Cuộc hành quân tiến quân ra Bắc năm 1788 của Quang Trung được nhận xét như thế nào

Charles B.Maybon là một nhà sử học Pháp, đọc và viết nhiều về lịch sử, quan hệ giữa Việt Nam và các nước châu Âu ở các thế kỷ từ XV – XIX. Bài viết sau đây được trích dịch từ tài liệu Histoire moderne du pay d’Annam 1958 – 1820 Paris 1919 – 1920, đầu đề do toàn soạn đặt.

Thất bại liên tiếp của phe cánh đã buộc Chiêu Thống phải ẩn náu trong một vùng thuộc Bắc Giang. Ông ta chỉ còn hy vọng khôi phục ngai vàng bằng cách cầu cứu Trung Quốc. Cuộc vũ trang can thiệp được quyết định. Năm 1788, quân đội viễn chinh Thanh gồm 29 vạn người đã vượt biên giới từ ba điểm…

… Nhậm đề nghị tạm thời rút lui để bảo toàn lực lượng và đợi Nguyễn Huệ đến.

Sở nghe theo lời. Ông lệnh cho quân sĩ lặng lẽ rút lui để củng cố vùng ranh giới bắc Thanh Hóa, từ Tam Điệp ra biển.

Chiêu Thống đón giặc ở Kinh Bắc và cùng chúng kéo vào Thăng Long. Sau khi đưa Chiêu Thống lên ngôi, quân Thanh chia nhau đóng quanh kinh thành và xem như nước đã bị chiếm. Chiêu Thống buộc phải ghi niên hiệu Càn Long vào giấy tờ công cộng và hàng ngày đến trình diện ở dinh trại Tôn Sĩ Nghị. Bị lòng căm thù làm cho mù quáng, Chiêu Thống chỉ nghỉ đến việc trả thù các quan lại đã đi theo Tây Sơn mà không nhìn thấy sự quấy phá của quân Thanh dân chúng đã một năm nay cực khổ vì bão lụt và mất mùa “không có gạo mà ăn”, “không có nhà mà ở”, xa rời nhà Lê… không những thế, một số quan lại trung thành với nhà Lê, giờ đây giác ngộ về sự phản quốc của nhà vua. Mặc dù không theo Tây Sơn, họ không ủng hộ vua nữa. Vậy là, nhờ có sự áp bức của quân Thanh mà bầu không khí tâm lý diễn biến có lợi cho Tây Sơn.

Thắng lợi của Quang Trung

Ở mạn Nam, Nguyễn Huệ nhanh chóng hoàn thành việc chuẩn bị. Ngay từ lúc được tin quân giặc kéo vào, ông đã quyết định gánh lấy trách nhiệm trước dân chúng và trước dân tộc, điều mà Lê Chiêu Thống đã từ bỏ một cách nhục nhã. Ngày 22 tháng 12 năm 1788, ông cho dựng đàn ở trên một ngọn núi phía nam Phú Xuân, trong lễ tế cáo trời đất long trọng ông tự xưng hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung. Đó là danh hiệu mà từ đây ta sẽ gọi ông.

Quang Trung lập tức chỉ huy quân thủy bộ. Ngày 26 tháng 12, ông đã ở Nghệ An, mộ thêm quân, cứ ba đinh lấy một. Hàng ngàn thanh niên gia nhập quân đội. Số quân tăng đến 10 vạn người với hàng trăm thớt voi. Nhà vua đi duyệt quân và kêu gọi…

