Tiểu luận phân tích các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường về quản lí chất thải

Tiểu luận Thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường

Hiện nay trong quá trình đô thị hoá nhanh kéo theo đó là các tác động của nó đến môi trường sống, môi trường sinh thái, ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt và làm môi trường ngày càng bị ô nhiễm. Chính vì vậy, bảo vệ môi trường trở thành xu thế tất yếu và công tác bảo vệ môi trường và bài mẫu Tiểu luận: Thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường ở tỉnh Bình Phước ra đời, có vai trò đặc biệt quan trọng góp phần giảm thiểu sự tác động của con người vào môi trường, làm giảm thiểu các nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Mục đích nghiên cứu

Thông qua khảo sát thực trạng công tác thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường tại xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, trên cơ sở đó đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao công tác thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường tại xã Lộc Thịnh, giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân sinh sống ở đây.

Nhiệm vụ nghiên cứu

– Hệ thống hoá các vấn đề lí luận có liên quan đến đề tài nghiên cứu.

– Đánh giá công tác thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường tại xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

– Đưa ra các giải pháp nâng cao công tác thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường tại xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

– Đối tượng nghiên cứu: Công tác thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường tại xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

– Phạm vi nghiên cứu:

+Về không gian: nghiên cứu pháp luật về bảo vệ môi trường tại xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

+Về thời gian: Nghiên cứu hiện trạng môi trường và quá trình thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường tại xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước từ năm 2016 – 2020.

Phương pháp nghiên cứu

– Phương pháp luận: Sử dụng phương pháp luận nghiên cứu duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin và các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường tại xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh.

– Phương pháp nghiên cứu: kết hợp nhiều phương pháp bao gồm phương pháp thống kê, phân tích, so sánh và tổng hợp, đặc biệt coi trọng phương pháp tổng kết thực tiễn thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh.

XEM THÊM ⇒ Dịch vụ viết thuê Tiểu luận

Phần nội dung chính của bài Tiểu luận: Thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường

Các khái niệm cơ bản về pháp luật về bảo vệ môi trường

Môi trường được tạo thành bởi các yếu tố [hay còn gọi là thành phần môi trường] sau đây: không khí, nước, đất, âm thanh, ánh sáng, lòng đất, núi, rừng, sông, hồ, biển, sinh vật, hệ sinh thái, các khu dân cư, khu sản xuất, khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và các hình thái vật chất khác.

Trong đó, không khí, đất, nước, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên… là các yếu tố tự nhiên [các yếu tố này xuất hiện và tồn tại không phụ thuộc vào ý chí của con người]; khu dân cư, khu sản xuất, di tích lịch sử… là yếu tố vật chất nhân tạo [các yếu tố do con người tạo ra, tồn tại và phát triển phụ thuộc vào ý chí của con người]. Không khí, đất, nước, khu dân cư… là các yếu tố cơ bản duy trì sự sống của con người, còn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh… có tác dụng làm cho cuộc sống của con người thêm phong phú và sinh động.

Trên cơ sở đó, theo Điều 1, Luật Bảo vệ Môi trường 2014 quy định: Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên.

Khái niệm thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường

– Pháp luật về bảo vệ môi trường

Pháp luật là hệ thống các quy tắc do Nhà nước ban hành và bảo đảm thể hiện ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội, là yếu tố điều chỉnh các quan hệ xã hội. Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa [XHCN], là nhà nước của dân, do dân và vì dân, do đó pháp luật thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và đông đảo nhân dân lao động.

