Nhà tiên tri trong Oedipus làm vua

Cuộc đời giống như ván bài. Lá bài chia cho bạn thì thuộc về số mạng; còn cách bạn chơi lá bài đó như thế nào thì thuộc về ý chí tự do.

Life is like a game of cards. The hand you are dealt is determinism; the way you play it is free will.

Jawaharlal Nehru [1889–1964]

Trần Thi

Theo thần thoại cổ Hy Lạp, thành phố Thebes khi xưa được trị vì bởi King Laius và Queen Jocasta. Và con trai của hai vị này là Oedipus.

Tuy nhiên, ngay từ lúc Oedipus đang còn trong bụng mẹ, Vua Laius đã được lời tiên tri cho biết là đứa con trai sắp ra đời sẽ giết Vua trong mai hậu.

Vì vậy, khi Hoàng hậu Jocasta hạ sinh Oedipus, Vua Laius ra lệnh cho một người thuộc hạ chăn cừu đem Oedipus bỏ trên một vùng rừng núi xa xôi và để mặc cho chết ở đó.

Động lòng trắc ẩn thương cho đứa bé sơ sinh vô tội, người thuộc hạ của Vua Laius đã đem Oedipus đưa cho một người chăn cừu khác.

Và người chăn cừu này đem Oedipus dâng lên cho King Polybus và Queen Merope của thành phố Corinth làm con nuôi.

Vì không thể có con, cho nên King Polybus và Queen Merope thương Oedipus như con ruột. Oedipus cũng rất thương hai vị này mà không hề biết họ là cha mẹ nuôi.

Được King Polybus và Queen Merope nuôi dưỡng và giáo huấn kỹ càng, Oedipus trở thành người tài giỏi và dũng mãnh.

Một ngày nọ, Oedipus đến viếng thăm Delphi, thành phố cổ xưa nổi tiếng với ngôi đền quan trọng nhất của Hy Lạp thờ thần Apollo.

Tại đây, thần linh tiết lộ cho Oedipus biết: Oedipus sẽ giết cha và lấy mẹ của anh làm vợ!

Trước tiết lộ kinh hoàng như thế, Oedipus quyết định phải cải đổi định mạng gớm ghiếc này bằng cách trốn khỏi Corinth và không bao giờ quay trở lại.

Vĩnh viễn không bao giờ gặp lại người cha, King Polybus, thì không bao giờ Oedipus có thể giết ông được.

Vĩnh viễn không bao giờ gặp lại người mẹ, Queen Merope, thì không bao giờ Oedipus có thể lấy bà làm vợ được.

Đến lúc này, Oedipus vẫn không biết hai vị này không phải là song thân của anh.

Định mạng bắt đầu chụp lên Oedipus sau khi anh quyết định rời bỏ Corinth và đi sang lân quốc, thành phố Thebes, của King Laius và Queen Jocasta.

Trên đường đi đến Thebes, Oedipus gặp một người đàn ông lớn tuổi trên xe ngựa và đoàn tùy tùng. Bị khiêu khích, Oedipus nổi giận xuống tay hạ sát tất cả mọi người trong đoàn. Chỉ để lại một người còn sống để đưa các tử thi về nguyên quán.

Oedipus không biết người đàn ông bị giết là King Laius – cũng là thân phụ của anh.

Tiếp tục hành trình, khi đến được vòng đai của Thebes, Oedipus được biết ông vua của thành phố này [là King Laius] mới bị giết chết.

Không còn người lãnh đạo, thành phố Thebes bị nằm dưới sự khống chế ngặt nghèo của con quái vật Sphinx.

Tất cả những ai vào thành phố đều phải trả lời câu đố hóc búa của Sphinx.

Nếu trả lời sai, sẽ bị Sphinx ăn thịt.

Oedipus đã trả lời chính xác cho câu đố của con quái vật, đánh bại nó và cuối cùng Sphinx đã tự sát.

Phần thưởng dành cho Oedipus, có công giải cứu thành phố Thebes, là ngai vàng của vị vua đã chết – King Laius – và “bàn tay” của người góa phụ vợ của Vua, Queen Jocasta, cũng là thân mẫu của Oedipus mà anh không hề biết.

