Kế hoạch dạy tiếng Anh tăng cường

GD&TĐ - Năm học 2015 - 2016, Sở GD&ĐT Bến Tre đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Anh trước yêu cầu tăng tiết và thực hiện chương trình tiếng Anh thí điểm cho cấp học THCS và THPT.

TS Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre - chia sẻ với báo Giáo dục và Thời đại về vấn đề này.

Ưu tiên giáo viên có năng lực cho chương trình thí điểm

- Chương trình, sách giáo khoa tiếng Anh thí điểm khá nặng so với học sinh tham gia chương trình và mới mẻ với giáo viên trực tiếp giảng dạy. Giải pháp của Bến Tre với khó khăn này như thế nào, thưa ông?

Với chương trình Tiếng Anh thí điểm, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các phòng GD&ĐT có kế hoạch điều chuyển giáo viên tiếng Anh đủ năng lực tiếng Anh và phương pháp dạy để dạy chương trình Tiếng Anh thí điểm lớp 6, 7,8 và 9.

"Các trường cũng cần xây dựng kế hoạch tăng tiết theo hướng xã hội hoá như hợp đồng giáo viên nước ngoài hoặc tăng cường tiết bồi dưỡng để giúp học sinh đạt được yêu cầu đầu ra của chương trình".

Theo yêu cầu, giáo viên phải đạt trình độ bậc 4/6 [B2] hoặc tiệm cận bậc 4/6 [B2] theo khung năng lực ngoại ngữ dùng cho Việt Nam. Ưu tiên chọn các giáo viên được đào tạo về phương pháp dạy và đạt trình độ bậc 4/6 [B2] và các chứng chỉ quốc tế tương đương.

Chương trình sách giáo khoa tiếng Anh lớp 6, 7,8 và 9 thí điểm đúng là khá nặng so với học sinh tham gia chương trình và mới mẻ với giáo viên trực tiếp giảng dạy.

Vì vậy, Sở GD&ĐT yêu cầu giáo viên dạy lớp cần phải nghiên cứu kỹ chương trình, nội dung dạy nhằm xoáy sâu vào nội dung trọng tâm bài dạy, sử dụng tối đa các trang thiết bị dạy học ngoại ngữ được Sở GD&ĐT cấp để đạt chuẩn kiến thức nội dung của chương trình tiếng Anh mới thí điểm.

Với chương trình tiếng Anh thí điểm cấp THPT, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, THPT chuyên Bến Tre và THPT Phan Thanh Giản phân công giáo viên đủ năng lực tiếng Anh [tương đương bậc 5/6 - Cl] theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam và phương pháp dạy mới [như TESOL, TKT...] tham gia dạy các lớp tiếng Anh 10 chương trình tiếng Anh thí điểm.

- Khi thực hiện tăng tiết đối với môn Tiếng Anh, các nhà trường sẽ phải điều chỉnh thời lượng dạy học như thế nào để không ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học chung?

Năm học 2015 - 2016, Sở GD&ĐT đã yêu cầu phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện tăng tiết cho năm học 2015 - 2016 cho chương trình tiếng Anh đại trà 7 năm và chương trình tiếng Anh thí điểm [cấp THCS] và chương trình tiếng Anh chính khóa hệ 7 năm [cấp THPT].

Khi thực hiện tăng tiết, phải điều chỉnh thời lượng dạy học hợp lý theo từng bài dạy và từng học kỳ; tập trung tăng tiết cho các đơn vị bài học có nội dung quan trọng và khó.

Đồng thời, khuyến khích xây dựng các chủ đề dạy học tích hợp như giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, văn hóa - lịch sử - địa lý địa phương,... trong chương trình dạy tăng tiết, đồng thời đảm bảo thực hiện tốt dạy học phân hóa.

Không nhất thiết dạy theo bài, tiết trong sách giáo khoa

- Năm học trước, các trường THPT của Bến Tre khi dạy học chương trình tiếng Anh chính khoá [chương trình tiếng Anh 7 năm] đã thực hiện thiết kế lại các tiết dạy nghe và nói theo hướng đơn giản hoá, hoặc kết hợp 2 tiết nghe và nói thành 1 tiết. Năm nay, việc này có được duy trì? Sở GD&ĐT có thêm chỉ đạo gì đối với việc thiết kế các hoạt động dạy học, thời lượng dạy học tiếng Anh?

Năm học này, Sở GD&ĐT vẫn chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện thiết kế lại các tiết dạy nghe và nói theo hướng đơn giản hoá, hoặc kết hợp 2 tiết nghe và nói thành 1 tiết.

"Trên cơ sở kế hoạch dạy học đã được phê duyệt, tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên có thể thiết kế tiến trình dạy học cụ thể cho mỗi chủ đề trong từng học kỳ mà không nhất thiết phải theo bài/tiết trong sách giáo khoa".

Riêng với tiết dạy kỹ năng viết, giáo viên cần thiết kế chương trình dạy vừa đáp ứng chuẩn kiến thức, kỹ năng, vừa phù hợp với trình độ học sinh, đảm bảo học sinh có thể hoàn thành các yêu cầu của bài viết [tăng thời lượng dạy môn viết, sử dụng phương pháp linh hoạt các phương pháp giảng phù hợp cho môn viết...].

Về chương trình và thời lượng, các trường cần tạo điều kiện, hướng dẫn tổ bộ môn và giáo viên xây dựng chương trình dạy cho đơn vị.

Trong đó, tổ bộ môn được chủ động lựa chọn nội dung, thời lượng cho từng đơn vị bài học theo hình thức, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyểt các vấn đề thực tiễn.

Việc xây dựng các chủ đề dạy học phải bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học và phù hợp với thời lượng dạy học, năng lực học sinh, điều kiện dạy học...

Kế hoạch dạy học của tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên phải được lãnh đạo nhà trường phê duyệt trước khi thực hiện và là căn cứ để thanh tra, kiểm tra trong năm học, tuyệt đối không được sao chép một cách tuỳ tiện từ các đơn vị khác.

Trên cơ sở kế hoạch dạy học đã được phê duyệt, tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên có thể thiết kế tiến trình dạy học cụ thể cho mỗi chủ đề trong từng học kỳ mà không nhất thiết phải theo bài/tiết trong sách giáo khoa.

Mỗi chủ đề có thể được thực hiện ở nhiều tiết học, mỗi tiết có thể chỉ thực hiện một hoặc một số bước trong tiến trình sư phạm của bài học.

Các nhiệm vụ học tập có thể được thực hiện ở trong hoặc ngoài giờ trên lớp. Ngoài việc tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, cần chú trọng giao nhiệm vụ học tập cho học sinh ở ngoài lớp học và ở nhà.

Tuy nhiên, việc thiết kế các hoạt động dạy học, thời lượng dạy học trong một tiết dạy phải bảo đảm chuyển tải tất cả các nội dung cần thiết và đáp ứng được kiến thức, kỹ năng mà học sinh cần nắm.

Thay đổi cách soạn giảng, đa dạng hóa kỹ thuật dạy

- Một lý do quan trọng khiến chất lượng dạy học ngoại ngữ tại nhiều trường hiện nay chưa được như mong đợi chính là bởi phương pháp dạy học của giáo viên chưa thực sự đổi mới. Vậy, theo ông, việc đổi mới phương pháp dạy học cần có những yêu cầu cụ thể như thế nào?

"Với học sinh lớp 12, tiếp tục duy trì phương pháp ôn tập: Đi từ những nguyên tắc cơ bản của một điểm ngữ pháp lớn, đến chi tiết, xong khái quát hóa lại kiến thức nhằm giúp học sinh yếu nắm được kiến thức trọng tâm, cơ bản và giúp học sinh dễ học".

