Hiệu trưởng trường Đại học Đông A

Cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô bị tuyên 12 năm tù

Nguồn hình ảnh, hdiu.edu.vn

Chụp lại hình ảnh,

Trang web của Đại học Đông Đô

Ông Dương Văn Hòa [cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô] bị tòa ở Hà Nội tuyên án 12 năm tù ngày 24/12, trong vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô.

Bị cáo cũng bị cấm đảm nhận chức vụ trong lĩnh vực giáo dục trong thời hạn 5 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù.

Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội phạt bị cáo Trần Kim Oanh [nguyên Phó Hiệu trưởng, kiêm Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục, Trường Đại học Đông Đô] 10 năm tù. Cấm đảm nhiệm chức vụ 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

Bị cáo Lê Ngọc Hà [nguyên Phó Hiệu trưởng, kiêm Phó Viện trưởng Viện 4.0, Trưởng ban in bằng, Trường Đại học Đông Đô] bị phạt 9 năm tù.

Quảng cáo

Bị cáo Trần Ngọc Quang [nguyên Phó Trưởng Phòng Đào tạo và quản lý sinh viên] bị tuyên phạt 6 năm tù giam, không áp dụng hình phạt bổ sung.

6 bị cáo còn lại, gồm các nguyên cán bộ Đại học Đông Đô, lĩnh các mức án từ 12 tháng tù treo đến 3 năm tù [4 bị cáo hưởng án treo].

Về dân sự, Tòa chấp nhận đề nghị của Viện Kiểm sát, buộc Đại học Đông Đô truy nộp hơn 7,1 tỷ đồng do thu lời bất chính từ việc bán bằng giả.

Vì sao có người khát khao bằng giả?

Anh: Tiết lộ mua bán bằng giả gây sốc

'Việt Nam là cứ bám víu quá mức vào cái bằng'

Các bị cáo, bị truy tố với tội danh "giả mạo trong công tác", đều là cựu lãnh đạo, nhân viên của trường đại học dân lập này, trong lúc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chủ yếu là những đối tượng từng 'mua' bằng từ các bị cáo.

Trong số những người được xác định là đứng đầu, chỉ đạo hoạt động vi phạm có ông Trần Khắc Hùng, cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị của trường, hiện đã bỏ trốn.

Cáo trạng nói gì?

Theo cáo trạng, việc vi phạm xảy ra đối với hoạt động cấp 429 bằng đại học chính quy, diện bằng hai, chuyên ngành tiếng Anh, và hai giấy chứng nhận, trong thời gian từ 4/2018 đến 3/2019, cho các khóa học không qua tuyển sinh, không được đào tạo.

Hồ sơ học bạ của các học viên được hợp thức hóa bằng cách các bị cáo tổ chức thi, có rọc phách chấm điểm như các khóa học khác. Điểm khác biệt là thay vì tự làm bài, học viên được phát luôn đáp án để chép lại.

Số tiền thu được từ việc ký, cấp bằng, theo cáo trạng, là khoảng hơn 7 tỷ đồng, nhưng các luật sư bào chữa nói con số này không chính xác.

Cấp bằng giả ồ ạt

Cơ quan điều tra nói ông Trần Khắc Hùng hồi cuối 2017 là người ký việc tiến hành đào tạo văn bằng hai chuyên ngành tiếng Anh, một khóa học kéo dài hai năm với mức học phí từ khoảng từ 28 triệu đến 35 triệu đồng đối với mỗi học viên.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Với thời gian phạm tội được xác định là chỉ trong vòng một năm, chưa hết thời hạn một khóa học tính từ thời điểm cuối 2017, đã có hơn 400 bằng giả được cấp, tuy trong quá trình điều tra, con số bằng giả được nhắc tới lên tới 600-700 trường hợp.

Nhiều bằng giả này được người nhận nhanh chóng sử dụng, 'khấu hao', chủ yếu phục vụ cho việc thăng tiến.

Chỉ riêng trong 210 trường hợp nhận bằng giả đã được xác định rõ danh tính, "67 người dùng các loại giấy tờ này để làm nghiên cứu sinh, 2 trường hợp sử dụng để học thạc sĩ, 4 người kê khai hồ sơ công và viên chức, 3 cá nhân khác dùng bằng giả để thi công chức hoặc thi thăng hạng," theo báo Tuổi trẻ.

Như vậy, con số những người dùng bằng giả do Đại học Đông Đô cấp rất có thể sẽ còn tăng một khi các trường hợp còn lại được tìm ra.

Tham gia phạm tội do hoàn cảnh bắt buộc?

Được biết một số người được cấp bằng giả cho rằng họ là nạn nhân, và nay muốn được hoàn trả số tiền đã đóng cho trường.

Một số bị cáo cũng khai tại tòa rằng họ không biết việc tham gia của mình là hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, một số bị cáo thừa nhận đã ý thức rõ hành vi của mình là sai nhưng vẫn làm.

Ông Trần Ngọc Quang, nguyên là phó trưởng phòng đào tạo và quản lý sinh viên của trường Đông Đô, được báo Thanh Niên dẫn lời, nói: "Bị cáo gặp hoàn cảnh khó khăn, kiếm tiền chữa bệnh tuổi già,… nên đã phạm tội."

Một số người khác, như bà Trần Kim Oanh và ông Lê Ngọc Hà, hai cựu hiệu phó trường, thì khai trước tòa rằng Chủ tịch Trần Khắc Hùng quy định 'chỉ tiêu' mỗi nhân viên trường phải đem về một năm ít nhất là bốn đến 10 hồ sơ xin làm giả văn bằng hai, và sẽ được chia lại ít nhất 7 triệu đồng đối với mỗi hồ sơ thu phí thành công, theo tường thuật của VietnamNet.

Ông Dương Văn Hòa, cựu hiệu trưởng trường, khai rằng ông buộc phải làm theo lệnh của ông Trần Khắc Hùng, người mà ông Hòa nói là chủ sở hữu thực sự của Đại học Đông Đô, nếu không sẽ bị đuổi việc.

Được biết sau khi tin tức về vụ án cấp bằng giả của trường Đại học Đông Đô loan ra, một số người từng theo học tại trường này tuy không phải là đối tượng nhận bằng giả, cũng đã lên tiếng yêu cầu trường trả lại những khoản học phí họ đã đóng.

Vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ Giáo dục, Đào tạo cũng được nhiều người đặt câu hỏi, khi Bộ đã từng tới thanh tra Đại học Đông Đô nhưng không phát hiện ra sai phạm của trường trong việc tuyển sinh đại học bằng hai khi chưa được phép, và không kiểm soát việc sử dụng phôi bằng, dẫn đến tình trạng trường dùng phôi bằng do Bộ cung cấp để làm bằng giả trao cho học viên.

Tội 'giả mạo trong công tác' được quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự, với mức hình phạt tối đa tới 20 năm tù giam kèm theo các biện pháp phạt tiền tới 100 triệu đồng.

Video liên quan

Chủ Đề