Phương pháp rèn luyện chú ý tâm lý học

Tóm tắt nội dung tài liệu

  1. ài giảng Tâm lý học CHƯƠNG 3 – SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TÂM LÝ, Ý THỨC 1. Giảng viên: Đinh Thị Thu Phương GV khoa Tâm lý - Giáo dục, trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế 2. Số tiết: 4 tiết 3. Mục đích, yêu cầu Sau phần học này sinh viên cần nắm được các vấn đề sau: a. Tri thức - Nắm được sự nảy sinh và phát triển tâm lý về phương diện loài người và cá thể - Khái niệm ý thức, cấu trúc, thuộc tính và các cấp độ của ý thức. - Khái niệm chú ý, các loại chú ý và thuộc tính của nó. b. Kỹ năng - Vận dụng các tri thức để rèn luyện khả năng chú ý, nâng cao các thuộc tính chú ý. Đồng thời có ý hướng sử dụng các loại chú ý một cách phù hợp và có lợi nhất trong các tình huống hành vi. - Vận dụng tri thức đã học để giải thích các hiện tượng con người không nhận thức, điều khiển được hành vi của mình, lý giải các hiện tượng vô thức. c. Thái độ - Có sự nhìn nhận và thể hiện ý thức một cách đúng đắn. Luôn dùng ý thức điều khiển hành vi cá nhân, biết kiềm chế bản năng trong các trường hợp cần thiết. - Coi trọng việc rèn luyện chú ý, nâng cao khả năng chú ý cho bản thân. - Nâng cao khả năng tự ý thức và ý thức tập thể cho sinh viên. 4. Tóm tắt nội dung chương III Đây là chương trình bày về sự hình thành và phát triển của tâm lý và hình thức phản ánh tâm lý cao nhất - ý thức. Sự phát triển tâm lý của sinh giới được nhìn nhận từ hai phương diện: phương diện loài người và phương diện cá thể, tức xét từ lúc sự sống xuất hiện đến khi có con người và xét trong phạm vi phát triển của một cá nhân từ lúc lọt lòng đến khi chết đi. Trong chương này nội dung trọng tâm là vấn đề ý thức, các thuộc tính và các cấp độ của nó. Trong đó cần lưu tâm đến chú ý- điều kiện của hoạt động có ý thức. Nếu không có chú ý thì ý thức không có điều kiện bộc lộ, việc làm cho sinh viên nhận thức và có phương hướng rèn luyện kỹ năng chú ý là một trong những mục tiêu của chương này. 5. Phương pháp dạy học
  2. - Thuyết trình nêu vấn đề - Phương pháp đàm thoại - Phương pháp trực quan - Thảo luận - Sinh viên thực hành với sách - Seminar 6. Phương tiện dạy học và tài liệu tham khảo - Tranh ảnh minh họa - Giáo án và tài liệu tham khảo 1. Phạm Minh Hạc (chủ biên) (1980), Nhập môn tâm lý học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 2. Phạm Minh Hạc (chủ biên) (1988), Tâm lý học, Tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 3. Phạm Minh Hạc (chủ biên) (1997), Tâm lý học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 4. Đỗ Long (chủ biên) (1999), Yếu tố sinh học và yếu tố xã hội trong sự phát triển tâm lý người, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội. 5. Trần Trọng Thủy (1992), Khoa học chẩn đoán tâm lý, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 6. Trần Trọng Thủy (chủ biên) (1993), Ngô Công Hoàn, Bùi Văn Huệ, Lê Ngọc Lan, Nguyễn Quang Uẩn, Bài tập thực hành tâm lý học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 7. Nguyễn Quang Uẩn (chủ biên) (2003), Tâm lý học đại cương, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 8. Nguyễn Kim Quý, Nguyễn Xuân Thức (2003), Tình huống tâm lý học, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội. 9. Tổ nghiên cứu tâm lý học, Cục tuyên huấn - Tổng cục chính trị (1979), Tâm lý học, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội. 10. Tủ sách Đại học Sư phạm Hà Nội (1970), , Tâm lý học tập I và tập II, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 11. K.K Platônôp (2003), Tâm lý vui, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  3. 