Nói về đổi mới phương pháp dạy học, trước hết, giáo viên phải dần thay đổi cách biên soạn bài giảng theo hướng phát triển năng lực học sinh, tránh sao chép rập khuôn. Khuyến khích biên soạn giáo án theo hình thức từng hoạt động cụ thể.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hoá các kỹ thuật dạy cho từng khối lớp, phù họp từng kỹ năng ngôn ngữ: Nghe, nói, đọc hiểu, viết và Language focus phối hợp với các phương thức khuyến khích tính sáng tạo, học tập năng động, tích cực, khuyến khích sự tự tin của học sinh và quản lý một lớp học đông học sinh...

Ví dụ: Đối với lớp 6 chương trình Tiếng Anh chính khóa, giáo viên phải giới thiệu cho học sinh các khái niệm và hình thức viết tắt một số từ loại và các thành phần chính trong câu ở các tiết ôn tập đầu chương trình. Việc nhận ra từ loại và cách dùng cơ bản của từ loại rất quan trọng trong việc học tiếng Anh của học sinh đầu cấp.

Đối với chương trình tiếng Anh thí điểm và chương trình tiếng Anh tăng cường: Giáo viên cần đầu tư thời gian nhiều cho việc soạn giảng và nghiên cứu chương trình dạy, tập trung làm rõ mục tiêu cụ thể và rõ ràng, yêu cầu của từng đơn vị bài dạy và kết quả đạt được sau từng tiết dạy.

Đa dạng các phương pháp và kỹ thuật dạy từ vựng sao cho phù hợp với từng cấp lớp, và từng kỹ năng ngôn ngữ. Chú ý đến việc cung cấp các gốc từ, các tiếp đầu ngữ và tiếp vị ngữ phổ biến cho học sinh nhằm giúp học sinh tăng cường vốn từ vựng và sử dụng các từ một cách dể hiểu và nhớ lâu.

Cho ví dụ minh hoạ về cách dùng từ rất quan trọng trong dạy từ vựng. Tuy nhiên, ví dụ minh hoạ nên lấy từ nội dung bài dạy, hoặc có liên quan đến bài dạy dưới nhiều hình thức, như đơn giản hoá câu có chứa từ vựng nhằm giúp cho học sinh hiểu được nghĩa từ trong ngữ cảnh. Việc cho ví dụ có liên quan đến nội dung bài dạy giúp học sinh dễ hiểu bài và hoàn thành tốt những bài tập học sinh chuẩn bị thực hiện.

Giáo viên cũng cần khai thác hợp lý và tận dụng tối đa các tranh ảnh trong sách giáo khoa để dạy các kỹ năng ngôn ngữ cho học sinh. Việc sử dụng các trang thiết bị nghe, nhìn [tranh ảnh, vật thật, mô hình...] cần phải lựa chọn cẩn thận cả về mặt nội dung lẫn hình thức...

Với cấp THPT, cần xây dựng kế hoạch dạy chi tiết ngay từ đầu năm học. Đa dạng các kỹ thuật dạy và kết hợp với các đồ dùng dạy học như tranh, ảnh, trình chiếu powerpoint, máy nghe... một cách hợp lý để dạy các kỹ năng ngôn ngữ, ngữ pháp và từ vựng cho phù hợp với trình độ lĩnh hội của học sinh và môi trường học.

Giáo viên cũng cần mạnh dạn thiết kế lại các tasks ở các tiết dạy nghe, nói và viết nhằm giúp học sinh đạt kết quả tốt, tránh trình trạng dạy theo kiểu biểu diễn, chạy theo hình thức...

- Xin cảm ơn ông!

Sở GD&ĐT Bến Tre khuyến khích giáo viên tham gia soạn bài trực tiếp tại phòng học ngoại ngữ; đồng thời có những biện pháp cụ thể buộc các giáo viên ngoại ngữ thường xuyên sử dụng trang thiết bị này một cách thường xuyên và hiệu quả; có sổ nhật ký ghi nhận việc sử dụng và bảo quản các phòng học ngoại ngữ - TS Nguyễn Văn Huấn.

Page 2

Dự thảo mới nhất chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ GD-ĐT điều chỉnh, hoàn thành. Theo dự thảo này, thay vì học sinh phải học 13 môn như hiện nay, số môn học bắt buộc sẽ giảm chỉ còn 7 - 8 môn đối với THCS và còn 4 môn đối với THPT.

Theo dự thảo, sẽ có những môn học mới được tích hợp từ các môn học truyền thống, hoặc thay tên gọi để phù hợp với sự thay đổi nội dung, tính chất, ý nghĩa giáo dục.

Dựa trên nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông, các trường được phép xây dựng hoặc yêu cầu xây dựng kế hoạch giáo dục cho trường mình một cách linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Việc này cũng phù hợp trong bối cảnh có nhiều bộ sách giáo khoa - tài liệu chính được sử dụng trong thời gian tới

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

Nội dung học tự chọn tăng dần

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Hệ thống môn học trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được thiết kế theo định hướng đảm bảo cân đối nội dung các lĩnh vực giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học, thống nhất giữa các lớp trước và sau, tích hợp mạnh ở các lớp dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên. Hệ thống các môn học cũng điều chỉnh để tương thích với nhiều nước trên thế giới”.

Theo thiết kế trong dự thảo trên, có tám lĩnh vực giáo dục xuyên suốt ba cấp học gồm ngôn ngữ và văn học, toán học, đạo đức - công dân, thể chất, nghệ thuật, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ - tin học.

Mỗi lĩnh vực sẽ có các môn học cốt lõi và có điều chỉnh theo lớp, cấp. Ví dụ lĩnh vực giáo dục khoa học ở lớp 1, 2, 3 sẽ có môn học cuộc sống quanh ta và tới lớp 4, 5 tách ra thành hai môn tìm hiểu xã hội và tìm hiểu tự nhiên, tương ứng với hai môn khoa học xã hội [tích hợp nội dung của các môn học truyền thống lịch sử, địa lý] và khoa học tự nhiên [tích hợp nội dung các môn học truyền thống vật lý, hóa học, sinh học].

Nếu ở giai đoạn giáo dục cơ bản [tiểu học, THCS] nhiều môn học truyền thống được tích hợp trong môn học mới thì ở bậc THPT, một số môn học truyền thống được trở lại như vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, bên cạnh đó là nhiều chuyên đề học tập mới mang định hướng nghề nghiệp cao.

Điểm mới so với nhiều dự thảo trước đây là ở cả ba cấp học, hệ thống môn học đều được chia thành các môn bắt buộc và tự chọn. Trong nhóm môn học tự chọn cũng có nhiều loại: môn tự chọn học sinh có thể chọn hoặc không chọn; những môn học sinh bắt buộc phải lựa chọn một hoặc một số môn trong nhóm; nội dung học sinh có thể lựa chọn trong một môn học... Nội dung tự chọn này sẽ tăng dần từ lớp thấp lên lớp cao.

Ở bậc trung học, thay vì học sinh phải học 13 môn như hiện nay, số môn học bắt buộc sẽ giảm nhiều, chỉ còn 7 - 8 môn đối với THCS và chỉ còn 4 môn đối với THPT. Các môn ngữ văn, toán, công dân với Tổ quốc và ngoại ngữ 1 [do trường chọn] là bốn môn bắt buộc đối với học sinh THPT. Bên cạnh đó, học sinh THPT có thể tự chọn trong các môn học, nhóm môn học nội dung học tập phù hợp với sở trường, định hướng nghề nghiệp.

“Trong cả cấp THPT, học sinh có thể thay đổi môn học tự chọn và chuyên đề học tập phù hợp với nguyện vọng. Nhưng học sinh sẽ phải hoàn thành số lượng môn học, chuyên đề học tập tối thiểu theo quy định của chương trình. Chương trình sẽ dành thời lượng nhất định để tạo điều kiện cho học sinh có thể thực hiện sự thay đổi này” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết.

Đề cao trải nghiệm 
sáng tạo

Với định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, trong định hướng xây dựng chương trình môn học, Bộ GD-ĐT cũng đặt ra các yêu cầu cụ thể, trong đó nhấn mạnh đến phương pháp dạy học, chú trọng tính thiết thực trong nội dung dạy học và hoạt động trải nghiệm của học sinh, tùy theo đối tượng học sinh của mỗi cấp học, tùy theo đặc thù của từng môn học để xây dựng chương trình môn học phù hợp.

