Vang bóng một thời về lại cái đẹp xưa của thời phong kiến

Vang bóng một thời là tập truyện ngắn, tùy bút của nhà văn Nguyễn Tuân, ban đầu được đăng trên tạp chí Tao Đàn năm 1939, sau đó nhà xuất bản Tân Dân in thành sách. Khi in sách, tuyển tập có nhiều đoạn Pháp kiểm duyệt cắt bỏ, ít thì một hai dòng, nhiều thì vài đoạn. Tác phẩm được tái bản nhiều lần vào các năm 1943, 1945, 1951, 1962, 1988.

Vang bóng một thời gồm các tùy bút, truyện ngắn: Bữa rượu máu, Những chiếc ấm đất, Thả thơ, Đánh thơ, Hương cuội, Ngôi mả cũ, Chữ người tử tù, Ném bút chì, Chén trà trong sương sớm, Một cảnh thu muộn, Báo oán, Trên đỉnh non Tản.

Trong tuyển tập Nhà văn hiện đại, nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan cho rằng: "Tập truyện đã làm sống lại cả một thời phong kiến đã qua với những nghệ thuật cổ thanh cao, những nếp sống, sinh hoạt xã hội nho phong của một nền văn minh xưa cũ. Nó cũng là niềm nuối tiếc của một tâm hồn hoài cổ trước những cái hay, cái đẹp, những nghệ thuật cầu kỳ của một thời đại đã qua, cái thời ấy nay đã chết rồi, chỉ còn để lại một tiếng vang".

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn thì nhận xét: "Nguyễn Tuân, trong Vang bóng một thời, lại phác họa một cách tài hoa nếp sống thanh nhã của người xưa, và cho thấy một đời sống tinh thần vững chãi là cần thiết cho con người đến như thế nào".

Nhà văn Thạch Lam đánh giá, tập Vang bóng một thời như tên gọi, chỉ là những vang bóng, những dấu vết của một thời tác giả ghi lại trên giấy. Khoảng mười truyện ngắn ấy là cuộc đời cũ cách không đầy năm mươi năm, hiện ra những công việc và hành vi mà tác giả tìm tòi, phô diễn hết cả cái ý nghĩa và cái nên thơ.

Câu 2: Trong truyện "Chữ người tử tù", nhân vật Huấn Cao được lấy nguyên mẫu hình tượng nào?

a. Nguyễn Siêu

b. Nguyễn Trãi

c. Cao Bá Quát

Lê Nam

Nguyễn Tuân là nhà văn cự phách của văn học Việt Nam thế kỷ 20. Ông đi vào cõi vĩnh hằng đã lâu, nhưng các tác phẩm của nhà văn độc đáo này vẫn tiếp tục cuộc hành trình chinh phục tâm hồn con người Việt Nam cũng như bạn bè thế giới . Trong đó có “Vang bóng một thời “, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, nơi mà trên từng trang sách, từng dòng chữ, ta thấy man mác một tình yêu quá khứ văn hóa Việt.

Ra đời cách  đây hơn tám mươi năm, đến nay nhìn lại, chúng ta thấy tác phẩm này vẫn tươi mới, vẫn rất hiện đại. Không phải chỉ vì cái nhìn trân trọng của Nguyễn Tuân đối với những con người tài hoa, những thú chơi tài hoa của một thời vang bóng trong quá khứ văn hóa dân tộc còn có giá trị thời sự cả với ngày hôm nay; mà còn vì những câu chuyện sinh động,  cách diễn tả đầy tính thẩm mỹ của nhà văn trong tác phẩm của ông luôn giàu sức cuốn hút đối với người đọc mọi thời. 

Trong  “Vang bóng một thời”, Nguyễn Tuân đã bộc lộ sự yêu mến, rung động đặc biệt trước những mỹ tục, những thú tiêu dao hưởng lạc hơn đời của một lớp nhà nho đã lỗi thời, nhưng vẫn cố níu giữ một chút“thiên lương”.

Đó là những cụ Nghè Móm, cô Tú sành thơ trong buổi “thả thơ”,là những cụ Sáu, cụ Ấm, cụ Kép có cái thú uống trà tàu hay uống rượu nhắm với kẹo mạch nha tẩm hương lan. Đó còn là những cậu Chiêu, cô Tú vốn là con nhà quan sa sút còn cố giữ nếp nhà.  Thậm chí, đó cũng có thể là một viên quan coi ngục mê chữ đẹp của  người tử tù, là một nhóm cứơp bất đắc chí lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo…vv Những con người tài hoa nhưng thất thế của một lớp nhà nho quý tộc suy tàn này đã được Nguyễn Tuân miêu tả với rất nhiều thiện cảm. Toàn tác phẩm có khuynh hướng thoát ly, hoài cổ rất rõ nét.  Sở dĩ  như thế vì bản thân nhà văn xuất thân trong một gia đình Nho học, cha ông là cụ Tú Hải Văn, một nhà nho bất đắc chí dưới chế độ thực dân phong kiến. [Không phải ngẫu nhiên mà ở nhiều chỗ trong “Vang bóng một thời”, Nguyễn Tuân đã mượn lời thơ hay câu đối của cha mình đặt vào lời các nhân vật như trong “Thả thơ”, “ Những chiếc ấm đất”…] Ngay từ bé, ông đã được tiếp xúc với thế giới của các nhà nho hoặc nghe cha anh kể lại về các thú tiêu dao của nhà nho. Do đó, ông đã có sự đồng cảm, am hiểu và yêu thích sâu sắc với nếp sống đầy chất văn hóa Việt  này.

Tình cảm đặc biệt tha thiết đối với truyền thống văn hoá dân tộc này sẽ còn được thể hiện trong nhiều tác phẩm ở các thời kỳ sau này của ông. Mặt khác, cũng cần thấy là, trong thời kỳ này Nguyễn Tuân quan niệm viết văn là để thể hiện“cái Tôi”, sự sắc sảo, tài hoa, hơn đời của mình. Cho nên, thị hiếu  thẩm mỹ của Nguyễn Tuân nghiêng về “cái Ngông”, những cái gì khác thường, hơn đời, tài hoa đặc biệt. Vì vậy, viết về  chuyện uống trà, ăn kẹo, thả thơ…vv, ông không chỉ đơn giản làm nhiệm vụ ghi chép lại những phong tục như Phan Kế Bính đã làm trong “Việt Nam phong tục” [hay sau này Toan Ánh sẽ làm trong “Nếp cũ”], mà luôn chỉ ra sự độc đáo, cái hơn đời của người, của vật trong truyện. Hơn thế nữa, ông còn luôn tìm tòi, chỉ ra cái đẹp tiềm ẩn trong từng  sự vật. Rõ ràng, là một nhà văn suốt cuộc đời cầm bút luôn khao khát vươn tới cái đẹp, tôn thờ cái đẹp, ở thời kỳ này, không tìm thấy cái đẹp trong cuộc đời thực, Nguyễn Tuân  quay trở về tìm kiếm nét đẹp xưa của một thời vang bóng. Tuy nhiên, như phần lớn nhà văn sống trong hoàn cảnh xã hội cũ,thế giới quan nghệ thuật của Nguyễn Tuân thời kỳ này vừa có cái ngông, muốn hơn đời,vừa có sự bế tắc trong định hướng cuộc đời. Điều đó  lý giải sự đa chiều, thậm chí phức tạp trong cảm xúc thẩm mỹ của Nguyễn Tuân trong tác phẩm, vốn đã gây không ít sự tranh luận thời gian qua.

Mười hai truyện ngắn trong tác phẩm thể hiện những khía cạnh khác nhau trong quan niệm thẩm mỹ, tình cảm thẩm mỹ của Nguyễn Tuân. Phần lớn tác phẩm “đã đề lên như là mẫu mực sống những thói ăn chơi cầu kỳ, đài các của một lớp người thuộc tầng lớp nho sĩ phong kiến, tuy đã thất thế, đầu hàng chủ nghĩa thực dân,nhưng vẫn cố đóng vai quý tộc bằng nghệ thuật hành lạc hơn đời.  Biết bao mến thương luyến tiếc đã đưa đẩy nét bút nhà văn vẽ nên những bức tranh có vẻ héo úa, hắt hiu,về một thế giới tàn lụi.”[ Nguyễn Đăng Mạnh].  Tiêu biểu cho những truyện này là “Chén trà sương”,  “Những chiếc ấm đất”, “ Đèn đêm thu”, “Hương cuội”, “Thả thơ”, “Đánh thơ”…Có truyện lại mang màu sắc kỳ ảo, hoang đường như  “Trên đỉnh non Tản”, “ Khoa thi cuối cùng”. Có những truyện lại kín đáo bày tỏ thiện cảm với những người đối nghịch với chính quyền thực dân phong kiến đương thời, thoáng chút phê phán kín đáo chế độ như “ Chữ người tử tù”,  “Bữa rượu máu”…Tuy nhiên, sự khác biệt đó chỉ là ở bề nổi của tác phẩm. Nhìn nhận cho kỹ, chúng ta sẽ thấy sự thống nhất trong cảm xúc thẩm mỹ của Nguyễn Tuân trong tác phẩm này . Đó là tình yêu đối với cái đẹp, với tài hoa dù ở những dạng, những biểu hiện khác nhau trong cuộc sống, trong những nghệ thuật cổ truyền của dân tộc.

Nét nổi bật ở các truyện của Nguyễn Tuân trong “Vang bóng một thời” là sự gắn bó đối với truyền thống văn hoá của dân tộc. Những truyện của ông có thể nói về những  chuyện  khác nhau như uống trà, thả thơ, làm đèn xẻ rãnh, đèn kéo quân …vv. Các nhân vật trong truyện có thể ở những hoàn cảnh khác nhau: một cụThượng gia cảnh đề huề hay một ông cụ Sáu lâm vào cảnh sa sút, một người tử tù đang chờ ngày thụ hình hay  một viên tướng Cờ Đen đã về chiều sống bằng nghề xem địa lý..vv. Nhưng,ở chuyện nào,ở con người nào, cái mà Nguyễn Tuân muốn nhấn mạnh cũng là nét đẹp, nét tài hoa khi họ gắn bó và am hiểu, yêu mến sâu sắc cái thú vui mà họ đã chọn, thậm chí phải trả giá đắt, phải táng gia bại sản vì nó. Nhà văn khâm phục tài năng và thái độ sống của họ, dám vượt lên trên những ràng buộc của cuộc sống tầm thường để đến với cái đẹp, sống với cái đẹp. Lấy chuyện uống trà làm ví dụ. Cái cách uống trà của cụ Ấm trong truyện “Chén trà sương” đã thật là công phu: từ cách nấu nước, chuyên trà đến cách uống: “Chưa bao giờ ông già này dám cẩu thả trong cái thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, cụ Ấm đã để vào đấy nhiều công phu. Những công phu đó đã trở nên lễ nghi. Trong ấm trà pha ngon, người ta nhận thấy có một mùi thơ và một vị triết lý”. Thậm chí, có lúc cụ còn “bắt người trưởng nam giở tập cổ văn ra bình lại cả bài Trà ca của Lư Đồng”. Uống trà, đối với gia đình cụ Ấm rõ ràng không chỉ dừng lại ở chỗ là phong tục uống trà nữa mà đã trở thành cái Đạo uống trà. Đến độ, cái thời điểm đáng  ghi nhớ nhất trong cuộc đời của cụ cũng gắn với chuyện trà thể hiện qua lời tâm sự của ông cụ với người con trai cả:  “Cả ạ, thầy cho nước pha trà không gì thơm lành bằng cái thứ nước đọng trong lá sen. Mỗi lá chỉ có ít thôi. Phải gạn vét ở nhiều lá mới đủ uống một ấm. Hồi thầy còn ít tuổi, mỗi lúc được quan Đốc truyền cho đi thuyền thúng vớt những giọt thuỷ ngân ấy ở lá sen mặt đầm, thầy cho là kỳ thú nhất trong đời một người học trò được thầy học yêu tin”. Song, nếu ở câu chuyện này, Nguyễn Tuân còn dừng ở góc độ kỹ thuật của việc uống trà thì đến truyện “Những chiếc ấm đất”,ông lại đi sâu vào số phận của những người trong cuộc với không ít ngậm ngùi.  Truyện mở ra với cảnh phong lưu của gia đình cụ Sáu, một người không chỉ cầu kỳ trong chuyện uống trà như là nước pha trà phải lấy từ giếng chùa Đồi Mai mà ông ta còn kỳ công sưu tập cả những bộ bình trà quý giá đủ loại. Rõ như lời nhà sư già chùa Đồi Mai từng than“Phá gần hết cơ nghiệp ông cha để lại, ông ta thực đã coi cái phú quý nhỡn tiền không bằng một ấm trà tàu”. Trong những ngày gia cảnh còn thịnh ấy, giữa hai tuần trà với một người khách lạ,ông đã từng thích thú tán thưởng câu chuyện về một người ăn mày sành uống trà,chỉ qua vị trà mà hay bình trà ông chủ tốt bụng cho còn lẫn trấu bên trong .Ông đã từng ước“Gía cái lão ăn mày ấy sinh vào thời này, thì tôi dám mời anh ta đến ở luôn với tôi để sớm tối có nhau mà thưởng thức trà ngon”.Nào ngờ chỉ ít lâu sau, gia cảnh sa sút, đến lượt ông lão  lại phải rơi vào cảnh phải ngồi ở những phiên chợ xép, bán đi những chiếc ấm mà“ngày trước, giá có giồng ngay cọc bạc nén cho trông thấy, chửa chắc cụ đã bán cho một chiếc”. Có lẽ, sự trùng hợp giữa số phận của cụ và người ăn mày nọ không chỉ đơn giản là một phép“phục bút” làm tăng dư vị câu chuyện. Điều đó cho thấy, trong khi xây dựng hình tượng nhân vật, Nguyễn Tuân không chỉ đơn thuần bày tỏ sự yêu mến, thích thú, am hiểu về cái thú uống trà có thể coi gần như là một kiểu“Trà Đạo” của người Việt;ông còn ngậm ngùi ghi nhận rằng cái thú phong lưu ấy như là của một thời đã đi qua, những con người của ngày ấy đã chìm vào dĩ vãng trong sự tàn lụi. Đó là một thực tế trong xã hội cũ. Cảm xúc thẩm mỹ của Nguyễn Tuân ở đây bắt nguồn từ những phản ứng tình cảm –thẩm mỹ của ông và một lớp người như ông trong thực tại: Đó là tấm lòng hoài cổ, yêu mến những nét đẹp của một truyền thống văn hoá quá khứ đang dần bị mai một.

