So sánh kiểm tra và thanh tra thuế

16:01:46 14-01-2022 | Lượt xem: 279

Các lần thanh tra, kiểm tra thuế khiến doanh nghiệp dễ rơi vào thế bị động và lo lắng xuất phát từ việc không hiểu rõ nội dung, mục đích của việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế đối với doanh nghiệp. Bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu hơn về thanh tra thuế là gì? Kiểm tra thuế là gì? Thanh tra thuế cần chuẩn bị những gì?

Theo quy định của pháp luật về định nghĩa thanh tra, kiểm tra thuế theo khoản 5 Điều 107 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 như sau:
“Việc kiểm tra thuế, thanh tra thuế nhằm đánh giá tính đầy đủ, chính xác, trung thực nội dung các chứng từ, thông tin, hồ sơ mà người nộp thuế đã khai, nộp, xuất trình với cơ quan quản lý thuế; đánh giá việc tuân thủ pháp luật về thuế và quy định khác của pháp luật có liên quan của người nộp thuế để xử lý về thuế theo quy định của pháp luật.”

  • Tin cùng chuyên mục: Phân biệt kế toán quản trị và kế toán tài chính

Kiểm tra thuế là hoạt động nghiệp vụ của cơ quan quản lý thuế mang tính chất thường xuyên hoặc định kỳ, được thực hiện tại trụ sở cơ quan thuế hoặc tại trụ sở người nộp thuế trong trường hợp người nộp thuế. Kiểm tra thuế thực hiện khi người nộp thuế không tự giác thực hiện điều chỉnh, bổ sung sai sót đã phát hiện nhằm kiểm tra các thông tin, đánh giá sự tuân thủ của người nộp thuế theo quy định.

Quy định về kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan thuế theo Điều 109 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14:

  • Kiểm tra thuế tại trụ sở của cơ quan thuế được thực hiện trên cơ sở hồ sơ thuế của người nộp thuế nhằm đánh giá tính đầy đủ, chính xác các thông tin, chứng từ trong hồ sơ thuế, sự tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế. Căn cứ vào mức độ rủi ro về thuế của hồ sơ thuế để có kế hoạch kiểm tra tại trụ sở của cơ quan thuế hoặc xử lý theo quy định.
  • Kiểm tra thuế tại trụ sở của cơ quan hải quan được thực hiện nhằm kiểm tra, đối chiếu, so sánh nội dung trong hồ sơ thuế với thông tin, tài liệu có liên quan, quy định của pháp luật về thuế, kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp cần thiết đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Sau đây, dịch vụ mở doanh nghiệp Song Kim sẽ gởi đến các bạn quy định về kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan thuế [theo Điều 110 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14]. Cụ thể sẽ có các trường hợp sau:

  • Trường hợp hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế; kiểm tra sau hoàn thuế đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước.
  • Trường hợp hết thời hạn theo thông báo của cơ quan quản lý thuế mà người nộp thuế không giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu hoặc không khai bổ sung hồ sơ thuế hoặc giải trình, khai bổ sung hồ sơ thuế không đúng.
  • Trường hợp kiểm tra sau thông quan tại trụ sở của người khai hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.
  • Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
  • Trường hợp được lựa chọn theo kế hoạch, chuyên đề.
  • Trường hợp theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước, cơ quan khác có thẩm quyền.
  • Trường hợp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, giải thể, chấm dứt hoạt động, cổ phần hóa, chấm dứt hiệu lực mã số thuế, chuyển địa điểm kinh doanh và các trường hợp kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, trừ trường hợp giải thể, chấm dứt hoạt động mà cơ quan thuế không phải thực hiện quyết toán thuế theo quy định của pháp luật.

  Khác với kiểm tra thuế, thanh tra thuế là hoạt động chỉ được thực hiện tại trụ sở người nộp thuế.

