Tại sao phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Qua những chặng đường lịch sử của dân tộc, từ quá trình dựng nước, giữ nước đến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, dù trải qua nhiều biến động, thăng trầm nhưng chúng ta luôn hướng đến một nền văn hóa lấy con người làm trung tâm, và xây dựng nền văn hóa của dân, do dân, vì dân. Khi lãnh đạo dân tộc tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội, từ nhận thức, nắm bắt các vấn đề mới của thực tiễn mà Đảng Cộng sản Việt Nam luôn bổ sung nội dung mới cho khái niệm văn hóa, để văn hóa luôn “soi đường cho quốc dân đi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định.

Từ năm 1943, “Đề cương văn hóa” của Đảng đã nêu lên ba yếu tố then chốt, là mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam là dân tộc - đại chúng - khoa học. Vì thế, từ quá trình vận động, tuyên truyền, giác ngộ quần chúng làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945, thành lập Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đến trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chúng ta đã xây dựng được vị trí tiên phong của nền văn hóa văn nghệ chống đế quốc, phong kiến trên phạm vi toàn thế giới trong thời đại ngày nay như Đảng ta tổng kết. Đó chính là di sản lớn lao thấm đẫm mồ hôi và máu của bao lớp đồng chí, đồng bào đi trước mà thế hệ hôm nay và mai sau phải giữ gìn, phát huy; cũng là kế tục xứng đáng các giá trị cốt lõi của truyền thống anh hùng, đầy tính nhân văn đã được cha ông xây dựng từ hàng nghìn năm trước, và trao lại cho chúng ta.

Có thể thấy, khi đề ra đường lối phát triển văn hóa Việt Nam, dù trong giai đoạn nào, hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hòa bình, Đảng ta cũng luôn đề cao tính dân tộc. Và nổi lên là bản sắc văn hóa dân tộc với những giá trị văn hóa tốt đẹp của tổ tiên, ông cha phải được giữ gìn, phát huy. Có thể coi đây chính là “tấm căn cước” để mỗi người Việt Nam hội nhập với thế giới. Văn hóa còn thì dân tộc còn là ở đó. Hòa nhập song không hòa tan cũng ở đó. Truyền thống tốt đẹp khi biết giữ gìn và phát huy không hề mâu thuẫn, đối lập với đổi mới, tiến bộ, hiện đại. Bởi, trong tổng hòa nguồn lực để xây dựng văn hóa hôm nay, có các giá trị được cha ông tạo dựng từ quá khứ.

Tuy vậy nhìn vào bối cảnh hiện tại, dù chúng ta đã làm được rất nhiều điều tốt đẹp cho xã hội - con người, thì vẫn phải thẳng thắn nói rằng vẫn còn có không ít biểu hiện “lệch chuẩn” văn hóa đáng băn khoăn, trăn trở. Đó là những biểu hiện lệch lạc, nông cạn trong nhận thức về văn hóa của một bộ phận xã hội, thậm chí có người còn quan niệm văn hóa chỉ là “cờ đèn kèn trống, đóng đinh leo thang”, múa may, hát xướng… Ngay trong đội ngũ người làm công tác văn hóa không hẳn ai cũng hoàn toàn thấm nhuần trong cả nhận thức và hành động để đáp ứng phát triển văn hóa là phải phát triển toàn diện, thống nhất trong sự đa dạng, thấm đậm tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, nội lực quan trọng để phát triển đất nước.

Vì thế vẫn xảy ra tình trạng còn coi nhẹ văn hóa, đặt văn hóa thấp hơn kinh tế. Hệ quả là trong khi đạt nhiều mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đời sống vật chất vượt trội so với trước đây, nhưng ở một số nơi, trong một số trường hợp, đạo đức, văn hóa xã hội lại bị xuống cấp nghiêm trọng, chủ nghĩa cá nhân bành trướng, không ít cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất, phai nhạt lý tưởng, coi thường kỷ luật, tham ô, lãng phí…

Hiện thực xã hội hiện nay đang đan xen các mảng sáng - tối, tốt - xấu hết sức phức tạp. Bên cạnh rất nhiều tấm gương tốt đẹp, giàu lòng vị tha, thiện tâm, khi có thiên tai, dịch bệnh sẵn sàng chia sẻ với đồng bào theo tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “thương người như thể thương thân”, chung tay cùng đất nước, chính quyền để vượt qua mọi khó khăn… lại có một số người ích kỷ, tham lam, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Lối sống thực dụng cực đoan như một thứ dịch bệnh đang nguy cơ lan rộng trong xã hội, nhất là lớp trẻ.

