Giải pháp ngăn già hóa dân số ở việt nam năm 2024

Ngày 16/9, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Ảnh hưởng của già hóa dân số đến phát triển kinh tế".

Người cao tuổi đến thăm khám sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Khai mạc hội thảo, Tiến sỹ Phí Vĩnh Tường, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cho biết, già hóa dân số là kết quả của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học tất yếu và lâu dài. Hiện nay, già hóa dân số là thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế và các vấn đề về an sinh. Già hóa dân số diễn ra ở nhiều khu vực mang tính chất toàn cầu và Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số.

Theo Tổng cục Thống kê năm 2019, Việt Nam có khoảng 10,4 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Theo dự báo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, năm 2029, số lượng người cao tuổi Việt Nam đạt 17 triệu người [chiếm 16,5%] dân số; năm 2038, đạt 22,2 triệu người [chiếm 20,2% dân số]. Đến năm 2069, dân số già ở Việt Nam sẽ đạt khoảng 31 triệu người, chiếm 27% dân số.

Số liệu trên cho thấy, diễn biến dân số già tại Việt Nam ngày càng nhanh, gia tăng. Già hóa dân số Việt Nam diễn ra nhanh hơn so với nhịp độ tăng dân số, già hóa dân số diễn ra với nhịp độ khác nhau theo giới tính, vùng miền… và thường tập trung ở nông thôn. Già hóa dân số Việt Nam hiện nay diễn ra mạnh mẽ đi kèm với các vấn đề kinh tế - xã hội cần phải giải quyết [việc làm, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội]; đồng thời ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và vấn đề về an sinh xã hội.

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học trao đổi, thảo luận về đặc điểm, xu hướng và tác động của già hóa dân số đến phát triển kinh tế dựa trên kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam. Trên cơ sở đó sẽ đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp với tình trạng già hóa dân số nhanh ở Việt Nam hiện nay.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp với tình trạng già hóa dân số nhanh ở Việt Nam hiện nay. Các đại biểu nhấn mạnh đến một số vấn đề như: Tăng cường vai trò và năng lực của các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong việc xây dựng, vận động và thực hiện chính sách cho già hóa dân số và người cao tuổi; thống nhất cách tiếp cận về già hóa dân số trong các nghiên cứu và xây dựng, quy hoạch chính sách dân số; tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Theo Phó Tổng cục trưởng Dân số-Kế hoạch hóa gia đình [Bộ Y tế] Nguyễn Thị Ngọc Lan, Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số năm 2011 với tỷ lệ người cao tuổi [NCT] là từ 60 trở lên chiếm 10% số dân trong cả nước. Thống kê của Tổng cục Thống kê [Bộ Kế hoạch và Đầu tư] cho thấy, năm 2021 cả nước có 11,99 triệu NCT, chiếm khoảng 12% dân số. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Dự báo, tỷ lệ NCT sẽ tăng lên 16,66% vào năm 2029 và lên 26,1% vào năm 2049.

Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh là 73,6 tuổi, trong đó nam giới là 71 tuổi, nữ giới là 76,3 tuổi. Tuy tuổi thọ tăng, nhưng số năm sống với bệnh tật còn khá cao, ở nam giới có tám năm phải sống với bệnh tật và nữ giới là 11 năm chung sống với bệnh tật. Trung bình cứ một người cao tuổi Việt Nam mắc từ ba đến năm bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính phải điều trị kéo dài, thậm chí suốt đời.

Trong khi đó, hiện nay hơn 70% NCT Việt Nam sống ở nông thôn, nhưng trong số này chỉ có 20% NCT có lương hưu và trợ cấp xã hội, còn lại sống bằng lao động của chính mình, bằng nguồn hỗ trợ của con cháu. Mặt khác, xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân, tình trạng NCT sống một mình, không có vợ, không chồng đang ngày càng gia tăng.

Với tình trạng NCT cùng mắc nhiều bệnh một lúc và việc phải sống một mình là một điều rất bất lợi với NCT, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản, chỗ nương tựa duy nhất cho NCT khi về già. Bên cạnh đó, NCT mắc nhiều bệnh và nhất là bệnh mãn tính, nhưng các mô hình chăm sóc sức khỏe NCT tại các bệnh viện, các trung tâm y tế cộng đồng lại chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Năm 2018, chỉ có 27,5% số NCT được khám sức khỏe định kỳ và hơn 1,57 triệu NCT được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe. Năm 2019, cả nước có khoảng 106 bệnh viện cấp trung ương và cấp tỉnh có khoa lão khoa; gần 1.000 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng dành cho NCT; 10.183 giường điều trị nội trú ưu tiên cho NCT.