Ví dụ như môn ngữ văn, phương pháp dạy học dựa trên nguyên tắc chủ đạo là học thông qua hoạt động nhằm khuyến khích, tạo cơ hội cho học sinh đọc, viết, nói, nghe, qua đó phát triển năng lực tư duy, cảm thụ văn học, năng lực hành dụng tiếng Việt; khuyến khích suy nghĩ độc lập, sáng tạo, hạn chế ghi nhớ máy móc...

Một trong những điểm mới được lưu ý khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông lần này là hoạt động trải nghiệm sáng tạo và nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Trong đó hoạt động trải nghiệm sáng tạo dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.

Đây là cách vận dụng những tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm bản thân vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống, qua đó hình thành những năng lực chung và năng lực đặc thù [tổ chức hoạt động, quản lý cuộc sống, định hướng, chọn nghề...], phát huy năng khiếu riêng của từng người.

Trải nghiệm sáng tạo được chú trọng trong từng môn học, đồng thời thiết kế thành các hoạt động riêng để vận dụng tổng hợp nhiều lĩnh vực kiến thức, kỹ năng, đa dạng về hình thức tổ chức và phương pháp hoạt động phù hợp với những mục tiêu khác nhau.

“Nếu ở giai đoạn giáo dục cơ bản, hoạt động trải nghiệm sáng tạo tập trung hình thành các phẩm chất, nhân cách, thói quen, kỹ năng sống thì ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp, hoạt động trải nghiệm sáng tạo chú trọng thêm yêu cầu gắn với nghề nghiệp tương lai, học sinh có cơ hội trải nghiệm với các ngành nghề khác nhau, bằng nhiều hình thức phong phú” - Thứ trưởng Hiển giải thích.

Nghiên cứu khoa học kỹ thuật và thực hiện các chuyên đề học tập cũng được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Đây cũng là một hình thức trải nghiệm, là cách để học sinh biết vận dụng tổng hợp kiến thức của nhiều môn học để tạo nên các sản phẩm thiết thực, hoặc giải quyết các tình huống, vấn đề trong thực tiễn cuộc sống, gắn học với hành.

Việc tổ chức học tập theo chuyên đề, theo dự án học tập và nghiên cứu khoa học giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu, khả năng làm việc nhóm, làm quen với việc thảo luận, phản biện và biết cách trình bày, thuyết phục.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, những điểm nhấn của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và định hướng chương trình môn học này đều xuất phát từ việc nghiên cứu khoa học giáo dục, tổng kết thực tiễn và triển khai thực nghiệm tại các nhà trường ngay trong chương trình phổ thông hiện hành.

Có thể kể đến việc dạy học các chuyên đề tích hợp; tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật, thi vận dụng kiến thức liên môn; thực hiện tự chủ kế hoạch giáo dục nhà trường với việc chủ động thiết kế các dự án dạy học của giáo viên, học sinh; đổi mới phương pháp đánh giá học sinh; đổi mới cách thức tổ chức, quản lý lớp học theo hướng để học sinh chủ động, sáng tạo, tự quản [mô hình trường học mới triển khai ở tiểu học và THCS]…

Được mời giáo viên thỉnh giảng

Việc tổ chức dạy học tự chọn dựa trên nhu cầu học sinh và điều kiện của mỗi trường. Các trường được phép mời giáo viên thỉnh giảng hoặc gửi học sinh sang học ở các trường, nhóm/lớp lân cận nhằm tăng khả năng đáp ứng nhu cầu của học sinh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, để đảm bảo cho chương trình vừa ổn định vừa phát triển, sau khi đã ban hành chính thức, trong quá trình tổ chức thực hiện, chương trình vẫn được cán bộ quản lý, giáo viên, các trường, các cơ quan quản lý giáo dục và những người quan tâm nhận xét, góp ý. Hằng năm Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức đánh giá, xem xét điều chỉnh nếu cần thiết và hướng dẫn thực hiện các điều chỉnh nếu có.

Thực hiện theo hình thức cuốn chiếu 
từ năm 2018

Năm học 2018 - 2019: triển khai chương trình sách giáo khoa mới ở lớp 1, lớp 6, lớp 10.

Năm học 2019 - 2020: triển khai ở lớp 2, lớp 7, lớp 11.

Năm học 2020 - 2021: triển khai ở lớp 3, lớp 8, lớp 12.

Năm học 2021 - 2022: triển khai ở lớp 4, lớp 9.

Năm học 2022 - 2023: triển khai ở lớp 5.

Trước đây, trong lịch sử giáo dục Việt Nam từng trải qua nhiều lần cải cách, đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông:

- Cuộc cải cách giáo dục năm 1950.

- Cuộc cải cách năm 1956.

- Năm 1981, chương trình cải cách giáo dục đánh dấu việc thống nhất hệ thống giáo dục phổ thông trên cả nước với việc chỉ có một chương trình - sách giáo khoa.

- Chương trình phân ban thí điểm ở bậc THPT lần thứ nhất vào năm học 1989 - 1992, lần thứ hai vào năm học 1993 - 1994.

- Năm 2000 - 2001, ngành GD-ĐT tiến hành cuộc đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông. Năm 2002, chương trình - sách giáo khoa này được triển khai đại trà trên toàn quốc và kéo dài đến nay.

ThS Hà Hữu Thạch [hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố, Q.2, TP.HCM]:

Ông Hà Hữu Thạch - Ảnh: HOÀNG HƯƠNG

Học sinh dễ trang bị kiến thức cho nghề nghiệp sau này

Việc giảm từ 13 môn học như hiện nay còn 4 môn học bắt buộc ở bậc THPT và 7 - 8 môn bậc THCS như dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã nêu, theo tôi, là một sự chuyển biến mạnh, một bước tiến bộ đáng được ghi nhận của Bộ GD-ĐT. Bởi ai cũng hiểu giảm số môn học bắt buộc sẽ giúp giảm sự quá tải cho học sinh phổ thông.

Việc giữ lại 4 môn học bắt buộc của bậc THPT là ngữ văn, toán, công dân với Tổ quốc và ngoại ngữ 1 cũng khá phù hợp với định hướng thi THPT quốc gia. Học sinh cũng dễ dàng xác định và đăng ký học các môn tự chọn để phục vụ cho nghề nghiệp của mình sau này.

Tuy nhiên, tôi vẫn còn băn khoăn là môn công dân với Tổ quốc thực chất có phải là môn đạo đức - giáo dục công dân hay không. Ý kiến của tôi là môn này cần có sự tích hợp kiến thức lịch sử vào thì mới đáp ứng được yêu cầu giáo dục trong thời kỳ hội nhập như hiện nay.

* Ông Nguyễn Quang Minh [giáo viên Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM]:

Ông Nguyễn Quang Minh - Ảnh: HOÀNG HƯƠNG

Giảm hàn lâm, lý thuyết; 
tăng ứng dụng, thực hành

Tôi cảm thấy băn khoăn với nội dung “bậc THPT chỉ còn 4 môn bắt buộc” như dự thảo đề ra. Mới nhìn vào cứ tưởng việc giảm số môn học là giảm tải cho học sinh. Nhưng trên thực tế sự quá tải là do chương trình giáo dục hiện nay quá hàn lâm, nặng lý thuyết, nhồi nhét quá nhiều kiến thức. Nếu thật sự muốn giảm tải thì cần giảm bớt tính hàn lâm, lý thuyết, tăng tính ứng dụng, thực hành... để khi học các em thấy được môn học đó rất có ích trong cuộc sống. Như thế các em sẽ học nhẹ nhàng, thoải mái, thích thú hơn.