Trong khi đó nghệ thuật dường như lại quá coi trọng chức năng giải trí. Có thời điểm trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng phải gióng lên hồi chuông báo động về một số cuốn sách chạy theo thị hiếu thấp kém, phản văn hóa. Ở đó, nhân danh cách tân, đổi mới, một số người ca tụng lối viết bí hiểm, rắc rối, tù mù, đánh đố… Thái độ sùng ngoại biểu hiện song song với việc chê bai, bỉ bôi, hạ thấp văn học truyền thống. Nguy hại hơn là coi thường, công kích các giá trị tiêu biểu của nghệ thuật kháng chiến, hoặc mượn chữ nghĩa văn chương để bôi lem, làm xấu hình ảnh một số anh hùng, danh nhân của đất nước.

Với một số người, nghệ thuật không chỉ là phương tiện, mà còn là “vũ khí” tấn công quá khứ. Không phải không có hiện tượng “hai mặt” trong văn nghệ sĩ hiện nay. Đã xuất hiện hiện tượng, nghệ thuật, thu mình vào “cái tôi” đơn độc, riêng biệt, duy nhất, và phai nhạt sự gắn bó sâu sắc với công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc có tầm vóc rộng lớn, phong phú; dẫn đến tình trạng xa rời dân tộc và đời sống của nhân dân... Đương nhiên, hội nhập là vươn tỏa ra nhân loại, nhưng lan tỏa thế nào vẫn phải đặt trên mẫu số chung là dân tộc - nơi nghệ sĩ là thành viên, là nguồn cội - nơi nghệ sĩ sinh ra, trưởng thành. Đồng bào, chiến sĩ yêu quý văn nghệ sĩ bởi khi soi vào tác phẩm, họ thấy có bóng dáng, tâm hồn mình, niềm vui được nhân lên, nỗi buồn được chia sẻ…

 Do đó, cùng với việc khuyến khích, cổ vũ, nâng đỡ các sáng tác nghệ thuật có tính thể nghiệm, cũng nên chú ý tới nguy cơ đoạn tuyệt với nguồn mạch văn hóa dân tộc để rồi cóp nhặt, bắt chước, lai căng vô lối, nhố nhăng. Cũng phải nhắc đến tình trạng đó đây, thuần phong mỹ tục của dân tộc bị lãng quên, bị coi thường, thậm chí bị xâm hại. Đến cả một số di sản văn hóa quý báu của dân tộc cũng chưa được bảo tồn gìn giữ cẩn trọng dẫn tới bị xuống cấp, hay hủy hoại. Có công trình đưa vào trùng tu, phục chế sau khi làm xong người ta không còn nhận ra được đường nét, màu sắc xưa cũ bởi sự đắp điếm, tô vẽ tùy tiện, cẩu thả…

Nghệ thuật không thể tồn tại nếu mất gốc rễ văn hóa dân tộc. Không thể có một nền nghệ thuật đứng ngoài văn hóa dân tộc. Đáng lo ngại là trong khi nghệ thuật Việt Nam đang vắng bóng, thiếu hụt các tác phẩm có giá trị tư tưởng - nghệ thuật sâu sắc, hấp dẫn, xứng đáng với chiều kích, tầm vóc công cuộc đổi mới của đất nước; thì lại xuất hiện nhiều tác phẩm làng nhàng, nhợt nhạt; những chương trình truyền hình ồn ào, vô bổ; những bộ phim dễ dãi, lê thê cùng sự khen chê, định giá tù mù, cánh hẩu, bè phái, cơ hội. Ngay cả sách giáo khoa cũng phơi bày không ít sỏi sạn, một số ngữ liệu, dữ liệu đưa vào chương trình dạy cho học sinh còn thiếu chọn lọc kỹ càng, buộc dư luận phải lên tiếng mạnh mẽ, nhưng nơi có trách nhiệm lại chậm sửa chữa, thay đổi.

Trên mạng xã hội, trong đời sống cộng đồng đang tồn tại không ít “nọc độc” hoặc xu hướng, nguy cơ có thể gây nguy hại cho văn hóa dân tộc. Một ca sĩ nước ngoài bỗng nhiên được không ít bạn trẻ coi là “thần tượng”, mê muội tung hô thái quá, thậm chí hôn cả ghế “thần tượng” đã ngồi! Còn có cả “thánh chửi” trên mạng xã hội được một bộ phận thanh niên tán dương rầm rộ. Tại sao lại có các hiện tượng đó? Phải chăng đời sống văn hóa tinh thần đang tồn tại lỗ hổng ở nhiều nơi, từ truyền thông, báo chí, chương trình biểu diễn,… đến gia đình, nhà trường, xã hội?...