Đã đến những ngày cuối năm, Quang Trung cho quân sĩ ăn tết trước để đến ngày mồng bảy năm mới sẽ vào Thăng Long. Để làm cho giặc thêm chủ quan và kêu ngạo, Quang Trung cử một phái đoàn đến xin Tôn Sĩ Nghị rút quân. Tôn xé thư, giết người trưởng phái đoàn và huênh hoang là sẽ bắt sống Quang Trung. Nhưng Nguyễn Huệ đánh tan quân thiên triều của nhà Thanh ở Sơn Nam và lần lượt hạ các đồn phòng thủ quanh kinh thành. Tảng sáng ngày mồng 5, quân Tây Sơn áp sát Ngọc Hồi, nổ súng dữ dội. Những toán 20 người khiêng tấm ván quấn rơm tẩm nước, đánh giáp lá cà dưới làn mưa đạn. Quang Trung, ngồi trên lưng voi, đốc chiến. Xuống đến cửa lũy, các toán người bỏ tấm mộc, xông vào cuộc chiến, chiến đấu ác liệt. Những vị trí cuối cùng của giặc bị chiếm và hàng loạt tướng tá giặc tử trận, tay đang cầm vũ khí.

Tôn Sĩ Nghị được tin thất trận vào lúc nửa đêm. Y hốt hoảng không kịp mặc áo giáp, không kịp thắng yên ngựa, bỏ chạy trong ánh lửa của những đám cháy ở xa, cùng với vài tên quân kỵ, vượt sông Hồng. Cả lũ lính Thanh cũng vộ vàng đuổi theo, nhưng cầu gãy vì quá nặng, hàng ngàn tên rơi xuống nước: dòng sông bị xác người làm tắc nghẽn. Đến lượt mình, Lê Chiêu Thống cũng vượt sông trốn sang Trung Quốc.

Ngày hôm ấy, Quang Trung đích thân chỉ huy trận đánh. Nhà sử học ghi lại với niềm kính phục: “Áo bào của vua sạm, đen khói súng” đáng chú ý là sự kính phục đó được viết ra trong những quyển sử biên niên dưới thời Nguyễn, sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ. Chiều ngày 7 theo đúng lời hứa, Quang Trung vào Thăng Long. Các tướng của ông truy đuổi quân giặc đến tận ải Nam Quan. Trước khi Tây Sơn đến, người Trung Quốc ở biên giới sợ hãi đã vội vã bỏ nhà mà chạy và “từ Lạng Sơn lên hàng trăm dặm, không nghe thấy tiếng người”.

Chiến thắng diễn ra trong vài ngày sau đó ở cái thế một chọi hai, đã tạo thành một bản kiệt tác về chiến dịch. Nhưng nhân tố chính trị không phải không có vai trò quyết định. Cũng như trước đây, năm 1786, ông đã đưa ra khẩu hiệu “Phò Lê, diệt Trịnh”, lần này, Quang Trung đã vạch trần sự phản bội của Chiêu Thống và kêu gọi nhân dân đánh đuổi quân xâm lược. Cách cư xử của nhà Lê và quân Trung Quốc ở Thăng Long cũng đủ làm cho nhân dân hiểu chân lý thuộc về phía nào. Nhiều người đã bỏ nhà Lê mà theo Tây Sơn. Bởi vậy, chỉ riêng ở Nghệ An, trong vài ngày mà hàng chục thanh niên đã nhập ngũ. Trước mắt quân Thanh không phải là một đảng phái mà là cả một dân tộc.

Đồng thời Quang Trung cũng đã lợi dụng được sai lầm về chiến lược của kẻ thù. Tôn Sĩ Nghị cùng quân sĩ vào Thăng Long một cách an toàn. Đáng lẽ phải tiếp tục tấn công ngay để tiêu diệt quân Tây Sơn thì y lại ra lệnh dừng lại, nghỉ. Vì không bị chống cự trên đường tấn công, y đã đánh giá thấp đối thủ và không nghĩ rằng họ dám tấn công, đã chuyển từ thế tấn công sang thế phòng ngự. Quang Trung lại còn biết khích lòng kêu ngạo của y bằng cách xin y ngừng chiến. Tôn rơi vào bẫy và cậy vào số lượng mà xao nhãng kỷ luật.

