Phân tích bài thơ Chiều tối để thấy được vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh thể hiện qua bài thơ

     Maiacôpxki đã nói rằng: “Trên đời, có những thứ chỉ giải quyết được bằng thơ.” Thơ ca tựa như một liều thuốc công hiệu cao, có thể xoa dịu mọi nỗi đau, cực nhọc trên thể xác và cả tinh thần của con người. Có một nhà thơ, nhà cách mạng lớn của dân tộc, cũng đã gói ghém nỗi đau đớn giày vò vào từng tiếng thơ: Hồ Chí Minh. Tập thơ nổi tiếng “Nhất ký trong tù” [Ngục trung nhật ký] là tác phẩm nổi tiếng được Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian tù đày mà điểm sáng chính là bài thơ “Chiều tối”. Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh qua bài thơ Chiều tối trong bài viết dưới đây!

Mở bài vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh qua bài thơ chiều tối

     Cái đẹp có một năng lực độc đáo là cảm hóa tâm hồn người, biến những thứ khó khăn trở nên dễ dàng và đơn giản. Đứng trước vẻ đẹp thiên nhiên trong khung trời trên đỉnh núi buổi hoàng hôn, Hồ Chí Minh đã “tức cảnh sinh tình” sáng tác nên bài thơ “Chiều tối” [Mộ]. Ở đó, chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên và vẻ đẹp tâm hồn ẩn sâu bên trong của người cách mạng.

Phân tích vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh trong chiều tối

Thân bài phân tích vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh qua bài thơ chiều tối

     Trải qua suốt thời gian chịu sự giam cầm của nhà tù Tưởng Giới Thạch, Hồ Chí Minh đã sáng tác tập thơ “ Nhật ký trong tù”. Trong đó, “Chiều tối” [Mộ] là điểm sáng của tập thơ, bộc lộ tâm trạng của nhà thơ trong lần chuyển lao gian khổ.

     Mở đầu bài thơ, người đọc ấn tượng sâu sắc trước khung cảnh thiên nhiên vô cùng khoáng đạt, rộng lớn:

                    Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

                    Tầng mây lơ lửng dưới tầng không

     Sử dụng các hình ảnh tượng trưng quen thuộc của thơ Đường “chim”, “mây”, nhà thơ đã vẽ lại một bức tranh mang màu sắc cổ điển với nét chấm phá độc đáo, vô cùng ý vị. Cánh chim chao nghiêng về lại tổ để nghỉ ngơi sau một ngày dài mỏi mệt giống như tình cảnh của nhà thơ lúc này, ông đang rất mệt mỏi suốt một chuyến chuyển lao dài. Và cũng bởi phải xa quê, nên người cách mạng đó khao khát được như cánh chim khi mỏi thì về lại tổ để nghỉ ngơi còn ông thì mong mỏi được trở về với quê hương. Hình tượng tầng mây lặng lẽ trôi giữa tầng không mở ra chiều rộng cho cả câu thơ, mang tới sắc thái vô cùng khoáng đạt, tự do tự tại nhưng cũng cô đơn vô kể.

     Phải chăng nhà thơ đang mượn hình bóng của tầng mây đó để thương xót cho tình cảnh của mình, đơn độc, cô quạnh bị giam cần nơi đất khách, quê người. Qua đôi mắt quan sát tinh tế của tác giả, ta thấy được bức tranh thiên nhiên đang có sự chuyển động tinh tế, đồng thời thấy được khát khao, mơ ước được trở về quê nhà, được hòa mình vào đời sống của người tù cách mạng.

     Hai câu thơ tiếp, Hồ Chí Minh vui sướng khi bắt gặp hình tượng con người và được hòa mình vào nhịp sống đời thường:

                    Cô em xóm núi xay ngô tối

                    Xay hết, lò than đã rực hồng

     Hình ảnh “cô em” không phải là người con gái xinh đẹp, khuê các, kiêu sa như trong các bài thơ Đường mà chỉ là một người lao động bình thường đang say mê làm việc. Đây cũng là hình tượng trọng tâm cho bức tranh buổi chiều tà, làm bật lên nét đẹp của bức tranh đó.