12. P.M Iacopxon (1977), Đời sống tình cảm của học sinh, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. CHƯƠNG 3 – SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TÂM LÝ, Ý THỨC A. SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ I. Sự nảy sinh và hình thành tâm lý về phương diện loài người 1. Tiêu chuẩn xác định sự nảy sinh tâm lý Trong thực tại khách quan có nhiều loại phản ánh: cơ giới, vật lý, hóa học, sinh học và phản ánh xã hội; trong đó phản ánh xã hội có phản ánh tâm lý. Chỉ khi xuất hiện sự phản ánh tâm lý thì mới nảy sinh các hiện tượng tâm lý. Vì vậy, để tìm hiểu sự nảy sinh các hiện tượng tâm lý ta cần xác định sự xuất hiện của các phản ánh tâm lý. Ở sinh vật có 2 hình thức trả lời với tác động của ngoại giới: Tính chịu kích thích: Tất cả các sinh vật đều có tính chịu kích thích, đây là khả năng hoạt động của cơ thể trả lời các tác động ngoại giới có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của cơ thể. Ví dụ: Trả lời khi thức ăn chạm vào miệng. Tính cảm ứng: là năng lực trả lời của cơ thể đối với kích thích có ảnh hưởng trực tiếp và cả những kích thích có ảnh hưởng gián tiếp đối với sự sống của cá thể và giống loài. Ví dụ: Ếch bơi tới khi thấy màu hoa của mướp, hoa dâm bụt từ xa. Tính cảm ứng được coi là mầm mống đầu tiên của tâm lý, xuất hiện ở các loại côn trùng cách đây khoảng 600 triệu năm. Từ hiện tượng tâm lý đơn giản nhất ấy dần dần phát triển lên các hiện tượng tâm lý phức tạp hơn. 2. Các thời kỳ phát triển tâm lý 2.1. Xét theo mức độ phản ánh Xét theo mức độ phản ánh tâm lý loài người trải qua 3 thời kỳ: cảm giác, tri giác và tư duy (bằng tay và bằng ngôn ngữ) Thời kỳ cảm giác: là thời kỳ đầu tiên trong phản ánh tâm lý, có ở động vật không xương sống trở lên, chỉ phản ứng với từng kích thích riêng lẻ của hiện thực khách quan, do chưa có tổ chức đảm bảo mối liên quan giữa các giác quan.
  4. Ví dụ: Nhện chỉ phản ứng với sự rung chuyển của mạng lưới do ruồi bay vào (dựa vào xúc giác), kiến đánh hơi tìm mồi (khứu giác). Thời kỳ tri giác: Xuất hiện ở loài cá, là thời kỳ có thể trả lời cả một tổ hợp các kích thích cùng tác động vào cơ thể Thời kỳ tư duy: - Tư duy bằng tay: Xuất hiện cách đây một triệu năm ở loài vượn, đây là thời kỳ có khả năng phản ánh những mối tương quan khá phức tạp của các sự vật. Ví dụ: Thực nghiệm vượn với 3 chiếc ghế và thức ăn trên trần nhà - Tư duy ngôn ngữ: Đây là loại tư duy chỉ có ở người, là sự phản ánh bằng ngôn ngữ được thành lập trong vỏ não các mối quan hệ phức tạp của các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan. 2.2. Xét theo nguồn gốc nảy sinh Xét theo nguồn gốc nảy sinh của hành vi thì tâm lý trải qua 3 thời kỳ: Bản năng, kỹ xảo, trí tuệ. Thời kỳ bản năng: Bản năng là hành vi bẩm sinh, mang tính di truyền, có cơ sở là phản xạ không điều kiện, bắt đầu có từ loài côn trùng; bao gồm các bản năng: dinh dưỡng, tự vệ, sinh dục. Bản năng của con người khác xa về chất so với bản năng của con vật. Thời kỳ kỹ xảo: Kỹ xảo là một hành vi mới do cá nhân tự tạo, có