Chiều dài của tỉnh Quảng Bình là bao nhiêu km?

Quảng Bình là tỉnh thuộc khu vực duyên hải Bắc Trung Bộ, một mặt giáp biển và 1 mặt dựa lưng vào dãy Trường Sơn. Phía Bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh, ranh giới là núi Hoành Sơn. Phía Nam tiếp giáp với tỉnh Quảng Trị. Phía Đông giáp biển với bờ biển dài 116,04 km. Phía Tây giáp Lào với đường biên giới dài 201,87 km. Tỉnh Quảng Bình có toạ độ địa lí là 17005' 02" - 18005' 12" vĩ độ Bắc, 105036' 55" - 106059' 37" kinh độ Đông. Quảng Bình là nơi hẹp nhất của lãnh thổ nước ta. Tại Đồng Hới, chiều dài từ Tây sang Đông chỉ khoảng 50 km.

Về phương diện vị trí, có thể xem Quảng Bình là một bản lề trong không gian đất nước cũng như trong lịch sử dân tộc, là nơi giao thoa của các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội giữa hai miền Bắc - Nam.

Về mặt tự nhiên, đây là vùng kết thúc của địa hình đá vôi và bắt đầu của sự phân bố đá granit theo diện rộng. Vùng bờ biển cũng là sự giao thoa giữa kiểu bờ biển phẳng thấp và kiểu biển miền Trung với những cồn cát cao chạy dọc bờ.

Về lịch sử, đây là vùng phân chia ranh giới, là vùng tranh chấp của nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Từ năm 1969, Quảng Bình là vùng đất địa đầu phía Nam của nhà nước phong kiến Việt Nam. Sau đó, với ranh giới sông Gianh, Quảng Bình là vùng đất khởi nghiệp của chúa Nguyễn và là vùng tranh chấp gay gắt trong suốt cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn. Quảng Bình cũng là điểm xuất phát của con đường mòn Hồ Chí Minh - con đường huyết mạch chi viện cho miền Nam trong suốt một giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.

Về mặt kinh tế, Quảng Bình là cầu nối giao thông của hai miền Nam - Bắc. Các tuyến giao thông theo hướng Tây - Đông giúp tỉnh có điều kiện giao lưu với Lào và xa hơn nữa là một số vùng của Thái Lan. Đây là những thuận lợi giúp Quảng Bình có thể mở rộng giao lưu kinh tế trong nước và quốc tế.

Địa hình

Địa hình cấu tạo phức tạp, núi rừng sát biển, tạo thành độ dốc thấp dần từ Tây sang Đông. Phía Tây Quảng Bình là sườn Đông của dãy Trường Sơn. Phía Đông là dãy đồng bằng nhỏ hẹp, có nơi chỉ khoảng 5-10 km, chủ yếu tập trung theo hai bờ sông chính; diện tích chiếm khoảng 15% tổng diện tích tự nhiên. Khoảng 85% diện tích toàn tỉnh là đồi núi, đá vôi. Các ngọn núi lớn trên địa bàn tỉnh là núi Côtarun [1624m], Côtaren [1326m], núi Kẻ Bàng [1178m] và núi Ba Rền [1139m]. Đỉnh núi cao nhất là Côpi 2.017m ở phía Tây.

Về mặt cấu trúc, có thể chia địa hình Quảng Bình thành 4 khu vực :

- Địa hình đồi núi cao và đồi trung du chiếm khoảng 85% diện tích lãnh thổ. Đây còn gọi là khu vực núi cao với độ cao từ 200 - 2000m, thấp dần từ Tây sang Đông, từ Bắc vào Nam. Một trong những nét tiêu biểu của khu vực đồi núi này là sự phân bố rộng rãi của địa hình cácxtơ với khối đá vôi Kẻ Bàng đồ sộ nằm sát biên giới Việt - Lào, có hệ thống sông ngầm rất phát triển, tạo thành những hang động đẹp trong đó quy mô và nổi tiếng hơn cả là động Phong Nha.

- Dải đồng bằng ven biển chiếm 11% diện tích tự nhiên của tỉnh, phân bố chủ yếu ở các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch và Quảng Trạch.

- Dải cát nội đồng, ven biển có dạng lưỡi liềm hay dẻ quạt với độ cao từ 2-3m đến 50m. Nơi đây cũng thường xảy ra tình trạng cát bay, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của cư dân trong vùng.

- Địa hình bờ biển của Quảng Bình chủ yếu là bờ biển bồi tụ và mài mòn xen kẽ với nhau.

