Phê bình văn học chiếc thuyền ngoài xa năm 2024

Nguyễn Minh Châu được đánh giá là cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Trước năm 1975, ông là ngòi bút sử thi có thiên hướng trữ tình lãng mạn; sau năm 1975, các sáng tác của ông đậm chất thế sự và triết lí nhân sinh.

Vai trò của người nghệ sĩ trong cuộc sống

Chiếc thuyền ngoài xa là tác phẩm xuất sắc của nhà văn Nguyễn Minh Châu viết năm 1983. Tác phẩm kể về chuyến đi thực tế của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng và những trăn trở của của anh về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Thông qua nhân vật Phùng, nhà văn đặt ra nhiều vấn đề mang ý nghĩa triết lí nhân sinh sâu sắc, trong đó có đề cập đến vai trò của người nghệ sĩ trong cuộc sống.

Truyện lôi cuốn người đọc ngay từ dòng đầu tiên bởi tác giả chọn hình thức kể theo ngôi thứ nhất, nhân vật tôi – nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng. Với ngôi kể như vậy, câu chuyện phát triển một cách tự nhiên, chân thật.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu [1930 – 1989]

Phùng là một nhiếp ảnh có tài năng và tâm huyết, anh được ông trưởng phòng yêu cầu chụp một tấm ảnh hoàn toàn thế giới tĩnh vật để in trong bộ sưu tập chuyên đề về thuyền và biển. Anh đã “phục kích trên bờ biển ở giao điểm ngày vừa rạng, đêm chưa tắt” để hi vọng có được tấm ảnh ưng ý. Sau gần một tuần tìm kiếm, vác máy ảnh tha thẩn, Phùng mới bắt gặp cảnh “đắt trời cho”. Kể lại quá trình để chụp được tấm ảnh như ý của người nghệ sĩ, nhà văn đã cho độc giả thấy được sự miệt mài trong lao động nghệ thuật. Đứng trước biển cả mênh mông đã một tuần, vậy mà Phùng chưa thể chụp được tấm ảnh nào ưng ý về cảnh thuyền và biển. Chi tiết rất nhỏ, nhưng nhà văn đặt ra vấn đề: lĩnh vực sáng tạo, không cho phép chúng ta cẩu thả; người nghệ sĩ ngoài tài năng, cần phải có lòng đam mê, sự tận tụy với nghề. Và cuối cùng, nghệ sĩ Phùng đã có một khoảnh khắc tuyệt vời nhất khi anh bắt gặp một “cảnh đắt trời cho” khiến anh “trở nên bối rối, trong tim như có cái gì bóp thắt vào”.

Đứng trước bức tranh thiên nhiên hoàn mĩ ấy, người nghệ sĩ hạnh phúc vô cùng bởi vì đó là sản phẩm của hóa công mà hiếm hoi lắm anh mới gặp. Với tâm hồn nhạy cảm, Phùng đã cảm thấy thăng hoa trong giây phút này, hơn thế, anh cảm nhận “khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Nguyễn Minh Châu đã miêu tả thật tinh tế những rung động mãnh liệt tận thẳm sâu tâm hồn nghệ sĩ Phùng. Suốt một đời cầm máy, anh chưa từng gặp vẻ đẹp diệu kì của tạo hóa đã ban tặng cho con người như thế này. Thiên nhiên vốn kì vĩ, sao đến tận bây giờ Phùng mới thấy? Đó là sự may mắn hay chính là quà tặng cho những ai biết tìm tòi, sáng tạo, biết dấn thân? Nếu không lăn lộn với thực tế, liệu Phùng có gặp những tuyệt tác của hóa công này không? Liệu có rơi vào tình trạng “khép phòng văn hì hục viết/nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày” [Chế Lan Viên].

Qua Phùng, Nguyễn Minh Châu muốn gửi tới thông điệp: trách nhiệm của người nghệ sĩ là phát hiện ra cái đẹp và mang cái đẹp đến với cuộc đời. Đừng để giây phút ấy trôi đi oan uổng, hãy ghi lại cho bao đời sau. Giữa chốn tha nhân, không phải ai cũng thấu rõ dáng hình người nghệ sĩ, nhưng sản phẩm của họ thì trường tồn cùng năm tháng.

Chiếc thuyền ngoài xa hấp dẫn độc giả bởi tình huống truyện độc đáo. Nhà văn đã dẫn dắt thật khéo léo tình tiết câu chuyện khiến cho mạch truyện phát triển tự nhiên. Truyện cứ thế ám ảnh lòng người.

Phùng đang say sưa sáng tạo, cố thu vào chiếc máy ảnh những khoảnh khắc tuyệt vời nhất. Tâm hồn đang ngập tràn niềm vui sướng, anh đã liên tưởng đến “bản thân cái đẹp chính là đạo đức” bởi chính Đôxtôipxki từng khẳng định “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Thế nhưng điều gì đang chờ đợi Phùng sau cảnh tượng được ví như “bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ” ấy? Liệu đằng sau cái đẹp có phải là cái thiện như cảm nhận ban đầu của người nghệ sĩ?

Bước ra từ con thuyền ngư phủ đẹp như mơ là một người đàn bà có thân hình thô kệch, mặt rỗ, tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới; tiếp sau là người đàn ông trông rất độc dữ. Họ là ngư dân vùng biển vừa rời con thuyền sau một đêm thức kéo lưới. Hình ảnh họ hiện thân cho cuộc mưu sinh nhọc nhằn gian khó của người lao động. Trên chiếc thuyền mà Phùng thấy đẹp mê hồn kia lại có những phận đời, phận người đầy nghiệt ngã. Nếu chỉ đứng từ xa để chụp, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy, làm sao người nghệ sĩ nhiếp ảnh thấy được hiện thực cuộc sống trần trụi và khắc nghiệt ra sao.