Về phía mình, Quang Trung đã chuẩn bị cẩn thận chiến dịch của mình. Cuộc rút lui của Ngô Văn Sở đã bảo toàn lực lượng quân ở đất Bắc. Bản thân ông tăng cường quân đội miền Nam bằng những cuộc tuyển quân. Dù đối sánh lực lượng vẫn còn là một chọi hai nhưng cũng đủ để ông nắm thế chủ động. Tấn công là một điều kiện cần thiết để bù lại sự thua kém về số lượng. Nhưng cần phải có một giai đoạn chuẩn bị trước, khẩn trương Quang Trung đã ứng dụng nguyên lý chiến lược: “Dành nhiều thời gian cho sự chuẩn bị để bớt thời gian chiến đấu thực” chỉ có một sự chuẩn bị nghiêm túc mới có thể đảm bảo một cuộc chiến đấu nhanh chóng, một thắng lợi nhanh chóng. Xuất phát từ Phú Xuân vào ngày 25 tháng 11 [22/12/1788], mở cuộc tấn công vào buổi giao thừa để rồi ông vào Thăng Long ngày 5 [30/1/1789] nghĩa là trong tiến trình 40 ngày đó, 35 ngày dành cho việc chuẩn bị chiến dịch và 5 ngày dành cho đánh nhau thực sự.

Cuộc chiến đấu diễn ra như thế nào? Tôn Sĩ Nghị đã bố trí lực lượng của mình trên tuyến đường Bắc-Nam, dọc theo đại lộ chạy từ Thăng Long đến núi Tam Điệp. Về mặt tự nhiên con đường đó được bảo vệ bởi sông Hồng và 3 con sông khác. Trên tuyến đường ấy, ở tây và đông Thăng Long có những đồn Sơn Tây và Hải Dương, còn gần một nửa số quân Thanh được giữ lại ở kinh thành. Cách bố trí như vậy nhằm buộc quân Tây Sơn phải tấn công ở rất xa Thăng Long và tiếp đó là những đồn ngày càng quan trọng hơn, điều ấy sẽ làm chậm bước tiến của họ, cho phép quân dự trữ của nhà Thanh ở kinh thành xen vào và tiêu diệt họ.

Quang Trung tập trung sức lực của mình vào tuyến đường chính của kẻ thù nhưng cũng cử một phần thủy quân tiến về Hải Dương nhằm đe dọa kinh thành và ngăn cản đồn quân ở đây tiếp viện cho mặt trận chính. Ở mặt trận chính ông tập trung lực lượng ưu tú và voi chở đại bác: sự dũng cảm của các chiến sĩ và sức mạnh của pháo đã phá vỡ các pháo đài vững chắc của Ngọc hồi. Ông tấn công bất ngờ, vào buổi giao thừa, vào thời điểm mà kỷ luật được thả lỏng vì người ta chỉ nghĩ đến việc ăn Tết. Ông tấn công liên tục ngày đêm, nhất là đêm trong 5 ngày quyết định. Mỗi một cuộc tấn công đều được tổ chức nhanh chóng nhằm ngăn cản việc cứu viện của kẻ thù. Từ tối ngày 30 đến mồng 4, quân Tây Sơn đã vượt gần 80km sau khi chiếm 6 đồn, nghĩa là mỗi ngày 16km, một tốc độ rất cao đối với bộ binh. Chủ động, tập trung và cơ động là những nhân tố thắng lợi, một lần nữa, điều quan trọng không phải là số lượng mà là tinh thần. Cũng như các trận Bạch Đằng chống quân Mông – Nguyên, Chi Lăng chống quân Minh, thắng lợi ở Thăng Long đã chứng tỏ tính vô địch của một dân tộc đoàn kết, quyết chiến, vì nền độc lập dưới một sự lãnh đạo đúng đắn.

