Nguyên lý giáo dục học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn

Bác Hồ đã dạy: Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên [hoặc viên đạn]. Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để lòe thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành. Lời nói đi đôi với việc làm là một trong những tư tưởng nổi bật, hành động tiêu biểu mà Bác Hồ là tấm gương sáng cho mọi thế hệ người Việt Nam học tập và làm theo.

Giảng đường đại học

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế thì giáo dục phải làm sao để thế hệ trẻ trở thành đội quân xung kích đi vào khoa học công nghệ mới. Tuy nhiên, giáo dục của ta vẫn chưa theo kịp với sự phát triển của thời đại. Học sinh vẫn học theo kiểu bị động, tức là thầy dạy gì trò chỉ học nấy, có khi thầy dạy mười trò chỉ biết một.

Hơn nữa, cơ sở vật chất của chúng ta còn nghèo, chưa đủ để học sinh có thể tự mình học. Thư viện thì lèo tèo vài cuốn sách, máy tính thì chưa phổ biến rộng rãi [nhất là các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa]. Internet cũng là một thứ xa xỉ. Trong khi, mỗi môn học cần phải có những thiết bị chuyên dụng để thực hành thì học sinh chỉ được chiêm ngưỡng nó qua những tấm ảnh hoặc qua những vật dụng trong tủ kính thư viện nhà trường; thiếu liên hệ thực tế với công việc sau này nên nó mông lung. Nội dung sách giáo khoa thì quá nặng, không chỉ ở chương trình phổ thông mà cả bậc học khác. TS. Vũ Quang Việt cho biết: Thời gian học 4 năm ở lớp tại Việt Nam là 2.183 giờ so với 1.380 giờ ở Mỹ. Như vậy chương trình ở Việt Nam dài hơn gần 60%. Điều này có thể là do thiếu sách vở, nên thầy phải vào lớp đọc cho sinh viên chép hoặc là quán tính từ quá khứ để lại. Với thời gian ngồi lớp như vậy, sinh viên sẽ còn ít thì giờ để tự học, nghiên cứu.

Muhammad Yunus- ông chủ nhà băng của người nghèo nổi tiếng nhờ sáng lập Grameen Bank năm 1983 ở Bangladesh tuyên bố: Giáo dục cần phải gắn kết với cuộc sống, với thực nghiệm và với hành động...; Trong khi cuộc sống luôn thay đổi, giáo dục phải đi trước và không phân phát những kiến thức cũ cho người dân. Giáo dục là phải mang đến những kiến thức tương lai, chỉ cho người dân hướng đi tới đó. Nhiệm vụ của công tác giáo dục nước ta hiện nay là xây dựng con người mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do đó, giáo dục phải đáp ứng tất cả những kỹ năng cơ bản cần thiết, phải có ích cho cuộc sống sau này.

Với phương châm giáo dục tức là cuộc sống, nhà trường là xã hội, lấy học sinh làm trung tâm học bắt đầu từ làm. Nhà trường mới phải là nhà trường gắn bó mật thiết với cuộc sống, thường xuyên tổ chức cho học sinh tham gia các loại hình lao động sản xuất công- nông- lâm- ngư nghiệp và lao động tự phục vụ. Lấy định hướng phát triển năng lực làm định hướng cho việc truyền thụ kiến thức. Chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức một chiều, sang dạy học về tổ chức các hành động học tập, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, đánh thức khả năng tư duy của cả thầy và trò, làm cho giáo dục thích ứng với sự phát triển đa dạng của kinh tế- xã hội hiện đại. Giáo dục còn phải coi trọng kỹ năng thực hành, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên.

Sinh viên học ngoại ngữ

Mỗi học sinh phải nắm được lý thuyết, lý luận để ứng dụng kiến thức thực tiễn đời sống. Dân gian cũng có câu: Học để hành, học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy. Học ở đây không chỉ bó hẹp trong phạm vi nhà trường, không phải chỉ có kiến thức do thầy truyền thụ. Còn có rất nhiều điều hay mới lạ trong cuộc sống mà ta cần phải học, sự học rất mênh mông bao la, không có giới hạn cho nên ta phải học tập không ngừng dù ở lứa tuổi nào cũng phải học- học ở nhà trường, gia đình, xã hội; học thầy, học bạn, học ở mọi nơi mọi chốn. Phải biết vận dụng sáng tạo những kiến thức thầy cô truyền thụ vào bài tập thực hành, có như vậy hiệu quả học tập mới được nâng cao. Học đi đôi với hành đã trở thành nguyên lý, phương châm giáo dục của nhà nước đồng thời cũng là phương pháp học tập của mỗi chúng ta.

Đại hội Đảng lần thứ IX, một lần nữa Đảng ta khẳng định: Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, hệ thống trường lớp và hệ thống quản lý giáo dục, thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Phát huy tinh thần độc lập suy nghĩ và sáng tạo của học sinh, sinh viên, đề cao năng lực tự học, tự hoàn thiện học vấn và tay nghề; đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện giáo dục cho mọi người, cả nước trở thành một xã hội học tập, thực hiện phương châm học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn với xã hội.

N.M


Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề