15 tiêu chí đánh giá giáo viên tiểu học

Tiêu chí 1. Mẫu mực với học sinh: lối sống lành mạnh, văn minh, chuẩn mực, tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc, ứng xử thân thiện với học sinh.

Tiêu chí 2. Phẩm chất đạo đức nhà giáo: lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm với nghề nghiệp, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo.

Năng lực chuyên môn, ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin:

Có kiến thức, kỹ năng về chuyên môn, ngoại ngữ, tin học đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo và yêu cầu dạy học, giáo dục.

Tiêu chí 3. Năng lực chuyên môn: vận dụng và phát triển trình độ chuyên môn được đào tạo trong dạy học và giáo dục

Tiêu chí 4. Năng lực sử dụng ngoại ngữ: sử dụng ngoại ngữ [hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với giáo viên công tác ở vùng dân tộc thiểu số] trong hoạt động chuyên môn và giáo dục.

Tiêu chí 5. Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin: ứng dụng được công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn và giáo dục.

Năng lực nghiệp vụ sư phạm:

Có kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ sư phạm đáp ứng yêu cầu của hoạt động dạy học và giáo dục.

Tiêu chí 6. Năng lực lập kế hoạch, tổ chức quá trình dạy học và giáo dục: vận dụng được các phương pháp và kỹ thuật trong việc lập kế hoạch, tổ chức dạy học và hoạt động giáo dục.

Tiêu chí 7. Năng lực sáng tạo và dạy học hiệu quả: thiết kế, áp dụng được các phương pháp, khai thác, phát triển học liệu, phương tiện dạy học hiệu quả, phù hợp đối tượng học sinh.

Tiêu chí 8. Năng lực đánh giá học sinh: thiết kế, sử dụng được các công cụ, phương pháp đánh giá học sinh đúng quy định, hỗ trợ học sinh tiến bộ trong quá trình học tập và rèn luyện.

Tiêu chí 9. Năng lực tư vấn và hỗ trợ học sinh: am hiểu học sinh, tư vấn, hướng dẫn, chăm sóc, hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập và hướng nghiệp.

Năng lực xây dựng, thực hiện môi trường giáo dục dân chủ:

Thực hiện các quyền và nghĩa vụ của bản thân, xây dựng và phát triển môi trường dân chủ trong nhà trường.

Tiêu chí 10. Năng lực thực hiện quy chế dân chủ: thực hiện đúng vai trò được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra của giáo viên trong hoạt động của nhà trường.

Tiêu chí 11. Năng lực phát huy quyền dân chủ của học sinh và đồng nghiệp: tạo dựng được môi trường học tập dân chủ, thân thiện, bình đẳng, hợp tác, khuyến khích sự sáng tạo

Tiêu chí 12. Năng lực phát huy quyền dân chủ của cha mẹ học sinh và tổ chức, cá nhân có liên quan: tạo dựng được môi trường dân chủ, thân thiện, bình đẳng, hợp tác thân thiện với cha mẹ học sinh và các tổ chức, cá nhân có liên quan

Năng lực xây dựng các quan hệ xã hội

Sẵn sàng phục vụ, hợp tác và thân thiện với các bên liên quan trong và ngoài nhà trường.

Tiêu chí 13. Năng lực xây dựng mối quan hệ với học sinh: hợp tác, hỗ trợ học sinh phát triển, thúc đẩy hoạt động giáo dục và đào tạo.

Tiêu chí 14. Năng lực xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên: xây dựng mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ đồng nghiệp và cấp trên, tạo môi trường văn hóa trong trường học.

Tiêu chí 15. Năng lực xây dựng mối quan hệ với cha mẹ học sinh, tổ chức, cá nhân có liên quan: xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với cha mẹ học sinh, tổ chức, cá nhân có liên quan

Theo dự thảo này, mỗi giáo viên được đánh giá theo từng tiêu chí và đánh giá chung. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo các mức “đạt”, “khá”, “tốt” và “không đạt”. Đối với mức "đạt”, “khá”, “tốt” của tiêu chí: giáo viên cần đáp ứng yêu cầu của mức đó kèm theo minh chứng phù hợp. Đối với mức “không đạt”: giáo viên không đáp ứng được yêu cầu mức đạt của tiêu chí hoặc không có minh chứng để chứng minh.

Căn cứ vào kết quả đánh giá từng tiêu chí, giáo viên sẽ được xếp loại đánh giá chung các mức độ “đạt”, “khá”, “tốt” hoặc “không đạt”. Mức đạt, toàn bộ các tiêu chí phải được đánh giá từ mức đạt trở lên.

Mức khá, có tất cả các tiêu chí được đánh giá từ mức đạt trở lên, trong đó đảm bảo tối thiểu 12/15 tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, trong đó các tiêu chí ở tiêu chuẩn 2 và tiêu chuẩn 3 được xếp ở mức khá trở lên.

Mức tốt, có tất cả các tiêu chí được đánh giá từ mức khá, trong đó đảm bảo tối thiểu 12/15 tiêu chí đạt từ mức tốt, trong có các tiêu chí ở tiêu chuẩn 2 và tiêu chuẩn 3 được xếp ở mức tốt. Mức không đạt, có từ 1 tiêu chí trở lên không đáp ứng yêu cầu của mức đạt.

