Cách đào giếng có nước

Ẩn họa từ giếng đào ở Tây Nguyên

Bài & ảnh: HÀ VĂN ĐẠO
Chủ Nhật, 14-10-2018, 22:55
+ | Print
Nhiều chiếc giếng đào trong rẫy ở Tây Nguyên thành thấp như chiếc bẫy gây tai nạn.

Hàng loạt chiếc giếng đào trong vườn nhà, rừng rẫy ở Tây Nguyên đã liên tục cướp đi sinh mạng của nhiều người chỉ vì thiếu hiểu biết và chủ quan. Những cuộc tiễn đưa thấm đẫm nước mắt, ngậm ngùi với những người nông dân chất phác, cần mẫn mà ngày trước vẫn còn oang oang nói cười, ngày sau đã vĩnh viễn lìa trần đang như lời cảnh báo cấp bách đến các buôn làng.

Tiện lợi trước mắt, đau đớn cả đời

Đi qua nhiều ruộng rẫy của người khác, thấy nhà nào cũng đào giếng sâu vài chục mét nhưng chỉ xây thành thấp, múc nước cho tiện. Nắp giếng có thể đậy, có thể không, cho nên giếng nhà Đỗ Quang Dự [ở xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đác Lắc] cũng chỉ lia tấm phên sơ sài trên miệng. Khi nào cần múc nước bằng gầu hay thò ống xuống bơm, chỉ cần phẩy tấm phên ra là xong. Lợi ích từ sự tiện lợi chưa thấy đâu thì nỗi đau thương đã ập đến.

Đó là một buổi sáng nắng gay gắt, cách đây không lâu, ông Dự nhờ hai mẹ con người quen của mình là Lê Thị Thu Hiền và cháu Trần Trúc Bình đến coi rẫy và phụ giúp tưới nước. Nóng nực nên Bình tìm đến bên giếng nước ngồi cho mát, ngỡ tấm phên ở miệng giếng chắc chắn, Bình đưa chân vào thử thì trượt luôn xuống. Nghe tiếng thất thanh của con, chị Hiền lao đến tri hô. Nhưng rẫy vắng, nhà thưa, tiếng kêu cứu rơi vào vô vọng, chị Hiền lao xuống với hy vọng cứu con cho kịp thì cả hai cùng tử vong. Chiếc giếng ấy đến nay vẫn như một nỗi ám ảnh, cuộc tiễn đưa mẹ con chị Hiền ai cũng tiếc thương.

Chỉ vì ham tiện lợi, con trai anh Lê Văn Hậu ở xã Ea Tu [TP Buôn Ma Thuột] cũng ngẩn ngơ như người không hồn. Nhớ lại những ngày tháng cùng con đánh vật ở các bệnh viện, anh Hậu ân hận kể: Thì hầu hết các rẫy hay nhiều nhà ở vùng sâu đều đào giếng, làm thành rất thấp, có nhà chả che chắn gì cả. Cứ để thế vừa thoáng vừa tiện khi sử dụng. Tôi cũng làm vậy. Có ngờ đâu khi đứa con trai duy nhất tuổi lên 8 đang soi ngắm bóng mình thì hẫng chân lộn đầu xuống. Anh Hậu bơi giỏi, nhảy xuống cứu được con nhưng con anh bị chấn thương sọ não nặng, giờ khó phục hồi, dẫu đã bán gần hết rẫy để lo liệu.

Kể từ ngày chồng vĩnh viễn ra đi, căn nhà gỗ giữa bạt ngàn mầu xanh cà-phê của gia đình bà Nguyễn Thị D [ở buôn Kô Đung A, xã Ea Nhuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đác Lắc] gần như chìm trong hoang vắng, phủ rêu. Mỗi lần nhìn vào, nỗi đau cũ lại như trỗi dậy. Bà D thổn thức bộc bạch rằng: Cũng vì chủ quan, không thường xuyên mở tấm phên che để nắng chiếu vào, xua đi khí độc nên hơn một năm trước chồng tôi là ông Nguyễn Đình Liêu đã tử vong dưới đó. Kết quả khám nghiệm cho thấy, khi phát hiện chiếc máy bơm treo cách miệng giếng 1m trục trặc, ông Liêu leo xuống sửa nhưng ngất lịm luôn. Thấy bạn bất tỉnh, ông Phan Trọng Ninh trèo xuống kéo lên nhưng ông Ninh cũng ngất xỉu và tử vong. Cả hai ông đều bị ngạt khí độc mê-tan.

Nghe nhiều người khuyên nhưng chả mấy để tâm, tấm phên che miệng giếng trong rẫy nhà ông KBình ở xã Nam Dong [huyện Cư Jut, Đác Nông] cứ để triền miên ngày này qua tháng nọ. Mãi đến ngày máy bơm trở chứng, ông KBình lấy phên ra, chèo xuống sửa thì trúng khí độc, nhiều người thân kéo lên kịp, thoát chết nhưng giờ phải đi lại bằng nạng vì liệt mất nửa người.

