Tàu hộ vệ tên lửa là gì

Lần đầu tiên, Ấn Độ tặng một tàu hộ vệ tên lửa lớp Khukri cho Việt Nam, quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông.

Tàu INS Kirpin được sử dụng trong hải quân Ấn Độ từ năm 1991, và xuất phát đến Việt Nam từ ngày 30/06.

Thông tin Ấn Độ bàn giao cho Việt Nam tàu hộ vệ tên lửa INS Kirpan do quốc gia này chế tạo được công bố trong cuộc gặp của bộ trưởng quốc phòng hai nước vào giữa tháng Sáu.

Trong một tuyên bố ngày 28/06, Hải quân Ấn Độ nói việc chuyên giao tàu Kirpan "phản ánh cam kết của Ấn Độ trong việc trợ giúp các đối tác cùng quan điểm [like-minded partners] để tăng cường năng lực quốc phòng của họ".

Tàu hộ vệ INS Kirpan và tổ hợp tên lửa BrahMos

Đại tá Raymond M. Powell từ Đại học Stanford đánh giá tàu INS Kirpan mà Ấn Độ trao tặng tuy không giúp gia tăng "đáng kể" sức mạnh quốc phòng của Việt Nam nhưng "giúp New Delhi thiết lập quan hệ quốc phòng mới Hà Nội, cũng như tạo nên các cơ hội mới cho việc bảo dưỡng, cung cấp tàu, và huấn luyện đội ngũ vận hành trong những năm tiếp theo."

"Cả Việt Nam và Ấn Độ đều đề cao nền tự trị mang tính chiến lược của mình, khiến họ trở thành những đối tác tự nhiên trong một môi trường chứng kiến sự cạnh tranh chiến lược", ông Raymond nhận định.

Ấn Độ và Việt Nam đã tăng cường mối quan hệ trong những năm gần đây, tập trung đặc biệt về quốc phòng, trước sự quan ngại về một Trung Quốc ngày càng có thái độ xác lập trên Biển Đông.

Trong quá khứ Ấn Độ đã gửi những tàu nhỏ hơn và thiết bị quân sự các quốc gia như Maldives và Mauritius và tàu ngầm cho Myanmar.

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc từ Sài Gòn đánh giá, "Ngoài các tàu tuần duyên đã loại biên mà Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam trong thời gian qua, hay tàu hộ vệ tên lửa INS Kirpan mà Ấn Độ sắp trao tặng và bàn giao cho Việt Nam, tôi thấy Việt Nam đang rất cần các tàu chiến cỡ lớn, máy bay săn ngầm và các loại tên lửa đất đối hải, đất đối không mà tầm bắn trên dưới 100 km."

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Hải quân Ấn Độ

Ông Richard Bitzinger, chuyên gia phân tích quốc phòng độc lập nói với BBC News Tiếng Việt rằng tàu Kirpan có tuổi đời 30 năm.

"Tàu Kirpan nếu được bảo dưỡng tốt thì vẫn có thể phục vụ được cho hải quân Việt Nam. Với tuổi đời hoạt động từ năm 1991, con tàu này vẫn còn 'trẻ' hơn nhiều so với các tàu hộ vệ khác của Việt Nam, một số đã từ 50 đến 60 tuổi."

"Tên lửa chính chống hạm của Kirpan là Styx [SS-N-2] do Liên Xô chế tạo, có từ thời những năm 1950. Tốt hơn nếu Việt Nam thay tên lửa này với loại mới hơn. Việt Nam đã có nhiều tên lửa chống hạm do Nga chế tạo, bao gồm Kh-35 Uran-E [SS-N-25], 3M-14/54 Klub [SS-N-27], và P-800 Oniks [Yakhont]. Hai loại tên lửa đầu tiên mà tôi liệt kê rất thích hợp để thay thế", ông Richard Bitzinger nói.

Ngoài ra, một nguồn tin độc quyền từ hồi đầu tháng Sáu từ Zee Business cho biết Ấn Độ có thể bán cho Việt Nam từ ba đến năm tổ hợp Brahmos siêu thanh, giá trị thỏa thuận có thể lên đến hơn 600 triệu USD.

Bình luận về khả năng này, ông Richard Bitzinger cho biết:

"Ấn Độ có thể cố gắng bán cho Việt Nam tổ hợp Brahmos chống hạm của mình. Đây là tên lửa hành trình chống hạm [ASCM] do Nga, Ấn Độ đồng sản xuất, và New Delhi đã tích cực giới thiệu loại vũ khí này trong các cuộc triển lãm quốc phòng quốc tế."

Việt Nam đã thiết lập 'quan hệ đối tác chiến lược toàn diện' với Ấn Độ vào năm 2016, mức cao nhất trong các cấp bậc ngoại giao.

"Tôi không ngạc nhiên nếu Ấn Độ gửi thêm tàu chiến cho Việt Nam. Hai quốc gia có cùng một đối thủ chung là Trung Quốc, và New Delhi đặc biệt muốn nâng cao hơn nữa quan hệ ngoại giao với Hà Nội", chuyên gia Richard Bitzinger từ Mỹ cho biết.

Ấn Độ sẽ là nhà cung cấp vũ khí mới cho Việt Nam?

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang trong cuộc gặp với người đồng cấp Ấn Độ, Rajnath Singh vào ngày 20/06

Các quốc gia khác như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Myanmar cũng là khách hàng mua vũ khí quân sự từ Moscow.

Trong khoảng thời gian 5 năm cho đến 2021, số lượng vũ khí của Hà Nội mua từ Nga đã giảm 2/3. Nguyên nhân là "sự phô diễn kém" của Nga tại Ukraine và các lệnh trừng phạt quốc tế khiến các nhà sản xuất của Nga khó mua phụ tùng sản xuất, theo IISS.

Chuyên gia Đinh Kim Phúc nhận định Việt Nam có những vũ khí, khí tài xuất xứ từ Nga như về phòng không có tổ hợp tên lửa phòng không S-300 PMU1, hệ thống pháo phòng không tự hành ZSU-23-4, tổ hợp tên lửa bờ Bastion và tổ hợp radar bờ Monolit-B, 20 tổ hợp tên lửa phòng không Pechora gồm các phiên bản S-125, S-125M, S-125M1A, tên lửa S-75, tên lửa Molniya, tên lửa phòng không Spyder, tên lửa diệt hạm KH-35 Uran E…

"Hải quân Việt Nam có tàu pháo TT400TP, tàu phóng ngư lôi Turya, tàu tuần tra Svetlyak, bốn tàu khu trục nhỏ thuộc lớp tàu hộ vệ Gepard, sáu chiếc tàu ngầm lớp Kilo…Không quân có máy bay tiêm kích Su-30MK2V, máy bay C-295, Su-22. Ngoài ra Việt Nam cũng đã thỏa thuận mua 12 máy bay Su-57…"

"Bên cạnh vũ khí, khí tài nhập khẩu, thời gian qua công nghiệp quốc phòng của Việt Nam đã có những bước tiến, so với các cường quốc sản xuất vũ khí thì chưa bằng ai nhưng so với các nước trong khối Asean thì vị trí của Việt Nam cũng rất đáng kể như tàu tuần tra mang tên lửa diệt hạm hiện đại 381 đầu tiên do Việt Nam đóng mới, hay các loại vũ khí bộ binh cấp chiến thuật…", ông Đinh Kim Phúc nói với BBC News Tiếng Việt.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 tại thành phố Thái Nguyên

Theo sau hơn 17 tháng diễn ra cuộc chiến tranh Ukraine, Việt Nam dường như đang tăng tốc đa dạng hóa kho vũ khí của mình ngoài Nga, thông qua mua vũ khí từ Mỹ, Israel, Hà Lan và Hàn Quốc. Reuters hồi tháng 12/2022, dẫn nhận định từ các chuyên gia cho thấy Ấn Độ, Israel và các quốc gia Đông Âu đang được xem là các nhà cung cấp thay thế Nga đối với Việt Nam trong những năm gần đây.

