Môn tiếng Việt thực hành tiếng Anh là gì


Tìm Hiểu Các Cách Học

Ứng Dụng Trong Giảng Dạy Tiếng Việt cho Học Sinh Việt Nam ở Úc.


Bích Ngọc

Giới Thiệu


Cách Học Tiếng Việt Ngày Nay là một đề tài lớn. Phần trình bày sau đây chỉ chú trọng ở phạm vi nhỏ tìm hiểu về Cách Học. Bằng cách nào người học tiếp thu các thông tin, làm sao giáo viên biết học sinh của mình đã hấp thụ được nội dung bài giảng hay không?


Bài viết này dựa theo nội dung phần tham gia của Trường Việt Ngữ Bankstown, trình bày trong buổi Thảo Luận Chuyên Môn hằng năm do Liên trường Việt ngữ New South Wales [NSW] tổ chức ngày 21 tháng 4 năm 2012.


Bài viết bàn về Cách Học của người học [học sinh] khi tiếp thu các thông tin hoặc kiến thức khác [còn gọi là thông tin và kiến thức mới, hiểu theo nghĩa , mà người học trước đó chưa biết đến, hoặc chưa tìm hiểu sâu về nó]. Bài viết góp phần giải đáp một số thắc mắc như: Tại sao giáo viên nên tìm hiểu các Cách Học của học sinh?; Tại sao biết Cách Học của học sinh là yếu tố rất quan trọng cho giáo viên trong việc giúp học sinh học Tiếng Việt thành công?.


Có rất nhiều Cách Học khác nhau, tùy theo cách gọi hoặc cách đặt tên. Trong bài viết này, chỉ tập trung vào Kiểu Học theo cách Nhìn-Nghe-Hành Động, có tên tiếng Anh là VAK [chữ viết tắt của Visual, Auditory và Kinesthetic].


Bài viết cũng đề cập sơ lược một vài thông tin, chính sách mới của chính phủ tiểu bang NSW, cũng như liên bang Úc trong lãnh vực sư phạm được áp dụng tại tại các trường học ở NSW trong vài năm gần đây, cũng như những năm sắp tới, liên quan tới việc dạy và học các ngôn ngữ cộng đồng, rất gần gũi với việc dạy và học Tiếng Việt.


Mục tiêu Học và Giảng dạy Tiếng Việt[1]


Tại sao giáo viên nên tìm hiểu để biết Kiểu/Cách Học của học sinh mình?


Cộng đồng và xã hội kỳ vọng ở các  giáo viên trong việc chăm sóc học sinh  học hành. Học sinh  không những được cung cấp kiến thức , mà còn phải được thầy cô chú ý tới cách học của các em.


Trong những năm gần đây, ngành sư phạm Úc bàn luận rất nhiều về chất lượng giảng dạy nói chung, cũng như chất lượng của cá nhân từng giáo viên nói riêng và việc điều hành lớp học, lấy học sinh làm trung tâm. Học sinh được khuyến khích tham gia tích cực vào các sinh hoạt của lớp học bằng cách nêu lên các câu hỏi, hoặc tự giải đáp lẫn nhau những khúc mắc liên quan trong bài học. Học sinh không còn được xem là những con ‘tàu rỗng’ thuần túy hứng nhận kiến thức của thầy cô rót xuống theo cách giảng dạy truyền thống. Ví dụ các em được phép chủ động tham gia cùng cả lớp thảo luận nội dung bài học, cũng như đưa ý kiến đóng góp về ‘nội qui lớp học’. Lớp học là môi trường an toàn và sinh động, giúp các em hứng thú học hành, tiếp thu một cách hiệu quả nhất các kiến thức mà giáo viên muốn trao đến học sinh.


Hiểu biết về Cách Học của học sinh cũng là một trong các yêu cầu mà Hiệp Hội các Giáo chức NSW, cũng như Hiệp Hội Úc về Giảng Dạy và Lãnh Đạo Trường Học [Australian Institute for Teaching and School Leadership-AITSL] đòi hỏi các giáo viên, đó là Giáo viên [phải] biết về học sinh của mình, và biết học sinh của mình học như thế nào.[2]


Biết Cách Học của học sinh, là một trong các yếu tố rất quan trọng để giúp giáo viên đáp ứng  được đòi hỏi về chất lượng giảng dạy mà ngành sư phạm yêu cầu.


Kết hợp giữa sự hiểu rõ cách học/tiếp thu của học sinh, và cách dạy của giáo viên sẽ đem lại kết quả cao cho học sinh về nhiều phương diện như: tiếp thu bài giảng tốt, hứng thú học hành, v.v. Về phía giáo viên cũng có nhiều lợi ích, để điều chỉnh cách giảng dạy cho phù hợp với cách học của học sinh, đòi hỏi giáo viên phải tìm tòi phương pháp tốt nhất có thể áp dụng cho học sinh mình. Giáo viên lúc này trở thành người học. Sự tương tác này là quá trình học hỏi lẫn nhau, giúp ích cho cả hai phía học sinh và giáo viên trong việc nâng cao chất lượng hiểu biết kiến thức và kinh nghiệm trong môi trường học đường.