Sự nghiệp Quang Trung

 Trong cuộc chạy trốn vội vàng, Tôn Sĩ Nghị đã bỏ lại ấn tín chỉ huy cũng như các tài liệu mật ghi những lời dặn dò của Càn Long nhằm thiết lập chế độ đô hộ Trung Hoa. Thắng lợi trong chiến tranh chống ngoại xâm đã khẳng định sự hợp pháp của chính quyền Tây Sơn và Quang Trung hiểu rằng đất nước cần hòa bình. Một bức thư viết theo tinh thần đó kèm với cống phẩm đã được gửi đến Bắc Kinh. Như Lê Lợi trước đây, Quang Trung chấp nhận thái độ mềm dẻo của một nước nhỏ đứng trước một nước láng giềng mạnh mà cái nhục vừa qua cần được xóa nhòa. Nhớ lại kinh nghiệm của nhà Minh và trước nữa, mặt khác Trung Quốc lại đang đứng trước những cuộc nổi dậy dưới tác động của các hội kín Trung Quốc, Càn Long công nhận Quang Trung là An Nam Quốc vương và mời ông sang yết kiến. Năm sau đấy ông bèn cử người giống hệt mình sang và được đón tiếp long trọng ở cung điện Nhiệt Hà. Còn Lê Chiêu Thống thì chết năm 1793 trên đất Bắc Kinh. Hài cốt của y được đưa về Việt Nam vào năm 1804 và chôn cất ở Thanh Hóa, nơi quê cha đất tổ.

Tuy nhiên nền thống trị của Tây Sơn vẫn chưa được đảm bảo. Quân Thanh thua nhưng nhà Lê vẫn chưa hạ vũ khí. Hoàng thân Lê Duy Chỉ, em của Chiêu Thống đã tiến hành cuộc kháng cự ở vùng núi Bảo Lạc [Tuyên Quang] trong hơn 1 năm. Y liên lạc với Lào ở Viên Chăn và Trấn Ninh nhằm tấn công Nghệ An. Năm 1790 tướng Trần Quang Diệu chỉ huy 5.000 quân, trong một chiến dịch nhanh và xuất sắc đã khuất phục được các bộ lạc miền núi phía tây và truy đuổi vua Viên Chăn đến tận biên giới Xiêm. Rồi ông quay lại đánh Bảo Lạc, Duy Chỉ bị bắt giết. Đầu năm 1792, mọi cuộc kháng cự phe phái nhà Lê ở vùng đồng bằng và Nghệ An đều bị dẹp yên.

Làm chủ vững chắc đất Đại Việt từ biên giới Trung Quốc đến đèo Hải Vân, Quang Trung bắt tay ngay vào công cuộc khôi phục đất nước. Nhưng ông chỉ có được một khoảng thời gian ngắn ngủi: ông chỉ trị vì có 5 năm. Ông hạ lệnh xây dựng kinh đô mới ở Nghệ An, trung tâm của vương quốc, nhưng không có thì giờ để ngự trị ở đây. Thuận Hóa hưng khởi trực tiếp từ triều đình Phú Xuân. Bắc Hà được chia làm 13 trấn, đứng đầu là trấn thủ - quan võ, có một hiệp trấn – quan văn giúp việc. Mỗi trấn chia thành nhiều phủ và dưới đó là huyện, đứng đầu là một võ phân suất và một văn phân trị. Một hệ thống quan lại mới được thành lập và cũng như dưới thời Trịnh, quan võ cao hơn quan văn. Nhà nước của Quang Trung ra đời trong thời chiến nên vẫn giữ dáng đi quân sự.

Vấn đề cấp bách nhất là khôi phục kinh tế. Chiến tranh đã làm thất tán cư dân của hàng loạt làng mạc và gây nên tình trạng ruộng đất hoang hóa khắp nơi. Bọn chức sắc và người Hoa đã lợi dụng cuộc xâm lược của nhà Thanh mà cướp đoạt tài sản của những người tiểu nông. Vì vậy, từ năm 1789, Quang Trung đã ra lệnh làm lại sổ ruộng và năm tiếp sau, làm lại sổ hộ. Chế độ thuế khóa được giảm lược và giảm nhẹ so với thời Nguyễn. Thuế ruộng nộp bằng thóc và tiền đối với ruộng công làng xã và phần nào đối với ruộng tư. Tất cả đều chia làm 3 hạng. Đinh chỉ phải nộp thuế dung. Từ năm 1791 nhờ mùa màng phong túc, một nửa đất nước đã trở lại như xưa.