Khó có thể liệt kê, kiểm đếm hết những biểu hiện “lệch chuẩn” văn hóa nhưng vẫn có thể nói rằng sự “lệch chuẩn” ấy là mối nguy hại không hề nhỏ của đất nước, của dân tộc. Đó là một thứ vi-rút gây hại cho đời sống văn hóa tinh thần của xã hội, cần phải ngăn chặn, bài trừ. Văn hóa Việt Nam cần phải tỏa sáng bởi những giá trị tốt đẹp của kết hợp sự tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại.

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, sự giao lưu, kết nối giữa con người với con người, giữa dân tộc với nhân loại có thể diễn ra dễ dàng, cái hay cũng dễ thấy nhưng điều dở cũng dễ lây. Bởi vậy văn hóa cần được trang bị bộ lọc tinh diệu để “gạn đục khơi trong” như lời dạy cổ nhân. Chưa lúc nào văn hóa cần phải nâng cao sức đề kháng như bây giờ. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa là của mọi người, vì vậy công tác văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của những người công tác trong lĩnh vực văn hóa.

Ở đâu có hoạt động của con người ở đó có văn hóa. Vì thế điều trước tiên trong nhận thức của mọi cấp, mọi ngành, của mọi người cần phải hiểu đúng, hiểu sâu về vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống xã hội. Văn hóa cũng là môi trường sống cho nên không thể và không bao giờ được phép đánh đổi văn hóa để lấy kinh tế. Nhận thức đúng, tư duy đúng sẽ hành động đúng. Xây dựng văn hóa là xây dựng đất nước, xây dựng tương lai, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân.

Văn hóa là chân - thiện - mỹ, là cái đẹp ngàn xưa, cái đẹp hôm nay, cái đẹp mai sau của dân tộc Việt Nam. Xã hội càng trong sạch thì cơ hội phát triển vững mạnh càng lớn. Một xã hội vừa tuân thủ nghiêm kỷ cương, luật lệ vừa coi trọng văn hóa, đạo đức là một xã hội tốt đẹp. Đấy là thước đo trình độ phát triển văn minh của một đất nước, một xã hội.

Đó cũng là điều kiện tiên quyết tạo nên hạnh phúc cho nhân dân. Đường lối phát triển văn hóa của Đảng luôn lấy con người làm trung tâm. Điều này hoàn toàn phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân mà toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực phấn đấu, thực hiện. Bất luận trong hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn cần phải xác định xây dựng xã hội phát triển lành mạnh, xây dựng con người tiến bộ, phát triển hài hòa, sống nhân nghĩa,… là mục tiêu, động lực của văn hóa .

Nhà thơ NGUYỄN HỮU QUÝ

[TG] - Không ít người thường nhấn mạnh yêu cầu bảo tồn, giữ gìn văn hóa dân tộc trong quá trình toàn cầu hóa. Điều đó đúng, cần thiết, song có lẽ chưa đầy đủ. Chúng ta hoàn toàn có thể phát huy, phát triển, hiện đại hóa nền văn hóa dân tộc trong quá trình trên. Bài viết này xuất phát từ suy nghĩ đó, mặc dù đó luôn là một thách thức lớn, đồng thời lại là một thời cơ hiếm có.

1. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc trong thế giới hiện đại, không chỉ dừng lại trong lĩnh vực kinh tế, mà còn mở rộng, lan tỏa, thâm nhập các lĩnh vực khác của đời sống, từ xã hội, môi trường đến khoa học, công nghệ, văn hóa, pháp luật, giáo dục,... Chính quá trình tác động và thấm sâu của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế vào toàn bộ các lĩnh vực của một dân tộc, một quốc gia mà nhân loại đang đứng trước nhiều vấn đề hệ trọng đối với sự đứng vững, tồn tại và phát triển của từng quốc gia, dân tộc và của từng khu vực trên thế giới trong quan hệ mang tính toàn cầu đang diễn ra cực kỳ phong phú và phức tạp hiện nay. Toàn cầu hóa vừa là thời cơ cho sự hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng là những thách thức to lớn, nhiều khi hoàn toàn mới mẻ, đối với vấn đề giữ gìn, bảo vệ, phát huy và phát triển các giá trị văn hóa riêng biệt, độc đáo, có tính truyền thống của mỗi dân tộc, quốc gia trong bối cảnh và đặc điểm mới của thế giới hiện đại.

