Vì sao làm đường trường sơn

Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn [19-5-1959 - 19-5-2019]:

Cách đây 60 năm, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cách mạng, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã ra đời và góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Con đường huyền thoại ấy đã được xây nên bằng trí tuệ, tinh thần quả cảm và sự hy sinh của cả một lớp người đi trước.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh tỉnh. Ảnh: Lê Hà

Con đường huyền thoại

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền. Để giữ vững liên lạc giữa hai miền Nam - Bắc, bảo đảm cho Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, yêu cầu đặt ra là cần có một con đường vận tải người và vũ khí với số lượng lớn khi cách mạng miền Nam phát triển. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 [tháng 1-1959], sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại. Ra đời tháng 5-1959, Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559 với biên chế 500 cán bộ, chiến sĩ. Con đường được khai sinh đúng Ngày sinh của Bác nên được mang tên đường Hồ Chí Minh. Từ đó, ngày 19-5 trở thành ngày truyền thống Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Đầu tháng 6-1959, Đoàn 559 tổ chức đội khảo sát mở tuyến vào Nam bắt đầu từ Khe Hó [ngày nay thuộc xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị]. Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh đã mở rộng, vươn dài tới Lộc Ninh tỉnh Bình Phước, với gần 17.000 km chiều dài, 3.000 km đường giao liên và đi qua 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Con đường được xây nên bởi trí tuệ, tinh thần quả cảm và sự hy sinh của cả một lớp người đi trước. Ở mỗi giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh liên tục được nối dài, mở rộng và nâng dần quy mô và khối lượng tiếp tế, vận chuyển phương tiện, vũ khí, cung cấp tài chính cho chiến trường miền Nam. Mùa khô 1960-1961, Trung ương Đảng NDCM Lào đã nhất trí với đề nghị của ta mở tuyến đường vận tải trên đất bạn và đề nghị dùng để vận chuyển một số nhu cầu thiết yếu của bạn tới Nam Lào, cùng bạn mở rộng vùng giải phóng ở khu vực này, Đoàn 559 chính thức bước vào hoạt động trên tuyến Tây Trường Sơn. Giai đoạn 1965-1968, tuyến vận tải cơ giới đường Hồ Chí Minh tiếp tục vươn sâu chi viện cho chiến trường miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Mặc cho kẻ thù điên cuồng dốc lực ngăn chặn, đánh phá, Quảng Bình, Quảng Trị trở thành “túi” bom đạn khổng lồ với hàng triệu tấn bom, đạn các loại, cùng những tọa độ vô cùng ác liệt, nhưng đường Hồ Chí Minh vẫn liên tục được mở rộng, không chỉ phát triển các tuyến vào chiến trường Nam bộ và Tây Nguyên mà còn được phát triển mạnh ra phía Bắc, đáp ứng yêu cầu chi viện ngày càng lớn cho chiến trường miền Nam, góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ những năm 1969-1972. Những năm 1973-1975 đường Hồ Chí Minh được hoàn thiện mạng vận tải chiến lược trên địa bàn cả Đông và Tây Trường Sơn để tăng cường vận chuyển vũ khí, lương thực trong cả mùa khô và mùa mưa, bảo đảm cho tất cả loại binh khí kỹ thuật cơ động trong đội hình hành quân của các quân đoàn, binh chủng hợp thành ra trận, góp phần giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

16 năm với gần 6.000 ngày đêm trên con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn từ một đơn vị nhỏ bé ban đầu đã trưởng thành nhanh chóng, trở thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn, tính đến giữa năm 1974, tổng quân số lên đến 100.495 người, trong đó có 13.155 sĩ quan gồm đủ các lực lượng, công binh, vận tải, phòng không - không quân, bộ binh, giao liên, thông tin, hóa học, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến..., lập nên nhiều kỳ tích anh hùng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế vẻ vang. Bộ đội Trường Sơn qua tuyến đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường hơn 1,5 triệu tấn hàng hóa; 5,5 triệu tấn xăng dầu; bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận lớn; đưa hơn 650.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc. Các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chiến đấu hơn 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên địch, bắt sống 1.200 tên, gọi hàng hơn 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của địch. Trường Sơn còn là nơi “đứng chân” của các binh đoàn chủ lực, các đơn vị binh chủng, kỹ thuật, “bàn đạp” xuất kích cho các binh đoàn chủ lực tiến công.

