Đất nước tôi trong những ngày chống dịch lại bất khuất gian lao như đánh giặc thuở nào

Trong đời mỗi người làm báo, năm 2021 là năm không thể nào quên khi dịch Covid-19 làm đảo lộn từ cuộc sống sinh hoạt đến cách thức làm nghề. Một năm khó khăn chung nhưng với Báo Khánh Hòa cũng là năm “lửa thử nghề, gian nan thử sức”. Để rồi, khi mọi thứ trở về bình thường mới, nhìn lại những ngày qua, chúng tôi thấy mình trưởng thành hơn và học được nhiều điều.

 
Tháng 7-2021, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trong tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15, 16 với tinh thần “ai ở đâu thì ở đó, ở nhà là yêu nước”; nhiều chốt kiểm soát phòng, chống dịch được lập nên; đi lại phải có “giấy thông hành”, thực hiện giờ “giới nghiêm”; trong nước có một vài cơ quan báo chí thông báo tạm ngừng xuất bản vì yêu cầu phòng, chống dịch. Không ai nói ra nhưng tâm trạng chung là lo lắng. Trong tình hình ấy, một ngày tháng 7, trong nhóm Zalo cơ quan, Ban Biên tập Báo Khánh Hòa thông báo ngắn gọn quyết định thực hiện xuất bản báo theo quy trình trực tuyến qua mô hình “Tòa soạn hội tụ” trên nền tảng Internet và phần mềm FTP; các bộ phận làm việc từ xa, tại nhà để phòng, chống dịch.

Ban Biên tập Báo Khánh Hòa duyệt ma-két đặc san Xuân Nhâm Dần 2022


Đối với bộ phận phóng viên, việc xuất bản online không ảnh hưởng vì quy trình gửi tin, bài không thay đổi nhưng với bộ phận đứng sau những trang báo là thư ký xuất bản thì quy trình xuất bản thay đổi hoàn toàn. Và chúng tôi chỉ có 1 tuần để thích ứng. Trong 1 tuần vừa xây dựng quy trình vừa chạy thử, lần đầu tiên, chúng tôi làm báo trong im lặng. Trong 1 tuần ấy, dẫu vẫn cùng chung phòng làm việc nhưng không ai trao đổi trực tiếp, mọi thao tác, thông tin qua lại phải thực hiện như mỗi người đều đang ở nhà làm việc từ xa để kịp thời phát hiện, xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh khi thực sự thực hiện quy trình xuất bản online. Sau 1 tuần tạm ổn, chúng tôi chuyển sang làm việc tại nhà, bắt đầu giai đoạn thích ứng làm việc từ xa.


Trong giai đoạn giãn cách xã hội, ban đầu ai cũng lo lắng tác nghiệp của phóng viên khó khăn, số lượng, chất lượng tin, bài sẽ hạn chế. Thế nhưng, với tinh thần chiến đấu, sự lăn xả của đội ngũ phóng viên, khối lượng tin, bài mỗi ngày chuyển về ngồn ngộn, phản ánh toàn diện tình hình kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, bám rất sát mọi hoạt động, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch của tỉnh. Lực lượng phóng viên đã tham gia cùng lực lượng tuyến đầu ở các điểm nóng để có những bài viết kịp thời phản ánh đầy đủ mọi hoạt động liên quan đến ứng phó với dịch bệnh. Theo tổng hợp của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, năm 2021, trong tổng số gần 10.000 tin, bài tuyên truyền về dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh thì Báo Khánh Hòa đã có gần 5.000 tin, bài. Trong năm khó khăn nhất nhưng đội ngũ phóng viên của Báo Khánh Hòa đã có những quả ngọt là thực hiện được nhiều loạt bài chất lượng để dự thi Giải Búa liềm vàng của tỉnh và Trung ương như: Chung sức, đồng lòng vượt qua Covid-19; Đằng sau cánh cửa bệnh viện dã chiến; Hiệu quả công tác giảm nghèo; Khánh Hòa trên đường ra biển lớn…


Trong loạt bài Chung sức, đồng lòng vượt qua Covid-19 [đoạt giải A giải Búa liềm vàng của tỉnh năm 2021], 2 phóng viên Xuân Thành và Đình Lâm đã kịp thời phản ánh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân với tinh thần quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Phóng viên Đình Lâm chia sẻ: “Sau khi xin ý kiến của Ban Biên tập, chúng tôi thực hiện rất nhanh trong tình thế “nước sôi, lửa bỏng”. Đây là giai đoạn cả hệ thống chính trị dồn toàn lực cho chống dịch. Do xông xáo khắp nơi từ đầu dịch nên chúng tôi thuận lợi là tư liệu viết bài đầy đặn nên sau khi xây dựng được đề cương, hệ thống và chắt lọc nguồn tư liệu ngồn ngộn, chúng tôi hoàn thành tác phẩm rất thời sự”. Là phóng viên trẻ nhiệt huyết với nghề, phóng viên Thái Thịnh luôn có mặt ở những điểm nóng để có những bài viết về lực lượng tuyến đầu chống dịch khi trắng đêm theo chân cán bộ y tế truy vết tầm soát, phản ánh chân thực sự vất vả, hy sinh quên mình của những “chiến binh xanh”; những cán bộ, chiến sĩ ngày đêm chăm lo cho người dân từng miếng ăn, giấc ngủ ở các khu cách ly tập trung… Phóng viên Thái Thịnh tâm sự: “Thời gian dịch giã, cánh phóng viên có mặt ở khắp nơi và chúng tôi nhận ra rằng, trong thời điểm gian nan mới thấy tinh thần người Việt thật sự chứa chan, ân tình; nghĩa tình đồng bào thiêng liêng, tất cả đều đoàn kết một lòng để có thành quả hôm nay, khi mọi thứ trở về trạng thái bình thường mới”.