Mô hình Tiếp Thu VAK [Learning Styles – VAK Model]

Học sinh tiếp thu thông tin mới bằng nhiều cách: nhìn, nghe, làm việc độc lập hoặc theo nhóm, lý luận lô-gic, trực giác, trí nhớ, hình ảnh hóa, mô hình hóa, v...v . 

Cách giảng dạy/ truyền đạt cũng có nhiều kiểu: Giới thiệu theo bài soạn sẵn, thuyết giảng, giải thích, minh họa, thảo luận, dựa theo quy tắc, hoặc áp dụng phương pháp có sẵn, hoặc nhấn mạnh vào trí nhớ, hiểu biết sẵn có,v.v…


Người học / học sinh tiếp thu thông tin mới nhiều hay ít tùy thuộc vào sự tương hợp giữa cách học và cách dạy.


Các yếu tố khác giúp người học, học có hiệu quả [tùy mỗi cá nhân khác nhau] như:

   Vị trí nơi học: Nhiều ánh sáng, ánh sáng mờ ảo, tối,…
   Giới tính: Nam, nữ 
   Thời gian học: Sáng, chiều, tối 
   Hạng tuổi:Lớn, nhỏ, cấp lớp 
   Sức khỏe, thể lực…
   Tư thế học: Nằm ngồi đi đứng 
   Kết hợp giữa các yếu tố kể trên, hoặc các yếu tố khác 

Cách Học theo mô hình VAK chú trọng về cách tiếp thu của người học bằng cách Nhìn, Nghe, hoặc Hành Động.


Cách Học qua Hình Ảnh [Visual Learning ]: nhìn, thấy, tìm kiếm, ngắm, xem, quan sát ,…

      Nhìn thấy gì đang xảy ra, người học thích đọc, xem truyền hình, thích nhìn hình ảnh, sơ đồ,…
      Người có kiểu học qua Hình Ảnh tiếp thu có hiệu quả nhất với:
             Các quảng cáo, bích chương 
             Hiển thị về hình ảnh: phim, đèn chiếu, …
             Các cuốn sách nhỏ, mỏng, tờ giấy in rời
             Các loại hình thể, màu sắc khác nhau, …

Nhận diện học sinh có Cách Học qua Hình Ảnh

      ghi chép các chi tiết 
      ngồi trên các hàng trước 
      luôn gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ 
      hay nhắm mắt để ghi nhận, hoặc để ghi nhớ điều gì 
      tìm kiếm gì đó để xem nếu thấy chán nản, không thích 

 CácThầy Cô có nhiều cách khác để nhận diện học sinh của mình có Cách Học qua Hình Ảnh


 Cách Học qua Âm Thanh [Auditory Learning]:lắng nghe, nghe  băng, thảo luận, âm nhạc, nói,

            Học bằng cách nghe. Những người có kiểu học qua Âm Thanh thường hay thích chuyện trò qua lại, thường bị cám dỗ bởi âm thanh, và thường không thích những tạp âm lẫn vào âm thanh mà họ muốn nghe. Họ thường thích nghe câu chuyện hơn là thích đọc những chuyện này.

      Những người có kiểu học qua Âm thanh tiếp thu hiệu quả nhất với:

                    Câu hỏi và trả lời, đọc lớn giọng, những bài giảng giải và những câu chuyện kể
                    Các băng thâu sẵn tiếng nói, sử dụng âm nhạc, có các giọng trầm bổng, âm thanh to nhỏ  khác nhau, thảo luận theo nhóm có hai hoặc nhiều người

Nhận diện học sinh có Cách Học qua Âm Thanh

      ngồi chỗ nào cũng được, miễn là có thể nghe được Thầy Cô đang giảng gì, nói gì. Ít để ý tới những gì đang xảy ra ở phía trước mình. Không hứng thú bởi màu sắc hoặc cách đồng phục. 
      các bản nhạc, bài hát giúp em học tốt.
      hay rầm rì to nhỏ với bạn ngồi kế, hoặc các bạn khác khi bài giảng mà em cảm thấy không hấp dẫn.

CácThầy Cô có nhiều cách khác để nhận diện học sinh của mình có  Cách Học qua Âm Thanh

Cách Học qua Hành Động [Kinaesthetic Learning]: thực hành, cảm nhận, chuyển động, chơi, múa, hát, làm thí nghiệm, tham gia các hoạt động ngoài trời, đi du ngoạn …

  Học bằng cách trực tiếp làm, sử dụng cơ thể, tay chân, và cả cảm xúc. Người học có khuynh hướng không đứng, ngồi yên một chỗ mà phải vận động thường xuyên. Những người này không thích thú trong việc đọc. Họ thường muốn học qua các trò chơi, thực hành các kỹ năng, và học qua các biểu diễn.
•  Những người có kiểu học qua Hành Động tiếp thu hiệu quả nhất với:
      Hoạt động theo nhóm, kinh nghiệm trực tiếp tiếp xúc bằng chân tay, cơ thể,. Thực tập, thực tế, dã ngoạn
     Hoạt cảnh, học qua thực tế: chuyển động, sờ mó, làm việc, làm các đề án, thí nghiệm

