Thiên thần và ác quỷ review năm 2024

Nguyên bản truyện “Thiên thần và ác quỷ” của nhà văn Dan Brown xuất bản năm 2000, còn phiên bản chuyển thể thành phim ra rạp năm 2009. Mình quá lạc hậu vì đọc sách năm 2009, còn phim thì mới xem một tháng trước thời điểm viết bài này. Nhưng vì những dư âm vẫn còn đó nên mới phân tích được.

Với mình thì cả hai phiên bản đều hay. Tất nhiên phim đã lược đi nhiều tình tiết quan trọng, nhưng cơ bản vẫn giữ lại được độ gay cấn, và nhiều chi tiết rút gọn hợp lí. Sau đây là những điểm đã được thay đổi khi tác phẩm chuyển thể thành phim:

1. Nhân vật

Nhiều cái tên được thay đổi: Leonardo Vetra – cha nuôi của nữ nhân vật chính Vittoria Vetra, người bị giết ở đầu tác phẩm – khi vào phim đã thành Silvano; hay giáo chủ thị thần Carlo Ventresca được đổi tên thành Patrick McKenna. Có thể đặt giả thuyết là những cái tên trong tác phẩm gốc có phần nhạy cảm. Khi Dan Brown viết tiểu thuyết này đã nhận không ít chỉ trích từ Vatican, vì họ cho rằng ông cố tình “dìm hàng” nhà thờ [lí do thì mình sẽ nêu sau]. Tên trong truyện có thể là những người thực, người nổi tiếng hoặc có tên trong lịch sử. Nhưng thực hư về chuyện các nhà làm phim đổi quá nhiều cái tên thì vẫn chưa biết được [đây chỉ là giả thuyết riêng của mình].

“Gộp” nhân vật: Đây có lẽ là dụng ý hay nhất của các nhà làm phim. Hai nhân vật bị giết trong truyện vì nghi có âm mưu sát hại Giáo chủ thị thần, là Maximilian Kohler và Richter, cùng với chỉ huy đội cận vệ Thuỵ Sĩ Olivetti – được gộp thành một nhân vật duy nhất – Maximilian Richter. Cách ghép tên của hai nhân vật với chức danh của một nhân vật khác nữa làm cho mạch truyện bớt rườm rà, và hay hơn nữa: làm bớt diễn viên. Sự cầu kì trong văn học có thể trở thành sự thừa thãi trong điện ảnh. Theo mình đánh giá, đây là sự rút gọn tinh tế và rất hợp lí. Không phải chỉ nhân vật, bộ phim còn gộp cả hai tổ chức lớn – CERN và Vatican. Tác giả muốn nhấn mạnh hai lĩnh vực quan trọng, không tách rời là tôn giáo và khoa học, nhưng những chi tiết về hai tổ chức này ở phần đầu truyện khá “nặng”. Phim chỉ cần một Vatican duy nhất để mời hai nhà nghiên cứu – Robert Langdon và Vittoria Vetra. CERN được đề cập nhưng không nhiều.

2. Thời gian

Nguyên bộ phim là 1 ngày: thực chất [nếu mình nhớ không lầm] thì truyện dài hơn rất-rất-nhiều. Trong phim, thời gian Langdon có để giải mã nơi bắt cóc mỗi vị Hồng y là một tiếng, và vào đúng nửa đêm, ống phản vật chất có sức công phá kinh khủng bị thất lạc sẽ phát nổ. Thời gian gấp rút là cái cớ để mạch phim gay cấn hơn, nhưng với hai cái đầu suy nghĩ thì 1 ngày là quá sức ảo!

3. Tình tiết

Một tình tiết cực-hấp-dẫn mà mình thắc mắc tại sao phim lại bỏ qua, đó là: kẻ sát nhân bắt cóc Vittoria. Hắn trong truyện có ham muốn mạnh mẽ với phụ nữ, suy nghĩ dâm dục của hắn [cũng theo mình nhớ] được viết đến 2-3 trang A4. Việc hắn gặp mà lại tha cho hai nhân vật chính trong phim quá sức ảo diệu: vì họ không có vũ khí, và vì hắn không được trả tiền để giết họ. Một kẻ phạm tội man rợ bị chiếu tướng lại sẵn sàng bỏ qua ư?!? Có một tình tiết khác là việc Giáo chủ thị thần mang quả bom phản vật chất lên máy bay, mang đi thật xa rồi thoát chết bằng dù. Sau đó, ông được người dân tung hô. Trong truyện, người mang quả bom này đi thực chất là Langdon. Nhưng sự thay đổi này không có gì khác biệt lắm, có thể thay đổi với dụng ý khác.

