Các mô hình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế

Với quan điểm xuyên suốt trong quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng theo chiều sâu. Chính vì thế, tỉnh Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương trong tốp đầu của cả nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo tiền đề để sau năm 2020 cơ bản phát triển theo chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Sản xuất dầu ăn tại Công ty TNHH Dầu thực vật miền Bắc tại Khu Kinh tế Nghi Sơn. Ảnh: Khánh Phương

Trong thời gian qua, cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 17,8% năm 2015 xuống còn khoảng 10% năm 2020; ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 39,3% lên 49,3%; ngành dịch vụ giảm từ 38,5% xuống 31,5%. Cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực và vùng, địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong nông nghiệp, đã tập trung ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng tỷ lệ sản phẩm ứng dụng công nghệ cao lên 21%. Lĩnh vực công nghiệp, nhiều nhà máy, cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động được sử dụng thiết bị sản xuất với công nghệ tiên tiến, tự động hóa cao, nhất là trong các lĩnh vực lọc hóa dầu, sản xuất dầu ăn, xi măng, điện, thép, chế biến gia súc, gia cầm... Đối với lĩnh vực dịch vụ, đã tập trung phát triển các sản phẩm du lịch, vận tải, thương mại, giáo dục, y tế chất lượng cao. Nhìn chung, mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh từng bước chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu; tăng trưởng giảm dần sự phụ thuộc vào vốn đầu tư, sử dụng lao động đơn giản, khai thác, sử dụng tài nguyên; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, chú trọng cải tiến phương thức quản lý, nâng cao kỹ năng, trình độ của người lao động để mở rộng sản xuất, tăng năng suất lao động. Có được kết quả đó, thời gian qua, Thanh Hóa đã tập trung điều hành và huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển, bảo đảm nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đồng thời, ưu tiên phát triển mạnh các ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao, phát triển kinh tế biển, các vùng kinh tế động lực...

Tại hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh: Nghị quyết số 58-NQ/TW đặt ra cho Thanh Hóa phải là một cực tăng trưởng để tạo ra một tứ giác phát triển trên nền tảng tam giác phát triển là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Trên tinh thần đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa chung sức, đồng lòng đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, tập trung phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung tích tụ đất đai hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong phát triển công nghiệp kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu; trong đó, chú trọng phát triển theo chiều sâu để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm, như: Lọc hóa dầu, xi măng, thép, may mặc, da giầy đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tiếp tục phát triển hợp lý các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động [may mặc, giầy da] khu vực nông thôn, miền núi, nhằm giải quyết việc làm và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế. Đẩy mạnh thu hút đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh, như: Lọc hóa dầu và sau lọc hóa dầu, thép, thiết bị y tế, phân bón, thức ăn chăn nuôi, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản, điện năng lượng mặt trời... Ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo động lực mới cho tăng trưởng của tỉnh. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động các dự án quy mô lớn đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Từng bước hình thành và phát triển một số cụm liên kết các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, như: Lọc hóa dầu, hóa chất [polypropylen, sợi tổng hợp, chất dẻo, phân bón tổng hợp...] tại Khu Kinh tế Nghi Sơn; công nghiệp điện tử, công nghiệp viễn thông tại Khu Công nghiệp công nghệ cao Lam Sơn – Sao Vàng. Phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với khôi phục các làng nghề truyền thống, nhân cấy nghề mới đối với những sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định. Cùng với đó, phát triển ngành xây dựng đạt trình độ cao trong các lĩnh vực thiết kế, xây dựng công trình, vật liệu xây dựng... Tại các khu vực đô thị lớn, Khu Kinh tế Nghi Sơn tiếp tục ưu tiên tập trung phát triển các dịch vụ logistics, các trung tâm thương mại, siêu thị, kho bảo quản, chợ đầu mối, các cửa hàng thương mại, chợ phục vụ dân sinh. Đối với các khu vực các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm huyện, cụm xã phát triển mạnh loại hình siêu thị kết hợp chợ truyền thống và cửa hàng bán lẻ; khu vực nông thôn tập trung chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ. Đẩy nhanh tiến độ thành lập Khu Kinh tế cửa khẩu Na Mèo để thúc đẩy giao thương hàng hóa, dịch vụ giữa tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh trong khu vực với các tỉnh của nước CHDCND Lào và khu vực Đông Bắc Thái Lan. Đồng thời, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và kết quả hoạt động đối ngoại của tỉnh để mở rộng và đa dạng thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Tập trung phát triển du lịch của tỉnh thành một ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng dịch vụ chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, ưu tiên thu hút các dự án có sản phẩm du lịch đẳng cấp, độc đáo và khác biệt để xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho du lịch Thanh Hóa. Trước mắt tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch quy mô lớn, như: Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn; quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp với các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En... Đa dạng các loại hình vận tải, kết hợp phát triển đồng bộ, hợp lý giữa vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Khai thác thế mạnh cụm cảng nước sâu Nghi Sơn để phát triển mạnh dịch vụ cảng biển, vận tải biển, logistics. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các hãng vận tải biển lớn thiết lập trụ sở, chi nhánh tại tỉnh Thanh Hóa; thu hút các doanh nghiệp logistics có thương hiệu, uy tín đầu tư vào tỉnh; nghiên cứu xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, sớm phát triển Cảng biển Nghi Sơn thành cảng loại IA [cảng cửa ngõ đi quốc tế]. Xúc tiến mở thêm các đường bay trong nước và quốc tế đi, đến Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân. Cùng với đó, phát triển thông tin truyền thông với công nghệ hiện đại, độ phủ rộng, tốc độ và chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển dịch vụ tài chính, ngân hàng theo hướng hiện đại, đa dạng các dịch vụ kinh doanh và tiện ích ngân hàng theo chuẩn quốc tế.

