Ca sĩ the jimmy thái nhựt là ai?

Khách mời đến với show truyền hình là các ca sĩ cũ, mới, nổi tiếng hoặc chưa nổi tiếng lắm. Người dẫn chương trình là một nam ca sĩ quen thuộc, khá lớn tuổi, từng sinh hoạt trên các sân khấu văn nghệ ở trong nước trước năm 1975. 

Ca sĩ trả lời ít câu hỏi từ người dẫn, vài lời tâm tình cùng khán giả, nói về các show diễn sắp tới, các dĩa nhạc sắp phát hành… Sau đó là hát cho khán giả nghe một hai bài.

Người dẫn chương trình hoạt bát, vui tính, thỉnh thoảng kể vài chuyện cười, tiếu lâm, nhận được những tràng pháo tay từ phía khán giả. Nói chung thì cũng là giải trí lành mạnh, hào hứng, tuy đôi lúc có hơi sường sượng. 

Khách mời hôm ấy là vài ca sĩ trẻ, ra đời nhiều năm sau cuộc chiến tranh Việt Nam. Chàng ca sĩ, khoảng dưới 30 tuổi, bước ra sân khấu cúi chào khán giả rồi quay chào người dẫn chương trình.

“Xin chào chú.”

“Gọi ‘Anh’ đi! Ở đây chỉ có anh em thôi. Ngồi đây đi em.”

Cứ so về tuổi tác thì chàng ca sĩ này có gọi người dẫn chương trình là “Bác” cũng chẳng làm ai ngạc nhiên. 

Cho dù đã được cấp phép để xưng hô “anh, em”, chàng ca sĩ vẫn tỏ vẻ rụt rè. Trả lời ít câu hỏi của người dẫn chàng chỉ “Dạ… dạ” và nói trống không chứ không dám xưng hô “anh, em”, cũng không dám “chú, cháu”, vì chú ấy đã dặn như vậy mà.

Lát sau, một cô ca sĩ trẻ bước ra chào khán giả, cũng quay chào “chú” ca sĩ dẫn chương trình và cũng nhận được lời đề nghị thân mật, “Gọi ‘anh, em’ đi. Anh chị em nghệ sĩ không có phân biệt tuổi tác.”

Cô ca sĩ chỉ líu ríu “Dạ, dạ…” Không có phân biệt tuổi tác được hiểu là không có “bác cháu”, “chú cháu” gì ở đây mà chỉ có “anh em” thôi. Trả lời các câu hỏi, đôi lúc cô vẫn quen miệng “chú, cháu” do chưa có thói quen… không phân biệt tuổi tác trong cách xưng hô. Cũng có lúc cô tỏ thiện chí đổi từ “Thưa chú” sang “Thưa anh” với đôi chút ngượng ngập. 

Lát sau nữa, cô ca sĩ trẻ đẹp khác bước ra sân khấu với vẻ dạn dĩ, tự nhiên. Cô được săn đón kỹ.

“Chào em. Lâu ngày không gặp, dạo này khỏe không?” 

“Khỏe ru, cám ơn anh.”

Cô ca sĩ thoải mái “anh anh, em em” ngọt xớt với ông ca sĩ thuộc thế hệ bố mẹ mình, có lẽ đã quen lắm với lối xưng hô này để vượt qua được rào cản ngăn cách đôi bờ giữa hai thế hệ. Cô và ông anh châm chọc nhau, kẻ tung người hứng rất nhịp nhàng, ăn ý để gây cười cho khán giả, trong lúc hai ca sĩ kia chỉ biết ngồi nhìn, cười cười.

