Án lệ là gì ví dụ

Án lệ quốc tế là gì? Đối với sự phát triển của pháp luật quốc tế và cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO án lệ đóng vai trò như thế nào? Để lý giải những câu hỏi này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây nhé!

Án lệ quốc tế là gì?

Ở Việt Nam, việc hình thành, công nhận cũng như áp dụng án lệ được đánh dấu bởi Nghị quyết số 49/NQ-TW ban hành ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp tới năm 2020.

Để thể chế hoá tinh thần của Nghị quyết 49, hội đồng tư pháp đã ban hành thêm Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP. Sau đó nó được thay thế bởi Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP có quy định về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ và đưa ra khái niệm về án lệ chính thức.

Cụ thể, theo Điều 1 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP có định nghĩa về án lệ như sau:

Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Theo đó, pháp luật Việt Nam hiện nay đã xây dựng khái niệm hoàn thiện về thuật ngữ án lệ. Trong đó, án lệ được quy định không phải là toàn bộ bản án, quyết định của Toà án nhân dân mà chỉ là những nội dung chứa đựng lập luận để giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và đưa ra nguyên tắc hay quy phạm pháp luật cần áp dụng hay là lý do để TAND đưa ra các phán quyết.

Không phải bất cứ phán quyết có hiệu lực pháp luật nào của Toà án nhân dân cũng có thể trở thành án lệ. Để có thể xem là án lệ thì bản án, quyết định của Toà án cần phải đáp ứng một số điều kiện nhất định.

Nguyên tắc áp dụng án lệ? Quy trình lựa chọn án lệ

Nguyên tắc áp dụng án lệ

Trước 15/7/2019: Nguyên tức áp dụng án lệ như sau:

Bảo đảm các vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau cần phải được giải quyết như nhau:

  • Số án lệ, bản án, quyết định của Toà án có chứa án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, các vấn đề pháp lý trong án lệ [nội dung khái quát của án lệ] cần phải được viện dẫn, phân tích trong phần Nhận định của Tòa án.
  • Tuỳ vào từng trường hợp cụ thể khác nhau có thể trích dẫn nguyên văn các nội dung hạt nhân của án lệ để làm rõ quyết định của Toà án nhân dân trong việc xét xử, giải quyết những vụ việc tương tự.

Kể từ ngày 15/7/2019: Nguyên tắc áp dụng án lệ như sau:

Bảo đảm các vụ việc có tình huống pháp lý tương tự cần phải được giải quyết như nhau:

  • Số án lệ, tên án lệ, tình huống và giải pháp pháp lý trong án lệ cũng như tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết được viện dẫn và phân tích tại phần Nhận định của Tòa án.
  • Căn cứ vào từng tình huống cụ thể chúng ta có thể trích dẫn toàn bộ hay 1 phần nội dung của án lệ để làm rõ ràng quan điểm của Toà án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự.

Quy trình lựa chọn án lệ hiện nay

Án lệ được hình thành dựa theo các bước cơ bản dưới đây:

Bước 1: Đề xuất bản án và quyết định để phát triển thành án lệ

Các cá nhân, cơ quan và tổ chức có thể gửi bản đề xuất bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân chứa đựng lập luận, pháp quyết đáp ứng đủ các tiêu chí lựa chọn án lệ cho TAND tối cao xem xét và phát triển thành án lệ.

Các toà án có trách nhiệm tổ chức rà soát và phát hiện bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân mình chứa đựng lập luận, phát quyết đáp ứng những tiêu chí lựa chọn án lệ và gửi tới TAND tối cao để xem xét và phát triển thành án lệ.

Bước 2: Lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất chọn lựa, phát triển thành án lệ.

Các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn và phát triển thành án lệ. Nội dung đề xuất là án lệ và dự thảo án lệ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của TAND [Tòa án nhân dân] tối cao để những Tòa án, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, cá nhân và cơ quan, tổ chức quan tâm tham gia đưa ra ý kiến trong khoảng thời gian tối đa là 30 ngày.

Nếu bản án, quyết định do Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao đề xuất hay được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chọn lựa khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thì việc lấy ý kiến của họ là không bắt buộc.

Dựa trên cơ sở kết quả lấy ý kiến rộng rãi với các bản án, quyết định được đề xuất chọn lựa, phát triển thành án lệ. Khi đó, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ, Chánh án Tòa án nhân dân [TAND] tối cao xem xét, quyết định về việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ.

