Cách mở rộng tầm nhìn về cuộc sống

Peter, một thạc sĩ quản trị kinh doanh [QTKD] Standford, đã nói rằng mặc dù về cơ bản, trường kinh doanh là nơi giáo dục bạn làm thế nào phát triển cách riêng của mình trong việc đưa ra những quyết định, nhưng bất cứ khi nào anh ta cần quyết định, anh lại gọi một tá những bạn bè thông minh nhất của mình đến và thu thập sự hiểu biết họ, để đảm bảo là anh đã không bỏ sót một điều gì. “Góc nhìn bằng với mức chỉ số thông minh [IQ] 100,” anh ta tóm lại.

Hai thập kỉ sau, vào ngày 11-9-2006, tôi có mặt ở gần tâm điểm của vụ khủng bố. Sau bài diễn thuyết của tôi trước những thành viên ban quản trị các tổ chức phi lợi nhuận, tôi đã được hỏi phẩm chất nào là quan trọng nhất đối với những nhà lãnh đạo trẻ. Tôi đã trả lời rằng đó là tính nhạy cảm đa văn hóa [multicultural sensitivity]. Bạn là ai khi mà một người lãnh đạo được nhận biết không phải chỉ bằng ý thức nội tại của họ về sự tồn tại mà còn bởi những mối quan hệ của họ với những người khác. Hơn bao giờ hết, những mối quan hệ này là với những người từ những nền văn hóa và những kiểu sống khác. Hiểu được họ và cách làm việc với họ là điều quan trọng để trở thành một nhà lãnh đạo thành công trong thế kỉ 21.

Hai khía cạnh mở rộng tầm nhìn của bạn – góc nhìn và sự hiểu biết – hình thành nên cái mà tôi gọi là nguyên tắc sống “du lịch thế giới và trò chuyện với những người bà” của tôi. Nguyên tắc sống này đòi hỏi bạn mở rộng và đào sâu sự hiểu biết của bạn về việc bạn là ai qua một loạt những mối quan hệ để bạn không mạo hiểm trong việc giới hạn tiềm lực của mình.

Có nhiều góc nhìn khác nhau về cách sống là bài học quan trọng nhất tôi đã học được từ chuyến du lịch ba lô vòng quanh thế giới của mình. Với nỗ lực để trở thành “tôi”, không chỉ có một cách mà tôi đã học được ở vùng BosWash về những sự nghiệp với thành tựu và cống hiến. Có rất nhiều các khác để trở thành một con người thành công.

Tôi đã du lịch bằng xe buýt và xe lửa hạng ba và thậm chí đi nhờ, tất cả những dịp này cho phép tôi gặp những người mà thông thường tôi sẽ không bao giờ được gặp. Và dĩ nhiên, tôi đã dành thời gian với những người bà, những con người giữ gìn những nền văn hóa. Nhiều năm sau, tôi nhận ra kinh nghiệm đó đã đào sâu kiến thức của tôi về bản thân mình như thế nào, theo một cách mà trường học hay công việc không bao giờ có thể làm được.

Tại nhà hàng sự nghiệp dành cho thạc sĩ QTKD, bạn được phục vụ một tuyển chọn hạn hẹp những bữa ăn đại diện cho thực đơn của cuộc đời. Cái gì được coi là thành công hay không được coi là thành công đã được làm rõ. Bất cứ thứ gì không có trong thực đơn được xem là rủi ro cao. Nhưng tôi tin rằng mặc dù vài lựa chọn đó có thể giúp bạn bắt đầu con đường để trở thành con người bạn mong muốn, nhưng sẽ có rất nhiều lựa chọn khác có thể phù hợp hơn nhiều đối với một số người trong các bạn. Không khám phá những lựa chọn khác đó, có nghĩa là bạn đang mang một rủi ro to lớn hơn: bắt đầu con đường của bạn với một nền tảng không vững chãi.