Những hoạt cảnh đại loại như thế khá quen thuộc với khán giả, trên sân khấu hay trong các show truyền hình. Người dẫn chương trình thì cứ một điều, hai điều “anh chị em nghệ sĩ”, ra vẻ các anh chị em này đoàn kết một lòng và thương yêu nhau lắm như trong một đại gia đình vậy. Có điều, cho dù là đại gia đình đi nữa thì cũng có ông bà cha mẹ, có chú bác cô dì cậu mợ rồi mới đến anh chị em, nghĩa là có thứ bậc trước sau, trên dưới chứ khó mà già trẻ lớn bé đều đồng hạng là anh em một nhà. Hoặc giả, cách nói này ngụ ý nghệ sĩ thì lúc nào cũng yêu người yêu đời, cũng trẻ trung tươi tắn cho nên làm gì có tuổi và tuổi nào cũng là tuổi… anh em.

Vì thế, không ngạc nhiên khi có cô MC gọi một nam ca sĩ gần bằng tuổi bố mình là “anh”, rồi quay sang xưng “chị em” với các con của ông này chứ không chịu “cô, cháu” vì nghe “già” quá. Hoặc, có ông MC xưng hô “anh, em” với cô ca sĩ trong lúc là bạn của mẹ cô, nghĩa là quanh đi quẩn lại chỉ có anh chị em với nhau thôi chứ chẳng có thứ bậc nào khác.

Vì thế, cũng không ngạc nhiên khi khán giả được thưởng thức những màn song ca khá tình tứ giữa hai thế hệ “anh chị em nghệ sĩ”, cách nhau cũng vài chục năm. Cũng liếc mắt đong đưa, cũng nắm tay nắm chân, cũng anh anh, em em ngọt ngào theo từng lời ca tiếng hát.

“Anh chị em nghệ sĩ”, cách nói này khá… chung chung và dễ đánh đồng với những giới nghệ sĩ khác. Nghệ sĩ là nghệ sĩ nào? Có biết bao nhiêu nghệ sĩ hoạt động trong nhiều loại hình, bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, văn chương, sân khấu, nhiếp ảnh, điện ảnh, điêu khắc… và chẳng có dây mơ rễ má gì với những “anh chị em nghệ sĩ” này. Nhiều lắm chỉ có thể gọi là “anh chị em nghệ sĩ sân khấu”, và hẳn cách xưng hô “không phân biệt tuổi tác” ấy cũng chỉ là cách xưng hô của nghệ sĩ sân khấu.

Nói rằng xưng hô cách ấy để tạo sự thân mật, gần gũi, thế thì xưng “bác, cháu”, “chú, cháu”, “cô, cháu” lại không gần gũi, thân mật sao? Nói rằng xưng hô cách ấy cho được thoải mái, tự nhiên, nhưng lại thấy ngượng ngập, kém tự nhiên vì trái với phép tắc thông thường.

Nói rằng “Gọi thế cho dễ, cho tiện,” dễ đâu chẳng thấy, tiện đâu cũng chẳng thấy, chỉ thấy các em, các cháu ngại ngùng, lúng ta lúng túng, đến khán giả đôi lúc cũng nhăn mặt.

Liệu có phải cứ là giới nghệ sĩ sân khấu thì được phép xưng hô thoải mái, tùy tiện? Cái “ngoại lệ” này không thấy có ở miền Nam trước đây, hoặc có mà tôi không được biết. Các nghệ sĩ tân nhạc, cổ nhạc, các danh hài… ngày trước vẫn giữ phép tắc xưng hô theo đúng phong tục, tập quán người Việt mình. Đặc biệt, các nghệ sĩ trong giới cổ nhạc đến nay vẫn giữ được nề nếp, tôn ti trật tự. Nghệ sĩ thế hệ đàn em vẫn một mực tôn kính, quý trọng các bậc tiền bối, các đàn anh đàn chị. Những nghệ sĩ cải lương mà tôi được biết, từ trước đến nay vẫn xưng hô đứng đắn theo thứ bậc, có trước có sau, có trên có dưới.

Tôi biết có ông MC lớn tuổi vẫn gọi các ca sĩ thuộc thế hệ con cháu mình là “cháu”, xưng mình là “chú” và các ca sĩ cũng xưng hô “chú, cháu “ với ông rất tự nhiên, thân mật và vẫn cảm thấy gần gũi chứ không hề xa cách vì lối xưng hô theo đúng phép tắc ấy.