     Dường như, bức tranh ấy được tác giả thổi hồn vào nên vô cùng sinh động. Những hình tượng thơ hay phân cảnh đều có sự chuyển động độc đáo. Nhà thơ phóng tầm xung quanh và bị thu hút bởi hình ảnh con người, vì chắc ông cũng “thèm người” tha thiết, mong được trò chuyện, giao tiếp và trở về đời sống bình dị thường nhật.

     Người bứt ra khỏi mọi xiềng xích, gông cùm để đưa tâm hồn theo nhịp sống bình dị mà ấm cúng ở chân núi xa xa. Không trực tiếp tả sự bao trùm của bóng đêm hay trời đã chuyển về tối, nhà thơ mượn hình ảnh bếp lửa để đặc tả sự chuyển động đó, chỉ khi trời tối thì bếp lửa mới hồng. Bản dịch có thêm chữ “tối” đã làm mất đi cái hay của bài thơ.

     Bếp lửa ấm cúng đang rực hồng đó cũng xua tan đi mọi mệt nhọc về thể xác, đưa nhà thơ theo từng nhịp bập bùng. Chữ “hồng” là nhãn tự của bài thơ, làm sáng lên ý vị và chất liệu độc đáo trong thơ của Hồ Chí Minh, vừa nêu bật nội dung thơ và khắc họa sâu sắc hơn hình tượng người cách mạng.

     Vì yêu cảnh nên đứng trước cảnh mà sinh tình, trước khung trời hoàng hôn trên đỉnh núi vô cũng đẹp, chúng ta cảm nhận được tình yêu thiên nhiên và yêu đời của Hồ Chí Minh. Trong thời gian gian khổ nhưng Người vẫn thích ngắm nhìn đất trời, vô cùng yêu và say đắm trước vẻ đẹp của đất trời. Ở đó, còn ẩn chứa tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc và mong ước được trở về quê nhà.

     Dù ở hoàn cảnh không mấy tốt đẹp nhưng bên trong người cách mạng vẫn rực đỏ ngọn lửa của sự lạc quan, yêu đời, yêu con người và khát vọng vùng lên giành lại độc lập, tự do, giải phóng thuộc địa, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân. Phải kiên cường, mạnh mẽ trong ý chí đến đâu thì nhà thơ mới bỏ qua mọi mệt nhọc, đơn độc, bi thương để tiếp tục yêu đời, yêu người giành những phút giây ít ỏi nghỉ ngơi lúc chuyển lao để chú tâm ngắm vẻ đẹp thiên nhiên đang hiện hữu ngay trước mắt.

     Sử dụng linh hoạt các hình ảnh thơ trong thơ Đường, cách quan sát tinh tế, thủ pháp lấy động tả tĩnh, lấy sáng tả tối,... chỉ với bốn dòng thơ, Hồ Chí Minh thực sự đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên cổ điển, thu hút với hình tượng trọng tâm là con người đang say mê lao động bên bếp lửa. Qua đó, chúng ta còn cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp nơi tâm hồn của Người.

Kết bài phân tích vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh trong chiều tối

     Đã có không ít nhà thơ lấy cảm hứng sáng tác từ cảnh thiên nhiên lúc hoàng hôn. Nhưng có lẽ ít bài thơ nào lại mang đến cho người đọc các cung bậc cảm xúc đa dạng, tự nhiên như “Chiều tối”. Chúng ta tựa hồ như cũng đang được đứng cạnh người cách mạng, cùng người phóng tầm mắt đến bốn phương, nhìn ngắm núi non ngang dọc. Bên cạnh ta là một tâm hồn rực lửa, yêu đời, lạc quan, trong gông cùm vẫn khát khao được hòa mình vào từng vòng xay ngô tối của cô em xóm núi, được đoàn tụ với gia đình, ấm áp, quây quần bên bếp lửa bập bùng cháy mãi…

     Trên đây là bài mẫu phân tích vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh qua bài thơ “Chiều tối”. Hy vọng các em sẽ hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn các ý thơ cũng như có cái nhìn tổng quát về vẻ đẹp tâm hồn và hình tượng thơ người cách mạng trong bài thơ này. Hãy theo dõi CungHocVui để cùng chúng tôi học tập hiệu quả, vượt vũ môn thành công nhé! 

Phân tích bài thơ chiều tối để thấy được vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh – Tài liệu phân tích dưới đây sẽ giúp các em nắm chắc nội dung, từng luận cứ, luận điểm để hành văn tốt và đạt điểm cao trong các bài thi, bài kiểm tra.