Pháp luật có vị trí đặc biệt quan trọng trong bảo vệ môi trường. Pháp luật quy định các quy tắc xử sự mà con người phải thực hiện khi khai thác và sử dụng các yếu tố của môi trường. Mặt khác, pháp luật quy định các chế tài hình sự, kinh tế, hành chính để buộc các cá nhân, tổ chức phải thực hiện đầy đủ các đòi hỏi của pháp luật trong việc khai thác và sử dụng các yếu tố của môi trường. Cụ thể là thông qua pháp luật, Nhà nước quy định chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của các tổ chức trong việc bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, Nhà nước bằng Luật bảo vệ và phát triển rừng quy định quyền hạn của tổ chức kiểm lâm trong việc bảo vệ rừng. Theo đó, các nhân viên kiểm lâm, hạt trưởng kiểm lâm, chi cục trưởng kiểm lâm… có quyền phạt hành chính đối với hành vi phá hoại rừng- một yếu tố hết sức quan trọng của môi trường.

Như vậy, rõ ràng pháp luật xã hội chủ nghĩa là hệ thống các quy tắc xử sự thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng, do Nhà nước xã hội chủ nghĩa ban hành và đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước trên cơ sở giáo dục và thuyết phục mọi người tôn trọng và thực hiện. Từ những phân tích như trên có thể đưa ra khái niệm pháp luật về bảo vệ môi trường như sau: Pháp luật về bảo vệ môi trường là hệ thống các quy phạm pháp luật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong việc khai thác sử dụng, tiết kiệm, bảo vệ, giữ gìn, quản lý tài nguyên thiên nhiên [tổ chức quản lý hoạt động bảo vệ môi trường] nhằm bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành gắn kết hài hoà với phát triển kinh tế và bảo đảm tiến bộ xã hội để phát triển bền vững đất nước, góp phần bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu.

– Khái niệm thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường

Thực hiện pháp luật là hành vi [hành động hoặc không hành động] của con người được tiến hành phù hợp với yêu cầu của các quy phạm pháp luật. Khoa học pháp lý gọi đó là những hành vi hợp pháp. Thực hiện pháp luật là quá trình hoạt động có mục đích làm cho những quy định của pháp luật trở thành hiện thực trong cuộc sống, tạo ra cơ sở pháp lý cho hoạt động thực tế của các chủ thể pháp luật.

Để bảo vệ môi trường trước nguy cơ suy thoái và ô nhiễm đang diễn ra dưới tác động của con người, Nhà nước ta đã ban hành một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để những quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống và trở thành hành vi xử sự, hợp pháp của các chủ thể pháp luật về bảo vệ môi trường, phát huy tác dụng của nó trong thực tiễn, Nhà nước phải giữ vai trò cốt yếu trong việc thực hiện và tổ chức thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường.

Từ lý giải trên có thể hiểu khái niệm thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường như sau: Thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường là quá trình hoạt động có mục đích làm cho những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi thực tế, hợp pháp của các chủ thể pháp luật về bảo vệ môi trường, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động trong thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, phòng ngừa và xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đảm bảo quyền con người được sống trong môi trường trong lành và bảo đảm sự phát triển bền vững.

– Nội dung thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường

Vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam đã được quan tâm từ khá lâu và trong giai đoạn hiện nay khi Luật bảo vệ môi trường được ban hành, lại càng đặc biệt được chú trọng. Đây là văn bản quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện công tác BVMT. Mặt khác bảo vệ môi trường không những được quy định trong Luật, mà còn được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định nghĩa vụ bảo vệ môi trường đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân hữu quan như: Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ năm 1996, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Luật Đất đai 2013, Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013, Luật Dầu khí 2008, Luật Khoáng sản 2010, Luật Thú y 2015… liên quan đến lĩnh vực môi trường, những văn bản pháp luật này quy định về đánh giá tác động môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong quá trình nuôi trồng, khai thác và chế biến thuỷ sản, trong hoạt động dầu khí, trong quá trình tham gia giao thông, xây dựng…; chế độ pháp lý trong việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời các văn bản pháp luật này cũng quy định các nguyên tắc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước với tư cách là bảo vệ sinh thái, môi trường. Ngoài ra, pháp luật môi trường cũng xác định rõ BVMT là một bộ phận cấu thành trong hệ thống kinh tế, xã hội và được kế hoạch hoá đồng bộ với kế hoạch hoá của các ngành kinh tế quốc dân khác.

