Cách đi thi được điểm cao

Để thí sinh có tâm lý ổn định, trước ngày thi, các thầy cô giáo cho rằng, thí sinh phải chuẩn bị đầy đủ trang phục, đồ dùng học tập, giấy tờ tuỳ thân từ tối hôm trước. Các em cần đi ngủ sớm và đặt chuông đồng hồ để dậy đúng giờ, nên đến sớm trước giờ quy định 15 phút để tạo tâm lý tốt khi bước vào phòng thi. Điều quan trọng là thí sinh phải tự tin.

Môn Toán: Làm chắc bài cơ bản rồi mới đến bài khó

Để làm tốt và đạt điểm cao bài thi môn Toán, nhóm giáo viên tổ Toán tâm huyết của trường THCS Nguyễn Trãi khuyên khi bước vào phòng thi, học sinh nên đọc toàn bộ đề 2 đến 3 lần, xác định thứ tự làm các câu và ghi vào góc trái tờ nháp, làm chắc bài cơ bản rồi mới đến bài khó. Trong quá trình làm bài, làm xong ý nào, câu nào, các em nên gạch để khỏi sót. Tiếp theo, học sinh cần đọc, soát đề trước và sau mỗi câu đã làm xong.

Cô Nguyễn Vân Anh, Tổ trưởng tổ Toán - Lý của trường THCS Nguyễn Trãi [Ba Đình]

Theo cô Nguyễn Vân Anh, Tổ trưởng tổ Toán - Lý của trường THCS Nguyễn Trãi [Ba Đình], môn thi gồm 5 bài. Bài 1, thí sinh cần lưu ý không viết thỏa mãn ở phần kết luận. Nếu xuất hiện biểu thức mới thí sinh nhớ bổ sung điều kiện xác định; Đôi khi phải đổi dấu để tìm mẫu thức chung hoặc có phép trừ cho một tổng đại số phải đặt ngoặc rồi phá ngoặc. Nếu đề bài là chứng minh, học sinh nhớ khẳng định điều phải chứng minh…

Bài 2, thí sinh cần căn cứ vào câu hỏi để đặt ẩn và bài toán vận dụng thực tế: Thường sử dụng công thức hình học không gian.

Bài 3, với câu 1: Giải phương trình bậc 2, 3, 4 hoặc hệ phương trình. Phần này buộc các thí sinh phải tìm điều kiện của ẩn để căn có nghĩa, mẫu khác 0; Khi đặt ẩn phụ chú ý điều kiện của ẩn phụ; Đối chiếu điều kiện trước khi kết luận; Ở câu 2: Thường là tìm điều kiện của tham số để hai đồ thị hàm số có mối quan hệ nào đó hoặc tìm điều kiện tham số để phương trình thoả mãn yêu cầu...

Bài 4 là phần hình học tổng hợp . Ở phần này, học sinh nên đọc kỹ đề bài, vẽ hình chính xác chú ý: Điểm thuộc cung nhỏ, điểm nằm giữa, đoạn thẳng này nhỏ hơn đoạn thẳng kia, nằm trong góc... ký hiệu các dữ liệu đã cho trong hình; Liên kết yếu tố cho với các kiến thức liên quan…

Bài 5, giải các phương trình đặc biệt hoặc bài toán cực trị, bất đẳng thức. Ở bài này, học sinh cần nắm vững một số bất đẳng thức cơ bản; Có kỹ năng đánh giá điểm rơi; Các bất đẳng thức phụ.

Cô Nguyễn Vân Anh cũng đặc biệt lưu ý thí sinh, khi làm xong bài cần dành thời gian kiểm tra tổng thể bài, tô lại các con số nếu dễ gây hiểu lầm cho giám khảo, soát lại thông tin và ký vào giấy nộp bài, nhớ ghi rõ số tờ.

Môn Văn: Phân tích kỹ đề, căn thời gian chuẩn xác

Để làm tốt bài thi môn Văn học, cô Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - Tổ trưởng tổ KHXH, trường Đô thị Việt Hưng cho rằng: Khi nhận đề thi, các em nên bình tĩnh, hít thở chậm, đọc kỹ để có cái nhìn tổng quan, xác định phần khó, phần dễ, tuyệt đối không “choáng”. Dù có trúng đề hay không trúng, các em phải tập trung làm bài ngay từ đầu.

