S21: cỗ máy giết người của khơ me đỏ 2003

Bắt giữ nguyên Chủ tịch Khmer Đỏ

Khieu Samphan dự tang lễ vợ của Pol Pot năm 2003 – Ảnh: Reuters.

[SGTO] – Hôm qua thứ Hai [19-11], Khieu Samphan, nguyên Chủ tịch Campuchia thời Khmer Đỏ, đã bị bắt giam theo trát của Tòa án xử tội diệt chủng được Liên hiệp quốc hậu thuẫn.

Đây là quan chức cao cấp nhất và là quan chức cuối cùng trong 5 tên đầu sỏ còn sống sót của chế độ Khmer Đỏ mà tòa án đã bắt giữ để đưa ra xét xử. 

Khiêu Samphan, năm nay 76 tuổi, bị bắt tại bệnh viện Calmette ở thủ đô Phnom Penh, nơi ông ta được đưa đến điều trị chứng cao huyết áp từ thứ Tư tuần trước. Phát ngôn viên của tòa, Reach Sambath cho biết, ông Khieu Samphan đã bị các thẩm phán lấy cung ngay trong buổi chiều thứ Hai rồi đưa về nơi giam giữ ở ngoại ô Phnom Penh.

Trong nhà giam này đã có mặt Ieng Sary, nguyên Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Khmer Đỏ, vợ của Ieng Sary là Ieng Thirith, nguyên Bộ trưởng Xã hội, Noun Chea, nhân vật số hai của chế độ và Kaing Guek Eav, còn gọi là Duch, phụ trách trại tra tấn khét tiếng S-21. Tất cả đều bị truy tố các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người vì vai trò của họ trong cuộc diệt chủng ở Campuchia những năm 1975-1979. 

Khác với 4 tên còn lại, Khieu Samphan là một trí thức Khmer từng du học ở Pháp đầu thập niên 1950. Tại Paris, ông ta cầm đầu nhóm trí thức thiên tả người Khmer, chủ trương chống lại chế độ thực dân phong kiến để xây dựng một xã hội chủ nghĩa theo mô hình xô-viết. Luận án tiến sĩ của ông ta tại Pháp có chủ đề: “Kinh tế Campuchia và Phát triển Công nghiệp”, trong đó ông cổ xúy cho việc xây dựng nền kinh tế tự chủ, không phụ thuộc vào nước ngoài.

Tuy nhiên, quan niệm này không liên can gì tới những chính sách dã man và cực đoan đẩy hết dân đô thị về nông thôn và biến đất nước thành một trại lao động khổng lồ mà Khmer Đỏ áp dụng sau khi lên nắm quyền.

Trở về nước năm 1959, Khieu Samphan trở thành một giáo sư đại học và chủ biên một tờ báo cánh tả tại Phnom Penh. Khi chính quyền Campuchia thời đó thanh trừng những người cánh tả có liên quan tới cộng sản năm 1967 thì Khieu Samphan chạy vào rừng, cùng với Pol Pot thành lập Khmer Đỏ theo chủ thuyết Mao Trạch Đông. Trong 4 năm cầm quyền của Khmer Đỏ, ông ta luôn được Pol Pot trọng dụng ở cương vị chủ tịch nhà nước.

Có thể nói, cùng với Pol Pot – lãnh tụ và là bạn cùng học ở Paris – Khieu Samphan là tác giả của một chế độ dã man nhất trong lịch sử loài người, chỉ 4 năm cầm quyền đã tiêu diệt gần một phần tư dân số và đẩy đất nước trở về thời hồng hoang man rợ. 