Lê Hợi

TÓM TẮT:

Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong giai đoạn hiện nay để đáp ứng được tính hội nhập và phát triển bền vững luôn đảm bảo tính thời sự đối với mỗi quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam. Chuyển dịch cơ cấu là khâu quan trọng mang đến sự chuyển biến thực chất cho nền kinh tế. Bài báo nghiên cứu một số vấn đề liên quan đến chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế nhằm đáp ứng quá trình hội nhập và phát triển bền vững của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, hội nhập, phát triển bền vững.

Cơ cấu kinh tế là thuộc tính của hệ thống kinh tế, nó phản ánh tính chất và trình độ phát triển của hệ thống kinh tế. Sự thay đổi cả về số lượng và chất lượng của Cơ cấu kinh tế, đặc biệt là cơ cấu kinh tế ngành của một quốc gia, địa phương nếu hợp lý sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững [PTBV] và ngược lại. Những năm gần đây, các nhà khoa học, nhà quản lý quan tâm nhiều đến vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng PTBV đối với cấp quốc gia, song đối với cấp địa phương [các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương] thì chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều vấn đề lý luận về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng PTBV chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ và có hệ thống.

Ở Việt Nam tồn tại 2 cấp độ thành phố: thành phố trực thuộc trung ương [thành phố lớn] và thành phố trực thuộc tỉnh. Cơ cấu kinh tế của thành phố lớn có những đặc điểm khác biệt thuộc tính chất của thành phố lớn nhưng cũng có những nét giống cơ cấu kinh tế của các tỉnh.