Đến giờ, tôi vẫn giữ tờ giấy xác nhận đi lại do yêu cầu công việc được cơ quan cấp phục vụ cho việc xuất bản báo hàng ngày. Mỗi lần giở ra lại hồi tưởng những buổi làm báo về muộn, phố đêm vắng lặng hắt hiu để thêm trân trọng thành quả hôm nay. Nhìn lại năm 2021, những người làm báo Khánh Hòa tự hào trong điều kiện dịch bệnh, nhưng đội ngũ phóng viên của báo bám rất sát tình hình thời sự của tỉnh, tập thể tòa soạn đã nỗ lực hết mình để việc xuất bản báo đảm bảo liên tục ổn định. Tôi chợt nhớ câu thơ đọc được ở đâu đó “Đất nước tôi trong những ngày chống dịch/Lại bất khuất gian lao như đánh giặc thuở nào”. Và, chúng tôi đã thực sự chuyển mình từ trong gian khó, để khi đã trở về trạng thái bình thường mới, quy trình tòa soạn hội tụ vẫn được áp dụng như đặt thêm một viên gạch cho quá trình chuyển đổi số của tòa soạn.


KHÁNH NINH

Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 5-5-1902 ở thôn Đông, xã Tràng Thành [nay là xã Hoa Thành], huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nho học, có truyền thống yêu nước. Ông nội là Phan Đăng Định, một nhà nho nghèo làm nghề phong thủy và bốc thuộc chữa bệnh, cả đời chỉ tâm niệm tiết tháo nhà nho, nhân hậu cứu giúp mọi người.

Ông ngoại là cụ cử [cử nhân] Trần Danh Tiêu - nổi tiếng hay chữ và có nhiều đóng góp cho các cuộc khởi nghĩa của các lãnh tụ văn thân tại quê nhà. Cha anh là ông Phan Đăng Dư, một nhà nho yêu nước. Ông đã từng tham gia cuộc khởi nghĩa chống Pháp do cụ Chu Trạc, một cử nhân võ trang trong làng [Tràng Thành] chỉ huy. Mẹ là Trần Thị Liễu, một người thông minh, có học chữ Nho, yêu chồng, thương con và chăm lo việc gia đình. Phan Đăng Lưu là con trai cả trong gia đình. Từ thuở ấu thơ, Phan Đăng Lưu đã được mẹ kể cho nghe về các anh hùng, các chí sĩ cứu nước, gợi lên trong tâm trí anh những hình ảnh đẹp đẽ và tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, của quê hương. Không những thường xuyên hun đúc tinh thần yêu nước, chí khí quật cường cho Phan Đăng Lưu, bà còn tìm mọi cách ủng hộ và giúp đỡ anh theo khuynh hướng tân học.

Tuổi thiếu thời của Phan Đăng Lưu được nuôi dưỡng bởi những truyền thống tốt đẹp trong suốt quá trình đấu tranh gây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Đó là truyền thống đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau bảo vệ quê hương, đất nước, con người cần cù, sáng tạo và anh dũng bất khuất trong lao động sản xuất, chống giặc ngoại xâm; uống nước nhớ nguồn, yêu chuộng hòa bình; hiếu học, tôn sư trọng đạo,... Những truyền thống tốt đẹp đó gắn liền với những tấm gương oanh liệt của các bậc anh hùng, nghĩa sĩ của quê hương trong những phong trào đấu tranh, khởi nghĩa chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai như Nguyễn Xuan Ôn, Lê Doãn Nhã, Lãnh Ngợi, Đốc Quyền... Truyền thống tốt đẹp của gia đình và quê hương đã góp phần hình thành nhân cách một chiến sĩ cộng sản mẫu mực, kiên cường Phan Đăng Lưu.

Cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt của đồng chí Phan Đăng Lưu là tấm gương sáng ngời về lòng kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản; về sự hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.

 1. Từ một thanh niên yêu nước trở thành đảng viên Đảng Phục Việt và chiến sĩ cách mạng chuyên nghiệp

Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước tại một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, ngay trừ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Phan Đảng Lưu đã thể hiện tư chất thông minmh và bản lĩnh của một nhà cách mạng chuyên nghiệp.

