Giáo viên và học sinh yêu nhau

LTS: Những thông tin về chuyện tình giáo viên với học trò gần đây đã khiến nhiều người có cái nhìn thiếu thiện cảm.

Tuy nhiên, thầy giáo Sơn Quang Huyến chia sẻ những câu chuyện về những mối tình thầy trò đáng trân trọng.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Gần đây, báo rộ lên nhiều chuyện tình của giáo viên với học trò. Chuyện thầy giáo đã có gia đình, nhắn tin “mùi mẫn” với nữ sinh; chuyện cô giáo bị chồng tố vào nhà nghỉ với học trò lớp 10 v.v...

Chỉ cần gõ vào Google cụm từ “giáo viên gạ tình”, có ngay 5.730.000 kết quả, trong vòng 0.37 giây. Thế mới biết, tình ái thầy trò, chuyện không nhỏ trong đời sống xã hội.

Vậy yêu học trò, có tội không?

Ngày tôi học cấp ba, có cô giáo H. dạy Toán, mới ra trường, phụ trách lớp. Bạn S. là lớp trưởng, giỏi toán, đẹp trai, hát hay, đàn giỏi; cô giáo “phải lòng” khi nào không biết.

Vừa tốt nghiệp, S. đi bộ đội tham gia chiến trường C. Cô giáo vẫn trọn lòng chờ S., đám cưới của anh thương binh cụt hai chân với cô giáo cũ, một “bản tình ca người lính” nổi đình nổi đám một thời.

Cho đến nay, họ vẫn sống hạnh phúc bên nhau, cùng hai con thành đạt, trong sự ngưỡng mộ của chúng tôi, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Có những mối tình thầy trò đẹp được mọi người trân trọng. Ảnh minh họa: Tiin.vn

Trả lời câu hỏi tò mò của bạn bè, S. kể: “Ngày lên đường nhập ngũ, vợ mình cầm tay nói: Cô… em yêu anh! Thật lòng, mình đã thích cô lâu rồi. Ngày trở về, mình nói với cô, lấy người khác đi, vậy mà không chịu, quyết cưới mình cho bằng được”.

Đồng nghiệp tên Đ., về công tác cùng trường, đem lòng yêu “cô bé” N. học sinh. Bạn Đ. yêu, không một lời nói yêu, chỉ âm thầm kèm cho N. học thật tốt hết cấp ba, như một người anh trong gia đình.

Ngày N. đi học đại học sư phạm, thầy giáo mới “ngỏ lời yêu cùng trò”. Mối tình của họ, như chuyện “cổ tích”, sáng lung linh giữa đời thường.  

Chúng ta gặp không ít chuyện “cổ tích” đó, trên mọi miền tổ quốc. Tình yêu không có lỗi, nó “chắp cánh” cho đôi lứa vượt qua dông bão, khó khăn cuộc đời, tô thắm cuộc đời bởi “sống để yêu nhau”.

Ngày nay, con sâu làm rầu nồi canh; giáo viên uống rượu, lên lớp, sờ mông, bẹo má, …học trò lớp năm, không bị coi là dâm ô! Phụ huynh kinh hãi, dư luận bất bình!

Nhiều gia đình có con gái học cấp một, như “chim sợ cành cong”, xin chuyển khỏi lớp “thầy giáo” chủ nhiệm.

Không ít phụ huynh, học sinh nhìn thầy giáo “là thấy dâm ô”, mất niềm tin với mọi ánh nhìn yêu thương của thầy; mất niềm tin, họ “trùm” lên thầy giáo một chữ “yêu râu xanh” to tướng!

Phụ huynh có con học cấp một, xin đừng nhìn “gà hóa cuốc”, phản ứng thái quá, làm tổn thương những thầy giáo chân chính.

Nhà trường cần có “kênh” nhận thông tin từ phụ huynh, học sinh, phát hiện sớm “yêu râu xanh” đội lốt giáo viên, loại ra khỏi đội ngũ.

Ban giám hiệu cần sinh hoạt với giáo viên; quy định hành vi “bóp đùi, sờ mông” học sinh là vi phạm đạo đức nhà giáo, bị đuổi ra khỏi ngành.

Chuyện giáo viên “nhân danh tình yêu” để “gạ tình” học trò, không hiếm trên thế giới. Những tình yêu “vụ lợi”, “đổi tình lấy điểm”, bỉ ổi đó đáng lên án, không thể dừng lại ở mức “rút kinh nghiệm”.

Học sinh trung học phổ thông ngày nay, các em đã phát triển đầy đủ thể chất; không ít em chủ động “tán tỉnh” thầy cô giáo. Từ “thần tượng” thầy cô, “yêu” khi nào không biết.

Những giáo viên chân chính, họ khéo léo “từ chối” rung động đầu đời của học trò; họ biến  “tình cảm đó” chuyển hướng thành “động lực”, để học trò mình học tập, phấn đấu tốt hơn. 

“…Có gì đẹp trên đời hơn thế

Người yêu người, sống để yêu nhau…” 

Nhà thơ Tố Hữu, cánh chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng, khắc họa một phong cách sống đẹp, tràn đầy tình cảm, ý nghĩa, của con người; phong cách đó vẫn đúng trong thời đại 4.0 hôm nay.

