Xác định nội dung học thuyết Đacuyn

 HỌC THUYẾT TIẾN HÓA CỦA ĐÁCUYN

       Charles Robert Đácuyn [1809 - 1882] là nhà sinh học vĩ đại người Anh đã đặt nền móng vững chắc cho học thuyết tiến hoá. Lý thuyết tiến hoá của Đácuyn đề cập 3 vấn đề là:

  • Sự phát sinh biến dị và sự di truyền các biến dị là cơ sở, giải thích sự phân hoá đa dạng trong một loài.
  • Sự chọn lọc các biến dị có lợi, kết quả là sự sống sót và phát triển ưu thế của những dạng thích nghi hơn.
  • Sự phân ly dấu hiệu và sự cách ly dẫn tới hình thành loài mới.

1. Cơ sở của quá trình tiến hóa

        Biến dị và di truyền là cơ sở của quá trình tiến hóa. Nhờ cả hai đặc tính trên sinh vật mới có thể tiến hoá thành nhiều dạng phong phú, đồng thời vẫn giữ được những đặc điểm riêng của thứ và loài.

        Đácuyn gọi biến dị cá thể, đó là sự phát sinh những điểm sai khác giữa các cá thể cùng loài trong quá trình sinh sản.

         Tính di truyền là cơ sở sự tích lũy biến dị nhỏ thành biến đổi lớn.

2. Nguồn gốc giống vật nuôi, cây trồng

        Mỗi loài vật nuôi cây trồng bao gồm nhiều giống rất đa dạng, phong phú. Ví dụ, gà nhà có vài trăm giống khác nhau. Trên thế giới, có tới 400 giống bò, 350 giống chó, gần 1.000 giống nho.

         Mỗi giống vật nuôi, cây trồng trong từng loài đều thích nghi với nhu cầu nhất định của con người. Ví dụ, các giống ngựa thồ, ngựa kéo, ngựa đua,... các giống săn, chó giữ nhà, chó cảnh,...

         Nhân tố chính trong quá trình hình thành các giống vật nuôi, cây trồng là chọn lọc nhân tạo.

3. Chọn lọc nhân tạo

        Sinh vật không ngừng phát sinh biến dị theo nhiều hướng không xác định. Con người loại bỏ các cá thể mang biến dị không phù hợp, đồng thời giữ lại và ưu tiên cho sinh sản những cá thể nào mang biến dị có lợi. Quá trình này tiến hành qua nhiều thế hệ làm vật nuôi, cây trồng biến đổi sâu sắc Sự chọn lọc theo những mục đích khác nhau làm vật nuôi, cây trồng đã biến đổi theo những hướng khác nhau.

        Kết quả, từ một vài loài hoang dại, đã tạo nhiều giống vật nuôi, cây trồng thích nghi với nhu cầu nhất định của con người. Các giống vật nuôi, cây trồng trong phạm vi một loài đều có chung một hoặc vài dạng tổ tiên hoang dại. 

       Tính chất của chọn lọc nhân tạo là do con người tiến hành, vì lợi ích của người.

       Động lực thúc đẩy chọn lọc nhân tạo là nhu cầu kinh tế, thị hiếu, thẩm mỹ của con người. Kết quả của chọn lọc nhân tạo là tạo ra nhiều giống vật nuôi, cây trồng trong phạm vi một loài từ một hoặc vài dạng tổ tiên hoang dại.

4. Phân ly tính trạng

      Phân ly tính trạng là quá trình từ một dạng ban đầu dần dần biến đổi theo hướng ngày càng sai khác nhau.

       Nguyên nhân là sự chọn lọc tiến hành theo những hướng khác nhau trên cùng một đối tượng.

       Nội dung của phân ly tính trạng bao gồm hai mặt vừa đào thải những hướng biến đổi trung gian không đáng để ý, vừa có sự tích luỹ, tăng cường những hướng biến đổi đặc sắc nhất.

