Đọc hiểu Thương vợ phong cách ngôn ngữ

Bài văn mẫu Đọc hiểu bài thơ Thương vợ

Bài làm

Bạn đang xem: Đọc hiểu bài thơ Thương vợ

Tú Xương là một trong số không nhiều nhà thơ trung đại hay làm thơ về vợ. Các nhà nho, đệ tử của cửa Khổng sân Trình vốn chỉ coi vợ là người “nâng khăn sửa túi” nên sự vất vả của vợ, với họ, là lẽ đương nhiên. Vì thế, họ ít viết thơ về vợ như các nhà thơ hiện đại. Riêng Tú Xương viết rất nhiều thơ về vợ, trong đó tiêu biểu có bài Thương vợ. Đây là bài thơ thể hiện cả tài thơ và nhân cách Tú Xương.

Sinh ra vào thời buổi “Tây Tàu lố lăng”, đạo đức xã hội suy đồi nghiêm trọng, Tú Xương luôn mang trong mình tâm sự cay đắng của một người có nhân cách nhưng bất lực. Bao nhiêu điều ngang tai trái mắt đã được Tú Xương đưa vào thơ. Mỗi bài thơ trào phúng của ông là một tiếng chửi chua chát và cay độc ném vào lũ người sẵn sàng bán rẻ lương tâm, giẫm đạp lên quyền lợi và danh dự dân tộc, chà đạp lên đạo lí để hòng hưởng cuộc sống no nê. Đó chính là mảng thơ trào phúng.

Bên cạnh đó, những bài thơ trữ tình sâu lắng của Tú Xương lại thể hiện những nỗi niềm ẩn khuất đằng sau cái vẻ chanh chua, cay nghiệt với cuộc đời. Tâm sự của một con người đau đời, đau cho mình được ông dồn nén ở đây. Thương vợ là một trong số những bài thơ như thế. Hình thức thơ Đường luật đã được cách tân bởi những ngôn từ đời thường giản dị, gần gũi với dân gian và tâm sự rất thật của một người chồng khi viết về người vợ tảo tần của mình. Tú Xương có một người vợ rất thảo hiền. Cả cuộc đời bà Tú đã hi sinh cho chồng con, điều này được thể hiện qua những bài thơ nhà thơ viết về vợ. Là một nhà nho sống vào thời buổi người ta đang sẵn sàng “Vứt bút lông đi viết bút chì” để được hưởng cuộc sống “Sáng rượu sâm banh tối sữa bò”, với tâm hồn thanh sạch của một con người, ông Tú đã chẳng thể giúp gì được cho vợ. Gánh nặng gia đình dồn lên vai bà Tú, nhưng với tấm lòng tần tảo và đức hi sinh của người phụ nữ phương Đông, bà Tú đã luôn cố gắng để đảm bảo cuộc sống cho chồng con, để ông Tú vẫn được rảnh rang thực hiện vai trò “người thư kí thời đại”. Chính vì lẽ đó mà ông Tú luôn tôn trọng vợ.

Bài thơ xuất hiện hai nhân vật : người vợ và người chồng. Hình ảnh người vợ hiện lên qua cảm nhận của nhân vật trữ tình – người chồng :

Quanh năm buôn bán ở mom sông,Nuôi đủ năm con với một chồng.Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Bốn câu thơ đã khái quát những nỗi vất vả hàng ngày của người vợ bươn chải để kiếm sống và nuôi chồng, nuôi con. Nỗi vất vả của người vợ được thể hiện ngay ở dòng thơ đầu. “Quanh năm” là thời gian không ngừng nghỉ, “mom sông” là địa điểm chông chênh, tất cả đều gợi sự vất vả, cực nhọc. Nguyên nhân của sự vất vả ấy là gánh nặng gia đình. Một hình thức so sánh lạ. Chiếc đòn gánh trên vai người vợ với một bên là năm con, một bên là một chồng. Người chồng là một bên của gánh nặng lo toan ấy. Dường như đó là lời tự trách chua cay. Vì gia đình, vì người chồng có quá nhiều nhu cầu ấy mà người vợ vất vả hơn. Hai câu thơ sau nỗi vất vả như càng tăng tiến. Những từ ngữ như lặn lội – quãng vắng, eo sèo – đò đông có sức gợi. Hình ảnh người vợ vất vả như hiện rõ hơn, day dứt hơn trong cảm nhận của người chồng. Người chồng rất thấu hiểu nỗi cực nhọc của vợ. Thấu hiểu để cảm thông, để trân trọng người vợ thảo hiền. Nhân cách của người chồng thể hiện ở sự thấu hiểu ấy. Không phải ông vô trách nhiệm với gia đình và vợ con mà bởi ông bế tắc. Giữa lúc cuộc sống xã hội đầy rẫy những chuyện đảo điên :