Nếu quy định bậc THPT chỉ có 4 môn bắt buộc rất dễ dẫn đến tình trạng học sinh học lệch, sẽ có những môn học các em không bao giờ biết tới mặc dù cuộc sống rất cần. Ví dụ như môn lịch sử, địa lý rất cần thiết nhưng không hiểu tại sao lại không đưa vào danh sách những môn bắt buộc hoặc tích hợp vào một trong bốn môn bắt buộc như dự thảo đã nêu? Thử hỏi kỹ sư, bác sĩ mà không biết đến lịch sử dân tộc, không biết địa lý khu vực sẽ thành người thế nào?

GS Đinh Quang Báo [nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội]:

GS Đinh Quang Báo - Ảnh: VIỆT DŨNG

Các trường sư phạm 
phải vào cuộc

Để có thể thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, vấn đề phải nghĩ tới từ khi xây dựng chương trình là đổi mới đào tạo giáo viên. Một trong những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông mới là việc dạy tích hợp [liên môn và trong nội bộ môn học], trong khi trước đây giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn. Vì thế các trường sư phạm phải bắt nhịp để đổi mới đào tạo, cung cấp nguồn giáo viên mới đáp ứng yêu cầu này.

Việc chuyển từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất người học có nghĩa giáo viên cũng cần trang bị nền tảng tri thức rộng, được rèn luyện nhiều hơn về phương pháp, nghiệp vụ sư phạm, hiểu biết về tâm lý giáo dục... Đây là những vấn đề các trường sư phạm phải quan tâm vào cuộc để có thể đảm nhiệm vai trò tập huấn, đào tạo giáo viên đáp ứng điều kiện về nhân lực cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

* Ông Lê Ngọc Điệp [nguyên trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM]:

Hiện đại và bản sắc dân tộc

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là chương trình mang tính hiện đại và bản sắc dân tộc. Ví dụ mục tiêu giáo dục cấp tiểu học hiện hành còn được phát triển phẩm chất, năng lực và nhấn mạnh “định hướng chính vào giá trị gia đình, dòng tộc, quê hương, những thói quen cần thiết trong học tập và sinh hoạt”.

Hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho từng cấp học cũng rất rõ ràng, cụ thể. Các phẩm chất sống yêu thương, sống tự chủ, sống trách nhiệm và các năng lực tự học, giải quyết vấn đề và sáng tạo, giao tiếp, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông... Đây là những phẩm chất của con người VN và những năng lực của con người VN hiện đại.

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ ghi

Page 3

GD&TĐ - Thủ tướng vừa có Chỉ thị 04/CT-TTg yêu cầu Bộ GD&ĐT, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

Để tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 an toàn, nghiêm túc, chất lượng, đạt hiệu quả cao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các cơ sở giáo dục và đào tạo, các địa phương liên quan trong việc tổ chức kỳ thi; có trách nhiệm tiếp tục hoàn thiện phương án, kế hoạch triển khai thực hiện tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 trên cơ sở tiếp thu đầy đủ, rộng rãi ý kiến góp ý xác đáng của xã hội.

Xây dựng cụ thể và công bố công khai kế hoạch bố trí các cụm thi trên địa bàn các tỉnh, thành phố một cách hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, nhất là các cụm thi dành cho các thí sinh không có nguyện vọng học đại học, cao đẳng hoặc sẽ tham gia Kỳ thi/xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng có phương án tuyển sinh không sử dụng kết quả Kỳ thi;

Lưu ý để có dự báo sát thực về các khả năng, tình huống có thể gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai tổ chức Kỳ thi để chủ động có phương án xử lý, giải quyết phù hợp.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành đầy đủ các quy định, hướng dẫn liên quan phục vụ cho Kỳ thi từ việc tổ chức coi thi, chấm thi, sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp và đăng ký tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, dạy nghề đến những nội dung khác liên quan như: Quy định về phí dự thi và tuyển sinh; hoạt động quản lý các cụm coi thi, chấm thi; việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, nguyện vọng, quyền lợi của thí sinh và cán bộ coi thi, người phục vụ kỳ thi;

Khẩn trương hướng dẫn cụ thể về đề thi đáp ứng với yêu cầu Kỳ thi để giúp học sinh có định hướng rõ trong việc ôn luyện và làm quen; lưu ý có dự báo và giải pháp phù hợp để giải quyết những khó khăn, bất cập phát sinh trong việc đi lại của thí sinh và cán bộ coi thi; làm tốt công tác bảo vệ, giám sát, vận chuyển và bảo quản, giữ bí mật các đề thi, bài thi...

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh tham dự kỳ thi

Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng sớm công bố rộng rãi, công khai về phương án tuyển sinh của trường mình, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh có định hướng và thực hiện việc đăng ký tham dự Kỳ thi, đăng ký tuyển sinh; thực hiện tốt việc hướng dẫn, phân công cụ thể cho các trường đại học làm tốt công tác chuẩn bị và tham gia tích cực, hiệu quả vào các hoạt động liên quan đến Kỳ thi, nhất là việc coi thi, chấm thi và tuyển sinh; chỉ đạo các trường đại học được giao chủ trì tổ chức thi tại các cụm thi liên tỉnh làm tốt một số công việc sau đây: Sao in và bảo mật đề thi, tổ chức coi thi, chấm thi, phúc khảo, xét duyệt kết quả thi và lưu trữ hồ sơ thi; các trường đại học được giao nhiệm vụ phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo ở các địa phương để tổ chức các cụm thi do địa phương chủ trì tổ chức cần nêu cao tinh thần chủ động, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong mọi hoạt động liên quan đến việc tổ chức cụm thi này.

Đồng thời chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các địa phương để làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức các cụm thi trên địa bàn, nhất là đối với những cụm thi do các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức.

Bên cạnh đó, có kế hoạch cụ thể, chi tiết đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động liên quan đến kỳ thi, nhất là việc đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng nhằm hạn chế tối đa việc đi lại nhiều lần không cần thiết của học sinh, tránh gây khó khăn, phiền hà cho học sinh, phụ huynh học sinh và các tổ chức, cá nhân trước, trong và sau Kỳ thi.

Có kế hoạch tổ chức truyền thông cụ thể để cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các quy định, thông tin cần thiết liên quan đến Kỳ thi và có trách nhiệm giải đáp thỏa đáng những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh và người dân về những nội dung liên quan đến Kỳ thi.

Thông tin kịp thời, đầy đủ nội dung liên quan đến kỳ thi

Thủ tướng giao Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng phương án tài chính phù hợp, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hỗ trợ Kỳ thi tổ chức thành công, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm; kịp thời ban hành những văn bản quy định về tài chính phục vụ Kỳ thi theo thẩm quyền.

Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch, rõ ràng về mục đích, ý nghĩa, tác dụng và những nội dung cơ bản liên quan đến Kỳ thi, nhất là những vấn đề có tính chất đổi mới để tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phổ biến rộng rãi đến các học sinh, nhất là học sinh lớp 12 về quy chế thi, quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 và các quy định, hướng dẫn liên quan đến Kỳ thi; chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện chương trình, kế hoạch giảng dạy, học tập và tổ chức ôn luyện cho học sinh trong các nhà trường trung học phổ thông trên địa bàn.

Hỗ trợ thí sinh dân tộc thiểu số tham dự kỳ thi

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo và thực hiện việc bố trí các cụm thi; phối hợp với các trường đại học để chuẩn bị và triển khai thực hiện tốt mọi hoạt động tại các cụm thi thuộc địa bàn địa phương quản lý, đặc biệt lưu ý cần bảo đảm các điều kiện thuận lợi về giao thông đi lại, nơi ăn nghỉ cho thí sinh và gia đình phụ huynh học sinh, về vệ sinh an toàn thực phẩm, về công tác bảo vệ an ninh trật tự tại các cụm thi... 

Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường công tác vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ các thí sinh là con em dân tộc thiểu số, các gia đình chính sách, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa có điều kiện tham dự kỳ thi, không để học sinh nào phải bỏ thi vì gặp quá khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.