Vẫn còn đó biết bao thầy cô, dõi theo bước chân học trò - những tình yêu của họ, mặc cho ngày tháng thoi đưa, mặc cho mưa gió cuộc đời. 

Tình yêu của người thầy [cô], vẫn cần lắm trong môi trường giáo dục. Tình yêu của giáo viên với học sinh phải như tình cha con, mẹ con, gia đình.

Tình yêu trong sáng, vô tư, thánh thiện của thầy cô là sự hy sinh với học trò; giúp học trò phát huy năng lực của bản thân, có tư duy tích cực; học tập tốt, rèn luyện tốt, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội, đất nước. Mãi muôn đời, tình yêu không có tội!

Sơn Quang Huyến

Theo dư luận của học sinh, bạn phát hiện trong lớp bạn chủ nhiệm có một đôi hình như “đã yêu nhau”. Bạn thấy cả hai thường không chú ý nghe giảng khi ở trong lớp. Và một lần bạn gặp họ đi xem phim cùng nhau và bạn hoàn toàn khẳng định tin “đồn thổi” ấy là đúng sự thật.

Điều đáng nói đây là năm cuối cấp, và sức học của cả hai học sinh ấy đều có chiều hướng đi xuống, nhất là cậu con trai từ một học sinh khá giỏi đã tụt xuống mức trung bình khá. Là một chủ nhiệm lớp, trước tình huống đó bạn xử lý ra sao? [chọn 1 trong 4 cách xử lý dưới đây]

  1. Biết rõ hiện tượng đó, nhưng vì nghĩ chúng đã lớn, có tự do cá nhân và cần phải tự lo cho bản thân mình nên bạn coi như không biết. Thậm chí bạn còn nghĩ: “Nếu mình “nhúng tay vào” chúng không hiểu lại bảo mình “lắm chuyện” can thiệp vào đời tư của người khác, vừa mất thời gian lại vừa khiến chúng coi thường.
  2. Bạn tìm mọi cách để “phanh phui” sự việc này trước lớp và nhắc nhở rất gay gắt cả hai học sinh đó và có ý muốn cấm đoán không được yêu đương khi còn là học sinh.
  3. Bạn khéo léo tìm gặp riêng từng học sinh một và có cách nhắc nhở nhẹ nhàng, tế nhị để chúng quan tâm đến chuyện học tập, vừa không ảnh hưởng đến kết quả của bản thân vừa không ảnh hưởng đến thành tích chung của cả lớp.
  4. Bạn làm như không biết chuyện hai em đó có tình cảm với nhau, và cho lớp tổ chức một buổi thảo luận về “tình yêu tuổi học trò” để định hướng đúng đắn cho các em qua những lời tâm sự của bạn. Sau đó bạn có thể gặp riêng từng em, ân cần tâm sự hỏi han xem lý do gì khiến các em học hành sa sút để các em có thể giãi bày và bạn sẽ đưa ra lời khuyên chân tình, xác đáng.

Việc nảy sinh tình cảm khác giới ở các em tuổi trung học phổ thông hiện nay không còn là hiện tượng hiếm hoi, nếu không muốn nói là khá phổ biến. Điều này xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. Đồng thời cũng do những tác động tiêu cực của những hiện tượng sản phẩm văn hóa không lành mạnh, khiến các em “trưởng thành” quá sớm. Ở cái tuổi lãng mạn và bồng bột này, các em dễ dàng có cảm tình với nhau qua một ánh mắt, một nụ cười, mến nhau vì tài hát hay, đàn giỏi, hay cũng có khi “yêu nhau” chỉ vì phục sức học của nhau… và muôn vàn lý do “chính đáng” khác để yêu nhau. Vì vậy các thầy cô giáo cần có cái nhìn thông cảm và hiểu được tâm sinh lý lứa tuổi của các em để có cách xử lý cho phù hợp.

Bạn có thể bỏ qua không “động chạm” gì đến chuyện đó vì cho rằng đó là việc riêng của chúng và đó cũng có thể là giải pháp “an toàn”. Nhưng liệu xử lý như vậy có thiếu trách nhiệm quá không? Vì học sinh của bạn đang học năm cuối đáng lẽ phải dành thời gian cho những chuyện thi cử bù đầu, và chắc chắn bạn cũng chẳng vui vẻ gì khi chứng kiến những học sinh khá giỏi của mình lại học hành sa sút. Và biết đâu vì sự thiếu quan tâm của bạn mà có thể hai học sinh của bạn sau đó sẽ gặp phải những hậu quả tai hại nào chăng? Nếu là một người giáo viên có trách nhiệm với học trò chắc chắn bạn không bao giờ chọn cách giải quyết có vẻ “an toàn” cho bản thân này.

