Phong tục là gì tập quán là gì

Tìm hiểu về phong tục, tập quán

  • 1. Khái niệm phong tục
  • 2. Vai trò của phong tục
  • 3. Nguyên tắc áp dụng phong tục, tập quán
  • 4. Quy định áp dụng phong tục tập quán trong pháp luật thương mại
  • 5. Quy định áp dụng phong tục tập quán trong pháp luật dân sự

1. Khái niệm phong tục

Phong tục trở thành tập quán xã hội tương đối bền vững, phản ánh tính thống nhất của cộng đồng và những đặc trưng của cộng đồng, do đó, phong tục có thể là của một dân tộc, một địa phương, một tầng lớp xã hội, cũng có thể là phong tục của một dòng họ, một gia tộc.

Phong tục không có tính pháp lí chặt chẽ như pháp luật của Nhà nước, cũng không có tính cố định, bắt buộc cao như nghỉ lễ và nghí thức nhưng nó cũng không tuỳ tiện, nhất thời như những hoạt động sống thường ngày. Phong tục được tồn tại theo sự truyền miệng qua các thế hệ hoặc được chế định thành luật tục, hương ước và được tuân thủ bởi chính sức mạnh của các công cụ đó, bởi dư luận xã hội, nhưng chủ yếu phong tục được lưu truyền và tồn tại qua thói quen và ý thức tự giác thực hiện của con người, đôi khi việc hành động theo phong tục cũng được tuân thủ rất nghiêm ngặt, đặc biệt là những phong tục liên quan đến sinh hoạt tinh thần, tâm linh của con người.

Nếu đời sống xã hội là một bức tranh đa dạng, nhiều màu thì hệ thống phong tục cũng phong phú, đa dạng không kém. Mỗi lĩnh vực hoạt động sống của con người đều có thể hình thành một hệ thống phong tục nhất định. Như trong lao động sản xuất có phong tục canh tác, trồng trọt; trong sinh hoạt văn hoá như phong tục lễ hội, phong tục cưới hỏi; trong đời sống tinh thần, tâm linh như phong tục ma chay, cúng giỗ... Bởi vậy, phong tục là một phần của văn hoá cộng đồng và trong tiến trình phát triển của xã hội có những phong tục không còn phù hợp thì dần dần mai một, nhưng cũng có sự ra đời, hình thành những phong tục, tập quán mới.

Phong tục là toàn bộ những hoạt động trong sinh hoạt của con người được hình thành và tạo lập trong quá trình lịch sử và ổn định thành nề nếp, được cộng đồng thừa nhận, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phong tục không mang tính cố định, bắt buộc như nghi thức, nghi lễ nhưng cũng không tùy tiện như hoạt động sống thường ngày. Nó trở thành một tập quán xã hội tương đối bền vững và tương đối thống nhất.

Phong tục có thể ở một dân tộc, địa phương tầng lớp xã hội hay thậm chỉ một dòng họ, gia tộc. Phong tục là một bộ phận của văn hóa và có thể chia thành nhiều loại. Hệ thống phong tục liên quan đến vòng đời của con người, như phong tục về sinh đẻ, trưởng thành, cưới xin, mừng thọ và lên lão… Hệ thống phong tục liên quan đến hoạt động của con người theo chu kỳ thời tiết trong năm, hệ thống phong tục liên quan đến chu kỳ lao động của con người, mà với cư dân nông nghiệp là từ đất gieo hạt, cấy hái đến thu hoạch, với ngư dân là theo mùa đánh bắt cá,… Hệ thống các phong tục liên quan đến hoạt động của con người theo chu kỳ thời tiết trong năm như phong tục mùa xuân, mùa hè, mùa thu, mùa đông. Phong tục là một bộ phận của văn hóa, có vai trò quan trọng trong việc hình thành truyền thống của một dân tộc, một địa phương, nó ảnh hưởng, thậm chí chế định nhiều ứng xử của cá nhân trong cộng đồng. Phong trào được tuân thủ theo quy định của luật tục hay hương ước. Người vi phạm có thể bị phạt vạ. Cùng với sự phát triển của xã hội, một số phong trào không còn phù hợp với thời đại mới, bị đào thải, trong khi một số phong trào mới được hình thành.