Trong giây lát, một cảnh tượng hãi hùng đã xảy ra. Cảnh bạo lực gia đình. Cảnh người đàn bà bị đánh tới tấp, người đàn ông vừa thở vừa quát “bằng cái giọng rên rỉ đau đớn”. Phùng bất ngờ đến nỗi “há mồm ra mà nhìn” khiến anh “chết lặng”. Anh không thể ngờ được, chiếc thuyền khi còn ở cự li xa, đó là giấc mơ sáng tạo của anh, đó là thơ, là nghệ thuật thuần túy. Chỉ khi chứng kiến cảnh tượng phi thẫm mĩ và phi nhân tính kia, anh mới vỡ ra bao điều. Người nghệ sĩ không chỉ có quyền phản ánh cái đẹp, hơn thế nữa, họ còn phải phản ánh cho chân thực cuộc sống cơ cực của bao kiếp người. Bởi, cuộc đời vốn tồn tại những mặt đối lập; có những nghịch lí khó lường. Người nghệ sĩ chân chính phải luôn lắng nghe những âm thanh đa chiều của thế giới đang tồn sinh quanh mình.

Giá trị dấn thân

Không phải ngẫu nhiên khi Nguyễn Minh Châu xây dựng nhân vật Phùng trước đây từng là một người lính, khi rời quân ngũ, anh lại là một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Là người lính, anh có khát vọng cống hiến bảo vệ tổ quốc, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân; là một nghệ sĩ, anh muốn dấn thân để mang đến cho đời những tác phẩm có giá trị. Tác phẩm đó không gì khác, chính là hơi thở cuộc sống, phải là “nghệ thuật vị nhân sinh”. Phùng đau đớn khi nhận ra những ẩn ức thẳm sâu đằng sau bạo lực gia đình.

Qua câu chuyện của người đàn bà ở tòa án huyện, anh vỡ ra bao điều. Đằng sau những trận đòn roi vô cớ của người đàn ông trút xuống vợ mình là sự bế tắc trong cuộc sống; đằng sau sự nhẫn nhục chịu đựng của người đàn bà là bởi tình mẫu tử thiêng liêng, sự hi sinh cao cả. Hơn thế nữa, anh hiểu ra, khuất lấp sau vẻ lam lũ, thất học của người đàn bà lại là sự trải nghiệm cuộc sống đến nể phục. Phùng bị ám ảnh bởi những thân phận con người nơi vùng biển này. Chứng kiến cảnh bạo hành xảy ra, sự cam chịu nhẫn nhục của người vợ; lắng nghe câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở tòa án, người nghệ sỹ ấy quặn sâu nỗi đau thế sự. Phùng cũng như Đẩu ngộ ra nhiều điều. Cả Phùng, cả Đẩu, cả bạn đọc đều tri ngộ “cuộc đời đa sự, con người đa đoan” như ngẫm suy của chính Nguyễn Minh Châu.

Phùng đã thành công trong chuyến đi thực tế. Kết quả là tấm ảnh của Phùng đã được chọn trong bộ lịch năm ấy, đặc biệt hơn “tấm ảnh của tôi vẫn còn được treo ở nhiều nơi, nhất là các gia đình sành nghệ thuật”. Như vậy, tài năng của anh đã được ghi nhận. Có thể nói, anh đã có được tác phẩm để đời. Nhưng sự thật khốc liệt đằng sau tấm ảnh ấy, duy chỉ có anh tường tận. Thậm chí, kể cả những người được cho là “sành nghệ thuật” cũng chỉ thấy đó là bức ảnh đen trắng, hoàn toàn tĩnh vật, mang vẻ đẹp hài hòa và thuần khiết. Riêng nghệ sĩ Phùng, mỗi lần ngắm lâu tấm ảnh, anh hình dung ra hình ảnh người đàn bà khốn khổ đang lặng lẽ “hòa lẫn trong đám đông”. Nhà văn muốn khẳng định, nghệ thuật chân chính bao giờ cũng bắt rễ sâu xa từ cuộc đời. Nghệ thuật không thể tách rời hiện thực cuộc sống. Người nghệ sĩ phải mang cuộc sống đến với tác phẩm của mình. Nghệ thuật chẳng là gì nếu thoát li hiện thực, không quan tâm sâu sắc đến số phận con người.

Phùng là một trong hai nhân vật gắn liền với tình huống nhận thức của truyện. Thông qua nhân vật Phùng, Nguyễn Minh Châu đã đặt ra những vấn đề sâu sắc về người nghệ sỹ như cái nhìn, cách phản ánh thế sự, vai trò…và gửi gắm những quan niệm nghệ thuật chân chính.

Nguyễn Minh Châu đã từng quan niệm: “Nhà văn không nhìn sự vật một cách đơn giản. Nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử”. Cầm bút sáng tác, nhà văn suốt đời đi tìm hạt ngọc ẩn sâu trong tâm hồn con người ấy luôn day dứt: “Nghệ thuật là màn sương hồng và nghệ thuật là cuộc sống lầm than, là những đau khổ của con người trong thời đại mới. Đó là sự lựa chọn quyết liệt giữa nghệ thuật vị nhân sinh và nghệ thuật tô hồng”.

Chủ Đề