Phan Đăng Lưu sinh ra vào lúc hệ tư tưởng Nho giáo ở nước ta đã tỏ ra bất lực trước yêu cầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong điều kiện lịch sử mới. Nhận thấy rõ hạn chế này nên anh đã từ bỏ Nho học, chuyển sang học ở trường Tiểu học Pháp - Việt ở Vinh nhằm tiếp thu những tiến bộ của văn hóa phương Tây. Tốt nghiệp tiểu học, anh thi vào trung học. Khi học hết năm đầu bậc trung học tại Trường Quốc học Huế, anh quyết định thi vào Trường Canh nông thực hành ở Tuyên Quang, vì anh cho rằng " Người trí thức không chỉ nghĩ đến danh lợi cho riêng mình, mà phải lo điều ích nước, lợi dân. Muốn vì lợi ích của nhân dân, của quê hương mình thì tốt nhất là vào học trường Canh nông, vì nước ta là nước nông nghiệp, nhân dân ta tuyệt đại đa số là nông dân, nghề nông là gốc của nước... Hiện nay ích nước, lợi dân không gì bằng mở mang nông nghiệp, mà muốn thế, thì phải thâu thái những cái hay của các nước văn minh trong nghề đó". Sau khi tốt nghiệp hạng ưu, năm 1923, anh được Giám đốc Sở Canh nông Bắc Kỳ bổ trí làm việc ở trạm nghiên cứu tơ tằm Thanh Ba, Phú Thọ. Mới đầu anh dồn sức làm việc, nhưng anh đã hoàn toàn thất vọng nhận ra rằng một công chức dưới chế độ thực dân không thể thực hiện được hoài bão lớn lao như hằng mong muốn. Anh chuyển sang nghiên cứu say sưa các môn khoa học chính trị - xã hội. Đây là khởi điểm cho con đường đi mới của anh. Nhận thấy ở Thanh Ba khó có điều kiện nghiên cứu, anh xin chuyển về Diễn Châu, rồi về Vinh.

Dù đã được chuyển về Diễn Châu, nhưng để có cơ hội tiếp xúc và tham gia các hoạt động yêu nước mạnh mẽ hơn, tháng 9 - 1925, Phan Đăng Lưu chuyển về làm việc ở Sở Canh nông Nghệ An tại thành phố Vinh - Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Nghệ An và cả miền Trung. Đây là cuộc thuyên chuyển công tác ghi mốc thời điểm anh bắt đầu bước vào con đường hoạt động cách mạng vì dân, vì nước.

Thời gian này, ở Vinh đã hình thành Hội Phục Việt [tháng 7 - 1925]. Làm việc tại Vinh, Phan Đăng Lưu có điều kiện thuận lợi gặp gỡ bạn bè và các cán bộ lãnh đạo của Hội Phục Việt như Trần Phú, Hà Huy Tập, Ngô Đức Diễn, Trần Văn Tăng,... Nhận thấy Phục Việt là một tổ chức tích cực, hoạt động vì độc lập, tự do, hạnh phúc của đồng bào, chính vì vậy, cuối năm 1925, Phan Đăng Lưu đã gia nhập Hội Phục Việt. Hoạt động trong Hội Phục Việt, anh có điều kiện được tiếp xúc với nhiều sách, báo cộng sản từ nước ngoài chuyển về như Báo Le Paria [Người cùng khổ], Báo L’Humanité [Nhân đạo]; tìm hiểu các học thuyết chính trị, tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lênin qua đọc các tác phẩm như Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và một số tác phẩm của Lênin... Những tác phẩm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và chủ nghĩa Mác - Lênin đã đã để lại trong anh những ấn tượng sâu sắc và giúp anh sáng tỏ con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Phan Đăng Lưu được Hội Phục Việt giao nhiệm vụ cùng một số  giáo viên Trường Quốc học Vinh mở lớp học ban đêm ở Nhà máy Trường Thi để nâng cao trình độ chính trị, văn hóa cho công nhân, nông dân trong vùng. Vừa thực hiện nhiệm vụ được giao, anh vừa tích cực học tập không ngừng, nhằm nâng cao trình độ, kiến thức của mình. Anh tranh thủ từng giờ từng phút nghiên cứu, học tập, mở rộng hiểu biết.

