Lừa bằng cách báo làm việc ở tổ chức un

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán tại thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo về việc chuyển tiền cho các cá nhân mà Quý vị chưa từng gặp mặt trực tiếp.

Phòng tránh lừa đảo qua mạng

Bộ phận Dịch vụ Công dân Hoa Kỳ [ACS] của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán tại thành phố Hồ Chí Minh thường nhận được những phản ánh từ nạn nhân của các vụ lừa đảo qua mạng. Các hình thức phổ biến nhất mà chúng tôi thấy gồm có lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn, hoặc qua mạng xã hội từ các cá nhân tự xưng là công dân Hoa Kỳ đang đóng quân tại nước ngoài mạo danh là thành viên Quân đội Hoa Kỳ, nhà thầu quân đội hoặc nhân viên công ty/tổ chức quốc tế có văn phòng tại Việt Nam. Thông thường, những hành vi lừa đảo này nhằm mục đích thuyết phục các nạn nhân chuyển tiền cho chúng bằng cách tạo dựng mối quan hệ bạn bè, tình cảm hoặc hợp tác kinh doanh qua mạng để rồi sau đó lợi dụng mối quan hệ đó để lừa tiền. Chúng tôi đặc biệt khuyến cáo Quý vị KHÔNG chuyển tiền cho bất cứ cá nhân nào mà Quý vị chưa từng gặp mặt trực tiếp.

Các đối tượng lừa đảo ngày càng trở nên tinh vi hơn trong việc thu thập thông tin cá nhân từ mục tiêu và mỗi năm gây thiệt hại hàng trăm triệu đô la cho công dân Hoa Kỳ. Các đối tượng này có thể dành hàng tuần, thậm chí hàng tháng để xâydựng quan hệ trước khi chia sẻ những câu chuyện thương tâm đáng tin để lấy tiền hoặc thông tin cá nhân từ nạn nhân. Một số kẻ lừa đảo có thể sử dụng ảnh của những người thật để xây dựng danh tính ảo trên mạng.

Những hình thức lừa đảo phổ biến

Đối tượng lừa đảo không nhắm đến một nhóm người nhất định nào; bất kỳ ai cũng có thể trở thành mục tiêu lừa đảo. Dưới đây là một số hình thức lừa đảo qua mạng phổ biến.

  • Lừa đảo tình cảm: Đối tượng lừa đảo có thể tạo ra một danh tính hư cấu thông qua các trang mạng xã hội và các trang hẹn hò trực tuyến. Chúng dành một thời gian dài để xây dựng quan hệ trước khi dựng lên một câu chuyện đáng tin để lừa tiền. Ví dụ: Họ nói bị tai nạn nghiêm trọng hoặc tạo các danh tính ảo khác bằng email [như Yahoo, Hotmail, hoặc Gmail] để xin tiền trợ giúptrường hợp khẩn cấp liên quan đến tính mạng của danh tính ảo mà chúng tạo ra. Quý vị nên đề cao cảnh giác với những yêu cầu như vậy, đặc biệt nếu Quý vị chưa gặp trực tiếp người đó bao giờ.
  • Lừa đảo tài chính: Quý vị có thể nhận được thư điện tử từ một web giả danh yêu cầu xác minh tài khoản ngân hàng hoặc cung cấp thông tin cá nhân giúp đối tượng lừa đảo có thể truy cập vào tài khoản ngân hàng của Quý vị. Đối tượng lừa đảo sử dụng chiêu thức này để lấy thông tin cá nhân nhằm thực hiện các giao dịch trái phép trên danh nghĩa của nạn nhân.
  • Ăn cắp danh tính: Tuy không phải là một hình thức lừa đảo phổ biến, nhưng với mục đích xây dựng một danh tính đáng tin cậy, đối tượng lừa đảo có thể lấy cắp thông tin cá nhân từ những người thật.. Những hành vi khai thác thông tin cá nhân bất hợp pháp nói trên có thể dẫn đến các vụ lừa đảo tài chính, bao gồm việc mở tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng dưới danh tính bị đánh cắp. 

Hãy cảnh giác

Dưới đây là một số “cảnh báo” giúp Quý vị cân nhắc khi tương tác với người lạ qua mạng. Nếu Quý vị gặp phải bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây,  cần xem xét khả năng Quý vị đã bị hoặc sẽ trở thành mục tiêu của một hành vi lừa đảo.