Quang Trung khuyến khích việc phát triển các nghề thủ công và thương mại. Trong cuộc tiếp kiến nhà nho nổi tiếng Nguyễn Thiếp vào năm 1788, ông nói: “Ta muốn nước mình sẽ sản xuất đủ các vật dùng, không phải mua thứ gì của Trung Quốc cả”. Nguyễn Thiếp đồng ý: “Chỉ phải mua thuốc Bắc thôi”. Điều ông muốn không chỉ tự cấp mà là xây dựng một nền kinh tế tự chủ. Ông cho đúc tiền mới, thương lượng với nhà Thanh cho mở cửa hàng ở Nam Ninh và chợ búa ở biên giới Cao Bằng và Lạng Sơn.

Thăng Long dần dần hoạt động trở lại. Trong bài phú Tụng Tây Hồ [bằng chữ Nôm] ca ngợi nhà Tây Sơn, Nguyễn Huy Lượng đã mô tả sự trống rỗng của kinh thành cuối đời Lê và sự phục hồi của nó dưới thời Quang Trung biểu hiện bằng khói của các lò gốm, tiếng thoi đưa của các thợ dệt lụa, tiếng chày giã gạo, cảnh kéo lưới của các dân chài trên sông hay cảnh các lái người Hoa vội vã đến chợ vùng Tây trong lúc những cánh buồm thuyền nhấp nhô như những cánh bướm dọc bờ sông Hồng.

Trong lĩnh vực văn hóa, Quang Trung muốn rèn luyện một tinh thần dân tộc giải thoát khỏi ảnh hưởng Trung Quốc bằng việc thay chữ Hán cổ điển bằng chữ Nôm. Thứ chữ dân tộc bị các nhà nho xem khinh này chỉ được hai ông vua đề cao: Hồ Quý Ly và Quang Trung. Nhưng, nếu như người thứ nhất không dám đưa nó lên thành một chữ quan phương thì Quang Trung đã làm như vậy. Người ta viết các văn bản nhà nước bằng chữ Nôm. Trong thi cử, kỳ thi thứ 3 gồm thơ phú bằng chữ Nôm. Năm 1791, Quang Trung thành lập một học viện do Nguyễn Thiếp điều khiển chuyên lo việc giáo dục và dịch các kinh ra văn Nôm. Sự nghiệp này, tiếc thay, bị thất tán nhà Tây Sơn đổ. Nó vấp phải một sự phản đối dữ dội của bọn hủ nho. Một điển hình là Phạm Thái, một kẻ theo Lê đã đáp lại bài Tụng Tây Hồ của Nguyễn Huy Lượng bằng một bài phản tụng cùng văn, trong đó y chế giễu chữ Nôm như “cua bò”. Nhưng mặc dầu y khinh bỉ chữ viết dân tộc, y vẫn viết bài thơ lãng mạn Sơ kính tân trang của mình bằng chữ Nôm, trong đó y than khóc một mối tình bất hạnh. Nhà Nguyễn và sự phản động phục hồi, Gia Long lại khôi phục địa vị ưu thế của chữ Hán.

Kỳ thi đầu tiên thời Tây Sơn được mở vào năm 1789 ở Nghệ An sau chiến thắng quân Thanh. Quang Trung chăm chú vào việc cải cách hệ thống giáo dục mà cuối đời Lê “đã mất hết thực chất, chỉ còn hình thức”. Những người đỗ đạt trước đây phải thi lại để giữ nguyên vị, ai trượt thì bị gạch tên. Ông cũng muốn mỗi làng đều có trường học riêng, thầy do làng tuyển chọn và nhà nước công nhận.