Cô Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - Tổ trưởng tổ KHXH, trường Đô thị Việt Hưng

"Khi trình bày bài thi, chữ viết phải rõ ràng, diễn đạt mạch lạc, không làm bài nhanh rồi nộp trước giờ. Thời gian làm bài thi không nhiều vì vậy thí sinh phải phân bố hợp lý, câu dễ làm trước, khó làm sau, làm đâu chắc đó để tránh bị trừ điểm", cô Thủy chia sẻ.

Với kinh nghiệm nhiều năm dạy môn Văn và ôn luyện cho học trò, cô Thủy lưu ý học sinh cần phân tích kĩ đề, căn thời gian chuẩn xác để làm bài. Trong khi làm bài không được viết dài với những câu ít điểm và không được chủ quan, kể cả những đề luyện kỹ.

Với những yêu cầu ngữ pháp phải đưa trong phần đầu đoạn văn, học sinh nên gạch chân, chú thích cẩn thận, rõ ràng, không được vi phạm hình thức đoạn văn. Với đoạn văn nào không thuộc lòng, các em nên diễn xuôi nếu thấy cần thiết... Riêng với phần nghị luận, thí sinh cần đi đúng hướng, có ví dụ, dẫn chứng cụ thể, điển hình.

Cô Thuỷ dặn dò, khi làm bài xong các em cần đọc kỹ lại, sửa những lỗi sai và điều quan trọng nhất là không được nộp giấy trắng.

Chiến thuật làm bài thi môn tiếng Anh

Cô giáo Bùi Thị Nguyên Ngọc, trường THCS Lý Thường Kiệt, quận Long Biên, Hà Nội, cho rằng, để làm tốt môn tiếng Anh, thí sinh cần phải đọc lướt đề thi trước khi làm bài.

Cụ thể, khi được phát đề, theo quy chế, thí sinh có 5 phút kiểm tra đề thi. Các bạn nên tận dụng thời gian này để đọc lướt một lượt để có cái nhìn tổng quan về đề thi, xác định nhanh những phần nào, câu nào là lợi thế của mình để ưu tiên làm trước, ghi điểm trọn vẹn ở những câu đó; Từ đó tạo tâm lý tự tin trong suốt quá trình làm bài.

Dù làm trước phần, dạng bài các em thấy tự tin nhưng không tránh khỏi có một hai câu hỏi khó trong phần đó. Đối diện với câu hỏi mình chưa chắc chắn, học sinh nên đánh dấu lại hoặc ghi câu đó ra nháp để quay lại sau khi hoàn thành lượt đầu tiên. Điều này giúp các em đỡ mất thời gian vào một câu, đồng thời tránh bỏ sót câu hỏi.

Chiến thuật làm bài thi tiếng Anh độc đáo, hiệu quả của cô giáo Bùi Thị Nguyên Ngọc

Cô Ngọc cũng cho rằng, thí sinh không có nhiều thời gian để làm nháp hết một lượt rồi mới tô vào phiếu trả lời, hơn nữa khi tô đồng loạt dễ dẫn đến việc nhầm, lệch câu hỏi. Vì thế, các bạn cần tô ngay khi chắc chắn với câu trả lời. Lưu ý tô kín ô, tránh tô tràn ra ngoài, tránh tẩy xóa nhiều lần.

Sau khi làm xong một lượt những câu mình chắc chắn, tự tin đúng, học sinh nhớ quay lại câu mình đã đánh dấu là chưa làm. Đối với những câu khó này, các em nên dùng kiến thức, tư duy để loại trừ ít nhất 2 phương án sai. Sau khi cân nhắc 2 phương án còn lại, thí sinh hãy cố gắng tìm ra đáp án cuối cùng mà mình thấy phù hợp nhất, tuyệt đối không bỏ trống câu nào.

Cô Ngọc cũng đặc biệt lưu ý, không cần hiểu và dịch được toàn bài thì mới làm được câu hỏi đọc hiểu, các em hãy sử dụng kỹ năng đọc lướt [skimming] để tìm ý chính của đoạn. Sau đó, bạn gạch chân từ chìa khóa [key words] trong câu hỏi rồi đọc quét.