Cơ cấu kinh tế là tổng thể những mối quan hệ tương quan về chất lượng và số lượng giữa các yếu tố cấu thành, trong đó thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa khối ngành dịch vụ và phần còn lại hình thành nên hệ thống kinh tế của thành phố lớn. Các bộ phận cấu thành nền kinh tế của thành phố luôn vận động, chịu sự chi phối của nhiều yếu tố và hướng vào những mục tiêu nhất định. Quá trình hình thành, phát triển, hoàn thiện cơ cấu kinh tế của thành phố cần được điều khiển bởi cơ quan quản lý nhà nước”. Với quan niệm trên, cơ cấu kinh tế ngành của thành phố lớn có sự khác biệt với cơ cấu của các thành phố thuộc tỉnh.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng PTBV được hiểu là việc thay đổi, làm mới cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và theo đuổi mục tiêu PTBV. Điều này được thể hiện qua kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đóng góp của chuyển dịch cơ cấu kinh tế vào hiệu quả phát triển kinh tế của thành phố lớn. Đồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng PTBV phải đảm bảo yêu cầu bền vững đối với bản thân việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành và góp phần vào việc PTBV của cả nền kinh tế.

2. Các nhân tố ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế

2.1. Đặc điểm kinh tế Việt Nam

Những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển tích cực, đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tổng sản phẩm trong nước [GDP] năm 2019 đạt kết quả ấn tượng, với tốc độ tăng trưởng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6%-6,8%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011.

Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, năm 2019, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp [TFP] vào tăng trưởng GDP đạt 46,11%, bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2019 đạt 110,4 triệu đồng/lao động [tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018]. Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 6,2% do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2019 tăng cao. Hiệu quả đầu tư được cải thiện, nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019 vượt mốc 500 tỷ USD, trong đó ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước ở lĩnh vực xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2019 ước tính xuất siêu 9,9 tỷ USD, đây là mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu.

Tình hình lao động, việc làm của cả nước có sự chuyển biến tích cực. Đời sống dân cư ngày càng được cải thiện. Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua chuyển biến tốt, góp phần nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Tính đến cuối tháng 12/2019, cả nước có 4.806 xã [đạt 53,92%] và 111 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 3,92% so với mục tiêu giai đoạn 2010-2020. Đây là kết quả chỉ đạo điều hành tích cực của Đảng, Nhà nước và cố gắng của người dân trong sản xuất như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mở rộng và xây mới các khu công nghiệp, nhà máy, công trình, phát triển làng nghề để tạo thêm công ăn việc làm,...

2.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế

Các nhân tố ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế có thể chia thành các nhóm:

Nhóm 1, các nhân tố địa lý - tự nhiên như: Khí hậu, đất đai, tài nguyên khoáng sản, nguồn nước, nguồn năng lượng. Đây là nguồn tư liệu sản xuất và tiêu dùng có ảnh hưởng rõ rệt đến sự hình thành cơ cấu kinh tế. Trong đó, Việt Nam là quốc gia có vị trí địa lý chính trị - kinh tế đặc biệt với nhiều tiềm năng phát triển du lịch, thích hợp để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Nhóm 2, nhân tố kinh tế - xã hội bên trong đất nước như: Quan hệ sản xuất, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, cung - cầu thị trường, trình độ phát triển của nền kinh tế. Hiện nay, Việt Nam đang được các quốc gia trên thế giới đánh giá có nguồn nhân lực tốt,  thích hợp.

Nhóm 3, nhân tố bên ngoài đất nước như: Quan hệ kinh tế đối ngoại và phân công lao động quốc tế. Với những thế mạnh của Việt Nam, các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia và các tổ chức quốc tế lựa chọn đưa vào danh sách đối tác quan trọng khi cân nhắc các quyết định đầu tư.

3. Thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây

3.1. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành

Thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành tại Việt Nam những năm gần đây được đánh giá có sự thay đổi rõ rệt. Điều đó được thể hiện ở sự sụt giảm tỷ trọng khu vực I, tăng tỷ trọng ở khu vực II, III. Cụ thể, ở khu vực I. tỷ trọng về ngành trồng trọt, chăn nuôi giảm, tăng ở ngành thủy sản. Ở khu vực II, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến tăng lên mạnh mẽ, còn công nghiệp khai thác có xu hướng giảm nhẹ. Khu vực III, các lĩnh vực liên quan đến kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị có xu hướng tăng nhanh.