Anh say sưa nghiên cứu, học hỏi đến mức sao nhãng công việc của một công chức. Chính quyền thực dân đã nghi ngờ anh và chuyển anh đi làm việc ở các nơi như Linh Cảm [Hà Tĩnh], rồi đến Phúc Phong [Bình Định], Di Linh và Đà Lạt [Lâm Đồng], những nơi khó khăn cho hoạt động cách mạng nhằm tách anh ra khỏi tổ chức và các hoạt động yêu nước, chống phá chính quyền thực dân. Nhưng dù ở đâu, anh cũng tổ chức hoạt động yêu nước, chống bọn chủ sự Pháp. Vào năm 1927, chính quyền thực dân đã thải hồi anh vì “có những hành động vô kỷ luật liên tiếp”. Đây là dấu mốc chấm dứt nghề công chức bắt đắc dĩ của Phan Đăng Lưu. Anh trở về quê hương, tìm đến tổ chức nhận nhiệm vụ, bắt đầu dấn thân vào cuộc đời của người chiến sĩ cách mạng chuyên nghiệp. Từ đây, anh dồn tất cả tâm trí vào hoạt động cách mạng, thực hiện lý tưởng cao cả giải phóng dân tộc.

Trở lại quê hương, Phan Đăng Lưu càng nhận thấy rõ hơn, muốn giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân không thể bằng con đường làm công chức đơn thuần mà phải bằng con đường đứng lên đấu tranh cách mạng giải phóng toàn dân tộc ra khỏi gông cùm nô lệ. Anh được Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Đảng phân công xây dựng cơ sở tại Yên Thành, Nghệ An. Theo sự phân công, Phan Đăng Lưu gặp gỡ các bạn hữu, tuyên truyền, giáo dục, vận động họ. Anh đem sách báo, tài liệu tiến bộ về Yên Thành phổ biến, bồi dưỡng những người hăng hái nhất, kết nạp họ vào tổ chức Đảng. Chỉ sau thời gian ngắn, anh đã xây dựng được đại tổ ở Yên Thành gồm các tiểu tổ Tràng Thành, Kim Thành, Bút Trận, Cự Phú.

Từ một công chức, đồng chí đã trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp trong tổ chức Tân Việt, được bầu làm Ủy viên Thường vụ của tổ chức này [7-1928]. Phan Đăng Lưu có nhiều cống hiến to lớn cho Tân Việt trên các mặt tham gia hoạch định đường lối, phát triển tổ chức, đào tạo cán bộ và đặc biệt là góp phần có tính quyết định vào việc định hướng phát triển Tân Việt theo đường lối thanh niên, tích cực vận động hợp nhất Tân Việt với Thanh niên. Trong mối quan hệ giữa Tân Việt với Thanh niên có hiện tượng tranh giành ảnh hưởng của nhau, lôi kéo đảng viên, đôi khi công kích lẫn nhau,... nhưng ở những nơi Phan Đăng Lưu hoạt động không diễn ra tình trạng đó. Hơn nữa, đồng chí còn hợp tác, giúp đỡ Thanh niên trong cung cấp tài liệu và tuyên truyền cũng như phát triển tổ chức.

Qua nhiều năm hoạt động cách mạng, Phan Đăng Lưu đã trưởng thành từ một đảng viên và cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tân Việt Cách mạng Đảng [tiền thân là Hội Phục Việt], đồng chí đã trở thành đảng viên và cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương [nay là Đảng Cộng sản Việt Nam], đồng chí được giao giữ trọng trách Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ [1936 - 1937], Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương [1937 - 1939]. Khi toàn bộ Ban Chấp hành Trung ương Đảng bị bắt [1940], chỉ còn một mình Phan Đăng Lưu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, duy trì phong trào cách mạng. Vào cuối tháng 10- 1940, sau khi đã cố gắng trì hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Phan Đăng Lưu đã từ Nam ra Bắc cùng với Xứ ủy Bắc kỳ tổ chức Hội nghị tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng [Hội nghị Trung ương lần thứ bảy]. Tai hội nghị này, Phan Đăng Lưu đã cùng các đồng chí dự Hội nghị đề cử đồng chí Đặng Xuân Khu [tức Trường Chinh] làm quyền Tổng Bí thư của Đảng. Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng đều nổi tiếng là người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có nhiều cống hiến to lớn cho Đảng và cho Nhân dân.

2. Người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận báo chí và văn học cách mạng

Tháng 5 - 1928, Phan Đăng Lưu được Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Đảng cử vào Huế phụ trách Quan hải tùng thư - một nhà xuất bản do Tổng bộ Tân Việt chủ trương nhằm in ấn, xuất bản tuyên truyền những sách báo tiến bộ.

Trong thời gian tham gia Quan Hải tùng thư, Phan Đăng Lưu đã dùng báo chí để tuyên truyền vận động quần chúng. Những cuốn sách nhỏ của Quan Hải tùng thư và các bài báo của Phan Đăng Lưu đã có tác dụng giác ngộ lý tưởng cách mạng những thanh niên giàu lòng yêu nước, để từ đó thấm dần vào các tầng lớp nhân dân. Qua công tác tuyên truyền, Tân Việt lựa chọn những người ưu tú để phát triển Đảng.