Ông KBình giản đơn nghĩ, cứ phải canh ngày nắng dở phên ra rồi lại đậy lại cho thông khí, nghe thì hay mà bất tiện nên không chỉ tôi mà hàng trăm người khác ở các buôn làng này đều không làm theo. Giờ mới thấy vì sự lười biếng, chủ quan mà lãnh hậu quả cả đời, không còn làm được việc nặng nữa, trở trời lại đau ê ẩm hết người. Ở các buôn vùng sâu này, cả người lớn lẫn trẻ nhỏ trượt chân té giếng không hiếm.

Hốt hoảng rút kinh nghiệm

Thân nhau từ thuở nhỏ, cùng quyết tâm xây dựng cuộc sống mới trên vùng đất trù phú Kinh Môn [xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai] nên anh Nguyễn Văn Công và Phạm Ngũ Mạnh ngày đêm cần mẫn tăng gia sản xuất. Giữa lúc, mọi dự định gần đến ngày thành công thì buổi chiều nắng gió rộc người vài năm trước đã cướp đi mạng sống của anh Mạnh khi Mạnh bước xuống miệng giếng chỉnh ống bơm nước.

Không biết bơi nên sau khi nghe tiếng rơi của bạn, Công và người thân anh Mạnh hô hoán, hai người hàng xóm của Mạnh là Đặng Văn Bình và Bùi Văn Cửu trèo xuống cứu thì cũng bị ngạt khí tử vong luôn. Trong ngày đau thương ấy, con ông Mạnh là Phạm Văn Viên may thoát chết do trèo xuống sau cùng nhưng nỗi ám ảnh vẫn bám chặt trong ký ức.

Nỗi buồn từ cuộc tiễn đưa cùng lúc ba người khiến sự ngậm ngùi len vào từng ngõ nhỏ ở làng Kinh Môn. Nhà nhà hốt hoảng và thường xuyên hong giếng để không tụ khí độc, đồng thời thành giếng nhà nào quá thấp thì xây cao thêm, làm phên đậy chắc chắn.

Bần thần nhìn ra phía nghĩa trang xã Chưa A Thai, anh Nguyễn Văn Công đau xót chia sẻ: Kinh nghiệm và sự cẩn trọng được rút ra quá muộn. Nhưng có còn hơn không. Sau đại tang của làng Kinh Môn tôi đã đi nhiều buôn làng tuyên truyền cho người dân về ẩn họa từ những chiếc giếng đào trong rẫy nhưng còn nhiều người chủ quan lắm. Cũng từ cái chết của ba người cùng lúc, người làng Kinh Môn được chính quyền giải thích cặn kẽ rằng: Ở các giếng đào có thả máy bơm phục vụ chăm sóc rẫy, người dân thường bắt vài thanh gỗ [hoặc sắt] ngang lòng giếng để đặt máy bơm, phía trên có nắp bê-tông kín nên để lâu ngày sẽ tích tụ các loại khí rất độc hại như các-bon ô-xít, các-bon đi-ô-xít, mê-tan...Những loại khí này sẽ tác động trực tiếp đến hệ thần kinh con người, gây ức chế tuần hoàn máu não, dẫn đến tử vong nhanh. Vậy nên, phải thường xuyên mở nắp giếng khi trời nắng để khí độc được giải thoát. Khi máy bơm hư đột xuất, muốn xuống giếng sửa phải đeo mặt nạ bảo vệ cẩn thận. Với nhiều chiếc giếng đào, thành giếng thấp vào mùa khô cạn nước mà không đậy nắp cẩn thận thì ở đó cũng chính là nơi nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn. Nhiều vụ gãy chân, gãy xương hàm, vỡ sọ vì vô ý bị rơi xuống giếng cạn đã xảy ra.

Đã nghe thấy nhiều vụ tai nạn từ giếng đào nhưng vì mải mê làm ăn xa, anh Trần Quốc Đạt ở xã Chư Don [huyện Chư Pưh, Gia Lai] chưa kịp rút kinh nghiệm xây thành giếng cao lên để hai đứa con nhỏ được an toàn thì giữa tháng 7-2018 điều không mong muốn đã tìm đến. Quanh thành giếng rêu trơn, vừa thò gầu xuống múc nước thì đứa con 13 tuổi của anh lộn cổ xuống, chấn thương nặng cột sống, bỏ dở việc học hành, chạy chữa mãi vẫn chưa thoát khỏi những cơn đau nhức. Từ thực tế bản thân, anh Đạt bốc điện thoại gọi cho hầu hết người quen làm rẫy, hãy coi lại giếng đào của mình.

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay ở các tỉnh Tây Nguyên có khoảng hơn 20.000 giếng đào. Tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Có nhiều giếng ở nơi vắng vẻ, thưa người nên phải xây thành cao, đậy nắp cẩn thận. Ở những trang trại rộng lớn thì chỗ nào có giếng cần cắm thêm biển báo. Riêng tại tỉnh Đác Lắc, theo báo cáo của Sở TN&MT có đến hơn 70.000 giếng đào, nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra, người dân cần nâng cao cảnh giác và thường xuyên kiểm tra giếng nhà mình, đồng thời khuyến cáo, nhắc nhở đến những người chung quanh khi thấy có những dấu hiệu tiềm ẩn tai nạn.

Video liên quan

Chủ Đề