Nhìn chung, cho đến nay hệ thống pháp luật về môi trường ở nước ta đã phát triển cả nội dung và hình thức, điều chỉnh tương đối đầy đủ các thành tố tạo nên môi trường. Hệ thống các tiêu chuẩn của môi trường cũng đã được ban hành làm cơ sở cho việc kiểm soát, đánh giá tác động môi trường. Các văn bản pháp luật được ban hành bước đầu đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của cơ quan nhà nước, tổ chức, công dân đối với vấn đề môi trường. Với tư cách là thành viên của Liên hợp quốc và Chương trình môi trường Liên hợp quốc, Việt Nam đã rất quan tâm đến việc hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

XEM THÊM ⇒ Trọn bộ bài mẫu Tiểu luận hay 

Thực trạng thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường ở xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước

Đặc điểm tự nhiên-xã hội của xã Lộc Thịnh

Đặc điểm tự nhiên: Lộc Thịnh là một xã thuộc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Xã Lộc Thịnh có diện tích 78,57 km², dân số năm 2015 là 6.057 người, mật độ dân số đạt 59 người/km². Đây là xã miền núi có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng và an ninh.

Về khí hậu: Lộc Thịnh là xã có địa hình cao, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

Xã Lộc Thịnh chủ yếu là đất rừng, còn lại là đất nông nghiệp với phần lớn là đất đỏ bazan có độ phì nhiêu cao, phù hợp với các loại cây trồng hàng năm như lúa, hoa màu, các loại cây ăn trái và một số loài cây lâu năm có thu nhập cao như: điều, hồ tiêu, cao su.

– Đặc điểm kinh tế

Với diện tích đất chủ yếu phục vụ phát triển nông nghiệp nên nền kinh tế của xã phần lớn đều dựa vào nông nghiệp, với sản lượng thu được hàng năm chiếm 90% từ diện tích đất trồng lúa, hoa màu và các loại cây ăn trái. Ngoài ra có sản lượng nhỏ thu được từ phát triển các loại cây công nghiệp như điều, tiêu.

Chính vì vậy, mặc dù có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nhưng nền kinh tế của xã còn gặp nhiều khó khăn vì chủ yếu dựa vào nông nghiệp; các ngành tiểu thủ công nghiệp rất ít và phát triển đơn lẽ ở vài hộ gia đình. Mặt khác, với mật độ dân số thấp, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, cơ sở vật chất còn nghèo nàn đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân và phát triển các ngành nghề khác.

Thực tiễn thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường tại xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh

– Thực tiễn thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường

+ Tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về môi trường

Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình, hằng năm Uỷ ban nhân dân xã Lộc Thịnh đã tổ chức triển khai nghiêm túc và triệt để Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/ 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường của Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện ban hành … Trên cơ sở đó, chính quyền xã luôn quan tâm và có những ý kiến đóng góp thiết thực nhằm xây dựng, hoàn thiện các nội dung pháp luật quy định về bảo vệ môi trường, đồng thời căn cứ vào thực tế tình hình địa phương để đưa ra những giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế đặt ra. Ngoài ra, chính quyền xã còn thường xuyên phát động các phong trào thu gom rác thải tái chế đổi lấy quà; kêu gọi người dân không xả chất thải động vật ra kênh rạch, ao hồ, sông suối; kế hoạch tuyên truyền vận động nhân dân không chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép…

Như vậy, qua quá trình triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch trên địa bàn xã đã thu được nhiều kết quả cao, tỷ lệ người dân nắm các quy định về pháp luật bảo vệ môi trường có xu hướng tăng lên, các hành vi vi phạm có dấu hiệu giảm, các rác thải từng bước được thu gom đến khu xử lý rác đúng quy định, hạn chế tình trạng người dân vứt rác thải bừa bãi ra môi trường; các cơ sở sản xuất chăn nuôi vừa và nhỏ có ý thức hơn trong xử lý nước thải, thức ăn và rác thải trong chăn nuôi.