cơ chế là phản xạ có điều kiện Ví dụ: Chiến sỹ du kích miền Nam dạy ong bay theo một đường để tìm Mỹ mà đánh. Hành động trí tuệ: Hành động trí tuệ là kết quả của luyện tập, do cá thể tự tạo trong quá trình sống của nó. Trí tuệ khác với kỹ xảo ở chỗ hành động trí tuệ cơ động, linh hoạt, thay đổi phù hợp với hoàn cảnh chứ không phải hành động trước diễn ra như thế nào thì hành động sau diễn ra như thế ấy. Ví dụ: Con khỉ thấy người múc nước trong chum để dập lửa, lần sau bị cháy khỉ không biết lấy nước trong thau bên cạnh mà chạy về cái chum lấy. II. Các giai đoạn phát triển tâm lý về phương diện cá thể 1. Thế nào là sự phát triển tâm lý Sự phát triển tâm lý con người về phương diện cá thể là một quá trình chuyển đổi liên tục từ cấp độ này sang cấp độ khác. Ở mỗi cấp độ lứa tuổi, sự phát triển tâm lý đạt tới một chất lượng mới và diễn ra theo các quy luật đặc thù. Sự phát triển tâm lý con người phụ thuộc vào các hoạt động chủ đạo:
  5. - Ở tuổi sơ sinh (0-1t): là hoạt động giao lưu cảm xúc trực tiếp với người lớn, chủ yếu là người mẹ. - Tuổi mẫu giáo (3-6t): hoạt động vui chơi - Tuổi học sinh: hoạt động học tập - Tuổi thanh niên và người trưởng thành: hoạt động lao động và hoạt động xã hội 2. Các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi (Nghiên cứu trong phần tâm lý học lứa tuổi) B - SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN Ý THỨC “Ý thức chẳng qua là vật chất chuyển vào óc người và được cải tạo lại trong đó” (C.Mác) I. Khái niệm ý thức 1. Ý thức là gì? Ví dụ: + Người chiến sỹ biên phòng và con chó săn truy tìm tên biệt kích. Ta chú ý xem các hành động tâm lý diễn ra như thế nào. Cùng nhìn thấy tên biệt kích, hình ảnh hiện thực A ấy được phản ánh vào đầu của người chiến sỹ là A’, vào con chó là B’; khi nhận ra người cần truy con chó lập tức nhảy ngay vào cắn xe nếu không có sự can thiệp của người chủ. Ngược lại, người chiến sỹ có sự nhận định, phân tích tình hình suy nghĩ thầm trong đầu, biến hình ảnh A’ thu được thành hình ảnh A” để xác định cuối cùng phương thức hành động, nên bắt sống hay giết chết. Vậy từ hình ảnh tâm lý ban đầu, người chiến sỹ đã hình ảnh tâm lý mới, có chất lượng cao hơn, nhờ đó hoạt động của con người được định hướng tinh vi hơn, khéo léo hơn, có mục đích rõ ràng hơn. Đó là hành động có ý thức của con người khác xa với hành động của con vật. Ý thức là hình thức phản ánh tâm lý cao nhất chỉ riêng con người mới có, phản ánh bằng ngôn ngữ, là khả năng con người hiểu được các tri thức mà con người đã tiếp thu được, là tri thức của tri thức, phản ánh của phản ánh. Có thể ví ý thức như cặp mắt thứ hai soi vào kết quả (các hình ảnh tâm lý) do cặp mắt thứ nhất mang lại. 2. Các thuộc tính cơ bản của ý thức a. Ý thức thể hiện năng lực nhận thức cao nhất của con người về thế giới, thể hiện: - Nhận thức cái bản chất, nhận thức khái quát bằng ngôn ngữ - Dự kiến trước kế hoạch, kết quả của hoạt động, làm cho hành vi mang tính chủ định. Ví dụ: Con ong - kiến trúc sư: xây nhà