Bước 3: Thành lập Hội đồng tư vấn án lệ

Hội đồng tư vấn án lệ do Chánh án TAND tối cao thành lập có ít nhất 9 thành viên. Đồng thời, chủ tịch Hội đồng chính là Chủ tịch Hội đồng khoa học Tòa án nhân dân tối cao. Trong đó 1 Phó Chủ tịch Hội đồng chính là Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học TAND tối cao, những thành viên khác chính là đại diện Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện cơ quan và tổ chức có liên quan, những chuyên gia về pháp luật và 1 đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế & Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao [đồng thời cũng là Thư ký Hội đồng].

Nếu tư vấn án lệ về hình sự thì thành phần của Hội đồng tư vấn án lệ cần phải có đại diện Cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Bước 4: Lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ

Căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP có quy định Hội đồng tư vấn án lệ cần có trách nhiệm thảo luận cho ý kiến với các bản án, quyết định sẽ được đề xuất lựa chọn và phát triển thành án lệ. Theo đó, nội dung đề xuất là án lệ và dự thảo án lệ.

Việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ cần được thực hiện qua phiên họp thảo luận trực tiếp hay văn bản. Chủ tịch của Hội đồng tư vấn án lệ quyết định phương thức lấy ý kiến của những thành viên Hội đồng và báo cáo lên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để lấy kết quả tư vấn.

Bước 5: Thông qua án lệ

Sau khi những bản án, quyết định được đề xuất chọn lựa, phát triển thành án lệ được lấy ý kiến dựa theo hướng dẫn tại Điều 4 và Điều 5 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, Chánh án TAND tối cao sẽ tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để tiến hành thảo luận, biểu quyết thông qua án lệ.

Nếu án lệ được phát triển từ bản án, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao đề xuất hay được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chọn lựa khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, quy trình chọn lựa, thông qua án lệ được rút gọn dựa theo hướng Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xem xét thông qua án lệ và không nhất thiết phải qua các bước lấy ý kiến căn cứ theo hướng dẫn tại Điều 4 và Điều 5 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP.

Phiên họp chọn lựa, thông qua án lệ của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên tham gia. Đồng thời quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần phải được quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành. Theo đó, kết quả biểu quyết cần phải được ghi vào biên bản phiên họp chọn lựa, thông qua án lệ của Hội đồng Thẩm phán. Đó cũng là căn cứ để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố án lệ.

Bước 6: Công bố án lệ

Dựa trên cơ sở kết quả biểu quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về việc thông qua án lệ, Chánh án TAND tối cao công bố án lệ.

Nội dung của án lệ được công bố gồm: Số, tên án lệ; số và tên bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có nội dung được phát triển thành án lệ; các tình huống pháp lý, những giải pháp pháp lý của án lệ; các quy định của pháp luật có liên quan tới án lệ; các tình tiết trong vụ án và phán quyết của Tòa án nhân dân có liên quan đến án lệ; từ khoá về các tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ; nội dung của án lệ.

Vai trò của án lệ đối với sự phát triển của pháp luật quốc tế

Cho dù không có giá trị pháp lý bắt buộc như 2 loại nguồn cơ bản của luật quốc tế này đều là điều ước quốc tế và tập quán quốc tế, án lệ đóng ai trò quan trọng và có giá trị khoa học pháp lý thực tiễn cao.

Thứ nhất, nó là cơ sở th tế có tính thuyết phục cao để xác định các tiêu chuẩn pháp lý chung. Nhất là khi có sự thống nhất về 1 vấn đề nào đó của luật quốc tế. Án lệ có vai trò quan trọng trong việc thể hiện các khía cạnh cơ bản sau đây:

Một là những án lệ khi được viện dân có ý nghĩa rất quan trọng trong việc làm sáng tỏ nội hàm của 1 khái niệm pháp lý trong pháp luật quốc tế. Đó có thể được coi là 1 vai trò cơ bản và rõ ràng của các án lệ.