Con đường của “Ý chí sắt đá”, “gan vàng, dạ ngọc”

Với tinh thần “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Máu có thể đổ, đường không thể tắc”, bộ đội và dân công hỏa tuyến Trường Sơn đã bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, con đường nào, địa điểm nào cũng là mảnh đất thiêng rực lửa của bộ đội, dân công. Mỗi lực lượng đều quyết tâm cao trong khi làm nhiệm vụ và chiến đấu. Lực lượng cầu đường nguyện làm “tường đồng vách sắt” “máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”; lực lượng vận tải xứng đáng danh hiệu “gan vàng dạ ngọc” thà hy sinh trên tay lái “còn người, còn xe, còn hàng”; lực lượng pháo phòng không “đánh giỏi, bắn trúng”; lực lượng giao liên với đôi chân vạn dặm đưa đón bố trí ăn ở cho các cán bộ vào ra các chiến trường an toàn, bí mật, xứng đáng với 10 chữ vàng “Tận tình với đồng chí, tận nghĩa với chiến trường”; lực lượng xăng dầu “quý xăng như máu” vận chuyển an toàn xăng dầu vào chiến trường, tham gia chiến dịch...

Gian khổ, ác liệt, nhưng bộ đội Trường Sơn luôn vững tư tưởng cách mạng tiến công, chủ động, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, không hề chùn bước bất cứ khó khăn, gian khổ, ác liệt nào. Núi rừng Trường Sơn luôn rung chuyển, bị cày đi xới lại, hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, hóa chất độc của kẻ thù gây nhiều tổn thất về người, phương tiện vật chất và môi trường. Thế nhưng, con đường huyền thoại đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử của dân tộc ta như một thiên anh hùng ca bất diệt. Con đường huyền thoại ấy còn là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt chống kẻ thù chung của ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh thực sự là một chiến trường ác liệt, hơn 20.000 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh, gần 30.000 người bị thương và hàng nghìn người bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc hóa học. Trong đó, có hơn 2.000 người con Thanh Hóa mãi mãi nằm lại đại ngàn Trường Sơn, gần 5.000 đồng chí bị thương, 2.910 đồng chí bị ảnh hưởng chất độc hóa học.

Bằng một “ý chí sắt đá”, “gan vàng, dạ ngọc”, Bộ đội Trường Sơn đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh; 82 đơn vị, 47 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ được tặng Huân chương các loại và Dũng sĩ diệt Mỹ. Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, Bộ đội Trường Sơn vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cao quý. Thanh Hóa vinh dự có 6 đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; hàng nghìn đồng chí được tặng thưởng huân chương các loại và Dũng sĩ diệt Mỹ.

Đường Hồ Chí Minh thời kỳ đổi mới

60 năm trôi qua, đường Hồ Chí Minh năm xưa đã đổi thay nhiều. Sự sống đã hồi sinh mãnh liệt. Năm 2004, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng, đường Hồ Chí Minh là công trình trọng điểm quốc gia với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.167 km [trong đó tuyến chính dài 2.667 km, tuyến nhánh phía Tây dài 500km. Đó là một công trình to lớn, mang theo ý nguyện của Đảng, mong ước của nhân dân, là công trình có tính chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong những năm tới, nhất là khi hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Pó [Cao Bằng] đến Đất Mũi [Cà Mau], đường Hồ Chí Minh sẽ càng đóng góp to lớn hơn, làm nên những “kỳ tích” mới trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Gắn với đường Hồ Chí Minh là Bộ đội Trường Sơn, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn đã nhiều lần đổi tên, sáp nhập và tên gọi hiện nay là Binh đoàn 12 - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn. Là một trong những tổng công ty hoạt động mạnh trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông cầu đường, thủy điện, thủy lợi, có đủ khả năng xây dựng công trình giao thông trọng điểm, các công trình có quy mô lớn trong nước và quốc tế. Với nhiều thành tích trong xây dựng kinh tế - quốc phòng thời kỳ đổi mới, Binh đoàn 12 - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn và nhiều tập thể, cá nhân đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý, xứng đáng là đơn vị kế tục và phát huy truyền thống vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn anh hùng.

