Bảo hiểm hộ nghèo 2023

Từ ngày 1/1/2023, Quảng Ninh hỗ trợ tối đa 50% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Từ ngày 1/1/2023, tỉnh Quảng Ninh sẽ hỗ trợ tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 20% mức đóng hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn áp dụng trong từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định. Đây là chính sách đặc thù nhất trong an sinh xã hội của tỉnh Quảng Ninh vừa được HĐND tỉnh khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 11 vào đầu tháng 11/2022.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV. Ảnh: Văn Đức - TTXVN

Như vậy, cùng với chính sách chung, sau khi có thêm hỗ trợ của tỉnh, thì người dân Quảng Ninh khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ cụ thể như sau: Người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 50%, hộ cận nghèo được hỗ trợ 45%; các đối tượng khác được hỗ trợ 30% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn áp dụng theo từng thời kỳ. Tương ứng, mỗi tháng, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ phải đóng ở các mức 165.000 đồng, 181.000 đồng và 231.000 đồng. Thời gian hỗ trợ sẽ kéo dài 5 năm. Dự kiến nguồn kinh phí hỗ trợ theo chính sách của tỉnh trong 5 năm là khoảng 180 tỷ đồng.

Hiện toàn tỉnh Quảng Ninh có khoảng 631.000 người trong độ tuổi lao động. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội tỉnh, tính đến tháng 9/2022, tỉnh Quảng Ninh có hơn 272.000 người tham gia đóng bảo hiểm xã hội, trong đó bảo hiểm xã hội bắt buộc là hơn 251.000 người, tự nguyện là hơn 21.000 người. Như vậy, số còn lại khoảng 369.000 người chủ yếu là chủ cơ sở kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể, nông dân, người lao động tự do, lao động trong khu vực phi chính thức chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, sẽ không có cơ hội nhận lương hưu khi hết tuổi lao động. Đây sẽ là một gánh nặng cho ngân sách sau này khi phải chi trả chế độ trợ cấp người cao tuổi do không có lương hưu.

Dự tính, trong giai đoạn 2023-2027, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đến hết năm 2023 là 30.000 người, đến hết năm 2027 là 60.000 người, bình quân mỗi năm có khoảng 45.400 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Nghị quyết hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của tỉnh Quảng Ninh sẽ giúp người lao động ở khu vực phi chính thức, lao động tự do, nông dân được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và tỉnh. Việc này góp phần tăng tỷ lệ bao phủ người dân tham gia bảo hiểm xã hội, giảm số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tạo động lực để người dân có thu nhập tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh bền vững, giảm gánh nặng chi trợ cấp xã hội, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi sau này.

Văn Đức

UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch rà soát hộ nghèo, cận nghèo và xác định thu nhập hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh năm 2022. Ông Nguyễn Thành Sơn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết:

Ông Nguyễn Thành Sơn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh nhằm xác định và lập danh sách hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều để có cơ sở xây dựng kế hoạch, giải pháp giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội năm 2023. Đồng thời, rà soát xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình để làm căn cứ xác định đối tượng được hỗ trợ theo các chính sách hiện hành. Vì vậy, quá trình rà soát phải được thực hiện đúng quy trình, hướng dẫn theo quy định, bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan có sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự giám sát của Mặt trận và các đoàn thể, sự tham gia của người dân để xác định đúng đối tượng.

- Xin ông cho biết phạm vi, đối tượng, tiêu chí, phương pháp rà soát?

 - Việc rà soát được thực hiện từ tháng 10 đến tháng 12-2022, phạm vi rà soát tại 136 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đối tượng rà soát là toàn bộ hộ gia đình nằm trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo từ kết quả tổng điều tra rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2021 do UBND cấp xã quản lý và những hộ có khả năng phát sinh nghèo, cận nghèo tại thời điểm rà soát đang sinh sống trên địa bàn.

Tiêu chí để rà soát là thu nhập và mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Trong đó, thu nhập ở khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng và ở thành thị là 2 triệu đồng/người/tháng. 6 dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin. 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Việc làm, người phụ thuộc trong hộ, dinh dưỡng, bảo hiểm y tế, trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân, nguồn nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Đối với chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên; khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; ở khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Chuẩn hộ có mức sống trung bình ở khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 đến 2,25 triệu đồng; ở khu vực thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2 đến 3 triệu đồng.

Phương pháp rà soát là khảo sát thu thập thông tin của hộ gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, cận nghèo, đảm bảo phù hợp với quy định. Phương pháp xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình là xác định thu nhập của hộ gia đình trong vòng 12 tháng trước thời điểm rà soát, không tính khoản trợ cấp hoặc trợ giúp xã hội từ ngân sách nhà nước vào thu nhập của hộ. Rà soát viên trực tiếp đến từng hộ gia đình để thu thập thông tin theo biểu mẫu…

- Để cuộc rà soát đạt kết quả cao và phản ánh đúng thực chất, các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương cần phải làm gì, thưa ông?

- Các sở, ngành, địa phương cần bám sát kế hoạch của UBND tỉnh đã ban hành để triển khai nhiệm vụ được giao. Trong đó, UBND cấp huyện, cấp xã cần thành lập và kiện toàn ban chỉ đạo rà soát hộ nghèo, cận nghèo và ban hành kế hoạch rà soát; chủ động bố trí, xây dựng dự toán kinh phí đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác rà soát. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban, các xã, phường, thị trấn thực hiện rà soát đảm bảo công khai, dân chủ, có sự tham gia của các cấp, ngành, Mặt trận, đoàn thể và người dân từ thôn, tổ dân phố. Trên cơ sở kết quả rà soát, các địa phương báo cáo kết quả theo đúng kế hoạch được giao.

Các sở, ngành có liên quan phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để triển khai nhiệm vụ được giao. UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể tích cực vận động nhân dân, hội viên tham gia thực hiện cuộc rà soát và giám sát chặt quy trình tổ chức rà soát ở địa phương, nhất là ở thôn, tổ dân phố…

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn: baokhanhhoa.vn

Chủ Đề