Môn Sử cần lưu ý dạng câu hỏi phủ định “Không”

Để làm bài thi môn Sử đạt kết quả cao, cô Trần Thuý Nga, giáo viên Văn - Sử trường THCS Mai Động đưa ra "bí quyết": "Học sinh cần chuẩn bị bút bi xanh [2 cái] và ít nhất 2 bút chì 2B, tẩy mới, gọt bút chì khi đi thi. Sử dụng bút bi xanh để ghi thông tin họ tên, mã đề… và dùng bút chì 2B để tô các ô số báo danh, mã đề và phương án trả lời trắc nghiệm.

Các em cần ghi thông tin của mình vào tờ phiếu trả lời trắc nghiệm và tô đủ 6 số báo danh [kể cả các ô số “0” ở phía trước]. Khi nhận đề thi, học sinh ghi và tô mã đề vào tờ phiếu trả lời trắc nghiệm. Trường hợp tô nhầm ô [hoặc thay đổi ô đã tô] thì cần tẩy sạch chì ở ô cũ rồi mới tô ô mà mình lựa chọn…

Cô Trần Thuý Nga, giáo viên Văn - Sử trường THCS Mai Động

Học sinh cần đọc đầy đủ đề và làm những câu cơ bản trước, không nên làm theo thứ tự cứng nhắc. Với những câu chắc chắn đúng, thực hiện ngay việc tô đáp án vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Những câu hỏi khó hơn cần đọc thật kỹ lại đề bài để không bị nhầm, chú ý các phương án nhiễu có thể gây cho học sinh sai sót. Đặc biệt lưu ý các câu lệnh của dạng câu hỏi phủ định “Không”.

Sau khi làm bài thi, học sinh nên dành thời gian kiểm tra lại các câu đã trả lời, tuyệt đối tránh tình trạng một câu có 2 ô được tô đáp án, tô mờ, không tô. Những câu nào chưa có đáp án, các em có thể lựa chọn tô ngẫu nhiên [căn cứ vào sự suy luận của mình] để có thể may mắn có điểm.

Trước khi nộp bài, học sinh cần kiểm tra kỹ lại thông tin của mình trên tờ phiếu trả lời trắc nghiệm và những ô chì đã tô ở mục số báo danh, mã đề, đáp án các câu...

Với tất cá những "bí quyết" được đúc rút sau nhiều năm dạy học, các thầy cô gửi lời chúc tới học sinh lớp 9, chuẩn bị bước tới kỳ thi vào lớp 10 thật bình tĩnh, tự tin và đạt điểm được số điểm tối đa.

  • 1

    Trả lời hết các câu hỏi

    Bạn hoàn toàn có thể bỏ qua những câu hỏi khó rồi sau đó quay lại. Nhưng vấn đề là bạn thường quá mải mê với những câu hỏi khác mà quên mất câu hỏi mà mình đã bỏ qua. Một câu trả lời trống luôn luôn là một câu trả lời sai!

    Trong quá trình làm bài, bạn nên chọn những câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Nhưng tuyệt đối không được bỏ trống bất kỳ một câu hỏi nào, nếu là câu trắc nghiệm đó là một cơ hội cho bạn, còn câu tự luận bạn viết vào cũng được ban giám khảo đánh giá và cho điểm dựa trên câu chữ của bạn.

    Để có thời gian làm hết các câu, bạn không nên mải mê với những câu hỏi khác, quên mất những câu mình đã bỏ qua.

  • 2

    Chỉ trả lời một lần cho một câu hỏi

    Trong một câu hỏi của phần thi trắc nghiệm sẽ có nhiều đáp án na ná nhau, vì thế bạn có thể phân vân giữa nhiều đáp án hay hai đáp án. Nhưng không phải vì thế mà bạn chọn hết hay chọn cả hai câu. Nhất thiết bạn phải lựa chọn ra một phương án đúng nhất, như vậy mới được coi là bài thi hợp lệ và mới có cơ hội điểm cao.

  • 3

    Tránh chép nhầm kết quả từ giấy nháp

    Cách làm bài thi của nhiều học sinh, sinh viên là nháp cả những phần chính và phụ, sau đó mới chép vào bài thi. Như thế sẽ chắc chắn hơn để làm bài thi đạt kết quả cao, nhưng lại dễ nhầm. Bởi trong quá trình làm nháp, có những phần đúng và có những phần sai, khi thời gian cấp tập quá, có thể chép nhầm kết quả. Nên khi làm bài thi các bạn hết sức chú ý nhé!