Kết quả của toàn cầu hóa là tạo ra những giá trị chung, là sự xích lại gần nhau, đan xen giữa các quá trình của sự phát triển, đặc biệt trên các lĩnh vực quan trọng như kinh tế, khoa học - công nghệ, thương mại,... Tuy vậy, toàn cầu hóa không có nghĩa là tất cả các quốc gia, các dân tộc sẽ tiến tới một sự đồng nhất về mọi mặt, mà ngược lại, toàn cầu hóa chỉ có thể diễn ra khi đồng thời tạo ra những giá trị phổ quát cho nhiều quốc gia, nhiều dân tộc, mang lại cho các dân tộc những điều kiện và cơ hội tốt để phát huy và phát triển những giá trị riêng, độc đáo, đặc trưng của dân tộc mình. Và điều đó sẽ diễn ra không phải là hệ quả tự nhiên của toàn cầu hóa, mà nhất thiết phải cần một quá trình cùng điều chỉnh, cùng hợp tác và đấu tranh của các quốc gia, dân tộc tham gia toàn cầu hóa. Nêu không làm được điều này, sẽ diễn ra một quá trình mà các thế lực mạnh và đen tối sẽ lái "con tàu" toàn cầu hóa về hướng làm thui chột, làm yếu đi các giá trị văn hóa riêng của từng dân tộc, sẽ thực hiện mưu đồ áp đặt văn hóa, biến các quốc gia khác thành lệ thuộc, tự đánh mất mình trong thế giới hiện đại.

Ở đây, về mặt văn hóa, trong quá trình toàn cầu hóa, mỗi dân tộc phải đứng trước và luôn luôn phải xử lý mâu thuẫn giữa toàn cầu hóa có xu hướng mạnh, tạo ra các giá trị phổ quát chung với bản sắc văn hóa riêng, độc đáo của dân tộc. Và đây cũng chính là một đặc điểm riêng trong quan hệ giữa toàn cầu hóa và văn hóa của các dân tộc.

Xin lưu ý rằng, không đơn thuần chỉ là vấn đề bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa của từng dân tộc trước tác động của toàn cầu hóa, mà còn có những vấn đề lớn hơn, sâu hơn: phát huy bản sắc dân tộc trong chính quá trình giao lưu, hợp tác văn hóa, phát triển và tự làm giàu có mình hơn, phong phú, hiện đại hơn trong quá trình chủ động giao tiếp và tiếp nhận, "cho và nhận" về mặt văn hóa. Không nhận biết sâu và biện chứng quá trình trên sẽ dẫn tới một cách nhìn phiến diện, với khuynh hướng bảo thủ cho rằng, để đối phó với toàn cầu hóa, mỗi dân tộc trong khi mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, phải đóng cửa về văn hóa, "khư khư" giữ gìn, bảo vệ các bản sắc riêng của mình, không chấp nhận cả cho và nhận, vốn là một quy luật nội tại của sự tồn tại và phát triển của mỗi nền văn hóa dân tộc.

Một hoạt động trong khuôn khổ “Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Nga” năm 2016 - Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

2. Xét về mặt lịch sử và đặc trưng văn hóa, văn hóa Việt Nam không hề xa lạ với sự giao lưu, tiếp nhận, tác động lẫn nhau của văn hóa các nước và văn hóa khu vực. Quá trình này diễn ra không ngừng, theo cả chiều dài lịch sử và theo cả không gian, địa - ván hóa.

Lãnh thổ Việt Nam có một đặc điểm lợi thế là nằm trên vùng đất có sự giao thoa, thâm nhập lẫn nhau của nhiều nền văn hóa. Ngay từ buổi đầu dựng nước, Việt Nam đã có sự giao thoa giữa văn hóa Đông Nam Á với văn hóa Đông Á và sau này, cũng trong một thời gian dài, là giữa văn hóa Trung Hoa và văn hóa Ấn Độ. Đến thời cận đại, xuất hiện và phát triển sự giao lưu, tác động lẫn nhau giữa văn hóa châu Á với văn hóa châu Âu trên lãnh thổ Việt Nam. Chính từ đặc điểm này mà ngay từ đầu và trong toàn bộ quá trình phát triển của mình, văn hóa Việt Nam đã trưởng thành, tạo nên những giá trị độc đáo của dân tộc dựa trên một năng lực rất đặc biệt, đó là vừa tự nuôi dưỡng và phát huy những giá trị của chính mình - văn hóa bản địa, vừa biết tiếp nhận, chọn lọc những giá trị tốt đẹp của nhiều nền văn hóa khác. Tính thống nhất, tính nhiều nguồn và tính đa dạng trở thành đặc trưng của văn hóa Việt Nam, không chỉ vì đất nưóc, dân tộc Việt Nam bao gồm 54 dân tộc đã cùng sống, lao động, xây dựng và sáng tạo từ bao đời nay, mà còn vì đó là một nền văn hóa biết tiếp nhận và làm phong phú cho mình bằng những giá trị của nhiều nền văn hóa trên thế giới, cả Đông và Tây, cả gần và xa,...