4. Chi tiết

Quay lại với kẻ sát nhân. Tên này được thay đổi rất nhiều: từ số cảnh xuất hiện đến hành động, suy nghĩ, lời nói. Thậm chí ngoại hình cũng tươm tất hơn nhiều so với lúc mình tưởng tượng khi đọc truyện! Đặc biệt là cái chết của tên này đã được hợp lí hoá: thay vì rớt từ ban công khi bị hai nhân vật chính truy đuổi, thì chiếc xe chứa tiền hứa hẹn của hắn phát nổ khi vừa nổ ga. Việc bị âm mưu giết có vẻ hợp lí hơn là rớt từ ban công nhỉ! Quá khứ của Giáo chủ Patrick thì lại bị rút bớt một cách tiếc nuối: hắn từng được sinh ra trong ống nghiệm. Chính vì vậy nên cha hắn thường bảo có một món ân huệ với khoa học. Chi tiết này trong truyện làm sáng tỏ hơn, vì sao cha của Patrick biết ơn khoa học còn hắn – một kê sùng đạo man rợ – lại ghét cha hắn. Trong phim, hắn là con nuôi, chi tiết được thay đổi để hắn dễ dàng học phi công lúc trẻ, rồi lái máy bay để đem đi quả bom, rồi được tung hô mà không cần phải qua nhiều bước giải thích từ các nhà làm phim. Tất cả sự rút gọn vì lí do tiện lợi! Cuối cùng là món quà Vatican dành cho Langdon: từ “Viên kim cương Illuminati” trở thành “Bản gốc Diagramma Veritas” của Galileo Galilei. Kim cương có vẻ thực dụng quá; đối với một nhà nghiên cứu, có gì có ý nghĩa hơn tài liệu ghi chép tối mật? Đây có vẻ là cách suy nghĩ tiến bộ hơn của con người sau 9 năm, và thực tế hơn của biên kịch phim so với nhà văn lí tưởng hoá Dan Brown. Cực kì thích chi tiết này!

Ngoài lề

Có thể hơi áp đặt nhưng mình luôn thích kiểu mẫu anh hùng – mỹ nhân. Chỉ lướt qua nhưng tác phẩm truyện có hơi hướng này, trong khi nhân vật Vittoria trong phim dường như không có tí sức nặng nào [kiểu như chỉ để đáp ứng đúng yêu cầu bản gốc]. Tình tiết giải cứu cô gái từ tên sát nhân, theo mình, còn gây cấn hơn những đoạn giải cứu cho các Hồng y nữa [mà thật ra họ cũng có sống sót đâu]. Hồi đó từng đọc “Nỗi buồn chiến tranh” và “Sát thủ Tokyo” nên mình có ấn tượng, về việc những người lính quen với máu thường có ham muốn tình dục mạnh. Điều này chắc cũng đúng với những miêu tả tâm lí của Dan Brown về kẻ sát nhân. Những cô gái đặc biệt, mạnh mẽ, ương bướng và hấp dẫn như Vittoria có sức hút với hắn rất lớn, điều này dẫn đến một loạt tình tiết giải cứu Vittoria của Langdon. Cá nhân mình thấy tên giết người trong phim khá hiền, nhìn mặt cũng hiền nữa :]] Ngoài ra hình như cuối truyện hai nhân vật chính cũng có cảm tình với nhau, còn trong phim không khác gì anh em kết nghĩa hết =]]

Ngoài ra như mình có đề cập ở phần trên, nếu đã đọc truyện hay xem phim chắc bạn cũng biết lí do vì sao Vatican không thích tác phẩm này: bản thân việc Giáo chủ thị thần chủ mưu đã gây phản cảm. Dan Brown trước đó đã sử dụng những tài liệu mật, đảm bảo viết một tác phẩm xứng đáng. Nhưng không hiểu có xích mích gì mà tác giả lại viết thành thế này :]] Nói thật chứ khi biết điều này mình cũng hơi có ác cảm…

Kết luận:

Phiên bản phim thành công hơn rất nhiều, còn cái tên Dan Brown thì gắn liền với “Mật mã Da Vinci” hơn với tác phẩm này. Cá nhân mình cũng thích phim hơn truyện, dù hơi bị tụt hứng về một số thứ, nói giỡn là nhan sắc của hai diễn viên chính không được như mong đợi, và vài tình tiết hay ho thì cũng bị lược đi. Nhưng cả hai phiên bản này đều xuất sắc, đều đáng để thưởng thức!

Chủ Đề