  6. b. Ý thức thể hiện thái độ của con người đối với thế giới “Ý thức tồn tại đối với tôi là tồn tại một thái độ nào đó, đối với sự vật này hay sự vật khác; sự vật không biết tỏ thái độ đối với sự vật nào cả” (C.Mác) Con ngưòi biết phân tích, đánh giá, lựa chọn, yêu thương, căm ghét, ... Những thái độ muôn màu muôn vẻ ấy là biểu hiện ý thức của con người đối với hiện thực khách quan. c. Khả năng sáng tạo Lênin nói: “Ý thức của con người không chỉ phản ánh hiện thực khách quan mà còn sáng tạo nó”. Động vật chỉ thích nghi mà không cải tạo được hoàn cảnh vì không có khả năng sáng tạo. Con người tạo ra giá trị vật chất và tinh thần mới thể hiện khả năng chinh phục thế giới của mình. d. Khả năng tự nhận thức Là khả năng tự nhận thức về mình, tự xác định thái độ đối với bản thân, tự điều khiển, điều chỉnh mình. 3. Cấu trúc của ý thức Ý thức là một cấu trúc tâm lý phức tạp bao gồm nhiều mặt, là một chỉnh thể mang lại cho thế giới tâm hồn của con người một chất lượng mới. a. Mặt nhận thức - Quá trình nhận thức cảm tính - Quá trình nhận thức lý tính b. Mặt thái độ c. Mặt năng động II. Sự hình thành và phát triển ý thức 1. Sự hình thành ý thức của con người về phương diện loài người “Trước hết là lao động, sau lao động và đồng thời với lao động là ngôn ngữ, đó là hai động lực chủ yếu đã biến bộ não con vượn thành bộ óc con người ” Đây cũng là hai yếu tố giúp hình thành ý thức về phương diện loài người. a. Vai trò của lao động đối với sự hình thành ý thức b. Vai trò của ngôn ngữ đối với sự hình thành ý thức (Sách Tâm lý học, Trường ĐHSP HN I, trang 93) 2. Sự hình thành ý thức và tự ý thức của cá nhân
  7. III. Các cấp độ ý thức 1. Cấp độ chưa ý thức - Vô thức: là hiện tượng tâm lý mà ý thức không thực hiện được chức năng của mình Ví dụ: mộng du, thôi miên Vô thức còn bao gồm nhiều hiện tượng tâm lý khác của tầng chưa ý thức + Vô thức ở tầng bản năng vô thức (dinh dưỡng, tự vệ, ...), tiềm tàng ở tầng sâu mang tính bẩm sinh di truyền Ví dụ: Vô ý đụng lửa, lập tức rụt tay + Vô thức còn bao gồm cả những hiện tượng tâm lý dưới ngưỡng ý thức (tiền ý thức) Ví dụ: có lúc thích, có lúc không thích cái gì đó + Hiện tượng tâm thế: là hiện tượng tâm lý dưới ý thức, hướng tâm lý sẵn sàng chờ đón, tiếp nhận một điều gì đó; ảnh hưởng đến tính linh hoạt và ổn định của hoạt động. Ví dụ: Tâm thế yêu đương của đôi bạn trẻ + Tiềm thức: là những hiện tượng tâm lý vốn có ý thức nhưng do lặp đi lặp lại nhiều lần chuyển thành dưới ý thức. Ví dụ: Kỹ xảo 2. Cấp độ ý thức, tự ý thức - Ý thức là con người nhận thức, tỏ thái độ chủ tâm và dự kiến trước được hành vi của mình, làm cho hành vi trở nên có ý thức. - Tự ý thức là mức độ phát triển cao của ý thức. Tự ý thức bắt đầu từ tuổi lên 3, biểu hiện ở những mặt sau: + Cá nhân tự nhận thức được bản thân mình từ bên ngoài đến nội dung tâm hồn, đến vị thế và các quan hệ xã hội. + Có thái độ đối với bản thân, tự nhận xét, tự đánh giá. + Tự điều khiển, điều chỉnh được hành vi theo mục đích + Có khả năng tự giáo dục, tự hoàn thiện mình. “Người ta sinh ra không ai cầm sẵn cái gương trong tay, con người nhận ra mình bằng cách liên hệ với người khác như soi gương vào một cái gương và nhận ra mình” (C.Mác) 3. Cấp độ ý thức nhóm và ý thức tập thể