Hình 1: Cơ cấu kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2019

Nguyên nhân dẫn đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên là do Nhà nước có chủ trương, chính sách thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên mọi khía cạnh. Ngoài ra, Nhà nước cũng áp dụng đường lối đổi mới về khoa học - công nghệ, nhất là tác động từ cuộc cách mạng khoa học công nghệ thế giới đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách nhanh chóng.

3.2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo vùng

Cơ cấu kinh tế theo vùng ở Việt Nam cũng có sự thay đổi trong những năm gần đây. Thành phần kinh tế nhà nước có tỷ trọng suy giảm, tuy nhiên vẫn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Ngược lại, thành phần kinh tế tư nhân lại có tỷ trọng ngày càng tăng mạnh. Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng lên nhanh chóng kể từ khi nước ta gia nhập WTO.

Nguyên nhân chính của sự chuyển dịch kinh tế theo vùng là do:

- Các chính sách, chủ trương về mở cửa, hội nhập với nền kinh tế của thế giới.

- Những chủ trương, đường lối phát triển nền kinh tế nhiều thành phần của Nhà nước dẫn đến sự chuyển dịch cơ cầu kinh tế.

- Do áp dụng cơ chế của thị trường.

3.3. Chuyển dịch cơ cấu theo lãnh thổ

Việt Nam hiện hình thành và hoạt động trên 3 vùng kinh tế trọng điểm: Vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của 3 vùng lãnh thổ cũng có sự chuyển dịch đáng kể.

Cụ thể, nền nông nghiệp hình thành các vùng chuyên canh về cây công nghiệp thực phẩm. Còn công nghiệp cũng hình thành nên các khu công nghiệp và chế xuất lớn ở nhiều nơi. Riêng về mạng lưới ngành dịch vụ, hình thành rất nhiều trung tâm thương mại với mạng lưới rộng khắp trên cả nước. Và đặc biệt nhất là tỷ trọng của ngành công nghiệp, dịch vụ tăng lên mạnh mẽ, khẳng định sự bắt kịp xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp có sự giảm nhẹ.

Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nêu trên diễn ra chủ yếu do điều kiện tự nhiên của các vùng lãnh thổ khác nhau. Ngoài ra, còn do sự đầu tư của Nhà nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài vào từng vùng lãnh thổ, tạo điều liện cho sự phát triển của từng vùng không giống nhau.

3.4. Thách thức đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại Việt Nam

Kinh tế Việt Nam những năm qua đạt nhiều thành tựu đáng kể, tuy nhiên, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại Việt Nam vẫn còn những bất cập như:

Thu hút đầu tư nước ngoài chưa tạo ra sự liên doanh liên kết, tác động lan tỏa giúp doanh nghiệp trong nước phát triển. Hiệu quả đầu tư chưa đạt như kỳ vọng. Việc thu hút các dự án đầu tư nước ngoài tuy gia tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa đảm bảo, công nghệ chưa tốt. Vẫn còn một số dự án đầu tư tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái,...

Năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong ASEAN nhưng vẫn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Đáng chú ý là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước khác vẫn tiếp tục gia tăng.

Sức cạnh tranh của nền kinh tế, các doanh nghiệp và các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong nước còn yếu so với các nước, kể cả các nước trong khu vực. Các ngành kinh tế, các doanh nghiệp mang tính mũi nhọn, có khả năng vươn ra thị trường khu vực và thế giới chưa nhiều, chưa có khả năng đi đầu và kéo các ngành, các doanh nghiệp khác cùng phát triển,. khả năng hội nhập kinh tế quốc tế còn nhiều hạn chế.

Vấn đề phát triển thị trường khoa học công nghệ còn khó khăn, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật trong nhiều ngành nghề vẫn còn hạn chế. Công tác quản lý, điều hành của Nhà nước và quản trị của doanh nghiệp tuy đã có sự cải thiện, nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Cơ chế chính sách thiếu đồng bộ giữa các bộ, ngành về nguồn lực, chính sách thuế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ sở hạ tầng.