Nhìn chung, Quảng Bình có địa hình tương đối phức tạp. Thế nhưng, chính điều kiện địa hình này đã tạo nên nhiều cảnh quan đẹp, chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển du lịch và phát triển kinh tế với việc xây dựng các cảng biển nước sâu. Quảng Bình cũng có nhiều thuận lợi nếu đa dạng hoá nền kinh tế theo hướng khai thác kết hợp giữa các vùng đất liền, vùng biển và ven biển.

Sông ngòi

Mạng lưới sông ngòi của Quảng Bình nhìn chung khá phong phú. Mật độ trung bình đạt 0,8  - 1,1 km/km2. Toàn tỉnh có 5 con sông chính là sông Gianh, sông Ròn, sông Nhật Lệ, sông Lý Hoà, sông Dinh. Hầu hết các con sông bắt nguồn từ đỉnh núi Trường Sơn đổ ra biển Đông, sông ngắn và do nhiều phụ lưu hợp thành. Trong đó, sông dài nhất là sông Gianh [155km] chảy theo hướng Tây Đông, đổ ra biển ở cửa Gianh, cùng với dải Hoành Sơn tạo nên một cảnh quan tuỵêt đẹp. Phụ lưu sông Gianh là sông Rào Nan và sông Troóc. Sông Dinh ở huyện Bố Trạch. Sông Nhật Lệ chảy qua Đồng Hới ra biển gồm 2 nhánh là sông Long Đại và sông Kiến Giang.

Do lãnh thổ hẹp về chiều ngang nên sông ngòi thường ngắn, dốc, có hiện tượng đào lòng mạnh. Hướng chảy chủ yếu từ Tây sang Đông. Lượng dòng chảy trong năm tương đối phong phú. Thuỷ chế có hai mùa rõ rệt, tương ứng với mùa khô và mùa mưa. Các sông suối có khả năng tập trung nước rất nhanh nhưng khả năng thoát nước cũng tốt nên ít xảy ra tình trạng lũ kéo dài.

Sông ngòi ở Quảng Bình không chỉ cung cấp nước tưới và tiêu dùng mà còn là mạch máu giao thông nối liền vùng núi với vùng đồng bằng và duyên hải. Ở một số vùng của sông Gianh và sông Nhật Lệ, tàu có tải trọng từ 50 - 100 tấn có thể đi lại dễ dàng.

Do sông ngòi ngắn, dốc nên rất có tiềm năng về thuỷ điện nhưng chưa được khai thác hiệu quả.

Ngoài ra, Quảng Bình là một tỉnh ven biển giáp với Biển Đông, có vùng đặc quyền lãnh hải rộng lớn, tài nguyên biển phong phú, đa dạng, có giá trị về nguồn lợi hải sản, giao thông, du lịch ...

Khí hậu

Quảng Bình nằm trong đới khí hậu chí tuyến gió mùa, á đới nóng ẩm, có sự phân hoá sâu sắc của địa hình và chịu ảnh hưởng khí hậu chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Nam nước ta. Trong năm, khí hậu có hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 3 đến tháng 9 và mùa khô, lạnh từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Nhiệt độ trung bình các tháng trong năm khoảng 250C – 260C, tăng dần từ Bắc vào Nam, từ Tây sang Đông. Cân bằng bức xạ năm đạt 70 - 80 kcal/cm2. Số giờ nắng bình quân năm khoảng 1.700 - 2.000 giờ. Do địa hình của tỉnh phức tạp nên khí hậu có sự phân hoá theo không gian. Tổng lượng mưa trung bình hàng năm từ 2.000 mm – 2.500 mm, tập trung vào các tháng 9, 10, 11. Độ ẩm tương đối 83 – 84%.

Khí hậu của Quảng Bình nhìn chung khắc nghiệt, thể hiện rõ nét qua chế độ nhiệt, ẩm và tính chất chuyển tiếp của khí hậu. Mùa mưa trùng với mùa bão. Đây cũng là tỉnh thường chịu ảnh hưởng của bão. Với địa hình dẹp, dốc, nên khi có bão thường xảy ra tình trạng lũ đột ngột. Vào mùa khô thường có gió Tây Nam khô nóng. Những điều này ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sản xuất.

Tài nguyên thiên nhiên

- Đất

Quảng Bình có 2 hệ đất chính là hệ phù sa [ở đồng bằng] và hệ feralit [ở vùng đồi núi] với 15 loại thuộc 5 nhóm khác nhau :

- Nhóm đất cát dọc ven bờ biển từ Quảng Trạch đến Lệ Thuỷ và đất cát biển phân bố chủ yếu ở Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Quảng Trạch. Đây là loại đất xấu, ít dinh dưỡng, thành phần cơ giới rời rạc. Vùng đất này được sử dụng chủ yếu để phát triển lâm nghiệp.

- Nhóm đất mặn phân bố ở các cửa sông [sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Dinh]. Diện tích đất mặn có chiều hướng ngày càng tăng do nước biển tràn sâu vào đất liền dưới tác động của bão hoặc triều cường.

