Vì sao người nông dân thường bổ sung thêm muối khi ủ chua thức ăn thô xanh cho trâu bò

Thức ăn thô xanh luôn có tầm quan trọng đặc biệt và không thể thay thế đối với gia súc ăn cỏ như trâu, bò, dê, cừu, thỏ, hươu, nai… Khả năng trồng cỏ còn nhiều hạn chế và phụ thuộc vào thời vụ nên vào mùa đông, khô hanh, cỏ kém phát triển, gia súc thiếu thức ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất của vật nuôi.

Do đó, việc bảo quản và dự trữ thức ăn thô xanh, tận dụng phụ phẩm trong trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi là rất cần thiết. Bài viết xin giới thiệu phương pháp ủ chua thức ăn chăn nuôi.

Về nguyên lý, theo Mc Donal [1981], ủ chua là phương pháp sinh học, là quá trình phân giải đường dễ tan có sẵn trong nguyên liệu thức ăn [nhờ hệ vi sinh vật sẵn có trong tự nhiên hoặc bổ sung] thành axit hữu cơ trong điều kiện yếm khí. Hàm lượng axit hữu cơ tăng, chủ yếu là axit lactic do quá trình sinh trưởng, phát triển của vi sinh vật làm cho môi trường pH giảm gây ức chế các vi khuẩn gây thối.

Ưu điểm là thành phần nguyên liệu được bảo quản gần nguyên trạng, cải thiện chất lượng dinh dưỡng do hoạt động của vi sinh vật sản sinh ra, không có độc tố, mùi vị thơm ngon, hấp dẫn gia súc, giá thành chế biến thấp, dễ áp dụng với mọi quy mô chăn nuôi và thời gian bảo quản dài.

Đặc biệt, gia súc ăn thức ăn ủ chua rút ngắn quá trình lên men ở dạ cỏ, hạn chế hoạt động của vi sinh vật dạ cỏ làm giảm quá trình sản sinh ra khí mê-tan, giảm phát thải khí nhà kính [C. Benchaar, 2001].

Các bước tiến hành ủ chua [ủ silo]:

1. Chuẩn bị hố ủ

Tuỳ theo điều kiện của nông hộ, quy mô chăn nuôi để chọn vị trí ủ và thiết kế hố ủ cho phù hợp:

+ Hố ủ có thể chìm trong lòng đất bằng cách đào hố đất trong vườn. Kích thước hố ủ được tính theo lượng nguyên liệu sẽ cho vào ủ [cỏ xanh 400-450kg/m3; thân, lá cây ngô, ngọn lá mía 450-500 kg/m3; thân lá cây lạc 300-350 kg/m3].

+ Hố ủ xây nổi hoặc nửa nổi, nửa chìm; có thể ủ trong các bịch nilon màu sẫm, dày [trên 0,2 mm] có kích thước lớn nhưng phải có máy hút chân không để rút không khí ra sau khi đưa nguyên liệu vào. Ưu điểm của túi chất dẻo là có thể buộc kín dễ dàng. Tuy nhiên, túi chất dẻo có nhược điểm là khó nén chặt thức ăn và túi có thể bị chọc thủng.

+ Dùng thùng phuy để ủ chua thức ăn. Trường hợp ủ chua trong thùng phuy cần lưu ý phơi thức ăn hơi khô hơn một chút [độ ẩm dưới 65%] để tránh lượng dịch lớn sinh ra trong quá trình lên men và tích tụ dưới đáy thùng, làm thối hỏng lớp thức ăn bên dưới.

Điều kiện tiên quyết trong quá trình ủ là hố ủ phải bảo đảm giữ được yếm khí, không ngập nước.

2. Thành phần nguyên liệu

- Các loại cỏ, lá, thân cây ngô sau khi thu bắp, cây ngô cả bắp xanh [bắp chín sữa], thân, lá cây lạc sau thu hoạch, ngọn, lá sắn, lá dứa…: 93-94%

- Bột sắn hoặc cám gạo, bột ngô: 2 - 5%

- Rỉ mật: 1 - 3%     

- Muối ăn: 0,5 - 1%

- Chế phẩm vi sinh vật [nếu có]: 0,1- 0,2%  

3. Tiến hành ủ chua

Nên thực hiện ủ chua khi thời tiết nắng ráo, không nên ủ chua khi trời mưa.

Đối với cỏ non, các loại lá chứa nhiều nước, cần phơi héo làm giảm tỷ lệ nước trước khi ủ.

Bột sắn hoặc cám gạo, bột ngô và chế phẩm men được trộn đều với rỉ mật trước khi tiến hành ủ.