Sau một thời gian sống chung với nhau, Oedipus the King và Queen Jocasta – là vợ và cũng là mẹ của ông – có được bốn người con.

Khi đó thành phố Thebes bắt đầu gặp nhiều tai họa với bệnh dịch lan truyền.

Em trai của Queen Jocasta là Creon được cử đi gặp thần Apollo xin lời chỉ dạy.

Trở về, Creon cho Oedipus biết Thebes bị trừng phạt vì lời nguyền của thần linh:

  • Thành phố này chỉ có thể thoát khỏi cơn kiếp nạn sau khi tìm được thủ phạm giết King Laius, vị vua tiền nhiệm, và trục xuất kẻ đó ra khỏi Thebes.

Để cứu thành phố Thebes, Oedipus the King cam kết sẽ tìm ra thủ phạm.

Và ông cho tiến hành cuộc điều tra:

  • Oedipus thông báo cho Hội Đồng Trưởng Lão biết là ông đã mời nhà tiên tri mù Teiresias để cho lời khuyên bảo.
  • Khi gặp nhà tiên tri mù, Oedipus trình bày sự vụ và yêu cầu Teiresias giúp.
  • Nổi cơn thịnh nộ vì Teiresias không chịu mở miệng, Oedipus ra lệnh cho Teiresias phải nói.
  • Và rồi Teiresias nói cho Oedipus biết kẻ giết King Laius chính là Oedipus.
  • Càng thêm thịnh nộ, Oedipus tố cáo Creon và nhà tiên tri mù Teiresias toa rập với nhau âm mưu hãm hại Oedipus để cướp ngai vàng.
  • Bị Oedipus dọa giết, Creon đã bỏ chạy.
  • Sau khi Creon bỏ trốn, Oedipus the King cho Queen Jocasta biết mọi việc.
  • Queen Jocasta nói rằng những lời tiên tri toàn là chuyện không có thật, đơn cử ra lời tiên tri nói rằng King Laius sẽ bị chính con trai của ông giết chết .
  • Đến đây, Oedipus hoảng hốt vì chợt nghĩ rất có thể ông đã giết King Laius.
  • Oedipus cho Jocasta biết là khi còn trẻ, ông đã được lời tiên tri cho biết là ông sẽ giết cha và ngủ với mẹ của ông.
  • Jocasta cũng tiết lộ là lời tiên tri cho biết con trai của bà sẽ giết chết cha nó.
  • Oedipus thú nhận đã giết nhiều người tại giao lộ trên đường đến Thebes.
  • Gửi người đến Corinth, nơi ông lớn lên, để điều tra, Oedipus được báo cho biết King Polybus và Queen Merope không phải là cha mẹ ruột của ông.
  • Không đồng ý với Jocasta muốn bỏ qua, Oedipus quyết tâm tìm sự thật.
  • Oedipus tìm được người chăn cừu đã nhặt được ông khi bị bỏ rơi lúc còn bé.
  • Qua nhiều tra vấn, người chăn cừu đã cho Oedipus biết thêm nhiều chi tiết hữu ích cho cuộc điều tra.
  • Oedipus cũng ra lệnh gọi lên thẩm vấn người tùy tùng đã đem thi thể của King Laius về Thebes mai táng.
  • Sắp xếp lại kết quả của các cuộc điều tra, Oedipus nhận ra rằng Queen Jocasta chính là mẹ của ông và chính ông là người đã sát hại King Laius.

Quả đúng như lời tiên tri: Oedipus đã ngủ với mẹ và giết cha của ông!

Đối diện với một sự thật quá đau đớn phũ phàng, Queen Jocasta đã tự sát.

Cũng ngay lúc đó, Oedipus đã dùng trâm cài tóc của Queen Jocasta, vừa mới tự sát, để đâm vào hai mắt của ông.

Tự hủy đôi mắt vì quá xấu hổ không muốn nhìn thấy những gì ông đã làm?

Hay hoặc Oedipus đã nhận ra rằng với ông “có mắt cũng như thừa?”

Nhường ngôi cho Creon, em trai của Jocasta, và nhờ Creon chăm sóc các con của ông, rồi Oedipus rời khỏi Thebes, sống một kiếp lưu đầy cho đến chết.