  • 4

    Đừng học tủ

    Học tủ là cách chọn ôn thi của nhiều bạn, vì nhiều nguyên nhân như: không có thời gian, muốn điểm cao nếu trúng tủ, chỉ thích một phần nào đó trong quá trình học. Nhưng đây là cách học dựa vào may rủi nhiều, vì đề thi không vào phần bạn ôn, bạn sẽ không nhớ kiến thức gì để làm bài. Hơn nữa sẽ hạn chế kiến thức của bạn trước khi vào phòng thi, khiến bạn hay mất bình tĩnh.

    Vì vậy, lời khuyên tốt nhất cho bạn là không nên học tủ, hãy học hết các ý chính của các kiến thức trong quá trình học. Hãy thử và bạn sẽ thấy tự tin hơn khi bước vào phòng thi đó!

    Cách làm bài thi tốt nhất là không nên học tủ

  • 5

    Làm bài theo sát thời gian

    Mỗi bài thi đều có một mức thời gian nhất định và mỗi bài thi có số lượng câu khác nhau. Nên phụ thuộc vào độ khó dễ và quan trọng nhất là mức điểm của từng câu mà bạn phân bổ thời gian sao cho phù hợp.

    Đứng mất quá nhiều thời gian vào một câu, mặc dù câu đó bạn có nhiều kiến thức và nhiều ý muốn thể hiện, vì như thế bạn sẽ không có thời gian làm câu sau. Đến khi chấm bài, có lẽ câu bạn dành thời gian làm nhiều sẽ bị thừa ý và câu bạn bị thiếu thời gian bị bỏ trống và thiếu ý.

  • 6

    Tránh lạc đề

    Nếu giáo viên yêu cầu "so sánh" và bạn lại "định nghĩa", bạn sẽ bị mất điểm về câu trả lời của bạn. Hãy chú ý trả lời đúng những gì giáo viên yêu cầu.

    Xác định: Cung cấp một định nghĩa.

    Giải thích: Cung cấp một câu trả lời tổng quan hoặc mô tả rõ ràng các vấn đề và giải pháp cho một vấn đề cụ thể.

    Phân tích: Nêu một khái niệm hay một quá trình, và giải thích từng bước.

    So sánh: Nói rõ sự giống nhau và khác nhau.

    Sơ đồ: Giải thích và vẽ một biểu đồ hoặc các hình ảnh để minh họa.

  • 7

    Đừng suy nghĩ quá nhiều

    Trước khi vào phòng thi, bạn đừng nên suy nghĩ quá nhiều về những kiến thức đã học, chỉ cần để đầu óc thoải mái và chú ý giáo viên gọi tên vào phòng thi.

    Khi nhận được đề thi, bạn cũng cần tránh sự suy nghĩ nhiều, bởi như vậy sẽ làm trong đầu bạn ngồn ngộn kiến thức, sẽ khiến bạn mất bình tĩnh và quên một phần. Hơn nữa, bạn sẽ nghi ngờ chính khả năng của bản thân mình.

    Nếu bạn suy nghĩ quá nhiều ở một câu hỏi mà không để ý đến thời gian hoặc những câu hỏi khác, bạn chắc chắn sẽ thay đổi một câu trả lời đúng thành một câu trả lời sai.

  • 8

    Chuẩn bị đủ đồ dùng học tập đầy đủ

    Bạn đi thi và chiếc bút hết mực, bạn quên mang bút chì thước kẻ hay compa,... tất cả những vấn đề đó sẽ ngốn đi không ít thời gian và tinh thần của bạn. Vì vậy vào trước ngày thi, hãy chuẩn bị một bộ dụng cụ học tập đầy đủ để có thể thi tốt.

  • 9

    Phải nhớ ghi những thông tin đầy đủ vào bài thi

    Khi nộp bài thi bạn nên soát lại một lần về thông tin cá nhân nhé! Những thông tin quan trọng nhất là: họ tên, mã số bài thi, sau khi kết thúc bài thi phải ghi số trang bạn làm bài để tránh thất lạc.

    Không ghi tên trong bài thi sẽ gây khá nhiều rắc rối cho bạn và giáo viên chấm thi của bạn. Vì vậy cáh tốt nhất là hãy ghi tên mình ngay khi nhận được tờ giấy thi từ giám thị của bạn và soát lại lần cuối trước khi nộp bài.

Video liên quan

Chủ Đề