Thị trường công nghệ chưa được hình thành bền vững, doanh nghiệp nhà nước chưa quan tâm nhiều đến đổi mới công nghệ, chưa quan tâm đến các dự án theo chiều sâu. Doanh nghiệp tư nhân còn khó khăn hơn do thiếu vốn, thiếu công nghệ,...

Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn, thách thức. Hiện vẫn còn những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức lối sống gây bức xúc, nhất là tình trạng xâm hại trẻ em, phụ nữ, bạo lực gia đình,… Tham nhũng vẫn đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Đặc biệt, có nhiều thế lực phản động, chống phá cách mạng luôn tìm cách tuyên truyền, vận động người dân chống lại chính quyền.

4. Giải pháp thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế đáp ứng hội nhập và phát triển bền vững

Một quốc gia muốn phát triển và đạt được tốc độ tăng trưởng cao phải có cơ cấu ngành hợp lý. Đối với Việt Nam, để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần cơ cấu ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Những thay đổi gần đây cho thấy cơ cấu kinh tế Việt Nam đã chuyển dịch đúng hướng: Giảm khu vực nông nghiệp, tăng khu vực công nghiệp và dịch vụ, tăng tỷ trọng các mặt hàng chế biến tinh và chế biến sâu, giảm các mặt hàng xuất khẩu thô, chú trọng nhập khẩu công nghệ hiện đại, tinh xảo và cải tiến chất lượng sản phẩm.

Việc giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp và đẩy mạnh công nghiệp hoá nông nghiệp, cũng đồng nghĩa với việc giảm yếu tố gây mất ổn định trong cơ cấu.

Trong điều kiện hội nhập, chính sách điều chỉnh cơ cấu kinh tế hoàn thiện theo hướng phát triển các ngành có lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh. Cần khai thác vai trò Chính phủ và phát triển các loại thị trường, đặc biệt là thị trường yếu tố để điều tiết và phân bổ kịp thời nguồn lực vào các ngành thông qua áp lực thị trường toàn cầu và việc điều tiết của Chính phủ. Để phát triển mạnh các ngành, cần tạo dựng và phát triển hệ thống doanh nghiệp và Tập đoàn kinh doanh mạnh. Đồng thời, cần tăng mối liên kết giữa các ngành và doanh nghiệp để chúng bổ sung và “cộng hưởng” lẫn nhau.

Bên cạnh đó, cần khai thác các nguồn lực theo phương châm phát huy triệt để nguồn lực tiên tiến, giảm thiểu nguồn lực hiệu quả thấp và tối thiểu hoá, thậm chí kiên quyết không sử dụng nguồn lực không có hiệu quả [như khai thác bừa bãi tài nguyên hoặc bán rẻ sản phẩm sơ chế]. Việc quy hoạch phát triển ngành hay vùng cần thực hiện phù hợp, thậm chí đón đầu xu hướng chung về kinh tế. Quy hoạch phát triển các ngành cần được luật hoá để bảo đảm tính nghiêm minh. Chính sách đầu tư nên hướng vào phát triển ngành có lợi thế và triển vọng, chú trọng thu hút công nghệ nguồn và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tạo động lực để doanh nghiệp phát triển sản phẩm có hàm lượng chế biến và giá trị gia tăng cao đáp ứng nhu cầu thị trường, hình thành điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế thuận lợi, cải cách mạnh cơ cấu quản lý, thúc đẩy hoạt động sáp nhập và mua lại nhằm sàng lọc và đào thải nhanh chóng những bộ phận không có khả năng phát triển, thậm chí thoái hóa.