Hồi tháng Tư đã có thông tin từ Reuters cho thấy Việt Nam đang đàm phán với Cộng hòa Czech để mua thêm vũ khí quân sự, gồm máy bay, radar, nâng cấp các xe bọc thép và súng ống, trong bối cảnh Hà Nội đang hướng tới mục tiêu đa dạng kho vũ khí vốn hầu hết là mua từ Nga.

Cộng hòa Czech, từng là quốc gia vệ tinh của Liên Xô cũ, được xem ở vị thế tốt để đáp ứng một số nhu cầu về an ninh ngày càng tăng của Việt Nam, khi các công ty sản xuất vũ khí quân sự rất thành thạo trong việc tân trang thiết bị của Nga và thường sản xuất các thiết bị mới tương thích với kho vũ khí thời Xô Viết.

"Dù Việt Nam đã cải tiến được nhiều loại tên lửa hiện đại, các vũ khí khí tài có nguồn gốc từ Nga nhưng tôi cho rằng tư thế của quốc phòng Việt Nam hiện nay là phòng thủ bảo vệ đất nước chớ không phải chủ động tấn công gây chiến tranh", ông Đinh Kim Phúc cho biết thêm.

Thời điểm Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất vũ khí từ Nga là 1 tỷ USD [2014], nhưng sau đó giảm đáng kể, chỉ còn 9 triệu USD [2020] một phần ảnh hưởng từ Covid và 72 triệu USD [2021], theo SIPRI.

Đại tá Raymond M. Powell nhận định "vẫn còn khó khăn để Việt Nam rời bỏ thói quen mua vũ khí từ bạn hàng Nga lâu năm."

"Những diễn biến địa chính trị gần đây đã làm gia tăng nhu cầu Việt Nam tìm các lựa chọn mới. Sự phô diễn kém cỏi của quân đội Nga trong cuộc xung đột Ukraine đã làm gia tăng sự ngờ vực về chất lượng các loại vũ khí của Nga."

"Ấn Độ hiện nay đang tận dụng điều này để trở thành một nhà cung cấp mới trên thị trường vũ khí quốc tế. Điều này đã trở thành ưu tiên của chính phủ Thủ tướng Narendra Modi. Và Ấn Độ gần đây cũng đã có sự thành công trong lĩnh vực marketing khi bán các tổ hợp tên lửa đối hạm BrahMos đến những khách hàng ở Đông Nam Á", ông Raymond bình luận.

Bình luận về khả năng Việt Nam sẽ mua thêm nhiều vũ khí từ Ấn Độ, chuyên gia Richard Bitzinger cho biết:

"Việt Nam đã có kế hoạch nâng cấp hải quân vào những năm 2010, nhưng bị ảnh hưởng từ tham nhũng và thiếu kinh phí. Vũ khí của Ấn Độ thường là sao chép thiết kế của Nga, hoặc dựa rất nhiều vào hệ thống phụ trợ của Nga [như máy móc, radar, và đặc biệt là các loại vũ khí như tên lửa...]. Do đó vũ khí từ Ấn Độ có thể phù hợp tốt cho Việt Nam."

"Mặt khác nước Nga hiện nay khá bị mất uy tín, và nhiều quốc gia đang bắt đầu rời xa vũ khí do Nga sản xuất. Theo SIPRI, thì doanh số buôn bán vũ khí toàn cầu của Nga đã giảm từ 7 tỷ USD trong năm cách đây khoảng 10 năm xuống chỉ còn 2,8 tỷ USD vào năm 2022."

"Tôi nghĩ Việt Nam muốn tiếp tục mua vũ khí của Nga, nhưng Hà Nội có thể thấy việc đa dạng hóa - thậm chí mang tính tạm thời - sẽ là điều có lợi", ông Richard Bitzinger bình luận.

Chủ Đề