Có một đặc trưng hay một quy luật cần nhấn mạnh là, trong quá trình giao lưu, tiếp nhận đó, chỉ có những giá trị văn hóa bên ngoài nào phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam, được chọn lọc và được Việt hóa mới có thể trở thành những thành tố hữu cơ cấu thành văn hóa Việt Nam. Sự chọn lọc và sự sàng lọc để trở thành giá trị văn hóa Việt Nam đã diễn ra không ngừng, thầm lặng và cực kỳ tinh tế trong tiến trình lịch sử và tiến trình văn hóa. Ví dụ, những giá trị tốt đẹp của Phật giáo và Nho giáo, từ những thế kỷ đầu Công nguyên, đã qua quá trình sàng lọc đó để những ý tưởng từ bi, bác ái của Phật giáo trong sự hòa quyện với khát vọng hướng thiện, yêu thương con người của dân tộc ta trở thành một phẩm giá đặc trưng của con người Việt Nam, của văn hóa Việt Nam. Đó là chủ nghĩa nhân văn mộc mạc nhưng sâu sắc và bền vững trong văn hóa Việt Nam. Những giá trị đạo đức xã hội mà Nho giáo truyền bá vào Việt Nam từ hàng ngàn năm đã bắt rễ và hòa đồng với những quan điểm và khát vọng đạo đức của văn hóa bản địa Việt Nam, tạo nên những chuẩn mực vững bền về đạo đức của văn hóa truyền thống, được thể hiện từ trong gia đình, làng xóm đến cộng đồng và đất nước.

Đặc điểm trên của văn hóa Việt Nam không chỉ thể hiện trong quá khứ xa xôi, mà cả trong giai đoạn cận và hiện đại, khi mà sự giao lưu và tiếp xúc văn hóa trên thế giới diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng, phức tạp hơn. Đó là giai đoạn gặp nhau, tác động lẫn nhau, vừa như là sự "đối chọi" lại vừa như là sự "hấp dẫn" lẫn nhau giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Trong tình hình đó, ở Việt Nam đã diễn ra một quá trình rất phong phú, tinh tế để cách tân văn hóa, từng bước hiện đại hóa nền văn hóa truyền thống thông qua tiếp nhận, chọn lọc những giá trị hoàn toàn mới của phương Tây và nỗ lực không mệt mỏi phát huy, giữ gìn những giá trị tốt đẹp, bền vững, phù hợp với sự phát triển của văn hóa dân tộc. Trong mối quan hệ đó, có lẽ, chỉ cần nêu một dẫn chứng mẫu mực là cuộc đời, sự nghiệp văn hóa và những kinh nghiệm ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh để chứng minh cho bước phát triển và đặc trưng của văn hóa Việt Nam thời kỳ cận và hiện đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước cũng để học hỏi, tìm kiếm những gì tốt đẹp nhất của các nền văn hóa lớn trên thế giới, từ đó Người đã chọn lọc để làm phong phú thêm cho nền văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Ở Người là sự kết hợp tuyệt vờí những tinh hoa của nhiều nền văn hóa thế giới với những giá trị cao quý và bền vững nhất trong văn hóa dân tộc.

Sự thổ lộ chân thành và đánh giá sâu sắc của Người về những giá trị mà Người chọn lọc và tiếp nhận cho mình trong các học thuyết của Khổng Tử, Giêsu, Các Mác và Tôn Dật Tiên là một minh chứng không chỉ về kinh nghiệm ứng xử văn hóa của bản thân Người, mà có lẽ, trở thành một quan niệm tiếp nhận, chọn lọc, sàng lọc của văn hóa dân tộc ta đối với văn hóa thế giói. Theo Người, Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó là thích hợp với điều kiện nước ta. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy.

3. Những đặc điểm, kinh nghiệm lịch sử trong tiến trình đó của văn hóa Việt Nam được thể hiện đặc biệt rõ trong hoạt động thực tiễn nhằm mở rộng và phát triển hợp tác quốc tế về văn hóa của chúng ta những năm đổi mới, những năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16-7-1998, của Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và những nghị quyết gần đây, đặc biệt là Nghị quyết 33- NQ/TW vừa qua.