Ví dụ, trong một số nền văn hóa, bạn là ai được hiểu qua lăng kính chúng ta là ai. Ở Nam Phi Châu, cách ngôn của người Châu Phi “Tôi là thế vì chúng ta là thế” dẫn dắt con người. Nếu bạn muốn biết một người, bạn phải biết cả cộng đồng, vì chính cộng đồng tạo con người chúng ta. Vì vậy nếu bạn muốn gặp gỡ một ai đó theo đúng cách, bạn nên học biết về cộng đồng đã nuôi lớn con người đó. Nếu bạn muốn thăm viếng, để xem, Nelson Mandela, tốt nhất là đọc về Transkei, vùng đất ông được sinh ra, và Qunu, ngôi làng nơi ông được nuôi dạy.

Đó là nghịch lý của cá tính, không chỉ ở Nam Phi Châu mà tới một mức độ nào đó, ở khắp nơi. Chúng ta là ai phụ thuộc rất nhiều vào mối tương quan với người khác, với một loạt những giá trị và mong đợi mà chúng ta gọi là “văn hóa”. Như triết gia xã hội Charles Handy đã nói: “Cá tính thật có tính xã hội một cách thiết thực… Chúng ta tìm thấy chính mình qua những gì chúng ta làm và qua một cuộc chiến đấu lâu dài của việc sống với và sống vì những người khác.”

Một tầm nhìn hạn hẹp của điều định nghĩa nên con người bạn – những nhãn mác của quá khứ: “Tôi là con trai của ông này bà kia,” “Tôi đến từ một nơi gọi là…,” “Tôi là một nhân viên tại IBM” – không hề chứa đựng sự rộng lớn của cuộc đời bạn hoặc những khả năng và tiềm năng của bạn. Nó có thể cản trở bạn kết nối với mục đích cao hơn của mình.

Cái bẫy này thì hoàn toàn quá thông thường. Tôi không bao giờ quên lời bình luận ớn lạnh từ một sinh viên năm cuối đại học đang nộp đơn vào trường kinh doanh: “Tiến sĩ Albion, em đã chơi bóng đá cả đời. Bây giờ mùa giải đã kết thúc, và em sẽ không chơi trong giải nhà nghề,” cô ấy lắp bắp khi mắt của cô đẫm lệ. “Em không biết em là ai”.

Người theo đạo Sufi [thuộc Hồi giáo] nói: “Sự khôn ngoan nói với tôi rằng tôi chẳng là gì cả; tình yêu nói với tôi rằng tôi là tất cả. Giữa hai điều ấy, cuộc đời tôi trôi đi.” Những trường kinh doanh cung cấp cho bạn một nền văn hóa, một cách nhìn nhận bạn là ai và làm thế nào để trở thành một người thành công. Công việc của bạn là tìm kiếm bên ngoài bốn bức tường đó và bên trong trái tim của chính bạn. Hãy tự hỏi mình: “Tôi sẽ định nghĩa bản thân mình một cách rộng nhất có thể như thế nào?” Suy nghĩ rộng ra!

Hiện tại bạn có ba nguyên tắc sống để dẫn dắt bạn và chẳng có gì để mất. Nếu bạn cần giúp đỡ, nghĩ lại tất cả các cách bạn có thể đã định nghĩa “tôi là ai” vào những lứa tuổi khác nhau. Sau đó biên soạn tất cả những định nghĩa đó và xem bạn có gì. Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ hoàn tất bài kiểm tra bản thân của bạn bằng cách xác định rõ ràng những mục tiêu và những ưu tiên của kế hoạch số phận của bạn.

Những câu hỏi cho kế hoạch số phận

* Khi mọi người hỏi bạn là ai, bạn nói gì? Xem xét những câu trả lời khác nhau phụ thuộc vào hoàn cảnh và người đang đặt câu hỏi.

* Hãy nghĩ về việc bạn là ai như được định nghĩa bởi bốn người khác nhau trong cuộc đời của bạn. Những định nghĩa đó có điểm gì chung không?

* Khi không có công việc hiện tại hay gia đình của bạn, bạn là ai? Hãy nghĩ một cách rộng nhất có thể về định nghĩa của bạn.