Nên ủ ở nơi râm mát, cao ráo, thoát nước tốt, ủ tiến hành trong cùng một ngày.

- Cắt/thái nguyên liệu thức ăn với độ dài từ 3 – 7 cm.

- Rải một lớp bạt nilon lên đáy và thành hố ủ, sau đó rải một lớp cây ngô nguyên cây hoặc rơm khô dưới cùng. Rắc một lớp nguyên liệu dày 10-15 cm, tiếp tục rắc một lượt hỗn hợp bột trên. Vừa làm vừa nén chặt để đẩy không khí ra ngoài. Cứ làm lần lượt như vậy cho đến khi đầy hố ủ.

- Phủ rơm hoặc lá chuối khô hoặc phủ 2 lớp bạt nilon lên trên, che đậy thật kín, tránh không khí lọt vào, sau đó đắp đất lên trên dày khoảng 20 cm hoặc buộc chặt túi ủ để tạo môi trường yếm khí. Chú ý đào rãnh thoát nước mưa xung quanh.

- Thời gian ủ trong khoảng 21 ngày là có thể cho gia súc ăn.

4. Sử dụng thức ăn ủ chua cho gia súc

Thức ăn sau khi ủ có màu vàng rơm, mùi thơm, vị chua rất hấp dẫn gia súc.

Hàng ngày lấy thức ăn ủ chua cho gia súc ăn. Chú ý lấy gọn từng góc, thao tác nhanh. Sau khi lấy thức ăn xong phải che đậy thật kín, tránh để không khí lọt vào làm hỏng thức ăn.

Kiểm tra thức ăn ủ chua trước khi cho gia súc ăn. Nếu thấy thức ăn chuyển màu đen, có nấm, mốc, thối thì không cho gia súc ăn.

Khi mới cho gia súc ăn thức ăn ủ chua, tập cho gia súc ăn bằng cách trộn lẫn thức ăn ủ chua với thức ăn thô xanh thường ngày, tăng dần trong vài ngày đầu, có thể sử dụng thức ăn ủ chua khoảng từ 30-50% tổng khối lượng thức ăn thô xanh trong khẩu phần hàng ngày của gia súc. Riêng thân cây lạc, lá sắn chỉ cho gia súc ăn 2-4 kg/con/ngày.

Không nên cho gia súc trong thời kỳ vắt sữa [bò sữa, dê sữa] ăn thức ăn ủ chua trước khi khai thác sữa.

Thời gian bảo quản thức ăn ủ chua có thể đến 6 tháng nếu sau mỗi lần lấy thức ăn ra che đậy hố cẩn thận.

Theo tài liệu kỹ thuật của Viện Chăn nuôi và Tạp chí Khoa học động vật của Canada, 2001

Chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho trâu bò bằng phương pháp ủ chua

     Thức ăn thô xanh chiếm vị trí rất quan trọng đối với đàn trâu bò và chiếm đến 80% khẩu phần thức ăn hàng ngày. Hiện nay có rất nhiều hộ gia đình đã tự dành ra một phần đất nông nghiệp để trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò. Nhưng cỏ chỉ sinh trưởng và phát triển tốt trong vụ hè thu và vụ xuân. Do vậy, khi mùa đông đến vấn đề giải quyết thức ăn thô xanh cho trâu, bò vẫn còn hạn chế. Để chủ động nguồn thức ăn thô xanh bổ sung cho trâu, bò trong vụ đông, bà con nên áp dụng phương pháp ủ chua như sau:

          Ủ chua là biện pháp bảo quản, dự trữ thức ăn thô xanh thông qua quá trình lên men yếm khí [không có oxi]. Nhờ hệ vi sinh vật lên men, tạo ra a xít lactic và một lượng nhất định các a xít hữu cơ khác, tạo môi trường có ph thấp từ 4-4,5 ức chế hoạt động của các vi khuẩn gây hỏng, thối nguyên liệu  nhờ vậy thức ăn được bảo quản lâu dài.

          – Có thể áp dụng với nhiều loại thức ăn thô xanh.

          – Bảo quản thức ăn trong thời gian dài hơn thức ăn tươi.

          – Nguyên liệu sau khi ủ chua ít bị tổn thất dinh dưỡng và tăng tỷ lệ tiêu hóa so với nguyên liệu trước khi ủ mà lại có thêm vị thơm mùi chua nhẹ xen lẫn vị ngọt nên hấp dẫn vật ăn nhiều hơn.