- Nhóm đất phù sa phân bố ở các dải đồng bằng và các thung lũng sông. Đây là nhóm đất chính để trồng cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày.

- Nhóm đất lầy thụt và than bùn phân bố ở các vùng trũng, đọng nước thuộc các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Quảng Trạch.

- Nhóm đất đỏ vàng phân bố tập trung ở những nơi có độ cao từ 25 - 1000m thuộc các huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá và phần phía Tây của huyện Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thuỷ. Đây là nhóm đất chiếm diện tich nhiều nhất với hơn 80% diện tích cả tỉnh.

Nhìn chung, đất ở Quảng Bình nghèo dinh dưỡng, tầng đất mỏng và chua. Đất phù sa ít. Diện tích đất đã sử dụng toàn tỉnh là 596,08 nghìn ha [74% diện tích tự nhiên], đất chưa sử dụng 209,1 nghìn ha [26% diện tích tự nhiên]. Trong đó số 549,23 nghìn ha đất sử dụng thì đất sử dụng vào nông nghiệp 11,1%, sử dụng vào lâm nghiệp 84,3%, đất chuyên dùng là 4,6%. Trong số hơn 209 nghìn ha đất chưa sử dụng thì đất bằng và đất đồi là 136,7 nghìn ha. Đây là địa bàn phát triển, mở mang sản xuất nông – lâm nghiệp và cũng là địa bàn để phân bố các cơ sở công nghiệp mới. Hiện toàn tỉnh còn 2.388 ha mặt nước chưa sử dụng – là điều kiện mở mang phát triển nuôi trồng hải sản ngọt, lợ trong tương lai.

- Biển

Quảng Bình có bờ biển dài 116 km từ Đèo Ngang đến Hạ Cờ với vùng đặc quyền lãnh hải khoảng 20.000 km2. Dọc theo bờ biển có 5 cửa sông chính, trong đó có hai cửa sông lớn, có cảng Nhật Lệ, cảng Gianh, cảng Hòn La, vịnh Hòn La có diện tích mặt nước 4 km2, có độ sâu trên 15 mét và xung quanh có các đảo che chắn như Hòn La, Hòn Cọ, Hòn Chùa có thể cho phép tàu 3-5 vạn tấn vào cảng mà không cần nạo vét. Trên đất liền có diện tích khá rộng [trên 400 ha] thuận lợi cho việc xây dựng khu công nghiệp gắn với cảng biển nước sâu.

Bờ biển có nhiều bãi tắm đẹp. Vùng biển có một số ngư trường với nhiều loại hải sản quý hiếm như tôm hùm, mực, hải sâm… cho phép Quảng Bình phát triển kinh tế tổng hợp biển. Ngoài ra, vùng ven biển Quảng Bình có tiềm năng rất lớn về cát thạch anh, nguyên liệu để sản xuất thuỷ tinh cao cấp xuất khẩu. Biển Quảng Bình có hầu hết các loài hải sản có mặt ở vùng biển Việt Nam [1.000 loài], có những loài hải sản có giá trị kinh tế cao mà các tỉnh khác ít có hoặc không có như tôm hùm, tôm sú, mực ống, mực nang… Phía Bắc biển Quảng Bình có bãi san hô trắng với diện tích hàng chục ha, không những là nguồn nguyên liệu mĩ nghệ có giá trị mà còn tạo điều kiện duy trì hệ sinh thái san hô đặc thù của vùng biển sâu miền Trung. Theo số liệu điều tra và đánh giá của Bộ Thuỷ sản [năm 1996], trữ lượng cá ở vùng biển Quảng Bình [chưa kể đến một số loài cá như cá ngừ, cá chuồn] là khoảng 51.000 tấn; trữ lượng tôm biển ước tính là 2.000 tấn, chủ yếu là các loài tôm mũ ni, đánh bắt vào vụ nam. Trữ lượng mực là 8.000 – 10.000 tấn…

Diện tích tiềm năng mặt nước nuôi trồng thuỷ sản [sông ngòi, ao hồ nhỏ, hồ chứa, mặt nước lớn, diện tích trồng lúa có khả năng nuôi, diện tích bãi bồi ven sông, ven biển, nước mặn] là 15.000 ha, trong đó diện tích có khả năng nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, lợ là 4.000 ha, nuôi trồng thuỷ sản ngọt là 11.000 ha. Độ mặn ở vùng mặt nước từ cửa sông vào sâu khoảng 10-15km dao động từ 8-30% và độ pH từ 6,5- 8 rất thuận lợi cho nuôi tôm cua xuất khẩu. Chế độ bán nhật triều vùng ven biển thuận lợi cho việc cấp thoát nước cho các ao nuôi tôm cua.