Ví dụ trong phán quyết về vụ Las Palmas, chủ quyền lãnh thổ được định nghĩa là sự bao hàm đặc quyền thể hiện trong các hoạt động của 1 quốc gia. Quyền này có nghĩa vụ tương ứng nghĩa vụ của các quốc gia bảo vệ ở phạm vi lãnh thổ đó với quyền của các quốc gia khác. Cụ thể là quyền đối với sự toàn vẹn và bất khả xâm phạm trong chiến tranh và hòa bình. Đi cùng với các quyền mà mỗi quốc gia có thể viện dẫn với công dân của mình ở lãnh thổ nước ngoài

Tòa án Công lý quốc tế trong vụ Nottebohm đã đưa ra bản chất của mối quan hệ quốc tịch khi coi quốc tịch là mối liên hệ pháp lý có nền tảng là sự gắn bó thực tế về xã hội. Đây là một mối liên kết thực sự của đời sống và tình cảm, kèm theo sự tồn tại của các quyền và nghĩa vụ tương hỗ. Quốc tịch đó tạo ra sự công nhận về pháp lý thực tế cho rằng cá nhân có được quốc tịch. Nói một cách trực tiếp bởi luật pháp hay hành vi của các cơ quan công quyền, nó có sự gắn kết với dân cư của quốc gia cấp quốc tịch chặt chẽ hơn là với dân cư của một quốc gia nào khác.

Tương tự đó là vấn đề bảo hộ ngoại giao với người có 2 quốc tịch trong vụ Nottebohm hay vấn đề bảo lưu điều ước quốc tế trong vụ Genocide. Tại vụ này, Tòa án đã làm sáng tỏ bằng việc thực hiện quyền bảo lưu với 1 hoặc 1 số điều khoản của điều ước quốc tế nếu điều ước không quy định rõ điều khoản được phép bảo lưu. Tòa án đã kết luận rằng, vấn đề bảo lưu trong trường không thể đặt ra đối với những điều khoản mà dẫn tới sự mâu thuẫn với mục đích và đối tượng của điều ước quốc tế.

Hai là, thông qua những nội dung cơ bản về các nguyên tắc và quy phạm luật quốc tế của án lệ được ghi nhận và làm rõ trong các điều ước quốc tế. Những phán quyết của Tòa án quốc tế lại có giá trị khẳng định các quy phạm pháp luật quốc tế đã được ghi nhận trong những điều ước quốc tế [gồm cả các dự thảo điều ước quốc tế] và các tập quán quốc tế tồn tại khi ban hành phán quyết. Ví dụ như Điều 31 của Công ước Vienna về Luật Điều ước quốc tế được khẳng định trong các phán quyết của Tòa án trong vụ Territorial Dispute [Lybia và Chad] năm 1990 và trong kết luận tư vấn của Tòa ná về tính chất hợp pháp của việc xây dựng bức tường tại phần lãnh thổ của người Palestine, nói về quyền tự vệ hợp pháp trong vụ Gabcikovo Nagymaros hay trong những điều 4, 8 và 16 của Dự thảo các điều luật về trách nhiệm pháp lý quốc tế tại quốc gia trong vụ việc liên quan tới việc áp dụng Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng [Bosnia Herzegovina và Nam Tư].

Ba là, những án lệ có ý nghĩa khẳng định sự tồn tại 1 vấn đề cơ bản ở các lĩnh vực trong khoa học luật quốc tế mà tính tới thời điểm hiện nay quá trình pháp điển hóa vẫn còn đang tiếp diễn, ví dụ như vấn đề trách nhiệm pháp lý quốc tế. Trong vụ Spanish Zone of Marocco năm 1923, Tòa Thường trực Hội quốc liên đã kết luận rằng: trách nhiệm pháp lý là một hệ quả tất yếu của một quyền. Tất cả các quyền của một chủ thể luật quốc tế đều liên hệ tới trách nhiệm pháp lý quốc tế. Trách nhiệm pháp lý dẫn đến nghĩa vụ thực hiện việc bồi thường nếu những nghĩa vụ được nói đến là không được thực thi. Hơn nữa, trong vụ kiện nhà máy Chorzow [Chorzow Factory Case Đức và Ba lan [năm 1928], Tòa án Thường trực Quốc tế của Hội Quốc liên [tiền thân của Tòa án quốc tế đã kết luận rằng: Một nguyên tắc của luật quốc tế được thừa nhận rộng rãi là bất kỳ một sự vi phạm đối với một nghĩa vụ quốc tế nào đều sẽ dẫn đến việc bồi thường. Đồng thời, Tòa án Quốc tế trong những bản án của mình đã công nhận trách nhiệm bảo đảm về sự cân bằng về sinh thái của trái đất là 1 lợi ích thiết yếu của nhiều quốc gia và mục đích của chúng là sự bảo vệ cộng đồng quốc tế nói chung.