Ấy vậy mà chỉ một tuần trước khi bị bắt, Khieu Samphan đã cho xuất bản cuốn sách “Hồi ức về lịch sử Cambodia cho tới Thời đại Campuchia Dân chủ” [Reflection on Cambodian History Up to the Era of Democratic Kampuchea] trong đó ông ta ca ngợi lãnh tụ Pol Pot là nhà yêu nước, luôn quan tâm tới công bằng xã hội, ca ngợi chế độ Khmer Đỏ và phê phán chính phủ hiện thời ở Campuchia. Giới quan sát cho rằng cuốn sách chính là lời tự biện hộ mà Khieu Samphan sẽ trình bày trước tòa trong phiên xử dự kiến vào đầu năm 2008. Vì thế, cần nhìn qua những nội dung chính của cuốn sách để thấy sự trâng tráo xuyên tạc lịch sử của những kẻ uống máu người.

Hầu hết các sử gia và nhà nghiên cứu đều tin rằng, những chính sách dã man của Khmer Đỏ nhằm xây dựng một xã hội không tưởng, đã dẫn tới cái chết của hai triệu người Campuchia trong đói rét, bệnh tật, lao động nô dịch và hành quyết man rợ. Bằng chứng của tội ác ghê tởm này còn đầy rẫy trong các tài liệu lưu trữ, trong lời thuật của người sống sót cũng như trong vô số mồ chôn tập thể rải rác khắp đất nước. Ngoài việc bức hại nhân dân, Khmer Đỏ còn thủ tiêu tiền bạc, tôn giáo, giáo dục và các hoạt động văn hóa tinh thần.

Những chính sách phi nhân tính đó chỉ chấm dứt khi Khmer Đỏ bị lực lượng của Mặt trận Nhân dân Campuchia với sự hỗ trợ của bộ đội tình nguyện Việt Nam lật đổ vào năm 1979. Vậy mà trong cuốn sách của mình, Khieu Samphan nói rằng Khmer Đỏ “kiên trì bảo vệ chủ quyền quốc gia và xây dựng công bằng xã hội [!]” Khieu Samphan trâng tráo viết ra rằng: “Không có chính sách bỏ đói người dân, không hề có chỉ thị nào về tàn sát tập thể mà luôn luôn có sự quan tâm sâu sắc tới hạnh phúc của người dân”.

Sau khi chiếm được thủ đô Phnom Penh tháng 4-1975 sau một cuộc nội chiến đẫm máu, hành động đầu tiên của Khmer Đỏ là buộc toàn bộ 3 triệu dân thủ đô phải di tản ra vùng nông thôn mà không cho mang theo bất kỳ tư trang hành lý gì, xóa bỏ nhà thờ, chùa chiền, trường học và các cơ sở văn hóa; nhiều ngàn người chết trên đường đi. Mục tiêu của Khmer Đỏ là xóa sạch tàn tích của chủ nghĩa tư bản, xây dựng công xã nông thôn. Thế nhưng trong cuốn sách, Khieu Samphan biện hộ hành động đó là cần thiết để thanh lọc những kẻ thù ngoại quốc, ám chỉ người Việt Nam, trong khi ai cũng biết là trong thời nội chiến Campuchia 1970-1974, chính Việt Nam đã giúp đỡ và trang bị cho Khmer Đỏ chống lại quân đội Lon Nol.

Sau khi đầu hàng năm 1998, Khieu Samphan sống tự do ở quê nhà, ảnh chụp năm 2002.

Về chính sách cưỡng bức dân chúng lao động như nô lệ trong các công xã nông thôn, Khieu Samphan cho rằng “cưỡng bức là cần thiết” để làm ra lương thực chống đói song các sử gia chứng minh rằng, thời kỳ này các công xã làm ăn không hiệu quả, hệ thống phân phối lương thực không tồn tại và Khmer Đỏ liên tục từ chối yêu cầu trợ giúp lương thực của quốc tế.

Một mặt, Khieu Samphan ca ngợi Pol Pot là lãnh tụ vĩ đại, “hy sinh cả cuộc đời để bảo vệ chủ quyền quốc gia”, mặt khác ông ta đổ hết trách nhiệm cho Pol Pot trong việc đề ra các chính sách diệt chủng của Khmer Đỏ. Khieu Samphan còn giả vờ than thở rằng ông ta là “người tù của chế độ”, không có vai trò gì trong việc hoạch định và ban hành chính sách trong khi trên thực tế ông ta là Chủ tịch nhà nước Campuchia Dân chủ, là bạn chiến đấu và bạn đồng môn với thủ lĩnh Pol Pot từ những năm tháng hai người cùng du học ở Paris.

