Hê tri thức viêt sô hóa 4.0 năm 2024

Đúng 10 giờ 10 phút 10 giây, ngày 1/1/2018, tại Hà Nội, đề án “Hệ tri thức Việt số hóa” đã được chính thức khởi động dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Đây là kết quả triển khai Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 5/2017.

Tham dự sự kiện còn có ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Lê Quốc Phong – Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel.

Với mục tiêu “Chia sẻ tri thức – Cổ vũ sáng tạo – Vì tương lai Việt Nam”, đề án được khởi động vào dịp đầu năm mới nhằm lan tỏa thông điệp “Mọi ý tưởng, từng gõ phím đều vì cộng đồng”. Từ đây, người Việt có thể chung tay cùng xây dựng hệ tri thức Việt số hóa, mọi nguồn lực trong xã hội có thể cùng tham gia phổ biến tri thức tới người dân một cách thuận tiện, hiệu quả, đơn giản.

Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 677 ngày 18/5/2017 hướng tới với mục tiêu xây dựng một Hệ tri thức tổng hợp trong mọi lĩnh vực, góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện để mọi người dân học tập suốt đời, làm chủ tri thức, tăng cường nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển đất nước.

Cấu trúc Hệ tri thức Việt số hóa, bao gồm 4 hợp phần chính tạo nên một “hệ sinh thái” đa dạng lần đầu tiên được phát triển tại Việt Nam đó là: hợp phần Dữ liệu, hợp phần Hệ tri thức, hợp phần Ngân hàng và hợp phần Kho ứng dụng.

Tại Quyết định phê duyệt Đề án, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, không dân tộc nào, quốc gia nào có thể phát triển bền vững nếu không chú trọng tới khoa học và công nghệ, không phát huy hiệu quả năng lực sáng tạo dựa trên nền tảng tri thức vững chắc của người dân. Tham gia phát triển Hệ tri thức Việt số hóa là một cách hiệu quả trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Được hiện thực hóa tại http://itrithuc.vn, Hệ tri thức Việt số hóa hứa hẹn sẽ tạo ra một “hệ sinh thái” toàn diện để tất cả mọi người, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam sáng tạo, phát triển các công nghệ tiên tiến trên nền tảng của dữ liệu lớn IoT, trí thông minh nhân tạo… đặc biệt trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực từ khoa học, giáo dục, giao thông, tài chính, sản xuất, y tế… Đây chính là nền tảng kiến tạo những cơ hội lớn, thực tiễn cho phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Hê tri thức viêt sô hóa 4.0 năm 2024

Đại diện các tổ chức, cộng đồng và cá nhân ký kết đóng góp vào hệ tri thức Việt số hoá.

PGS.TS. Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện tham gia ký kết (đầu tiên từ phải sang)

Đồng hành cùng Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” của Chính phủ, từ năm 2017, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã triển khai đề án khuyến nông điện tử. Đây là phương thức tiếp cận khuyến nông mới, mang lại hiệu quả cao, khai thác được các thế mạnh của nông hộ, tăng hiệu quả tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, khuyến nông điện tử càng có tính chất xã hội hóa cao khi có sự tham gia liên kết của các công ty viễn thông và các doanh nghiệp nông nghiệp.

Cũng tại lễ khởi động, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan chính phủ, đại diện các tỉnh thành, đơn vị giáo dục, nghiên cứu, doanh nghiệp viễn thông, công ty khởi nghiệp, diễn đàn mạng xã hội, ngân hàng và cả các cá nhân cũng đã tình nguyện tham gia đăng ký cam kết sẽ đóng góp xây dựng dự án. Sự hợp nhất chung từ các thành phần, tổ chức từ nhiều lĩnh vực đa dạng trong xã hội đã minh chứng cho sức hút của dự án cũng như khát vọng mang lại một nền tri thức toàn diện, hiện đại, tổng hợp cho người Việt từ chính nỗ lực của người Việt.

Theo tiến độ triển khai đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra tại quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”, trong các năm tiếp theo sẽ tiếp tục tạo lập và phát triển nội dung đa dạng của Hệ tri thức Việt số hóa; thúc đẩy khai thác sâu Hệ tri thức Việt số hóa để trở thành một “hệ sinh thái số” do người Việt làm chủ, có năng lực tích hợp mọi tri thức, thông tin, dữ liệu công cộng, tài nguyên số của Việt Nam và được sử dụng phổ biến trong xã hội.

Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, đất nước muốn phát triển chỉ có thể dựa vào tri thức và sức sáng tạo. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cùng các bộ, ngành, cộng đồng phát triển Hệ tri thức Việt số hóa. Hệ tri thức Việt số hóa hoạt động dựa trên nguyên tắc hỏi - đáp trực tuyến. Những câu trả lời đúng sẽ được hệ thống ghi nhận, phục vụ người tìm kiếm thông tin nhận được câu trả lời chính xác nhất. Cấu trúc Hệ tri thức Việt số hóa bao gồm bốn hợp phần chính. Thứ nhất, phần dữ liệu mở là nơi tập hợp các thông tin và dữ liệu công bố công khai của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Thứ hai, phần hệ tri thức là nơi tập hợp tri thức của thế giới và tri thức của người Việt Nam, được hệ thống hóa, tạo thuận lợi cho người dân học tập, nghiên cứu ở các trình độ khác nhau. Thứ ba, phần ngân hàng hỏi đáp cho phép mọi người đặt câu hỏi và nhận câu trả lời tin cậy từ nhiều nguồn thông tin, đồng thời, người dùng tương tác với nhiều mạng xã hội và diễn đàn khác nhau. Thứ tư, phần kho ứng dụng do các doanh nghiệp và cá nhân phát triển, trên nền tảng kho dữ liệu khổng lồ của Hệ tri thức Việt số hóa và sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để tạo ra các giá trị gia tăng đáp ứng các yêu cầu đa dạng của người sử dụng.