Bên cạnh đó, những nguyên tắc pháp luật chung và nội dung của nó được tuyên bố qua các án lệ kinh điển của Tòa án quốc tế [gồm Tòa án Công lý và Pháp viện Thường trực quốc tế]. Cho dù các án lệ chỉ có giá trị ràng buộc với các bên tranh chấp, xét về góc độ học thuật, các học giả luật quốc tế thường dựa vào những án lệ của Tòa để ghi nhận và thống nhất với nhau về những nguyên tắc pháp luật chung. Ví dụ, nguyên tắc sự vi phạm 1 nghĩa vụ quốc tế dẫn tới nghĩa vụ bồi thường của quốc gia có hành vi vi phạm sẽ được Tòa Công lý thường trực của Hội Quốc liên [PCIJ] đưa ra trong vụ Chorzow Factory năm 1928 [Đức và Ba Lan]. Bên cạnh đó, các nguyên tắc phán quyết của tòa [thẩm phán] có giá trị pháp lý ràng buộc những bên tranh chấp [res judicata] và không thể bị kháng cáo. Khi đó, nguyên tắc một người không thể là thẩm phán trong vụ việc mà anh ta theo đuổi, hay nguyên tắc 1 bên tranh chấp không thể từ chối thừa nhận 1 sự thật haty thực tế đã được chứng minh rõ bằng các hành động cụ thể.

Các bạn cũng cần phải lưu ý, bản thân 1 bản án [phán quyết] và kết luận tư vấn của Tòa án quốc tế không những đề cập tới một vấn đề pháp lý cụ thể mà sẽ liên quan tới một số các vấn đề pháp lý liên quan. Ví dụ như vụ nhà máy Chorzow đề cập đến vấn đề trách nhiệm cũng như bồi thường của quốc gia nếu có sự vi phạm các nghĩa vụ quốc tế và việc đối xử đối với công dân nước ngoài; vụ eo biển Corfu [Anh và Albania] về eo biển quốc tế, quyền của những quốc gia về việc sử dụng eo biển quốc tế, nghĩa vụ của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình và không làm phương hại đến quyền của quốc gia khác trong đó có vấn đề môi trường; vụ Con tin Iran liên quan đến vấn đề trách nhiệm pháp lý của quốc gia trong trường hợp hành vi vi phạm của công dân và vấn đề nghĩa vụ của quốc gia nhận đại diện theo Công ước Vienna 1961 về ngoại giao và lãnh sự; vụ Barcelona Traction liên quan đến vấn đề quốc hữu hóa, xác địch quốc tịch của pháp nhân và vấn đề bồi thường; vụ dự án đập thủy điện Gabcikovo Nagymaros liên quan đến các vấn đề như hiệu lực của điều ước quốc tế, trách nhiệm pháp lý quốc tế và vấn đề môi trường quốc tế. Trong những phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế nói riêng và những thiết chế tài phán khác nói chung thì các án lệ có thể được viện dân để chứng minh hay là cơ sở lập luận đối với các vấn đề pháp lý khác nhau 1 cách có hệ thống.

Thứ hai, dựa trên cơ sở khẳng định sự đúng đắn và hợp lý, những án lệ có vai trò là cơ sở vật chất [material sources] để làm nền tảng xây dựng những quy phạm mới của luật quốc tế [chẳng hạn như tính đúng đắn của đường cơ sở thẳng, nguyên tắc công bằng trong phân định biển, các vấn đề chiếm hữu thực sự đối với tranh chấp lãnh thổ] cùng việc hình thành các quy phạm luật quốc tế dưới dạng các tập quán. Chẳng hạn, quy phạm tập quán của luật môi trường quốc tế như: không một quốc gia nào có quyền sử dụng hoặc cho phép sử dụng lãnh thổ của mình dân đến việc gây thiệt hại bởi việc gây ô nhiễm do khói bay sang hoặc trên lãnh thổ của một quốc gia khác được đề ra trong vụ Trail Smelter [Mỹ và Canada] của Tòa án Trọng tài. Sau này, nguyên tắc đó đã trở thành cơ sở pháp lý cho các điều ước quốc tế về môi trường, ví dụ như Nghị định thư Kyoto của Công ước khung của Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu năm 1997. Những phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế đó là cơ sở đề hình thành các quy phạm tập quán của luật môi trường quốc tế tại thời điểm phán quyết ra đời chưa có những quy phạm về điều ước quốc tế. Ví dụ điển hình như các phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế trong vụ Pulp Mills [Argentina và Urugoay]; Gabcikovo- Nagymaros [Hungary và Slovakia].