Khieu Samphan dành một phần cuốn sách để phê phán chế độ hiện hành ở Campuchia; ông ta cho rằng những tệ nạn và bất công ở Campuchia hiện nay có thể so sánh được với thời kỳ Chính phủ Lon Nol được Mỹ hậu thuẫn trước năm 1975. Ông ta cho rằng Chính phủ Campuchia hiện thời đầy tham nhũng thối nát và sai lầm giống như chế độ đã bị Khmer Đỏ nghiền nát và ông ta dự báo rằng chính phủ Hun Sen sẽ đưa đất nước Campuchia tới chỗ tan rã.

Đáng chú ý là sau khi Khmer Đỏ bị lật đổ, Khieu Samphan vào rừng Pailin tiếp tục chiến tranh du kích chống lại chế độ mới cho đến khi Pol Pot chết vào năm 1998 ông ta mới ra đầu hàng và từ đó được chính phủ Campuchia cho sống tự do ở quê nhà. Tuần trước Thủ tướng Hun Sen còn cho máy bay trực thăng đến tận Pailin để đưa ông ta đi bệnh viện khi được tin ông ta bị đột quỵ. Ông Hun Sen không giấu giếm rằng, chính phủ sẽ bị mất mặt trước người dân nếu để cho Khieu Samphan chết trước khi tòa tuyên án.

Khieu Samphan sẽ được bào chữa bởi một luật sư Pháp và một luật sư Campuchia. Viên luật sư người Pháp, Jacques Verges, chính là người quen biết với Pol Pot và Khieu Samphan ở Paris đầu thập niên 1950. Ông ta có biệt danh là “Kẻ ủng hộ khủng bố”, từng bào chữa cho những tên tội phạm khét tiếng như tên khủng bố người Venezuela “Carlos Chó rừng”, tên giết người hàng loạt Charles Sobhraj và cựu lãnh đạo mật vụ phát xít Đức Klaus Barbie. Viên luật sư người Campuchia là Say Bory, cựu chủ tịch hội luật sư Campuchia.

Phiên tòa dự kiến sẽ chính thức xét xử vào giữa năm tới nhưng tiến trình tố tụng đã bắt đầu bằng việc đưa Noun Chea ra thẩm vấn hôm thứ Ba [20-11].

Xem thêm: Bắt giữ cựu phó thủ tướng Khmer Đỏ  

HUỲNH HOA tổng hợp

Trong suốt thời gian nắm quyền có khoảng 16.000 người dân Campuchia vô tội bị bọn Pol Pot đưa vào nhà tù này để tra tấn và giết hại. Mãi đến ngày 7/1/1979, quân tình nguyện Việt Nam vào giải phóng thủ đô Phnom Penh đã cứu được một số người còn sống sót tại nhà tù này.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Chum May.

Nhân kỷ niệm lần thứ 38 năm ngày giải phóng thủ đô Phnom Penh [7/1/1979 - 7/1/2017], phóng viên VOV tại Campuchia đã phỏng vấn ông Chum May, một trong 2 tù nhân tại nhà tù S21 còn sống sót đến ngày hôm nay.

PV: Ông có thể kể lại những ngày trước khi bị bắt và đưa vào nhà tù S21, ông sống ở đâu và làm nghề gì?

Ông Chum May: Trước chế độ Pol Pot tôi làm nghề sửa xe cơ giới, sửa máy may và sửa máy đánh chữ tại thủ đô Phnom Penh. Giai đoạn Pol Pot lên nắm quyền, khi biết tôi làm nghề này, Pol Pot tiếp tục giao cho tôi làm nghề sửa xe cơ giới và sửa máy may trong một xưởng may của chế độ Pol Pot tại chợ Ô Xây.  

