Phong cách lãnh đạo của David Thái

Thành công và nổi tiếng bậc nhất về sản phẩm cà phê như hiện nay, nhưng đối với ông David Thái, Chủ tịch Tập đoàn Việt Thái và là người sáng lập ra thương hiệu cà phê Highlands nổi tiếng, thì mục đích của kinh doanh không nằm ở lợi nhuận, mà đó chính là sự đam mê.

Phong cách lãnh đạo của David Thái

Đối với ông, đam mê là đem lại cho khách hàng một sản phẩm Việt ưu việt, một thương hiệu Việt hàng đầu.

David Thái sinh năm 1972 tại Việt Nam, năm 1979 cả gia đình đã chuyển tới bang Seatle, Mỹ định cư. Lớn lên, David Thái học quản trị kinh doanh tại đại học danh tiếng Washington, tuy vậy chàng trai Việt không thấy hài lòng với nền giáo dục mà anh đang có vì theo anh, đó không phải là những kiến thức mà anh mong đợi.

Học văn hoá Việt, khởi nghiệp cà phê

“Tôi sống giữa những sinh viên giàu có dù gia đình tôi nghèo và bố mẹ phải rất cố gắng để tôi có thể theo học ở trường. Hàng ngày khi bè bạn đi xe tới trường thì tôi phải đi bộ. Trong khi tôi cố gắng tiết kiệm từng mẩu giấy, bạn bè tôi dùng một cách phí phạm. Tôi cảm giác mình lạc lõng và tách biệt trong môi trường đó dù tôi vẫn cho rằng mình là người Mỹ thực sự. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng chỉ có giáo dục, lối sống và giọng nói của tôi là Mỹ, còn tôi vẫn là một người Á Đông chính gốc”, David Thái nhớ lại. 

David quyết định học thêm về triết học với mục đích trả lời câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại”. Anh bắt đầu nghĩ về Việt Nam và thấy không thoả mãn với hai tiếng mỗi ngày tiếp cận với nền văn hóa Việt ở nhà. Những gì ba mẹ giải thích về Việt Nam không làm anh thấy hài lòng và anh quyết định, chỉ có về Việt Nam, sống trong văn hoá Việt với con người Việt, anh mới có thể tìm lại con người mình.

Năm 1996, David Thái về Việt Nam theo chương trình học bổng học tiếng Việt với vỏn vẹn gần 1.000 Đô la trong túi. “Tôi bắt đầu học văn học Việt, đọc truyện Kiều. Dù không hiểu hết ý nghĩa của nó nhưng tôi cảm nhận hạnh phúc và khổ đau, hiểu về văn hoá người Việt. Với suy nghĩ đơn thuần về Việt Nam chỉ là để tìm lại con người mình, nhưng tôi nhận ra mình cần phải sống, không chỉ với số tiền ít ỏi kia và rồi tôi may mắn có một công việc phiên dịch và chiếm được sự tin tưởng, cảm tình của một nhà đầu tư, ông ấy quyết định giúp tôi bắt đầu sự nghiệp”.

David mở quán cà phê mang tên Âu Lạc gần hồ Hoàn Kiếm. Cửa hàng nhanh chóng thành công nhưng rồi anh bị “hất cẳng”. Nhà đầu tư trước kia quyết định không tài trợ tiếp cho anh dù David thuyết phục anh sẽ làm lại từ đầu và làm rất tốt. 

Với số tiền ít ỏi tiết kiệm được từ Âu Lạc, anh bắt đầu lại từ đầu với niềm tin rằng thị trường còn rất nhiều tiềm năng trong khi các công ty cà phê Việt chủ yếu chú ý tới xuất khẩu mà thiếu đầu tư vào thị trường trong nước. David cho rằng, với khoảng thời gian tuy không dài ở Việt Nam, anh đã gắn bó với con người và mảnh đất nơi đây, có lợi thế so với người nước ngoài khi làm kinh doanh tại đây vì anh đã có cái hiểu nhất định về văn hoá Việt.