         Trước Nguyễn Tuân, cũng đã có những tác phẩm đề cập đến những thú vui nghệ thuật này như “Vũ trung tuỳ bút” của Phạm Đình Hổ. Nhưng, nét mới trong cảm xúc thẩm mỹ của Nguyễn Tuân là cái nhìn đối với cái đẹp của sự vật trong các  truyền thống văn hoá  của quá khứ.  Nhà nghiên cứu Phan Ngọc nhận xét:“Nói đến đồ vật là chuyện thường. Chú ý đến cái đẹp của đồ vật cũng không mới. Nhưng trước Nguyễn,cái đẹp của đồ vật chỉ mới được nhìn ở khía cạnh thưởng thức. …Với Nguyễn,lần đầu tiên đồ vật trở thành cứu cánh. Còn con người, dù địa vị khác nhau đến đâu, từ anh ăn mày đến ông quan, cũng đều đúc theo một khuôn. Đó là những người bất đắc chí,ăn gửi nằm nhờ ở thế gian này.  Nhưng dù thất bại trong thực tế,họ vẫn không chấp nhận thất bại,vì họ biết chỉ riêng họ mới tạo được cái đẹp, chỉ riêng họ mới nâng được những việc làm bình thường nhất như uống trà, ăn kẹo, đánh cờ…lên mức hoàn hảo. Nguyễn là người đầu tiên nêu lên được cái đẹp ở khía cạnh kỹ thuật”.Cho nên, trong truyện “Chén trà sương” hay “Những chiếc ấm đất”, ta có thể bắt gặp nhiều thuật ngữ về cách uống trà, cách chọn ấm Tàu…vv Nhưng, cái tài của Nguyễn Tuân là hấp dẫn được người đọc, chỉ ra được cái đẹp từ những chuyện ấy.  Tương tự,trong các truyện “Hương cuội” và “Đèn đêm thu”,cốt truyện rất đơn giản, thậm chí nhân vật còn có nét hao hao nhau: cũng là những gia đình nhà nho đã rút khỏi chuyện thế sự, lấy cái vui với cháu con,với cây cỏ làm trọng.   Cái hay của truyện là cái cách thức ăn kẹo mạch nha tẩm hương lan, uống rượu thưởng xuân của cụ Ấm Kép [Hương cuội], là sự tỉ mỉ đầy nghệ sĩ, quan tâm thể hiện chu đáo từ hình thức đến nội dung một tích trò rối trang trí cho chiếc đèn xẻ rãnh, dù đây chỉ là trò chơi cho mấy cô cậu bé cháu con trong nhà của cha con cụ Thượng hưu trí. Ông Cử Hai, con người coi công danh như phù vân lại có thể bỏ ra hàng chục ngày, dồn hết tâm trí để làm chiếc đèn xẻ rãnh thực công phu “Quân đèn bắt đầu diễn vòng đầu. Mặt trước đèn có nến soi vào, sáng như một sân khấu rạp tuồng thu bé lại. Thuyền Tây Thi từ từ tiến vào sân khấu. Lúc nàng vào được đến phần ba lòng sân khấu, lướt qua chiếc thuyền Phạm Lãi, động đến cái máy gạt thứ nhất ở góc trái đèn; thì thuyền của Phạm Lãi quay vào trong và lẩn mất. Nàng Tây Thi  vẫn xuôi trên sông Ngô rồi biến vào nội địa đất Ngô. Cái máy gạt ở góc phải cỗ đèn động đánh xịch một cái nữa, thì trên hòn núi giả làm bằng giấy trang kim đốt đen, Ngũ Tử Tư bắt đầu ôm lấy Phù Sai  với dáng điệu của người tôi trung hết sức ngăn chúa. Nhưng dưới chân giả sơn, cái người nịnh thần Thái Tể Bá Hy đã đon đả đi gần lại thuyền Tây Thi, giơ tay ra đón lấy…” [Đèn đêm thu].  Tích trò của chiếc đèn xẻ rãnh được nhà văn miêu tả thật dụng công, thật hấp dẫn. Nói cách khác,bản thân cái đẹp toát lên từ những sự vật này đã đủ sức hấp dẫn  mà không cần đến một cốt chuyện diễn biến ly kỳ nào. Mặt khác,chỉ qua cái đèn xẻ rãnh được thực hiện công phu ấy, cũng đã có thể thấy được con người nghệ sĩ của nhân vật ông Cử Hai trong câu chuyện.  Khác với người anh ruột mê mải trên con đường quan trường, ông Cử Hai là “người có hoa tay, thêm được chút tâm hồn lãng tử…sống cuộc đời mình như người ta chơi chơi vậy thôi”. Nhưng, cái chơi của ông Cử Hai là biểu hiện của một quan niệm sống, một trình độ sống: “Con người chỉ chơi khi nó là con người trong ý nghĩa đầy đủ của từ này và con người chỉ thực sự đúng là người khi chơi”[Schiller].

        Tuy nhiên, thị hiếu thẩm mỹ của nhà văn bao giờ cũng mang tính chủ quan.  Vì vậy, có lúc cùng một đề tài, một sự vật, nhà văn thể hiện những mức độ cảm xúc khác nhau ở những khía cạnh khác nhau. Trong “Vang bóng một thời”, đó là trường hợp của hai truyện ngắn “Thả thơ” và “Đánh thơ” cùng viết về một thú chơi tao nhã của giới Nho học ngày trước,nay đã mất dần ý vị trong thời buổi Hán học suy tàn. Ở “Thả thơ”, ta bắt gặp những con người của một cuộc sống tàn lụi, mất sinh  khí.   Đó là cụ Nghè Móm mà “học lực và chính tích chấp được cả bạn đồng liêu một thời”, nhưng bây giờ sống cảnh hưu nghèo tuy“vẫn chưa bỏ được cái chứng thắp nến bạch lạp để đọc Đường Thi”.  Cụ sống với người con gái “cô Tú là một thiếu nữ con quan mà cái tài làm thơ phú theo một gia sáo vững vàng, mà cái hạnh về môn nữ công đủ làm vinh dự cho một gia phong”song lại phải tội …xấu người.  Tổ chức những cuộc “thả thơ”,cụ Nghè bắt đầu nghiền lại Đường Thi, Tống Thi nhưng chẳng phải để tri kỷ tri âm cùng cổ nhân mà chủ yếu là tìm những câu, những chữ hóc hiểm đố…lấy tiền thiên hạ. Cái cảnh chơi thả thơ tao nhã thuở nào, bây giờ cũng có chút gì thực dụng đến tội nghiệp khi cụ Nghè văn hay chữ tốt “ngồi làm nhà cái, thả thơ cho hàng chục người con đánh. Người ta đang sát phạt nhau bằng tiền, đem cái may rủi cả vào đến cõi văn thơ…”.  Truyện có một kết thúc buồn: trong những buổi“đố chữ lấy tiền”này, chữ nghĩa tài hoa như cụ Nghè Móm  hay thua luôn, lại còn mang tiếng“có kẻ ác miệng đã phao lên cái tin cụ Nghè Móm định mượn cuộc thả thơ để cho con gái lớn gần quá lứa kén chồng”.  Có thể thấy,dù mang nặng lòng hoài cổ, nhưng Nguyễn Tuân, ít ra là trong truyện này, không hề thi vị hoá cuộc sống mà những nhận định của ông, gửi qua các chi tiết, qua lời các nhân vật trong truyện, lại rất gần với hiện thực đời sống một lớp nhà nho buổi giao thời.

                         Song, nếu ở “Thả thơ”,tác giả chỉ mới dừng ở mức độ khơi gợi chút cảm xúc nhẹ nhàng, thoáng buồn cho người, cho cảnh, thì đến “Đánh thơ”,cảm xúc của tác giả lại là của người trong cuộc, là một sự đồng cảm sâu sắc với các nhân vật, tạo cho câu chuỵên một dư vị bùi ngùi, đau xót.  Ở truyện này, Nguyễn Tuân có lối mở đầu truyện gần như một chuyện cổ tích hay truyền kỳ với cả niên hiệu đời vua và nhân vật cụ thể.  Đó là một nét ít gặp trong cách khai truyện của Nguyễn Tuân. Từ cách mào đầu trân trọng ấy,cuộc đời của hai người nghệ sĩ gắn bó với nghề thả thơ được mở ra với bao nỗi niềm buồn vui cay đắng:  “Bất kể lúc lên voi, lúc xuống chó, lứa đôi này đã để dấu giày trên mọi chốn và tha lê đi khắp nơi cái túi thơ và cái túi phách ăn người của họ.  Họ nhờ vả cổ thi, kiếm ra cũng được rất nhiều tiền.  Nhưng cái  giống lãng tử cầm tiền thường không nóng lòng bàn tay và có mấy khi họ nghĩ  đến sự bảo hiểm cho ngày mai của mình.  Vợ chồng ông Phó Sứ chưa bao giờ nghĩ đến việc làm một cái tổ ở một chỗ nhất định nào”. Theo hành trạng của cặp tài tử, Nguyễn Tuân mở ra trước mắt người đọc những bí ẩn của trò chơi đỏ đen rất trí thức này,từ những mánh khoé lừa lọc của cả đôi bên đến cái thú của trò chơi dù được hay thua:“Cổ nhân dùng chữ úp mở uyển chuyển quá đi thôi. Họ cậy có tài, tự cho mình hạ những chữ quá lắt léo, đem cái quyền lực của sáng tạo ra mà làm cho bọn mình đảo điên cả tiền bạc và nhận thức nữa”.   Kết thúc của câu chuyện số phận hai người nghệ sĩ thật lãng mạn mà cũng thật bi thảm. Ông Phó Sứ trúng gió độc mà chết trong một lần tình tự cùng Mộng Liên giữa một vùng trời nước bao la của Đèo Ngang, còn“ Mộng Liên giờ là người goá và đang lúng túng tìm người giữ cho cây đàn”.  Phải là một người rất am hiểu về trò chơi chữ nghĩa, sành tiếng tơ tiếng trúc và mang tâm hồn đồng điệu như Nguyễn Tuân mới có thể có một câu chuyện tràn đầy những cảm xúc nhân bản như thế về những người tài tử thả thơ, những nhân vật đã một đi không trở lại trong đời sống văn hoá của dân tộc.[Còn tiếp]

                                                                                                           VŨ TÙNG

  • Sinh thời, Bác Hồ từng nói:" Miền Nam trong trái tim tôi". người dân miển nam cũng đã dành cho Bác-vị Cha già dân tộc kính yêu những tình cảm thật đặc biệt....

  • Là một nhân cách giản dị mà vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh- Bác Hồ kính yêu luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng những người đã từng được sống, được làm việc...

  • Là một nhân cách giản dị mà vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh- Bác Hồ kính yêu luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng những người đã từng được sống, được làm việc...

  • Trong những ngày hướng về kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Bác kính yêu, người dân miền Nam lại càng nhớ về vị lãnh tụ vĩ đại, người con ưu tú của đất nước: Chủ...

  • Nếu Nghệ An là quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh- Bác Hồ kính yêu, thì kinh đô Huế xưa là nơi in đậm dấu ấn thời niên thiếu của Người...

  • Sách luôn là người bạn đồng hành, là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống con người. Trong thời đại công nghệ thông tin, khi các phương tiện...

Video liên quan

Chủ Đề