Quang Trung tỏ ra rất rộng lượng đối với việc truyền đạo Thiên chúa và điều đó đã được ghi lại. Đối với đạo Phật, sau một thời thịnh lên ngắn ngủi ở thế kỷ XVII – XVIII, lại tiếp tục suy. Chùa chiền nhiều nhưng rất nhiều sư sãi dốt nát chỉ chăm lợi dụng sự cả tin của dân chúng. Nhà vua cố gắng nâng cao mức thờ cúng bằng việc hạn chế xây dựng đền đài địa phương và đòi hỏi những người làm tôn giáo phải giỏi và có đạo đức, ai không đạt được những điều kiện đó thì phải hoàn tục.

Những cải cách ấy đã chứng tỏ một trí tuệ thông minh và thực tế. Nhưng nói chung chúng chỉ có một tầm hạn chế và Quang Trung không trị vì được đủ lâu dài để đưa một chương trình cơ bản hơn đến đích. Tất cả những mâu thuẫn xã hội mà chính quyền của ông không biết để giải quyết đã hợp nhau lại đẩy nhanh sự sụp đổ của triều đại ông vào 10 năm sau khi ông mất.

Quang Trung đã nhận rõ mối hiểm họa mà Nguyễn Ánh đưa lại. Năm 1792, khi vương quốc của ông đã được bình định, Quang Trung lo ngay đến việc tiêu diệt Nguyễn Ánh một cách quyết liệt. Ông đã thi hành một số biện pháp nhằm xây dựng một lực lượng quân sự mạnh. Việc đăng ký sổ dân 1790 nhằm mục đích chủ yếu là tính toán số thanh niên có thể động viên được. Mỗi dân đinh phải đeo một thẻ tín bài ghi tên và quê quán bên cạnh dấu điểm chỉ. Những kẻ vi phạm đều bị xem là gian lận và bị ném ngay vào quân đội, xã trưởng và chánh tổng bị trừng phạt. Xong đâu đấy, cứ 3 đinh người ta chọn 1 vào lính. Tổ chức quân đội thống nhất và binh sĩ phải luyện tập căng thẳng.

Kế hoạch đánh Nguyễn Ánh dự kiến chia quân làm 3 đạo hướng về Gia Định như những gọng kìm chiếm lấy  nó. Các lực lượng của Nguyễn Nhạc và quân tàu ô [những người Minh Hương xuất phát từ Quy Nhơn tấn công Gia Định từ phía tây]. Từ Phú Xuân, hạm đội của Quang Trung đổ bộ vào Hà Tiên và đánh vào cạnh sườn của  Gia Định. Cuối cùng, lực lượng bộ binh theo thượng đạo qua Campuchia, kết  hợp với một cánh quân Khơ-me, đổ xuống đánh Nguyễn Ánh từ phía tây Bắc. Ngày 29 tháng 08 năm 1792, trong khi chờ gió mùa thổi đến, Quang Trung phát một tờ hịch gửi nhân dân Quãng Ngãi và Quy Nhơn kêu gọi ủng hộ anh mình là Nhạc và báo trước cho họ biết là ông sẽ giải phóng Gia Định và tiêu diệt Nguyễn Ánh cùng quân Pháp “dễ dàng như bẻ gãy cành khô”.

Nhưng ông không có thì giờ bắt tay vào chiến dịch. Ngày 16 tháng 09 năm 1792, ông mất đột ngột. Ông mới 40 tuổi. Vợ ông, Ngọc Hân than khóc ông trong văn tế và Ai Tư Vãn, một trong những bài văn Nôm đẹp nhất.

[TRƯƠNG HỮU QUÝNH

dịch từ Histoire moederne du pay d’Annam 1958 – 1820].

[Nguồn Văn Hóa Bình Định, Lễ hội kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa,

Số 28 [Tháng 1,2,3-2004], tr.62-69]

Video liên quan

Chủ Đề