To chức xã hội la chủ thể có thẩm quyền quản lý nhà nước

To chức xã hội la chủ thể có thẩm quyền quản lý nhà nước
Ảnh minh họa: internet

1. Các quy định của pháp luật về hội của một số nước

1.1.Về quyền thành lập hội

Quyền lập hội không chỉ được ghi nhận trong pháp luật quốc gia mà còn được ghi nhận trong pháp luật quốc tế, đó là các văn bản: Công ước châu Âu về nhân quyền, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

Ở các nước Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc, Singapore, Uruquay... quyền này được quy định trong Hiến pháp hoặc  luật. Do được quy định trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao nên quyền lập hội ở những nước này nhìn chung được bảo đảm trên thực tế.

1.2. Các quy định về thủ tục thành lập hội

Qua nghiên cứu pháp luật của một số nước như Hoa Kỳ, Pháp, Nga, Nhật Bản, CHLB Đức, Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Tây Ban Nha, Cộng hòa Síp, Phần Lan, Hungary, Ý, Ba Lan, Áo, Bồ Đào Nha, Luxembourg, Bỉ, Rumania và Slovenie... việc thành lập hội, tổ chức phi chính phủ ở các nước này thường liên quan đến các vấn đề sau:

- Điều kiện lập hội, tổ chức phi chính phủ. Có những điều kiện mà pháp luật đặt ra khi công dân muốn thành lập hội, tổ chức phi chính phủ như: xác định mục đích hoạt động của hội, cơ cấu tổ chức của hội, số lượng hội viên, điều lệ, trụ sở, tài sản độc lập… Tuy nhiên, thực tế quy định nội dung của các điều kiện này ở các nước rất khác nhau.

- Thành lập hội, tổ chức phi chính phủ. Hội, tổ chức phi chính phủ được thành lập theo những cách thức khác nhau tuỳ theo quy định của pháp luật mỗi nước. Nghiên cứu so sánh, tổng hợp các quy định về nội dung này cho thấy việc thành lập hội, tổ chức phi chính phủ có thể được thực hiện thông qua trình tự đăng ký thành lập tại cơ quan công chứng hoặc tòa án. Các hội, tổ chức phi chính phủ cũng có thể được thành lập theo một tín thác, sự ủy quyền và chịu sự điều chỉnh của luật dân sự.        

1.3. Quy định về nguồn tài chính chủ yếu của hội, bao gồm:

- Hội phí: khoản này được tất cả các nước cho phép.

- Quà biếu hay thừa kế từ các cá nhân hay doanh nghiệp: Nhìn chung là được chấp nhận, nhưng phải được sự cho phép của Nhà nước, hay được công nhận là có ích, đôi khi có quy định về ngưỡng tổng số và thể loại.

- Các trợ cấp của Nhà nước hay chính quyền địa phương: Cũng được cho phép rộng rãi, đôi khi được hạn chế (ở Hy Lạp và Cộng hòa Síp là không được trợ cấp thường xuyên).

- Các nguồn tự có: thông thường các hội có mục đích không vụ lợi được phép hoạt động thương mại (nếu như đó không phải là hoạt động chính). Tuy nhiên, Bulgarie và Ai-len không chấp nhận điều này đối với các hội khoa học.

Chỉ có các tổ chức công ích mới có tư cách pháp nhân đầy đủ và được hưởng các ưu đãi từ phía Nhà nước. Cũng có những tổ chức khi thành lập chỉ là hội lợi ích tương hỗ, sau đó được công nhận là tổ chức công ích.

Như vậy để trở thành một tổ chức hội có tư cách pháp nhân và được nhận sự ưu đãi từ phía Nhà nước phải tuân theo những yêu cầu ngặt nghèo hơn trong việc đăng ký với cơ quan hữu quan của Chính phủ.

1.4. Quy định về tổ chức, hoạt động của hội, tổ chức phi chính phủ.

Quy định về tổ chức, hoạt động của hội, tổ chức phi chính phủ bao gồm các nội dung chính là: Ban điều hành, hội nghị toàn thể thành viên, hội phí, tổ chức trực thuộc, tổ chức thành viên, chi nhánh (đại diện).

Đối với các tổ chức phi chính phủ được thành lập theo tín thác hay đối với các quỹ thì bắt buộc phải có ban điều hành.

Hội nghị toàn thể thành viên. Đây là cuộc họp mà luật bắt buộc đối với các thành viên trong một hiệp hội, tổ chức phi chính phủ. Quy định pháp luật về hội, tổ chức phi chính phủ của các nước khá đồng thuận về vấn đề này thể hiện cụ thể ở các nội dung như hội nghị thường kỳ và hội nghị đột xuất.