Tôi cũng biết có những nghệ sĩ, ca sĩ trẻ trung vẫn giữ được lối chào hỏi, cách xưng hô có nề nếp mà các em học được từ bố mẹ, thầy cô đối với các bậc đàn anh đàn chị, cho dù có được “cấp phép” là “nghệ sĩ không phân biệt tuổi tác”.

Jimmy Thái Nhựt & nhà thơ Du Tử Lê [ảnh Việt Báo]

Tôi cũng được nghe, được biết về “The Jimmy Show”, một show truyền hình được người xem yêu thích và dành nhiều thiện cảm. Thái Nhựt, người phụ trách chương trình này, là chàng trai trẻ trạc 25 tuổi trong lúc khách mời phần lớn là văn nghệ sĩ, ca nhạc sĩ thuộc thế hệ trước. Người xem thán phục và yêu mến chàng trai không chỉ vì sự chuẩn bị chu đáo cho chương trình, từ việc tìm hiểu, sưu tầm hình ảnh, tài liệu cho đến lối đặt câu hỏi và dẫn dắt câu chuyện mà còn vì cách xưng hô thưa gửi, cách nói năng lễ độ tỏ sự quý trọng các bác, các cô chú lớn tuổi, thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt.

Nhân nói chuyện xưng hô, xin ghi lại mẩu chuyện được nhà văn Võ Hồng kể lại như một hoạt cảnh “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” sau cuộc bể dâu năm 1975. Cậu học trò bỏ trường bỏ lớp biền biệt đi theo kháng chiến, nay trở về có tí chức quyền trong “chính quyền cách mạng”, ghé thăm người thầy cũ. Cuộc đổi đời cũng làm… đổi thay cách xưng hô:

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, vậy mà tôi gặp trường hợp có người học trò cũ xưng hô với tôi bằng “Anh”. Tôi hoàn toàn không cảm thấy bị xúc phạm mà chỉ thấy thương hại cho anh ta. Rõ ràng là anh ta có tỏ ra lúng túng khi sắp phải chọn giữa hai tiếng “thầy” và “anh”. Tôi muốn vỗ vai anh thân mật an ủi: “Sao em khổ chi vậy?” Tiếng “thầy” có gì là cao giá đâu mà em phải đắn đo, cân nhắc? Xung quanh ta thiên hạ dùng tiếng “thầy” khỏe ru mà: thầy thuốc, thầy cúng, thầy võ, thầy phù thủy, thầy địa!… [“Nửa chữ cũng là Thầy”, Võ Hồng].

Trong lúc người thầy giáo già vẫn thần thái ung dung thì cậu học trò lại lấn ca lấn cấn. Một mặt anh ta muốn “lên gân” với ông thầy, một mặt vẫn cứ “gờm” ông thầy cũ. Anh ghé thăm ông thầy chỉ để tỏ ra rằng anh ta nay đã khác xưa, đã “trên chân” ông thầy chứ không còn là học trò của ông nữa. Anh chẳng thèm nhớ gì những bài học về đạo lý làm người của ông thầy giáo quèn. Anh không dám thốt ra tiếng “Thầy”, sợ mất thể diện trước mặt các “đồng chí” và mất cả “khí thế cách mạng”.

Không rõ nhà văn, nhà giáo Võ Hồng còn phải đối đầu với bao nhiêu học trò vội vàng trả hết chữ nghĩa cho thầy sau cuộc đổi đời đảo điên ấy.

Lâu nay chúng ta vẫn lấy làm tự hào rằng được thừa hưởng nền văn hóa, giáo dục của miền Nam tự do, trong đó có phép tắc xưng hô trong gia đình, ngoài xã hội. Học cách xưng hô là học cách cư xử, học phép lễ độ, khiêm tốn và tôn trọng người khác như ông cha ta vẫn dạy, “Xưng phải khiêm, hô phải tốn.” 