  • Quý vị chưa bao giờ gặp mặt trực tiếp người bạn/bạn trai/bạn gái/ vợ, chồng, chưa cưới/đối tác kinh doanh này; tất cả mọi liên lạc đều diễn ra qua mạng internet.
  • Người này gửi cho Quý vị bản sao hộ chiếu Hoa Kỳ của họ làm “bằng chứng” họ là công dân Hoa Kỳ, nhưng hộ chiếu đó có lỗi chính tả, phông chữ không nhất quán và ảnh đã “qua chỉnh sửa”, không đáp ứng được Những tiêu chuẩn về ảnh hộ chiếu của Hoa Kỳ.
  • Người này tự xưng là quân nhân Hoa Kỳ muốn sang thăm Quý vị trong kỳ nghỉ phép nhưng cần Quý vị chuyển tiền hoặc gửi số thẻ tín dụng để họ mua vé máy bay. Với cùng một hình thức lừa đảo này, họ có thể hỏi xin tiền để chi trả chi phí y tế khẩn cấp. Lưu ý, Quân đội Hoa Kỳ có riêng hệ thống y tế cho phép các quân nhân được hưởng đãi ngộ y tế trong thời gian nghỉ phép hoặc bị thương khi làm nhiệm vụ.
  • Quý vị đã chuyển tiền cho người này để nộp phí xin thị thực hoặc mua vé máy bay, nhưng họ vẫn viện cớ chưa thể đi được vì những lý do như họ đang bị cơ quan quân sự hoặc hải quan cửa khẩu tạm giữ.
  • Người này nói rằng họ đang bị cảnh sát địa phương hoặc hải quan cửa khẩu tạm giữ và cần Quý vị hỗ trợ về mặt tài chính để trả phí nhập cảnh.
  • Người này dường như liên tiếp gặp phải những sự cố đáng lo ngại và khẳng định chỉ Quý vị mới có thể giúp đỡ được họ về mặt tài chính. Anh ta/cô ta nói rằng mình gặp tai nạn xe hơi, bị trấn lột, bị bắt giữ, bị hành hung, nhập viện, v.v. và lần nào cũng hỏi xin tiền Quý vị mặc dù trước đó Quý vị chưa từng gặp mặt người này.
  • Người này viện ra nhiều lý do tại sao họ không thể liên lạc trực tiếp với bệnh viện hoặc cảnh sát địa phương, hoặc thậm chí liên hệ với Đại sứ quán Hoa Kỳ để được giúp đỡ, nhưng bằng cách nào đó họ lại có thể liên lạc được với Quý vị.
  • Một người có thể dùng nhiều danh tính khác nhau để liên hệ và hỏi xin tiền Quý vị, viện cớ rằng họ không thể liên lạc được với bất kỳ ai khác. Đối tượng lừa đảo thường tạo ra nhiều danh tính hư cấu để lấy lòng tin của nạn nhân.
  • Người này tạo cảm giác cấp bách khi hỏi xin tiền, rằng nếu Quý vị không nhanh chóng chuyển tiền thì điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra với họ.

Hãy tự bảo vệ mình

  1. ĐỪNG chuyển tiền. Quý vị có thể sẽ không bao giờ nhận lại được số tiền mà mình đã chuyển đi.
  2. Bảo mật thông tin cá nhân. Không nên tiết lộ thông tin cá nhân qua mạng hoặc qua điện thoại. Đối tượng lừa đảo có thể sử dụng những thủ đoạn khác nhau để lấy cắp mật khẩu, số tài khoản và thông tin nhận dạng của Quý vị. Không cung cấp quyền truy cập những thông tin này cho bất kỳ ai. Kiểm tra địa chỉ e-mail và các đường dẫn cẩn thận trước khi cung cấp thông tin.
  3. Đặt câu hỏi cho mọi vấn đề. Tự hỏi bản thân liệu các thông tin được yêu cầu cung cấp có hợp lý không. Ví dụ, nếu ai đó liên hệ với Quý vị nói rằng họ cần giúp đỡ ngay lập tức vì đang gặp nguy hiểm hoặc trong tình huống khẩn cấp, tại sao họ không trực tiếp liên hệ với cảnh sát, gia đình hoặc với Đại sứ quán của họ?
  4. Cắt đứt liên lạc. Nếu Quý vị tin rằng mình đang là mục tiêu của kẻ lừa đảo, đừng cố gắng giải quyết vấn đề hoặc tự mình lấy lại số tiền đã mất. Quý vị nên cắt đứt mọi liên lạc với cá nhân hoặc tổ chức này ngay lập tức. Dù rất khó để tin rằng Quý vị lại bị lừa bởi người mà mình tin tưởng, nhưng nếu vẫn giữ liên lạc, Quý vị sẽ chỉ khuyến khích đối tượng tiếp tục hành vi lừa đảo. Đối tượng lừa đảo thường tạo ra cho mình danh tính ảo hoặc mạo danh một tổ chức nào đó để lấy lòng tin của Quý vị.
  5. Báo cáo hành vi lừa đảo ngay lập tức. Hãy liên lạc ngay với cảnh sát địa phương, đặc biệt nếu Quý vị cảm thấy bị đe doạ. Nếu đối tượng lừa đảo thông qua một trang web hoặc mạng xã hội, hãy thông báo cho quản trị viên của trang web hoặc mạng xã hội đó. Quý vị cũng có thể nộp đơn khiếu nại cho Trung tâm Khiếu nại Tội phạm Mạng thuộc Cục điều tra Liên bang FBI [IC3] và Uỷ ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ.