Ở Việt Nam, cuộc vận động xây dựng gia đình, làng xóm, phường, khu dân cư văn hóa mới nhằm loại trừ các phong trào lỗi thời, duy trì và phát triển các phong trào tốt đẹp, bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa mới của các tầng lớp nhân dân. Những phong tục ở Việt Nam rất đa dạng, có thể kể đến như: các phong tục cưới hỏi như bánh phu thê, tục thách cưới, các thủ tục của cô dâu trước khi về nhà chồng, lễ xin dâu, mẹ cô dâu không đi đưa dâu, phù dâu, thủ tục khi đàn bà tái giá,… Các phong tục sinh dưỡng như dạy con từ thuở bào thai, tục xin quần áo cũ của trẻ sơ sinh, “con so về nhà mạ, con rạ về nhà chồng”, con mới đẻ không đặt tên chính, tuổi trong khai sinh không đúng với tuổi thực,… Các phong tục về giao thiệp như “lời chào cao hơn mâm cỗ”, “tóc thề”, tục bán mở hàng, tục nhuộm răng, “miếng trầu là đầu câu chuyện”. đạo thầy trò,… Các phong tục về đạo hiếu như tục khao lão, yến lão, “ruộng hương hỏa”, tộc trưởng, bàn thờ vọng, “hợp tự”, gia phả,… Các phong tục về lễ tang như “thọ mai gia lễ”, “ba cha tám mẹ”, “chúc thư”, “cư tang”, “mũ đai gai chuối và chống gậy”, “năm hạng tang phục”, cha mẹ không đưa tang con, các phong tục khi đám tang trong ngày tết, đi đường gặp đám tang, tục hú hồn trước khi nhập quan, lễ an táng, lễ ba ngày, lễ cúng cơm trong trăm ngày, tục đốt vàng mã, chiêu hồn nạp táng, hình nhân thế mạng,…

2. Vai trò của phong tục

Phong tục mang lại nhiều ý nghĩa đối với đời sống xã hội và đối với chế độ quản lý của Nhà nước:

– Phong tục làm cho sắc thái văn hóa trở nên đa dạng, phong tục giúp chúng ta phân biệt được cộng đồng này, dân tộc này, nước này khác với cộng đồng khác, dân tộc khác, nước khác. Sống đúng với phong tục của nước mình, dân tộc mình mới là sống đúng với truyền thống. Phong tục Việt Nam nói chung và các phong tục của dân tộc thiểu số trên lãnh thổ Việt Nam nói riêng là một đề tài vô tận, bởi nước ta có 54 dân tộc với rất nhiều phong tục, nghi lễ văn hóa khác nhau. Có thể nói, phong tục là nét đặc trưng của một quốc gia, một dân tộc, thậm chí là một làng, một xã, một thôn, một gia đình,…

– Phong tục là một trong những “thiết chế” tự sinh nhằm giúp cho hệ thống những người có cùng phong tục hình thành nên cùng một thói quen, một lối sống được xem là nền nếp, đạo đức, văn minh, tiến bộ. Phong tục được hình thành từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên sự duy trì về những giá trị tốt đẹp, để những thói quen tốt được không bị mai mọt mà được lưu giữ và phát triển ngàn năm. Chính vì lẽ đó mà phong tục ngày càng phát triển, không chỉ giới hạn trong một phạm vi cộng đồng dân cư cụ thể mà có còn lan truyền và được tiếp thu từ thôn này sang thôn khác, xã này sang xã khác, huyện này sang huyện khác, tỉnh, thành phố này sang tỉnh, thành phố khác, từ miền này sang miền khác,… mở rộng phạm vi lên đến cả nước, tạo nên những giá trị tốt đẹp khẳng định giá trị của Việt Nam trên cả trường quốc tế, là một trong những giá trị mà không phải quốc gia nào cũng đạt được, kể cả các cường quốc phát triển trên thế giới.