- Rừng

Do vị trí của Quảng Bình là vùng giao thoa giữa hai miền Bắc - Nam nên đây cũng là nơi giao thoa của hai luồng thực vật từ phía Bắc xuống và từ phía Nam lên nên hệ thực vật rất phong phú, đa dạng. Quảng Bình có khoảng 505.700 ha diện tích rừng, đạt mật độ che phủ là 62,8%. Trong đó rừng tự nhiên có trên 448.400 ha, rừng trồng gần 57.300 ha. Tổng trữ lượng gỗ rừng tự nhiên khoảng 30,9 triệu m3, trong đó rừng giàu chiếm 13,4 triệu m3, chủ yếu phân bố ở vùng núi cao, giao thông khó khăn; rừng trung bình có khoảng 10,8 triệu m3; rừng phục hồi có 2,6 triệu m3 gỗ. Rừng có khoảng 250 loại lâm sản, nhiều loại quý hiếm như mun, lim, gụ, lát hoa, loại trầm gió, thông nhựa… Đặc sản dưới tán rừng khá đa dạng, phong phú và có giá trị cao như song mây, trầm kỳ, sa nhân và các dược liệu quý khác. Thú rừng có nhiều loại như voi, hổ, gấu, bò tót, sơn dương, khỉ… Quảng Bình nằm trong khu vực đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn - nơi có khu hệ thực vật, động vật đa dạng, độc đáo với nhiều nguồn gen quý hiếm. Đặc trưng cho đa dạng sinh học ở Quảng Bình là vùng Karst Phong Nha - Kẻ Bàng.

- Khoáng sản

Trải qua quá trình địa chất lâu dài, lại nằm trong khối nâng trẻ Trường Sơn nên tài nguyên khoáng sản của Quảng Bình tương đối phong phú. Theo kết quả điều tra của Bộ tài nguyên - Môi trường thì tỉnh có khoảng 100 mỏ và điểm quặng với gần 40 loại khác nhau. Quảng Bình có nhiều loại khoáng sản như vàng, sắt, titan, pyrit, chì, kẽm... và một số khoáng sản phi kim loại như cao lanh, cát thạch anh, đá vôi, đá mable, đá granit... Đá vôi các loại có trữ lượng khoảng 5.400 tấn đá vân sọc với nhiều màu sắc đẹp, phân bố ở Xuân Sơn, đá mài [Bố Trạch], Tiến Hoá, Đồng Lê [Tuyên Hoá], Hoà Sơn [Minh Hoá]; nguyên liệu gốm sứ có mỏ cao lanh ở Lộc Ninh - Đồng Hới, trữ lượng 30,4 triệu tấn, thuộc loại mỏ lớn của nước ta, mỏ dạng lộ thiên dễ khai thác; nguyên liệu cho thuỷ tinh có cát trắng Thạch Anh. Ở phía Bắc Ba Đồn - Quảng Trạch có bãi cát trắng với diện tích rộng gần 40 km2, ước tính trữ lượng 35 triệu tấn, ở Thanh Khê - Bố Trạch có trữ lượng 5 triệu tấn. Cát có độ tinh khiết cao, hạt mịn, hàm lượng Si02 tới 98 – 99%, nằm cạnh đường giao thông, dễ khai thác vận chuyển, có thể phục vụ cho việc sản xuất các mặt hàng thuỷ tinh cao cấp và các vật liệu từ silicat khác.

Các loại khoáng sản nhiên liệu có mỏ than đá antraxit ở huyện Minh Hoá, trữ lượng khoảng 50 – 100.000 tấn, than bùn ở Quảng Trạch, Lệ Thuỷ, Bố Trạch, trữ lượng khoảng 900.000 tấn, là nguồn nguyên liệu phục vụ phân vi sinh. Khoáng sản kim loại và kim loại quý hiếm có sắt ở Phú Thiết - Lệ Thuỷ, Thọ Lộc - Bố Trạch; mangan ở Kim Lai, Đồng Văn, Cải Đăng [Tuyên Hoá], chì, kẽm ở Mỹ Đức - Lệ Thuỷ; wonfram ở Kim Lũ [Tuyên Hoá]; vàng ở Làng Ho, Asóc, La Huy, Bãi Hà, Làng Mô, trữ lượng titan lớn nằm dọc theo bờ biển. Nguyên liệu hoá chất và phân bón có pyrit phân bố chủ yếu ở Quảng Trạch, Lệ Thuỷ, có thể khai thác làm nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp địa phương hoặc cung cấp cho những nhà máy hoá chất; phôphorit phân bố chủ yếu ở các hang động đá vôi Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hoá, Minh Hoá, dọc theo bờ sông Rào Nậy với 23 điểm khác nhau. Trữ lượng tìm kiếm đánh giá là 150 nghìn tấn, hàm lượng P205 trong quặng trung bình khoảng 15 – 20%. Cùng với than bùn ở Quảng Trạch, đôlômit cũng được khai thác làm nguyên liệu sản xuất phân bón tổng hợp NKP. Ngoài ra còn có nước khoáng và nước nóng ở Bố Trạch, Lệ Thuỷ, Tuyên Hoá. Tại điểm Khe Bang [Lệ Thuỷ] nhiệt độ nước lên tới 1050C, nguồn nước có áp lực và lưu lượng khá lớn [3,54 l/s]. Tỉnh đã khai thác các suối nước khoáng này để sản xuất nước khoáng với công suất 7,5 triệu lít/năm.