Nhà kia lỗi phép con khinh bố,
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng.

mà người vợ vẫn nhẫn nại miệt mài, vẫn một lòng một dạ với chồng con. Chính điều đó đã khiến người chồng cảm phục. Ông nói lên sự cảm thông của mình :

Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.

Hai thành ngữ xuất hiện trong hai câu thơ đều có nghĩa diễn tả sự vất vả của người phụ nữ phải nuôi chồng nuôi con. Và cũng ở đây, một lần nữa, người chồng thể hiện sự trân trọng đối với người vợ. “âu đành phận”, “dám quản công” không phải là sự cam chịu của người vợ mà đó là lời của nhân vật trữ tình – người chồng. Hình ảnh người vợ cứ lặng lẽ làm việc nuôi chồng nuôi con với một đức hi sinh vô cùng lớn lao đã là hình tượng nổi bật trong bài thơ. Chỉ đến hai câu thơ cuối, người chồng mới bày tỏ thái độ của mình với chính mình. Câu thơ có vẻ như một sự thay đổi mạch cảm xúc khá đột ngột :

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.

Đó là hình thức một câu chửi. Ai chửi ? Tất nhiên theo mạch cảm xúc của bài thơ thì đây là lời của nhân vật trữ tình. Từ cảm thông đến Thương vợ mà giận mình, giận đời. Giận mình vì là kẻ vô tích sự, đã không giúp gì được cho vợ lại còn trở thành gánh nặng cho vợ trong cuộc mưu sinh đầy vất vả ; giận đời vì đã biến những ông chồng thành kẻ vô tích sự như thế. Trong nhiều bài thơ tự trào, Tú Xương cũng đã thể hiện tâm sự này. Không thể bán mình, biến mình thành kẻ làm thuê cho thực dân và tay sai nên người chồng không thể san sẻ được gánh nặng cho vợ. Người đàn ông, người chồng, con người có nhân cách ấy, trước vất vả nhọc nhằn của người vợ đã cất lên lời chửi. Như tự chửi mình nhưng là chửi đời. Chửi những ông chồng vô tích sự nhưng lại thích hưởng thụ, chửi cuộc đời đen bạc để những người phụ nữ vốn đã vất vả, thiệt thòi lại càng vất vả, thiệt thòi hơn. Chửi “thói đời ăn ở bạc” đã biến những ông chồng không thành kẻ hư hỏng thì cũng thành người vô tích sự.

Là một nhà nho sinh ra vào thời kì Hán học đã thất thế nên một ông Tú chẳng thể giúp gì được cho vợ con. Tâm trạng Thương vợ được trở lại nhiều lần trong thơ Tú Xương. Thấu hiểu và trân trọng sự vất vả của vợ, tình cảm đối với người vợ hiền thảo tảo tần đã khiến Tú Xương đóng góp cho văn học Việt Nam một hình tượng đẹp về người phụ nữ phương Đông. Ngôn ngữ dung dị, đời thường, sử dụng nhiều yếu tố dân gian, với tài năng và tấm lòng, Tú Xương đã tạo nên một bài thơ hay có giá trị nhân văn sâu sắc.

