chiến lược của du lịch Việt Nam cũng như của Lạng Sơn trong giai đoạn phát triển đến năm 2030 là chuyển từ “số lượng” sang “chất lượng”, từ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực và phát huy được những cơ hội trong phát triển du lịch.

Thứ năm, du lịch Lạng Sơn đã trải qua giai đoạn “Khám phá” và hiện đang bước vào giai đoạn “Phát triển” đòi hỏi cần có đầu tư cũng như tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến . Điều này cũng đồng nghĩa với thách thức rất lớn để điểm đến du lịch Lạng Sơn có được hệ thống sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm du lịch đặc thù cũng như thực hiện hoạt động Marketing có trách nhiệm để Lạng Sơn thực sự trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong chuỗi giá trị du lịch và hình ảnh chung của vùng du lịch Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Như vậy có thể thấy phát triển du lịch bền vững Lạng Sơn trong giai đoạn phát triển 2020-2021 và tầm nhìn đến năm 2030 sẽ phải đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Vấn đề quan trọng là nhận diện được đầy đủ những cơ hội và thách thức, nghiên cứu nhận diện và đánh giá mức độ phát triển du lịch bền vững của điểm đến Lạng Sơn, qua  đó có được những giải pháp phù hợp nhằm phát huy được những cơ hội và hạn chế tác động động của những thách thức để du lịch Lạng Sơn phát triển một cách bền vững, đóng góp tích cực hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm cho cộng đồng và bảo tồn các giá trị tự nhiên và văn hóa của địa phương./.

PGS.TS. Phạm Trung Lương - Trưởng Ban Du Lịch, Viện Môi trường và PTBV Việt Nam; PCT thường trực Hiệp Hội đào tạo du lịch Việt Nam

TÀI LIỆU THAM KHẢO :

  • Vũ Văn Đông [2014], Phát triển du lịch bền vững Bà Rịa - Vũng Tàu, Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Hà Nội
  • Nguyễn Đình Hòe [2009], Môi trường và phát triển bền vững, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
  • Pham Trung Lương, nnk [2002]. “Cơ sở khoa học cho phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam” Báo cáo đề tài KHCN độc lập cấp nhà nước, Hà Nội.
  • Phạm Trung Lương [2007], “Phát triển du lịch biển bền vững từ góc độ môi trường”, Tạp chí Du lịch Việt Nam, số tháng 7/2007
  • Machado, A. [2003], Tourism and sustainable development, Capacity Building for Tourism Development in VietNam, VNAT and FUDESO, VietNam
  • Tổng cục Du lịch [2011].“Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2000, tầm nhìn đến năm 2030”. Hà Nội
  • Nguyễn Thanh Tưởng, Phạm Trung Lương [2015]. “Đánh giá sự phát triển du lịch bền vững huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi”, Tuyển tập Hội thảo khoa học toàn quốc lần thứ 3 về Môi trường và Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
  • Nguyễn Thanh Tưởng [2018]. “Phát triển du lịch bền vững huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi”. Luận án Tiến sĩ, ĐHQG Hà Nội.

Video liên quan

Chủ Đề