Việc thanh tra không được thực hiện thường xuyên mà chỉ được lên kế hoạch thực hiện định kỳ đối với một số đối tượng nhất định trong các trường hợp sau: [Theo Điều 113 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14]

  • Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế như: trốn thuế, gian lận thuế
  • Để giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng.
  • Theo yêu cầu của công tác quản lý thuế trên cơ sở kết quả phân loại rủi ro trong quản lý thuế.
  • Theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, kết luận của Thanh tra nhà nước và cơ quan khác có thẩm quyền.

Để tránh trường hợp bị động, doanh nghiệp cần lưu ý các hồ sơ cần chuẩn bị khi thanh tra thuế để quá trình thanh tra diễn ra thuận lợi cho doanh nghiệp mà không mất nhiều thời gian để giải trình và tìm kiếm hồ sơ. Doanh nghiệp cần chuẩn bị và sắp xếp các hồ sơ, chứng từ kế toán theo từng loại và theo thứ tự để thuận tiện cho việc tra cứu.

Việc tiếp đoàn thanh tra, thường sẽ do kế toán trưởng doanh nghiệp phụ trách

Hóa đơn đầu vào, đầu ra và chứng từ thanh toán

  • Doanh nghiệp cần sắp xếp hóa đơn đầu vào theo thứ tự ngày tháng, đóng theo từng tháng hoặc quý.
  • Hóa đơn cần đính kèm chứng từ thanh toán như phiếu chi, ủy nhiệm chi,...
  • Chuẩn bị bảng kê hóa đơn đầu vào và hóa đơn đầu ra.
  • Cần chuẩn bị sẵn các hợp đồng để đối chiếu khi cần thiết.

Hồ sơ, tờ khai thuế đã nộp

  • Cần chuẩn bị các tờ khai thuế đã nộp [tờ khai thuế GTGT; tờ khai thuế xuất nhập khẩu; quyết toán thuế TNCN; quyết toán thuế TNDN,...]
  • Các thông báo phát hành hóa đơn; Thông báo tình hình sử dụng hóa đơn.
  • Các chứng từ nộp thuế.
  • Chuẩn bị báo cáo tài chính của các năm.

Các hồ sơ, công văn đã làm việc với cơ quan thuế

Doanh nghiệp cần chuẩn bị các hồ sơ đã làm việc với cơ quan thuế như công văn thông báo, quyết định xử phạt,... để giải trình khi cần thiết.

  • Doanh nghiệp cần chuẩn bị bảng lương, bảng chấm công, chứng từ thanh toán lương, hợp đồng lao động.
  • Sổ sách kế toán sắp xếp theo từng năm, có đủ chữ ký, con dấu.
  • Bảng tính giá thành sản phẩm, dịch vụ,...
  • Chứng từ  mua tài sản cố định [hợp đồng, hóa đơn, chứng từ thanh toán] và kế hoạch khấu hao.
  • Sao kê ngân hàng, hồ sơ vay vốn,..
  • Biên bản kiểm kê kho định kỳ, biên bản kiểm kê quỹ.
  • Biên bản đối chiếu công nợ, xác nhận số dư ngân hàng, quyết định xử lý nợ khó đòi,...

Trên đây là các thông tin và hồ sơ cần chuẩn bị khi thanh tra thuế mà doanh nghiệp cần nắm. Việc chủ động trong các lần thanh tra, kiểm tra thuế rất quan trọng, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, thuận lợi hơn trong việc giải trình các thông tin cần thiết. Song Kim chúc các bạn thành công.

Thanh tra thuế

Điều 113. Các trường hợp thanh tra thuế

1. Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.

2. Để giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng.

3. Theo yêu cầu của công tác quản lý thuế trên cơ sở kết quả phân loại rủi ro trong quản lý thuế.

4. Theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, kết luận của Thanh tra nhà nước và cơ quan khác có thẩm quyền.

Điều 114. Quyết định thanh tra thuế

1. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp có thẩm quyền ra quyết định thanh tra thuế.