– Việc duy trì các nếp sống để trở thành phong tục là một điều mang ý nghĩa cả về mặt ý thức lẫn tâm linh. Đối với một số phong tục như lì xì đầu năm, xin chữ hay chúc tế, phong tục thờ cúng gia tiên, phong tục “Lễ ba ngày”, phong tục an táng người chết, phong tục về cưới hỏi,… tất cả đều là niềm tin của người dân dành cho những tín ngưỡng, những lưu truyền của cha ông ta từ ngàn đời cho đến nay. Đồng thời, việc duy trì những phong tục thường niên này tạo niềm tin cho những người thực hiện rằng sẽ có được những điều tốt lành, sẽ được ông bà trên cao ủng hộ, được mọi người yêu mến và học hỏi, từ đó, tạo nên một niềm tin nội tâm mãnh liệt, tạo thành động lực cho từng người luôn tin vào những điều tốt đẹp, luôn tin vào cuộc sống, có ý chí vươn lên, không bao giờ từ bỏ và cũng không để bản thân vướng vào những điều đen tối.

– Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới hiện nay, không chỉ đơn thuần dựa vào ý nghĩ chủ quan mà phải biết vận dụng thuần phong mỹ tục vào nếp sống, nếp suy nghĩ, hành động, cách đối nhân xử thế, hợp với trào lưu tiến hóa. Có những phong tục cổ truyền xuất xứ từ kinh nghiệm thực tiễn trong cuộc sống thời xưa, đến nay không hợp thời nữa, trở thành đồi phong bại tục, ta cũng cần nghiên cứu để biết nguyên do, từ đó mới vận dụng cho thích hợp với hiện tại và tương lai, hoặc tìm những phong tục hay để bổ kết mà loại trừ dần những cái dở. Chính đặc tính này của phong tục mà những giá trị tốt đẹp luôn được lưu giữ và truyền lại, còn những điều không còn phù hợp với thời đại nữa như phong tục nhuộm răng, phong tục rải tiền vàng mã, phong tục cướp vợ ở các đồng bào dân tộc thiểu số, phong tục về ma chay cưới hỏi ở một số đồng bào vùng sâu vùng xa,… đều bị loại trừ hoặc được cải tiến thành những cái tốt đẹp hơn.

– Phong tục cũng góp phần không nhỏ trong ổn định trật tự xã hội, đóng góp một phần lớn trong việc quản lý và quán triệt đời sống xã hội của những người đứng đầu trong một nhóm cộng đồng dân cư. Việc hình thành phong tục đã là một yếu tố tiên quyết để những người trong cùng một cộng đồng dân cư thống nhất với nhau về tư tưởng, cùng nhau hành động theo một hướng, tạo nên sự ổn định nhất định trong đời sống. Từ đó, những người đứng đầu là những người có trách nhiệm quản lý một cộng đồng dân cư có thể dựa theo những phong tục đó để có những quyết sách quản lý phù hợp, cũng có những ý tưởng dựa trên niềm tin của cộng đồng dân cư vào những phong tục đó để ổn định trật tư xã hội một cách tốt nhất, ngày càng đưa cộng đồng dân cư đó hướng đến những điều tốt đẹp, văn minh, tiến bộ, bài trừ những hủ tục lạc hậu, không còn phù hợp với thời đại, đem lại những điều không tốt đẹp, gây ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, phong cách, lối sống, sức khỏe của con người.

Với hơn 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, do đó phong tục Việt Nam vô cùng đa dạng và phong phú. Một phần do dân tộc Kinh chiếm đại đa số, một phần công tác tuyên truyền phổ biến chưa được đẩy mạnh do đó, đa phần chúng ta chỉ biết tới những phong tục tập quán của người Kinh là chính. Tuy nhiên nếu quý khách muốn tìm hiểu về phong tục tập quán của những dân tộc khác thì có thể nghiên cứu qua rất nhiều tài liệu công phu được bán tại các nhà sách lớn. Bên cạnh đó, để nghiên cứu kỹ hơn về các phong tục ở Việt Nam, các bạn có thể tìm hiểu thông qua “100 Điều nên biết về phong tục tập quán Việt Nam”.

3. Nguyên tắc áp dụng phong tục, tập quán

Ngoài Điều 5 Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận nguyên tắc, có nhiều điều khoản khác khẳng định vai trò của tập quán:

Thứ nhất, áp dụng tập quán điều chỉnh quan hệ nhân thân. Trong số những quyền nhân thân được BLDS ghi nhận, bảo vệ thì quyền xác định họ, tên và quyền dân tộc là quyền có sự tham gia điều chỉnh của tập quán pháp, thể hiện tại khoản 2 Điều 26, khoản 1 Điều 28 BLDS.