Đó chính là lý do David quyết định làm lại từ đầu. Năm 1997, David bắt đầu tìm hiểu luật khuyến khích đầu tư nước ngoài. Tới 1998, anh là Việt kiều đầu tiên được cấp phép thành lập công ty tư nhân tại Hà Nội. Tới năm 2000, David là doanh nhân đầu tiên đăng ký thành lập công ty cổ phần.

Tập đoàn Việt Thái ngày nay được thành lập năm 2002. Ban đầu, chỉ có hai cửa hàng Highlands Coffe ở Hà Nội và Tp.HCM. Sau 7 năm, hiện nay số lượng cửa hàng Highland Coffee đã vượt quá con số 80 trên sáu tỉnh thành bao gồm Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu và Đồng Nai. Trong năm 2008, Tập đoàn Việt Thái có hơn 5 triệu lượt khách và phục vụ hơn 2 triệu bữa ăn, hơn 4 triệu cốc cà phê cho khách hàng.

Ngày nay, hoạt động kinh doanh của tập đoàn được chia ra hai mảng chính. Thực phẩm, đồ uống (F&B) và hoạt động liên quan tới phong cách khách hàng (Consumer Lifestyle). Bên cạnh thương hiệu Highlands, nhóm hoạt động F&B của Việt Thái còn có hai nhãn hiệu nhà hàng là Meet & Eat và Nineteen 11.

Meet & East bao gồm căng tin và góc ẩm thực với mục đích tập trung vào giá trị của đồng tiền trong một môi trường sạch sẽ vệ sinh và hiện đại được đặt tại E-Town 2 (Tp.HCM) với diện tích 800 m2. Còn Nineteen 11 là một nhà hàng sang trọng nằm trong nhà hát lớn Hà Nội. Nhà hàng là một minh chứng cho khả năng phát triển và quản lý của Việt Thái, đồng thời cũng cho thấy sứ mệnh của công ty trong việc đem lại những gì tốt đẹp nhất của thế giới tới Việt Nam và những gì tốt đẹp nhất của Việt Nam ra thế giới.

Về hoạt động Consumer Lifestyle, Việt Thái tham gia phân phối sản phẩm Nike, một trong những sản phẩm hàng đầu về quần áo, giày dép trên thế giới. Tập đoàn mở cửa hàng Nike đầu tiên năm 2006 và hiện có 6 cửa hàng tại Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẵng. 

David cho biết sự hiện diện của Nike tại thị trường Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu và đây là đối tác chiến lược mà Việt Thái lựa chọn, và muốn đóng một phần quan trọng trong việc phát triển thương hiệu này tại thị trường Việt trong tương lai sắp tới. 

Bên cạnh Nike, Việt Thái cũng không giấu tham vọng sẽ tiếp tục hợp tác với các thương hiệu hàng đầu khác trên thế giới. Hiện tập đoàn đã có những đàm phán ban đầu với những thương hiệu hàng đầu thế giới và gần đây ký thoả thuận với nhãn hiệu ALDO, nhãn hiệu thời trang lớn nhất Canada về giày dép.

Năm 2006, Việt Thái hợp tác với tập đoàn Grey Global Group, một công ty dịch vụ hàng đầu được bình chọn là một trong 1.000 nhẵn hiệu hàng đầu do tạp chí Fortune chọn, với tỷ lệ nắm giữ 49%. Ngày nay, liên doanh này đã trở thành một trong những công ty quảng cáo có mức độ tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam với số lượng nhân viên trên 70 người và những khách hàng lớn như BAT, Sara Lee, Arla Foods, Bayer, P&G và Glaxo Smith & Kline.

“Chúng tôi có một đội ngũ quản lý sáng tạo và hi vọng sẽ trở thành công ty quảng cáo hàng đầu trong một vài năm tới”, David Thái không giấu diếm tham vọng.

Tham vọng vươn xa

Với thương hiệu Highlands, Việt Thái cũng đang tập trung mở rộng hệ thống phân phối và bán lẻ của mình trong thị trường nội địa. Hiện nay, thương hiệu này cũng nhận được hàng nghìn đề nghị từ các công ty nước ngoài về sản phẩm đóng gói và chuyển nhượng thương mại nhưng hiện nay mới chỉ dừng lại ở sản phẩm đóng gói. Hiện công ty đang xây dựng chiến lược và tổ chức để mở rộng số lượng cửa hàng Highlands ra thị trường quốc tế.