Các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp, theo sự phân công của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các công việc, nhiệm vụ được giao liên quan đến Kỳ thi, bảo đảm chất lượng, tiến độ và thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo đúng quy định; làm tốt công tác chuẩn bị; bố trí đầy đủ đội ngũ có chất lượng, đủ tiêu chuẩn tham gia trong các hoạt động của Kỳ thi và tuyển sinh; nghiêm túc triển khai việc tập huấn, quán triệt nhiệm vụ cho đội ngũ những người được cử tham gia vào các hoạt động của Kỳ thi, nhất là đối với cán bộ tham gia coi thi, chấm thi và tuyển sinh; có trách nhiệm quán triệt, phổ biến rộng rãi các quy chế, quy định về thi, tuyển sinh trong toàn đơn vị.

Page 4

GD&TĐ - Ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục [Bộ GD&ĐT] - cho biết: Kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ được tổ chức tại 38 cụm thi.

8 cụm thi đặt tại thành phố Hà Nội

Khu vực Hà Nội có 8 cụm thi do các trường ĐH chủ trì như sau:

Cụm thi số 1: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội;

Cụm thi số 2: Trường ĐH Kinh tế quốc dân;

Cụm thi số 3: Trường ĐH Thủy lợi;

Cụm thi số 4: Học viện Kỹ thuật quân sự;

Cụm thi số 5: Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội;

Cụm thi số 6: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội;

Cụm thi số 7: Trường ĐH Lâm nghiệp;

Cụm thi số 8: Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Các cụm thi này dành cho thí sinh của thành phố Hà Nội và 5 tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Bắc Ninh.

8 cụm thi đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh

Khu vực thành phố Hồ Chí Minh có 8 cụm thi do các trường ĐH chủ trì như sau:

Cụm thi số 9: ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh;

Cụm thi số 10: Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh;

Cụm thi số 11: Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh;

Cụm thi số 12: Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh;

Cụm thi số 13: Trường ĐH Sài Gòn;

Cụm thi số 14: Trường ĐH Tôn Đức Thắng;

Cụm thi số 15: Trường ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh;

Cụm thi số 16: Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.

Các cụm thi này dành cho thí sinh của thành phố Hồ Chí Minh và 6 tỉnh: Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận và Tây Ninh.

2 cụm thi đặt tại Thành phố Hải Phòng

Khu vực Hải Phòng có 2 cụm thi do các trường ĐH chủ trì như sau:

Cụm thi số 17: Trường ĐH Hàng hải Việt Nam;

Cụm thi số 18: Trường ĐH Hải Phòng [phối hợp với Trường ĐH Giao thông vận tải].

Các cụm thi này dành cho thí sinh của thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hải Dương.

Các cụm thi đặt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác

Các cụm thi đặt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác bao gồm:

Cụm thi số 19: Đặt tại tỉnh Sơn La, do Trường ĐH Tây Bắc chủ trì [phối hợp với Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội], dành cho thí sinh của 2 tỉnh: Điện Biên và Sơn La

Cụm thi số 20: Đặt tại tỉnh Thái Nguyên, do ĐH Thái Nguyên chủ trì, dành cho thí sinh của 5 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn và Thái Nguyên.

Cụm thi số 21: Đặt tại tỉnh Tuyên Quang, do Trường ĐH Tân Trào chủ trì [phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2], dành cho thí sinh của 2 tỉnh: Hà Giang và Tuyên Quang.

Cụm thi số 22: Đặt tại tỉnh Phú Thọ, do Trường ĐH Hùng Vương chủ trì [phối hợp với Trường ĐH Mỏ - Địa chất], dành cho thí sinh của 4 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Lai Châu.

Cụm thi số 23: Đặt tại tỉnh Thái Bình, do Trường ĐH Y Thái Bình chủ trì, dành cho thí sinh của 2 tỉnh: Thái Bình và Hưng Yên.

Cụm thi số 24: Đặt tại tỉnh Thanh Hóa, do Trường ĐH Hồng Đức chủ trì [phối hợp với Trường ĐH Y Hà Nội], dành cho thí sinh của 2 tỉnh: Thanh Hóa và Ninh Bình.

Cụm thi số 25: Đặt tại tỉnh Nghệ An, do Trường ĐH Vinh chủ trì, dành cho thí sinh của 2 tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh.

Cụm thi số 26: Đặt tại tỉnh Thừa Thiên Huế, do ĐH Huế chủ trì, dành cho thí sinh của 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Cụm thi số 27: Đặt tại Thành phố Đà Nẵng, do ĐH Đà Nẵng chủ trì, dành cho thí sinh của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Cụm thi số 28: Đặt tại tỉnh Bình Định, do Trường ĐH Quy Nhơn chủ trì, dành cho thí sinh của 2 tỉnh: Bình Định và Quảng Ngãi.

Cụm thi số 29: Đặt tại tỉnh Gia Lai, do Cơ sở Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh tại tỉnh Gia Lai chủ trì, dành cho thí sinh của các tỉnh: Gia Lai và Kon Tum.

Cụm thi số 30: Đặt tại tỉnh Đắk Lắk, do Trường ĐH Tây Nguyên chủ trì, dành cho thí sinh của 2 tỉnh: Đắk Lắk và Đắk Nông.

Cụm thi số 31: Đặt tại tỉnh Lâm Đồng, do Trường ĐH Đà Lạt chủ trì, dành cho thí sinh của các tỉnh: Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Cụm thi số 32: Đặt tại tỉnh Khánh Hòa, do Trường ĐH Nha Trang chủ trì, dành cho thí sinh của 2 tỉnh: Khánh Hòa và Phú Yên.

Cụm thi số 33: Đặt tại Thành phố Cần Thơ do Trường ĐH Cần Thơ chủ trì, dành cho thí sinh của Thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang.

Cụm thi số 34: Đặt tại tỉnh Đồng Tháp, do Trường ĐH Đồng Tháp chủ trì, dành cho thí sinh của 2 tỉnh: Đồng Tháp và Long An

Cụm thi số 35: Đặt tại tỉnh Trà Vinh, do Trường ĐH Trà Vinh chủ trì [phối hợp với Trường ĐH Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh], dành cho thí sinh của 2 tỉnh: Trà Vinh và Vĩnh Long.

Cụm thi số 36: Đặt tại tỉnh Tiền Giang, do Trường ĐH Tiền Giang chủ trì [phối hợp với Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh], dành cho thí sinh của 2 tỉnh: Tiền Giang và Bến Tre.

Cụm thi số 37: Đặt tại tỉnh An Giang, do Trường ĐH An Giang chủ trì [phối hợp với Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh], dành cho thí sinh của 2 tỉnh: An Giang và Kiên Giang.

Cụm thi số 38: Đặt tại tỉnh Bạc Liêu, do Trường ĐH Bạc Liêu chủ trì [phối hợp với Trường ĐH Y Dược Cần Thơ], dành cho thí sinh của 2 tỉnh: Bạc Liêu và Cà Mau.

Page 5

Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 hệ chính quy dự kiến sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo [GD-ĐT] ban hành trong tuần này với một số thay đổi so với dự kiến ban đầu.

Sử dụng thang điểm 10

Theo dự kiến trước đây của Bộ GD-ĐT, thang điểm được dùng sẽ là 20 thay vì 10 để giúp phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh [TS]. Tuy nhiên, trong dự thảo quy chế mới nhất, điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm đều được quy về thang điểm 10.

Cũng theo dự thảo mới, đề thi THPT quốc gia phải bảo đảm nội dung nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đồng thời, bảo đảm phân loại được trình độ của TS, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản [để tốt nghiệp THPT] và yêu cầu nâng cao [để tuyển sinh ĐH, CĐ]; bảo đảm tính chính xác, khoa học và sư phạm.

Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Trong kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thi 8 môn: toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, TS phải thi 4 môn, gồm 3 môn bắt buộc [toán, ngữ văn, ngoại ngữ] và 1 môn do TS tự chọn trong các môn thi còn lại. TS không được học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không bảo đảm chất lượng, được chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH - CĐ, TS dự thi 4 môn quy định và đăng ký dự thi đủ các môn phù hợp với khối thi do trường ĐH, CĐ quy định.