————————————-

Trên đây là phần đọc hiểu bài thơ Thương vợ hay, ấn tượng nhất. Ngoài ra, để ôn tập kiến thức, học tốt môn Ngữ văn lớp 11, các em  cần chủ động tìm hiểu các bài văn mẫu Soạn bài Thương vợ  cùng phần Bình giảng bài thơ Thương vợ của Tú Xương, Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương,…

Đăng bởi: THPT Sóc Trăng

Chuyên mục: Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc trường THPT Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!

Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng [thptsoctrang.edu.vn]

ĐỀ THI VÀ ĐÁP ÁN MÔN NGỮ VĂN LỚP 11 HỌC KỲ 1 NĂM HỌC 2016-2017

Tài liệu đính kèm: Tải về

I. ĐỌC HIỂU [3,0 điểm]

    Đọc bài thơ sau và thực hiện yêu cầu bên dưới:

Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,

Một bàn cờ thế phút sa tay.

Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,

Mất ổ bầy chim dáo dác bay.

Bến Nghé của tiền tan bọt nước,

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.

Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,

Nở để dân đen mắc nạn này ?

                                       [Chạy giặc, Nguyễn Đình Chiểu, SGK Ngữ Văn – Tập 1, trang 49]

Câu 1: Bài thơ được viết theo phong cách ngôn ngữ nào ? [0.5 điểm]

Câu 2: Hãy xác định phương thức biểu đạt của bài thơ trên. [0.5 điểm]

Câu 3: Hãy chỉ ra các biện pháp nghệ thuật của bài thơ. Nêu tác dụng của các biện pháp nghệ thuật ấy. [1.0 điểm]

        Câu 4: Tâm trạng, tình cảm và thái độ của tác giả được thể hiện như thế nào qua bài thơ trên? [1.0 điểm]

II. LÀM VĂN [7,0 điểm]

    Câu 1 : [3,0 điểm]

Viết bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của anh [chị] về lời dạy của Hồ Chí Minh : “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

    Câu 2 : [4,0 điểm]

 Phân tích bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương

Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên hai nợ âu đành phận,

Năm nắng mười mưa dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,

Có chồng hờ hững cũng như không.

 [SGK Ngữ Văn – Tập 1, trang 29, 30]

                       ......................HẾT.......................

HƯỚNG DẪN CHẤM

I. ĐỌC HIỂU [3,0 điểm]

Câu 1: Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. [0.5 điểm]

Câu 2: Phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm. [0.5 điểm]

Câu 3: Các biện pháp nghệ thuật của bài thơ: phép đối, đảo ngữ, từ láy, câu hỏi

tu từ,... [0.5 điểm]

        Tác dụng: Tái hiện một cách cụ thể, sinh động cảnh chạy giặc hoảng loạn, gấp gáp,

        bi thương. [0.5 điểm]

        Câu 4:  [1,0 điểm] Tâm trạng, tình cảm và thái độ của tác giả :

           - Đau lòng, xót thương trước cảnh đất nước bị thực dân tàn phá, nhân dân lầm than.

- Căm thù giặc sâu sắc.

- Mỉa mai, thất vọng trước sự nhu nhược của triều Nguyễn.

II. LÀM VĂN [7,0 điểm]

     Câu 1 : [3.0 điểm]

            - Yêu cầu kỹ năng :

       + Biết cách làm bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lý.

       + Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, diễn đạt.

       + Khuyến khích những bài viết sáng tạo, độc đáo, có cảm xúc.

           - Yêu cầu về kiến thức :

Trên cơ sở hiểu biết về lời dạy của Hồ Chí Minh học sinh làm sáng tỏ ý nghĩa của lời dạy đồng thời trình bày được suy nghĩ, cảm nhận, bài học rút ra từ lời dạy đó.

* Gợi ý:

- Giải thích:

+ Tài: là tài năng, là năng lực, kĩ năng, kĩ xảo của con người,...

+ Đức: là đạo đức, là cách cư xử hợp lẽ phải, đạo lí, sống có trách nhiệm với mọi người, là sự biểu hiện của nét đẹp nhân cách con người,...