+ Triển khai các chương trình, xây dựng các mô hình hành động về bảo vệ môi trường

Trên cơ sở các chương trình hành động do các cơ quan, ban, ngành cấp trên phát động, chính quyền xã cũng triển khai và xây dựng các chương trình hành động về bảo vệ môi trường tại địa phương phù hợp với tình hình thực tế nhằm kêu gọi người dân cùng chung tay với chính quyền trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Trong đó, Uỷ ban nhân dân xã đã phát động các hộ dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới. Vận động người dân hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần; thu gom, phân loại rác thải nhựa tại gia đình.

Hướng dẫn và phát huy hiệu quả các hoạt động tự quản của cộng đồng, các mô hình điểm tại địa bàn dân cư tự quản bảo vệ môi trường như nhân dân tự giác thực hiện hương ước, quy ước hoặc bản cam kết thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có trên 95% hộ đăng ký và thực hiện cam kết, trên 90% hộ tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, trên 90% hộ gia đình nộp đủ các loại phí bảo vệ môi trường theo quy định.  Bảo đảm vệ sinh, môi trường ở nơi công cộng và nơi sinh hoạt của khu dân cư. Có các tổ chức tự quản và hoạt động tích cực, hiệu quả; có lịch hoạt động, kiểm tra, đánh giá kết quả; tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường [tuần, tháng, quý, năm].

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường cấp xã đã tích cực phối hợp cùng các cấp chính quyền, huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân; khuyến khích xã hội hóa các nguồn lực [huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nguồn vốn hợp pháp khác] cho xây dựng các công trình xử lý, bảo vệ môi trường với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; tham gia các phong trào, mô hình BVMT và giữ gìn, làm đẹp cảnh quan nông thôn như: ‘‘Xây dựng môi trường nông thôn xanh – sạch – đẹp”, phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình, “Nhà sạch, vườn xanh; đường, sông không rác”, trồng cây bóng mát, trồng hoa bên lề đường trục xã, thôn, xóm… Xã đã tổ chức tốt hoạt động thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh xung quanh nơi sinh sống với sự tham gia của cộng đồng; môi trường nông thôn được xây dựng theo hướng sáng – xanh – sạch – đẹp; cảnh quan nông thôn được cải thiện đáng kể. Qua triển khai 95% người dân đã ký cam kết tham gia các kế hoạch, cam kết nghiêm túc thực hiện nhằm đảm bảo môi trường lành mạnh, không ô nhiễm.

+ Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường

Trong thời gian qua, hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đã được các cấp, ngành, chính quyền xã đặc biệt quan tâm và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về bảo vệ môi trường. Các sự kiện lớn về môi trường như Giờ Trái đất, Ngày Trái đất [22/4], Ngày Môi trường thế giới [5/6]; Ngày quốc tế Đa dạng sinh học [22/5], Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn… được phát động rộng rãi.

Bên cạnh đó, nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân cũng được tổ chức thông qua các tư liệu, tranh ảnh, phương tiện truyền thông [báo chí, phát thanh, truyền hình], các cuộc thi sáng tác, viết, vẽ, tìm hiểu pháp luật về môi trường, các cuộc vận động quần chúng tham gia bảo vệ môi trường… Hàng năm, các phong trào, hoạt động có ý nghĩa về bảo vệ môi trường do các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tổ chức huy động đông đảo nhân dân tham gia như: Cuộc thi Sáng tác ảnh về môi trường; ngày hội tái chế chất thải; hội thi tuyên truyền về nước sạch, vệ sinh môi trường và thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn…