Thành tựu nổi bật của hợp tác quốc tế về văn hóa trong những năm qua là đã triển khai toàn diện các lĩnh vực hợp tác, giao lưu văn hóa, thông tin đối ngoại, mở rộng quan hệ ở nhiều địa bàn, từng bước phát triển sang tất cả các châu lục. Ví dụ, mấy năm gần đây, bước đột phá của hợp tác quốc tế về văn hóa là chúng ta đã tạo được sự hiện diện của văn hóa Việt Nam tại khu vực châu Mỹ và châu Phi. Đồng thời, chúng ta cũng đã tạo được nhiều phương thức, hình thức hợp tác đa dạng, phong phú, phù hợp với từng khu vực, từng nước. Đây là bước phát triển về quy mô và chất lượng của sự hợp tác quốc tế về văn hóa, qua đó đã làm tốt hơn, có hiệu quả hơn nhiệm vụ "giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với thế giới, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nưóc ngoài", tạo nên sự đồng cảm, hiểu biết và xích lại gần nhau hơn nữa giữa dân tộc ta và các dân tộc trên thế giới. Đó cũng chính là mặt mạnh, tính ưu việt của hợp tác quốc tế về văn hóa mà chúng ta đã và đang khai thác, phát huy, qua đó, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, con người và cuộc sống Việt Nam thời kỳ đổi mới được bạn bè thế giới hiểu biết rõ hơn, đúng hơn.

Trong sự hợp tác đa dạng đó, chúng ta đã tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở nước ngoài, đã chủ động lựa chọn, xây dựng, tạo được một số sản phẩm, ấn phẩm, công trình văn hóa, chương trình nghệ thuật có chất lượng cao phục vụ công tác giao lưu và hợp tác, được trình diễn, triển lãm ở nước ngoài. Thời gian qua, chúng ta đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế về văn hóa, nghệ thuật tại các cuộc thi, triển lãm, liên hoan quốc tế. Cùng với lực lượng hoạt động văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, lựclượng đông đảo hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng của các tổ chức và đoàn thể cũng đã góp phần làm phong phú, đa dạng sự giao lưu văn hóa của nước ta với cả ở trong và ngoài nước.

Những năm gần đây, chúng ta cũng đã triển khai nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật của các nước tại Việt Nam, trong đó có một số hoạt động lớn, có tính quốc tế như Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương, Tuần phim châu Âu, Festival Huế, Tuần lễ văn hóa Nga ở Việt Nam, Triển lãm văn hóa - nghệ thuật ASEAN, các trại điêu khắc quốc tế,... Đây là một bưóc phát triển mới, mở ra triển vọng lớn để Việt Nam trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc của sự giao lưu văn hóa giữa các nước trong khu vực và quốc tế.

Nhiều văn bản hợp tác quốc tế về văn hóa với các nước và với các tổ chức quốc tế được ký kết và triển khai thực hiện.

Đẩy mạnh giao lưu nhân dân, sử dụng các công cụ văn hóa và thông tin đối ngoại trong quan hệ quốc tế... Ảnh: TCCS


Chúng ta cũng đã tạo được ngày càng nhiều các sản phẩm thông tin đối ngoại để giới thiệu có sức thuyết phục về diện mạo đổi mới, những thành tựu của Việt Nam với nhân dân các nước, với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và với người nước ngoài ở Việt Nam. Sự phối hợp giữa văn hóa với du lịch, hàng không, thương mại trong các hoạt động ở nước ngoài, cả kinh tế, văn hóa, du lịch, thông tin..., là một dấu hiệu mới, có tác dụng tốt, tạo nên sức mạnh chung và qua đó, góp phần tăng cường hợp tác đầu tư kinh tế, thương mại.

Tuy vậy, nhiệm vụ mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa vẫn còn một số mặt yếu kém, bất cập. So với yêu cầu và đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới, hội nhập và giao lưu quốc tế, công tác này chưa đáp ứng được đầy đủ và chưa phát huy mạnh mẽ tiềm năng văn hóa von có của dan tộc. Số công trình, tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị của ta được giới thiệu ra quốc tế còn quá ít, trong khi đó sản phẩm văn hóa độc hại, phản động, không phù hợp với văn hóa và đặc tính con người Việt Nam của nước ngoài lại xâm nhập nước ta khá lớn. Trong giao lưu và hợp tác văn hóa, còn có biểu hiện thiếu chủ động, nhiều sơ hở trong quản lý. Hoạt động giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu biết về đất nước, về văn hóa Việt Nam chưa đạt yêu cầu và sự mong đợi của đồng bào.