  8. Trong quan hệ giao tiếp, hành động ý thức của cá nhân sẽ phát triển dần đến cấp độ ý thức xã hội, ý thức nhóm, ý thức tập thể. Lúc này con người xử sự không đơn thuần theo sở thích, hứng thú của bản thân mà còn xuất phát từ lợi ích của nhóm, tập thể. Tóm lại, trong dạy học - giáo dục có thể nói rằng toàn bộ việc giáo dục của chúng ta là giáo dục ý thức, nên ta cần phải giáo dục và được giáo dục về ý thức tập thể, ý thức giai cấp, ý thức trong mọi hoạt động. IV. Chú ý - điều kiện của hoạt động có ý thức “Chú ý là cánh cửa sổ mà qua đó tất cả những cái của thế giới bên ngoài đi vào tâm hồn con người” (Usinxky) 1. Chú ý là gì? Ví dụ: Chuyện Phạm Ngũ Lão, người điêu khắc Rôđanh… Hiện tượng một người chăm chú nghe, chăm chú suy nghĩ, làm việc, tập trung tư tưởng đến nỗi quên cả thời gian, không gian, quên cả sự vật xung quanh thường rất phổ biến trong cuộc sống. Sự “chăm chú”, “tập trung” đi kèm trong các hoạt động nói trên được gọi là chú ý. Vậy chú ý là gì? Chú ý là sự tập trung của ý thức vào một nhóm sự vật hiện tượng để định hướng hoạt động đảm bảo điều kiện thần kinh - tâm lý cần thiết cho hoạt động tiến hành có hiệu quả. - Cơ chế sinh lý của hiện tượng chú ý: khi chủ thể tách ra từ vô vàn những hiện tượng xung quanh một đối tượng để quan sát thì trên vỏ não xuất hiện sự tập trung hưng phấn làm thành trung tâm hưng phấn cực đại, đồng thời ức chế các vùng xung quanh làm cho đối tượng nhận thức được phản ánh rõ nhất. - Chú ý không có đối tượng riêng, đối tượng của chú ý là chính là đối tượng của hoạt động tâm lý mà nó đi kèm (nêu ví dụ). Suy cho cùng, hoạt động tâm lý mà chú ý đi kèm chính là quá trình nhận thức, chú ý trong quá trình xúc cảm hay trong hành động thực chất cũng là để nhận thức bộc lộ của thái độ hay hành vi. - Chú ý cũng có những biểu hiện cụ thể, bằng quan sát có thể thấy các biểu hiện như: Nhìn chằm chằm, không chớp mắt, trố mắt nhìn, vểnh tai nghe, há hốc miệng, không động đậy, ngây người, chau mày hay nhăn trán khi suy nghĩ … Bằng các dụng cụ, phương tiện kỹ thuật người ta có thể thấy các biểu hiện bên trong của chú ý như: thở rất nhẹ hoặc ngưng thở hoàn toàn “nghe thấy hơi thở của lòng mình”; có sự thay đổi dòng diện sinh vật trên vỏ não (bằng điện não đồ) … Các biểu hiện bên ngoài có thể không hoàn toàn chính xác vì trên thực tế có người vờ chú ý hoặc vờ không chú ý. 2. Các loại chú ý 2.1. Chú ý không chủ định Là loại chú ý không có mục đích tự giác, không cần sự nỗ lực của bản thân.
  9. - Nguyên nhân dẫn đến chú ý không chủ định thường là do: + Đặc điểm của vật kích thích + Độ mới lạ, hấp dẫn của vật kích thích: tranh đẹp trong sách + Cường độ kích thích: tiếng động mạnh trong bầu không khí yên tĩnh, nét chữ đậm trong dòng chữ bình thường + Sự trái ngược của vật kích thích và bối cảnh về hình thù, màu sắc, khối lượng, tính chất, ý nghĩa.. Ví dụ: màu sắc trên tấm bản đồ địa lý, phấn trắng viết bản đen - Sự biến đổi của vật kích thích: xảy ra bất thường đột ngột Ví dụ: Cờ đỏ sao vàng xuất hiện trong vùng địch, - Chú ý không chủ định còn phụ thuộc vào bản thân cá nhân chú ý: nhu cầu, tình cảm, sức khỏe… Ví dụ: thích thơ, nghe đọc thơ là sinh viên đó chú ý đến bài giảng Kết luận sư phạm - Do sự biến đổi của vật kích thích có thể gây ra chú ý không chủ định nên trong mỗi tiết giảng cần đảm bảo đưa lại cho sinh viên những điều mới mẻ, tránh sự rập khuôn, máy móc, nhắc đi nhắc lại.. - Tránh dựng trường lớp gần đường cái, chợ… (nơi ồn ào), các trang hoàng trong lớp cũng hợp lý tránh bày biện quá nhiều thu hút sự chú ý của sinh viên làm xao nhãng bài giảng - Sử dụng phương tiện dạy học lôi cuốn, dùng bản thân vật kích thích hoặc nội dung khoa học của vấn đề để khêu gợi hứng thú cho sinh viên - Chống lối dạy học theo chủ nghĩa hứng