“Chúng tôi đã chính thức thiết lập đại lý bán buôn cả trong nước và trên thị trường quốc tế, đồng thời xây dựng một đội ngũ nhân viên mạnh dưới sự quản lý của David France, trước đây từng làm tổng giám đốc của sản phẩm nước đóng chai Coca Cola tại Việt Nam. Đại lý ở thị trường quốc tế của chúng tôi đã có hoạt động phân phối tại vài quốc gia trên thế giới và hiện đang xuất khẩu dòng sản phẩm của chúng tôi sang Mỹ, Úc và Nhật Bản. Mở rộng ra thị trường quốc tế là một bước đi chiến lược của chúng tôi và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược này trong năm 2009 và trong các năm sắp tới”, David chia sẻ thêm.

Tập đoàn này cũng tham vọng sẽ có 150 đại lý trong toàn quốc trong vòng ba năm tới và mở rộng sản phẩm đóng gói lên hơn 50.000 điểm bán hàng trong cùng thời điểm đó.

“Là một công ty Việt, chúng tôi cam kết vì sự phát triển của một Việt Nam, vì một nền kinh tế thị trường bằng cách cung cấp thương hiệu đẳng cấp cho tầng lớp trung lưu của Việt Nam. Cụ thể, chúng tôi hướng tới đóng  một vai trò quan trọng trong việc cải tiến chất lượng cuộc sống của khách hàng thông qua thương hiệu của chúng tôi. Chúng tôi không có ý định dừng lại và sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh hiện tại và tiếp tục phát triển cả thương hiệu của chúng tôi và tiếp tục tìm kiếm những thương hiệu làm thỏa mãn khách hàng mục tiêu mà chúng tôi hướng tới”, David cho biết.

Đầu năm 2009, David vinh hạnh được vinh danh là một trong hai người Việt Nam nhận giải thưởng Lãnh đạo Toàn cầu Trẻ - Young Global Leaderdo Diễn đàn Kinh tế Thế giới bình chọn. Đây là một diễn đàn cho các lãnh đạo trên toàn thế giới hợp tác trong một cộng đồng đa dạng gồm các chính phủ, doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo xã hội.

David Thái bày tỏ: “Câu chuyện của tôi cũng giống như mọi câu chuyện về các doanh nhân khác, với một khởi đầu không hề dễ dàng. Tôi trở về Việt Nam với khoản tiền nhỏ và ngày nay Việt Thái đã có một vị trí nhất định trên thị trường với hơn 80 cửa hàng trong nhóm F&B. Chúng tôi có một đội ngũ quản lý mạnh, có cam kết với sự phát triển và sẽ tiếp tục sự phát triển đó trong tương lai”.

Ngay từ cái bắt tay đầu tiên tôi đã có cảm tình với anh bởi phong cách giản dị, dễ gần. Anh nói tiếng Việt chưa được nhuần nhuyễn nhưng sự lịch lãm và cách nói khúc triết của anh khiến người nghe dễ dàng thông hiểu và nhanh chóng bị cuốn vào câu chuyện. Một câu chuyện đầy hoài bão của một doanh nhân trẻ về giấc mơ cà phê Việt Nam mang tầm quốc tế.

Phong cách lãnh đạo của David Thái

Anh trở nên nổi tiếng ngay từ những cửa hàng Highlands Coffee đầu tiên. Vậy nhưng anh lại rất “kín tiếng”. Vì sao vậy?

Sự thành công của Công ty chúng tôi dựa vào những cống hiến và nỗ lực của một tập thể và trong đó tôi là một người lãnh đạo của Công ty với vai trò định hướng và đưa ra tầm nhìn chiến lược. Với vai trò này, tôi không muốn làm mờ đi sự đóng góp của một tập thể.

Tôi rất vui khi anh nhận lời và dành thời gian cho buổi phỏng vấn. Vì lời mời của Phong Cách Doanh Nhân, hay vì đã đến thời điểm anh cần “lên tiếng”.

