Vai trò của trường Quốc học Huế

Hơn 120 năm nay, cái tên của ngôi trường THPT Chuyên Quốc Học – Huế đã không còn xa lạ đối với cả người dân địa phương cũng như du khách ghé thăm miền đất cố đô này. Có lẽ lí do khiến nhiều người nhớ đến ngôi trường là vì những thành tích nổi bật mà bao thế hệ học sinh đã gây dựng. Tuy nhiên, sau khi đọc bài viết này tôi lại mong các bạn hãy nhớ đến trường Quốc Học Huế với một vẻ đẹp ấn tượng và độc đáo, một ngôi trường mang sắc hồng rực rỡ cạnh dòng sông Hương xanh khiết.

Thường được gọi ngắn gọn là Quốc Học hay Quốc Học - Huế, trường THPT Chuyên Quốc Học Huế được thành lập vào ngày 23 tháng 10 năm 1896. Cùng với Quốc Học Quy Nhơn và Quốc Học Vinh, ngôi trường này là một trong ba trường Quốc Học mà Pháp lập ra ở Trung kì nhằm đào tạo lớp công chức cho Chính phủ Bảo hộ Nam triều.

Cổng trường với lối kiến trúc giao thoa Đông – Tây đặc trưng.

Với 121 năm thành lập và hoạt động, Quốc Học Huế là ngôi trường trung học phổ thông có bề dày lịch sử lâu đời thứ ba tại Việt Nam. Ban đầu trường được xây dựng theo kiểu cũ, nhà tranh vách đất. Sau này khi tu sửa, nâng cấp, người ta chọn lối kiến trúc đương thời của Pháp vào đầu thế kỷ 20. Chính vì thế mà giờ đây ngôi trường mang một nét cổ kính mang hơi hướng châu Âu rất đặc trưng ở xứ Huế. Hiện nay trường tọa lạc tại số 12 đường Lê Lợi, thành phố Huế. Rất dễ để nhận ra trường Quốc Học Huế, một phần vì cổng trường được tô đỏ và xây theo lối kiến trúc cổ rất đặc biệt, một phần vì trường nằm đối diện Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong [hay còn gọi là Bia Quốc Học] rất nổi bật.

Tượng phủ đồng của Hồ Chí Minh, một danh nhân từng học tại trường, được đặc ngay chính giữa lối đi vào.

Là một địa điểm tham quan nổi tiếng với sự hiếu khách, những ai có hứng thú với ngôi trường này đều có thể vào thăm quan mà không tốn một đồng xu nào trừ một số tiền giữ xe rất nhỏ nếu bạn có nhu cầu giữ xe. Cả ba khối lớp sẽ học toàn bộ các buổi sáng, các buổi chiều sẽ có một vài lớp học chuyên và học bộ môn thể dục. Vì thế thời gian thích hợp nhất để ghé thăm trường chính là vào các buổi chiều. Riêng chủ nhật, bạn có thể tạt qua bất cứ lúc nào bạn muốn vì không có lớp học. Cổng trường mở thường xuyên nên bạn có thể vào thăm trường một cách tự nhiên. Nếu bảo vệ có bất chợt “vỗ vai” hỏi thăm thì cũng đừng ngại ngần mà bày tỏ ý muốn được chiêm ngưỡng ngôi trường, chắc chắn bạn sẽ được đón tiếp bằng một giọng cười hồ hởi.

Quanh trường có rất nhiều ghế đá, có thể luôn bắt gặp hình ảnh học sinh ngồi ôn bài.

Khuôn viên trường rất rộng và thích hợp cho những ai thích đi dạo từ từ mà ngắm từng ngóc ngách của trường. Giữa những tán cây và bãi cỏ xanh mướt là những tòa nhà với màu sơn đỏ hồng khiến không gian trở nên hài hòa về màu sắc. Đa số những dãy nhà của trường đều được giữ nguyên kiến trúc Pháp. Duy chỉ có ba dãy nhà mới được xây vài năm trở lại đây để phục vụ cho các phòng ban bộ môn, phòng thí nghiệm và học sinh khối 10. Tuy nhiên những dãy nhà mới này vẫn được xây theo lối cũ pha lẫn chút hiện đại, vì thế mà vẻ đẹp tổng thể của ngôi trường vẫn không thay đổi nhiều.

Màu sắc hài hòa giữa cây xanh và sơn đỏ.

Dù thời tiết nắng gắt vẫn có thể thoải mái dạo bước dưới những tán cây xanh.

Phòng học tuy sơn mới nhưng vẫn giữ lối kiến trúc Pháp với hành lang bên trong mỗi phòng, khiến đông ấm, hè mát.