thú, xuất phát đơn thuần từ quan điểm hứng thú mà ảnh hưởng đến tính tư tưởng, khoa học của bài dạy. Loại chú ý này có ưu điểm là không phải căng thẳng thần kinh nhưng ngược lại kém bền vững. Do vậy trong thực tế chú ý có chủ định là chú ý quan trọng nhất. 2.2. Chú ý có chủ định Là loại chú ý có mục đích và không đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân Ở đây cá nhân phản ánh sự vật không phải vì đặc điểm của vật kích thích mà vì một mục đích tự giác rất rõ rệt, một nhiệm vụ được đề ra trước dưới hình thức ngôn ngữ. Đối tượng chú ý càng ít hứng thú thì đòi hỏi sụ nỗ lực ý chí càng nhiều để duy trì sự chú ý lâu Muốn duy trì chú ý có chủ định cá nhân cần:
  10. Về khách quan: - Tạo hoàn cảnh tốt, không gian yên tĩnh quen thuộc - Thủ tiêu hoặc giảm tối đa các vật kích thích không liên quan tới nhiệm vụ - Cá nhân phải duy trì tư thế làm việc thoải mái Về chủ quan: - Phải xác định mục đích rõ ràng, hiểu nhiệm vụ càng rõ thì càng ao ước và có ý chí hoàn thành nhiệm vụ. - Tự mình phải thường xuyên nhắc mình. Tiếng nói của lòng mình tất quan trọng, mỗi lần nhắc nhở là mỗi lần đưa mình trở về với nhiệm vụ. - Phải biết tổ chức đối với hoạt động mà ta chú ý Ví dụ: Tổ chức học bài thi hiệu quả 2.3. Chú ý sau khi có chủ định Vốn là chú ý có chủ định nhưng không đòi hỏi sự căng thẳng của thần kinh, ý chí do chú ý đã chuyển từ hứng thú đối với mục đích đến hứng thú đối với quá trình hoạt động. Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, chú ý của con người nhiều khi đạt mức cảm hứng đặc biệt cũng gọi là chú ý sau chủ định. “Hoạt động lao động đạt trình độ chú ý sau chủ định là hoạt động lao động lôi cuốn con người vào nội dung, vào phương thức thực hiện tới mức khoái cảm như là một trò chơi độc đáo của thể lực và trí tuệ” (A.A. Zarutna) Chú ý sau chủ định không đồng nhất với chú ý không chủ định, bởi vì nó gắn liền với mục đích tự giác; mặt khác nó cũng không giống với chú ý có chủ định vì ở đây không có sự căng thẳng của ý chí. Dạng đặc biệt đó của chú ý khác về chất so với cả hai loại chú ý trên. Ba loại chú ý trên có thể chuyển hóa cho nhau, nhưng đó không phải là sự đổi chỗ cho nhau mà hình thức sau bao giờ cũng cao hơn hình thức trước. Người thầy giáo giỏi cần thu hút sự chú ý của sinh viên trước khi giảng “Không bao giờ nên nói khi người ta chưa nghe, không nên giảng khi người ta chưa chú ý” (Cômenxky). Và sau khi gây ra chú ý có chủ định cần phải thu hút sinh viên hứng thú đối với nội dung cần thiết, chuyển thành chú ý sau chủ định. Tóm lại: Cả ba loại chú ý đều rất cần thiết cho con người. Vì nếu chỉ có chú ý không chủ định thì không bao giờ đạt được sự phản ánh toàn vẹn, sâu sắc của sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan. Nếu chỉ có chú ý có chủ định thì mệt mỏi, hứng thú mất dần, không duy trì được chú ý và đã bỏ qua một cách đáng tiếc thuận lợi của những tác động ngẫu nhiên. 3. Các thuộc tính cơ bản của chú ý 3.1. Sức tập trung của chú ý