Như vậy có thể thấy trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường trên địa bàn xã đã được triển khai thường xuyên, liên tục và kịp thời, có sự lồng ghép đa dạng trong các buổi họp của xã với người dân các ấp, hoặc hội nghị tổng kết cuối năm thông qua các tiểu phẩm, câu chuyện, các vở kịch ngắn…. Với các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú; qua đó góp phần truyền tải các thông tin về môi trường tới người dân một cách nhanh chóng. Ngoài ra, Uỷ ban nhân dân xã còn căn cứ vào tình hình địa bàn xã là khu vực có mật độ dân cư thưa thớt và điều kiện thuần nông, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn nên đã thường xuyên cử cán bộ địa chính xã trực tiếp xuống từng hộ, từng gia đình để tuyên truyền, nói chuyện, chia sẽ với người dân về vai trò, tác dụng của môi trường để qua đó người dân hiểu và không có các hành vi vi phạm. Qua các hoạt động ngày càng cụ thể về nội dung, đa dạng về hình thức, đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cộng đồng dân cư về trách nhiệm tham gia giữ gìn và bảo vệ môi trường sống, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý, giải quyết… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một bộ phận nhân dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, chưa nêu cao trách nhiệm trong việc giữ gìn cảnh quan và môi trường sống.

+ Kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm về môi trường

Hiện nay người dân trên địa bàn chủ yếu làm nông nghiệp, với các trang bị, công cụ, phương tiện thô sơ và đơn giản. Vì vậy, việc xả thải, rác và các chất thải sinh hoạt, chất thải trong chăn nuôi, trồng trọt ra môi trường hầu như vẫn không qua xử lý, mà thải trực tiếp ra môi trường. Ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, môi trường sống. Chính vì vậy, chính quyền xã đã căn cứ vào tình hình thực tế xây dựng các kế hoạch kiểm tra định kỳ [hàng quý, năm] và các kế hoạch kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời kiểm tra, giám sát thực tế hoạt động sản xuất của các hộ gia đình trong sản xuất kinh doanh, phát triển nông nghiệp…

Việc kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm đã góp phần nhắc nhở những hộ dân có hành vi vi phạm, đồng thời có các hình thức xử lý hành chính phù hợp nhằm tạo tính răn đe, giáo dục và cũng như yêu cầu nộp phạt theo quy định, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân và cơ quan quản lý..

XEM THÊM ⇒ Mẫu Tiểu luận môn Luật lao động 

Những hạn chế cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn xã Lộc Thịnh, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định sau:

– Nhận thức của một bộ phận nhân dân còn chưa cao, người dân chưa hiểu rõ và đôi khi cố tình không hiểu việc vi phạm của mình sẽ ảnh hưởng đến môi trường nơi chính mình sinh sống. Cho nên, gây khó khăn cho chính quyền xã trong triển khai thực hiện các quy định cũng như áp dụng các quy định đó trong thực tiễn.

– Do địa bàn đất nông nghiệp, đất rừng và đất phòng hộ chiếm tỷ lệ chủ yếu nên vẫn còn tình trạng người dân vi phạm trong việc lấn chiếm đất rừng, đất phòng hộ để canh tác làm nương rẫy, trồng lúa, hoa màu; nạn chặt phá rừng, khai thác lâm sản vẫn đang diễn ra, đặc biệt là tình trạng chặt phá các khu rừng nguyên sinh, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ.

– Mặc dù đã thường xuyên nhắc nhở, cảnh cáo và xử lý vi phạm đối với các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, những biện pháp đưa ra chưa thực sự đồng bộ và quyết liệt hoặc một số trường hợp vì quen biết, nể nang xử lý qua loa cho có lệ, thậm chí có tiêu cực nên việc thực hiện pháp luật không nghiêm, suy giảm hiệu lực của các chế tài xử lý.

– Công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong những năm qua đã được quan tâm và chú trọng. Tuy nhiên về số lượng và chất lượng còn hạn chế, nội dung tuyên truyền chưa thực sự phong phú, chưa thu hút được đại bộ phận người dân tham gia, đặc biệt là những lứa tuổi như người già, trẻ em và phụ nữ.

