Đánh giá về tỉnh hòa bình

Hòa Bình là một tỉnh miền núi, có lợi thế tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ vùng Tây Bắc, là giao điểm thông thương giữa các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh miền núi Tây Bắc.

Cách trung tâm Hà Nội 73 km chỉ mất khoảng 1 giờ đi xe, cách sân bay quốc tế Nội Bài 93 km và cảng biển Hải Phòng 170 km, bênh cạnh đó là hệ thống giao thông đường thủy của dòng Sông Đà dài 151 km với các cảng lớn như Bích Hạ, Ba Cấp, Thung Nai, Bình Thanh. Tỉnh Hòa Bình được đánh giá là tỉnh thành có mạng lưới giao thông đối ngoại thuận lợi, dễ dàng trong việc vận chuyển, thông thương đến mọi nơi.

Tỉnh Hòa Bình có địa thế thuận lợi, đặc biệt là vị trí quan trọng tiếp giáp Thủ đô Hà Nội.

Quỹ đất sạch dồi dào

Toàn tỉnh có diện tích tự nhiên hơn 4.500 km2. Tài nguyên rừng phong phú với diện tích đất lâm nghiệp chiếm 54,7%. Tỉnh nằm trong khu vực của 3 hệ thống sông chính là: Sông Đà, sông Mã, sông Đáy, với khoảng 400 con suối lớn, nhỏ. Những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã tập trung chú trọng đầu tư cho công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhiều dự án giao thông trọng điểm cũng như các dự án xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhiều dự án lớn lựa chọn Hòa Bình để đầu tư phát triển như: Khu du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí của tập đoàn FLC; Tập đoàn Xuân Thành đầu tư dự án Nhà máy sản xuất thiết bị điện năng lượng mặt trời, Dự án nhà máy sản xuất xi măng, sản xuất vôi và bột nhẹ; Tập đoàn Thái Bình Dương đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái, tâm linh Hòa Bình; Dự án Tuyến cáp treo Hương Bình; Tập đoàn Vingroup đầu tư dự án Trung tâm Vincom và nhà mặt phố thương mại Shophouse; Tập đoàn Hanbek-Hàn Quốc nghiên cứu đầu tư vào khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình; Tập đoàn Meiko Nhật Bản nghiên cứu đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử....

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang ký biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư.

Đánh giá về tiềm năng, cơ hội phát triển của tỉnh, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam [VCCI] cho biết: “Tỉnh có tiềm năng rất lớn về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với các đặc sản có tiếng. Cùng với đó là không gian phát triển du lịch, dịch vụ lý tưởng, Hòa Bình hoàn toàn có thể trở thành "bếp ăn” của Thủ đô, nhất là điểm đến cuối tuần của người dân Hà Nội và các trung tâm kinh tế phía Bắc. Hòa Bình có cơ hội rất lớn đón nhận làn sóng đầu tư mới để trở thành trung tâm phát triển trong khu vực, có thể trở thành cơ sở hậu cần, nghỉ dưỡng quan trọng đối với phát triển kinh tế".

Nguồn khoáng sản phong phú, di sản văn hóa độc đáo

Bên cạnh vị trí thuận lợi và quỹ đất dồi dào, tỉnh Hòa Bình còn có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng như đá granit, đá vôi, than đá, đất sét, cao lanh, vàng, sắt, nước khoáng... Tỉnh được đánh giá đứng đầu cả nước về trữ lượng nước khoáng, trong top đầu về các loại khoáng sản xây dựng. Do đó, Hòa Bình là lựa chọn tối ưu cho các doanh nghiệp đầu tư khai thác phát triển công nghiệp khai khoáng, tuyển quặng kim loại, sản xuất vật liệu xây dựng.

Hồ Hoà Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào Quy hoạch trọng điểm du lịch quốc gia.

Hòa Bình cũng là mảnh đất hội tụ nhiều tinh hoa văn hóa của người Việt. Trên địa bàn cũng có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, đền, chùa với nhiều lễ hội dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tiểu biểu như Lễ hội xuống đồng[khuống mùa] của người Mường; Lễ hội Chùa Kè; Lễ hội Đánh cá Lỗ Sơn; Lễ hội Cam Cao Phong…

Đây là yếu tố, hấp dẫn, thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, du lịch thể thao, văn hóa, lịch sử và tổ chức hội nghị, hội thảo.

Đặc biêt, với diện tích mặt nước lớn, đặc biệt hồ Hoà Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào Quy hoạch trọng điểm du lịch quốc gia đã thu hút được nhiều nhà đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu resort với cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ đáp ứng được nhu của du khách bốn phương.

Đột phá về cải cách hành chính và chất lượng công vụ

Tỉnh Hòa Bình xác định 2 khâu đột phá nhằm giải quyết vướng mắc, tồn tại, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh chính là cải cách hành chính và nâng cao chức trách công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Dân tộc Mường tại Hòa Bình với lễ hội uống rượu cần.

Theo đó, những năm qua tỉnh Hòa Bình nỗ lực tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển SX-KD và tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhanh chóng tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính. Thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn trong quá trình triển khai đầu tư và sản xuất - kinh doanh. Chú trọng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, tài chính...

Trong công tác thu hút đầu tư, tỉnh chủ yếu tập trung ở các dự án đầu tư FDI, lũy kế đến hết năm 2020 đã có 594 dự án đầu tư trong nước đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký 87.217 tỷ đồng.

Hòa Bình được đánh giá có hạ tầng phát triển ở mức khá so với toàn quốc, đứng thứ 5 so với các tỉnh trong cùng vùng miền núi phía Bắc. Điều này được thể hiện qua chất lượng một số hạ tầng cơ bản như: Điểm số khu, cụm công nghiệp đạt 11,5 điểm [trung bình cả nước 12,63], đường bộ 18,85 [trung bình cả nước 19], điện/điện thoại 17,34 [trung bình cả nước 16,23], mạng internet 21,88 [trung bình cả nước 20,98]. Cơ cấu kinh tế của tỉnh khá cân đối giữa các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và nông, lâm nghiệp.

Trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu, hạ tầng du lịch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chú trọng công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đến đầu tư.

Với những thuận lợi và tiềm năng lớn, cùng môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn, Hòa Bình đã và đang là điểm đến sôi động và tin cậy các nhà hoạch định, các nhà đầu tư.

Chủ Đề