Ngày 14-7-1928,  tại Đại hội thành lập Tân Việt Cách mạng Đảng, đồng chí được bầu làm Uỷ viên Thường vụ Tổng bộ phụ trách Tuyên huấn. Trên cương vị mới, Phan Đăng Lưu rất coi trọng tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng và đã sử dụng báo chí như là một công cụ để "tuyên truyền tập thể, tổ chức tập thể, cổ động tập thể".  Với kiến thức Hán học và vốn tiếng Pháp tinh tế, Phan Đăng Lưu đã dịch và biên soạn nhiều tư liệu quý như “A.B.C Chủ nghĩa Mác”, “Dân chủ mới”; dịch các cuốn “Xã hội luận”, “Lược sử các học thuyết kinh tế”… Các cuốn sách, bài báo của Phan Đăng Lưu, Đào Duy Anh và các tác gia ở Quan Hải Tùng Thư góp phần thức tỉnh nhiều thanh niên, học sinh yêu nước. Từ họ, tư tưởng tiến bộ, cách mạng lan toả, thấm dần vào các tầng lớp nhân dân. Trong chuyến đi Trung Quốc sau đó, được đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Ninh… Phan Đăng Lưu mang về nước nhiều tài liệu, sách báo quý về chủ nghĩa Mác, về Cách mạng Tháng Mười, về phong trào Cộng sản Quốc tế và một số bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc...

Tháng 9 - 1928, trong chuyến sang Trung Quốc lần thứ hai để tìm gặp và liên kết Đảng Tân Việt với Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, Phan Đăng Lưu bị bắt ở Hải Phòng, bị đưa về giam ở Nhà lao Vinh và bị kết án 5 năm tù khổ sai, lưu đày ở nhà tù Buôn Ma Thuột. Ngày 3 - 2 - 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Phan Đăng Lưu được kết nạp Đảng ở trong tù và tham gia ban lãnh đạo những người cộng sản ở trong tù. Buôn Ma Thuột hồi đó là một khu tự trị với chính sách hết sức hà khắc của bè lũ thực dân và tay sai. Nhà tù ở đây tuyển lính gác ngục là người Ê Đê vừa không biết tiếng Kinh, vừa bị kích động hằn thù dân tộc giữa Kinh và Thượng. Nhận rõ tình hình, nhiệm vụ lúc đó, Phan Đăng Lưu lao vào học tiếng Ê Đê và vận động các bạn tù cùng học. Chỉ sau vài tháng  đồng  chí đã sử dụng khá thành thạo thứ tiếng này. Để tuyên truyền, giác ngộ lính canh tù, đồng chí lập ra tờ Doãn Đê tù báo [trong tiếng Ê Đê, Doãn là từ chỉ người Kinh, người miền xuôi]. Tờ báo bí mật ra hàng tuần, vừa là công cụ giác ngộ binh lính người Ê Đê, vừa là tài liệu tuyên truyền nội bộ. Các bài viết ngắn gọn, đơn giản, trong đó nói về nỗi nhục mất nước; về quan hệ gắn bó giữa người Ê Đê và người Kinh cùng chung một nước; tấm gương tiết liệt, yêu nước của tù nhân cách mạng; về cách nhìn cảm thông của tù nhân cách mạng với những người Ê Đê bị ép buộc làm những điều mà họ không muốn. Tác dụng của tờ báo lúc đó rất lớn, rất hiệu quả. Mối quan hệ giữa người tù, lính canh được cải thiện rõ rệt. Một số lính canh còn giúp tù nhân nhiều việc có ích. Riêng Phan Đăng Lưu, dù bị bọn cai ngục “chăm sóc” rất kỹ, bị đánh đập dã man, bị giam cấm cố, nhưng đồng chí vẫn viết báo đều, viết khoẻ và sắc sảo. Theo Tôn Quang Phiệt và những người bị giam ở Buôn Ma Thuột lúc đó như: Trịnh Xuân Quang, Hà Thế Hạnh, Bùi San…, để nắm được tình hình bên ngoài. Phan Đăng Lưu qua những người gác tù đã được giác ngộ, nhờ những người không bị quản chế chặt, bí mật nhặt nhạnh tất cả các mảnh báo, giấy tờ bị loại ra, kể cả chỗ “đi xia” mang về cho Phan Đăng Lưu. Đó là tài liệu, là chút giấy ít ỏi để ông viết báo bằng ánh sáng lờ mờ từ lỗ thông hơi.

Vào quãng giữa năm 1932, sau cuộc phá ngục của tù nhân ở nhà tù Kon Tum, thực dân Pháp siết chặt chế độ lao tù đến mức hà khắc. Lãnh đạo nhà tù Buôn Ma Thuột, trong đó có cả Phan Đăng Lưu, chủ trương viết báo bằng cả tiếng Việt, tiếng Pháp, để khi có người được ra tù hoặc qua đường dây bí mật gửi đăng ở các báo, tố cáo chế độ nhà tù, kêu gọi dư luận bên ngoài hỗ trợ cuộc đấu tranh của tù nhân. Một số ít bài báo như vậy đã may mắn lọt ra ngoài. Bọn cai ngục ở nhà tù Buôn Ma Thuột tức lồng lộn, xoi mói, lùng sục các buồng giam kỹ hơn.