Ngoài ra, tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, điều chỉnh diện tích đất phù hợp với mô hình sản xuất nông nghiệp mới; Tiếp tục đổi mới và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ trong và ngoài nước; Hoàn thiện mô hình, phát triển hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã, có chính sách mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu nông sản, thủy sản Việt Nam;…

Tiếp đến, cơ cấu lại thực chất ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế tạo; Tăng mạnh năng suất nội bộ ngành, tăng hàm lượng công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm; Tập trung vào một số ngành công nghiệp nền tảng, có lợi thế cạnh tranh và ý nghĩa chiến lược đối với tăng trưởng nhanh, bền vững gắn kết với bảo vệ môi trường; Chú trọng phát triển công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện, thúc đẩy một số mặt hàng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị, phân phối toàn cầu; Tạo điều kiện để doanh nghiệp đề xuất dự án đầu tư phục vụ mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế;…

Thực hiện cơ cấu lại các ngành dịch vụ, duy trì tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP; Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao; Phối hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp các bộ, ngành, thực hiện chương trình phát triển du lịch quốc gia; Nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ du lịch; Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch;…

Hoàn thiện chính sách và nâng cao năng lực thực thi pháp luật về môi trường; Khắc phục cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt quan tâm đến các khu vực trọng điểm; Giám sát và đối phó các vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Để đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu ngành trong phát triển và tăng trưởng kinh tế thời gian tới cần hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế có lợi cho phát triển cơ cấu ngành hiện đại và có hiệu quả cao; Xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền mạnh, có năng lực điều hành nền kinh tế hiệu quả cao, trong đó hội tụ được giới tinh hoa của xã hội; Ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô; Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Phát triển nhân lực chất lượng cao phục vụ hình thành cơ cấu ngành hiện đại, đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững; Tham gia và nâng cấp vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh nhóm giải pháp chung, nghiên cứu cũng đề xuất nhóm giải pháp để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp, bao gồm: Giải pháp về đào tạo nghề cho người lao động ở nông thôn; Thúc đẩy xuất khẩu lao động; Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa [SMEs] ở nông thôn; Đầu tư đồng bộ phát triển kết cấu hạ tầng ở nông thôn làm cầu nối cho liên kết giữa thành thị và nông thôn.

Những giải pháp trên không chỉ ra phải ưu tiên phát triển ngành, lĩnh vực nào mà tập trung vào việc tạo những nền tảng căn bản và môi trường thuận lợi để chuyển dịch cơ cấu ngành theo chiều sâu có thể diễn ra phù hợp với quy luật kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế toàn cầu mà kinh tế Việt Nam là một bộ phận gắn bó hữu cơ, chính những nền tảng căn bản về nguồn nhân lực, về kết cấu hạ tầng, về thể chế, về thông tin, về hội nhập kinh tế quốc tế và môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ giúp tăng tốc chuyển dịch cơ cấu ngành theo chiều sâu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính [2016], Báo cáo tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015 và 6 tháng đầu năm 2016, phương hướng nhiệm vụ trong giai đoạn 2016-2020.
  2. Vũ Văn Phúc [2017], Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta lý luận và thực tiễn, NXB. Chính trị quốc gia sự thật.
  3. Ban Chấp hành Trung ương Đảng [2017], Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
  4. Chính phủ [2017], Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020”.

ECONOMIC SECTOR RESTRUCTURING

TO MEET CURRENT SUSTAINABLE DEVELOPMENT

REQUIREMENTS OF VIETNAM: SOME ISSUES

• Ph.D TRINH VIET TIEN

Faculty of Human Resources Management

Hanoi University of Home Affairs

ABSTRACT:

Restructuring economic sectors to meet the integration and sustainable development requirements is an urgent task for countries including Vietnam. Economic sector restructuring play an important role in helping Vietnam’s economy achive significant changes. This paper studies a number of issues related to the economic sector restructuring of Vietnam amid the country’s integration and sustainable development process.

Keywords: Economic sector restructuring, integration, sustainable development.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10, tháng 5 năm 2020]

Video liên quan

Chủ Đề