- Có tài, không có đức -> vô dụng 

- Có đức, không có tài -> làm gì cũng khóa

->  Lời khuyên của Bác khẳng định mối quan hệ giữa tài và đức.
-  Phân tích - chứng minh :        + Có tài mà không có đức là người vô dụng:               Người có tài nhưng lại không đem tài để phục vụ nhân dân, làm giàu đất nước thì cái tài đó hoàn toàn vô ích. Người có tài mà chỉ nhằm thu vén lợi ích cá nhân, phản bội Tổ quốc, đi ngược lại lợi ích nhân dân thì người đó cũng trở thành vô dụng, thậm chí là có tội.  - Người có tài mà không có đức thường kiêu căng hợm hĩnh, thậm chí xảo quyệt, gian ngoa và dễ trở thành kẻ xấu xa, gây tác hại, nguy hiểm cho gia đình, xã hội [ Dẫn chứng]       + Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó:              Người có đức thường được mọi người kính mến, quý trọng; nhưng có đức mà không có tài thường khó thực hiện được chức trách, khó hoàn thành nhiệm vụ, khó đạt kết quả cao trong công việc.             Tài năng cũng có tầm quan trọng không kém. Không có tài năng thì con người làm việc gì cũng khó khăn, thậm chí làm hỏng việc và làm hại đến sự nghiệp chung.       + Đức và tài đều cần thiết đối với mỗi con người, làm nên giá trị con người. 

* Dẫn chứng: học sinh chọn phân tích một tấm gương tiêu biểu về các nhân vật toàn đức - toàn tài : Louis Passteur, Hồ Chí Minh, Ngô Bảo Châu …để thấy rõ tài và đức luôn quan trọng và cần thiết ] 

-  Đánh giá- mở rộng :            + “Đức” và “tài” là hai mặt không thể thiếu được trong phẩm chất của người lao động. Hai mặt này không loại trừ nhau mà bổ sung cho nhau tạo nên phẩm chất của con người toàn diện. Đức và tài bổ sung, hỗ trợ cho nhau để con người trở thành toàn diện và có thể làm việc, cống hiến một cách hiệu quả nhất.           + Phê phán những kẻ có tài mà hợm hĩnh, kiêu căng, chỉ mưu cầu lợi ích cá nhân hoặc những người có đức nhưng tài năng, năng lực còn kém cỏi mà không chịu học tập, phấn đấu.

          + Đức và tài đều là kết quả của nhiều yếu tố. Nếu không tu dưỡng, rèn luyện thì tài và đức đều không phát triển được và có thể bị mai một .

-  Bài học nhận thức và hành động:
           + Lời dạy của Bác là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, rèn luyện cho mọi thế hệ.

           + Mỗi người phải không ngừng học tập, tu dưỡng, phải rèn đức luyện tài để trở thành người lao động toàn diện, có ích cho đất nước.

Biểu điểm

- Điểm 3 : Nêu được các ý như trên. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc và sáng tạo; có thể còn vài sai sót về chính tả, dùng từ.

- Điểm 2: Nêu được cơ bản các ý như trên. Bố cục rõ  ràng, lập luận tương đối chặt chẽ; còn mắc vài sai sót về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

- Điểm 1: Chưa làm rõ các ý trên. Bài viết còn sơ sài, mắc nhiều lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

- Điểm 0,5: Chưa hiểu đề, sai lạc kiến thức, mắc nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả.

- Điểm  0: Không làm bài hoặc hoàn toàn lạc đề.

Câu 2 : [4.0 điểm]

           - Yêu cầu kỹ năng :

       + Biết cách làm bài văn nghị luận văn học.

       + Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, diễn đạt.

       + Khuyến khích những bài viết sáng tạo, độc đáo, có cảm xúc.

           - Yêu cầu về kiến thức :

Trên cơ sở hiểu biết về bài thơ Thương vợ và tác giả Trần Tế Xương học sinh đi sâu phân tích tác phẩm đồng thời trình bày được suy nghĩ, cảm nhận riêng của mình về bài thơ.