PV: Tại sao sau đó ông lại bị bắt?

Ông Chum May: Trong suốt thời gian làm nghề sửa máy may trong xưởng may của Pol Pot, tôi thấy rất nhiều nhân viên trong xưởng may của tôi bị Pol Pot bắt đi không thấy trở về và cũng không biết bắt vì lý do gì. Sau đó cũng đến lượt tôi bị bắt.

Ngày tôi bị bắt, quân Pol Pot nói rằng chuyển công tác tôi đi làm việc ở một nơi khác, nhưng không ngờ chúng chuyển tôi vào nhà tù S21 ở phòng 022. Khi đến nhà tù này, chúng buộc tội tôi là người làm tình báo cho Mỹ và bắt đầu lấy lời khai.

Chúng bắt tôi phải khai ra nhóm của tôi có bao nhiêu người. Nếu tôi trả lời không biết, chúng tra tấn cho điện giật, nhổ móng tay, không cho ăn cơm... Những bạn tù của tôi cũng bị chúng tra tấn như vậy.

Chúng giết và chôn tù nhân trước mặt tôi để tra tấn tinh thần buộc tôi phải khai ra nhóm của tôi, nhưng tôi không phải là tình báo Mỹ nên cũng không thể khai được gì. Tôi nghĩ rằng cái chết sẽ đến với tôi trong nhà tù này.

Nhà tù S21 nay đã trở thành bảo tàng phục vụ khách du lịch đến tham quan.

PV: Ông có thể kể lại đôi nét về ngày 7/1/1979, khi quân đội Việt Nam tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Penh và giải cứu các tù nhân trong nhà tù S21?

Ông Chum May: Sáng 7/1 trong nhà tù S21 tôi nghe tiếng xe tăng chạy ở phía ngoài, tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Lúc đó các tù nhân chúng tôi còn sống trong nhà tù này có tổng cộng 18 người được lính cai ngục cho vào một phòng. Chúng chuẩn bị sẵn lựu đạn trên tay, nếu quân tình nguyện Việt Nam  vào nhà tù này thì  chúng sẽ ném lựu đạn vào phòng để giết tất cả chúng tôi.

Tuy nhiên, quân tình nguyện Việt Nam không vào mà chỉ đi qua nhà tù. Sau đó chúng lôi 14 trong số 18 người chúng tôi ra cắt cổ từng người, chúng không dám bắn vì sợ quân tình nguyện Việt Nam nghe được.

Bọn cai ngục đưa 4 người còn sống ra khỏi thủ đô Phnompenh. Trên đường đi chúng gặp quân tình nguyện Việt Nam. Chúng đã nổ súng bắn nhau với quân tình nguyện Việt Nam và bị chết rất nhiều tại đây. Đến tối, các tù nhân chúng tôi được bọn lính cai ngục đưa vào 1 nơi bí mật để giết, chúng bắn từng người. Trong lúc chúng bắn những người khác, tôi đã trốn được và sống đến ngày hôm nay.

PV: Ngày 7/1/2017, nhân dân Campuchia sẽ tổ chức mittinh chào mừng ngày lật đổ chế độ Pol Pot, ông có cảm nghĩ gì?

Ông Chum May: Cứ đến ngày 7/1 hàng năm tôi đều nhớ lại ngày 7/1/1979, ngày quân tình nguyện Việt Nam giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.

Ngày 7/1 là ngày sinh lần thứ 2 của nhân dân Campuchia, nếu không có ngày này, tôi đã chết rồi và không có cơ hội để được gặp phóng viên VOV. Qua VOV, tôi xin gửi lời cám ơn chân thành đến các mẹ, các chị và các em gái đã chấp nhận hy sinh chồng, con và anh, em trai để cứu chúng tôi sống như ngày hôm nay./.

Video liên quan

Chủ Đề