2. Quyết định thanh tra thuế phải có các nội dung chính sau đây:

a] Căn cứ pháp lý để thanh tra thuế;

b] Đối tượng, nội dung, phạm vi, nhiệm vụ thanh tra thuế;

c] Thời hạn tiến hành thanh tra thuế;

d] Trưởng đoàn thanh tra thuế và các thành viên của đoàn thanh tra thuế.

3. Chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày ký, quyết định thanh tra thuế phải được gửi cho đối tượng thanh tra.

4. Quyết định thanh tra thuế phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ra quyết định thanh tra thuế.

Điều 115. Thời hạn thanh tra thuế

1. Thời hạn thanh tra thuế thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra. Thời hạn của cuộc thanh tra được tính là thời gian thực hiện thanh tra tại trụ sở của người nộp thuế kể từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại trụ sở của người nộp thuế.

2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra thuế gia hạn thời hạn thanh tra thuế theo quy định của Luật Thanh tra. Việc gia hạn thời hạn thanh tra thuế do người ra quyết định thanh tra quyết định.

Điều 116. Nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra thuế

1. Người ra quyết định thanh tra thuế có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a] Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đoàn thanh tra thuế thực hiện đúng nội dung, quyết định thanh tra thuế;

b] Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra thuế cung cấp thông tin, tài liệu đó;

c] Trưng cầu giám định về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế;

d] Tạm đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ việc làm khi xét thấy việc làm đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

đ] Quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý kết quả thanh tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định xử lý về thanh tra thuế;

e] Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra thuế, các thành viên khác của đoàn thanh tra thuế;

g] Đình chỉ, thay đổi trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra khi không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thanh tra hoặc có hành vi vi phạm pháp luật hoặc khi phát hiện trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra có liên quan đến đối tượng thanh tra hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể thực hiện nhiệm vụ thanh tra;

h] Kết luận về nội dung thanh tra thuế;

i] Chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết;

k] Áp dụng các biện pháp quy định tại các điều 121, 122 và 123 của Luật này;

l] Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản đó để phục vụ việc thanh tra khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản, không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản của Thủ trưởng cơ quan Thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước.

2. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này, người ra quyết định thanh tra thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Điều 117. Nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra thuế, thành viên đoàn thanh tra thuế

1. Trưởng đoàn thanh tra thuế có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a] Tổ chức, chỉ đạo các thành viên đoàn thanh tra thuế thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra thuế;

b] Kiến nghị với người ra quyết định thanh tra áp dụng biện pháp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao;

c] Yêu cầu đối tượng thanh tra xuất trình giấy phép hành nghề, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động và cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế;

d] Lập biên bản về việc vi phạm của đối tượng thanh tra;

đ] Kiểm kê tài sản liên quan đến nội dung thanh tra của đối tượng thanh tra;

e] Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó;

g] Yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật khi xét thấy cần ngăn chặn ngay việc vi phạm pháp luật hoặc để xác minh tình tiết làm chứng cứ cho việc kết luận, xử lý;

h] Quyết định niêm phong tài liệu của đối tượng thanh tra khi có căn cứ cho rằng có vi phạm pháp luật;

i] Tạm đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ việc làm khi xét thấy việc làm đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

k] Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản đó để phục vụ việc thanh tra khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra có hành vi tẩu tán tài sản;

l] Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

m] Báo cáo với người ra quyết định thanh tra thuế về kết quả thanh tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của báo cáo đó;

n] Áp dụng biện pháp quy định tại Điều 122 của Luật này.

2. Thành viên đoàn thanh tra thuế có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a] Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng đoàn thanh tra thuế;

b] Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó;

c] Kiến nghị trưởng đoàn thanh tra áp dụng biện pháp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra theo quy định tại khoản 1 Điều này để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao;

d] Kiến nghị xử lý những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế;

đ] Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với trưởng đoàn thanh tra thuế, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trưởng đoàn thanh tra về tính chính xác, trung thực, khách quan của nội dung đã báo cáo.