Theo định kỳ hằng năm, giáo viên tự rà soát, đánh giá vào mỗi cuối năm học để tự xác định mức độ đạt được theo chuẩn, từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Theo định kỳ 3 năm/lần nhà trường tổ chức đánh giá giáo viên theo chuẩn.

Ngày 26/3/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Dự thảo Thông tư Ban hành quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông nhằm thay thế Quyết định số 14/2007/QĐ-BGDĐT ngày 04 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học và Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định Chuẩn hiệu về chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở, giáo viên trung học phổ thông. Theo Bộ GDĐT, việc ban hành quy chuẩn nghề nghiệp giáo viên nhằm giúp giáo viên tự đánh giá từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đồng thời làm cơ sở để rà soát, sắp xếp cán bộ giáo viên chưa đạt chuẩn tối thiểu, không đáp ứng yêu cầu công việc để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp.

Theo dự thảo này, chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông dự kiến có 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí về phẩm chất nghề nghiệp; năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin; nghiệp vụ sư phạm; năng lực xây dựng, thực hiện môi trường giáo dục dân chủ; và năng lực xây dựng các quan hệ xã hội…

Mỗi giáo viên được đánh giá theo từng tiêu chí và đánh giá chung. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo các mức “Đạt”, “Khá”, “Tốt” và “Không đạt” dựa trên báo cáo tự đánh giá, các minh chứng và ý kiến khảo sát từ đồng nghiệp.

Ví dụ tiêu chí về năng lực ngoại ngữ dùng để đánh giá khả năng sử dụng ngoại ngữ [hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với giáo viên công tác ở vùng dân tộc thiểu số] trong hoạt động dạy học và giáo dục.

Với giáo viên tiểu học, để được đánh giá là đạt, họ chỉ cần biết sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc ở mức cơ bản và chứng minh bằng cách có chứng chỉ, giấy chứng nhận hoặc giấy xác nhận trình độ ngoại ngữ đạt bậc 1 theo quy định khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hoặc các chứng chỉ tương đương.

Để đạt loại khá, họ phải sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc để khai thác thông tin phục vụ cho hoạt động dạy học và giáo dục. Minh chứng được công nhận là chứng chỉ, giấy chứng nhận hoặc xác nhận trình độ ngoại ngữ đạt mức 2/6 và phiếu dự giờ, biên bản sinh hoạt chuyên môn hoặc biên bản họp hội đồng sư phạm. Và giáo viên tiểu học chỉ cần có thêm báo cáo, bài báo hay sáng kiến được đăng tải thể hiện nội dung mức độ đạt được là sẽ được đưa lên loại tốt.

Với giáo viên THCS, THPT, giáo dục thường xuyên và giáo viên trường trực thuộc Bộ, các minh chứng về năng lực ngoại ngữ tương tự giáo viên tiểu học nhưng yêu cầu về bậc năng lực ngoại ngữ cao hơn. Cụ thể, giáo viên được đánh giá đạt và khá phải có trình độ ở mức 2/6, giáo viên được đánh giá tốt phải có chứng chỉ xác nhận trình độ 3/6 theo quy định khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hoặc các chứng chỉ tương đương.

Theo định kỳ hằng năm, giáo viên tự rà soát, đánh giá vào mỗi cuối năm học để tự xác định mức độ đạt được theo Chuẩn, từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Theo định kỳ 3 năm/lần, nhà trường tổ chức đánh giá giáo viên theo Chuẩn.

Về quy trình đánh giá, hiệu trưởng các trường chỉ đạo xây dựng kế hoạch đánh giá giáo viên theo chuẩn và thành lập hội đồng đánh giá. Số lượng thành viên hội đồng từ 5 người trở lên. Hội đồng đánh giá sẽ lần lượt lấy ý kiến của các bên liên quan như báo cáo tự đánh giá của giáo viên, ý kiến khảo sát của đồng nghiệp, tổng hợp kết quả đánh giá của đồng nghiệp. Sau đó, hội đồng có nhiệm vụ tổng kết lại, kiểm tra minh chứng để đánh giá mức đạt theo từng tiêu chí và mức đạt chung. Hoàn thành các bước trên, hội đồng đánh giá sẽ gửi kết quả cho giáo viên, trao đổi với họ nếu có những điểm khác biệt. Kết quả cuối cùng do Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch hội đồng đánh giá quyết định và dựa trên minh chứng. Mọi kết quả đạt chuẩn sẽ được báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên và danh sách giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp sẽ được công khai.

Dự thảo này được Bộ GD-ĐT tham khảo ý kiến góp ý đến hết ngày 25/5/2018.

Tham khảo thêm tại:

//vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/chuan-nghe-nghiep-giao-vien-pho-thong-co-15-tieu-chi-438075.html

//vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/giao-vien-tieu-hoc-chi-can-dat-ngoai-ngu-bac-1-6-3728128.html

//laodong.vn/giao-duc/muon-duoc-cong-nhan-dat-chuan-giao-vien-nha-giao-phai-co-chung-chi-ngoai-ngu-598071.ldo

Chủ Đề