Bài và ảnh: Lê Hà

Đường Trường Sơn – Con đường huyền thoại!

Tháng 1-1959, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 [khóa II] đã đề ra đường lối đấu tranh vũ trang, tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn...

Tháng 1-1959, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 [khóa II] đã đề ra đường lối đấu tranh vũ trang, tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn. Ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ cho "Đoàn công tác Quân sự đặc biệt" mang tên Đoàn 559 mở đường vận chuyển hàng quân sự chi viện cho miền Nam; tổ chức đưa đón cán bộ, bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Ngày 19-5-1959 trở thành ngày truyền thống của Đoàn 559 - Đường Trường Sơn" - Đường Hồ Chí Minh và Bộ đội Trường Sơn

Từ những ngày đầu “xoi đường”…

Lực lượng ban đầu của Đoàn 559 gồm 500 cán bộ, chiến sĩ được tổ chức thành Tiểu đoàn giao liên vận tải 301 và các bộ phận: Xây dựng bảo quản kho, bao gói hàng, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm và vận chuyển vào chiến trường...

Đoàn 559 đã chọn khe Hó, nằm giữa một thung lũng ở Tây Nam Vĩnh Linh là địa điểm xuất phát đầu tiên để tiến vào Trường Sơn “xoi đường”, lập trạm, ban đầu lấy sức người gùi là chính trên con đường nhỏ hẹp. Khẩu hiệu có tính chất mệnh lệnh lúc này là "ở không nhà, đi không để dấu, nấu không để khói, nói không thành tiếng". Các "đường dây" gùi hàng phải chủ động tránh địch, tránh cả dân để bảo toàn lực lượng, bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn của tuyến đường.

Ngày 13-8-1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm vượt qua sông sâu, suối dữ, đèo cao và hệ thống đồn bốt chốt chặn nghiêm ngặt của địch, hàng được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên gồm 20 khẩu tiểu liên, 20 khẩu trường, 10 thùng đạn các loại... Đây là một cái mốc có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam, vì mỗi khẩu súng, viên đạn đến với chiến trường là thể hiện của lòng dân ý Đảng, là tình cảm của Bác Hồ, của nhân dân miền Bắc gửi tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam ruột thịt.

Cũng trong tháng 5-1959, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn B90 tăng cường cho Liên khu V “xoi đường” nối hai chiến trường Khu V và Nam Bộ, nối thành hành lang chiến lược Nam-Bắc. Đoàn B90 gồm 25 cán bộ và chiến sĩ, ngày 20-6-1959 đã vượt thượng nguồn sông Bến Hải theo đường giao liên hành quân qua miền tây Trị-Thiên vào Quảng Nam. Tiếp đó, Liên khu V quyết định sáp nhập Đoàn B90 với Đội vũ trang công tác tỉnh Đắc Lắc, lấy phiên hiệu là B4 do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lắc phụ trách. B4 chia thành 2 bộ phận “xoi đường” vào Nam Bộ.

Như vậy, đến cuối năm 1959, tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự Trường Sơn đã được thiết lập, thật sự trở thành cầu nối giữa căn cứ địa miền Bắc với chiến trường miền Nam. Tuy mới nửa năm thành lập, vừa tổ chức vừa xây dựng lực lượng, vừa “xoi đường” vận chuyển vũ khí, trang bị chi viện cho miền Nam, đưa cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam chiến đấu, tuyến vận tải quân sự chiến lược cũng như sự có mặt của những con người, khẩu súng, viên đạn ở chiến trường lúc này tuy còn ít ỏi nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong việc xây dựng LLVT nhân dân, trực tiếp góp phần đưa cách mạng miền Nam phát triển lên một cao trào mới.

Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng luôn luôn theo dõi sát sao từng bước đi của Đoàn 559. Trong thư gửi Đoàn 559 nhân dịp Xuân Canh Tý [1960], Tổng Quân ủy đánh giá: "Các đồng chí đã đảm nhận một nhiệm vụ rất vinh quang, góp phần cống hiến rất cụ thể vào sự nghiệp đấu tranh hoàn thành giải phóng dân tộc của nhân dân ta... Nhờ có tinh thần yêu nước, cách mạng cao, nên các đồng chí đã vượt khó khăn gian khổ, đạt được những kết quả bước đầu rất tốt đẹp...".