* Nguyên liệu ủ:

         Nguyên liệu làm thức ăn ủ chua rất đa dạng, đó là các phần còn lại sau thu hoạch như thân lá cây ngô, ngọn lá mía, ngọn lá sắn, phụ phẩm dứa, các loại cỏ trồng như cỏ voi, VA06,.. Nhìn chung nguyên liệu sau khi thu cắt cần được ủ ngay tránh để lâu, dễ bị thối ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm ủ chua, Nếu nguyên liệu nhiều nước có thể phơi tái trước khi ủ đảm bảo độ ẩm trung bình khoảng 65-70%.

         Khi ủ cỏ bà con nên cắt cỏ vào giai đoạn trước khi ra hoa. Không nên cắt cỏ quá non, vì chứa nhiều nước, khó ủ. Cũng không chờ cỏ quá già. Đối với cỏ trồng, như cỏ voi chẳng hạn, nên cắt ở lứa tuổi 40 – 45 ngày. Bà con  có thể kiểm tra độ ẩm bằng cách: Nắm đầy nắm cỏ đã được băm, cắt nhỏ trong lòng bàn tay khoảng 30 giây, rồi quan sát.

          – Nếu dịch cỏ chảy dễ dàng qua kẽ ngón tay: Độ ẩm 75-85% không thích hợp để ủ.

– Khi mở tay ra nắm cỏ giữ nguyên hình dạng, tay ướt, độ ẩm từ 70-75%, cần phơi thêm.

– Khi mở tay ra, nắm cỏ từ từ nở ra, tay không bị ướt, độ ẩm khoảng 65-70%. Độ ẩm thích hợp để ủ.

– Cỏ nắm vào sẽ bung ra ngay khi mở tay: ẩm độ thấp hơn 60%, cần trộn chung với cỏ ướt hay thêm nước hoà rỉ mật.

          Nguyên liệu trước khi ủ phải sạch sẽ, rũ bỏ hay rửa sạch đất cát, sau đó chặt hay cắt nhỏ thành những đoạn kích thước khoảng 3 – 7 cm để có thể nén chặt trong quá trình ủ và thuận tiện cho gia súc ăn sau này.

* Công thức ủ:    

Tính theo 100 kg cỏ xanh bổ sung thêm 6 – 7 kg bột ngô [cám gạo, bột sắn], 0,5kg muối ăn. Nếu nguyên liệu già nhiều xơ ít đường cần cho thêm 2-5 lit rỉ mật.

* Cách ủ chua:

          – Lựa chọn dụng cụ chứa nguyên liệu ủ: tuỳ vào điều kiện, quy mô chăn nuôi, nguồn nguyên liệu ủ để chọn dụng cụ ủ thích hợp. Nếu chăn nuôi quy mô nhiều [trên 20 con] bà con có thể xây cố định bể ủ bằng gạch, bê tông hoặc tận dụng chuồng lợn không chăn nuôi, có thể đào hố đất có lót nilon. Nếu quy mô chăn nuôi nhỏ [dưới 20 con]  bà con có thể ủ trong túi bạt Nilon, vanh cống,…

          – Nguyên tắc ủ: Nguyên liệu càng nén chặt, càng kín khí càng tốt. Khi ủ nên rải thức ăn thô xanh thành từng lớp có độ dày 10 – 15cm, rồi cho nguyên liệu bổ sung là muối và cám theo tỷ lệ từng lượt một và cứ như thế một lượt cám một lượt cỏ cho đến khi đầy dụng cụ ủ. Khi ủ xong tiến hành đậy kín bể, hoặc buộc chặt túi ủ, chú ý đẩy không khi ra hết để tạo môi trường yếm khí.

          – Thời gian ủ. Để đảm bảo chất lượng ủ chua thì sau ủ trung bình khoảng 45- 60 ngày bà con có thể lấy ra cho gia súc ăn, thức ăn ủ chua có thể sử dụng được trong 3 – 4 tháng.

– Kiểm tra chất lượng và cách cho trâu bò ăn ủ chua

 Cỏ ủ có chất lượng tốt khi mở ra có màu vàng nhạt, mùi thơm [mùi dưa muối].

Trước khi cho ăn cần kiểm tra xem thức ăn có bị thối mốc hay có mùi lạ không nếu thấy có dấu hiệu đó thì không nên cho gia súc ăn.

Khi lấy thức ăn từ bể hoặc túi ủ nên lấy gọn gàng, phần nào ủ trước thì lấy trước, lấy xong thì che đậy lại ngay nhằm hạn chế không khí lọt vào.

Có thể cho gia súc ăn thức ăn ủ chua với định mức 5kg/100kg khối lượng cơ thể bò/ngày, kết hợp chăn thả, ăn thêm cỏ, rơm khô.

Trần Văn Luận – TTKN

Video liên quan

Chủ Đề