Bệnh viện Lão khoa Trung ương là đơn vị tuyến kỹ thuật cao nhất nhưng cũng chưa đủ cơ sở vật chất và labo cần thiết. Một số cơ sở y tế chủ yếu tập trung vào khám, chữa bệnh, chưa phát triển theo nguyên tắc kết hợp dự phòng, nâng cao sức khỏe chuyên sâu, phục hồi chức năng, chăm sóc giảm nhẹ cho NCT. Tỷ lệ NCT sống tại nông thôn chiếm tỷ lệ cao, tuy nhiên y tế tại tuyến huyện, tuyến xã đa số là nhân viên y tế thôn, bản, cộng tác viên dân số, nhân viên công tác xã hội, trợ giúp xã hội... chưa được đào tạo tập huấn bài bản về kiến thức lão khoa, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe cho NCT.

Phát triển bảo hiểm y tế [BHYT] cho NCT là giải pháp hiệu quả nhất để giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho đối tượng này và cũng là một chủ trương lớn của nước ta. Hiện, số NCT tham gia BHYT đang ở mức 95%, như vậy, còn khoảng 5% NCT không có BHYT sẽ phải tự chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong khi chi phí khám, chữa bệnh ngày càng tăng. Mặt khác, một số nội dung chăm sóc sức khỏe NCT chưa được BHYT thanh toán như khám sức khỏe định kỳ, dịch vụ chăm sóc khám bệnh, chữa bệnh tại nhà; dự phòng; tư vấn; dinh dưỡng; quản lý, phát hiện, sàng lọc, chẩn đoán sớm các bệnh và phục hồi chức năng của NCT tại cộng đồng...

Mặc dù đã có nhiều loại hình câu lạc bộ của NCT được hình thành tại cộng đồng, tuy nhiên các nội dung về chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn NCT tự chăm sóc bản thân, sống vui, sống khỏe, sống có ích chưa được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ. Hệ thống cơ sở dịch vụ chăm sóc dài hạn ở Việt Nam chủ yếu mới là các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm/đơn vị công tác xã hội, trung tâm chăm sóc NCT tư nhân. Năm 2019, mới có khoảng 20 cơ sở dưỡng lão tư nhân, chủ yếu ở các thành phố lớn và chỉ chăm sóc cho số lượng ít NCT với chi phí cao [khoảng 9-23 triệu đồng/tháng/người]. Phần lớn các cơ sở này chưa đáp ứng, cung cấp đủ dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho NCT.

Theo ông Nguyễn Xuân Lập, Trưởng ban Chăm sóc sức khỏe NCT Việt Nam [Hội Người cao tuổi Việt Nam], để khuyến khích tất cả NCT tự nguyện tham gia BHYT, trong thời gian tới tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ NCT tham gia BHYT; đồng thời huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ NCT có điều kiện tham gia BHYT. Để thực hiện mục tiêu 100% NCT có thẻ BHYT, Nhà nước cần tiếp tục duy trì mức trợ cấp 100% với đối tượng người nghèo, NCT từ 80 tuổi trở lên; hướng tới cân nhắc hạ độ tuổi NCT được hưởng BHYT miễn phí...

Về phía các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng, hoàn thiện các chính sách nhằm tận dụng tốt giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, tạo cơ hội để nước ta chủ động bước vào giai đoạn “dân số già” có thu nhập cao và sức khỏe tốt trong tương lai. Cải cách hệ thống hưu trí; đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm, chú trọng các loại hình bảo hiểm tự nguyện, đặc biệt là dành cho NCT, phù hợp khả năng đóng góp và chi trả của người tham gia, có khả năng liên thông với các loại hình bảo hiểm khác. Xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ NCT tham gia hoạt động kinh tế, nhất là những người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.

Mở rộng mô hình tư vấn và chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng với mục tiêu chung cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần nhằm góp phần phát huy và nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; phòng tránh các nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm; biết tự chăm sóc thông thường, đúng cách. Mở rộng hệ thống trợ cấp xã hội, chú trọng đến nhóm NCT thuộc các gia đình nghèo và cận nghèo. Đối với hệ thống y tế từ trung ương đến tuyến huyện, xã cần tập huấn bài bản về kiến thức lão khoa, chăm sóc sức khỏe người NCT, nhất là những kiến thức y khoa trong điều trị, phòng, chống bệnh của NCT.

Chủ Đề