* Gợi ý:

      a. Mở bài:

Giới thiệu khái quát tác giả Trần Tế Xương và  bài thơ Thương vợ. Dẫn dắt vào bài thơ.

b. Thân bài:

  Hai câu đề:

          - Hoàn cảnh làm ăn:

           “Quanh năm buôn bán ở mom sông”

          + Quanh năm: suốt từ đầu năm đến cuối năm, lúc nào cũng giống lúc nào " không        lúc nào nghỉ [thời gian tuần hoàn]

+ Quanh năm        vất vả, gian truân, gập ghềnh,

+ Mom sông            nguy hiểm, bất trắc.

° Bà Tú làm việc miệt mài, gian nan, nguy hiểm.

 Gánh nặng đè lên vai bà Tú:

+ 5 con với 1 chồng [6 người không kể bà] " 1 người gánh 6 người

+ Nuôi đủ: có 2 cách hiểu

" với ông Tú: đủ ăn, đủ uống, đủ mặc

" vừa đủ: không thiếu, không thừa

ª bà Tú là người đảm đang, tháo vát, chu đáo với chồng, với con.

à Yêu thương, quý trọng, tri ân vợ, than thở dùm vợ, thể hiện tấm lòng thương cảm xót xa đối với vợ.

 Hai câu thực

+ Lặn lội thân cò: đồng nhất thân cò với thân phận người vợ, nhấn mạnh sự vất vả, gian truân đến tội nghiệp

+ NT đảo ngữ: con cò lặn lội 1 lặn lội thân cò " nhấn mạnh nỗi vất vả của bà Tú, dù ở hoàn cảnh nào đông đúc hay hoang vắng, heo hút bà vẫn cần mẫn, miệt mài.

“Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

" điều kiện buôn bán: chen chúc, tranh giành vì của khó người đông.

 Hai câu luận

- Thành ngữ “Một duyên hai nợ”: Duyên một mà nợ đến hai. Tú Xương xem mình là nợ đời mà bà Tú phải gánh

- Vì vậy nên: Âu đành phận " cam chịu bởi định mệnh đó

Và “dám quản công” không kể lễ, phàn nàn

- NT: Đảo ngữ “Năm nắng mười mưa” " tăng thêm sự vất vả chịu đựng của bà Tú

ª Bà Tú là người giàu đức hi sinh, chịu thương, chịu khó. Đây là nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam

Hai câu kết

   - Thói đời : lề lối xấu, xã hội đen bạc

   - Chửi mình: vô tích sự

   - Chửi đời: đen bạc, giá trị hợp lí của cuộc sống bị đảo lộn, người có tài như Tú Xương không được chấp nhận  

è Nỗi đau đời và tấm chân tình của người chồng - thi nhân…Nhân cách cao đẹp của Tú Xương được thể hiện qua ngòi bút chân thành và cảm động

 Nghệ thuật

       - Vận dụng sáng tạo ngôn ngữ và thi liệu văn hóa dân gian

       - Kết hợp nhuần nhuyễn giữa trữ tình và trào phúng

c. Kết bài : Với tình cảm thương yêu, quý trọng, tác giả đã ghi lại một cách xúc động, chân thực hình ảnh người vợ tần tảo, giàu đức hi sinh. Thương vợ là bài thơ tiêu biểu cho thơ trữ tình của Trần Tế Xương : cảm xúc chân thành, lời thơ giản dị mà sâu sắc.

Biểu điểm

- Điểm 6 - 7: Nêu được các ý như trên. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc và sáng tạo; có thể còn vài sai sót về chính tả, dùng từ.

- Điểm 4 - 5: Nêu được cơ bản các ý như trên. Bố cục rõ  ràng, lập luận tương đối chặt chẽ; còn mắc vài sai sót về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

- Điểm 2 - 3: Chưa làm rõ các ý trên. Bài viết còn sơ sài, mắc nhiều lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

- Điểm  1: Chưa hiểu đề, sai lạc kiến thức, mắc nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả.

- Điểm  0: Không làm bài hoặc hoàn toàn lạc đề.

-----------------------------------------------

Video liên quan

Chủ Đề