(Cười). Vì cả hai điều. Vào thời điểm này, chúng tôi đã có một vị trí trên lĩnh vực của mình vì vậy chúng tôi muốn đưa ra những thông điệp của mình để thể được những cam kết cùng với những hoài bão của tôi và của cả tập thể Công ty chúng tôi. Chúng tôi tin rằng, câu chuyện này sẽ truyền tải được sự đam mê đến với khách hàng của mình

Anh trở về Việt Nam khi đang là một sinh viên giỏi, có nhiều cơ hội trên đất Mỹ, điều này có gì đặc biệt không?

Thực sự tôi luôn muốn trở về Việt Nam là để tìm lại cội nguồn của mình. Và khi có điều kiện là tôi trở về thôi.

Đó là khi nào?

Đó là khi tôi giành được học bổng. (Cười).

Được biết anh học triết và đã giành được học bổng từ môn này, sao anh không tiếp tục với nó mà lại chọn Đại học bách khoa Hà Nội?

Tôi luôn muốn khám phá, luôn khao khát và mơ ước làm được những điều khác biệt vì vậy tôi chọn Đại học bách khoa Hà Nội vì ở đây có những môn học về ngôn ngữ, văn học, lịch sử …gắn liền với văn hoá và triết lý của người Việt Nam. Đó là điều tôi thiếu và cần để bổ sung cho kiến thức triết học của tôi lúc đó.

Được biết, anh đã phải loay hoay vừa học vừa làm để mưu sinh. Gia đình anh ở Mỹ, chắc chắn là đủ điều kiện để lo cho anh mà?

Theo tôi, là thanh niên thì không nên trông cậy vào gia đình nhiều quá. Gia đình tôi cũng chẳng giàu có gì đâu. Ngày tôi còn học phổ thông, gia đình tôi không đủ tiêu kiện cho tôi vào học ở một trường được coi là khá tốt ở trong vùng tôi ở lúc đó, vì trường này chỉ nhận con nhà giàu. Nhờ một người khá giả quen với gia đình mà cuối cùng tôi cũng được vào học ở đây. Mọi thứ cuối cùng cũng ổn, tôi vẫn học tốt, vẫn có những người bạn thân chẳng cần hỏi tôi từ đâu đến.

Anh đã làm những công việc gì?

Khi còn là sinh viên tại Đại học bách khoa Hà nội, Tôi làm tình nguyện viên hỗ trợ các tổng giám đốc (CEO) của tạp chí Time trong chương trình “Time News Tour” năm 1995. Năm đó, Time cần người hỗ trợ các CEO để phiên dịch và giúp các viêc lặt vặt. Lúc đó tôi có ngân sách để sống là 6 USD/ngày và việc này cũng giúp tôi có thêm tiền để sinh hoạt.

Anh nghĩ đến Highlands Coffee khi nào?

Ngay từ những năm đó, tôi đã nghĩ đến một quy mô cho cà phê Việt Nam. Nhưng khi đó người nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục. Nhưng chính thời gian phải chờ đợi này đã giúp tôi có dịp tìm hiểu nhiều hơn về cà phê, tôi nhận ra rằng, người chế biến cà phê ở Việt Nam thường trộn cà phê xẻ và cà phê vối vào nhau không theo một tỷ lệ thích hợp nên không thể nào cho ra một chất lượng cà phê hoàn hảo được. Phương pháp ran trộn và sao tẩm cà phê này đã làm mất đi rất nhiều ưu điểm đặc trưng của cà phê. Tôi đã nhiều lần đến tận nông trường, trò chuyện với những nông dân, tôi hiểu ra rằng nếu chú ý đến khâu trồng cà phê hơn thì sẽ có nhiều loại cà phê tốt hơn rất nhiều. Từ đây, tôi đã xác định cho mình một hướng đi mới, tôi tìm đến với sự tinh khiết của cà phê. Tôi đã nghiên cứu và tìm tới những phương pháp rang xay cà phê mới mang tính đột phá vào thời điểm lúc bấy giờ mang đi giao cho các quán cà phê. Chính thời gian này đã giúp tôi học hỏi được rất nhiều điều.

Khi chuẩn bị đầu tư, anh nghĩ nhiều đến các khách hàng nào?