Oedipus qua đời tại Colonus, một làng quê ở gần Athens, và trở thành thiên thần che chở cho nơi đó.

Vào lúc mới định cư tại Mỹ theo diện tị nạn, tiếng Anh còn rất kém, Hùng phải học lại tiếng Anh từ những lớp căn bản.

Sau hai lớp ESL [English as a Second Language] “dự bị” và dù chưa lãnh hội gì mấy, Hùng cũng lên học lớp Anh văn năm thứ nhất. Lớp này bắt đầu dạy viết phê bình văn chương Anh.

Đến cuối khóa, mỗi sinh viên phải nộp năm trang phúc trình, phân tích và phê bình truyện thần thoại cổ Hy Lạp qua chủ đề: “Destiny versus Free Will in Oedipus the King – Định mạng so với Ý chí Tự do nơi Vua Oedipus.”

Tra tự điển đến mờ mắt và đọc đi đọc lại mãi, Hùng mới tạm hiểu được ý chính của câu truyện Oedipus. Rồi anh lại phải tìm tài liệu tham khảo để viết bình luận cho gẫy gọn, thuyết phục và có ý nghĩa nữa mới thật là khổ.

Tự xét lại bản thân, Hùng nhận thấy anh khá tin vào “thuyết” Định mạng nhưng cũng luôn luôn xem trọng “trường phái” Ý chí Tự do.

Hai quan niệm sống mang tính cách “đối chọi” nhau đó lại càng hun đúc thêm nơi Hùng trong những ngày anh còn mặc quân phục và tiếp theo đó là những tháng năm không thể nào quên sau “Tháng Tư đen, 1975” tại Việt Nam.

Cũng như, trên chiếc thuyền gỗ mong manh của thuyền nhân Việt Nam vượt biển, và bên cạnh em nhỏ đang chờ chết vì đói khát mà Hùng biết, thì cả Định mạng và Ý chí Tự do đều hiện diện tại nơi đó và chỉ khác nhau bằng vài giọt nước chanh còn sót lại từ quả chanh đã bị vắt kiệt nhỏ lên đôi môi khô nứt của em.

Từ những phút giây im lặng “nhìn lại mình” đó, Hùng gặp được một vài ý nghĩ.

Trong phần phân tích và nhận xét, Hùng trình bày là, theo anh:

Oedipus đã quá “hướng ngoại” và chỉ tìm đến những thay đổi nơi ngoại vật, nơi tha nhân để cải sửa định mạng của mình. Nhưng ngoại vật và tha nhân là những gì mà Oedipus không có đủ quyền lực để kiểm soát và chế ngự.

Và, một khi tất cả nỗ lực để thay đổi số phận của mình hoàn toàn tùy thuộc vào những yếu tố bên ngoài mà ông không thể chủ động nắm vững được, thì sự thất bại của Oedipus chỉ còn là vấn đề thời gian.

Mặt khác, Hùng lý luận, nếu chú tâm vào việc “hướng nội,” nghĩa là vào chính con người của ông, Oedipus có thể thực hiện một số điều có thể giúp ông tránh được việc không giết người cha và không lấy người mẹ làm vợ.

Điển hình là một số đề nghị cho Oedipus làm sau khi “định mạng” của ông bị tiết lộ:

  1. Quyết Tâm:
    • Không giết người.  Nếu cần, chỉ vô hiệu hóa và không hạ sát kẻ địch.
    • Không bao giờ lập gia đình [hay ngủ] với người phụ nữ lớn tuổi hơn.
  2. Tự Hủy, nếu xét thấy không thể thực hiện được quyết tâm trên:
    • Phế bỏ cánh tay sử dụng vũ khí hay đâm mù hai mắt như Oedipus sau cùng đã làm.
    • Phế bỏ bộ phận truyền giống.
  3. Tự Sát – Chết là Hết 

Hùng đưa ra nhận xét về giai đoạn cuối cùng của Vua Oedipus the King:

  • Khi tự đâm mù hai mắt, Oedipus the King đã áp đặt một hình phạt nặng nề lên bản thân. Bằng vào hành động này, Oedipus cho thấy ông hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành động bị chi phối bởi Ý Chí Tự Do của chính ông, chứ không phải bởi Định Mạng. Và Oedipus phải “sống” với hậu quả của những hành động đó.
  • Hành động đâm mù hai mắt của Oedipus the King cũng còn nói lên được Ý Chí Tự Do của ông muốn đoạn tuyệt với quá khứ: Vĩnh viễn đóng lại “cửa sổ tâm hồn” bị chi phối bởi Định Mạng để tâm tưởng của ông sẽ không bao giờ còn bị vọng động hay nhiễu loạn bởi những nguồn sáng vô minh đến tự bên ngoài.
  • Hình ảnh người mù Oedipus mò mẫm bước tới như đang vác thánh giá đi tìm một chân lý huyền nhiệm – ở phía sau bức tường Định Mạng – như  nói lên được Ý Chí Tự Do của Oedipus muốn vượt ra khỏi vực thẳm của mê cung – thay vì chỉ buông xuôi, than thở, và đầu hàng trước một “Định Mạng đã an bài.”

Dựa trên những nhận xét đó, Hùng nghĩ rằng:

Sau khi những nỗ lực hướng ngoại để thay đổi vận mệnh đã hoàn toàn đổ vỡ, và bằng vào những hành động cuối cùng trong đời của Oedipus the King, có thể nói là Oedipus đã bắt đầu cảm nhận được rằng: Điều quan trọng nhất của nỗ lực thay đổi vận mệnh của ông phải là luôn luôn đặt căn bản trên sức mạnh tinh thần của chính mình thay vì phải lệ thuộc vào tha nhân hay ngoại vật.

Khi xét đến nỗ lực làm việc và tinh thần trách nhiệm, từ thuở đầu đời khi còn thanh niên cho đến lúc lên làm vua và bị “định mạng” quật ngã, Oedipus đã chứng tỏ được rằng ông là người thông minh và quả cảm.

Sở hữu được những đặc điểm rất giá trị nói trên là điều rất cần, nhưng rõ ràng là vẫn chưa đủ để giúp Oedipus cải đổi được định mạng của ông.

Thiếu một “bản đồ” và “la bàn” của trí tuệ để giúp xác định chính xác được “điểm đứng” và “phương hướng,” thì mọi cố gắng của Oedipus để thay đổi định mạng gần như chỉ có thể đưa ông tiến nhanh trên những “mê lộ” và rồi sẽ chỉ đi vào bế tắc.

Khi còn đôi mắt tinh tường, Oedipus chỉ sử dụng đến chúng để nhìn vào ngoại vật.

Còn như nội tâm của một người như Oedipus, hẳn sẽ ẩn chứa nhiều kho tàng vô giá. Tiếc thay, chưa bao giờ Oedipus “để mắt” đến, chứ chưa nói gì đến việc nghiêm chỉnh “nhìn vào” phần này.

Chỉ đến khi ý thức được việc thay đổi số phận của ông không thể tùy thuộc vào tha nhân hay ngoại vật, Oedipus mới nhận thấy rằng “tuệ nhãn” không nằm ở đôi mắt phàm trần – vẫn thường có khả năng “nhìn xa, trông rộng.” Có lẽ từ lúc đó Oedipus mới bắt đầu “nhìn và thấy” được sự an bình trong tâm hồn của ông.

Trong một sự nhìn lại muộn màng, nếu ngay từ lúc ban đầu khi muốn cải sửa định mạng của mình, Oedipus đã tự đâm mù đôi mắt của ông – như là một quyết tâm kiến tạo sự thay đổi bắt đầu ngay tại chính bản thân – thì dù cho sau đó nỗ lực hướng nội chưa hoàn tất, chắc chắn vận mạng của Oedipus đã thay đổi.

Kết thúc bài phúc trình về “Destiny versus Free Will in Oedipus the King,” Hùng đưa ra nhận xét:

Định mạng [Destiny] hay Ý chí Tự do [Free Will] không hẳn là hai phạm trù [category] hoàn toàn đối nghịch, mà khác biệt có khi chỉ nằm ngay tại bước khởi đầu: Nhận Thức.