Du lịch

Quảng Bình có bốn khu danh thắng nổi tiếng là đèo Ngang, Lý Hoà, cửa biển Nhật Lệ và Phong Nha - Kẻ Bàng. Bờ biển có một số bãi tắm và điểm nghỉ ngơi giải trí kỳ thú như cửa Nhật Lệ, cảng Gianh, vịnh Hòn La, bãi tắm Đá Nhảy, di tích Bàu Tró. Đặc biệt Quảng Bình có vùng Karst trẻ Phong Nha - Kẻ Bàng – Him Nậm Nô rộng lớn [khoảng 200 nghìn ha] và là điển hình không chỉ của Việt Nam mà còn của cả thế giới.

Vùng Karst này có trên 300 hang động lớn nhỏ, được mệnh danh là “vương quốc hang động”, đang tiềm ẩn trong nó nhiều điều kỳ lạ và hấp dẫn các nhà thám hiểm, các nhà khoa học và du khách. Khu động Phong Nha còn có cả một hệ di tích lịch sử văn hoá có giá trị cho nhiều thời đại như các di tích khảo cổ học tiền sử, di tích văn hoá Chàm. Hệ thống động Phong Nha được đánh giá là hang động có giá trị hàng đầu thế giới với bảy điểm nhất [Hang nước dài nhất; cửa hang cao và rộng nhất; bãi cát, đá rộng và đẹp nhất; Hồ ngầm đẹp nhất; Thạch nhũ tráng lệ và kì ảo nhất; Dòng sông ngầm dài nhất Việt Nam; Hang khô rộng và đẹp nhất thế giới]. Vào tháng 7/2003, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Quảng Bình có 140 di tích đã được đánh giá, trong số đó nổi bật nhất là quần thể di tích và danh thắng thị xã Đồng Hới gồm Luỹ Thầy và Quảng Bình Quan; di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng làng Ho [tuyến đường mòn lịch sử Hồ Chí Minh].

 Đặc sản 

  • rượu đẻn, chả đẻn

  • chắt chắt

  • Khoai deo

Hành chính và các đơn vị trực thuộc

Tỉnh lỵ: Thành phố Đồng Hới

6 huyện khác là Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ, Tuyên Hoá, Minh Hoá

Lịch sử hình thành và phát triển

Đất Quảng Bình xưa đã làđất Lập Quốc, thuộc bộ Việt Thường, một trong mười lăm bộ của nước Văn Lang. Đến thời Thục Phán, An Dương Vương đổi tên nước là Âu Lạc, Quảng Bình thuộc Tượng Quận. Năm 207 trước Công nguyên, khi Triệu Đà chiếm Âu Lạc, đổi tên thành Nam Việt, chia nước thành hai quận thì Quảng Bình thuộc quận Cửu Chân. Năm 111 trước Công nguyên, nhà Tây Hán chiếm Nam Việt vàđổi tên thành Giao Chỉ bộ, chia đất thành chín quận thì Quảng Bình thuộc quận Nhật Nam.

Từ năm 39 đến năm 192, dân ta ở Nhật Nam luôn nổi dậy chống lại sự xâm lược của nhà Hán. Sau đó vào đời Hiến Đế nhà Hán, một số người tự xưng là vua Crimara chiếm huyện Tượng Lâm, lập nước Lâm Ấp rồi chiếm luôn quận Nhật Nam của nước ta làm ranh giới. Nước Lâm Ấp lần lượt đổi tên là Hoàn Vương và Chiêm Thành. Khi nhà Tùy chiếm nước Lâm Ấp, đất Quảng Bình chia làm hai huyện Thọ Linh và Tây Quyên thuộc Đằng Châu. Sau vua Lâm Ấp là Phạm Phan Chí lấy lại được, đất Quảng Bình thuộc hai châu Bố Chính và Địa Lý.