4. Do sức sống nội tại và bản lĩnh của văn hóa Việt Nam, do đã từng trải nghiệm qua một quá trình lịch sử lâu dài biết sàng lọc và tiếp thu các giá trị văn hóa từ bên ngoài vào Việt Nam, và do đường lối chỉ đạo phù hợp với quy luật, nên từ những năm đổi mới, cùng với quá trình hội nhập và giao lưu văn hóa quốc tế, nền văn hóa đương đại Việt Nam đã trở nên phong phú, đa dạng và hiện đại hơn. Một số giá trị văn hóa truyền thống được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp hơn với thời đại và với sự phát triển đang vươn lên hiện đại hóa của dân tộc ta.

Tuy vậy, từ kinh nghiệm lịch sử và từ thực tiễn những năm gần đây, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến tác động tiêu cực của xu hướng toàn cầu hóa trên lĩnh vực văn hóa.

Toàn cầu hóa kinh tế, thông qua hợp tác quốc tế, chuyển giao cống nghệ và các quá trình kinh doanh, quản lý, tổ chức, thông qua tài trợ và đầu tư, thương mại..., một vài thế lực đã và đang có mưu đồ sâu xa, thực hiện sự tấn công vào chính trị, văn hóa, xã hội, đạo đức và tâm lý,... của đất nước ta.

Xuất hiện sự áp đặt vô hình một số giá trị văn hóa ngoại lai vào đời sống văn hóa Việt Nam. Xuất hiện và len lỏi phát triển vào văn hóa dân tộc những “ văn hóa theo khuynh hướng xã hội công nghiệp hiện đại và mặt trái của kinh tế thị trường như chủ nghĩa thực dụng kinh tế, lối sống tiêu thụ, hưởng thụ, khát vọng tiền tài, tư tưởng kỹ trị và vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân cực đoan, sự sùng ngoại và đua đòi những lối sống và thị hiếu thấp kém, xa lạ, không phù hợp với dân tộc, những tệ nạn xã hội nguy hiểm như ma tuý, mại dâm,...Thực tiễn đó cho chúng ta rút ra một bài học, một kinh nghiệm quan trọng rằng, không thể xem thường những tác động tiêu cực của sự tấn công, sự “áp đặt” văn hóa đó.

Thời gian qua, ở nước ta đã diễn ra không ít sự đảo lộn các giá trị văn hóa, trong đó các giá trị văn hóa tốt đẹp, truyền thống như trọng tình nghĩa, ưu tiên về mặt đạo đức, vị tha, trung thực,... bị lấn lướt, xâm hại, sự lên ngôi của những giá trị ngoại lai, xa lạ trong một bộ phận quần chúng, sự lộn xộn, lúng túng, bị động, không bình yên trong đời sống tinh thần, trong lối sống và thị hiếu, trong đạo đức, đặc biệt những biến động phức tạp của các lĩnh vực tâm linh, tôn giáo,...

Toàn cầu hóa như một cơn lốc mạnh. Mặc dầu đã có sự chuẩn bị, song chúng ta chưa lường hết được tác động phức tạp của quá trình đó, vì vậy, văn hóa của chúng ta đang chịu những sức ép, sự va đập mạnh và sâu, đang đứng trước những thử thách gay gắt chưa từng có.

Nhận thức sâu sắc đặc điểm, thách thức và quy luật đó của quá trình toàn cầu hóa, cần phải khẳng định rằng, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong quá trình toàn cầu hóa, trước những thách thức và tác động phức tạp của mặt trái toàn cầu hóa trên lĩnh vực văn hóa, chúng ta sẵn sàng và chủ động mở cửa, hội nhập, hòa mình vào xu thế chung của thế giới hiện đại, đồng thời đứng vững trên những nguyên tắc quan trọng, làm cơ sở cho việc tranh thủ thời cơ, vượt qua trở ngại, thách thức và tự lực, chủ động xây dựng văn hóa dân tộc bằng sức mạnh, bản lĩnh, cốt cách của chính dân tộc ta.

Mở cửa, hội nhập, giao lưu và hợp tác nhằm tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa, văn minh của nhân loại, đồng thời phải bảo vệ, bảo toàn các giá trị tốt đẹp, cao quý, bản sắc dân tộc của nền văn hóa Việt Nam. Ở đây, trong văn hóa dân tộc thể hiện phép biện chứng giữa sức mạnh nội sinh và năng lực tiếp nhận, đón nhận, hay nói cách khác, phụ thuộc vào chính bản lĩnh, sức mạnh của dân tộc ta trong tiến trình hội nhập và giao lưu quốc tế. "Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác".