Về vấn đề trách nhiệm pháp lý quốc tế thì nguyên tắc về trách nhiệm của quốc gia do các hành vi sai trái áp dụng với người nước ngoài đòi hỏi họ bị vi phạm đó trước tiên phải áp dụng hết các biện pháp bảo vệ hiện có ở nước sở tại đó là kết quả của việc vận dụng quy tắc tương ứng của pháp luật quốc gia, biểu hiện trong vụ Ambatielos [Hy Lạp kiện Anh] năm 1956. Vai trò của các án lệ được thể hiện khá rõ ràng trong những vụ tranh chấp về lãnh thổ và luật biển. Trong vụ Ngư trường Anh Na Uy, một loạt các vấn đề được giải quyết trong phán quyết của Tòa án nhân dân đã được công nhận và từ đó được ghi nhận trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 về đường cơ sở thẳng, vùng nước lịch sử. Bên cạnh đó, các án lệ có giá trị thực tiễn trong vấn đề giải quyết tranh chấp quốc tế tại Tòa án quốc tế [được viện dẫn tại phần lập luận của Tòa và luận điểm của nhiều bên về vụ tranh chấp]. Đó thường là nguồn viện dẫn quan trọng của nhiều quốc gia trong việc đưa ra những lập luận, các phân tích ý kiến của mình và bác bỏ quan điểm, lập trường của các bên tranh chấp.

Vai trò của án lệ trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO

Toàn bộ các thành viên trong khuôn khổ WTO đều có thể dùng cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức này. Trái lại, Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm có thẩm quyền bắt buộc miễn là những cơ quan này giải quyết tranh chp giữa những thành viên theo đúng quy định và thủ tục của pháp luật WTO. Bên cạnh đó, Thoả thuận về các quy tắc và thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp [được gọi tắt là DSU] của WTO đã đưa ra những quy trình nghiêm ngặt với 1 vụ việc được được ra xét xử ở DSB.

Giai đoạn đầu trong quy trình thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO là giai đoạn tham vấn. Trong trường hợp các bên tham vấn thất bại, 1 trong 2 bên có thể yêu cầu DSB thành lập 1 Ban hội thẩm. Sau khi được thành lập Ban hội thẩm sẽ xem xét, kiểm tra những hiệp định có liên quan bởi các bên tranh chấp trích dẫn, vấn đề này sẽ được dẫn chiếu tới DSB trong văn bản. Sau khi tiến hành họp với các bên tranh chấp cũng như tham khảo ý kiến chuyên gia, Ban Hội Thẩm sẽ đưa ra báo cáo cuối cùng và trình lên DSB. Ngay sau khi báo cáo được thông qua, nó sẽ trở thành phán quyết của DSB đồng thời có giá trị pháp lý ràng buộc các bên tham gia tranh chấp. Nếu 1 trong 2 bên không đồng tình với báo cáo đến từ Ban hội thẩm có thể nộp đơn kháng cáo tới DSB trước khi DSB thông qua báo cáo cuối cùng của Ban hội thẩm. Lúc này, cơ quan Phúc thẩm sẽ xem xét vấn đề pháp luật được đề cập đến trong báo cáo của Ban hội thẩm và giải thích pháp luật của Ban hội thẩm. Khi đó, Cơ quan Phúc thẩm sẽ đưa ra báo cáo và đệ trình lên DSB. Sau khi Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm được DSB thông qua và trở thành phán quyết của DSB, những bên tham gia tranh chấp phải thi hành.

Theo quy trình thủ tục giải quyết tranh chấp trên, các bạn có thể thấy rằng Ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm hoàn toàn không có thẩm quyền quyết định vụ việc. Họ chỉ có nhiệm vụ đưa ra các nhận xét và ý kiến của mình trong báo cáo đệ trình lên DSB. DSB mới có thẩm quyền quyết định có thông qua báo cáo hay không. Nếu những báo cáo này được thông qua, tại phần giải thích các thuật ngữ, những điều khoản và các quyết định trong báo cáo sẽ thành phán quyết ràng buộc các bên trong vụ tranh chấp. Không có bất cứ bên nào có quyền kháng cáo báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và phán quyết của DSB.