Tới 1069, vua Chiêm Thành là Chế Củ bị vua Lý Thánh Tông đánh thua, dâng ba châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh. Năm 1075, vua Lý Nhân Tông đổi Địa Lý thành Lâm Bình. Năm 1361, vua Trần Duệ Tông lần lượt đổi châu Lâm Bình là phủ Lâm Bình, phủ Tân Bình [1375], và lộ Tân Bình. Năm 1400, Hồ Quí Ly đổi lộ Tân Bình thành Trần Tây Bình. Giặc nhà Minh lại đổi là phủ Tân Bình kèm thêm hai châu Bố Chính và Minh Linh. Dẹp xong giặc Minh, nhà Hậu Lêđặt thành lộ Tân Bình thuộc đạo Hải Tây. Năm 1469, vua Lê Thánh Tông đặt là phủ Tân Bình gồm hai huyện Lệ Thủy và Khương Lộc. Hai châu Bố Chính và Minh Linh tách ra thuộc về Thuận Hóa, phủ Tân Bình đổi tên thành Tiên Bình dưới đời vua Lê Kính Tông [1601].

Năm 1604, chúa Nguyễn Hoàng đổi phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình, rồi là dinh Quảng Bình. Từ năm 1627, cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn đã chia đất Quảng Bình làm hai, lấy sông Gianh làm ranh giới, chiến tranh liên miên. Phía Bắc gọi là Bắc Bố Chính [Đàng Ngoài] và phía Nam là Nam Bố Chính [Đàng Trong], cũng gọi là Bắc Hà và Nam Hà. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên và Đào Duy Từ sai đắp các luỹ Trường Dục, lũy Đồng Hới, Nguyễn Hữu Dật đắp lũy Trường Sa, Nguyễn Hữu Tiến đắp luỹ Sa Phụ để chống nhau với chúa Trịnh. Chúa Nguyễn Phúc Khoát chia Quảng Bình ra làm 3 dinh : dinh Bố Chính [trước là dinh Ngói], dinh Mười [hay dinh Lưu Đồn]; dinh Quảng Bình [hay dinh Trạm].

Năm 1801, Nguyễn Ánh lấy 2 huyện Lệ Thủy, Phong Lộc và 2 châu Bố Chính nội, ngoại [trước là Bắc Bố Chính và Nam Bố Chính] làm dinh Quảng Bình. Năm Minh Mạng thứ 12 [1831] thành lập  tỉnh Quảng Bình. Năm thứ 17 đặt thêm phủ Quảng Trạch. Như vậy là lúc bấy giờ, tỉnh gồm 2 phủ, 7 huyện, sau giảm bớt chỉ còn 5 huyện: phủ Quảng Trạch có huyện Bình Chính [do phủ kiêm lí], Bố Trạch và Tuyên Hoá; phủ Quảng Ninh gồm 2 huyện Phong Lộc [do phủ kiêm lí] và Lệ Thủy. Cho đến trước 1945 có vài thay đổi như nhập với Quảng Trị thành tỉnh Trị Bình. Năm 1976, Quảng Bình nhập cùng với Quảng Trị, Thừa Thiên thành tỉnh Bình Trị Thiên. Ngày 30/6/1989, chia tách tỉnh Bình Trị Thiên, tái lập tỉnh Quảng Bình.

Giáo dục, y tế

Giáo dục

Quảng Bình có hệ thống cơ sở hạ tầng cho giáo dục phổ thông tương đối đồng bộ. Toàn tỉnh có 159 trường mẫu giáo, 247 trường tiểu học, 11 trường tiểu học và trung học cơ sở, 140 trường trung học cơ sở, 6 trường trung học cơ sở và phổ thông trung học, 21 trường phổ thông trung học và 3 trường dân tộc nội trú. Nhiều trường đã được công nhận là trường chuẩn Quốc gia. Ngày càng nhiều học sinh của tỉnh đã đạt giải trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Ngành Giáo dục - Đào tạo Quảng Bình có quỹ hỗ trợ tài năng trẻ, quỹ khuyến học. Nhiều học sinh giỏi đã nhận được học bổng trong nước và du học nước ngoài.

Mặc dù sự nghiệp giáo dục của Quảng Bình phát triển mạnh mẽ nhưng hiện tại vẫn còn nhiều thách thức như khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ... Vì vậy, để đảm bảo mục tiêu phát triển giáo dục - đào tạo, Quảng Bình cần tiếp tục đầu tư nhằm nâng cao trình độ học vấn cho nhân dân nói chung và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho nguồn nhân lực nói riêng. Tỉnh cần chú trọng song song với việc đầu tư cơ sở vật chất - kĩ thuật cho giáo dục, phải chú trọng tới việc phổ cập giáo dục, nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên, quan tâm tới vùng sâu vùng xa và nhất là chú ý đào tạo nghề cho thanh niên tại các trường chuyên nghiệp - dạy nghề.