Năm 1933, nhân một đồng chí hết hạn tù, đồng chí Phan Đăng Lưu bí mật viết một bài đả kích chế độ nhà tù nhờ gửi về quê. Việc bị lộ, đồng chí bị ghép vào tội viết báo tuyên truyền chống lại chính phủ bảo hộ, tăng án thêm 5 năm tù khổ sai và giam vào xà lim.

Mùa hè năm 1936, đồng chí Phan Đăng Lưu được trả tự do nhưng bị quản thúc ở Huế. Tại đây, Phan Đăng Lưu cùng các đồng chí liên lạc với Đảng và được Trung ương chỉ định vào Xứ ủy Trung Kỳ và sau đó là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách phong trào đấu tranh công khai, hợp pháp.

Trong những ngày hoạt động ở Huế, Phan Đăng Lưu đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, vừa xây dựng chỉ đạo các báo chí của Đảng vừa trực tiếp đào tạo, đoàn kết tập hợp lực lượng báo giới, đặc biệt là hướng dẫn, bồi dưỡng, dìu dắt thanh niên tiến bộ, rèn luyện họ trở thành những đảng viên hiểu biết về lý luận. Đồng chí thường nhắc nhở anh em: “Đấu tranh mặt trận tư tưởng là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng”.

Tháng 3 - 1937, Xứ ủy Trung Kỳ phân công đồng chí Phan Đăng Lưu tổ chức Đại hội báo chí Trung Kỳ tại Huế để tập hợp những người viết báo tiến bộ, hướng các nhà báo vào những nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa lúc bấy giờ.

Được Đảng giao hoạt động công khai và bán công khai, và báo chí được coi là diễn đàn, là vũ khí đấu tranh vừa phù hợp, vừa sắc bén, Phan Đăng Lưu đã cùng một số trí thức yêu nước mua lại tờ báo Sông Hương và chuyển thành Sông Hương tục bản. Tờ báo do Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo nội dung và viết bài các bài xã luận, bình luận, tiểu phẩm. Nội dung trình bày quan diểm của Đảng, phát động quần chúng đấu tranh tuyên truyền cho cuộc vận động Đông Dương Đại hội, giải thích cho dân biết về quyền bầu cử, ứng cử. Báo tỏ rõ tính giai cấp, tính chiến đấu sâu sắc, vạch mặt chỉ tên bọn tay sai bán nước hại dân, dùng các thủ đoạn để lường gạt cử tri. Mặc dù cử tri bị hạn chế và địch gây khó khăn trong việc bầu cử nhiều ứng cử viên của Mặt trận dân chủ hoặc có cảm tình với Mặt trận đã trúng cử. Viện trưởng, viện phó đều là người của Mặt trận. Sông Hương tục bản trên thực tế đã trở thành cơ quan ngôn luận của Xứ uỷ Trung Kỳ. Sau gần 4 tháng phục vụ nhiệm vụ chính trị, ra được 14 số, đến 14 - 10 - 1937 tự đóng cửa.

Sang năm 1938, Báo Dân -  cơ quan những người cấp tiến Xứ uỷ Trung Kỳ ra đời do Phan Đăng Lưu phụ trách, thể hiện nhiệm vụ tập trung tuyên truyền cách mạng. Báo Dân kết hợp chặt chẽ với các đại biểu tiến bộ trong Viện Dân biểu và phong trào cách mạng của quần chúng, tạo nên sức mạnh to lớn chống sưu cao thuế nặng, chống áp bức bất công, đòi tự do ngôn luận, đặc biệt là đánh bại dự án thuế thân, thuế điền thổ của Toà khâm sứ Trung Kỳ. Đây là một thất bại lớn của "chính phủ bảo hộ" tại Viện dân biểu Trung kỳ năm 1938 và cũng là thắng lợi chưa từng có trong lịch sử đấu tranh hợp pháp ở địa phương lúc bấy giờ. Báo Dân ra được 17 số [từ tháng 7 đến tháng 10 - 1938] thì đóng cửa do kẻ địch biết đó là sự thay đổi tên gọi của Sông Hương tục bản và do Phan Đăng Lưu phụ trách.

Sau đó, cơ quan Xứ uỷ và Phan Đăng Lưu cho ra tờ báo Dân Tiến, do Phan Đăng Lưu trực tiếp phụ trách, báo được biên tập ở Huế, in ấn ở Sài Gòn, phát hành ở Nam Kỳ. Ra được 5 số, Dân Tiến bị nhà cầm quyền đóng cửa. Không chịu khuất phục, Phan Đăng Lưu cho ra tiếp tờ báo Dân Muốn, biên tập ở Huế, in và phát hành ở Sài Gòn.