Nguồn tin tham khảo:

Truy cập Website Cảnh báo Lừa đảo Tài chính Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để biết thêm thông tin chi tiết. Uỷ ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ là nguồn tham khảo hữu ích nếu Quý vị có bất kỳ lo ngại nào về hành vi trộm cắp danh tính.

Bài của vnmission | 14 Tháng Bảy, 2020 | Tìm kiếm: Alert, Phòng Lãnh sự

“Người của Liên hiệp quốc”

Tháng 1.2017, bà T.X.Đ [60 tuổi, quê An Giang, tạm trú TP.HCM] quen biết một người có tên là Kishor Shiven trên mạng xã hội Facebook. Qua trò chuyện nhiều lần, Shiven giới thiệu mình là công dân Mỹ, đang làm việc tại Ấn Độ cho tổ chức Liên Hiệp Quốc [LHQ] được 15 năm. Dù tài khoản của Shiven không có ảnh đại diện, nhưng bà Đ. vẫn kết bạn và trò chuyện qua lại hằng ngày.

Một thời gian sau, khi tình thân đã khắng khít, Shiven đề nghị bà Đ. tải What app để nói chuyện cho thoải mái. Không biết tiếng Anh, bà Đ. trò chuyện với Shiven nhờ sự hỗ trợ của... Google.

Tháng 2.2017, Shiven tâm sự mình sắp giải ngũ, tính theo thời gian công tác là 15 năm thì sẽ được LHQ trả số tiền 3 triệu USD với điều kiện vợ ông phải làm đơn xin cho chồng được nghỉ việc để về với gia đình. Khổ nỗi ông ta chưa có vợ nên không biết phải làm thế nào.

Sau đó, Shiven ngỏ ý nhờ bà Đ. giả là vợ, làm đơn gửi LHQ. Nếu Shiven được nghỉ việc và trả tiền, ông ta sẽ về VN sinh sống. Số tiền 3 triệu USD sẽ chia đều cho bà Đ. và bà này đồng ý. Shiven gửi cho bà Đ. lá đơn viết sẵn rồi hướng dẫn bà gửi đơn đến “email của LHQ”.

Vài ngày sau khi gửi đơn, bà Đ. nhận được email phản hồi, thông báo yêu cầu xin cho ông Shiven nghỉ việc đã được giải quyết. Ngay sau đó, có người đàn ông xưng là Robets Lee, Giám đốc tài chính Ngân hàng Uted Security Bank, gửi email cho bà Đ. một mẫu đơn ngân hàng, yêu cầu bà cung cấp thông tin cá nhân, sau đó gửi thông tin này qua email cho ngân hàng làm thủ tục giải ngân 3 triệu USD.

Kịch bản hoàn hảo

Bà Đ. nhanh chóng làm theo yêu cầu của ông “giám đốc tài chính” và được cung cấp một đường dẫn, số tài khoản cùng mật khẩu để đăng nhập. Vừa đăng nhập, bà Đ. không tin vào mắt mình khi thấy thông báo trong tài khoản có 3 triệu USD vừa được giải ngân. Bà liền báo cho Shiven biết để yên tâm và chờ ngày rút tiền, cùng nhau chung hưởng ở VN như đã thỏa thuận.