Y tế

Trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân đã được đặc biệt coi trọng. Mạng lưới y tế cơ sở được phát triển rộng khắp. Đến nay, 100% số xã, phường trong tỉnh đã có trạm y tế. Đội ngũ y bác sĩ ngày càng được tăng cường, nâng cao về số lượng lẫn chất lượng. Về cơ bản, tỉnh cũng đã thực hiện có kết quả các chương trình y tế quốc gia, giải quyết dứt điểm các dịch bệnh phát hiện trong địa bàn tỉnh.

Kinh tế

Quảng Bình là tỉnh có nền kinh tế phát triển ổn định, từng bước hội nhập vào nền kinh tế thị trường và đạt mức tăng trưởng tương đối nhanh.

Về cơ cấu kinh tế, trong những năm qua, khu vực I [nông - lâm - nghiệp] vẫn giữ địa vị trọng yếu, khoảng trên dưới 40% tổng GDP trên địa bàn. Kế đó là khu vực III [dịch vụ] có giá trị tương đương. Riêng khu vực II [công nghiệp - xây dựng] dẫu có mức tăng liên tục nhưng chưa khi nào vượt quá 1/4 GDP của tỉnh. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành, về cơ bản, diễn ra theo hướng giảm tỉ trọng của khu vực I, tăng tỉ trọng của khu vực 3, nhưng chậm và thất thường. Riêng khu vực II có tỉ trọng thường xuyên tăng lên, song chỉ giữ địa vị khiêm tốn trong cơ cấu nền kinh tế. Xét cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo lãnh thổ thì không đáng kể. Không gian kinh tế của khu vực đồng bằng, duyên hải với khu vực đồi núi vẫn còn sự khác biệt lớn. Các hoạt động công nghiệp, dịch vụ vẫn tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng và ven biển. Tuy nhiên, cơ cấu thành phần kinh tế thì lại có sự chuyển dịch rõ rệt. Nền kinh tế nhiều thành phần được hình thành và ngày càng phát triển, tăng cường khai thác các nguồn lực sẵn có của tỉnh. 

Kinh tế Quảng Bình chủ yếu vẫn dựa vào nông lâm ngư nghiệp là chính. Vì đất Quảng Bình có nhiều ruộng cát nên ít đất trồng trọt tốt. Chỉ có huyện Lệ Thủy là nhiều ruộng lúa. Hoa màu chính của tỉnh Quảng Bình là lúa gạo; gạo Lệ Thủy và Phong Châu rất ngon và nổi tiếng cả nước. Vùng thượng lưu trồng lúa núi gọi là lúa Lốc. Các hoa màu phụ là ngô, khoai, mía. Ngoài ra dân chúng còn trồng thuốc lá [huyện Lệ Thủy] với nhiều vùng nổi tiếng; trồng bông, chàm để nhuộm và dâu để lấy lá chăn tằm. Rừng Quảng Bình có khá nhiều lâm sản quí như lim, giáng hương, gụ, mun, kiền kiền và mây, tre, trúc xe điều, mật ong, sáp ong, cây dược liệu.

Xưa nơi đây nổi tiếng với sản xuất sâm Bố Chính, rượu dâu phải cung tiến vua. Dân làng Phan Xá và Hoàng Giang chuyên đúc súng đạn, làng Lý Hoà đóng thuyền đi biển, đi các đảo xa bắt hải sản. Phần lớn dân cư sống bằng nghề đi biển.

Năm 2006, Quảng Bình đóng góp vào ngân sách nhà nước 450 tỉ đồng. GDP đầu người năm 2006 đạt 450 USD. Ngoài ra, dự án xây dựng cảng Hòn La và khu công nghiệp Hòn La cũng là một trong những điểm làm động lực phát triển cho nền kinh tế của tỉnh.

Tóm lại, kinh tế Quảng Bình có xuất phát điểm thấp nhưng vẫn tích cực vươn lên và phát triển, đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, nền kinh tế này vẫn còn nhiều thách thức vì nhìn chung còn chậm, kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất - kĩ thuật thấp kém, trình độ chuyên môn, kĩ thuật của nguồn lao động bị hạn chế. Trong định hướng phát triển của mình, Quảng Bình vẫn đặt ra mục tiêu tiếp tục chuyển dịch mạnh hơn nữa cơ cấu kinh tế theo ngành và theo lãnh thổ trên cơ sở khai thác có hiệu quả các nguồn lực, tập trung đầu tư vào các ngành, vùng trọng điểm, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân nhất là khu vực miền núi và vùng sâu.