Cần phải tiếp tục khẳng định đây là nguyên tắc, đồng thời là bản lĩnh của dân tộc ta trong quá trình thực hiện giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế. Ở đây, hội nhập và giao lưu để vừa bảo vệ, làm bền vững hơn các bản sắc văn hóa, vừa làm phong phú hơn, giàu có hơn, hiện đại hơn bản sắc đó và toàn bộ nền văn hóa của chúng ta.

Để có thể tiếp thu những thành tựu, tinh hoa, các giá trị văn hóa của bên ngoài mà vẫn giữ được chủ quyền và bản sắc văn hóa dân tộc, làm đậm đà hơn cốt cách, tâm hồn dân tộc trong quá trình, giao lưu, tiếp nhận, kinh nghiệm lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam đã chỉ ra rằng, các yếu tố nội sinh về văn hóa của chúng ta phải giữ vai trò quyết định. Nội lực của chúng ta càng mạnh, chúng ta càng có nhiều cơ hội và khả năng để tiếp nhận, chọn lọc và hợp tác, có nghĩa là nội lực đó sẽ chỉ phối các quan hệ với các yếu tố ngoại sinh, quyết định chọn lọc và tiếp nhận các yếu tố đó, đồng thời có đủ trình độ, bản lĩnh để "đồng hoá" các yếu tố đến từ bên ngoài trở thành nhân tố của chính nền văn hóa dân tộc, thành chất xúc tác cho sự phát triển hiện đại hơn nền văn hóa đó.

Như vậy, hội nhập và giao lưu văn hóa không phải là phép cộng các yếu tố văn hóa bên trong và các yếu tố văn hóa bên ngoài, mà phải là quá trình tích hợp biện chứng, sinh động, nhuần nhuyễn để tạo ra một nền văn hóa thuần Việt Nam. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì: Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần “thuần tuý Việt Nam”.

Bản chất thực sự tốt đẹp của giao lưu văn hóa quốc tế, giữa các nền văn hóa với nhau thể hiện ở sự đối thoại bình đẳng và rộng mở. Thế giới đã gặp phải nhiều loại xung đột khác nhau: quyết liệt, dai dẳng, mất và còn, phải đương đầu với nhiều xung đột mới gay gắt hơn, tàn nhẫn hơn, đau đớn hơn do các thế lực hiếu chiến, cường quyền gây ra. Song, như UNESCO đã khẳng định về bản chất giữa các nền văn hóa không có xung đột mà chỉ có đối thoại mà thôi. Toàn cầu hóa góp phần làm cho các dân tộc xích lại gần nhau, làm phong phú thêm các nền văn hóa. Chính sự đối thoại cởi mở và bình đẳng là nguồn lực tạo ra sự phong phú và tính độc đáo của mỗi nền văn hóa. Nhận thức sâu sắc và vận dụng một cách chủ động tính quy luật đặc thù đó của hội nhập và giao lưu văn hóa, chúng ta cần kiên trì xác định nguyên tắc hợp tác bình đẳng, đối thoại cởi mở để vừa cho và vừa nhận văn hóa. Nguyên tắc này không phải là kết quả chủ quan của người lãnh đạo văn hóa, mà về bản chất, là việc đúc kết từ bản thân quy luật đặc thù của sự tồn tại và phát triển văn hóa nước ta, như các Nghị quyết của Đảng đã xác định văn hóa Việt Nam là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để “không ngừng hoàn thiện mình”.

Trên cơsở nguyên tắc đó, chúng ta hoàn toàn không chấp nhận một mưu đồ lợi dụng toàn cầu hòa để áp đặt những giá trị của các nước lớn, của các thế lực cường quyền vào nước ta. Đồng thời, trong quá trình hợp tác và giao lưu, chúng ta chủ trương loại bỏ những yếu tố văn hóa ngoại lai, không phù hợp và trái với văn hóa dân tộc, với khát vọng vì sự phát triển của con người Việt Nam thời kỳ hiện đại, từ đó, chúng ta kiên quyết "ngăn ngừa sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy" từ bên ngoài vào nước ta.

Ở đây, tư cách chủ động hội nhập và giao lưu văn hóa là một đòi hỏi cao đối với quá trình chỉ đạo hợp tác quốc tế về văn hóa, và đó là một cuộc đấu tranh không hề đơn giản để một mặt, chống lại sự áp đặt văn hóa của các thế lực cường quyền, và mặt khác, phê phán và khắc phục căn bệnh tự ti, bắt chước, lai căng, hoa mắt trước một số sản phẩm văn hóa của nước ngoài.

Những định hướng và yêu cầu trên là cơ sở để chúng ta thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, thực hiện nhiệm vụ hợp tác và giao lưu văn hóa trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa.

GS. TS. Đinh Xuân Dũng

Video liên quan

Chủ Đề