Phan Đăng Lưu còn trực tiếp chỉ đạo nhà xuất bản Tư tưởng, có trụ sở đóng ở Đà Nẵng, cộng tác với "Quan Hải tùng thư" xuất bản những sách phổ thông về lịch sử dân tộc, về chủ nghĩa Mác - Lênin. Xuất phát từ quan niệm “không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”, đồng chí không ngừng trau dồi thêm các kiến thức thức của mình về khoa học xã hội, chính trị, triết học

Ở Phan Đăng Lưu, sự nghiệp cách mạng luôn gắn bó hữu cơ với sự nghiệp báo chí và văn hóa - văn nghệ. Nếu làm cách mạng giải phóng dân tộc, phục vụ nhân dân là mục tiêu, lý tưởng cao đẹp nhất của đồng chí, thì sử dụng báo chí và văn học đến tầm sâu bản chất nhân văn lại là vũ khí sắc bén, hữu hiệu để thực hiện mục tiêu lý tưởng cao đẹp ấy... Trong các năm từ 1937 đến 1939, cùng với hoạt động báo chí sôi nổi, bản lĩnh, sáng tạo, Phan Đăng Lưu còn cho ra mắt bạn đọc các tác phẩm mang tính nghiên cứu, lý luận như “Xã hội Tư bản”, “Thế giới cũ và Thế giới mới”, “Thơ văn các nhà chí sỹ Việt Nam”. Là người rất gần gũi với Phan Bội Châu, được coi là Thư ký của cụ Phan, Phan Đăng Lưu còn động viên, giúp việc để cụ Phan hoàn thành cuốn sách “Phan Bội Châu niên biểu”.

Trong trang sử vàng của cách mạng Việt Nam, của báo chí cách mạng Việt Nam, Phan Đăng Lưu có một vị trí xứng đáng, trân trọng. Đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta, nhân dân ta, một nhà báo cách mạng ưu tú, hết sức tiêu biểu thập niên ba mươi của thế kỷ hai mươi.

3. Đồng chí Phan Đăng Lưu - Tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng

Đó là tấm gương đạo đức tận trung với nước, tận hiếu với dân; còn sức còn làm việc vì Đảng, vì dân; còn sống còn cống hiến cho Đảng, cho dân; tuyệt đối không màng tới vòng danh lợi. Tất cả đều bắt nguồn ở đồng chí có niềm tin tưởng tuyệt đối của Đảng, vào sự thắng lợi tất yếu của cách mạng dưới sự đưa đường chỉ lối của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Phẩm chất đạo đức đó đã nuôi dưỡng chí khí chiến đấu của đồng chí Phan Đăng Lưu, thôi thúc đồng chí luôn đứng trên thế tiến công cách mạng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, từ khi còn là một thanh niên yêu nước cho đến khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản trong lao tù đế quốc và đến tận những phút giaay cuối cùng hy sinh anh dũng trên pháp trường dưới làn đạn của kẻ thù... Bảo đảm cho sự trường tồn và phát triển của Đảng là mệnh lệnh mà đồng chí phải nghiêm chỉnh chấp hành, dù phải hy sinh lợi ích cá nhân vì biết rằng còn Đảng là còn cách mạng nhất dịnh thắng lợi. Nổi bật nhất về niềm tin và sự hy sinh ấy là sự kiện đồng chí Phan Đăng Lưu đã góp phần tiến cử đồng chí Trường Chinh vào chức vụ cao nhất trong Đảng [Tổng Bí thư] mặc dù khi đó đồng chí Trường Chinh mới chỉ là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ. Tấm gương đạo đức hết lòng vì Đảng, vì dân, chí công vô tư ấy của đồng chí Phan Đăng Lưu thật là cao cả.

Cũng như nhiều chí sĩ yêu nước và chiến sĩ cộng sản, ở đồng chí Phan Đăng Lưu yêu nước với thương yêu nhân dân thống nhất với nhau. Yêu nước là từ lòng yêu dân, thương yêu những con người nghèo khổ, yêu những người thân trong gia đình đến bà con xóm làng quê hương, quanh năm khốn khổ cơ hàn trong cảnh nước mất nhà tan. Càng yêu thương dân, đồng chí càng căm ghét bọn đàn áp, bóc lột dân nghèo. Phan Đăng Lưu luôn mang nặng nghĩa tình với dân với nước. Nghĩa tình ấy đã thôi thúc Phan Đăng Lưu đi tìm và đến với Đảng, với cách mạng để cứu nước, cứu dân.

Khi được giác ngộ cách mạng, Phan Đăng Lưu nhận thức rõ trách nhiệm của mình là phải gần gũi nhân dân, hiểu được tâm tư nguyện vọng của nhân dân để mở mang trí óc cho nhân dân, hướng dẫn nhân dân đi theo con đường cách mạng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Ở Vinh, đồng chí luôn tìm những dịp tốt để gần gũi và giác ngộ con đường cách mạng cho những người nông dân, công nhân, thanh niên, trí thức. Ở nhà tù Buôn Ma Thuột, đồng chí tranh thủ những lúc gần gũi để tỉ tê cùng các bạn tù, cảm hóa lính gác ngục người Ê đê để đem ánh sáng của Đảng soi rọi tâm hồn họ, dìu dắt họ đi theo cách mạng. Ở Huế, đồng chí lân la nói chuyện với người phu xe, người dân lao động để hỏi han, tìm hiểu đời sống và nguyện vọng của họ.