MARK ALBION

Trích: Trang Tử Tâm Đắc; Biên dịch: Lê Tiến Thành;
NXB. Tổng Hợp Tp.HCM; 2016

“Mắt có bụi tam giới cũng hẹp, lòng thanh thản một giường cũng rộng”

Hạnh phúc đích thực ở chốn nhân gian là không có việc vướng bận trong lòng. Vậy thì sự vướng bận đó biểu hiện ở cái gì? Biểu hiện ấy chính ở chỗ chúng ta tự dựng chướng ngại cho mình, khiến tầm nhìn của chúng ta không được rộng mở.

Thế thì trong cuộc sống, làm thế nào để tầm nhìn trở nên rộng mở hơn?

Thiền tông có một câu thế này: “Mắt có bụi tam giới cũng hẹp, lòng thanh thản một giường cũng rộng”. Trong mắt có bụi, trong lòng có vướng mắc thì người ta thấy “tam giới cũng hẹp”. Tam giới là gì? Là kiếp trước, kiếp này, kiếp sau. Chỉ cần việc trong mắt không hóa giải được, trong lòng suốt ngày phiền muộn, bạn sẽ thế chấp cả kiếp này, kiếp trước, kiếp sau của mình. Thế nhưng, nếu bạn mở rộng tấm lòng, mà chỉ cần ngồi trên giường nhà mình bạn cũng có thể cảm thấy trời đất rộng lớn mênh mông.

Vì vậy, muốn thực sự đạt đến tiêu dao cùng trời đất, trước hết cần phải mở rộng tầm nhìn của mình.

Đạo tuân theo tự nhiên, tức là để tâm chúng ta cảm nhận khí của trời đất. Trời đất có ở khắp nơi nên Đạo cũng có ở khắp nơi.

Đạo tuân theo tự nhiên, tức là khích lệ mỗi người đo lịch trình của mình bằng chính bước chân mình, mở mang trí mình bằng chính sự thể nghiệm của mình.

Đạo tuân theo tự nhiên, tức là làm cho chúng ta nhìn thấy mọi chỗ.

Về vấn đề Đạo tuân theo tự nhiên, Trang Tử nói về Đạo như thế nào?

Đông Quách Tử hỏi Trang Tử:
– Đạo ở đâu?

Trang Tử đáp:
– Đạo có ở khắp mọi nơi.

Đông Quách Tử không hiểu, bắt bẻ:
– Chí ít thầy cũng phải nói một chỗ chứ?

Trang Tử buột miệng nói:
– Ở con sâu cái kiến – Đạo ở trên mình những con côn trùng nhỏ.

Đông Quách Tử rất bất mãn, nói:
– Đạo thấp hèn như vậy sao?

Trang Tử lại nói
– Ở trên cây túc ma, ở trên cây cỏ dại bé nhỏ.

Đông Quách Tử càng bất mãn:
– Tại sao Đạo lại càng thấp hèn đến thế?

Trang Tử nói nặng giọng hơn:
– Trong gạch ngói.

Đông Quách Tử càng thêm bực bội:
– Sao càng nói càng thấp hèn như vậy?

Trang Tử bực mình, bèn nói:
– Trong đống phân.

Lần này thì Đông Quách Tử chẳng biết nói năng sao.

Thực ra, nếu thật sự hiểu được đoạn đối thoại này, chúng ta sẽ thấy rằng Đạo tuân theo tự nhiên có nghĩa là trong tự nhiên toàn là đạo lý.

Trời đất có ở khắp nơi nên Đạo cũng có ở khắp nơi.

Có một câu ngạn ngữ nói rằng: chân sườn núi nở đầy hoa tươi, nhưng trong mắt bò dê thì chúng chỉ là thức ăn.

Đây chính là cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta có thể nhìn thấy hoa tươi, nhưng khi tâm con người bị hai con thuyền danh và lợi che khuất thì thế giới mà chúng ta nhìn thấy có lẽ cũng toàn là thức ăn. Thức ăn là thứ ăn được, là hữu dụng, còn hoa tươi là thứ thần bí, thứ thẩm mỹ, thứ gợi mở tâm trí.