Hạn cuối nhận hồ sơ là ngày 15-4

Bộ GD-ĐT cho biết sẽ điều chỉnh thời gian đăng ký dự thi của TS. Dự kiến, hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi là trước ngày 15-4 hằng năm [thay vì hạn cuối đăng ký trước ngày 1-4 như trước đây].

Khi hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, TS phải thông báo kịp thời cho thủ trưởng trường THPT hoặc nơi đăng ký dự thi hoặc cho hội đồng thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung.

Những trường hợp đặc biệt được phép bổ sung các loại giấy chứng nhận để hưởng chế độ ưu tiên, cộng điểm khuyến khích phải thực hiện trước ngày tổ chức kỳ thi mới có giá trị.

Điểm liệt là 1

Dự kiến, mức cộng điểm khuyến khích cho TS cũng sẽ có những thay đổi so với trước. TS đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi quốc gia chọn học sinh giỏi lớp 12 hoặc giải nhất cấp tỉnh dự kiến được cộng 2 điểm; giải khuyến khích quốc gia hoặc nhì cấp tỉnh được cộng 1,5 điểm; giải ba cấp tỉnh được cộng 1 điểm.

TS đoạt giải cá nhân và đồng đội trong các kỳ thi thí nghiệm thực hành môn vật lý, hóa học, sinh học; thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; thi khoa học kỹ thuật; viết thư quốc tế do ngành giáo dục phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp THPT cũng được cộng điểm. Cụ thể, các cá nhân đoạt giải nhất, nhì, ba quốc gia hoặc giải nhất cấp tỉnh hoặc huy chương vàng: cộng 2 điểm; giải khuyến khích quốc gia hoặc nhì cấp tỉnh, huy chương bạc: cộng 1,5 điểm; giải khuyến khích quốc gia hoặc ba cấp tỉnh, huy chương đồng: cộng 1 điểm.

Học sinh giáo dục THPT, học viên giáo dục thường xuyên trong diện xếp loại hạnh kiểm có giấy chứng nhận nghề do sở GD-ĐT hoặc các cơ sở GD-ĐT và dạy nghề do ngành giáo dục cấp trong thời gian học THPT, được cộng điểm khuyến khích căn cứ vào xếp loại ghi trong chứng nhận. Cụ thể, loại giỏi: cộng 2 điểm; khá: cộng 1,5 điểm; trung bình: cộng 1 điểm.

TS được công nhận tốt nghiệp nếu không bị kỷ luật từ mức hủy bài thi trở lên, các bài thi đạt trên 1 điểm được công nhận tốt nghiệp thay vì phải trên 2 điểm như dự kiến trước đây.

Được mang Atlat vào phòng thi

Phòng thi được xếp theo môn thi, mỗi phòng thi có tối đa 40 TS; trong phòng thi phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa 2 TS ngồi cạnh nhau là 1,2 m theo hàng ngang. Riêng phòng thi cuối cùng của mỗi môn thi được xếp đến 45 TS. TS chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn địa lý; các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.

TS không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.

Lan Anh

Page 6

GD&TĐ - Câu chuyện về đầu tư trang thiết bị, máy móc để triển khai được Đề án Ngoại ngữ 2020 đã được nhắc tới từ lâu. Vấn đề đặt ra là: Mua những thiết bị gì , sử dụng ra sao và công tác đào tạo giáo viên như thế nào đang nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp xã hội.

Mua đúng, mua đủ

Tnăm 2011 đến 2013, tỉnh Bến Tre đã trang bị phòng học ngoại ngữ cho 82 trường TH, THCS và THPT [gồm 33 trường TH, 32 trường THCS và 17 trường THPT]; trong đó có 10 trường TH, 17 THCS và Trường THPT chuyên Bến Tre được trang bị phòng dạy học ngoại ngữ đầy đủ gồm: 1 máy chiếu siêu gần, 1 bảng tương tác, 1 máy chiếu vật thể, 1 bộ điều khiển trung tâm giáo viên, 1 bộ điều khiển cho 40 học sinh và phần mềm dạy-học tiếng Anh.

Số trường còn lại được trang bị phòng học ngoại ngữ cơ bản gồm: 1 máy chiếu siêu gần, 1 bảng tương tác, 1 máy chiếu vật thể và 1 máy tính giáo viên.

Là một tỉnh còn nhiều khó khăn nên Bến Tre đã chọn giải pháp: Không mua sắm trang thiết bị dàn trải mà đầu tư có chọn lọc, mua đúng, mua đủ và điều quan trọng là phải phù hợp với năng lực, trình độ của giáo viên để khai thác thiết bị một cách hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Huấn – Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre, kinh nghiệm của địa phương là: Tỉnh chỉ tập trung đầu tư ở một số trường trọng điểm, trường đạt chuẩn quốc gia và những trường có nhiều giáo viên đạt chuẩn.

Sở GD&ĐT ưu tiên tập trung kinh phí để bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn, bởi đây mới chính là lực lượng nòng cốt để triển khai Đề án vào thực tiễn có hiệu quả.

Sau đó Sở tiến hành tổ chức tập huấn sử dụng các trang thiết bị dạy học cho các giáo viên khác; chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp dạy học gắn với việc sử dụng trang thiết bị dạy học ngoại ngữ một cách thường xuyên và hiệu quả.

Bằng phương pháp này mà đa số các trường được trang bị phòng ngoại ngữ đều khai thác tích cực, hiệu quả các thiết bị; các giáo viên kể cả các giáo viên ngoài tiếng Anh đã sử dụng các trang thiết bị một cách thường xuyên và khá thành thạo, bước đầu tạo được hứng thú cho học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong trường.

Để tránh lãng phí trong việc mua sắm thiết bị, Sở đã tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác mua sắm trang thiết bị theo hướng tập trung, ưu tiên cho các trường có đủ điều kiện [cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn,...]; trang bị các trang thiết bị cơ bản, thực sự cấp thiết cho việc dạy tiếng Anh [bảng tương tác, máy chiếu vật thể, máy tính cho giáo viên, máy nghe, các phần mềm dạy học....].

Chấn chỉnh mua sắm trang thiết bị

Trên thực tế đã xảy ra tình trạng có nơi thì thừa, có nơi thì vẫn còn thiếu trang thiết bị máy móc phục vụ cho công tác dạy và học. Đã có những câu chuyện về việc có nơi mua cả một phòng multimedia rồi “đắp chiếu” để đó, hoặc đầu tư máy móc, thiết bị nhưng không hỏi ý kiến “người sử dụng” là giáo viên trực tiếp giảng dạy, dẫn đến mua tràn lan các trang thiết bị bất chấp đó là những thiết bị đã cũ, đã lỗi thời.

Một thực tế khác đó là nhiều nơi thay vì tập trung đầu tư nâng chuẩn giáo viên, thì lại chỉ “chăm” mua sắm các máy móc, thiết bị phục vụ mà chưa căn cứ vào năng lực sử dụng, điều kiện của giáo viên dẫn đến hiệu quả không cao.

Bà Vũ Thị Tú Anh

Để chấn chỉnh thực trạng trên, TS Vũ Thị Tú Anh - Phó Trưởng Ban thường trực Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 cho biết:

Năm 2014, Đề án đang tiến hành các đánh giá về hiệu quả, chất lượng sử dụng các trang thiết bị, nguồn học liệu phục vụ đổi mới dạy học Ngoại ngữ từ các nguồn vốn khác nhau tại các địa phương, đơn vị để xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư phù hợp trong giai đoạn tới.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã chấn chỉnh bằng các hướng dẫn cụ thể tại Công văn: 7842/BGDĐT-CSVCTBTH ngày 28/10/2013 về việc đầu tư mua sắm thiết bị dạy học, học liệu của các cơ sở giáo dục và đào tạo; Công văn 63/BGDĐT-KHTC ngày 06/01/2014 về việc sử dụng kinh phí CTMTQG giáo dục và đào tạo cho Đề án 2020.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã có công văn 4716/BGDĐT-ĐANN ngày 29/8/2014 về việc hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ Đề án NNQG 2020 tại các đơn vị để tăng cường trách nhiệm và tính tự chủ của địa phương, đơn vị.