5. Chọn lọc tự nhiên

       CLTN là sự phân hóa về khả năng sống sót của các cá thể trong quần thể. Đối tượng của CLTN là các cá thể nhưng kết quả của CLTN lại tạo nên loài sinh vật có đặc điểm thích nghi với môi trường.

        CLTN là cơ chế tiến hóa giải thích được sự thống nhất trong đa dạng của sinh giới.

        Nội dung của chọn lọc tự nhiên bao gồm hai quá trình song song là đào thải những biến dị có hại, và tích luỹ những biến bị có lợi cho bản thân sinh vật, là quá trình sống sót của những dạng sinh vật thích nghi nhất.

        Cơ sở của chọn lọc tự nhiên [CLTN] dựa trên hai đặc tính cơ bản của sinh vật là biến dị và di truyền.

        Động lực của CLTN là quá trình đấu tranh sinh tồn hiểu theo nghĩa rộng. Cạnh tranh cùng loài là động lực chủ yếu trong sự tiến hoá của loài làm cho loài được chọn lọc theo hướng ngày càng thích nghi với điều kiện sống.

        Kết quả của CLTN là sự tồn tại những sinh vật thích nghi với điều kiện sống.

6. Sự hình thành đặc điểm thích nghi

        Chọn lọc tự nhiên có vai trò sáng tạo các đặc điểm thích nghi.

       Đácuyn quan niệm mỗi đặc điểm thích nghi trên cơ thể sinh vật chỉ hợp lý một cách tương đối, nghĩa là có giá trị đến một mức độ nhất định trong những điều kiện nhất định. Mỗi đặc điểm thích nghi chỉ có lợi cho sinh vật trong hoàn cảnh đã sinh ra nó.

        Khi hoàn cảnh sống thay đổi, đặc điểm thích nghi có lợi trong hoàn cảnh cũ, nhưng có thể bất lợi trong hoàn cảnh mới. Lúc này tính chất hợp lý không còn nữa. Khi đó, chọn lọc tự nhiên diễn ra theo chiều hướng mới, tích luỹ biến dị theo hoàn cảnh mới và khi điều kiện sống ít thay đổi thì chọn lọc tự nhiên vẫn diễn ra.

7. Sự hình thành loài mới

        Loài mới được hình thành dần dần, liên tục qua nhiều dạng trung gian theo con đường phân ly tính chất dưới tác dụng của chọn lọc tự nhiên.

8. Chiều hướng tiến hoá của sinh giới

Sinh giới tiến hoá theo 3 chiều hướng chính là:

[1] - Ngày càng đa dạng, phong phú được biểu hiện số loài ngày càng nhiều, sự phân hoá nội bộ trong từng nhóm phân loại ngày càng sâu sắc.

[2] - Trình độ tổ chức ngày càng cao thể hiện trong cơ thể có sự phân hoá về cấu tạo, sự chuyên hoá về chức phận, đồng thời tăng cường sự thống nhất giữa các bộ phận.

[3] - Thích nghi ngày càng hoàn thiện: trong mỗi hướng chọn lọc các dạng ra đời sau thích nghi hợp lý hơn những dạng ra đời trước.

9. Cống hiến và tồn tại của học thuyết Đácuyn

a] Cống hiến

        Đácuyn đã giải đáp vấn đề nguồn gốc các loài trên quan điểm duy vật và theo phương pháp lịch sử. Loài là sản phẩm của chọn lọc tự nhiên. Các loài biến đổi theo thời gian và không gian. Mỗi loài có một lịch sử phát sinh phát triển và diệt vong trong những điều kiện nhất định. Các loài ngày nay đều xuất phát từ một nguồn gốc chung.

b]Tồn tại

- Đácuyn chưa đưa ra khái niệm “Loài”.

- Chưa đi sâu vào quá trình cụ thể của sự hình thành loài mới.

- Hạn chế trong quan niệm của Đácuyn là chưa hiểu rõ nguyên nhân phát sinh biến dị và cơ chế di truyền các biến dị.