Đừng cho rằng chỉ có bò dê mới nhìn thấy chỉ toàn thức ăn, thực ra trong cuộc sống ngày nay, hàng ngày chúng ta nhìn thức ăn nhiều hơn, thấy hoa tươi ít hơn.

Điều này khiến chúng ta cần thiết phải trở lại với phạm trù Đạo mà Trang Tử nói. Chúng ta cần nhìn trong những thứ thấp hèn nhất, thậm chí bẩn thỉu nhất xem có đạo lý chân chính hay không. Hạ thấp lòng mình xuống để phát hiện, đó là một thái độ. Nói theo lời nhà Phật, chỉ khi cúi đầu, người ta mới nhìn thấu, bạn không cúi đầu sẽ không nhìn thấy.

Cảnh giới tiêu dao du bảo chúng ta phải phóng tầm mắt cho xa, cho chúng ta biết Đạo có mặt ở mọi nơi, thậm chí cho ta biết Đạo ở trong đóng phân, tức là muốn chúng ta để tâm suy nghĩ, để tâm hỏi, để tâm nhìn.

Có thể nói trên đời này, đạo lý đích thực vừa cần chúng ta có tầm mắt rộng, vừa cần chúng ta có thực tiễn.

Tương truyền có một hôm Đức Phật không thuyết pháp như mọi ngày mà trước đông đảo tăng thân đại chúng, ngài lặng lẽ đưa lên một cành hoa. Trong số đệ tử chỉ có Ca Diếp mỉm cười. Khoảnh khắc Ca Diếp mỉm cười gọi là khoảnh khắc tâm hội, tức là tâm linh thần hội, bởi ngài đã hiểu nên mỉm cười.

Chúng ta thử nghĩ đến hai kết quả, thứ nhất là khi Đức Phật giơ cành hoa lên, tất cả mọi người không ai cười; nếu vậy buổi giảng kinh đã thất bại. Thứ hai là khi Đức Phật niêm hoa, tất cả mọi người có mặt đều cười, thực ra như thế cũng là thất bại bởi đó là điều không tưởng.

Chỉ cần đó là một đạo lý tinh diệu, một đạo lý gần gũi lòng người, thì sự tham ngộ của con người sẽ có nông có sâu, sẽ có xa có gần, sẽ có sự phân biệt cao thấp tùy thuộc vào tâm trí từng người, sự trải nghiệm của từng người, khuynh hướng giá trị của từng người, cảnh giới lý tưởng của từng người.

Thế giới này không bao giờ có cái gì hoàn chỉnh, giúp bạn hiểu đạo lý chính xác giống như một cộng một bằng hai.

Khi Đức Phật giơ cành hoa lên, chỉ có Ca Diếp mỉm cười; khi Trang Tử tiêu dao du, có bao nhiêu tâm hồn thật sự có được không gian rộng lớn để bay bổng, thật sự có được mấy người đạt đến cùng cảnh giới với ông?

Câu hỏi này chúng ta không thể hỏi Trang Tử, nhưng chúng ta có thể truy vấn chính nội tâm của mình.

“Lãnh ngộ trong tâm thái tự do tự tại, chỗ kỳ diệu của nó khó có thể nói cho người hay”, đó là một câu trong bài từ của Trương Hiếu Tường thời Tống, thực ra khi chúng ta đọc Trang Tử, mỗi người đều có cảm ngộ giống như khi Đức Phật niêm hoa Ca Diếp mỉm cười; khi chúng ta chậm rãi gập lại một trang sách, cảm thấy tấm lòng lãnh ngộ, thì giá trị của Trang Tử đã được thể hiện ra thật sự. Bởi lẽ Tiêu dao du của ông đã mang lại cho cuộc sống phàm tục của chúng ta một đôi cách phi phàm.

Tags: Nghệ thuật sống đẹp, Ý nghĩa đời sống


Video liên quan

Chủ Đề