Mặt khác, Đề án cũng đang phối hợp với ĐH Hà Nội xây dựng các mô hình thiết bị và ứng dụng CNTT trong dạy học Ngoại ngữ hiệu quả; các chương trình, tài liệu tập huấn sử dụng trang thiết bị, các nguồn học liệu phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị cho cán bộ, giáo viên, giảng viên.

Page 7

[NLĐ Online]-Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đề thi bảo đảm phân hóa trình độ thí sinh để đạt được 2 mục đích: tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo [GD-ĐT] Bùi Văn Ga, mỗi cụm thi do các trường ĐH uy tín tổ chức sẽ có trung bình khoảng 30.000-40.000 thí sinh. Dự kiến sẽ có khoảng 25-30 cụm thi do các trường ĐH chủ trì trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. Bộ GD-ĐT đang tiến hành khảo sát thực tế tại các cụm thi trước khi công bố danh sách chính thức.

Đề thi không phân biệt cụm thi

Bộ GD-ĐT cho hay việc coi thi, chấm thi sẽ được thực hiện tại các cụm với sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ và giáo viên các trường THPT. Chính vì thế, công tác khảo sát rất quan trọng. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ GD-ĐT đang khảo sát thực tế tại các cụm thi về địa lý, quy mô thí sinh, cơ sở vật chất, năng lực trường ĐH chủ trì...

Thí sinh trao đổi về đề thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 Ảnh: TẤN THẠNH

Riêng tại các cụm thi địa phương dành cho những thí sinh chỉ có mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT mà không lấy kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, thay vì chỉ có cán bộ, giáo viên của sở GD-ĐT như trước đây, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường huy động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ tham gia các khâu tổ chức thi.

Trước lo lắng về việc tổ chức thi ở các cụm địa phương và cụm thi ở các trường ĐH có thể sẽ dẫn đến không công bằng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định bộ đã lường được vấn đề này và chủ động xây dựng các giải pháp đồng bộ để bảo đảm tính nghiêm túc của kỳ thi tại địa phương.

“Không phân biệt thí sinh thi tại cụm nào, thí sinh đều cùng làm một đề theo định hướng đánh giá năng lực, tăng mức yêu cầu vận dụng, câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Điều này sẽ hạn chế việc quay cóp, trao đổi bài và hiện tượng dùng “phao” thi. Đặc biệt, các cụm thi tại tỉnh sẽ tăng cường vai trò trách nhiệm của địa phương trong tổ chức thi, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm, phát huy vai trò giám sát của xã hội đối với kỳ thi” - lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.

Định dạng tương tự đề thi năm 2014

Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.

Đề thi bảo đảm phân hóa trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Vì vậy, đề thi gồm các câu hỏi từ dễ đến khó, đáp ứng yêu cầu cơ bản [thí sinh chỉ cần trả lời được các câu hỏi này là đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT] và yêu cầu nâng cao [để phân hóa thí sinh, phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ].

Bộ GD-ĐT khẳng định tự chủ tuyển sinh là quyền của các trường. Vì vậy, cùng với việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, các trường có thể chủ động căn cứ quy chế tuyển sinh để sử dụng thêm các hình thức kiểm tra năng lực khác, như: phỏng vấn, viết luận...

Kết hợp nhiều hình thức kiểm tra năng lực

ĐHQG Hà Nội vừa cho biết năm 2015, ĐH này thống nhất dùng 1 bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung để đánh giá các thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào trường. Thí sinh sẽ phải làm bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung được tổ chức vào 2 đợt tháng 5 và cuối tháng 7-2015.

Để giúp thí sinh làm quen với dạng thức của bài thi, ĐHQG Hà Nội vừa công bố bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung mẫu dưới hình thức thi thử miễn phí trên trang thông tin điện tử của trường. Bài thi này bao quát kiến thức cơ bản của môn toán học, ngữ văn, các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội của bậc THPT.

Trong bài thi này, các câu hỏi kiểm tra kiến thức sẽ được giảm dần, các câu hỏi mang tính ứng dụng vào thực tiễn trong cuộc sống sẽ được tăng dần theo lộ trình thời gian thích hợp gắn liền với lộ trình đổi mới chương trình giáo dục THPT.

Page 8

GD&TĐ - Sáng nay [27/9], Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về tờ trình Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Phiên họp diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cùng dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận…

Triển khai áp dụng chương trình mới từ năm học 2018 - 2019

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã trình bày tờ trình của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trong đó, nêu rõ sự cần thiết ban hành Nghị quyết mới của Quốc hội về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; mục tiêu cũng như những nội dung cơ bản của Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Theo Bộ trưởng, Đề án lần này sẽ đổi mới nhiều vấn đề của chương trình, sách giáo khoa phổ thông, từ chuyển hướng dạy và học sang phát triển năng lực học sinh; đổi mới thi cử đến việc biên soạn sách giáo khoa.

Đề án cũng nêu rõ: Thực hiện chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa; trong đó chỉ có chương trình là mang tính pháp lý, sách giáo khoa là một tài liệu quan trọng nhưng không có tính pháp lý.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận lắng nghe ý kiến các đại biểu

Chủ trương trên được thực hiện theo phương án: Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa; đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các sách giáo khoa khác.

Đề xuất với Quốc hội cho triển khai theo phương án này, nhưng tại Tờ trình Chính phủ cũng cho biết trong quá trình thảo luận ở các hội nghị, hội thảo còn có 2 ý kiến về biên soạn sách giáo khoa.

Thứ nhất, các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn. Thứ hai, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định chọn lấy một bộ sách giáo khoa tốt nhất.

Về khái toán kinh phí thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu rõ: Sau khi bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn được Hội đồng quốc gia thẩm định đủ điều kiện sử dụng, sẽ tổ chức bán đấu giá bản quyền cho các nhà xuất bản để phát hành bộ sách giáo khoa này, kinh phí thu được từ bán bản quyền sẽ nộp Ngân sách nhà nước. Tổng kinh phí dự kiến 462 tỷ đồng.

Kinh phí này để thực hiện các nhiệm vụ: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ biên soạn, thẩm định chương trình, sách giáo khoa [bao gồm cả lực lượng biên soạn sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn sách giáo khoa]; xây dựng, thẩm định chương trình; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới; thẩm định sách giáo khoa [dự kiến 4 bộ];

Nghiên cứu mô hình sách giáo khoa điện tử để từng bước biên soạn, thực nghiệm và sử dụng ở những nơi có đủ điều kiện; biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới;

Đánh giá, điều chỉnh, hoàn thiện chương trình; tập huấn cho đội ngũ cốt cán về quy trình, kĩ thuật tổ chức tập huấn qua Internet cho giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông; tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Về lộ trình thực hiện: Giai đoạn 1 [tháng 1/2015 đến tháng 6/2017] sẽ chuẩn bị các điều kiện để xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới; giai đoạn 2 [tháng 7/2017 đến tháng 6/2018] sẽ xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, bán đấu giá bản quyền bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT thực hiện; giai đoạn 3 [tháng 7/2018 đến tháng 12/2021] sẽ triển khai áp dụng chương trình mới, bắt đầu từ năm học 2018 - 2019.

Các đại biểu dự phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội  sáng nay [27/9]

Đề án nhiều tính khả thi

Trình bày một số ý kiến thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi nhất trí về cơ bản với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thay cho Nghị quyết số 40/QH10 năm 2000 cũng như cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ xác định mục tiêu của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

Về chủ trương một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất, Ủy ban đề nghị ban hành một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng khả thi, mềm dẻo, linh hoạt, nói chung phải phù hợp với điều kiện bảo đảm thực tế của nhà trường, nhất là về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như với khả năng tiếp thu của học sinh...