  11. Trong lúc học tập hay lao động có người chú ý nhiều đến nỗi không để ý đến mọi chuyện xung quanh, thậm chí có thể học hay làm việc được trong môi trường rất ồn ào, lộn xộn. Đó là biểu hiện của khả năng tập trung chú ý cao độ. Là khả năng chỉ chú ý đến một phạm vi đối tượng tương đối hẹp cần thiết cho hoạt động lúc đó. Ví dụ: + Mùa thu năm 212 TCN, do nội phản nên quân La Mã chiếm được thành Xiraca (Ý) trong lúc Acsimet đang mải miết với những vòng tròn trên cát. Khi bóng tên lính ngả trên hình vẽ, ông liền kêu lên “Không được đụng đến hình tròn của tôi” và ông đã ngã xuống bên sơ đồ của mình ở tuổi 75. Nhà văn Đức Xtephan Svaigơ đã kể lại câu chuyện ông đến thăm nhà điêu khắc nổi tiếng Rôđanh ở Pari: Ông đã tiếp tôi niềm nở và đưa tôi vào phòng làm việc của mình. “Đây, bức tượng tôi vừa làm xong, tôi đã lao động ròng rã trong 3 năm. Anh thấy không suối tóc, vầng trán, đôi vai, …” Rôđanh vừa nheo mắt vừa giới thiệu. Và đến lúc đó nhà điêu khắc còn thấy những chi tiết mặc dù vụn vặt chưa hợp với ý mình, tiện tay vừa cầm dao ông sửa luôn. Ông sửa mải mê mấy giờ liền quên cả vị khách mình đang tiếp. Sửa xông, ông cởi áo khoác ngoài, rửa tay và đi ra. Lúc quay lại để khóa cửa ông mới phát hiện ra trong xưởng có người lạ mặt: “Ông là người nào thế ?”. Nhà điêu khắc vừa bực mình vừa nhìn tôi bỡ ngỡ một lúc lâu, đôi mắt có ý dò hỏi như vậy. Mãi sau ông mới nhớ ra và xin lỗi. Nhưng cả người tôi sửng sốt và bàng hoàng. Tôi cũng là nhà văn nhưng đến lúc đó tôi mới biết thế nào là sự tập trung tư tưởng cần thiết cho một tác phẩm nghệ thuật ở bậc thiên tài. Ở câu chuyện trên, ngoài thể hiện khả năng tập trung chú ý còn thể hiện thuộc tính thứ 2 của chú ý đó là tính bền vững của chú ý. 3.2. Sự bền vững của chú ý Là khă năng duy trì lâu dài chú ý vào một hay một số đối tượng của hoạt động. Ví dụ: Nhà bác học Pháp Lavoađie đã từng làm thí nghiệm điện phân nước trong suốt 8 ngày đêm liền. Tính bền vững của chú ý có liên quan mật thiết với điều kiện khách quan của hoạt động và những đặc điểm của mỗi cá nhân như thái độ đối với công việc, hứng thú, ý chí, kỹ năng, kỹ xảo…ở từng lứa tuổi. Ví dụ: Theo nghiên cứu có 90 % học sinh có khả năng tập trung chú ý trong suốt 45 phút, khả năng đó tăng dần từ lớp 8-10. 3.3. Sự phân phối chú ý Là khả năng cùng một lúc chú ý đầy đủ đến nhiều đối tượng hay nhiều hoạt động một cách có chủ định.
  12. Ví dụ: Kiện tướng cờ vua nổi tiếng người Nga Aliôkhin đã từng chơi cờ cùng một lúc với 30 – 40 đối thủ. Chủ tịch Hồ chí Minh đã có lần tiếp chuyện cùng một lúc bằng 3 thứ tiếng với ba vị khách nước Anh, Nga ,Trung. Thực tế, không phải sự chú ý được phân phối đều ở mọi đối tượng mà chú ý chỉ tập trung vào một đối tượng chính, các đối tượng khác chỉ cần chú ý ở mức tối thiểu mà thôi. Ví dụ: Vừa nghe giảng vừa ghi chép - Cơ sở sinh lý: là quá trình hưng phấn xuất hiện cùng một lúc trên các trung khu của vỏ não có nhiệm vụ khác nhau Ví dụ: Khi vừa nghe vừa ghi thì trung khu vận động và khu thính giác trên não đều hoạt động. Sự phân phối không mâu thuẩn với sự tập trung chú ý 3.4. Sự di chuyển chú ý Là khả năng chuyển đối tượng chú ý từ đối tượng này sang đối tương khác theo yêu cầu của hoạt động Ví dụ: chuyển từ học Văn sang học Toán Cơ sở sinh lý: là sự di chuyển trung khu hưng phấn ưu thế trên vỏ não. Vì vậy tính linh hoạt của các quá trình thần kinh là một điều kiện chủ quan giúp cho sự di chuyển chú ý được tốt. Sự di chuyển chú ý tốt là điều kiện cho nhiều loại hoạt động, đặc biệt là những hoạt động đòi hỏi phải có sự phản ứng nhạy cảm với những kích thích ngắn và bất ngờ. Ví dụ: Hoạt động của phu công, người lái xe 3.5. Khối lượng chú ý Là số lượng mục tiêu được cảm thụ đồng