Các hội, tổ chức phi chính phủ có thể có tổ chức trực thuộc, tổ chức thành viên, chi nhánh. Các tổ chức trực thuộc, tổ chức thành viên có thể là một pháp nhân riêng được sở hữu tài sản, hoạt động theo nhiệm vụ của pháp nhân và bị kiểm soát bởi một hay nhiều pháp nhân khác. Chi nhánh hoạt động không có tư cách pháp nhân riêng biệt.

Pháp luật quy định nghiêm cấm tư lợi trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các hội, tổ chức phi chính phủ và ban điều hành. Đây là một trong số các nội dung trọng tâm của hoạt động quản lý các hội, tổ chức phi chính phủ.

 Thực tế quản lý hoạt động của hội, tổ chức phi chính phủ ở các nước cho thấy chỉ có thể hạn chế tư lợi khi có các quy định pháp luật rõ ràng, minh bạch và đảm bảo thực hiện chuẩn mực các quy định đó trên thực tế. Các cơ quan quản lý đưa ra các quy định cụ thể như: không khoản thu nhập ròng hay lợi nhuận nào của hội, tổ chức phi chính phủ được phân chia dưới dạng thu nhập cá nhân cho bất kỳ ai, các giám đốc điều hành thông thường không được trả thù lao, thù lao của các nhân viên được trả tương đương với công việc mà người đó đã thực hiện cho tổ chức, ngăn chặn việc chuyển nhượng tài sản một cách phi pháp, thực hiện chế độ báo cáo kép...

Nguyên tắc hoạt động và kinh doanh của các tổ chức công ích: Công khai; dân chủ; các hoạt động phải được kiểm soát; đảm bảo thi hành các quyết định.

Việc cho các nhân viên của hội, tổ chức phi chính phủ được hưởng chế độ bảo hiểm, nghỉ ngơi không chỉ đơn thuần là chế độ đối với họ mà còn có ý nghĩa góp phần hạn chế các tư lợi một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Đồng thời, ở nhiều nước thực hiện việc kiểm tra tài chính định kỳ một cách công khai, minh bạch đối với các hội, tổ chức phi chính phủ theo những chuẩn mực khách quan; các hội thực hiện chế độ báo cáo, công bố hoặc cung cấp thông tin cho công chúng.

1.5. Các quyền của hội

Pháp luật của các nước cũng coi hội là một chủ thể trong xã hội, hội cũng có những quyền để có thể đạt được các mục tiêu đề ra. Trong số các quyền đó, dường như các quyền về tài chính, tài sản, về tổ chức và nhân sự là quan trọng nhất.

1.6. Quy định về chấm dứt hoạt động của hội, tổ chức phi chính phủ.

Chấm dứt hoạt động của hội, tổ chức phi chính phủ là một chuỗi các hoạt động liên tiếp nhau của tổ chức đó chứ không phải đơn thuần chỉ là một tuyên bố của tổ chức hay một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong đó quan trọng nhất là hai vấn đề thanh lý tài sản và tuyên bố giải thể.

Thanh lý tài sản, nghĩa vụ về tài sản của tổ chức được chia thành hai mảng cụ thể là: 1/ Đối với tài sản có được từ nguồn tài trợ: sau khi thanh toán toàn bộ các nghĩa vụ của tổ chức, số còn lại do cơ quan có thẩm quyền quyết định; 2/ Đối với các tài sản tự có của hội, sau khi thanh toán hết các nghĩa vụ số còn lại do hội quyết định theo điều lệ.

Tuyên bố giải thể được thực hiện sau khi đã thanh toán các nghĩa vụ về tài sản và thanh lý tài sản theo quyết định của Nhà nước hoặc của hội.

2.  Một số nhận xét, khuyến nghị mang tính tham khảo cho Việt Nam

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước có thể rút ra một số nhận xét có thể tham khảo trong quá trình xây dựng Luật về hội ở Việt Nam như sau:

Thứ nhất, hầu như các quốc gia có hiến pháp thành văn đều hiến định quyền tự do lập hội. Điều này cho thấy tầm quan trọng của quyền tự do lập hội đối với việc thực hiện các quyền và tự do chính trị.

 Thứ hai, không phải nước nào trên thế giới cũng có luật riêng về hội.

Nhiều quốc gia trên thế giới không ban hành Luật về hội như một văn bản pháp luật riêng. Việc thành lập, đăng ký và hoạt động của các hội trong từng lĩnh vực sẽ do luật về lĩnh vực đó qui định. Ví dụ như Luật về Công đoàn qui định cụ thể việc thành lập, đăng ký, hoạt động của các tổ chức công đoàn.

Trong khi đó, rất nhiều quốc gia khác ban hành Luật về hội riêng. Xu hướng ban hành Luật về hội riêng khá phổ biến ở các quốc gia Xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Đông Âu trước đây, ở Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác.