Cảnh báo tình trạng người nước ngoài dùng facebook lừa phụ nữ Việt

Thế nhưng, để tiền từ tài khoản “chảy” vào túi mình quả không đơn giản. Giám đốc Lee thông báo nếu bà Đ. muốn nhận sớm 3 triệu USD thì phải đóng thuế phí. Theo hướng dẫn của vị giám đốc này, bà Đ. cùng 2 người cháu họ là T.Q.S và P.T.H đã 6 lần chuyển tổng cộng hơn 722 triệu đồng vào 6 tài khoản ngân hàng cá nhân ở VN do “giám đốc tài chính” cung cấp. Làm việc với cơ quan điều tra, bà Đ. nói 2 người cháu chỉ giúp bà đi gửi tiền cho Lee mà không biết vụ việc.

Tiền chuyển đi đã gần cả tỉ bạc, nhưng bà Đ. chờ mãi không thấy USD về. Trong lúc đang sốt ruột, bà nhận được thông báo của “giám đốc Lee” cho biết tiền không thể chuyển thẳng về VN, nên ngân hàng đã chuyển qua một công ty ở Malaysia và sẽ có cô Phan Dung trao đổi cụ thể cách thức nhận tiền. Sau đó, Phan Dung nhiều lần sử dụng email và số điện thoại +601136383609 gọi cho bà Đ., hướng dẫn phải đóng thuế, phí để Dung sớm mua vé máy bay trực tiếp mang tiền mặt về trao. Với niềm tin mãnh liệt sẽ có tiền triệu USD, bà Đ. tiếp tục chuyển thuế, phí thêm 3 lần với gần 550 triệu đồng vào 2 số tài khoản ở VN.

Sau khi chuyển tiền cho Dung mà vẫn không nhận được tiền, bà Đ. hỏi thì Dung khất lần lữa và lại yêu cầu chuyển... thuế, phí. Nghe bà Đ. trả lời không còn tiền để đóng, Dung gợi ý nên liên lạc với Shiven tìm hiểu lý do và nhờ LHQ giúp đỡ. Mấy hôm sau, Lee gửi email cho bà Đ. với nội dung Shiven đã yêu cầu LHQ giúp đỡ để bà nhận được số tiền 3 triệu USD. Sau đó, Lee gửi email cho bà Đ. thông báo LHQ đã chỉ định Lee là người trực tiếp chuyển số tiền 3 triệu USD về VN cho bà, đồng thời yêu cầu bà tiếp tục... đóng thuế. Đã chuyển cho Lee và Dung nhiều lần số tiền lớn, bà Đ. tiếp tục làm theo yêu cầu của Lee với hy vọng lần này nhận được khoản tiền kếch xù. Thêm gần 1,5 tỉ đồng được chuyển cho Lee qua 6 lần, đến 6 tài khoản khác nhau ở VN.

Tuy nhiên, đến hẹn Lee lại tiếp tục đòi tiền thuế 16.300 USD. Không xoay đâu ra tiền, trong khi những khoản vay lần trước chuyển cho Lee, Dung còn chồng chất, bà Đ. đành nói sự thật với người thân. Vỡ lẽ ra mình bị lừa, bà tới trình báo cơ quan chức năng, đề nghị điều tra, giúp lấy lại tiền và đưa các đối tượng ra ánh sáng.

Theo trình bày của bà Đ., trong suốt thời gian quen qua mạng, bà có đề nghị Shiven gọi video để biết mặt nhau, nhưng người này luôn tìm lý do từ chối, nên đến giờ vẫn không biết mặt mũi “bạn trai” ra sao. Tổng cộng, bà đã chuyển cho các đối tượng lừa đảo gần 2,8 tỉ đồng.

Đại tá Phan Mạnh Trường, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao [C50] Bộ Công an, nhấn mạnh tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội đang là vấn đề nhức nhối mà người dân, đặc biệt là phụ nữ, cần hết sức đề cao cảnh giác. Các đối tượng đánh vào lòng tham và nghĩ ra nhiều cách thức lừa đảo khác nhau. “Thủ đoạn này đã cũ và nhiều nạn nhân là phụ nữ VN đã mất tiền tỉ với hy vọng nhận được quà tặng hay tiền của người dưng chỉ mới quen qua Facebook”, đại tá Trường nói .

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề