Vai trò của người giáo viên trong việc dạy học tích cực

05/11/2015 15:14

Từ lâu, nghề dạy học đã được xã hội tôn vinh, được Nhân dân quý trọng. Thầy, cô như những người ươm mầm, chắt chiu những gì tốt đẹp nhất cho biết bao thế hệ học trò. Nhưng trong đời sống xã hội ngày nay, khi những tác động của nền kinh tế thị trường vào mọi lĩnh vực, trong đó có môi trường giáo dục, thì có những giá trị đạo đức có nguy cơ bị phá vỡ nếu người thầy không giữ vững vai trò, vị trí của mình trong công việc và cả trong những mối quan hệ xã hội.

Theo quan niệm trước đây, người thầy là một trong những người duy nhất có khối kiến thức rộng lớn truyền dạy cho các thế hệ sau. Hình ảnh người thầy cầm roi, có vẻ mặt cương nghị, nghiêm khắc luôn khiến nhiều học trò vừa sợ, vừa kính trọng. Người thầy là biểu tượng cao đẹp mang giá trị nhân văn sâu sắc về tình cảm cao đẹp giữa thầy và trò; là tượng trưng của đức hy sinh; sự cống hiến không ngừng nghỉ. Hạnh phúc và thành công của người thầy cũng được đo lường từ thành công qua các thế hệ học trò của họ.

Giáo viên theo dõi sinh viên thực tập tại bệnh viện.

Trong xã hội ngày nay, người giáo viên tham gia vào lĩnh vực đào tạo - một trong những lĩnh vực quan trọng góp phần phát triển xã hội. Sự chuyên nghiệp về chuyên môn và đạo đức của người giáo viên là những tiêu chí quan trọng tác động tích cực đến quá trình đào tạo, là một trong những yếu tố quyết định chất lượng đào tạo trong trường học. Vì vậy, vai trò của người giáo viên vô cùng quan trọng trong quá trình giáo dục, lượng kiến thức đưa đến người học, từ mỗi hành vi, cử chỉ của giáo viên đều có tác động đến toàn bộ quá trình giáo dục.

Nhờ vào sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, các phương tiện thông tin truyền thông, giờ kiến thức cơ bản của nhân loại không còn ẩn giấu trong sách vở hay trong mỗi người thầy nữa mà đã được mọi người chia sẻ, trao đổi tự do. Giáo viên là người giúp người học phân biệt, lựa chọn kiến thức mà mình cần đạt được và hướng dẫn họ đi trên con đường khám phá tri thức mới.

Vai trò người giáo viên trong xã hội mới không hề giảm đi mà còn mang một trọng trách nặng nề hơn, có tác động sâu rộng đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bởi lẽ, trong mọi lĩnh vực đều cần có thầy, người đào tạo, người huấn luyện chuyên nghiệp. Sự hướng dẫn của người thầy rất quan trọng, đó là những định hướng ban đầu và là cơ sở nối tiếp cho những bước tiến tiếp theo trong quá trình học tập và rèn luyện. Người học có thể tự học, nhưng cần có sự hướng dẫn thì việc học mới đạt hiệu quả cao. Sự hướng dẫn đó là những mắt xích trong cả chuỗi mắt xích giáo dục - đào tạo, chỉ cần một khâu, một mắt xích không phù hợp thì có thể làm hỏng cả chuỗi mắt xích. Sự đào tạo mang tính tiếp nối, kế thừa và phát triển nhưng ở từng khâu đều cần có sự tận tâm, tận tuỵ của người giáo viên, các khâu đều có vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt như nhau, đều có tác động trực tiếp đến người học, ảnh hưởng gián tiếp đến sự phát triển của xã hội.

Cho dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào thì người thầy vẫn là biểu tượng của những chuẩn mực đạo đức, được xã hội trân trọng và tin cậy. Sự tận tâm, yêu nghề và có tinh thần trách nhiệm trong nghề nghiệp là những yếu tố cơ bản, đầu tiên, cần phải có ở mỗi giáo viên. Tinh thần lao động của người giáo viên không chỉ dừng lại ở tinh thần trách nhiệm mà cần có lòng yêu nghề, gắn bó với nghề, phải có những trăn trở về nghề.

Ngoài ra, người giáo viên phải có ý thức học tập bằng nhiều hình thức để tự trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, mở rộng vốn kiến thức của bản thân. Nếu người giáo viên có đủ trình độ chuyên môn, trình độ kỹ năng nghề, khả năng hiểu biết thực tế, trình độ tin học, ngoại ngữ, năng lực sư phạm, khả năng nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phương pháp giảng dạy mới vào quá trình đào tạo nhưng đạo đức kém, thiếu nhân cách, lối sống không lành mạnh… thì cũng không mang lại đóng góp tích cực gì cho xã hội.

Ðể khuyến khích giáo viên yên tâm, say mê với nghề; nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức phẩm chất, tác phong, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, Ðảng và Nhà nước ta có nhiều chế độ, chính sách nhằm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội./.

Bài và ảnh: Duy Tân

Vai trò "cố vấn" của người thầy trong đổi mới phương pháp dạy học

Ngày cập nhật : 18/12/2020

Đổi mới phương pháp dạy học là giải pháp then chốt thực hiện CTGDPT 2018. Trong đó giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức đơn thuần, mà phải “cố vấn”, tổ chức, điều hành các hoạt động dạy học.

Trong giờ học tại Trường THCS Thăng Long [Ba Đình, Hà Nội]. Ảnh: Đại Quang

Yếu tố quyết định 

Theo chia sẻ của nhiều GV cốt cán, đổi mới phương pháp dạy học được xem là giải pháp then chốt để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, GV vẫn gặp những khó khăn nhất định, như phải vượt qua rào cản từ thói quen cũ của bản thân. 

Cô Nguyễn Thị Nguyệt, Trường Tiểu học và THCS Sơn Lâm, Bắc Bình [Bình Thuận] cho rằng: GV là yếu tố quyết định hàng đầu trong thực hiện đổi mới phương pháp. Thầy cô phải nhiệt tình, kiến thức, khả năng giảng dạy; phải có kỹ năng tổ chức hướng dẫn HS; kỹ năng khai thác và sử dụng các đồ dùng dạy học; năng lực tự thu thập thông tin phục vụ các yêu cầu dạy học. GV cũng phải xác định được những vấn đề đổi mới, xây dựng mục tiêu của bài học, giảm lý thuyết, tăng thực hành; làm cho HS biết tự học, tự vận dụng, biết hợp tác và chia sẻ; luôn liên hệ với thực tiễn đang thay đổi; tận dụng sự hỗ trợ của phương tiện dạy học…

“Qua tập huấn triển khai chương trình mới, với các mô đun 2, 3, 4, sẽ định hướng cho GV cách sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; cùng với sử dụng hợp lý các phương pháp và công cụ để kiểm tra, đánh giá theo quan điểm hiện đại là đánh giá vì sự tiến bộ của người học. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động để thầy cô được trải nghiệm, nắm rõ hơn bản chất, nội dung của các phương pháp, kỹ thuật dạy học; phương pháp, công cụ kiểm tra, đánh giá và kết hợp một cách hợp lý trong quá trình dạy học. Tuy nhiên, để thực hiện nhuần nhuyễn, ngoài những đợt tập huấn do các trường sư phạm tổ chức, bản thân GV ở phổ thông cũng cần có ý thức cao trong việc nâng cao nhận thức, nghiệp vụ sư phạm, tự đào tạo, tự bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới” – giảng viên Đặng Thị Thuận An, Trường ĐH Sư phạm [ĐH Huế] cho hay.

Trong giờ học đổi mới phương pháp theo Chương trình GDPT mới tại Trường Tiểu học Thăng Long [Hoàn Kiếm, Hà Nội]. Ảnh: Thế Đại

Vai trò của người thầy thay đổi

Để đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: Giáo viên cần nắm được và vận dụng thật tốt logic của cách tiếp cận năng lực trong toàn bộ hoạt động dạy học theo chương trình môn học mới. Trước hết, GV phải đọc và nắm thật chắc mục tiêu của chương trình, quan điểm xây dựng chương trình. Tiếp theo, thầy cô cần nghiên cứu kĩ để hiểu rõ cấu trúc và nội dung năng lực môn học; sau đó, tìm hiểu “yêu cầu cần đạt” của từng mạch nội dung, chủ đề, chuyên đề. Đó  là cơ sở để xác định nội dung và phương pháp dạy học cho từng bài. Trên cơ sở đó, GV mới xác định kịch bản dạy học, thu thập học liệu phù hợp, soạn giáo án và tổ chức hoạt động dạy và học.

Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, điều GV cần lưu ý: Không “làm tắt” trong khi thực hiện chương trình môn học. Kinh nghiệm bước đầu cho thấy không ít GV thường bắt đầu tìm hiểu ngay các nội dung cụ thể của từng chủ đề, chuyên đề, xây dựng luôn giáo án rồi mới tìm học liệu và xác định mục tiêu cho từng chủ đề, chuyên đề. Đó là cách làm sai, theo “quán tính” của cách tiếp cận nội dung trong giáo dục trước đây. 

Bên cạnh đó, là văn bản có tính pháp quy nên những mục tiêu, cấu trúc năng lực và yêu cầu cần đạt được xác định trong chương trình có giá trị như pháp lệnh. Tuy nhiên, chương trình môn học cũng có độ “mở” nhất định để tạo điều kiện phát huy cao độ vai trò chủ động, sáng tạo của GV và HS trong điều kiện cụ thể của địa phương. GV và HS cần linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong việc tìm kiếm và sử dụng học liệu; xây dựng phương án, kịch bản dạy và học phù hợp, thậm chí hoàn toàn có thể thay đổi trình tự và thời lượng dành cho các mạch nội dung, hoạt động giáo dục… 

Cần phải hiểu rằng, đổi mới phương pháp dạy học không phải là thay đổi mục tiêu, hay xóa bỏ mọi kinh nghiệm quý giá của các nhà giáo dục được đúc kết trong thực tiễn dạy học ở trường phổ thông từ trước đến nay, mà làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả thiết thực, bằng những quan niệm đúng đắn, với  hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp. Nhấn mạnh điều này, theo PGS Nghiêm Đình Vỳ, đổi mới phương pháp dạy học ở trường phổ thông là đổi mới cách thức tổ chức hoạt động nhận thức cho người học và triển khai nội dung dạy học để đạt được mục tiêu dạy học tốt nhất. 

“Quá trình đổi mới cần tiến hành trên ba góc độ; Cải tiến, hoàn thiện các phương pháp dạy học đang sử dụng để góp phần nâng cao hiệu quả, tiến tới nâng cao chất lượng của việc dạy học; Bổ sung, phối hợp với nhiều phương pháp dạy học để khắc phục những mặt hạn chế của các phương pháp đang sử dụng nhằm đạt mục tiêu dạy học đề ra; Từng bước thay đổi, tiến tới loại bỏ phương pháp dạy học cũ mang tính áp đặt, nhồi nhét kiến thức bằng các phương pháp mới, ưu việt để nâng cao hiệu quả dạy học. Trong đổi mới phương pháp, vai trò của người thầy cũng thay đổi. GV không chỉ là người truyền thụ kiến thức đơn thuần mà phải  “cố vấn”, tổ chức, điều hành các hoạt động dạy học” – PGS Nghiêm Đình Vỳ nhận định.

Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển từ chương trình hiện hành sang Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho người học. Để thực hiện thành công, đội ngũ GV đóng vai trò quyết định. - Giảng viên Đặng Thị Thuận An.

Theo Hiếu Nguyễn [GD&TĐ]

Video liên quan

Chủ Đề