Thứ hai, áp dụng tập quán trong vấn đề xác lập quyền sở hữu chung, hình thành, quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung của cộng đồng, quy định tại Điều 208, Điều 211 BLDS.

Thứ ba, áp dụng tập quán trong một số vấn đề liên quan đến giao dịch dân sự như: Giải thích giao dịch dân sự ; hình thức giao dịch hụi ,họ, biêu, phường ; giao dịch thuê tài sản quy định tại khoản 1 Điều 121, khoản 3 Điều 404, khoản 1 Điều 471, khoản 1 Điều 477, khoản 1 Điều 481 BLDS.

Thứ tư, áp dụng tập quán xác định nghĩa vụ dân sự, gồm: ranh giới giữa các bất động sản, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra và nghĩa vụ tài sản liên quan đến thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 175, khoản 4 Điều 603, Điều 658 BLDS;

Thứ năm, vấn đề tập quán quốc tế: Tại Điều 666 BLDS quy định như sau “Các bên được lựa chọn tập quán quốc tế trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 664 của Bộ luật này. Nếu hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng”.

Ngoài ra tại khoản 4 Điều 8 Luật Hộ tịch năm 2014 cũng quy định “Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh”.

Rõ ràng, áp dụng tập quán với tư cách là một loại nguồn của pháp luật ở Việt Nam hiện có một cơ sở pháp lý tương đối rộng và bên cạnh nhiều quy định mang tính nguyên tắc, đã có nhiều trường hợp được cụ thể hóa.

4. Quy định áp dụng phong tục tập quán trong pháp luật thương mại

Điều 5 Luật Thương mại năm 2005 nêu những trường hợp áp dụng tập quán thương mại, như sau:

“1. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế hoặc có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

2. Các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam."

Bên cạnh đó, Điều 235 Luật Thương mại năm 2005 khi quy định về quyền, nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics khẳng định:

“1. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a] Được hưởng thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác;

b] Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu có lý do chính đáng vì lợi ích của khách hàng thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có thể thực hiện khác với chỉ dẫn của khách hàng, nhưng phải thông báo ngay cho khách hàng;

c] Khi xảy ra trường hợp có thể dẫn đến việc không thực hiện được một phần hoặc toàn bộ những chỉ dẫn của khách hàng thì phải thông báo ngay cho khách hàng để xin chỉ dẫn;

d] Trường hợp không có thoả thuận về thời hạn cụ thể thực hiện nghĩa vụ với khách hàng thì phải thực hiện các nghĩa vụ của mình trong thời hạn hợp lý.

2. Khi thực hiện việc vận chuyển hàng hóa, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải tuân thủ các quy định của pháp luật và tập quán vận tải.”

5. Quy định áp dụng phong tục tập quán trong pháp luật dân sự

Điều 5 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “Áp dụng tập quán”

1. Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.

2. Trường hợp các bên không có thoả thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này”.

Điều 7 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 và không vi phạm điều cấm của Luật này được áp dụng”. Để hướng dẫn thi hành Luật này, ngày 31/12/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2014/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hôn nhân và gia đình. Tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này có quy định:“Tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình là tập quán trái với những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 2 của Luật Hôn nhân và gia đình hoặc vi phạm điều cấm quy định tại Khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình.

Ban hành kèm theo Nghị định này Danh mục tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ hoặc cấm áp dụng.”.

Thông thường phong tục tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở đó, Luật hôn nhân và gia đình chưa thể thực hiện được một cách đầy đủ, nên cần phải sử dụng phong tục tập quán để áp dụng và chính vì vậy chế định áp dụng phong tục tập quán vẫn được ghi nhận ở các Luật hôn nhân và gia đình. Như vậy, BLDS năm 2015 và Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ cho phép áp dụng phong tục tập quán khi pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận, nếu phong tục tập quán đó không trái với nguyên tắc và không vi phạm điều cấm của Luật.

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với nhiều tập quán tốt đẹp, đa dạng, phong phú, nội dung quy định tại BLDS năm 2015 và Điều 7 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thể hiện việc tôn trọng những tập quán tốt đẹp, đồng thời cũng làm rõ điều kiện để tập quán được áp dụng, nhấn mạnh việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Luật Minh KHuê [sưu tầm & biên tập]

Video liên quan

Chủ Đề