Nhưng nếu quá “trách nhiệm” xử lý theo cách thứ hai thì thật sai lầm. Đó là cách xử lý rất thiếu tế nhị, không đạt được hiệu quả mà thậm chí lại còn phản tác dụng. Ở lứa tuổi này, các em đã ý thức được tự do cá nhân và cần người lớn phải tôn trọng những nhu cầu chính đáng. Nếu bạn hy vọng rằng đưa ra phê bình trước lớp mà khiến chúng xấu hổ và “chấm dứt” chuyện yêu đương thì thật là những suy nghĩ quá giản đơn. Vì nhiều học sinh ở lứa tuổi này có quan niệm rằng đó là chuyện hết sức bình thường, chẳng có gì phải xấu hổ cả. Và nếu gặp phải những cô cậu khá bướng bỉnh, chúng có thể “bật” lại ngay lập tức: “Đây là chuyện riêng của chúng em, không cần thiết cô và các bạn phải can thiệp” thì bạn biết nói gì được nữa đây? Và bạn tỏ ý cấm đoán? Liệu có tác dụng gì không, hay cũng chỉ khiến các em “rút lui về hoạt động bí mật”, không công khai chuyện tình cảm của mình, nhưng biết đâu đấy, càng cấm đoán các em càng “yêu nhau” say đắm thì sao?

Bạn có thể chọn cách xử lý 3, gặp riêng từng em để khuyên giải, phân tích cho các em hiểu cái lợi, cái hại của việc yêu đương quá sớm và nhất là các em còn đang tuổi học trò, đang phải tập trung toàn bộ sức lực cho việc học hành thi cử. Hãy dùng những lời lẽ thật chân tình, khéo léo, tế nhị để chuyện trò, tâm sự thật gần gũi. Bạn hãy khuyên em học sinh nữ nhắc nhở, giúp đỡ người bạn trai học tập thật tốt. Còn đối với em học sinh nam, bạn hãy tác động tới lòng tự kiêu, tính hiếu thắng của em, làm cho em thấy được rằng hình ảnh người con trai hoàn hảo trước mắt bạn gái trước hết phải giỏi giang, có kiến thức, tư duy… để em cảm thấy mình cần phải cố gắng học tập cho thật tốt.

Bạn hãy nói với các em rằng: “Cô rất hiểu chuyện tình cảm ở lứa tuổi các em vì dù sao cô cũng đã từng trải qua. Đó là nhu cầu tâm lý bình thường, nên cô không hề có ý cấm đoán hay lên án các em. Chỉ có điều, cô mong muốn các em hãy giữ một tình cảm trong sáng của tuổi học trò, và cùng giúp đỡ, động viên nhau tiến bộ, tập trung thời gian cho việc học tập. Như thế tình cảm các em dành cho nhau mới thực sự có ý nghĩa và bền vững”.

Đó là một cách ứng xử hay. Nhưng phương án 4 vẫn là tối ưu nhất. Trước tiên bạn hãy làm như chưa hề biết chuyện của hai em học sinh đó. Nhân một buổi sinh hoạt bạn đưa ra vấn đề: “Tình yêu ở tuổi học trò” để các em trong lớp cùng tham gia thảo luận, trao đổi, đưa ra ý kiến riêng của mình. Bạn hãy làm như “vô tình” gọi hai em học sinh đó lên phát biểu ý kiến trao đổi cùng các bạn. Đây là một đề tài khá kín đáo, tế nhị, vì vậy trong buổi sinh hoạt đó, bạn nên gần gũi trò chuyện cùng các em như một người chị gái để hiểu các em hơn. Có như thế bạn mới có thể biết được những suy nghĩ thực sự của các em về vấn đề này. Đồng thời trong khi nói chuyện bạn cũng định hướng cho các em nên duy trì một tình bạn trong sáng, cùng đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập và trong cuộc sống. Bạn cũng nên chỉ cho các em thấy rằng ở độ tuổi này các em chưa đủ chín chắn để kiểm soát tình cảm của mình ở mức độ phù hợp nên rất dễ xảy ra những tác động không tốt, nhất là chểnh mảng việc học hành. Những câu chuyện vui từ kinh nghiệm bản thân, từ sách báo hay đơn giản chỉ là kết quả của phút “sáng tác ngẫu hứng” liên quan đến vấn đề này sẽ có tác động rất lớn. Óc hài hước của bạn là công cụ rất hữu hiệu khi phải xử lý những vấn đề tế nhị.

Sau đó bạn cũng nên gặp riêng từng em học sinh đó hỏi han xem vì sao thời gian gần đây các em lại học sa sút. Đó cũng là cơ hội để bạn “nhắc nhở” khéo các em về chuyện yêu đương đã ảnh hưởng đến việc học tập. Với sự ân cần của bạn, chắc chắn các em sẽ tâm sự, chia sẻ và lúc đó bạn sẽ đưa ra những lời khuyên phù hợp.

Nên lưu ý rằng, bạn phải đến với học sinh bằng tình thương yêu chân thành để thuyết phục các em với lý lẽ và kinh nghiệm sống của một người đã từng trải, phải tạo cho học sinh sự cởi mở, tin tưởng… vì có một nguyên lý rất đơn giản: bạn đến với ai bằng trái tim thì bạn sẽ nhận lại những lời nói cũng xuất phát từ trái tim của họ.

Chủ Đề