Ðánh giá giá trị kho dữ liệu, nhiều người kỳ vọng, không chỉ người sử dụng thông thường mà các nghiên cứu sinh, kỹ sư, cử nhân, bác sĩ... sẽ có thể cập nhật thông tin chuyên ngành một cách có chọn lọc để bắt kịp trình độ về khoa học và công nghệ trên thế giới, đáp ứng các yêu cầu nghiên cứu. Mô hình hỏi - đáp thông qua cộng đồng trực tuyến cùng trả lời cũng là một hình thức mới để học sinh, sinh viên có thể tiếp cận những thông tin phù hợp một cách nhanh, chuẩn xác nhất. Giám đốc Công ty sách Long Minh Ðỗ Hoàng Sơn cho rằng, hiện nay, tri thức của nhân loại có thể được tìm kiếm trên in-tơ-nét thông qua rất nhiều công cụ tìm kiếm, nhưng hầu hết bằng tiếng Anh khiến nhiều người dùng không thể đọc và hiểu chính xác được. Do đó, Hệ tri thức Việt số hóa giúp người dùng chuẩn hóa những nội dung, thông tin sang tiếng Việt bằng cách huy động sức mạnh từ cộng đồng mạng. Người dùng nếu không hiểu một vấn đề nào đó có thể tìm kiếm thông tin trong kho dữ liệu, nếu không có thông tin đặt câu hỏi lên hệ thống và cộng đồng sẽ tham gia trả lời. Câu trả lời chính xác nhất được hệ thống "đóng dấu" bảo đảm sau khi đã được xác thực, từ đó những người dùng sau dễ dàng tìm kiếm được thông tin tương tự.

Trước một số ý kiến băn khoăn về tính hiệu quả của việc xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa trong điều kiện những thông tin, tri thức hoàn toàn có thể tìm kiếm trên mạng thông qua google, wikipedia, mạng xã hội,... Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DTT Nguyễn Thế Trung cho rằng, những công cụ trên mạng hiện nay có nhiệm vụ kết nối thế giới lại với nhau, nhưng chưa thể đủ hết nhu cầu của người dùng. Chẳng hạn, một học sinh tìm kiếm thông tin qua google sẽ nhận được khoảng một triệu kết quả mà không biết thông tin đó có đúng hay không. Trong khi đó, phần hỏi - đáp trong Hệ tri thức Việt số hóa sẽ giúp người dùng tìm kiếm những câu trả lời chính xác. Thông tin trên kho dữ liệu cũng phong phú, từ việc người nông dân muốn tìm cây giống, con giống phù hợp, cho đến những nghiên cứu sinh tìm kiếm thông tin chuyên ngành cho công việc, nghiên cứu. Ngoài ra, các thông tin còn được gắn kết với các hệ tri thức khác về tài liệu, dữ liệu có liên quan tới câu hỏi để người dùng tham khảo. Hệ tri thức Việt số hóa còn có sự hỗ trợ từ các bộ, ngành, chuyên gia để giải quyết những vấn đề quan tâm của người sử dụng. Chẳng hạn, người dùng cần thông tin về vắc-xin thì Bộ Y tế sẽ trả lời, thông tin hoàn toàn đáng tin cậy. Các câu trả lời khác cũng sẽ được đưa ra và hệ thống sẽ có các công cụ đánh giá, xếp hạng. Ðây là điều mà các công cụ trên mạng hiện nay như google không thể làm được.

Thông tin từ Trung ương Ðoàn cho biết, ngay sau khi phát động chương trình chung tay phát triển đề án Hệ tri thức Việt số hóa tới các sinh viên, trong hơn một tuần, đã có gần 2,5 triệu câu hỏi được gửi lên hệ thống. Cùng với đó, các tài liệu, dữ liệu từ các cơ quan, bộ, ngành được liên tục cập nhật trên kho dữ liệu mở. Ðây là sự khởi đầu tốt đẹp cho sự phát triển của Hệ tri thức Việt số hóa. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian tới, số người tham dự sẽ ngày một nhiều, không chỉ để tìm kiếm, cung cấp thông tin mà còn tham gia viết các ứng dụng. Các bộ, ngành, chuyên gia sẽ viết dữ liệu, giải đáp câu hỏi, giúp tri thức được lan tỏa và nhân lên nhiều lần. Khi hệ tri thức Việt tích hợp được mọi dữ liệu, thông tin ở khắp nơi và đưa về theo nhu cầu của người sử dụng thì đó là công cụ hữu hiệu giúp Việt Nam hội nhập, tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.