Đáng tiếc là trong đời sống thường hằng, rất nhiều khi kinh nghiệm chỉ có sau một lần đổ vỡ. Nhưng, những đổ vỡ như đã xẩy đến cho Oedipus the King để lại kinh nghiệm đớn đau chỉ duy nhất Một Lần trong Một Đời.

Và những kinh nghiệm kinh hoàng loại “một đi, không trở lại” đó xem ra đã được xem là dấu ấn không thể tẩy xóa được của một “Định mạng đã an bài.”

Nộp bài xong, Hùng “nhẹ” người như vừa cởi bỏ được gánh nặng.

Thêm nữa, Hùng còn cảm thấy là khi hoàn tất phần viết về một điều gì – ở bên cạnh mình từ lâu nhưng vẫn “im lặng” – thì cũng thích thú như khi vừa mới nói chuyện lại được với một tri kỷ đã từ lâu tịnh khẩu.

Ngày cuối cùng của khóa học, bà giáo sư Anh văn trả lại bài phúc trình, với khá nhiều sửa chữa và phê bình trên năm trang giấy.

Sau hơn 30 năm rời trường, hy vọng Hùng vẫn còn ghi lại được tương đối đúng một vài phê bình của bà giáo sư mà đến nay vẫn làm Hùng phải suy ngẫm:

  • Lối suy tưởng của anh có thể bị dòng suy nghĩ chính không chấp thuận. Nhưng, hey, anh đâu có bắt buộc phải ở trong đó đâu, đúng không?  [Your line of thought might be shut out by the mainstream thinking. But hey, you don’t have to be one of them, right?]
  • Cũng vậy, một vài đề nghị của anh cho Oedipus coi bộ cũng điên. Nhưng mà, đôi khi phản ứng phù hợp với thực tế là trở nên điên! [Also some of your suggestions for Oedipus appear to be insane. But well, it is sometimes an appropriate response to reality to go insane!]
  • Cố gắng hơn nữa để cải tiến ngữ vựng và cách viết của anh. [Try harder to improve your vocab and writing style.]

Trần Thi – Ngày 14/01/2022

Sơ lược ảnh hưởng của Oedipus đối với văn chương và âm nhạc Tây phương:

Oedipus xuất hiện trong truyền thống dân gian của Albania, Phần Lan, Cyprus và Hy Lạp. Câu truyện cổ này có sức hấp dẫn kịch tính mãnh liệt; qua Seneca, chủ đề này đã được truyền sang một loạt các nhà viết kịch, gồm có cả Pierre Corneille, John Dryden và Voltaire. Câu truyện Oedipus có sức hấp dẫn đặc biệt trong thế kỷ 20, thúc đẩy các nghệ sĩ khác là nhà soạn nhạc gốc người Nga Igor Stravinsky với Oedipus Rex, nhà văn người Pháp André Gide với Oedipe và tiểu thuyết gia người Pháp Jean Cocteau với La Machine Infernale. Nhà phân tâm học người Áo Sigmund Freud đã chọn từ ngữ ‘mặc cảm Oedipus’ [tạm dịch chữ: Oedipus complex] để chỉ cảm giác của người con trai yêu thương mẹ mình và sự ghen tị và thù ghét đối với cha mình, mặc dù đó không phải là những cảm xúc thúc đẩy hành động của Oedipus hoặc xác định tính cách của anh ta trong bất kỳ ấn bản cổ xưa nào của câu truyện.

Source’s URL www.britannica.com/topic/Oedipus-Greek-mythology:   Oedipus appears in the folk traditions of Albania, Finland, Cyprus, and Greece. The ancient story has intense dramatic appeal; through Seneca the theme was transmitted to a long succession of playwrights, including Pierre Corneille, John Dryden, and Voltaire. It had a special attraction in the 20th century, motivating among other artists Russian-born composer Igor Stravinsky’s secular oratorio Oedipus Rex, French writer André Gide’s Oedipe, and French novelist Jean Cocteau’s La Machine infernale. Austrian psychoanalyst Sigmund Freud chose the term Oedipus complex to designate a son’s feeling of love toward his mother and of jealousy and hate toward his father, although those were not emotions that motivated Oedipus’s actions or determined his character in any ancient version of the story. 

Email Giới Thiệu Bài Viết Đến Bạn Bè

Video liên quan

Chủ Đề