Trong các trường dạy Việt ngữ mà mục tiêu là “bảo tồn và phát huy ngôn ngữ, văn hóa Việt”, hẳn các thầy cô cũng dạy các em về phép tắc lễ nghĩa trong cách xưng hô với các bậc trưởng thượng, vốn là nét đẹp văn hóa và phong tục tập quán của người Việt mình. 

Như vậy, nếu có những “anh chị em nghệ sĩ” nào đó lại muốn các em, các cháu bỏ ngoài tai những lời dạy bảo của bố mẹ, thầy cô về phép tắc lễ nghĩa ấy thì cũng chỉ là số ít nào đó thôi. 

Tôi tin là như vậy, chứ làm gì có chuyện… nghệ sĩ không phân biệt tuổi tác.

Lê Hữu

Posted by nguyenlieu01 on Tháng Hai 26, 2018 · Gửi bình luận

Col. Nguyễn Văn Đông

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là một tên tuổi lớn của nền văn nghệ ở miền Nam Việt Nam và là tác giả của Chiều Mưa Biên Giới, Phiên Gác Đêm Xuân, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Mấy Dặm Sơn Khê, Nhớ Một Chiều Xuân… và còn rất nhiều tác phẩm bất hủ khác được biết bao thế hệ khán thính giả yêu mến từ trước 1975 đến tận bây giờ.

Theo tin từ ca sĩ Giao Linh cung cấp cho tờ báo Thế Giới Nghệ Sĩ , ông đã trút hơi thở cuối cùng  lúc 19 giờ 30 ngày 26/2/18 [nhẳm 11 tháng Giêng năm Mậu Tuất] tại bệnh viện Chợ Rẫy – Sài Gòn, hưởng thọ 86 tuổi.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sinh ngày 15 tháng 3 năm 1932 tại Sài Gòn. Nói về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Nguyễn văn Đông thì phải nhắc đến 2 khía cạnh đi liền với nhau: Binh Nghiệp và Âm Nhạc.

Về binh nghiệp , vào năm 1946, Ông tự ý xin gia nhập trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam. Đây là trường võ bị đầu tiên và lâu đời nhất của Việt Nam. Đó cũng là nơi đào tạo nhiều vị tướng lãnh tài ba của Quân Đội VNCH. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã trải qua 5 năm học ở ngôi trường này. Và chính tại đó ông đã được học nhạc và văn hóa với những giáo sư người Pháp có thực tài, những giảng viên của Viện Âm Nhạc quốc gia Pháp được cử về trường Thiếu Sinh Quân giảng dạy. Chính vậy mà nền văn hóa Tây Phương đã ảnh hưởng đến ông rất nhiều.

Trong thời gian ông theo học tại trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là một thành viên của ban quân nhạc thiếu niên, khi mới 15 tuổi. Nhạc sĩ từng chia sẻ: “…Trường Thiếu Sinh Quân có riêng một đoàn quân nhạc trên 40 người có tầm vóc của người lớn, nhưng lại do chính những em thiếu sinh qưân chưa quá 16 tuổi đời cử hành nhạc, và do một giáo sư nhạc trưởng người Pháp chỉ huy. Đòan quân nhạc của chúng tôi có những nhạc sĩ tí hon có mặt trong những buổi lễ duyệt binh, diễu hành quan trọng một cách đường hoàng như các đoàn quân nhạc chuyên nghiệp người lớn”.

Trong đoàn quân nhạc tí hon này, ông sử dụng nhiều nhạc khí như: trompette, clairon, trống, chập chả, vv… Nhưng chuyên nghiệp hơn hết, là ông sử dụng đàn madoline và guitar Hawaiienne trong ban nhạc nhẹ của trường.

Nhờ sống trong một môi trường âm nhạc sôi động như vậy trong trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã có dịp học sáng tác từ những giáo sư người Pháp. Kết quả là ông đã viết được những ca khúc đầu tiên ở tuổi 16 như Thiếu Sinh Quân Hành Khúc, Tạm Biệt Mùa Hè… Những nhạc phẩm này đã được nhà trường chấp thuận cho phổ biến, và được rất nhiều bạn bè ưa thích. Ông cho biết gần 60 năm sau, khi ông gặp lại một số bạn bè, những người này vẫn còn thuộc nằm lòng những ca khúc này, và hát lại cho nhau nghe như những kỷ niệm khó quên của thời niên thiếu.

Trong suốt 5 năm theo học ở trường Thiếu Sinh Quân, ông luôn luôn đoạt giải giọng ca hay nhất toàn trường. Nhưng sau một thời gian gia nhập quân đội, Bộ Quốc Phòng đã chính thức cấm ông không được xuất hiện hát trên sân khấu và các nơi công cộng, vì các chức vụ do ông đảm nhiệm thời đó có thể gây ảnh hưởng không tốt cho quân đội.

Sau khi ra trường Thiếu Sinh Quân, ông gia nhập trường Võ Bị Sĩ Quan Vũng Tàu, tốt nghiệp năm 1952 với cấp bậc thiếu úy. Kế đó ông nắm chức vụ trung đội trưởng tại trường Võ Bị Đà Lạt, và tốt nghiệp năm 1953. Qua năm 1954, ông về trường Chiến Thuật tại Hà Nội để giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng.

Trong hai năm 1955 và 1956, ông phục vụ tại Phân Khu Đồng Tháp Mười trong chức vụ trung úy Trưởng Phòng Hành Quân. Cũng trong thời gian này, ông kiêm nhiệm thêm chức vụ Trưởng Phòng 3 của Chiến Khu Đồng Tháp Mười do đại tá Nguyễn Văn Là làm chỉ huy trưởng, tham gia chiến dịch Thoại Ngọc Hầu do thiếu tướng Dương Văn Minh chỉ huy. Ông không sao quên được một kỷ niệm có lần tướng Minh đã đến bắt tay ông để tỏ lòng ngưỡng mộ tác giả của những ca khúc về đời lính chiến ngay tại mặt trận Chiến Khu Đồng Tháp. Và hình ảnh cái bắt tay này đã được in trên trang nhất của báo Chiến Sĩ Cộng Hoà.

Đến năm 1957, ông theo học khóa Chỉ Huy Và Tham Mưu tại Hawaii. Và cũng trong thời gian này ông cho ra đời nhạc phẩm “Nhớ Một Chiều Xuân”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cho biết dù ông được học nhạc chính quy, nhưng âm nhạc chỉ là nghề tay trái. Ông chọn binh nghiệp là nghề nghiệp chính. Từ cấp bậc thiếu úy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông bước dần lên cấp bậc đại tá. Ông từng được nhận huy chương cao quí nhất của Việt Nam Cộng Hòa là Bảo Quốc Huân Chưong vào giữa thập niên 60.

Sau biến cố tháng 4 năm 75, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã kết thúc cuộc đời binh nghiệp của mình trong tăm tối bằng 10 năm tù cải tạo. Lúc đầu ông bị đưa đi tù cải tạo tại trại Suối Máu. Sau đó, ông bị chuyển về nhà tù Chí Hòa cho đến khi được trả tự do vào năm 1985. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cho biết ông đã rất đau buồn vì không được nhìn thấy mặt thân phụ lần cuối trong thời gian ông ở tù cải tạo. Đúng như ông đã dự đoán cuộc đời thăng trầm của mình, bằng 2 câu kết của nhạc phẩm Chiều Mưa Biên Giới: “…Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần còn mưa bay gió cuốn còn nhiều anh ơi…”.