Các Hiệp định của WTO được xây dựng qua những vòng đàm phán đa phương. Mặc dù vậy, trong các Hiệp định có rất nhiều thuật ngữ chung chung và không rõ ràng. Đôi lúc một số thuật ngữ có thể được những thành viên hiểu theo nhiều nghĩa để có thể tạo thuận lợi cho họ, vấn đề này sẽ gây khó khăn cho DSB khi giải quyết tranh chấp. Vì vậy, trong các vụ kiện, việc giải thích các thuật ngữ này giống như một mấu chốt quan trọng để giải quyết các vụ việc. Hội nghị Bộ trưởng và Đại Hội đồng đều có thẩm quyền chuyên biệt để thông qua việc giải thích của Hiệp định này và của những Hiệp định Thương mại đa phương. Những thành viên có quyền giám sát việc giải thích các điều khoản ở phần báo cáo cuối cùng của Ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm. Nếu các cơ quan có thẩm quyền đưa ra các giải thích khác nhau trong cùng một điều khoản. Trong trường hợp các cơ quan có thẩm quyền đưa ra những cách giải thích khác nhau, những cơ quan này cần phải đưa ra nguyên nhân rõ ràng, minh bạch.

Trên thực tế, tổ chức WTO là một tổ chức thương mại đa phương. Vì vậy, việc áp dụng thống nhất pháp luật WTO là 1 yêu cầu tiên quyết nhằm hạn chế xung đột phát sinh giữa những thành viên khi giải quyết tranh chấp. Chính sự nhất quán này cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì các mối quan hệ thương mại đa phương ổn định. Bởi vậy, Cơ quan phúc thẩm đã đề cập vấn đề này trong báo cáo của mình khi ban hành hay sửa đổi pháp luật và các quy định trong nước có liên quan đến các vấn đề thương mại quốc tế, các thành viên WTO phải xem xét việc giải thích các hiệp định trong báo cáo của Ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm. Vì vậy, việc giải thích pháp luật trong các báo cáo đã được Ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm thông qua trở thành 1 phần trong số các thành quả của hệ thống giải quyết tranh chấp WTO.

Quy định trong Khoản 6 của Điều 17 DSU đã ngụ ý công nhận rằng Ban hội thẩm có thể có thẩm quyền trong việc giải thích pháp luật khi giới hạn nội dung kháng cáo cho những bên tranh chấp. Trong trường hợp Ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm giải thích những điều khoản trong Hiệp định của WTO, các giải thích của các cơ quan này chỉ ràng buộc những bên tranh chấp. Lúc này, Hội nghị Bộ trưởng và Đại hội đồng sẽ có thẩm quyền thông qua việc giải thích những hiệp định WTO thì cách giải thích đó sẽ ràng buộc và có hiệu lực với tất cả các thành viên của WTO. Nhìn chung, phần giải thích các thuật ngữ, các điều khoản trong những hiệp định của WTO trở thành 1 phần quan trọng trong những án lệ của WTO. Tuy nhiên những án lệ này chỉ ràng buộc các bên trong việc tranh chấp, chứ không có giá trị pháp lý bắt buộc, trong mọi trường hợp, đối với DSB trong các vụ việc sau này.

Qua nội dung bài viết trên, chắc hẳn các bạn đã biết án lệ quốc tế là gì? Vai trò của án lệ trong sự phát triển của pháp luật quốc tế và cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO ra sao? Nếu như còn bất cứ thắc mắc nào liên quan tới vấn đề này, hãy liên hệ với Luật Hùng Sơn qua hotline 0964509555 hoặc truy cập vào website luathungson.vn nhé!

5/5 - [1 bình chọn]

Bài này đã được sửa đổi lần cuối vào 23/11/2021 09:00

Chia sẻ
Ls. Luyện Ngọc Hùng

Ông Hùng đã làm việc cho Hùng Sơn Law từ những ngày đầu thành lập và có hơn 6 năm kinh nghiệm trong việc tư vấn và hành nghề luật sư tại Việt Nam liên quan đến các Dự án Đầu tư Nước ngoài và Trong nước; Sáp nhập và Mua lại; Luật Doanh nghiệp; Sở hữu trí tuệ. Với những kinh nghiệm có được luật sư Hùng chắc chắn sẽ giúp bạn giải quyết những vấn đề pháp lý đòi hỏi chuyên môn cao

Sau Lẽ công bằng là gì? Điều kiện để áp dụng lẽ công bằng trong luật tố tụng Việt Nam »
Trước « Tư vấn chồng bán nhà mà vợ không đồng ý?
Để lại một bình luận

Video liên quan

Chủ Đề