Trong những năm 1936  - 1939, để cứu dân, cứu nước, Phan Đăng Lưu thường xuyên tổ chức mở các lớp học với nhiều trình độ khác nhau để tạo điều kiện cho lớp trẻ , bạn bè, đồng chí học tập, tích cực đọc các sách báo tiến bộ, bỏ lối học suông, học gắn với hành. Đồng chí luôn ân cần chỉ bảo cho mọi người “hãy tìm sách mà đọc, tìm thầy mà học, để làm người hữu ích, để cứu giống nòi, xây dựng đất nước”. Nhiều đồng chí được Phan Đăng Lưu dìu dắt đã trở thành những nhà hoạt động cách mạng, cán bộ lãnh đạo cao cấp trong Đảng và Nhà nước ta như Phan Đăng Tài, Nguyễn Oanh, Nguyễn Vịnh [Nguyễn Chí Thanh], Tố Hữu, Bùi San...

Phan Đăng Lưu cũng thường xuyên gặp gỡ các tầng lớp trí thức, các bạn thanh niên, học sinh, công chức, các nhân sĩ, các nhà khoa bảng, tu hành, để thuyết phục họ đi theo con đường cách mạng của Đảng. Đa số những người trong họ đều coi đồng chí là người bạn chân thành, người cố vấn sáng suốt của họ.

Cuộc đời và sự nghiệp của Phan Đăng Lưu luôn là tấm gương cao đẹp về đạo đức cần, kiệm, liêm, chính. Tự học miệt mài trong sách báo Đông, Tây, kim, cổ, trong tổng kết kinh nghiệm công tác hàng ngày với đồng chí, bạn bè, nhân dân, để tích lũy cho mình vốn hiểu biết cần thiết, mong có ngày đủ tâm, đủ tài cứu nước, cứu dân là niềm đam mê, hoài bão lớn của đồng chí. Chỗ ở và nơi làm việc của đồng chí chất đầy các loại sách, báo chí... Đồng chí luôn giành dụm chi tiêu để mua sách, báo. Đọc đến đâu đồng chí luôn ghi chép, tổng hợp kiến thức đến đấy. Cả trong lao tù đế quốc, thấy ở đâu những mảnh báo nhỏ, mảnh giấy vụn rơi vãi, đồng chí đều đem nhặt về sử dụng một cách hợp lý. Ngoài giờ đi phổ biến nghị quyết của Đảng, thuyết phục, vận động tổ chức quần chúng là đồng chí lao ngay vào học tập, nghiên cứu, không bỏ phí giây phút nào. Đồng chí nghiên cứu đủ loại sách, báo, từ Nho học đến Tân học, từ khoa học tự nhiên đến khoa học chính trị - xã hội bằng cả tiếng Trung Quốc và tiếng Pháp, sâu sắc nhất và thường xuyên nhất là các sách báo của chủ nghĩa Mác - Lênin, của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, của Quốc tế Cộng sản, đường lối chính sách của Đảng và tình hình thế giới.

Những cống hiến to lớn cho Đảng, cho cách mạng mà Phan Đăng Lưu mang lại là kết quả tất yếu trong suốt cuộc đời đồng chí cần kiệm tích lũy vốn hiểu biết sâu rộng trên cơ sở miệt mài học tập, lao động về hoạt động cách mạng của đồng chí.

Ở Phan Đăng Lưu tấm gương đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư luôn thống nhất và là sự biểu hiện toàn diện, cụ thể của tấm gương đạo đức tận trung với nước, tận hiếu với dân. Những ngày cuối đời trong xà lim án chém, Phan Đăng Lưu vẫn linh hoạt sáng tạo tổ chức trao đổi, đúc rút kinh nghiệm về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ với các đồng chí trong tù; vẫn hết lòng chăm sóc, thương yêu những đồng chí bị kẻ thù tra tấn dã man, tàn bạo; vẫn truyền và khơi dậy ý chí bất khuất, kiên cường với niềm lạc quan tin tưởng vào ngày mai toàn thắng của cách mạng cho những đồng chí còn ở lại. Đồng chí cũng không quên viết thư về nhà để động viên, an úi những người thân trong gia đình trên tinh thần của một người cộng sản chân chính.

Ba mươi chín năm tuổi đời, gần 20 năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, đồng chí Phan Đăng Lưu đã hiến dâng trọn đời mình vì cách mạng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng chí là tấm gương sáng cổ vũ, động viên các thế hệ người Việt Nam trong cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.

  ThS. Nguyễn Thị Hồng Vui 

         Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

Video liên quan

Chủ Đề