 
 

Nhận diện học sinh có Cách Học qua Hành Động

      rất năng động, thường xuyên không ngồi yên một chỗ, chân tay lúc nào cũng có chuyện để làm.

      chọn chỗ ngồi gần cửa ra vào, hoặc chỗ nào dễ dàng để đứng lên, ngồi xuống hoăc đi lại,ví dụ như vị trí ở cuối lớp
      nhớ những gì đã làm, nhưng thường gặp khó khăn khi được hỏi những gì đã thấy hoặc đã được nghe. hay có lý do để di chuyển trong lớp hoặc khi cảm thấy chán nghe giảng. 

CácThầy Cô có nhiều cách khác để nhận diện học sinh của mình có Cách Học qua Hành Động


Biết được Kiểu Học của học sinh giúp giáo viên đánh giá trình độ hiện tại về Ngôn Ngữ của học sinh:

      Đọc, Nghe: khả năng xác định, diễn tả, giải thích 
      Nhìn, Nhìn và Nghe: khả năng biểu lộ, chứng tỏ, áp dụng, thực hành 
      Nói và Viết, Hành động: khả năng phân tích, sáng tạo, đánh giá 

Khả năng nhớ qua các Kiểu Học[3]

[để tham khảo, giúp giáo viên xác định khả năng tiếp thu của học sinh]


Số liệu do các nhà nghiên cứu thuộc EduTechnorama-Hoa Kỳ, thực hiện tháng 10 năm 2007 đã đưa ra nhận định về khả năng Nhớ tùy theo các Kiểu Học như sau:[4]

      Học thụ động [Passive Learning-Input information]
              Đọc: Người học nhớ đươc 10% những gì họ Đọc
              Nghe: Người học nhớ đươc 20% những gì họ Nghe 
              Nhìn: Người học nhớ đươc 30% những gì họ Nhìn
              Nhìn kết hợp Nghe: Người học nhớ đươc 50% những gì họ kết hợp cả Nhìn và Nghe
      Học chủ động [Active Learning-Output information]
              Nói và Viết: Người học nhớ đươc 70% những gì họ Nói và Viết
              Hành động/Thực hành:  [90%]



Thay phần Kết Luận


Từ mô hình VAK, minh họa rõ nét cho phương pháp giảng dạy lấy Học Sinh làm tâm điểm mà ngành sư phạm ở Úc đòi hỏi/yêu cầu các giáo viên ngày nay.


Tiếng Việt là tài sản vô cùng thiêng liêng và quý giá của người Việt Nam, đặc biệt đối với người Việt sinh sống ở hải ngoại. Dạy và truyền bá Tiếng Việt cho con em chúng ta giúp bảo tồn và duy trì tài sản này.


  • đối với các học sinh cấp lớp nhỏ, giáo viên tập trung hướng dẫn và cung cấp kiến thức cho học sinh. Giáo viên tạo nguồn cảm hứng giúp các em luôn mong muốn được đến lớp cùng thầy cô và bạn bè học Tiếng Việt, văn hóa Việt.
  • đối với các học sinh cấp lớp lớn, ngoài việc cung cấp kiến thức học cái gì,  quan trọng hơn, giáo viên tập trung hướng dẫn học sinh cách học như thế nào. Từng bước, giúp các em tự lập và có trách nhiệm trong việc học hành của bản thân, ý thức được vai trò của người học sinh Việt Nam trong nhà trường, gia đình và xã hội.

Giảng dạy Tiếng Việt là một nghệ thuật của người giáo viên Việt Nam, đòi hỏi rất nhiều công sức, lòng nhiệt tình và yêu nghề.


Bài viết này không ngoài mục đích chia sẻ thông tin với các giáo viên của Liên Trường Việt Ngữ NSW, mong được sự góp ý của những nhà sư phạm có nhiều kinh nghiệm và tâm huyết để nâng cao chất lượng trong giảng dạy, khuyến khích, tạo hứng khởi và giúp các em học sinh học tốt môn Tiếng Việt.

==

Các hình ảnh sử dụng trong bài viết này được dùng với mục đích minh họa. Người viết cảm ơn các em học sinh lớp 7&8, trường Việt Ngữ Bankstown, thuộc Liên trường Việt Ngữ NSW.




[1] Nguồn dựa theo Vietnamese Syllabus K-10 , 2003-Board of Studies of NSW

[2] NSW Institute of Teachers – Elements 2- AITSL - National Professional Standards for Teachers – Standard 1

[3] Nguồn  EduTechnorama 10/2007

 [4] Xin xem Biểu đồ Khả Năng Nhớ qua các Kiểu Học

Video liên quan

Chủ Đề