Truyền hình mặt đất là gì

Năm 2016, hai thành phố lớn trực thuộc Trung ương: Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơđã tắt sóng truyền hình tương tự, chuyển sang phát sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất DVB-T2. Theo lộ trình số hoá truyền hình của Ban chỉ đạo Đề án số hoá truyền hình Việt Nam, năm 2017, Cà Mau là một trong 8 tỉnh sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất vào ngày đến ngày 31/12/2017 để chuyển sang truyền hình số mặt đất DVB-T2, gồm các tỉnh Khánh Hoà [thuộc Nhóm II] và 7 tỉnh thuộc Nhóm III gồm Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

Để hiểu thêm về vấn đề tắt sóng truyền hình tương tự, chuyển sang phát sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất DVB-T2 Trang thông tin điện tử huyện Cái Nước giới thiệu nội dung hỏi đáp về một số thông tin cần biết như sau:

Hỏi: Truyền hình số là gì? Truyền hình số làm việc như thế nào?

Trả lời:

- Trong truyền hình số, tín hiệu hình ảnh và âm thanh được truyền dẫn, phát sóng dưới dạng dòng dữ liệu số đã được xử lý [tín hiệu truyền hình số].

Tại phần thu [đầu thu truyền hình số DVB-T2 hoặc Tivi có tích hợp đầu thu truyền hình số DVB-T2], tín hiệu truyền hình số được chuyển đổi ngược lại thành hình ảnh và âm thanh.

- Tín hiệu truyền hình số có thể truyền theo 3 phương thức: phát sóng mặt đất [sử dụng ăng-ten thông thường], phát sóng qua vệ tinh [sử dụng ăng-ten vệ tinh], hoặc cáp [CATV, IPTV]. Truyền hình số sử dụng phương thức phát sóng mặt đất được gọi là truyền hình số mặt đất.

Hỏi: Số hóa truyền hình mặt đất DVB-T2 là gì?

Trả lời:

- Số hóa truyền hình mặt đất được hiểu đơn giản là quá trình chuyển đổi công nghệ phát sóng và thu, xem từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất. Quá trình số hóa truyền hình mặt đất được thực hiện cả ở phía phát và phía thu nhằm mang lại nhiều lợi ích cho người xem truyền hình, cho công nghiệp truyền hình và cho Nhà nước.

- Khi quá trình số hóa này hoàn thành, truyền hình số mặt đất DVB-T2 sẽ thay thế hoàn toàn truyền hình tương tự mặt đất. Truyền hình tương tự mặt đất sẽ ngừng hoạt động và đi vào lịch sử như truyền hình đen trắng trước đây được thay thế bởi truyền hình màu.

Hỏi: Tại sao phải chuyển từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất ?

Trả lời:

Quá trình số hóa truyền hình mặt đất là tất yếu vì các yếu tố sau đây:

- Quá trình số hóa truyền hình mặt đất đang diễn ra trên quy mô toàn thế giới vì các lợi ích mà nó mang lại;

- Truyền hình số mặt đất đem lại nhiều lợi ích cho người xem như: chất lượng cao về hình ảnh và âm thanh, số lượng nhiều kênh chương trình truyền hình được truyền;

- Chuyển sang truyền hình số mặt đất: nhiều kênh chương trình, dịch vụ truyền hình mới được cung cấp ra thị trường; công nghiệp nội dung, sản xuất chương trình truyền hình có điều kiện để phát triển; lĩnh vực truyền dẫn, phát sóng huy động được các nguồn lực, được đầu tư, phát triển theo hướng chuyên môn hóa, đạt hiệu quả cao hơn nhiều so với truyền hình tương tự mặt đất;

- Chuyển sang truyền hình số mặt đất: nguồn tài nguyên tần số vô tuyến điện được sử dụng rất hiệu quả vì một kênh tần số có thể truyền được nhiều kênh chương trình truyền hình số. Sau khi kết thúc quá trình số hóa truyền hình, một phần của băng tần UHF đang sử dụng bởi truyền hình mặt đất sẽ được giải phóng. Đây là nguồn tài nguyên tần số quan trọng để triển khai các dịch vụ thông tin vô tuyến băng rộng mới sẽ góp phần vào việc thức đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hỏi: Xin cho biết lợi ích của người xem truyền hình khi chuyển sang sử dụng truyền hình số?

Trả lời:

- Truyền hình số cho chất lượng âm thanh, hình ảnh trung thực và sắc nét; không còn hiện tượng "bóng ma", "muỗi" như truyền hình tương tự.

- Truyền hình số có thể cung cấp số lượng kênh chương trình nhiều hơn truyền hình tương tự.

- Người xem được hưởng thêm các tiện ích khác, ví dụ như dịch vụ Hướng dẫn chương trình điện tử [EPG], truyền hình tương tác nhằm tăng tính tương tác của khán giả và gia tăng sự hấp dẫn đối với các chương trình truyền hình,

Hỏi: Khi chuyển sang truyền hình số mặt đất, Tivi cũ nhà tôi đang dùng có còn sử dụng được nữa không?

Trả lời:

Đối với tivi cũ chưa tích hợp chuẩn DVB-T2 thì khán giả cần kết hợp sử dụng đầu thu truyền hình số mặt đất SDTV và ăng-ten thu sóng DVB-T2.