Ủy ban cũng nhất trí với định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này sẽ phải thực hiện tích hợp mạnh theo lĩnh vực, liên môn ở các cấp học dưới và phân hóa sâu ở cấp trung học phổ thông theo hướng tăng cường các môn học, chuyên đề tự chọn và áp dụng phương thức tích lũy tín chỉ.

Về việc xã hội hóa biên soạn và xuất bản sách giáo khoa phổ thông, Ủy ban nhất trí với chủ trương sử dụng nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học và thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa phổ thông một cách hợp lý và có điều kiện.

Về đối tượng tham gia biên soạn sách giáo khoa, Ủy ban cũng tán thành phương án do Chính phủ đề nghị.

Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định công khai quy trình thẩm định sách giáo khoa khách quan, độc lập; quy định quy trình cơ sở giáo dục lựa chọn sách giáo khoa trên cơ sở bàn bạc dân chủ giữa giáo viên với học sinh và phụ huynh của nhà trường.

Liên quan đến kinh phí, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi cho rằng, Đề án của Chính phủ đã liệt kê khá chi tiết các nội dung, hạng mục thuộc các khâu trong quy trình biên soạn chương trình, sách giáo khoa phổ thông và tách riêng nguồn tài chính chi qua Ngân sách trung ương với nguồn tài chính chi qua ngân sách địa phương và nguồn tài chính xã hội hóa từ các cá nhân, tổ chức khác.

Khái toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ ở trung ương tương đối cụ thể, hợp lý và có tính khả thi.

Về lộ trình triển khai thực hiện, Ủy ban nhất trí về cơ bản các bước tiến hành nêu trong lộ trình thực hiện như Tờ trình của Chính phủ đề xuất nhưng đề nghị: Cân nhắc dành thời gian thích đáng cho việc thực nghiệm chương trình mới....

Thống nhất cao với nhiều nội dung lớn

Tại phiên làm việc, các đại biểu đều thể hiện sự thống nhất cao với nội dung Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trình bày và báo cáo thẩm tra của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu, thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội , Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng hoan nghênh việc Chính phủ tiếp thu nghiêm túc các nội dung góp ý kiến và hoàn thiện để có Tờ trình cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng khẳng định: Tại phiên họp này, thống nhất sự cần thiết ban hành Nghị quyết mới về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, cũng như nhất trí với các mục tiêu đổi mới đã được đề cập trong Đề án.

Một số nội dung khác được Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định Ủy Ban thường vụ Quốc hội thống nhất như: Nhất trí về mục tiêu đổi mới sách giáo khoa để thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương; nhất trí cơ cấu giáo dục phổ thông có chương trình giáo dục cơ bản 9 năm và chương trình giáo dục định hướng nghề nghiệp 3 năm [giáo dục THPT]; nhất trí về định hướng dạy học tích hợp và dạy học phân hóa…

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý: Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ Quốc hội có một ý đề nghị Chính phủ cân nhắc, tiếp thu, đó là nói rõ thêm các giải pháp khắc phục sự đổi mới trong cơ cấu môn học, nâng cao trình độ đội ngũ giáo vên và cán bộ quản lý như thế nào để kịp thời đáp ứng những đổi mới…

Đặc biệt, Ủy Ban thường vụ Quốc hội nhất trí việc thực hiện xã hội hóa biên soạn và xuất bản sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đồng thời cho rằng, đây là chủ trương mới, tác động sâu sắc trong công tác quản lý.

Nhưng về vấn đề này, Thường vụ cũng đề nghị Nghị quyết cần xác định rõ hơn trách nhiệm và vai trò quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT trong quá trình thẩm định, quyết định cho phép thực hiện các bộ sách giáo khoa được phê duyệt.

Về đội ngũ giáo viên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trong Nghị quyết cần ghi rõ trách nhiệm của các cơ quan trung ương và địa phương, các cơ sở giáo dục và cả trách nhiệm các nhà giáo, bảo đảm phát huy trí tuệ đội ngũ giáo viên, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu.

Về kinh phí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về yêu cầu, lộ trình, đặc biệt là về mục tiêu sử dụng kinh phí cho biên soạn và đổi mới sách giáo khoa. Tuy nhiên, trong Nghị quyết cần ghi rõ việc quan tâm hơn đến các vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay cơ bản nhất trí với lộ trình triển khai Chính phủ trình và báo cáo trước Quốc hội, tuy nhiên, lưu ý thận trọng trong thực hiện chương trình đổi mới.

Do đó, áp dụng đại trà với tiểu học, còn THCS thực hiện cuốn chiếu, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Xem Dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông TẠI ĐÂY

Page 9

[Báo Đồng Khởi Online]-Ngày 6-9-2014, tại Trường THPT Chuyên Bến Tre, Tỉnh ủy - UBND tỉnh đã long trọng tổ chức Lễ tuyên dương 24 học sinh xuất sắc trong các kỳ thi quốc gia năm học 2013-2014. Đến dự có đồng chí Nguyễn Thành Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Võ Thành Hạo - Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Trần Ngọc Tam -  Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Năm học 2013-2014, học sinh THPT đạt 83 giải ở các kỳ thi quốc gia. Trong 24 học sinh xuất sắc được tuyên dương, có 23 học sinh trúng tuyển vào các trường đại học đạt từ 26 điểm trở lên và 1 học sinh vừa thi đỗ thủ khoa tốt nghiệp THPT, vừa thi đỗ vào 2 trường đại học; đó là Nguyễn Minh Dũng - học sinh Trường THPT Nguyễn Ngọc Thăng [Giồng Trôm] thi tốt nghiệp THPT đạt 58,5 điểm, thi đỗ vào Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Có 1 học sinh đạt thủ khoa Trường Đại học Y Dược Cần Thơ [Trần Minh Huy, học sinh Trường THPT Chuyên Bến Tre đạt 27,5 điểm] và 1 á khoa Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh [Lê Hồng Phương - học sinh Trường THPT Chuyên Bến Tre, đạt 29 điểm].

Tại buổi lễ tuyên dương, đồng chí Võ Thành Hạo - Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao kết quả học tập của 24 học sinh được tuyên dương nói riêng và học sinh THPT trong toàn tỉnh nói chung. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nói: Đây là lần thứ tư Tỉnh ủy - UBND tỉnh tổ chức tuyên dương cho học sinh xuất sắc ở các kỳ thi quốc gia. Năm đầu tiên [2011] có 15 học sinh được tuyên dương. Đến nay, qua 4 năm, có 101 học sinh được tuyên dương. Chúng tôi thật sự cảm ơn các phụ huynh đã có công chăm sóc, dạy dỗ tốt các học sinh được tuyên dương hôm nay. Bên cạnh đó, còn có công lao to lớn của thầy cô trực tiếp giảng dạy cho 24 học sinh này. Riêng 24 học sinh được tuyên dương, tôi lưu ý các em rằng học giỏi cũng chưa đủ mà phải luôn có đạo đức tốt, có đầy đủ kỹ năng sống, nhân cách hoàn thiện. Trong cuộc sống, không được vô cảm mà phải sống hết mình vì mọi người; xử lý mọi tình huống phải theo hướng tích cực. Chúng tôi luôn kỳ vọng ở các em trong tương lai. Thi đỗ vào đại học cũng chưa đủ mà phải tốt nghiệp đại học từ loại giỏi trở lên.

Cùng ngày, cũng đã diễn ra lễ dâng hương, dâng hoa, học sinh báo công tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của quê hương; dâng hương, xướng danh học sinh xuất sắc, học sinh ghi danh vào Sổ vàng năm học 2013-2014 tại Miếu Tiên Sư; học sinh xuất sắc giao lưu với học sinh Trường THPT Chuyên Bến Tre.

HV-PH

Video liên quan

Chủ Đề