– Lực lượng cán bộ được phân công làm công tác về môi trường hiện nay chủ yếu là những cán bộ chưa được đào tạo đúng chuyên môn hoặc đúng chuyên môn thì trình độ, kinh nghiệm còn hạn chế, ngoài công việc về môi trường còn phải phụ trách, kiêm nhiệm các công việc khác khi được phân công.

– Trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động bảo vệ môi trường như phương tiện máy móc, trang bị dụng cụ, các máy móc đo đạc còn thiếu thốn. Nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Còn sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường cho các mục đích khác hoặc sử dụng không hiệu quả.

– Trên địa bàn xã hiện tượng xả thải ra môi trường vẫn còn tiếp diễn. Mặt khác, các cơ sở thu gom, xử lí rác thải sinh hoạt chưa đủ đáp ứng yêu cầu đặt ra trong khi chất lượng cuộc sống ngày càng cao, lượng rác thải ra môi trường ngày càng nhiều.

– Vì hoạt động chăn nuôi là chủ yếu trên địa bàn, các trang trại chăn nuôi nằm rãi rác và không có hệ thống thải riêng mà xả trực tiếp chất thải không được xử lý ra đồng ruộng, ao cá, kênh rạch, cống rãnh… dẫn đến mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường.

Nhìn chung, qua theo dõi tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn xã Lộc Thịnh trong những năm gần đây cho thấy, chính quyền xã đã tích cực triển khai và hướng dẫn, tuyên truyền đồng bộ Luật bảo vệ môi trường cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức; đấu tranh kịp thời có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Để nâng cao hiệu quả công tác thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường tại địa phương trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân xã đã giao các cán bộ địa phương tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật để qua đó đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường tại xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh trong thời gian tới.

Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường ở xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh

Một số giải pháp đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn xã Lộc Thịnh như sau:

Hoàn thiện thể chế, các cơ chế chính sách

Hiện nay các cơ chế chính sách áp dụng cho các địa bàn xã đang có những bất cập, vì vậy trong thời gian tới chính quyền cấp xã cần có những đề xuất chính quyền cấp trên xem xét, bổ sung thay thế cho phù hợp với địa bàn dân cư.

Trong đó cán bộ làm công tác địa chính xã hiện nay chỉ có 01 người, cần bổ sung thêm cán bộ hợp đồng nhằm tăng cường nguồn nhân lực cho cán bộ môi trường cấp xã.

Ngoài sự tham gia của chính quyền cần đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường bằng cách kêu gọi, khuyến khích sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội, của người dân và cộng đồng vào các hoạt động bảo vệ môi trường.

Đề xuất xây dựng các chính sách nhằm tăng cường kêu gọi đầu tư nguồn vốn và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường.

Bên cạnh việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tập thể, cá nhân có hoạt động ảnh hưởng đến môi trường, cần kết hợp việc động viên, khen thưởng đối với các cá nhân, tổ chức có các hành động trong bảo vệ môi trường.

Khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho các hộ trong phát triển sản xuất và chăn nuôi, đồng thời hỗ trợ vốn cho các hộ trong kinh doanh, sản xuất nhỏ thông qua nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước chi cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp ở xã.

Như vậy, cần tạo dựng và duy trì cơ chế chính sách hợp lý nhằm tăng cường nguồn lực trong phát triển kinh tế của địa phương, đồng thời đáp ứng yêu cầu trong bảo vệ môi trường.

XEM THÊM ⇒ 999+ KHO TIỂU LUẬN MÔN TRIẾT HỌC

Tiếp tục thực hiện tốt và đôn đốc nhân dân trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt

Thực tế trên địa bàn xã việc phân loại rác tại nguồn  chưa thực hiện, người dân thường bỏ hết rác thải xả ra và đưa cho lực lượng đi thu gom, ngoài ra nhiều hộ chưa tham gia ký hợp đồng với cơ sở thu gom mà xử lý rác thải bằng cách đốt tại chỗ hoặc đưa rác đi vứt ở ao hồ, sông suối hay những khu vực vắng vẻ… Chính vì vậy, tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn còn xảy ra. Cho nên trong thời gian tới chính quyền xã cần có biện pháp tuyên truyền để người dân cùng chung tay trong việc thu gom rác, không vứt rác hay đốt thủ công sẽ gây ra mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan xã, mà nên ký hợp đồng với cơ sở thu gom để họ thu theo từng hộ.