Hồi còn ở quán cà phê đầu tiên tôi đã quan sát thấy một điều, ca sáng thường ít khách nhưng ca tối lại rất nhiều. Một điều đặc biệt nữa là, buổi sáng thường chỉ thấy một ông Tây ngồi một bàn nhâm nhi cà phê nhưng buổi tối thì một bàn có đến bốn năm người, có khi sáu bảy người. Người Việt Nam mình có thói quen đi cà phê là rủ nhau, đến quán cà phê nhiều khi chỉ là cái cớ, họ đến quán cà phê để gặp gỡ hàn huyên là chính. Và như thế thì chủ đầu tư rất có lợi, tiết kiệm được diện tích, một nhân viên có thể phục vụ được nhiều khách. Điều này quả là tuyệt vời. Và như thế thì không có lý do gì mà mình không tạo cho khách hàng một điểm để gặp gỡ, trò chuyện tốt nhất, lý tưởng nhất.

Highland rất phổ biến ở Việt Nam và nhanh chóng giành được uy tín trong người tiêu dùng và doanh nghiệp, làm thế nào anh đạt được thành công như vậy?

Highland coffee đã đầu tư đúng hướng và đã đem đến cho khách hàng một không gian cho khách hang để gặp gỡ hoặc thư giãn với sản phẩm và chất lượng phục vụ đẳng cấp quốc tế.

Vì sao Highland coffee lại tập trung vào các khách hàng trung lưu trở lên?

Thống kê dân số cho thấy đa số người Việt Nam là trẻ. Chúng tôi là một công ty Việt Nam thuần túy nhưng chúng tôi có giấc mơ của một doanh nghiệp Việt thành công trên thị trường toàn cầu

Theo anh, khó khăn của anh trong việc xây dựng thương hiệu là gì?

Có rất nhiều khó khăn, trở ngại. Nhưng chúng tôi đã quyết tâm vượt qua các thử thách đó, chúng tôi không lùi bước và đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ như ngày hôm nay. Xây dựng một công ty và một thương hiệu là công việc cực kỳ khó khăn, phải đam mê và quyết tâm đến tận cùng. Điều này không thể có nhượng bộ.

Phong cách lãnh đạo của David Thái

Highland có kế hoạch phát triển thương hiệu ra các thị trường khác trong khu vực không?

Hàng tháng chúng tôi nhận được rất nhiều yêu cầu của công ty và cá nhân trong và ngoài nước về việc nhượng quyền thương hiệu. Đây là thành quả của hướng đi đã được định hình từ những ngày đầu phôi thai về một thương hiệu Việt Nam mang tầm quốc tế. Nhu cầu về lĩnh vực này vô cùng tiềm năng nhưng trước khi tham gia thị trường quốc tế, chúng tôi cần phát triển một giải pháp trọn gói (chìa khóa trao tay). Đây là một mô hình cho phép một đối tác của Công ty chúng tôi có thể thành công trong hoạt đông kinh doanh với sự đảm bảo mang tính bền vững về mặt lợi ích.

Anh nghĩ gì về phương thức kinh doanh của nhượng quyền thương hiệu?

Trong tương lai, chúng tôi tin rằng thị trường sẽ tốt hơn cho xu hướng nhượng quyền thương hiệu. Cả hai phía, năng lực của bên được nhượng quyền và mức độ chuyên nghiệp, tính hiệu quả của bên nhượng quyền có thể đảm bảo một hệ thống đem lợi ích lâu dài, bền vững cho cả hai bên. Sở dĩ chúng tôi đi đến giải pháp chìa khóa trao tay là để giảm thiểu rủi ro trong nhượng quyền thương hiệu.

Chúng tôi tin rằng người nhượng quyền có trách nhiệm là phải cung cấp một phương thức kinh doanh mang tính hiệu quả lâu dài. Vấn đề không phải là cố lấy cho được phí chuyển nhượng cao mà phải nhận thức được lợi ích lâu dài là làm sao để tạo được doanh thu cho các cửa hàn nhượng quyền để từ đó có được các khoản thu từ phí bản quyền.

Anh hay nhắc tới những người nông dân và quy trình của cà phê. Tại sao vậy?

