Mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam đến năm 2022

Biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ở quy mô toàn cầu, là một trong những mối quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt nhất là đối với sự phát triển kinh tế xã hội và tài nguyên môi trường. Theo đánh giá của Ủy Ban quốc tế về biến đổi khí hậu (IPCC), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), Việt Nam được cảnh báo là một trong những nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nhận thức rõ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto. Việt Nam đã chính thức có đầy đủ quyền hạn, nghĩa vụ trong quá trình thi hành cam kết về thích ứng và giảm nhẹ với biến đổi khí hậu.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 lượng phát thải khí nhà kính giảm 18,71%

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, biến đổi khí hậu có tác động đến khí hậu Hà Nội (thay đổi nhiệt độ và lượng mưa); tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước (dòng chảy tại Sơn Tây, dòng chảy tại Thượng Cát, dòng chảy tại Hà Nội); đa dạng sinh học, các hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng, lĩnh vực nông nghiệp, ngành công thương, giao thông vận tải, xây dựng, y tế.

Nhận thức rõ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có tính lâu dài, UBND Thành phố Hà Nội đã xây dựng bản cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hà Nội; triển khai một số chương trình, dự án nghiên cứu tình hình diễn biến và tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên, môi trường, sự phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất và bước đầu thực hiện các giải pháp ứng phó.

UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành các Kế hoạch số: 228/KH-UBND ngày 02/11/2017 thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố Hà Nội, 149/KH-UBND ngày 22/7/2020 về hành động tăng trưởng xanh của Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, UBND Thành phố chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Thích ứng với biến đổi khí hậu; Chuẩn bị nguồn lực, Thiết lập hệ thống công khai minh bạch, Xây dựng và hoàn thiện chính sách.

Cụ thể, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025: lượng phát thải khí nhà kính giảm 12,14% so với mức phát thải năm 2025 khi không có các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (khoảng 6,68 triệu tấn CO2); Đến năm 2030: lượng phát thải khí nhà kính giảm 18,71% so với mức phát thải năm 2030 khi không có các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (khoảng 13,76 triệu tấn CO2).

Tăng cường xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường

Thành phố Hà Nội đang tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư và tăng cường xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể, Hội nghị Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển đã trở thành sự kiện thường niên của Thành phố kể từ năm 2016. Một số dự án xử lý chất thải được đầu tư theo hình thức xã hội hóa: Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Dự án Nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh,..

Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà

Hàng năm, Sở Tài chính luôn chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành liên quan tổng hợp, đánh giá hiệu quả chi sự nghiệp bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố; cân đối, tham mưu, báo cáo UBND Thành phố, trình HĐND Thành phố bố trí ngân sách chi sự nghiệp đảm bảo thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Hà Nội xác định nghiên cứu khoa học, ứng dụng công đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên. UBND Thành phố đã phê duyệt 18 nhiệm vụ khoa học công nghệ (16 đề tài và 2 dự án sản xuất thử nghiệm) thuộc chương trình khoa học công nghệ cấp thành phố tài nguyên và môi trường với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học là 34,7 tỷ đồng. Ngoài ra, một số đề tài, dự án có liên quan đến môi trường - tài nguyên được triển khai trong các chương trình khác...

Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức thẩm định công nghệ (thông qua hình thức Hội đồng tư vấn KH&CN) 95 dự án đầu tư, đề xuất dự án đầu tư. Đồng thời, cho ý kiến về công nghệ đối với hàng chục đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư trong lĩnh vực cấp nước, xử lý nước thải (sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện); xử lý, tái chế chất thải rắn và một số lĩnh vực khác.

Công tác thẩm định đáp ứng các yêu cầu và được Thành phố đánh giá cao. Đã góp phần ngăn ngừa các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Thu hút một lực lượng đông đảo các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia trên địa bàn tham gia vào hoạt động thẩm định công nghệ.

Mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam đến năm 2022

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự kiến Đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam được gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu vào tháng 9/2015, trước khi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua. Tại thời điểm này, INDC của Việt Nam cũng như của các quốc gia khác là các dự kiến đóng góp cho nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Sau khi Thỏa thuận Paris có hiệu lực, dự kiến Đóng góp do quốc gia tự quyết định đã trở thành Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và sẽ được rà soát, cập nhật 5 năm một lần.

Thực hiện quy định quốc tế và nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện rà soát, cập nhật NDC trên cơ sở điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngày 24/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua nội dung NDC cập nhật của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại văn bản số 1982/VPCP-QHQT. NDC cập nhật đã xác định những đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu do Việt Nam cam kết, phù hợp hơn với hiện trạng, dự báo phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đến 2030; bảo đảm phù hợp với các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Chiến lược phòng chống thiên tai, cụ thể như sau:

Đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris. Các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021 - 2030 được xác định cho các lĩnh vực như sau:

Lĩnh vực năng lượng: Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất và sử dụng năng lượng trong các phân ngành công nghiệp năng lượng; sản xuất công nghiệp và xây dựng; giao thông vận tải; gia dụng, nông nghiệp và dịch vụ thương mại.

Lĩnh vực nông nghiệp: Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua ứng dụng các giải pháp quản lý, công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi; cải thiện khẩu phần ăn cho vật nuôi; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng; thay đổi phương thức sử dụng đất; công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, chất thải trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi; phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp: Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính trong quản lý đất rừng, đất trồng trọt, đất đồng cỏ, đất ngập nước và các loại đất khác và phát triển các mô hình nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng các-bon, bảo tồn đất.

Lĩnh vực quản lý chất thải: Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua quản lý, phát triển và áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn đặc thù nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính.

Lĩnh vực các quá trình công nghiệp: Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hoá chất và quản lý việc tiêu thụ các chất HFCs.

Đóng góp về thích ứng với biến đổi khí hậu

NDC cập nhật đã xác định các nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm: Nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường quản lý nhà nước và nguồn lực; tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu. Các giải pháp thích ứng nhằm giảm thiểu thiệt hại do các tác động liên quan đến những thay đổi của khí hậu trong tương lai được xác định cụ thể cho từng lĩnh vực và cho từng khu vực.

NDC cập nhật đã bổ sung nội dung về “Hài hòa và đồng lợi ích”, phân tích tính hài hòa và đồng lợi ích giữa giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội gắn với các mục tiêu phát triển bền vững, nhằm hỗ trợ xác định các hành động nhằm tối ưu hoá chi phí và lợi ích đối với việc thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu tại các ngành và địa phương.

Triển khai và giám sát thực hiện NDC cập nhật

Việc thực hiện NDC cập nhật của Việt Nam là trách nhiệm của nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Cơ quan đầu mối giúp Chính phủ là Bộ Tài nguyên và Môi trường; các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện NDC cập nhật theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các hoạt động cụ thể như sau:  

1- Tổ chức triển khai thực hiện NDC cập nhật theo chức năng, nhiệm vụ được giao; hướng dẫn việc lựa chọn, áp dụng biện pháp công nghệ, quản lý để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy mô, ngành nghề sản xuất tại địa phương và phạm vi quản lý nhằm góp phần đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật. Đối với các Bộ, ngành, lĩnh vực có liên quan có thể xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện NDC cập nhật theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý.

2- Thực hiện lồng ghép các nội dung NDC cập nhật vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương giai đoạn 2021 - 2030; tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung NDC cập nhật.

3- Tổ chức giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện NDC cập nhật, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Cục Biến đổi khí hậu) trước ngày 15/1 hằng năm để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ: Các nỗ lực giảm nhẹ được đánh giá theo kết quả thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tiềm năng; các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu được đánh giá theo quá trình triển khai và kết quả thực hiện thông qua các nhóm chỉ số về khả năng chống chịu của môi trường tự nhiên; đánh giá tính dễ bị tổn thương, giảm nhẹ rủi ro do biến đổi khí hậu; đánh giá hiệu quả các hoạt động thích ứng.

MT