Mặt khác, cần nghiên cứu đề xuất với chính quyền cấp trên trong việc trang bị cho xã các thùng rác ở các khu vực công cộng để người dân dễ dàng tiện lợi vứt rác, vì thực tế không thấy thùng rác nên họ vứt đại ra đường, ra mương, ao hồ… tăng cường thêm lực lượng đi thu gom rác ở các khu vực công cộng như ao hồ, sông, kênh, mương để vớt các lượng rác còn tồn đọng, trôi nổi. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường nông thôn, ảnh hưởng của rác thải sinh hoạt nông thôn tới môi trường chung của khu vực để người dân từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát

Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định về BVMT của người dân, nhất là đối với các hộ sản xuất, chăn nuôi gia súc gia cầm, nhắc nhở các hộ có biện pháp thu gom lượng rác do gia súc, gia cầm thải ra khi chăn thả tự nhiên. Đồng thời yêu cầu các hộ làm hệ thống xử lý chất thải tại cơ sở chăn nuôi đảm bảo yêu cầu về BVMT. Đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cần thu gom rác thải đúng quy định, không xả rác trực tiếp ra môi trường mà không có biện pháp bảo vệ.

Qua kiểm tra có hình thức xử phạt nghiêm minh đối với những cơ sở, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, buộc các cơ sở gây ô nhiễm phải thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm.

Bên cạnh đó, cần có kế hoạch cụ thể trong việc kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường định kỳ hoặc đột xuất; để qua đó đánh giá được những tác động của nó; cũng như có cảnh báo và dự đoán nguy cơ phát sinh các vấn đề gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường. Từ đó, đề xuất biện pháp ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường kịp thời; xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị liên quan đến bảo vệ môi trường trên địa bàn xã, phòng chống tội phạm về môi trường.

Tiểu luận Thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường

Đề xuất tăng cường lực lượng, bố trí cán bộ làm công tác về môi trường hợp lý

Hiện nay lực lượng cán bộ xã nói chung và lực lượng làm công tác môi trường nói riêng chủ yếu chưa qua đào tạo hoặc chỉ trình độ trung cấp, trình độ đại học còn rất ít. Mặt khác, phần lớn cán bộ xã là nhân viên hợp đồng dài hạn nên đôi lúc việc nghỉ ngang, nghỉ khi chưa hết hợp đồng vẫn xảy ra thường xuyên. Chính vì vậy, việc đề xuất xin phân bổ, bố trí thêm cán bộ chuyên môn, có kiến thức về môi trường cho xã là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới.

Ngoài việc bố trí cán bộ cho công tác môi trường, cần đề xuất cho cán bộ đang phụ trách công tác này được đi học tập, tập huấn ngắn ngày tại các lớp vừa học vừa làm do chính quyền cấp trên tổ chức, nhằm trang bị thêm kiến thức và kỹ năng cũng như chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng phục vụ công việc. Mặt khác, cần bố trí công việc hợp lý, không để cán bộ môi trường cấp xã kiêm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ như hiện nay.

DOWNLOAD

BVMT luôn luôn là vấn đề cấp thiết và có ý nghĩa chiến lược, hết sức quan trọng đối với mỗi địa phương nói riêng cũng như cả nước nói chung. Chính vì vậy, tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT chính là cơ sở đầu tiên quan trọng góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ tiếp theo trong thời gian tới. Và AD cũng sẽ tiếp tục đăng tải cho các bạn thêm nhiều bài mẫu Tiểu luận về BVMT, theo dõi AD ngay nhé.

Video liên quan

Chủ Đề