Họ bao nhiêu tuổi là trưởng thành?

Có nhiều người cho rằng, cứ đạt đến độ 18 tuổi trở ra thì đã là người lớn, người trưởng thành rồi. Đúng là theo Bộ luật Dân sự năm 2015, người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Thế nhưng trưởng thành nếu chỉ hiểu theo nghĩa về độ tuổi và pháp lý thì mới đúng một phần. Tức là con người mới chỉ có sự lớn lên đơn thuần về mặt thể xác, về mặt sinh lý học, còn về mặt nhận thức, hành động, ý chí thì chưa hẳn đã được gọi là trưởng thành.

Lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 324 trao đổi, nắm tâm tư bộ đội chuẩn bị xuất ngũ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1. Ảnh: PHÙNG NGỌC THĂNG 

Một lần, tôi tình cờ bắt gặp hai hành động hoàn toàn trái ngược nhau thế này: Nhân lúc trời đã nhá nhem, một người nhìn đã luống tuổi len lén cầm túi rác bỏ dưới bức tường của khu tập thể rồi đi vào nhà với vẻ mặt khá thoải mái, mặc dù ngay trên bức tường đó có dán biển đề “Cấm đổ rác” rất to. Tầm 10 phút sau, cũng tại nơi đó, một cậu học sinh vẫn còn khoác trên mình chiếc áo đồng phục THPT đạp xe ngang qua, bỗng nhiên dừng lại. Sau một hồi suy nghĩ, cậu học sinh đó đã cầm túi rác lên, quay ngược xe lại và để vào đúng nơi đổ rác được quy định, chỉ cách đó khoảng 30m. Chứng kiến sự việc này, trong tôi chợt nảy những suy nghĩ: “Trong trường hợp này, bác trung niên kia có thực sự là người trưởng thành? Và cậu học sinh kia có thực sự là trẻ con?”.

Trưởng thành ở đây thật sự không đến từ tuổi tác, ngoại hình, giới tính hay địa vị xã hội, mà nó được thể hiện thông qua lời nói, cử chỉ, cách suy nghĩ và thái độ đối với cuộc sống. Không thể nói một người 47 tuổi là đã trưởng thành, cũng như không thể đánh giá một người còn trẻ con chỉ vì người đó mới 17 tuổi. Một người trưởng thành là người có những suy nghĩ chín chắn và biết cư xử phù hợp với hoàn cảnh, luôn có trách nhiệm với chính bản thân mình cũng như với mọi người xung quanh và cộng đồng.

Và để trở nên trưởng thành, không hề dễ dàng. Trưởng thành không thể đạt được trong một sớm một chiều, mà là cả một quá trình, một chặng đường dài chúng ta phải từng bước trải qua, trải nghiệm và rút ra kinh nghiệm sống cho bản thân. Mỗi lần chúng ta cố gắng, nỗ lực vượt qua những khó khăn, gian khổ, đứng dậy sau những lần vấp ngã; mỗi lần chúng ta bớt đi sự ích kỷ cá nhân, quan tâm hơn tới những người xung quanh; mỗi lần chúng ta chịu trách nhiệm với những điều bản thân làm... Con đường đến với sự trưởng thành sẽ ngày càng rút ngắn dần.

Đoạn đường trưởng thành tuy thật nhiều chông gai nhưng chào đón chúng ta nơi cuối con đường sẽ là những thành công, được mọi người yêu mến, ghi nhận. Chúng ta, ai rồi cũng sẽ phải trưởng thành và cần phải luôn rèn luyện, phấn đấu thật nhiều để đủ mạnh mẽ, hiên ngang bước đi trên đôi chân của chính bản thân mình.

TRƯỞNG THÀNH LÀ KHI BẢN THÂN KHÔNG CÒN CẦN

10/07/2018

Chia sẻ bài viết:

TRƯỞNG THÀNH LÀ KHI BẢN THÂN KHÔNG CÒN CẦN "CỐ TỎ RA MÌNH ĐÃ TRƯỞNG THÀNH"

 Có khi nào bạn tự hỏi bản thân: “Khi nào thì mình trưởng thành?” Trưởng thành có giống như khám phá một hang động kì bí không? Thuở lên 15, hay 18, bọn trẻ con hay cố gắng tỏ ra mình đã lớn. Theo cách nhìn của bọn trẻ con lúc ấy thì người trưởng thành được phép về khuya, uống rượu, muốn đi đâu chơi thì đi, muốn làm gì thì làm. Và vì nghĩ rằng hai chữ “trưởng thành” vận hành theo kiểu ấy, không ít những người trẻ làm rất nhiều việc chống đối cha mẹ, người lớn, đôi khi còn đánh mất chính bản thân mình.

Trưởng thành có khi nào chỉ đơn giản được hiểu theo nghĩa “làm chủ cuộc đời mình” hay không? Có! Người trưởng thành là người tự làm chủ cuộc đời mình, nhưng bên cạnh đó còn phải có trách nhiệm với chính cuộc đời mình nữa. Có trách nhiệm ở đây tức là có suy nghĩ đến hậu quả của những việc mình làm và sẵn sàng đón nhận những hậu quả ấy nếu bản thân đã thực sự muốn làm. Người trưởng thành sẽ không cố đùn đẩy trách nhiệm, không cố đổ lỗi cho người khác, càng không cố tự nhận bản thân luôn luôn đúng.

Hãy tạm bỏ qua những lý thuyết cao siêu về sự trưởng thành, tôi muốn nói một chút về dấu hiệu của sự trưởng thành. Trưởng thành không nên dành chỉ để nói về sự phát triển thể chất bên ngoài, mà nên được dành để chỉ về cách tư duy và suy nghĩ bên trong. Điều đó có nghĩa là một người đã ngoài 30, hay đã 50 tuổi không có nghĩa là họ đã trưởng thành nếu suy nghĩ của họ vẫn ích kỷ, vẫn trẻ con, vẫn không sẵn sàng lắng nghe và hoàn thiện bản thân mình.

Trưởng thành cũng không đợi tuổi, không phải cứ đúng 18 tuổi thì bạn mới được phép trưởng thành. Nếu bạn ý thức về bản thân mình, những điều mình muốn làm, nên làm và phải làm từ sớm, thì bạn đã bắt đầu trưởng thành từ lúc đó. Vậy thì quay lại với câu hỏi ở đầu bài: khi nào thì bản thân được xem là đã trưởng thành thực sự?

Trưởng thành đôi khi được xem như một mốc thời gian trong cuộc đời con người và đôi khi lại được xem như cả một quá trình phát triển. Nhưng với tôi, trưởng thành là một loại cảm giác bên trong. Tôi từng mô tả sự trưởng thành theo một kiểu rất buồn cười thế này: trưởng thành giống như một sáng đẹp trời khi bạn thức giấc, bạn nhận ra là món trứng chiên mà mẹ bạn làm bao nhiêu năm qua bạn chẳng hề thích, nhưng giờ phút này lại muốn ăn chúng ngay lập tức. Trưởng thành trong trường hợp này có giống như… từ bỏ một thói quen chăng?

Trưởng thành cũng giống như bình thường bạn rất ghét ngày thứ hai vì thứ hai bạn phải nói “goodbye” với thiên đường cuối tuần của mình và ngao ngán đến nơi làm việc, nhưng bỗng dưng hôm nay lại tự động dậy thật sớm và khoan khoái lái xe đến chỗ làm. Trưởng thành lúc này lại trở thành việc bạn yêu đời hơn, lạc quan hơn và học cách yêu những thứ bạn từng không yêu chăng?

Trưởng thành với mỗi người khác nhau lại có một hình dạng khác nhau. Trưởng thành là lúc trước khi chạy xe ra khỏi nhà, bạn sẽ nhắn cho vợ / chồng hay cha mẹ của bạn là hôm nay bạn sẽ về trễ, thay vì mọi hôm cứ im lặng rời nhà không nói một lời.

Trưởng thành là lúc vô tình bị va chạm xe trên đường, bạn bình tĩnh thầm đếm từ một đến một trăm để nguôi đi cơn giận, thay vì mọi lần sẽ lớn tiếng quát nạt người kia bất chấp đúng sai thuộc về ai.

Trưởng thành là lúc nhìn thấy một cô gái tay xách nách mang một đống hàng hóa đi bộ một quãng đường dài, bạn sẽ nhanh chóng đề nghị giúp đỡ, thay vì ngó lơ như bao lần khác.

Trưởng thành là lúc bị một người bạn hủy một buổi hẹn cà phê vào phút chót, bạn sẽ từ tốn hỏi lý do, chấp nhận lời xin lỗi và tự làm vui bản thân mình bằng một cuốn sách hay ho luôn mang theo bên mình, thay vì bực tức đòi “cạch mặt bạn” như những cuộc hẹn trước đó.

Trưởng thành là lúc bạn tự gom góp và lên kế hoạch cho một chuyến đi xa với bao nhiêu loại giấy tờ, thủ tục và ti tỉ thứ cần phải lo nhưng bạn vẫn luôn đầy tràn năng lượng, thay vì phàn nàn một nghìn lẻ một thứ lên mạng xã hội…

Trưởng thành đôi khi chỉ đơn giản là biết chấp nhận mọi thứ diễn ra quanh mình theo cách tự nhiên mà nó vốn phải như thế. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn thấy được vẻ đẹp của cuộc sống trong mọi việc dẫu nhỏ bé nhất mà trước nay bạn đã bỏ quên.

Trưởng thành cũng giống như trở thành một người tinh tế hơn trong mọi việc, mọi vật, mọi người bạn gặp hàng ngày, mang đến sự dễ chịu cho tất cả những người xung quanh và cho chính bản thân bạn.

Tôi không muốn đặt gánh nặng cho việc trưởng thành. Tôi có đọc vài câu châm ngôn, đại ý nói rằng đừng vội trưởng thành, vì đó là một cái bẫy. Đôi khi, với một vài những vấp váp, những khó khăn, hay một vài sự hiểu lầm trong các mối quan hệ, bạn dễ đi đến một kết luận tiêu cực rằng trưởng thành là phải trải qua những thứ đau đầu như thế. Nhưng với tôi thì khác, ở thời điểm này, tôi chỉ nghĩ rằng chúng ta chỉ nên xem việc trưởng thành giống như khám phá một chiếc hang động kì bí, mới mẻ. Khám phá hang động, tất nhiên, không tránh khỏi việc trượt chân té ngã chỗ này chỗ kia. Để khám phá hang động đó, bạn cũng cần chuẩn bị sẵn cho bản thân kĩ năng sinh tồn, kiến thức và các vật dụng cần thiết. Rồi sau tất cả, bạn sẽ đạt được cảm giác sung sướng khi khám phá ra điều đặc biệt ẩn giấu trong hang động ấy.

Trưởng thành cũng vậy, đôi khi bạn sẽ trượt chân và không muốn đứng dậy, nhưng nếu bạn đã chuẩn bị trước những bài học cần thiết và cả tinh thần sẵn sàng đương đầu với mọi thứ, thì phía cuối chuyến hành trình trưởng thành, bạn sẽ đạt được loại cảm giác mà chỉ bạn mới hiểu được. Trưởng thành chính là một loại cảm giác nên được tận hưởng như vậy. Và tôi tin, đó cũng là lúc bạn không cần cố tỏ ra mình đã trưởng thành nữa. Vì bạn đã thực sự trưởng thành theo cách riêng mà bạn mong muốn rồi.

Một lời nhắn nho nhỏ cuối bài: Tôi xin đính kèm hình ảnh tôi chụp từ chuyến bay của sự trưởng thành. Đó là lần đầu tiên tôi bay ra nước ngoài một mình với trăm ngàn những câu hỏi khác nhau dành cho thế giới. Tôi cũng là một người từng sợ độ cao, sợ nước, sợ phương tiện công cộng và sợ cô đơn, nhưng sau những va vấp "sớm trước tuổi" và cả những chuyến đi một mình bất đắc dĩ, quan điểm của tôi đã đổi khác rất nhiều. Tôi chỉ mong bản thân mình sẽ thực sự trưởng thành và chúc bạn cũng sẽ trưởng thành như cách bạn luôn nghĩ về.

Chủ Đề