  • Văn mẫu phân tích

Mở bài

Hồ Chí Minh là nhà yêu nước vĩ đại, nhà cách mạng vĩ đại mà còn là nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc. Khi bị giam giữ ở nhà tù Tưởng Giới Thạch khi hoạt động cách mạng, Bác không hề cảm thấy sợ hãi thậm chí vô cùng lạc quan, tin tưởng vào cách mạng, vào con đường mình đã chọn. Bác vẫn bình thản bình thơ, ngâm thơ và làm thơ, thể hiện một phong thái vô cùng tự do, ung dung. Trong thời gian này, Bác đã cho ra đời tập thơ Nhật Kí Trong Tù nói về cuộc sống, tinh thần của Người khi bị giam giữ ở nhà tù Tưởng Giới Thạch. Một trong những tác phẩm hay và ấn tượng nhất phải nói đến bài thơ Chiều tối – trích trong Nhật kí Trong Tù. Tác phẩm nói về tình yêu thiên nhiên, cuộc sống và ý chí vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt của người chiến sĩ cách mạng.

Thân bài

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”

Bài thơ được viết khi Bác đang bị đưa từ nhà tù này đến nhà tù khác, trên đường đi là cảnh chiều tối, chân đã bắt đầu mỏi và cảnh vật xung quanh cũng đang dần chìm trong bóng tối. Lúc này, Bác đang quan sát và nhìn thấy không gian bao la, cảnh vật thuận theo tự nhiên, chiều xuống thì cánh chim sẽ mỏi mải miết về rừng tìm chốn ngủ, những đám mây cũng trôi nhẹ lững lờ giữa không trung.

Hai câu thơ đầu mở ra một bức tranh thiên nhiên chiều tối có chút nhanh mà cũng có chút chậm. Không gian rộng lớn cao xa, thoáng đãng những gợn buồn nói lên sự trống vắng, lẻ loi. Đây là những chi tiết rất quen thuộc trong ca dao thơ cổ ước lệ và mang màu sắc tượng trưng. Tuy nhiên, qua câu thơ của Bác vẫn thấy vô cùng gần gũi, hòa mình vào thiên nhiên và phù hợp với nhân vật trữ tình.

Hình ảnh cánh chim trong thơ cổ rất nhiều, ví dụ như cánh chim én trong Cảnh Ngày Xuân của Nguyễn Du

“Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

Tả về không gian thời gian, tác giả hầu như đều miêu tả cánh chim. Cánh chim thể hiện được thời gian đó như thế nào. Trong mùa xuân của Nguyễn Du, đó là cánh chim én chao liệng trên bầu trời, báo hiệu mùa xuân về. Còn trong Chiều Tối của Hồ Chí Minh đó là cánh chim sau một ngày kiếm ăn mệt mỏi tìm về nơi trú ngụ. Cánh chim ở đây hay chính là người tù, sau một ngày mệt mỏi đầy ải cũng muốn dừng chân nghỉ ngơi, cũng khao khát trở về với gia đình.

Đám mây lơ lửng kia hay chính là nỗi cô đơn của người tù nơi đất khách quê người. Hai câu thơ chính là nỗi lòng của tác giả, tâm trạng của nhân vật trữ tình. Người tù không than thở, không trách móc mà ở đây ta tìm thấy sự đồng cảm sẻ chia từ thiên nhiên. Qua đây người đọc cảm nhận được một phong thái ung dung tự tại của một con người mất tự do nhưng vẫn làm chủ mọi tình huống. Chính những điều này đã  cho thấy vẻ đẹp hiện đại của thơ Bác ẩn chứa trong những vần thơ cổ.

Sang đến hai câu sau, người đọc lại cảm nhận một bức tranh sôi động, bừng sáng hơn:

Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng”

Nếu hai câu thơ đầu có phần ảm đạm, buồn lãng đãng thì sang đến hai câu thơ cuối, người đọc cảm thấy một bức tranh có màu sắc tươi tắn trẻ trung, khỏe khoắn khác lạ. Tác giả đã sử dụng thành công nghệ thuật mượn mây nẩy trăng và cụ thể hơn, trong bài thơ này tác giả đã mượn hình ảnh lò than để nói về bóng tối. Không gian màn đêm càng buông xuống đậm hơn thì ngọn lửa càng đỏ rực hơn. Hình ảnh độc đáo vô cùng, mang âm hưởng mới mẻ hiện đại.