TV cũ nhà bạn đang được dùng để xem truyền hình tương tự mặt đất và trong vùng phát sóng truyền hình số mặt đất thì bạn phải trang bị đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 để tiếp tục sử dụng TV cũ.

Hỏi: Tôi đang sử dụng truyền hình cáp HTVC. Tôi cần phải làm gì khi số hóa truyền hình mặt đất?

Trả lời:

Truyền hình cáp không bị ảnh hưởng khi số hóa truyền hình mặt đất. Bạn vẫn thu, xem các kênh chương trình truyền hình bình thường và không phải chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất.

Hỏi: Nếu sử dụng truyền hình số mặt đất, có phải mất tiền thuê bao hàng tháng như truyền hình cáp không?

Trả lời:

Sử dụng truyền hình số mặt đất có thể thu xem miễn phí nhiều kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của Đài THTP.HCM, Đài THVN và Đài PTTH địa phương và các kênh không khóa mã, tức là vẫn có thể xem các kênh chương trình như hiện tại, nhưng hình ảnh sẽ sắc nét, âm thanh sẽ sống động hơn.

Ngoài ra, truyền hình số mặt đất còn cung cấp các dịch vụ truyền hình trả tiền [được khóa mã để quản lý thuê bao]. Để truy cập được các dịch vụ truyền hình này thì người xem truyền hình phải ký hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ và trả tiền phí thuê bao hàng tháng.

Hỏi: Có thể xem được bao nhiêu kênh miễn phí trong truyền hình số mặt đất ?

Trả lời:

Với đầu thu truyền hình kỹ thuật số và ăng-ten thu sóng của SDTV, khán giả có thể xem được hơn 60 kênh, trong đó có hơn 32 kênh chương trình do SDTV truyền dẫn gồm các kênh quảng bá của HTV, những kênh truyền hình thiết yếu của các tỉnh khu vực miền Nam và một số kênh truyền hình đặc sắc khác.

Số lượng kênh miễn phí bao gồm các kênh HTV, các chương trình giải trí, phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của Thành phố Hồ Chí Minh, của Trung ương và các địa phương, cùng nhiều kênh chương trình khác được các đơn vị truyền dẫn, phát sóng không khóa mã đến người xem.

Hỏi: Xin tư vấn giúp tôi nên đầu tư mua TV mới có tích hợp đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 hay chỉ nên mua đầu thu truyền hình số DVB-T2 và sử dụng TV cũ?

Trả lời:

- Trường hợp bạn sử dụng TV cũ có độ phân giải thấp và trang bị đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 thì bạn sẽ không thưởng thức được các kênh chương trình truyền hình có chất lượng cao đang được truyền trên truyền hình số mặt đất.

- Nếu có nhu cầu và đủ điều kiện trang bị TV mới, thì bạn nên trang bị TV có tích hợp đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 để có thể tận hưởng các ưu điểm của truyền hình số về chất lượng hình ảnh và âm thanh.

Hỏi: Khi lộ trình số hóa truyền hình hoàn tất, nếu tôi không có TV tích hợp đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 hay không có đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 là tôi sẽ không còn xem được TV nữa có đúng không?

Trả lời:

- Khi hoàn thành lộ trình số hóa truyền hình thì truyền hình tương tự mặt đất sẽ bị ngừng phát sóng. Do vậy, nếu không có đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 hoặc không có TV có tích hợp đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 thì bạn sẽ không thu được truyền hình số mặt đất nữa.

- Truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình IPTV đều không bị ảnh hưởng khi truyền hình tương tự mặt đất ngừng phát sóng. Vì vậy, bạn có thể thuê dịch vụ để xem các truyền hình này.

Hỏi: Có quy định tiêu chuẩn gì cho đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 không?

Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Việt Nam dành cho thiết bị thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại Thông tư số 20/2012/TT-BTTTT ngày 04/12/2012.

Theo quy định, các đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 hoặc TV có tích hợp đầu thu thu truyền hình số DVB-T2 khi lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hàng hóa, dấu hợp quy và phải dán biểu trưng truyền hình số mặt đất.

Hỏi: Trong giai đoạn chuyển đối từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất, làm thế nào để nhận biết TV có tích hợp đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2?

Trả lời:

Theo quy định, TV có tích hợp đầu thu truyền hình số DVB-T2 phải được gắn nhãn hàng hóa, dấu hợp quy và biểu trưng truyền hình số DVB-T2. Trong nhãn hàng hóa có ghi dòng chữ: "Hỗ trợ thu truyền hình số mặt đất DVB-T2".

Biểu trưng truyền hình số mặt đất DVB-T2 là hình con mắt cách điệu có 3 màu: Đỏ, Xanh lá cây, Xanh lam là 3 màu cơ bản của truyền hình như hình sau đây.

Biểu trưng truyền hình số mặt đất DVB-T2 của Việt Nam được gắn riêng hoặc chung với nhãn hàng hóa trên sản phẩm, bao bì thương phẩm [dán trực tiếp lên TV hoặc hộp đựng TV].

Video liên quan

Chủ Đề