Hành lang phía ngoài của dãy phòng học mang nét đẹp cổ kính khó cưỡng.

Huế nói chung chỉ có hai mùa nắng – mưa. Nhưng ở trường Quốc Học Huế, bốn mùa diễn ra rõ ràng hơn bao giờ hết, mỗi mùa mang một màu sắc riêng biệt. Nếu đã hoặc đang là một người học tập và làm việc tại Quốc Học, bạn thật sự là một người may mắn khi đã được chiêm ngưỡng bức tranh tứ bình này. Còn nếu bạn là du khách, hãy cố gắng bước vào cổng trường Quốc Học ít nhất bốn lần trong năm để làm nên một bức tranh hoàn thiện cho mình nhé! Một năm học tại trường thường bắt đầu vào lúc tháng 8. Độ này có thể ví như mùa “thu” với không khí đã dịu mát hơn nhiều so với những ngày nắng hè đổ lửa. Đây chính là thời điểm mà lá cây sau sau [còn gọi là cây phong hương] được trồng ở cạnh nhà chơi ngả vàng. Chỉ trong một vài tuần, cái cây sau sau duy nhất này sẽ rực rỡ sắc vàng lá thu, và thảm cỏ xanh ngày nào cũng đã được lấp đầy bởi đống lá khô bạc màu đậm chất mùa thu trời Âu.

Thảm lá vàng dưới cây sau sau.

Từ cuối năm cho đến đầu năm mới là thời điểm mà sân trường luôn ẩm ướt và phủ đầy lá rụng bởi những cơn mưa dai dẳng và tầm tã đặc trưng của cố đô. Dù là cái cây đẹp nhất đi chăng nữa cũng đã trụi gần hết lá, để lại một màu sắc tuy ảm đạm nhưng không kém phần hữu tình. Vì thế khoảng thời gian này được ví như những ngày “đông” không có tuyết.

Nét đẹp riêng của trường vào những ngày rét buốt.

Loài hoa đặc trưng nhất ở trường Quốc Học Huế chắc chắn là hoa điệp anh đào, được trồng 2 dãy song song với hai dãy phòng học chính của trường. Cứ mỗi mùa Tết đến là thi nhau nở rộ, một vài cánh hoa mong manh thì rơi xuống chầm chậm, lãng mạn hơn bao giờ hết, cứ thế cho đến hết tháng 4. Những ngày “xuân” ở đây tràn ngập những cánh màu hồng nhạt.

Sắc hồng nhẹ mùa hoa điệp anh đào, loài hoa đặc trưng của trường.

Càng gần lúc tạm biệt một năm học, những cây phượng xung quanh thư viện lại càng đỏ rực như báo hiệu cái nắng mùa “hạ” đã sắp đến. Màu đỏ của trường đã chói chang, nay còn được màu đỏ phượng vĩ tô thêm, khiến cho một góc trời trở nên rực rỡ sắc màu. Phượng vĩ bung hoa khép lại một năm cuộc đời học sinh, đồng thời cũng hoàn thiện mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh tứ bình “trời phú” cho ngôi trường này.

Phượng vĩ thắp lửa một góc trời.

Sau hàng thập kỷ, Quốc Học vẫn mang cho mình một dáng vẻ đạo mạo, trải đời của một người đã làm nhân chứng cho bao năm lịch sử, đồng thời cũng mang một nét dịu dàng, thanh lịch như chính những người con đất Phú Xuân này. Cùng với những thay đổi của cuộc sống, trường Quốc Học Huế giờ mang thêm một dáng dấp năng động, trẻ trung được tạo nên từ những thế hệ học sinh trẻ tuổi đầy hoài bão. Có thể nói, Quốc Học lột xác nhưng vẫn giữ được cốt cách.

Quốc Học – Huế, một phần thanh xuân không thể thiếu của bao thế hệ.

Học sinh Quốc Học chúng tôi hay kháo nhau rằng “Quốc Học cứ cầm máy lên chụp là tự động có ảnh đẹp”. Cái ham muốn chụp ảnh trường cho “đã mắt, sướng tay” chưa bao giờ dừng kể từ khi bước vào trường. Bao người tốt nghiệp rồi mọi năm vẫn phải ghé qua một lần khi có dịp để thỏa cái lòng yêu trường. Không dễ gì tìm được một nơi vừa làm động lòng kẻ ở, vừa làm xao xuyến kẻ thăm như trường Quốc Học Huế.
Tác giả: Nguyễn Đức Lê Hoàng
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal.

Video liên quan

Chủ Đề