Tôi muốn Highlands phải phát triển từ người vun luống cà phê, người tách lựa từng hạt cà phê cho đến người bưng ly cà phê phục vụ. Tất cả những người này đều trong một mối quan hệ liên hoàn. Tất cả các khâu này đều phải tốt mới tạo ra được một thương hiệu Highland coffee hoàn hảo và bền vững được.

Được biết vợ anh là người Pháp. Tôi đang hình dung ra một gia đình nói ba thứ tiếng?

(Cười). Một gia đình Việt Nam đúng nghĩa. Hiện chúng tôi đang sống ở Phú Mỹ Hưng, các con tôi có những người bạn Việt những người bạn Hàn Quốc và Pháp… trong trường học và trong khu phố, chúng nói tiếng Việt giỏi hơn tôi.

(Cười). Vợ tôi cũng đã ở Việt Nam lâu rồi, chúng tôi quen nhau từ thời sinh viên lúc tôi đang học ở Hà Nội. Đến nay, chúng tôi cũng vẫn là những người bạn, cùng chung một công việc. Niềm vui của tôi là kết thúc công việc, trở về nhà bên người vợ và những đứa con đáng yêu của mình.

Cả một thời gian dài đứng mũi chịu sào gây dựng cơ nghiệp, nay đã là người đứng đầu một công ty lớn như vậy, anh nghĩ gì?

Giờ ngoảnh lại thấy mình gần như không có tuổi thanh niên theo nghĩa rong chơi một chút. (Cười). Thành lập một công ty tức là thành lập một tập thể, để mời gọi hơn 1.700 người đi theo cùng một hướng, đó là thách thức lớn, nên phải có tầm nhìn và mục đích rõ ràng.

Câu chuyện của anh gợi cho tôi nhiều điều về những người trẻ ưu tú. Anh khiến tôi nhớ đến một đoạn trong một bài viết “Tám mẩu suy nghĩ về giới trẻ” của nhạc sĩ Dương Thụ: “Người Việt Nam tinh hoa trước tiên phải là một người nặng nợ với nơi mình sinh ra, yêu tiếng mẹ đẻ và nền văn hóa dân tộc. Sự chuyên sâu và một năng lực thẩm mỹ cao dựa trên nền tảng văn hóa cơ bản, vững vàng và dày dặn. Người tinh hoa phải có khả năng tỏa sáng và lôi cuốn người khác trong những công việc mang lại lợi ích cho cộng đồng. Tinh hoa không chỉ là giá trị trên phương diện nhận thức mà còn là giá trị trên phương diện hành động.

David Thái sinh năm 1972 tại miền Nam Việt Nam trong gia đình người Bắc. Năm 1978, gia đình anh đến sinh sống tại Seattle. Anh đã học triết học và kinh doanh tại Mỹ.

1996 – Trở lại Hà Nội, Việt Nam. David theo học một năm về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.

1998 – Là Việt Kiều đầu tiên đăng ký thành lập công ty tư nhân Việt Nam.

2000 – Là công ty tư nhân đầu tiên đăng ký hoạt động dưới hình thức một công ty cổ phần. Tung ra sản phẩm cà phê rang xay đóng gói thương hiệu “Highlands Coffee” thông qua các khách sạn cao cấp và hệ thống siêu thị.

2002 – Quán cà phê Highlands Coffee đầu tiên tại Thành Phố Hồ Chí Minh được khai trương tại tòa nhà Metropolitan, đối diện nhà Thờ Ðức Bà. Một tuần sau đó, quán cà phê đầu tiên tại Hà Nội cũng ra đời đánh dấu những bước phát triển không ngừng của công ty.

2006 – Quán Highlands Coffee tại Saigon Center ra mắt với một diện mạo mới, mở ra một tương lai của việc đầu tư quy mô.

2007 – 70 quán trên khắp Việt Nam là mục tiêu đặt ra đến cuối năm, sẽ bao gồm luôn cả những “điểm nóng” như Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Đến nay, Công ty Cổ phần Việt Thái quốc tế đã có 1.700 nhân viên, trong đó có 12 người nước ngoài, quán xuyến hệ thống nhiều điểm cà phê Highlands Coffee ở nhiều thành phố.