VnHocTap.com giới thiệu đến các em học sinh lớp 12 bài viết Học thuyết của Đacuyn, nhằm giúp các em học tốt chương trình Sinh học 12.

Nội dung bài viết Học thuyết của Đacuyn: Đacuyn [Charles Robert Darwin 1809 – 1882] – nhà tự nhiên học người Anh đã đặt nền móng vững chắc cho học thuyết tiến hoá với tác phẩm nổi tiếng “Nguồn gốc các loài” [1859]. 1. Biến dị và di truyền Đacuyn là người đầu tiên dùng khái niệm biến dị cá thể [gọi tắt là biến dị] để chỉ sự phát sinh những đặc điểm sai khác giữa các cá thể cùng loài trong quá trình sinh sản. Loại biến dị này xuất hiện ở từng cá thể riêng lẻ và theo những hướng không xác định, là nguồn nguyên liệu chủ yếu của chọn giống và tiến hoá. Ông nhận xét rằng : tác dụng trực tiếp của ngoại cảnh hay của tập quán hoạt động ở động vật chỉ gây ra những biến đổi đồng loạt theo một hướng xác định, tương ứng với điều kiện ngoại cảnh, ít có ý nghĩa trong chọn giống và tiến hoá. Theo Đacuyn, tính di truyền là cơ sở cho sự tích luỹ các biến dị nhỏ thành các biến đổi lớn. Nhờ hai đặc tính di truyền và biến dị, sinh vật mới tiến hoá thành nhiều dạng, đồng thời vẫn giữ được đặc điểm riêng của từng loài. Tuy nhiên, do hạn chế của trình độ khoa học đương thời, Đacuyn chưa thể hiểu rõ về nguyên nhân phát sinh biến dị và cơ chế di truyền các biến dị.

2. Chọn lọc Trong một quần thể vật nuôi hay cây trồng, các biến dị xuất hiện có thể có lợi hoặc bất lợi cho người, do đó sự chọn lọc nhân tạo diễn ra : vừa đào thải những biến dị bất lợi, vừa tích luỹ những biến dị có lợi phù hợp với mục tiêu sản xuất của con người. Chọn lọc nhân tạo là nhân tố chính quy định chiều hướng và tốc độ biến đổi của các giống vật nuôi, cây trồng. Nó giải thích vì sao mỗi giống vật nuôi hay cây trồng đều thích nghi cao độ với một nhu cầu xác định của con người. Liên hệ với chọn lọc nhân tạo, Đacuyn cho rằng trong tự nhiên cũng diễn ra quá trình chọn lọc. Chọn lọc tự nhiên vừa đào thải những biến dị có hại vừa bảo tồn, tích luỹ các biến dị có lợi cho sinh vật. Tác động của chọn lọc tự nhiên đã phân hoá về khả năng sống sót và sinh sản của các cá thể trong quần thể. Nếu động lực thúc đẩy chọn lọc nhân tạo là nhu cầu về kinh tế và thị hiếu phức tạp luôn luôn thay đổi của con người, thì động lực thúc đẩy chọn lọc tự nhiên là đầu tranh sinh tồn vì sinh vật phải thường xuyên chống chọi với những yếu tố bất lợi, giành lấy những điều kiện thuận lợi của môi trường mới tồn tại, phát triển được. Chọn lọc tự nhiên tác động thông qua đặc tính biến dị và di truyền, là nhân tố chính trong quá trình hình thành các đặc điểm thích nghi trên cơ thể sinh vật và sự hình thành loài mới. Chọn lọc tự nhiên diễn ra theo nhiều hướng, trên quy mô rộng lớn và qua thời gian lịch sử lâu dài, tạo ra sự phân li tính trạng, dẫn tới sự hình thành nhiều loài mới qua nhiều dạng trung gian từ một loài ban đầu. Đây là cơ sở để Đacuyn xây dựng luận điểm về nguồn gốc thống nhất của các loài, chứng minh rằng toàn bộ sinh giới ngày nay là kết quả quá trình tiến hoá từ một nguồn gốc chung.

Video liên quan

Chủ Đề