Văn hoá

Quảng Bình là vùng đất văn vật, có di chỉ văn hoá Bàu Tró, các di chỉ thuộc nền văn hoá Hoà Bình và Đông Sơn, nhiều di tích lịch sử như Quảng Bình Quan, Luỹ Thầy, Rào Sen, thành Nhà Ngô, thành quách của thời Trịnh - Nguyễn, nhiều địa danh nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc như Cự Nẫm, Cảnh Dương, Cha Lo, Cổng Trời, Xuân Sơn, Long Đại, đường Hồ Chí Minh v.v...

Là vùng đất đã một thời là ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, làđiểm giao thoa hội tụ của nhiều luồng văn hóa, là chiến trường ác liệt trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ Quốc, Quảng Bình ngày nay còn giữ được nhiều di tích lịch sử, văn hóa của nhiều thời đại khác nhau. Nằm ở vùng Bắc Trung Bộ, Quảng Bình mang những nét đặc trưng của truyền thống văn hóa khu vực này. Nhiều lễ hội gắn bó với cuộc sống sông nước như lễ hội cầu mùa, lễ cầu ngư... Tuy nhiên, Quảng Bình cũng là một địa phương có nhiều dân tộc cư trú, vì vậy truyền thồng văn hóa cũng khá phong phú. Kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian đa dạng, thể hiện qua nhiều loại nhạc cụ như trống, thanh la, chiên núm, kèn, đàn... Đặc biệt trong tỉnh có nhiều làn điệu dân ca khác nhau. Hát sim là hình thức hát đối nam nữ của người Bru - Vân Kiều sống ở tỉnh Quảng Bình. Người Chứt có làn điệu dân ca Kà-tưm, Kà-lềnh; các truyền thuyết và truyện cổ dân gian dồi dào gồm nhiều đề tài khác nhau; nhạc cụ có khèn bè, đàn ống, lồ ô, sáo 6 lỗ...

Quảng Bình còn là quê hương của nhiều nhân vật nổi tiếng như Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gia đình Ngô Đình Diệm, nhà thơ Lưu Trọng Lư, Trạng nguyên Trương Sán, Dương Văn An, Hoàng Kế Viêm.

Giao thông

Quảng Bình là một tỉnh có hệ thống giao thông vận tải tương đối thuận lợi. Tuyến đường sắt Bắc - Nam, quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh đi qua hầu hết các vùng dân cư vá các vùng tiềm năng có thể khai thác. Quốc lộ 12A nối Quảng Bình, Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đường bộ, đường sông nội tỉnh rất thuận lợi cho phát triển kinh tế. Quảng Bình có 116,04 km đường bờ biển với cảng Gianh và cảng Hòn La, thuận tiện trong vận tải biển. Hệ thống sông ngòi dày đặc rất thuận tiện cho việc phát triển giao thông đường thuỷ. Sân bay Đồng Hới cũng đã được đưa vào hoạt động vào tháng 05/2008.

- Đường bộ

Quốc lộ 1A đi qua tỉnh, với tổng chiều dài 122 km, có 5 cầu lớn trên tuyến này là cầu Roòn, cầu Gianh, cầu Lý Hoà, cầu Dài và cầu Quán Hàu, tình trạng thông xe tốt, cho phép khả năng thông xe quanh năm.

Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông dài 200 km, có 51 cầu dài 3.814 m, đã được nâng cấp, có khả năng thông xe tốt.

Đường Hồ Chí Minh phía Tây dài 170 km, có 32 cầu dài 2.113 m.

Quốc lộ 15 dài 69 km

Quốc lộ 12A từ Ba Đồn đến Mụ Dạ dài 145,5 km, tuyến đường này đang được nâng cấp xây dựng, khả năng thông xe tốt cả năm.

Hệ thống tỉnh lộ gồm 14 tuyến, tổng chiều dài 364 km, có 29 cầu các loại với tổng chiều dài là 401m. Mặt đường đã được nhựa hoá cho các tuyến có khả năng thông xe trong cả mùa mưa và mùa khô.

- Đường sông

Tỉnh có 5 sông chính với tổng chiều dài là 472 km, có khả năng khai thác giao thông đường thuỷ. Biên độ triều của các sông, đặc biệt là sông Gianh và sông Nhật Lệ tương đối cao, trung bình từ 1,2 - 1,35m.

Có 3 hệ thống cảng là cảng Gianh, cảng Nhật Lệ và cảng Hòn La, trong đó cảng Gianh cho phép tàu tải trọng dưới 2000 tấn, cảng Nhật Lệ cho phép tàu tải trọng 200 tấn và cảng Hòn La cho phép tàu từ 5000 - 10.000 tấn cập bến.

- Đường sắt

Đường sắt đi qua tỉnh có chiều dài 172 km, có 19 ga, trong đó có 1 ga chính là ga Đồng Hới. Hệ thống đường sắt gồm có 18 cầu.

Chủ Đề