Bức tranh thứ hai tác giả “vẽ” lên đó là hình ảnh lao động hăng say của người lao động. Hình tượng thơ đã có sự chuyển động từ thiên nhiên sang cuộc sống con người, tâm trạng nhà thơ đang buồn cũng trở nên vui và dường như nhà thơ đã quên hẳn nỗi buồn riêng mà hòa nhập vào thiên nhiên, cuộc sống con người. Cô gái đang xay ngô tối không phải thoáng qua để trang điểm cho bức tranh mà chính là nhân vật chính. Đây không phải là cô gái tiểu thư khuê các, lãng mạnh mà là người lao động mạnh mẽ, khỏe khoắn, một cái đẹp trong cuộc sống và đi vào thơ một cách tự nhiên. Ở miền sơn cước, khi trời nhá nhem tối, tác giả vẫn kịp nhìn thấy hình ảnh cô gái đang làm việc miệt mài, một vẻ đẹp khỏe khoắn khó có thể rời mắt, qua đây cho thấy cuộc sống xung quanh nhộn nhịp và đầy đủ.

Bên cạnh hình ảnh cô gái đó là hình ảnh bếp lửa. Đây là hình ảnh vô cùng gợi hình, gợi lên một gia đình ấm áp, sum họp. Nói đến bếp lửa, chúng ta lại nhớ đến bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, Bếp lửa không chỉ đơn giản là bếp mà nó còn là sự ấm áp của gia đình, sự khao khát trở về sum họp bên gia đình. Đây cũng chính là khao khát của Bác, khao khát tự do và trở về bên quê hương, đoàn viên cùng gia đình.

Cả bài thơ khi đọc, tưởng là hai bức tranh rời nhau, một bức tranh về thiên nhiên với cánh chim và đám mây lãng đãng, một bức tranh về con người, tổ ấm với hình ảnh cô thôn nữ và bếp lửa hồng. Nhưng thực ra, trong hai bức tranh ấy đều giống nhau đó là sự chuyển động về thời gian và không gian, sự chuyển động trong tâm trạng từ cô đơn đến ấm áp. Hình ảnh cánh chim bay về tổ gợi đến sự đoàn tụ, chòm mây cô đơn nhưng lại gợi một tâm hồn khoáng đạt, phong thái ung dung tự tại, làm chủ trong mọi hoàn cảnh. Cô gái xay ngô thệ sự vận động và thời gian chiều tối từ mờ nhạt đến đêm để làm nổi bật nên ánh lửa hồng. Thời gian cũng luân chuyển và chữ “hồng – lửa” đã khiến cho bài thơ sáng và mang lại thần sắc.

Cả bài thơ không chỉ nói về thiên nhiên mà qua đó còn nó đến tâm  hồn người chiến sĩ cộng sản luôn lạc quan tin tưởng và hướng về ánh sáng, những điều tốt đẹp. Bài thơ là sự chuyển động từ cô đơn đến ấm áp, từ chậm đến nhanh, từ bóng tối tới ánh sáng, mở ra bức tranh thiên nhiên và con người tươi đẹp, rộn ràng hơn.

Kết bài

Bằng sự hài hòa trong ngòi bút, bằng biện pháp nghệ thuật tả cảnh và lấy bóng tối tả ánh sáng, sự pha trộn giữa vẻ đẹp hiện đại và cổ điển trong thơ ca đã tạo nên một phong cách thơ Hồ Chí Minh độc đáo, góp phần giúp người đọc hình dung rõ nét chân dung Hồ Chí Minh. Bài thơ cho thấy tâm thái ung dung, tự tại lạc quan của Bác trước những khó khăn gian khổ. Chỉ với 29 chữ thật tài tình đã xây dựng lên một bức tranh cảnh thiên nhiên và chân dung người lao động nơi xóm núi. Bài thơ thực sự đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc, sự cảm phục tâm thái của Bác khi bị gồng xích và bị đày ải. Qua bài thơ, chúng ta, những thế hệ trẻ càng kính yêu Bác Hồ vĩ đại và càng phải tự nhủ, cố gắng học tập để có thể đóng góp phần nào sức trẻ, trí thức vào công cuộc xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.

Video liên quan

Chủ Đề