thời với một mức độ rõ ràng, sáng tỏ như nhau trong một khoảng thời gian nhất định. Cơ sở sinh lý: là bề rộng của trung khu hưng phấn Khối lượng chú ý của con người: 7 + hoặc – 2 Khối lượng chú ý là một thuộc tính rất cần thiết cho người giáo viên khi tiến hành điều khiển và theo dõi lớp học. Trên đây là 3 thuộc tính cơ bản của chú ý, có liên quan mật thiết với nhau. Thuộc tính thứ nhất nói lên chiều sâu của chú ý, thuộc tính 3 và 5 nói lên chiều rộng, thuộc tính 2 và 4 nói lên tính linh hoạt của chú ý. 4. Một số kết luận
  13. - Chú ý là điều kiện của hoạt động nhận thức, chỉ khi nào có sự tham gia của chú ý thì con người mới tiếp nhận thế giới khách quan một cách có hiệu quả.“chú ý là người gác cổng ở trong đầu ta”(Xkinner), “là cánh cửa mà qua đó tất cả những cái của thế giới bên ngoài đi vào tâm hồn con người” (Usinxky). Do vậy, trong dạy học cần chú trọng rèn luyện khả năng chú ý cho sinh viên. + Rèn luyện cho sinh viên có sự hứng thú sâu, rộng và bền vững đối với môn học. + Giúp các em tự rèn luyện khả năng chú ý có chủ động trong bất cứ lúc nào và với bất kỳ hoạt động nào. Cần biến chú ý trở thành công cụ đắc lực của sinh viên, và giúp các em biết làm chủ được sự chú ý của mình. + Không cho các em làm việc khi chưa chú ý vào công việc đang làm, tránh hiện tượng đãng trí bác học + Giúp sinh viên biết được đặc điểm chú ý của bản thân, cả mặt tốt lẫn mặt xấu để có biện pháp phát huy và khắc phục. Bài tập chương III (7, trang 50-51) Câu 1: Lớp học náo nhiệt, học sinh không nghe cô giáo giảng bài. Đột nhiên cô đưa lên một bức tranh khổ to. Lập tức lớp học yên lặng, nhưng sau 2-3 phút lớp lại mất trật tự. Khi đó giáo viên bắt đầu đặt câu hỏi về bức tranh. Lớp học lại yên lặng. Loại chú ý nào đã nảy sinh ở học sinh trong trường hợp nêu trên. Tại sao? Câu 2: Một học sinh kể lại rằng em đã cố gắng như thế nào để tập trung được chú ý trong giờ học. Em nói:“Tôi muốn hiểu biết hình học, nhưng nó quả là khó đối với tôi. Trong khi nghe thầy giảng đôi khi tôi thấy ý nghĩ của mình tuột đi đâu đó. Khi ấy tôi tự nhủ cần phải chú ý xem thầy nói gì, rằng ở nhà tự học còn khó khăn hơn nhiều. Tôi nhẩm lại từng lời thầy giáo và cứ như thế tôi đã duy trì được sự chú ý của mình’. a. Những điều kiện nào lôi cuốn sự chú ý có chủ định của học sinh nói trên? b. Căn cứ vào những dấu hiệu nào để xác định ở học sinh có sự chú ý có chủ định? Câu 3: Hãy giải thích cơ chế sinh lý của những hiện tượng dưới đây: a. Thầy giáo dạy toán lôi cuốn sự chú ý mạnh mẽ của các học sinh đến nỗi không em nào nghe thấy tiếng chuông báo hết giờ học cả. b. Nhạc sĩ Beethoven một lần vào quán ăn, trong khi chờ bồi bàn, liền nảy sinh cảm hứng, ông vội mở sổ tay cắm cúi ghi nốt nhạc. Sáng tác xong ông đòi thanh toán tiền ăn, rời quán một cách “no nê’, tuy trong bụng lép kẹp! c. Newton có thói quen tự nấu ăn sáng, có lần mải suy nghĩ ông đã luộc chiếc đồng hồ trong xoong à tay vẫn còn cầm quả trứng sống.


Page 2

YOMEDIA

Vận dụng các tri thức để rèn luyện khả năng chú ý, nâng cao các thuộc tính chú ý. Đồng thời có ý hướng sử dụng các loại chú ý một cách phù hợp và có lợi nhất trong các tình huống hành vi.

25-03-2011 703 80

Download

Phương pháp rèn luyện chú ý tâm lý học

Giấy phép Mạng Xã Hội số: 670/GP-BTTTT cấp ngày 30/11/2015 Copyright © 2009-2019 TaiLieu.VN. All rights reserved.