Điều 118. Quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra thuế

1. Đối tượng thanh tra thuế có các quyền sau đây:

a] Giải trình về những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra thuế;

b] Khiếu nại về quyết định, hành vi của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên của đoàn thanh tra trong quá trình thanh tra; khiếu nại về kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại; trong khi chờ giải quyết khiếu nại, người khiếu nại vẫn phải thực hiện các quyết định đó;

c] Nhận biên bản thanh tra thuế và yêu cầu giải thích nội dung biên bản thanh tra thuế;

d] Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung thanh tra thuế, thông tin, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

đ] Yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

e] Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, trưởng đoàn thanh tra thuế và thành viên của đoàn thanh tra thuế theo quy định của pháp luật.

2. Đối tượng thanh tra thuế có các nghĩa vụ sau đây:

a] Chấp hành quyết định thanh tra thuế;

b] Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên của đoàn thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp;

c] Thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kết luận thanh tra thuế, quyết định xử lý của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, các thành viên của đoàn thanh tra và cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d] Ký biên bản thanh tra.

Điều 119. Kết luận thanh tra thuế

1. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra thuế trừ trường hợp nội dung kết luận thanh tra phải chờ kết luận chuyên môn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, người ra quyết định thanh tra thuế phải có văn bản kết luận thanh tra thuế. Kết luận thanh tra thuế phải có các nội dung chính sau đây:

a] Đánh giá việc thực hiện pháp luật về thuế của đối tượng thanh tra thuộc nội dung thanh tra thuế;

b] Kết luận về nội dung được thanh tra thuế;

c] Xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm;

d] Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

2. Trong quá trình ra văn bản kết luận, quyết định xử lý, người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra báo cáo, yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình để làm rõ thêm những vấn đề cần thiết phục vụ cho việc ra kết luận, quyết định xử lý.

Điều 120. Thanh tra lại trong hoạt động thanh tra thuế

1. Thẩm quyền quyết định thanh tra lại vụ việc đã được kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật được quy định như sau:

a] Chánh Thanh tra Bộ Tài chính quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Tổng cục trưởng kết luận thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Tài chính khi được Bộ trưởng Bộ Tài chính giao;

b] Tổng cục trưởng quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Cục trưởng thuộc Tổng cục kết luận;

c] Cục trưởng quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Chi cục trưởng thuộc Cục kết luận;

d] Quyết định thanh tra lại bao gồm các nội dung được quy định tại Điều 114 của Luật này. Chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định thanh tra lại, người ra quyết định thanh tra lại phải gửi quyết định thanh tra lại cho đối tượng thanh tra. Quyết định thanh tra lại phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ký và phải được đoàn thanh tra lập biên bản công bố quyết định thanh tra lại.

2. Việc thanh tra lại được thực hiện khi có một trong những căn cứ sau đây:

a] Có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra;

b] Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra;

c] Nội dung kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình thanh tra hoặc có dấu hiệu rủi ro cao theo tiêu chí đánh giá rủi ro qua phân tích đánh giá rủi ro;

d] Người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;

đ] Có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đối tượng thanh tra chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra.

3. Thời hiệu thanh tra lại, thời hạn thanh tra lại được quy định như sau:

a] Thời hiệu thanh tra lại là 02 năm kể từ ngày ký kết luận thanh tra;

b] Thời hạn thanh tra lại được thực hiện theo quy định tại Điều 115 của Luật này.

4. Khi tiến hành thanh tra lại, người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 116 và Điều 117 của Luật này.

5. Kết luận thanh tra lại, công khai kết luận thanh tra lại được quy định như sau:

a] Kết luận thanh tra lại được thực hiện theo quy định tại Điều 119 của Luật này. Nội dung kết luận thanh tra lại phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tiến hành thanh tra, kết luận thanh tra và kiến nghị biện pháp xử lý.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ký kết luận thanh tra lại, người ra quyết định thanh tra lại phải gửi kết luận thanh tra lại cho thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, cơ quan thanh tra nhà nước cấp trên;

b] Việc công khai kết luận thanh tra lại được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Video liên quan

Chủ Đề