đến “Con đường huyền thoại”!

Phong trào cách mạng ở miền Nam ngày càng phát triển. Năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, công cuộc giải phóng miền Nam bước vào giai đoạn mới, đòi hỏi sự chi viện lớn hơn về sức người, sức của từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Do vị trí hết sức quan trọng của tuyến vận tải quân sự chiến lược, nên đế quốc Mỹ và tay sai đã tìm trăm phương ngàn kế để đánh phá đường Trường Sơn với đủ loại phương tiện, vũ khí chiến tranh hiện đại. Cuộc chiến đấu giữa ngăn chặn và chống ngăn chặn trên đường Trường Sơn diễn ra ngày càng quyết liệt.

Trước sự đòi hỏi ngày càng lớn của cách mạng miền Nam, Đoàn 559 phải phát triển nhanh chóng cả về lực lượng và phương thức vận chuyển. Đoàn 559 từ một đơn vị nhỏ bé ban đầu, đã từng bước trưởng thành nhanh chóng, bao gồm đủ các lực lượng công binh, giao liên, thông tin, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... Đoàn 559 thực sự trở thành một hướng chiến trường tổng hợp, có lực lượng hiệp đồng binh chủng trên quy mô lớn "Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến", luôn luôn chủ động đáp ứng sự lớn mạnh của các hướng chiến trường. Quân số của Đoàn 559 có lúc đã lên tới 20 vạn người.

Về phương thức vận chuyển, từ gùi, thồ tiến lên vận chuyển bằng cơ giới; từ một tuyến cơ giới đã phát triển thành mạng đường cả Đông và Tây Trường Sơn; từ phục vụ cho xe chạy ban đêm nay có "Đường kín" cho xe chạy ban ngày bất chấp mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Đặc biệt là từ năm 1973 đến năm 1975, Bộ đội Trường Sơn đã nỗ lực vượt bậc, ra sức xây dựng cơ bản, tu sửa nâng cao chất lượng cầu đường đáp ứng yêu cầu của thời cơ chiến lược mới trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975. Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, quán triệt phương châm "Thần tốc, táo bạo", Bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng tổ chức vận chuyển hai chiều từng binh đoàn chủ lực lớn của quân đội ta, đưa một khối lượng lớn cơ sở vật chất trang thiết bị kỹ thuật vũ khí tới các chiến trường. Khi cuộc tổng tiến công phát triển xuống Đồng bằng Trung Trung Bộ và Cực Nam Trung Bộ, Bộ đội Trường Sơn đã triển khai lực lượng công binh dọc theo quốc lộ số 1, bám sát các mũi tiến công của bộ binh; vừa tháo gỡ bom, mìn, vừa nhanh chóng sửa chữa, bắc lại cầu mới cho đại quân ta tiến vào giải phóng các thành phố, thị xã và giải phóng thành phố Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4-1975.

Suốt 16 năm chiến đấu ác liệt, gian khổ, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh-luôn luôn nắm vững tư tưởng cách mạng tiến công, chủ động, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, không hề chùn bước trước bất cứ khó khăn, gian khổ, ác liệt nào. Cả Trường Sơn sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Lực lượng nào, đơn vị nào cũng có những sự tích anh hùng. Cung đường nào, địa điểm nào cũng là mảnh đất thiêng rực lửa. Bộ đội đường Hồ Chí Minh đã thắng địch và "thắng trời" làm nên con đường huyền thoại-đường Hồ Chí Minh-con đường đi tới độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.

Các lực lượng Binh đoàn Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh càng chiến đấu, càng trưởng thành vững chắc về mọi mặt; đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng vạn cán bộ từ trung đội dến trung đoàn, hàng vạn lái xe, thợ sửa chữa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ; Thường xuyên tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng và công tác Đảng, công tác chính trị, coi trọng tổng kết thực tiễn, nên đã giải quyết thành công nhiều vấn đề khó khăn, thử thách, ác liệt của thực tiễn chiến trường đặt ra trên vấn đề tư tưởng, tác chiến hiệp đồng binh chủng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, quân đội, nhân dân giao phó.

Suốt 16 năm [1959-1975], đường Trường Sơn luôn luôn trở thành trọng điểm ngăn chặn quyết liệt của địch. Trường Sơn là chiến trường thực nghiệm chiến lược "Chiến tranh ngăn chặn", "Chiến tranh bóp nghẹt" bằng các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và các loại vũ khí, thiết bị tối tân, hiện đại của nền khoa học công nghệ của đế quốc Mỹ. Núi rừng Trường Sơn luôn luôn rung chuyển, bị cày đi xới lại bởi hơn 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của địch trút xuống, gây nhiều tổn thất về người, phương tiện vật chất và môi trường sinh thái trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Hơn 20.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, hơn 32.000 cán bộ, chiến sĩ bị thương và hàng vạn người mang thương tích hoặc nhiễm chất độc màu da cam… 14.500 xe máy, 703 súng pháo và hơn 90.000 tấn hàng hóa bị phá hỏng. Với những hy sinh vô bờ bến ấy, bộ đội đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh đã lập nên kỳ tích anh hùng, làm nên con đường huyền thoại, góp phần to lớn vào sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Binh đoàn Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng; 82 đơn vị, 47 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ngoài ra, hàng trăm đơn vị, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ được tặng huân chương, huy chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Vang mãi khúc tráng ca Trường Sơn…

Chặng đường phấn đấu hy sinh đầy khí phách anh hùng và tài năng sáng tạo của Bộ đội đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh là biểu hiện rực rỡ, sinh động bản chất và truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam, đội quân do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.

Thắng lợi đó trước hết thuộc về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Thắng lợi ấy không tách rời sự hỗ trợ của các bộ, các ngành; sự phối hợp của các quân chủng, binh chủng, các chiến trường; sự chi viện của nhân dân cả nước, nhất là nhân dân các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, đặc khu Vĩnh Linh; sự giúp đỡ hết lòng của quân và dân Lào, Cam-pu-chia và các nước Xã hội chủ nghĩa anh em.

Đó là thắng lợi của tinh thần yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến đấu cực kỳ mưu trí, dũng cảm ngoan cường của toàn thể cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong... trên đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh đã xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH; là thắng lợi của nghệ thuật tổ chức chỉ huy, nghệ thuật hiệp đồng quân, binh chủng của bộ đội đường Hồ Chí Minh.

Từ thực tiễn chiến đấu và hoạt động chi viện đầy gian lao thử thách, Bộ đội đường Hồ Chí Minh rút ra những bài học kinh nghiệm lịch sử vô cùng quý báu, những giá trị sáng tạo mới về khoa học và nghệ thuật quân sự.

Năm 1973, trong dịp vào thăm và kiểm tra Bộ đội đường Trường Sơn, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phát biểu: “Vinh quang thay Bộ đội Trường Sơn anh hùng đã chiến đấu và chiến thắng trên con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại! Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn hãy phát huy truyền thống oanh liệt của quân đội ta để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của con đường chiến lược vẻ vang này trong giai đoạn mới của cách mạng”.

Trong bài viết nhân kỷ niệm 45 năm truyền thống đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh [19-5-1959/19-5-2004], Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh là một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử, một kinh nghiệm quý báu của Đảng, của quân đội và nhân dân ta sẽ mãi mãi tồn tại trong lịch sử kháng chiến chống xâm lược của dân tộc, sẽ tồn tại mãi trong ký ức và trong tình cảm thiêng liêng Nam-Bắc một nhà của mỗi người dân Việt Nam ta” [Huyền thoại Trường Sơn, NXB Văn hóa-Thông tin 2007].

Và trong văn bia Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn khắc đậm những dòng chữ: "Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng sự đóng góp của Bộ đội đường Hồ Chí Minh, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến vào công cuộc chi viện cho các chiến trường sẽ mãi mãi ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc ta, của quân đội ta như một thiên anh hùng ca bất diệt...".

Tổng hợp từ Internet

Tags: Đường Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh Con đường huyền thoại

Video liên quan

Chủ Đề