Sau khi được trả tự do vào năm 1985, sức khỏe của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không được mấy khả quan đến từ nhiều căn bệnh như đau bao tử, thấp khớp và nhất là cao huyết áp nên đã không còn cảm thấy hứng thú trong việc sáng tác ngoài một số bài viết trong khoảng hơn 30 năm nay. Ông không xin đi xuất cảnh theo diện H.O. Cho đến cuối đời, ông sống tại Phú Nhuận, Saigon cùng với gia đình.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông Ông đã từng nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc ở Sài Gòn trước 1975. Từ thập niên 1950, ông nổi tiếng khi là Trưởng Đoàn văn nghệ Vì Dân với thành phần Ca nhạc sĩ tên tuổi như Mạnh Phát, Minh Kỳ, Hoài Linh, Thu Hồ, Quách Đàm, Minh Diệu, Khánh Ngọc, và các nghệ sĩ danh tiếng như Kim Cương, Vân Hùng, Ba Vân, Bảy Xê, Trần Văn Trạch, diễn viên điện ảnh Trang Thiên Kim… Ông đã tổ chức và điều khiển các chương trình Đại nhạc hội tại Sài Gòn và khắp các tỉnh của Việt Nam Cộng hòa.

Từ năm 1958, ông là Trưởng ban Ca nhạc Tiếng thời gian của Đài Phát thanh Sài Gòn, qui tụ những danh ca, nhạc sĩ danh tiếng như Lệ Thanh, Hà Thanh, Minh Diệu, Khánh Ngọc, Mạnh Phát, Thu Hồ, Quách Đàm, Anh Ngọc…

Ông còn là Giám đốc hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca, cộng tác với những nhạc sĩ tên tuổi như Lê Văn Thiện, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, Y Vân… Hai trung tâm này  cho ra đời nhiều chương trình tân nhạc cũng như cổ nhạc gồm các vở Tuồng và Cải lương. Chính ông là người đã tiên phong thực hiện album riêng cho từng ca sĩ mà trước đó chưa từng ai làm. Ông đã thực hiện loạt băng nhạc Sơn Ca nổi tiếng trong đó có Khánh Ly với băng nhạc Sơn Ca 7, Thái Thanh và Ban Thăng Long – Sơn Ca 10, Lệ Thu – Sơn Ca 9, Phương Dung – Sơn Ca 5 và 11, Giao Linh – Sơn Ca 6, Sơn Ca – Sơn Ca 8… và một số album riêng cho Trịnh Công Sơn.

Nhiều sáng tác của ông viết về chủ đề người lính Miền Nam thời đó. Nhạc phẩm “Phiên gác đêm xuân” được ông viết vào đêm 30 Tết năm 1956 khi gác phiên ở khu 9 Đồng Tháp Mười. “Chiều mưa biên giới” ra đời năm 1956 và nổi tiếng qua tiếng hát của Trần Văn Trạch. Vào Năm 1961, ca khúc “Chiều Mưa Biên Giới” này đã được đài Europe No.1 và Ðài Truyền Hình Pháp thu âm, rồi thu hình với tiếng hát của nghệ sĩ Trần Văn Trạch đã gây tiếng vang lớn ở Âu Châu. Tại Việt Nam, chỉ trong vòng 3 tháng đã bán hết 60,000 bản nhạc lẻ, một con số kỷ lục thời đó.  Cũng trong năm 1961, nghệ sĩ Trần Văn Trạch trình bày ca khúc Chiều Mưa Biên Giới tại “Ðại nhạc hội Trăm Hoa Miền Nam” với dàn nhạc của Ðài Truyền Hình Pháp thu “play back”.

Ông còn có nhiều bút danh khác như Phượng Linh, Phương Hà trên một số nhạc phẩm tình cảm như “Khi đã yêu”, “Thầm kín”, “Niềm đau dĩ vãng”, “Nhớ một chiều xuân”… Với bút danh Đông Phương Tử và Phượng Linh, ông đã viết nhạc nền và đạo diễn cho trên 50 vở tuồng, Cải lương nổi tiếng ở Miền Nam trước năm 1975 như Nửa đời hương phấn, Đoạn tuyệt, Tiếng hạc trong trăng, Mưa rừng…

Bây giờ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã rời xa cõi đời này. Nhưng những “khúc tình ca hàng hàng lớp lớp” mà ông đã viết sẽ sống mãi với thời gian. Vĩnh biệt người nhạc sĩ tài hoa với những dòng nhạc nhẹ nhàng sâu lắng, trác tuyệt.

Video liên quan

Chủ Đề