Chưa có một nghiên cứu nào đánh giá hiệu quả của việc có luật hội riêng cao hơn hay thấp hơn việc dựa vào các qui định của hiến pháp về quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân. Tuy nhiên, có thể khẳng định là số lượng các quốc gia có Luật về hội riêng nhiều hơn so với số các quốc gia không ban hành luật riêng về hội. Điều đó cho thấy việc ban hành luật riêng về hội có những giá trị riêng nhất định, đặc biệt là trong việc đảm bảo cho các hoạt động của các tổ chức xã hội được diễn ra trong trật tự, tránh gây bất ổn xã hội.

Thứ ba, quyền tự do lập hội gắn liền mật thiết với nghề nghiệp hoặc những lợi ích chung của các nhóm người khác nhau trong xã hội. Phần lớn các hoạt động nghề nghiệp được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành. Ví dụ việc thành lập, đăng ký các hiệp hội luật sư được điều chỉnh bởi Luật Luật sư; các hiệp hội doanh nghiệp được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp... Chính vì vậy, nội dung của luật chung về hội cần chú ý tới đặc thù này để tránh trùng lặp và mâu thuẫn giữa các luật chuyên ngành và luật chung về hội.

Thứ tư, phần lớn các quốc gia khi xây dựng và ban hành pháp luật về hội, dù ban hành riêng hay qui định vấn đề này trong luật chung về hội thì đều viện dẫn trực tiếp hoặc nội luật hóa các qui định của công ước quốc tế về quyền con người.

Thứ năm, việc cấp phép hoặc đăng ký thành lập hội, tổ chức phi chính phủ ở các nước là khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước. Nhìn chung đa phần các quốc gia trên thế giới vẫn duy trì mối quan hệ quản lý thông qua việc thành lập hội, tổ chức phi chính phủ nhưng điều đó được thực hiện theo quy định cụ thể của pháp luật.

Thứ sáu, muốn đảm bảo quản lý đối với các tổ chức xã hội, xã hội dân sự nhưng không hạn chế quyền tự do lập hội của cá nhân, các luật chuyên về hội thường thể hiện những nguyên tắc cơ bản sau đây:

PGS. TS. Tào Thị Quyên, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

----------------------------------

(1) Nếu luật chung về hội thì các điều kiện thành lập phải được xác định ở tầm khái quát nhất để có thể bao hàm tất cả các loại hội. Việc loại trừ một số loại hội khỏi phạm vi điều chỉnh của luật chung là điều không thấy trong luật chuyên về hội ở các quốc gia thuộc nhóm có luật về hội.

(2) Luật về hội không chỉ tập trung qui định các hội có tư cách pháp nhân mà cả hội không có tư cách pháp nhân.

(3) Cơ quan đăng ký hội thường là tòa án, tổ chức công chứng hoặc một thiết chế của Chính phủ. Hầu như rất hiếm có quốc gia (trừ Trung Quốc và Campuchia) giao việc đăng ký và kiểm soát các tổ chức xã hội dân sự cho cơ quan công an. Thủ tục đăng ký đơn giản và ít chi phí là điều dễ nhận thấy trong các luật về hội.

(4) Điều kiện trở thành thành viên của hội thường rất mở ở trong các luật chuyên về hội. Nếu các điều kiện này không được xem xét kỹ về tính hợp hiến, chúng sẽ bị phản đối từ phía xã hội.

(5) Chủ động và tự chủ về tài chính là yêu cầu rất quan trọng trong việc đảm bảo sự độc lập của các hội. Sự độc lập này không chỉ đối với Nhà nước mà đối với các tổ chức xã hội khác.

(6) Các hạn chế đối với quyền tự do lập hội được qui định rất cụ thể trong luật về hội. Chính phủ không ban hành các qui định hạn chế quyền tự do lập hội.

Tài liệu tham khảo

1. Tuyên ngôn thế giới về quyền con người 1948

2. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966

3. Công ước châu Âu về nhân quyền 1950

4. Hiến pháp Italia (Điều 18)

5. Hiến pháp Nam Phi (Mục 18)

6. Hiến chương quyền và tự do Canada (Điều 2)

7. Bộ luật dân sự và thương mại Thái Lan (Điều 1274)

8. Luật về sự liên kết  Anh quốc 1825

9. Luật về hội Pháp 1901

10. Luật về tổ chức phi chính phủ Nga 2006

11. Luật về hội Miến Điện 1988

12. Luật về hội Malaysia 1996

13. Luật tổ chức xã hội Indonesia 2013

14. Luật về đăng ký hội của Miến Điện 2014

Theo: isos.gov.vn